Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

TIỂU SỬ VÀ SỬ NGHIỆP CỦA TRƯƠNG VĨNH KÝ

1 Tiểu sử Trương Vĩnh Ký                
Trương Vĩnh Ký tên thật là Trương Chánh Ký, sau đổi thành Vĩnh Ký. Tự Sĩ Tải, theo đạo Công giáo nên có tên thánh: Jean - Baptiste Pétrus, nên còn gọi tắt là Pétrus Ký.
            Ông sinh ngày 06 tháng 12 năm 1837 tại chợ Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Là con trai thứ ba của ông Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu. Gia đình theo đạo Thiên Chúa nên từ nhỏ ngoài chữ Hán thụ huấn với một ông đồ trong làng, ông còn được vị linh mục trong vùng dạy chữ quốc ngữ. Mới 5 tuổi (1842) ông đã tỏ ra có thiên khiếu về việc học cùng một lúc hai thứ chữ khác nhau. Năm thân phụ qua đời ông được 8 tuổi, gia đình sa sút, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Châu phải làm lụng cực khổ để lo cho ông tiếp tục việc học. Năm 1845, may nhờ một linh mục tục gọi là cụ Tám vốn từng thụ ơn thân phụ ông thấy gia đình nghèo túng xin về nuôi dạy giùm (Hơn mười năm về trước, khi triều đình Huế cấm đạo gắt gao, cụ Tám từng được thân phụ Trương Vĩnh Ký- ông Trương Chánh Thi che chở cho thoát nạn. Hiển nhiên, giữa vị thầy Dòng bản xứ và gia đình họ Trương có mối liên hệ mật thiết, sâu xa). Vì thế ông được học chữ quốc ngữ với thầy giảng Tám. Qua năm 9 tuổi, vì tình thế đòi hỏi ở cụ Tám nhiều khả năng chính trị hơn là truyền giáo thuần túy, Trương Vĩnh Ký đã không được theo chân học hành. Trương Vĩnh Ký liền được giao qua tay một linh mục người Pháp, tục gọi là cố Long nuôi dạy. Trương Vĩnh Ký bắt đầu học chữ La-tinh lúc này.
            Cố Long tìm thấy ở Trương Vĩnh Ký một đồng đạo tương lai, bèn gửi cậu bé vào học một trường đạo ở Cái Nhum (1846). Là một đệ tử thuần thành với nhiều sáng ý báo hiệu một tài năng mai sau, Trương Vĩnh Ký rất được cố Long yêu thương chăm sóc, thế là Trương Vĩnh Ký được gửi qua Pinhalu. Pinhalu là tòa giám mục của Đức cha Michel tại Cao Miên, cũng là điều khiển các công tác của giáo đoàn Thiên Chúa giáo. Nơi đây, dưới sự chỉ dạy của cố Hòa (Belleveaux), nhiều chủng sinh từ nhiều quốc tịch khác nhau thuộc bán đảo Đông Dương đến tòng học. Trương Vĩnh Ký thụ giáo tại đây cho đến hết năm 11 tuổi; ngoài việc ông thông hiểu những kiến thức về giáo lý, ông còn biết thêm các dụng ngữ Khmer, Miến Điện, Xiêm, Lào và Trung Hoa nhờ chung đụng thường ngày với chúng bạn.
Những người điều khiển ở Pinhalu xét thấy đúng lúc cần đẩy Trương Vĩnh Ký lên một trình độ cao hơn nữa cho những ý đồ về sau, nên trong ba học bổng cấp du học trường Dulama ở Pinang (Malaysia), họ đã quyết định dành một cho Trương Vĩnh Ký. Thế là, do sự dẫn dắt của cố Long, Trương Vĩnh Ký được gửi sang Pinang, là nơi đặt Chủng viện chung của Hội Truyền giáo nước ngoài tại Viễn Đông. Trương Vĩnh Ký đã theo học từ năm 1852 cho đến 1856 thì được phong linh mục (Sacerdote), và sau 6 năm học (1852- 1858), ông trúng giải nghị luận triết học “Con của Người phải chăng là Chúa?” kèm theo món tiền thưởng một trăm đồng bạc. Môn La-tinh đối với ông trở thành ngôn ngữ chính bên cạnh các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật và Ấn Độ.
Năm 1858, được tin thân mẫu qua đời ông xin trở về nước chịu tang, sau đó sang Cái Nhum phụ các linh mục trong việc dạy học. Lúc này phong trào “Bình Tây sát Tả” đang hồi cao độ ông phải tạm lánh lên Sài Gòn nhờ sự che chở của giám mục Lefèbre. Ngày 01 tháng 9 năm Mậu Ngọ (1858 ) (Tự Đức thứ 11) trung tướng hải quân Regault De Genouilly đem 14 chiến thuyền Pháp và Y Pha Nho với hơn 3000 quân của hai nước đến bắn phá vào các đồn lũy ở Đà Nẵng rồi chiếm thành An Hải và Tôn Hải với chủ đích lấy xong Đà Nẵng sẽ tiến chiếm Huế. Sau lần bắn phá Đà Nẵng ngày 01 - 9 - 1858 không thành công, Genouilly kéo hạm đội vào Nam Kỳ hãm thành Gia Định (17-2-1859). Thành này bị chiếm, Genouilly bèn cử hải quân trung tá Jauréguibery và 800 quân ở lại để lo thiết lập một thế đứng tạm thời, còn hắn trở ra đánh Đà Nẵng lần thứ hai. Buổi đầu chân ướt chân ráo mới đến Sài Gòn, Jauréguibery không có ai giúp việc thông ngôn ngoài linh mục Yvon Marie Croc, trong khi công việc bề bộn. Ông đem việc này than phiền với giám mục giáo khu Sài Gòn và đức cha Lefebvre đã chỉ định Trương Vĩnh Ký làm phụ tá cho Croc (1860).
Như vậy Trương Vĩnh Ký vừa làm thông ngôn dưới tàu cho bộ tham mưu, vừa tháp tùng Jauréguibery trong những cuộc thanh tra và tuần thám trên các sông rạch. Lúc bấy giờ Trương Vĩnh Ký hiện diện tại những nơi đó như “một vị thần” trước con mắt của mọi người. Dưới con mắt của đồng bào ông, “Trương Vĩnh Ký là một thứ quan lớn ngoại quốc” [8, 43].
Từ địa vị thông ngôn, Trương Vĩnh Ký đã dần dần được người Pháp tin tưởng, giao cho những sứ mệnh tế nhị để rồi đi đến làm trung gian cho các cuộc thương thảo Pháp với Nam triều.
Năm 1861 Pétrus Ký thành hôn với bà Vương Thị Thọ, con gái ông Vương Tấn Ngươn, hương chủ làng Nhơn Giang (Chợ Quán) do linh mục Đoan họ đạo Nhơn Giang mối mai. Gia đình họ Vương là gia đình công giáo, sớm theo chế độ tân trào.
Năm 1862, với tư cách thông ngôn hạng nhất, Trương Vĩnh Ký đáp tàu Fobin theo Simon ra Huế áp lực nghị hòa. Phụ tá linh mục Legrand de la Liraye thanh tra bản xứ sự vụ.
Năm 1863 ông được sung chức sứ bộ trùng dịch, làm thông ngôn cho sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình việc chuộc lại ba tỉnh miền đông Nam Kỳ. Tháng 6 ông cùng sứ bộ xuống tàu Européen và tới Pháp vào tháng 8. Trong thời gian ở Pháp ông có dịp tiếp xúc và quen biết với văn hào Victor Hugo, Renan, sử gia Duruy, Littré, nhà thực nghiệm học và là hội viên Hàn Lâm Viện Paul Bert, nữ hoàng Isabelle ở Tây Ban Nha và Đức giáo hoàng Pio Nono IX ở Rome. Cũng dịp này ông được nhận làm hội viên của Viện nhân chủng Pháp. Ông đi thăm các thành phố Pháp như Rouen, Le Havre, Lorient, Tours, Lyon, Bordeaux và đi thăm các thành phố lớn ở Châu Âu như Madrid, Rome, Alicante, Barcelone, Gênes, Florence. Chuyến xuất ngoại này là một thành công lớn của Trương Vĩnh Ký, đã mở một bước ngoặc mới cho việc hành xử, sự nghiệp và cuộc đời còn lại của mình. Ông có được tầm nhìn mới về cuộc đời và hướng phục vụ đất nước của mình trong lúc phong trào thực dân thế giới đang lên. Trong hành trình kéo dài 8 tháng, cả đi lẫn về, Trương Vĩnh Ký có dịp sống gần gũi với hai vị quan đại thần Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ; đó không chỉ là hai vị quan đại thần, mà còn là những nhân vật đáng kính về tài đức. Trương Vĩnh Ký cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về nội tình đất nước và đồng bào của mình. Chính trong hồi ký chuyến đi, Trương Vĩnh Ký đã viết: “Tôi trở về với tâm hồn sung sướng vô cùng”. Có thể nói chuyến đi này đã “góp phần định hướng những suy tư và hoạt động của ông tìm về văn hóa dân tộc một cách tích cực hơn” [37, 1164].
Trở về nước năm 1864, Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm trách vụ với Soái phủ Nam Kỳ và hợp tác với cố Liraye trong công cuộc nghiên cứu cơ cấu truyền thống bản xứ và được bổ làm giáo sư trường Thông ngôn rồi thăng lên làm Giám đốc trường này từ 1866 - 1868.  Sau đó ông xin nghỉ ở nhà chuyên tâm vào việc khảo cứu. Nhưng không được bao lâu, năm 1869, súy phủ Sài Gòn lại giao cho ông quản nhiệm tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định báo. Tờ báo vốn là phần ấn bản tiếng Việt của tờ Courrier de Saigon, dưới sự điều hành của ông đã trở thành một tờ báo mới, độc lập, nội dung hoàn toàn thay đổi với các cộng tác viên tên tuổi như Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký.
Ngày 01 tháng 4 năm 1870, Pétrus Ký làm thông ngôn cho sứ thần Patocot (Ý).
Năm 1871, Trường Sư phạm (École normale) được thành lập, Pétrus Ký được cử làm hiệu trưởng.
 Năm 1872, ông được phong làm tri huyện hạng nhất nhưng từ chối không chịu làm quan cai trị, Năm 1873, Pétrus Ký được giao nhiệm vụ điều hành trường Tham biện hậu bổ (Collège des administrateurs stagiaires), dạy Việt và Hán văn và cũng bắt đầu viết sách.
Năm 1874, ông là Ủy viên Hội đồng Học chính cao cấp do Pháp thiết lập giúp đại sứ Ý ở Trung Hoa.
Năm 1876, thống đốc Nam Kỳ Dupré biệt phái ông ra Bắc nghiên cứu tình hình chính trị để thăm dò việc mở rộng thế lực của người Pháp. Trong thời gian 3 tháng ở ngoài Bắc ông nhìn thấy cảnh quan tham lại nhũng, nạn cường hào ác bá, trộm cướp lục lâm, tình hình lương giáo xung đột trầm trọng đòi hỏi một cuộc cải cách rộng lớn về hành chánh và tư pháp trong khi Nam triều bất lực. Trong phúc trình lên Dupré ông đưa ra nhận xét: “Triều đình Huế không thể nào làm nổi những cải cách ấy và chỉ có người Pháp mới có thể đưa tay ra đỡ dậy một xứ sở quá suy yếu như vậy” (phúc trình gửi Dupré ngày 28/04/1876). Nhân dịp này ông thu thập tài liệu cho tập du ký Chuyến di Bắc Kỳ năm Ất Hợi. Trở về Sài Gòn ông được Dupré cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn (hội viên người Việt đầu tiên và duy nhất) và Hội đồng học chánh thuộc địa.
Năm 1883, được Hàn lâm viện Pháp phong hàm Viện Sĩ (Offlcier d'academie).
Năm 1886, thủ tướng Freycinet triệu hồi thống tướng De Courcy về Pháp và giao binh quyền cho trung tướng Warnel, Paul Bert được cử làm khâm sứ Trung và Bắc Kỳ. Vốn quen biết và biết rõ khả năng của Trương Vĩnh Ký trong thời gian sứ bộ Phan Thanh Giản qua Pháp thương thuyết, Paul Bert ngay khi đến Sài Gòn vào tháng 02, 1886 đã cho người đi tìm Trương Vĩnh Ký. Paul Bert lúc đầu nhờ ông mấy việc nhỏ như thiết lập danh sách những người có thể ra Bắc làm thông ngôn, dịch ra chữ Nho bài bố cáo đọc ở kinh đô Huế. Sau đó Paul Bert điều đình với soái phủ Sài Gòn để Trương Vĩnh Ký làm việc trực thuộc dưới quyền. Paul Bert đem ông ra Huế để giúp cải thiện mối giao thiệp giữa hai chính phủ Pháp - Nam. Paul Bert đặt ông ở Viện Cơ mật và trao cho nhiệm vụ quan sát hoạt động của viện, đồng thời vận động cảm tình của vua Đồng Khánh cùng các quan trong triều. Ông được phong chức Hàn lâm Viện thị giảng học sĩ nhờ dạy vua Đồng Khánh học chữ Pháp. Ông ở vào vị thế trung gian rất tế nhị và khó khăn. Phía Nam triều thì ngoan cố, nghi kỵ thiện ý của ông, còn phía Pháp thì đố kỵ vì thấy ông được Paul Bert trọng dụng nên nói xấu, vu cho ông không thật lòng với Pháp. Trong tình huống này ông rất cẩn trọng và luôn luôn trình bày cho cả hai chính phủ hiểu rõ quyền lợi lâu dài để tương nhượng lẫn nhau hầu đôi bên đều có lợi. Không có tư kiến khi lo việc quốc gia nên một mặt ông hết sức thuyết phục quan lại Nam triều chấp nhận sự hợp tác và những lợi ích dưới sự bảo hộ của Pháp. Mặt khác, ông bênh vực Nam triều không để cho Pháp dễ dàng dẫm chân lên quyền lợi hoặc thể diện quốc gia. Trong vụ Paul Bert đòi triều đình Huế dành cho Pháp nhiều quyền hơn ở Bắc Kỳ, ông đề nghị đổi lại Pháp phải chia một phần thuế thâu ở Bắc Kỳ cho ngân quỹ Nam triều (Thư gửi Paul Bert ngày 04/11/1886). Một điều đáng chú ý nữa là thái độ của ông trong vấn đề tôn giáo. Tuy là tín đồ Thiên Chúa giáo và chính bản thân ông đã từng là nạn nhân cũng như chứng nhân của những vụ khủng bố đạo, song ông không có ý thiên vị. Vài nơi theo đạo Thiên Chúa ở miền Trung đã tự cho mình ưu thế nên có những hành vi lộng quyền, ông thẳng thắn phúc trình và lên án. Ông cho rằng phải giải quyết sự việc theo quan điểm quốc gia và phải từ bỏ mọi vị nể tín ngưỡng. Ông không có thành kiến của một tín đồ, trái lại, ông có cái nhìn thực tiễn của nhà chính trị, óc duy lý của một học giả. Nhưng cuộc hợp tác chính trị giữa Trương Vĩnh Ký và Paul Bert mới được 6 tháng, kết quả chưa được bao nhiêu thì Paul Bert bị bạo bệnh từ trần ở Hà Nội ngày 11/11/1886.
            Sau khi Paul Bert chết Trương Vĩnh Ký bị nhóm thực dân không cùng cánh bỏ rơi, bạc đãi; và bản thân ông sau đó cũng bị triều đình Huế nghi kỵ và trù dập nên ông lấy cớ đau phổi xin từ chức về lại Sài Gòn dạy học tại trường Hậu bổ, trường Thông ngôn và viết sách trong cảnh túng thiếu, và trong tâm trạng có phần ưu phiền.Ông đặt tên cho ngôi nhà của mình là Trương ẩn sĩ (nhà của ẩn sĩ họ Trương) và vùi mình vào việc khảo cứu, biên soạn, nhưng sâu trong  đáy lòng  có chút vấn vương về “cuốn sổ bình sanh công với tội”.
Năm 1887, Trương Vĩnh Ký đi công tác ở Bangkok để giải quyết vấn đề giữa Thái Lan và Đông Dương. Khi về ông phúc trình cho Thống đốc Nam Kỳ vấn đề quyền lợi của Việt Nam ở tả ngạn sông Cửu Long. Sau đó ông xin nghỉ hưu. 
Năm 1888, ông đứng ra xuất bản tờ học báo Thông loại khóa trình (Misce1lannées), được 18 số (1888-1889) thì hết tiền phải ngưng. Trước kia, lúc còn được ưu ái, những sách của Trương Vĩnh Ký đều được nhà cầm quyền Pháp bỏ tiền ra in, để phân phối cho học sinh. Nhưng từ khi bị hất hủi, lui về ẩn dật ở Chợ Quán, ông phải bỏ tiền riêng ra in ấn và tự phát hành. Ông làm giáo sư Việt ngữ tại trường hậu bổ.
Sống trong hoàn cảnh buồn bã, túng quẩn, bệnh hoạn luôn, Pétrus Ký qua đời vào ngày 01 tháng 9 năm 1898 trong cảnh nợ nần túng thiếu và tuyệt vọng.
Mộ phần và nhà ở khi xưa của ông (nay là nơi thờ phụng ông), hiện nằm nơi góc đường Trần Hưng ĐạoTrần Bình Trọng thuộc Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
Một vài nhận xét:
Có thể nói rằng Trương Vĩnh Ký là người ham hiểu biết, đi đâu, đọc gì, thấy gì cũng hay ghi chép để làm tư liệu.Trong cuộc đời hoạt động văn hóa, hoạt động mà có lẽ trong thâm tâm ông, ông cho là có lợi lâu dài cho cả hai bên Pháp và Việt: người Pháp thì sẽ tôn trọng Việt Nam hơn, như là một nước có ngàn năm văn hiến, từng có quá khứ hào hùng vẻ vang, chống xâm lăng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, còn người Việt Nam thì cũng sẽ hiểu nước Pháp và người Pháp hơn, với truyền thống của nền văn hóa lâu đời Hi Lạp và La Mã, những tư tưởng Bình đẳng, Tự do, của cuộc cách mạng tư sản Pháp. Ông đã làm được khá nhiều việc trong công tác giới thiệu nền văn hóa và văn minh Tây Âu và Pháp cho người Việt, đồng thời cũng giới thiệu những cái hay, cái đẹp của nền văn hóa Việt Nam cho người Pháp biết, để người Pháp hiểu biết và tôn trọng người Việt Nam, đất nước Việt Nam hơn. Qua việc sử dụng rộng rãi chữ Quốc ngữ, họ Trương làm được một công đôi việc là giúp cho đông đảo người Việt hiểu biết hơn về đất nước mình, nền văn hóa truyền thống của mình, khích lệ niềm tự hào dân tộc của đồng bào.
Trương Vĩnh Ký còn là người đọc và nói giỏi 15 sinh ngữ, tử ngữ của phương Tây, và biết vững vàng 11 ngôn ngữ phương Đông, là hội viên Hội nhân chủng và khoa học miền Tây nước Pháp, Hội chuyên học nói tiếng phương Đông, Hội chuyên học địa lý ở Pari v.v…Đương thời, ông được giới học thuật châu Âu liệt vào 18 nhà bác học trên thế giới.
Có một vấn đề khi đánh giá một nhân vật là “người thời sau có quyền nghĩ thế này thế kia, nhưng trước hết phải tìm hiểu người đương thời nghĩ gì về tác giả, tác phẩm mình nghiên cứu” [113, 46]. Riêng trường hợp Trương Vĩnh Ký, việc đánh giá ông của người đương thời đã trở thành truyền thống dân gian, không phải chỉ trong giới trí thức văn hóa. “Nếu chúng ta so sánh với các nhân vật lịch sử của nước ta, nếu đặt ông bên cạnh Trần Ích Tắc, Trần Di Ái thì cũng tội nghiệp cho ông quá” [15, 11]. Chúng ta cũng không nên so sánh Trương Vĩnh Ký với những nhà cách mạng “nòi” như Thủ Khoa Huân, Trương Định, hay người thấm nhuần tư tưởng đạo Nho như cụ Đồ Chiểu… So sánh như vậy là sẽ bất công và khập khiễng. Chúng ta nên so sánh Trương Vĩnh Ký với những người Công giáo khác, hay là những người cùng làm việc cho chính quyền thuộc địa như ông như Tôn Thọ Tường, Nguyễn Hữu Độ, nhất là với những người cũng làm thông ngôn như ông nhưng lại ỷ thế người Pháp mà chiếm đất, làm giàu, kiểu Lê Phát Đạt học trò của ông ở trường Thông ngôn rồi ra làm thông ngôn ở Tân An. Tên này chỉ làm thông ngôn có ba năm mà làm giàu to, đất đai cò bay thẳng cánh, và giàu bạc tỉ (nếu đối chiếu số tiền hiện nay). Cuộc đời ông có lẽ “ông gần hơn với Hồ Nguyên Trừng. Cũng tài năng ấy và tâm sự ấy. Cũng để lại cho đời sau một tấm gương và một tấm lòng ai oán” [15, 11]. Đồng thời ngay bản thân ông, khi nhìn lại cuộc đời mình, đối chiếu với tình cảnh nước nhà lúc đó, và có lẽ đối diện với công luận khảng khái, chân chính của giới sĩ phu, trí thức và nhân dân Nam Bộ thời bấy giờ, hẳn rằng ông cũng như người đồng thời và đồng đại của ông là Nguyễn Trường Tộ đã hơn một lần thốt lên tâm sự của mình qua hai câu thơ xưa: “Thất túc nhất thành thiên cổ hận, Hồi đầu dĩ thị bách niên thân” (Một phút sa chân muôn thuở hận, Quay đầu nhìn lại đã trăm năm). Chính nỗi thất vọng và niềm tâm sự ấy đã gửi lại trong bài thơ Tuyệt mệnh của ông làm cho bao tấm lòng đương thời và hậu thế “giận thì giận mà thương thì thương” đối với ông. So với Phan Thanh Giản “minh tinh chín chữ lòng son tạc”, thì Trương Vĩnh Ký còn thảm thiết hơn ghi trên mộ chí của mình: “Miseremeni mei saltem vos amicis mei”
(Xin hãy thương tôi ít ra là các bạn của tôi).
Phải chăng ở con người Trương Vĩnh Ký bị ám ảnh bởi một thứ mặc cảm phạm tội. Chính những dòng thơ tuyệt mệnh của ông phô bày niềm u uẩn đó.
“Quanh quanh, quẩn quẩn lối đường quai,
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời!
Học thức gửi tên con mọt sách,
Công danh rốt cuộc cái quan tài.
Dạo hòn lũ kiến men chân bước,
Bò xối con sùng chắc lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội.
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung giai đoạn đầu cũng phê phán Trương Vĩnh Ký nhưng “Sau 20 năm, nhìn lại những gì viết để phê phán Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, chúng tôi thấy không thay đổi những lối nhìn phê phán đối với Phạm Quỳnh. Nhưng về Trương Vĩnh Ký, chúng tôi nhìn nhận phải duyệt lại lối nhìn phê phán trước đây và công trình biên soạn này là một nỗ lực duyệt lại” [113, 46]. Tất cả những ai đã viết về Trương Vĩnh Ký từ người đương thời đến về sau, người Việt hay người Pháp đều nhấn mạnh con người đạo đức của Trương Vĩnh Ký, và trong nhiều đức tính của ông, đức tính đáng nói, đáng quý hơn cả là sự khiêm tốn như Nguyễn Văn Tố đã đúc kết trong bài biên khảo dài mà rất sâu sắc và nghiêm chỉnh: Science, Conscience et Modesti” [113, 19].
Đặng Thúc Liêng trong lời tựa cuốn Trương Vĩnh Ký hành trạng (Nhà in Xưa Nay, Nguyễn Háo Vĩnh, Sài Gòn, 1927) đã gọi Trương Vĩnh Ký là “một vị tân quân tử thật của nước Việt Nam ta, ai ai cũng đều biết cả. Chúng ta muốn dựng hình tượng quân tử, thời nên đọc truyện quân tử mới trọn tình cảm mộ, được bắt chước theo quân tử hành vi mà sửa chữa nhân cách cho hoàn toàn, nhân cách thủy được hoàn toàn thời xã hội ta ngày nay biết bao nhiêu là hạnh phúc” [80, 4].
Điểm nhất trí về Trương Vĩnh Ký: đánh giá cao tư cách con người Trương Vĩnh Ký về mặt đạo đức và điều đó được kể là cốt yếu nhất.
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, với việc thấy được ý nghĩa của việc giành lại Trương Vĩnh Ký về phía người Việt Nam, tổ chức Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu đã kêu gọi mọi người quyên tiền để dựng tượng Trương Vĩnh Ký khi dựa vào sự đánh giá con người, tư cách, sự nghiệp của ông. Người bấy giờ xem Trương Vĩnh Ký là quân tử, hiền nhân, ông thầy đạo lý của Nam Kỳ. Chính vì thế mà họ dựng tượng để tưởng niệm biết ơn ông và nêu gương ông. Nhưng vì có nhiều lý do mãi đến ngày 18-12-1927, tượng Trương Vĩnh Ký mới dựng được.
Theo Tư liệu gia đình do ông Trương Chánh Thành cung cấp thì ngày 07 tháng 12 năm 1937, ở Cái Mơn làm lễ kỷ niệm ông P. Trương Vĩnh Ký rất long trọng, “người dự lễ lúc bấy giờ có trên 5000 - cuộc tổ chức rất là chu đáo”, mà theo ghi nhận lúc bấy giờ là “Nam Kỳ mới có một lần”. Sau buổi lễ ban tổ chức đi tìm chỗ để đặt bia tưởng niệm Trương tiên sinh. Ban tổ chức nhờ ông Trương Vĩnh Tống đưa đi, “ban tổ chức rất may mắn tiềm (tìm) đặng chỗ chôn nhao cắt rún của đại văn hào. Chủ miếng đất ấy hiện nay là bà Hội đồng Hiền, vừa biết đặng cái mỹ ý của ban tổ chức, bà rất vui lòng hiến cho miếng đất chỗ đã lựa đặng đặt bia kỷ niệm”. “Theo lời ông cha sở họ Calmon (có lẽ là Cái Mơn- chú thích của người viết) thì chỗ ấy không đâu khác hơn là chỗ của cái nhà cũ của nhà đại văn hào hồi mới lọt lòng”. Nhà bia tưởng niệm Trương tiên sinh khoảng 20m2 gần mé rạch Ông Mầu, nay thuộc ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cách nhà thờ Cái Mơn và cầu Cái Mơn Lớn khoảng 400m. Hiện nay việc chăm sóc, bảo vệ nhà bia do chính quyền địa phương xã Vĩnh Thành kết hợp với đoàn trường THPT Trương Vĩnh Ký.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung trong “Trương Vĩnh Ký, Nhà văn hóa” cũng đã cho rằng “Trong khi nghiên cứu về mảng văn học miền Nam thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chúng tôi đã tìm ra lý do giải thích: chính sách người Pháp kéo về hàng ngũ của họ những người như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản và các vua, quan triều Nguyễn, kể cả Gia Long, qua các sách sử ký dạy ở trường học, hay qua việc dựng tượng, đặt tên đường, tên trường, và tổ chức long trọng các ngày kỷ niệm, ngày sinh, ngày mất, v.v…và vì thế, chúng tôi kết luận nếu chúng ta tiếp tục chống những người trên tức là vẫn mắc mưu thực dân, bị chính sách thực dầu độc bằng sách vở, mặc dầu chế độ thực dân không còn nữa” [83, 4]. Vậy ngày nay, có nên giành Trương Vĩnh Ký về phía Việt Nam không, như các nhà yêu nước đầu thế kỷ đã làm? Điều này chúng ta không cần phải trả lời.
Trước 1975, tên của ông được Bộ giáo dục Việt Nam Cộng hòa đặt cho một ngôi trường trung học lớn nhất miền Nam. Sau năm 1975, trường này được đổi tên là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngày nay ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có ngôi trường tư thục mang tên  ông.
Thể theo yêu cầu nguyện vọng của người dân địa phương và thầy cô giáo trường THPT Chợ Lách B, ngày 20/8/2007, UBND Tỉnh Bến Tre ra Quyết định số: 1353/QĐ-UBND về việc đổi tên trường THPT Chợ Lách B thành trường THPT Trương Vĩnh Ký và sáng ngày 06 tháng 12 năm 2010, bức tượng đồng nhà bác học Trương Vĩnh Ký được khánh thành và đặt trong khuôn viên ngôi trường mang tên ông. Đây là chương trình “Mỗi giọt đồng đúc tượng danh nhân” do Tạp chí Xưa và Nay chủ trương. Tạp chí Xưa và Nay đã tặng trường nhân kỷ niệm 173 năm ngày sinh của Trương tiên sinh. Việc đặt tên trường và đặt tượng trong khuôn viên nhà trường đã có ý nghĩa giáo dục truyền thống hiếu học của cha ông đối với các em  học sinh đang học trong ngôi trường này.

2 Sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký
Trương Vĩnh Ký là nhà văn, nhà bác học, ông hơn người ở chỗ làm việc rất mải miết, rất đều đặn, sự nghiệp văn chương của ông vô cùng to lớn. Ông bắt đầu viết từ năm 26 tuổi (1863) cho đến khi từ trần (1898) cho nên những sách của ông thuộc đủ cả các loại và vô cùng phong phú.
            Khi đi vào sự nghiệp Trương Vĩnh Ký ở khía cạnh nhà văn chúng ta cũng nên thống nhất với nhau một điều là danh vị nhà văn ấy bao gồm cả lĩnh vực dịch thuật, trước tác, phóng tác, sưu tầm, phiên âm chứ không phải đơn thuần là nhà văn ở lĩnh vực sáng tác. Xét toàn bộ các tác phẩm có tính chất văn học của Trương Vĩnh Ký thì đa số là thuộc loại sưu tầm, phiên âm, nghiên cứu còn các tác phẩm thuộc loại sáng tác thật là ít ỏi. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì mục đích của Trương Vĩnh Ký là phổ biến chữ quốc ngữ cũng như mục đích giáo dục là rất cần và cần nhiều tác phẩm gần gũi với nhân dân để làm phương tiện truyền bá chữ quốc ngữ nên việc Trương Vĩnh Ký phiên âm chú thích các tác phẩm văn Nôm cũng như sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian chép lại bằng chữ quốc ngữ cũng là nhằm mục đích ấy.
Khi chúng ta căn cứ vào thư mục của các tác giả trong và ngoài nước, trước kia cũng như hiện nay có thể khẳng định ông đã có một hoạt động văn hóa phong phú và đồ sộ. Trong bối cảnh lịch sử xã hội đầy biến động đó mà ông có được khối lượng tác phẩm đồ sộ như thế, ta có thể thấy được sức làm việc phi thường của ông trong hoạt động văn hóa.
Theo Giáo sư Hoàng Như Mai, “Những công việc về văn hóa, với số lượng nhiều, chiếm nhiều thời gian và công sức của Trương Vĩnh Ký. Trương Vĩnh Ký đã làm việc liên tục (có lẽ có kế hoạch dài hạn), suốt cả một đời” [38, 114].
Trương Vĩnh Ký đã nói rõ mục đích trước tác của mình như trong thư gửi Hội đồng quản hạt Nam Kỳ ngày 12 - 12 - 1882: “Mục đích của những công trình khiêm tốn này là làm cho việc học biết tiếng nói của kẻ chinh phục và của người bị chinh phục có thể thực hiện lẫn cho nhau, là thắt chặt hơn nữa những quan hệ có lợi cho quyền lợi chung ràng buộc họ với nhau, là cải thiện số phận người An Nam cần được phục hồi bằng cách làm cho việc giáo dục học vấn của họ được hoàn hảo hơn, bằng cách làm cho họ hiểu thế nào là cuộc sống của một dân tộc và phát triển luôn trên con đường tiến bộ cùng với các nước khác trong hoàn cầu” [38, 13].  
Bên cạnh mục đích mong muốn mở mang tri thức cho dân tộc và tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc, Trương Vĩnh Ký còn muốn gìn giữ, truyền bá rộng rãi đạo đức truyền thống cho nhân dân trong xã hội đầy biến động lúc bấy giờ. Đó là một việc làm đáng quý theo nhận xét của Đặng Thúc Liêng: “Vĩnh Ký có ý vì đương cơn thế loạn, đạo nghĩa tro tàn, e cho Nam Kỳ ta những nhà đạo đức, văn chương thế chẳng khỏi càng ngày càng suy bại! Bởi vậy cho nên lo trước thơ, lập ngôn, như đã nói trước đó, mà tùy thời sắp đặt sự dạy dỗ người, chẳng chia gì người Âu, kẻ Việt, coi đồng một bực. Miễn là duy trì đạo học được còn lại trong Nam Kỳ muôn một là may! Hi ôi! Chìm thuyền giữa dòng nước, được một cái bầu nổi, cầm đáng nghìn vàng. Vô cùng cảm khái!” [80, 9].
            Cho đến ngày nay đã có nhiều thư mục Trương Vĩnh Ký nhưng đúng là chưa có một thư mục hoàn chỉnh. Nhà nghiên cứu Bằng Giang là người đã dày công trong việc sưu tầm, kê cứu, phân loại cũng như đính chính những nhầm lẫn của các tác giả khác khi tiếp nhận di sản văn hóa của Trương Vĩnh Ký trong Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký. Và Bằng Giang cũng đã khẳng định Trương Vĩnh Ký là một trong ba tác giả viết khỏe nhất ở Nam Kỳ trong hơn ba thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX. Theo Bằng Giang trong số ba tác giả: Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của thì Trương Vĩnh Ký là người nổi trội hơn cả.
Trương Vĩnh Ký viết nhều sách và nhiều loại sách khác và số lượng trang của các tác phẩm đa dạng, có tác phẩm từ vài trang nhưng cũng có tác phẩm hơn trăm trang. Thêm vào đó, là tình hình lưu trữ các tác phẩm đó hiện không còn đầy đủ, có một số tác phẩm được lưu trữ ở một số thư viện của nước ngoài, hoặc bị thất lạc không còn nên khó có thể xác định chính xác số lượng tác phẩm là bao nhiêu. Vì thế, khi nghiên cứu sự nghiệp văn học của Trương Vĩnh Ký các nhà nghiên cứu gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các tác phẩm của ông. Do vậy, mà số lượng các tác phẩm được các nhà nghiên cứu kê khai khác nhau, tiêu biểu như:
Theo nhà nghiên cứu Bằng Giang trong Văn học quốc ngữ Nam Kỳ thì số sách được in lại của Trương Vĩnh Ký là 118, đây là một con số “phù thủy” đã chinh phục được nhiều người cầm viết. Nhiều tác giả và những thư mục không tác giả kèm theo một số sách được in lại của Trương Vĩnh Ký đã đưa ra nhiều con số khác nhau: 66, 117, 118, 119, 120, 121,127,… Có tác giả lên bảng kê với tên sách được đánh số liên tục, chẳng hạn như Dương Mạnh Huy (Huyền Mặc Đạo Nhân) trong loạt bài “Một người tốt của nước Việt Nam” trong Lục tỉnh tân văn kể từ số ra ngày 5 - 7 - 1927. Số lượng được kê là 66. Cũng có tác giả xác định số lượng mà không có bảng kê đầy đủ chẳng hạn như Nguyễn Sinh Duy và Phạm Long Điền trong Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký (Sài Gòn, 1975) số lượng xác định là 121. Trong những con số kể trên “chỉ riêng có con số 118 như có một ma lực phù thủy chinh phục được nhiều người trong làng bút mục từ nửa thế kỷ nay, đã đi vào nhiều sách báo có tính phổ thông hoặc nghiên cứu” [25, 50].
Năm 1942, trên tờ Tri Tân tạp chí số 44, Long Điền có bài  Sự nghiệp trước thuật của cụ Trương Vĩnh Ký (1837- 1898). Trong 31 năm cụ trước thuật được 118 pho sách tính trung bình mỗi năm làm được từ 3 đến 4 quyển. Tác giả cho biết “có để ý sưu tầm từ lâu nay được ông bạn Lê Thọ Xuân ở Bến Tre giúp sức đã tìm được một bảng kê các sách của cụ trước tác và dịch thuật” [25, 51]. Lập một bảng kê về sự nghiệp trước thuật của Trương Vĩnh Ký, Long Điền có ghi lại sách đã xuất bản, sách in hạn chế bằng thạch bản và sách dự định xuất bản. Theo Bằng Giang thì kể hết như vậy là đúng (vì sự nghiệp trước thuật chứ không phải thư mục) nhưng có chỗ bất ổn là tác giả nhập cục lộn xộn các loại sách đó làm một và đánh số liên tục từ 01 đến 118 khiến cho người đọc hiểu nhầm đó là toàn là sách đã xuất bản, và bảng kê của ông là một thư mục, tuy có sơ sài.
Nhưng sự thật con số 118 đã bị sai lệch, lí do là một cuốn biến thành hai. Trong cuốn Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca lần đầu in thạch bản (1877), sau đó được xuất bản từ nhà in  Guilland et Martion(1884). Bảng Long Điền kể là hai đầu sách có hai số mục khác nhau, trong lúc chỉ nên kể là một. Hai cuốn được nhập lại làm một. Năm 1889, Trương Vĩnh Ký xuất bản hai cuốn Đại họcTrung dung in riêng tại nhà in Rey et Curiol. Bảng Long Điền nhập hai cuốn này lại làm một đầu sách.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để kết luận rằng con số 118 hiển nhiên là không đúng nhưng vẫn được tiếp tục sử dụng phổ biến. Cũng trong quyển Văn học quốc ngữ Nam Kỳ, Bằng Giang cũng đã cho rằng “Long Điền không coi con số 118 là cố định, chính xác. Về một khía cạnh nào đó, ông dè dặt: Chúng tôi khảo cứu mới biết được có 118 quyển sách trên, chưa chắc đã là đủ” [25, 55]. “Về sau thì một số người sử dụng LĐ mà không quan tâm đến sự dè dặt đó. Không nói đến trường hợp người sử dụng LĐ gián tiếp qua một tác giả khác, mà tác giả này lại không ghi xuất xứ của của con số 118. Không quan tâm đến ý dè dặt của tác giả, thấy con số 118 được phổ biến rộng từ những bộ sách được coi là nghiêm chỉnh, người ta có dễ tâm lý an toàn, coi con số 118 như là một con số đã được khẳng định” [25; 54 - 55].
            Theo bảng kê của Từ điển văn học thì các công trình lớn nhỏ của Trương Vĩnh Ký gồm 118 công trình xếp thành 6 loại: nghiên cứu lịch sử - địa lý; nghiên cứu về các bộ môn khác trong khoa học xã hội; biên soạn từ điển; dịch sách chữ Hán; sưu tầm phiên âm truyện Nôm và tác phẩm cổ Việt Nam; và sáng tác thơ văn.
Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (tập 2) trang 310: Theo Bảng thư mục do chính Trương Vĩnh Ký làm năm 1892 (Catalogue des ouvrages publies et edites jour par J.P.B Trương Vĩnh Ký) thì Trương Vĩnh Ký đã viết và in 119 công trình lớn nhỏ bằng chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp. Ông còn có dự định từ năm 1892 sẽ viết in 22 công trình nữa.
Thư mục sách xuất bản và biên soạn (Uovrages publiés et Édités) in đằng sau cuốn Chuyện khôi hài (S. Imprimerie F.H.Schneider, 1909), thì ông có 120 tác phẩm.
Bouchot liệt kê phía sau quyển Pétrus Truong Vinh Ky Érudit Cochinchinois, 1925 và Trương Vĩnh Ký hành trạng của Đặng Thúc Liêng thì ông có 78 tác phẩm.
Lê Thanh liệt kê phía sau quyển Trương Vĩnh Ký - biên khảo thì ông có 70 cuốn sách, 6 bài thơ và 15 bản thảo chép tay.
Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, Nxb Văn hóa Sài Gòn thì ông có 121 tác phẩm, và 23 bút tích.
Dựa vào những tác phẩm sưu tầm được và tài liệu hiện có về Trương Vĩnh Ký của các nhà nghiên cứu, người viết chia làm 5 nhóm những tác phẩm của ông:                             
A. SÁCH DẠY TIẾNG
B. SÁCH LỊCH SỬ - ĐỊA LÝ
C. NGHIÊN CỨU, DỊCH HÁN VĂN
D. SƯU TẦM, PHIÊN ÂM TRUYỆN NÔM VÀ VĂN HỌC CỔ VIỆT NAM
E. SÁNG TÁC THƠ VĂN
Như vậy, ta có thể thấy được sự nghiệp văn hóa của Trương Vĩnh Ký vô cùng đồ sộ, phong phú và đa dạng. Và cho đến nay, việc sưu tầm và nghiên cứu về tác phẩm của Trương Vĩnh Ký còn là là một vấn đề còn nhiều khó khăn và có nhiều ý kiến chưa được thống nhất về mặt số lượng.

                                                                                                     Người viết: Võ Văn Điệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét