Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN TRONG MỘT SỐ BÀI THƠ CỦA XUÂN QUỲNH

CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN
TRONG MỘT SỐ BÀI THƠ CỦA XUÂN QUỲNH
1. Xuân Quỳnh và thơ
1.1. Cuộc đời
Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội). Nhà thơ xuất thân trong một gia đình công chức, mồ côi mẹ từ nhỏ, ở với bà nội. Bà được xem là nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ tình được nhiều người biết đến như Thuyền và Biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu...Xuân Quỳnh mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi. Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Tác phẩm
- Tơ tằm - chồi biếc (thơ, in chung)
- Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung)
- Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974)
- Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978)
- Sân ga chiều em đi (thơ, 1984)
- Tự hát (thơ, 1984)
- Hoa cỏ may (thơ, 1989)
- Thơ Xuân Quỳnh (1992 , 1994)
- Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (1994)
- Cây trong phố - Chờ trăng (thơ, in chung)
- Bầu trời trong quả trứng (thơ thiếu nhi, 1982)
- Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985)
- Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi - 1981)
- Bến tàu trong thành phố (truyện thiếu nhi, 1984)
- Vẫn có ông trăng khác (truyện thiếu nhi, 1986)
- Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995).
1.2. Đặc điểm nghệ thuật
Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. Ngay từ những tập thơ đầu tay, hồn thơ Xuân Quỳnh đã thể hiện được sự phong phú, hồn nhiên, tươi mới, sôi nổi và đầy khát vọng. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã trở nên nổi tiếng như Thuyền và biển, Sóng, Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh... Các bài thơ Sóng, Truyện cổ tích về loài người được đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ: Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh.
2. Chủ nghĩa nhân văn
Các nhà khoa học nhìn nhận chủ nghĩa nhân văn theo hai vấn đề:
Ở cấp độ thế giới quan: Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là những tư tưởng, quan điểm, tình cảm trong các giá trị người (phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp, sự hài hòa tình cảm). Chủ nghĩa nhân văn nhìn con người không đơn thuần ở đạo đức mà bao hàm cách đánh giá con người.
Ở cấp độ lịch sử: chủ nghĩa nhân văn được nhìn nhận như một trào lưu văn hóa tư tưởng xuất phát từ trào lưu văn học phương Tây thời Phục Hưng.
Họ nhìn nhận chủ nghĩa nhân văn là vì con người (giải phóng con người, ngợi ca con người, đặc biệt đề cao những khát vọng cao đẹp và niềm tin vào sức mạnh toàn năng của con người). Ở đây nhấn mạnh vai trò toàn năng của con người. Trong khi đó chủ nghĩa nhân đạo hướng tới niềm cảm thông con người (nhấn mạnh sức mạnh toàn năng của con người)
Theo Từ điển văn học (Bộ mới) thì chủ nghĩa nhân văn là một hệ thống quan điểm triết học – đạo đức, chính trị - xã hội coi con người và đời sống hiện thực, trần thế của nó, một đời sống văn minh, hạnh phúc, hữu ái, là mục đích cao nhất. Nó giải thích những nguyên nhân đã gây ra cho nhân loại cảnh bất hạnh, tội lỗi, đồi trụy… và đề ra phương pháp giải quyết trước.
Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi) cho rằng chủ nghĩa nhân văn (humanism) là chủ nghĩa nhân đạo và nhìn nhận nó ở hai cấp độ: thế giới quan và lịch sử và khẳng định sự ra đời của chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình giải phóng tinh thần và tự ý thức của nhân loại.
Vôngin: chủ nghĩa nhân văn là toàn bộ những quan điểm đạo đức, chính trị bắt nguồn từ thực tế của đời sống con người với những nhu cầu khả năng trần thế và những nhu cầu khả năng ấy phải được phát triển đầy đủ, phải được thõa mãn. Từ quan niệm của Vôngin ta nhận thấy chủ nghĩa nhân văn không chỉ là chính trị, triết học mà nó là nhu cầu, là khát vọng của con người đáp ứng đến tận cùng yêu cầu của con người là được “thõa mãn”.
Trên cơ sở các vấn đề, có thể khái quát mấy điều về chủ nghĩa nhân văn:
Thứ nhất, chủ nghĩa nhân văn là khái niệm để chỉ một trào lưu triết học văn hóa, văn nghệ mang tính chất tiến bộ hướng đến việc giải phóng con người, giúp con người tiến bộ thoát khỏi những đè nén về tinh thần và sự kềm chế con người.
Thứ hai, chủ nghĩa nhân văn hướng đến con người, xem con người là mục đích cao nhất trong đời sống và sự phát triển của xã hội (mục đích là vì con người)
Thứ ba, phân biệt khái niệm chủ nghĩa nhân văn – chủ nghĩa nhân đạo – chủ nghĩa nhân bản: Trong Từ điển thuật ngữ văn học người ta quan niệm chủ nghĩa nhân văn là chủ nghĩa nhân đạo, xem chủ nghĩa nhân đạo như là chủ nghĩa nhân văn. Hoàng Ngọc Hiến khi trình bày chủ nghĩa nhân đạo thì thấy chủ nghĩa nhân đạo như chủ nghĩa nhân văn bởi vì giữa chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa nhân văn có những phần chung. Thế nhưng giữa hai khái niệm này có những điểm khác
Nói đến khái niệm chủ nghĩa nhân đạo thì ta hiểu rằng khái niệm này thiên về phương diện đạo đức, luân lý, tình thương đối với con người; đau khổ, xúc động, cảm thông, xót xa với nỗi bất hạnh của con người.
Theo T.S Nguyễn Lâm Điền thì chủ nghĩa nhân bản nhìn con người ở góc độ triết học và tôn giáo, xem con người không phải là thần thánh và đối xử với con người một cách khoan dung độ lượng
Chủ nghĩa nhân văn chính là cách nhìn, cách đánh giá về năng lực của con người. Đó là việc phát huy tối đa các năng lực đó của con người.
Trong văn học, chủ nghĩa nhân văn theo quan niệm Macxit nhìn nhận ở 5 điểm sau (5 tiêu chí):
Một là, con người phải là vị trí trung tâm, phải là bình diện thứ nhất của tác phẩm. Đó là con người cá nhân, con người ở địa vị một người.
Hai là, văn học phải quan tâm đến khát vọng, ước mơ, lý tưởng, nỗi niềm riêng tư, những bi kịch, những lỗi lầm của con người nói cách khác quan tâm đến toàn bộ thế giới bên trong của con người
Ba là, văn học phải bảo vệ quyền sống và bảo vệ môi trường tự do của con người. Quan tâm đến sự hình thành hoàn cảnh đến năng lực của con người có thể phát triển.
Bốn là, văn học phải phản ánh cái xấu, cái bất nhân, vạch trần bản chất của những thế lực ngăn cản, kìm hãm sự phát triển của con người.
Năm là, một tác phẩm có tính nhân văn thì tất yếu phải có giá trị thẫm mĩ. Chủ nghĩa nhân văn đích thực không tách rời cái đẹp của nghệ thuật. Tóm lại, chủ nghĩa nhân văn trong quan niệm Macxit đó là hội tụ những giá trị toàn năng của con người  và được phản ánh ở một trình độ tư tưởng thẫm mĩ của thời đại.
3. Biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn qua một số bài thơ Xuân Quỳnh
3.1. Thể hiện tình yêu thương, lòng nhân ái, cái đẹp trong tâm hồn của một con người sống có nghĩa có tình
Không rõ xuất phát từ những đắng cay bất hạnh nơi mình hay từ bản chất sâu xa nằm trong tiềm thức mà Xuân Quỳnh thường hay thương cảm. Chị có trực giác khác thường, có khả năng biết cảm thông với mọi đối tượng quanh mình. Chị rất dễ giao hòa đồng cảm với nỗi đau của người khác. Với tấm lòng như thế, chị nhìn đâu cũng thấy xót thương thậm chí những vật vô tri cũng ra những số phận tâm hồn:
Nỗi buồn riêng trong cây
Chỉ có mình em biết
Suốt đời không ngủ được
Là ngọn gió heo may.
(Anh)
Chị nhìn sự vật cỏ cây, hoa lá, con người trong sự chảy trôi. Bởi vậy, chị luôn thấy lo âu thương xót thay cho nó, muốn hết lòng bù đắp, chở che, có khi rưng rưng thương dáng tần tảo lam lũ của người mẹ quê mùa“ Đau xót bàn chân phèn chua xót kẻ”, cũng có khi  vừa thương vừa tội nghiệp cho mình:
Thương gì nguời đói lang thang
Xin ăn trôi khắp ngả đường ngoài kia
Tình thương chỉ nói bằng lời
Lấy đâu ra gạo cho nguời đủ no
(Bài hát đắp đường)
Bên cạnh những tình cảm trắc ẩn, tình yêu thương con người, thơ Xuân Quỳnh còn thể hiện cái đẹp của một người sống có nghĩa, có tình. Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một người mẹ để yêu thương bởi lẽ mẹ là người đã cho ta vóc dáng, hình hài. Xuân Quỳnh cũng thế, trong những sáng tác của mình, chị có những trang thơ chủ đề  viết về  người mẹ rất hay nhưng người đọc ấn tượng và xúc động nhất khi chị viết về người mẹ chồng của mình. Bài thơ Mẹ của anh, chị đã bộc lộ một cách nhân văn nhất mối quan hệ mới trong thời đại chúng ta. Những câu thơ của chị đầy cảm thông và ân tình:
Phải đâu mẹ của riêng anh,
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi.
Mẹ tuy không đẻ không nuôi,
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.
Mẹ không ghét bỏ em đâu,
Yêu anh em đã là dâu trong nhà.
Ở Xuân Quỳnh không còn ranh giới giữa mẹ chồng – nàng dâu.  Tình cảm của chị hết sức chân thật, đôn hậu, đầy tình người. Chị yêu thương chồng và yêu thương luôn cả người mẹ đã cho mình một người để yêu:
Chắt chiu từ những ngày xưa,
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Tấm lòng thơm thảo và đằm thắm của Xuân Quỳnh hiển hiện thật dung dị, chất chứa biết bao hoài niệm, những vần thơ khi đọc lên mới thấy thật tha thiết, giàu tính nhân văn, giàu tình hữu ái của con người với con người. Tình yêu được nâng cánh thăng hoa, hòa điệu trong từng cung bậc yêu thương, sẻ chia và nhân ái.
Bên cạnh tấm lòng đôn hậu, chân thành đối với mẹ chồng, chị còn có tấm lòng đáng quý nữa là đối với con riêng của chồng, Đọc bài Thơ xuân cho con (Tặng Lưu Minh Vũ), người đọc không thể ngờ đựợc chị có những vần thơ chứa chan tình mẫu tử như thế! Không còn ranh giới giữa mẹ ghẻ - con chồng” Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”  như cách nghĩ của người đời nữa:
Tết làm cho hương thơm
Con làm bằng yêu thương
Của cha và của mẹ
Của bà và của ông
Của má nữa biết không
Còn làm bằng tất cả.
Nếu người đọc tinh ý hơn sẽ thấy qua cách cắt nghĩa cho con, Xuân Quỳnh đã đưa hình ảnh người mẹ ruột của con chồng vào trong đời sống tình cảm của trẻ thì mới thấy hết được vẻ đẹp cao thượng ở nơi chị. Có lẽ chỉ  riêng ở Xuân Quỳnh  mới có cách nghĩ, cách nhìn yêu thương và độ lượng đến thế!
3.2. Thế giới nội tâm của con người được phản ánh một cách sâu sắc
ò Tiếng nói của một trái tim đam mê rực cháy mãnh liệt, khát khao được sống và yêu hết mình
Nhiều người không khỏi day dứt khi nghe Xuân Quỳnh kể về mình:
Tuổi thơ tôi lạc lõng giữa đời
Như cánh chim bơ vơ mất tổ.
(Tiếng mẹ)
Chính vì vậy mà ở chi luôn cháy bỏng ước mơ, luôn sống với những giây phút tương lai nhiều hơn, chị mang trong mình những hăm hở rạo rực. Xuân Quỳnh đón nhận cuộc đời bằng tất cả nhiệt tình say mê của tuổi trẻ. Chị ngợi ca cuộc sống,đem nhịp thở, ấm áp của thơ vào cuộc đời, vào không gian bao la:
Ta còn mơ ước
Thành nhà thơ ca ngợi cuộc đời
Những vần thơ cùng du hành vũ trụ
Sưởi ấm vầng trăng lạnh niềm vui
Đâu chỉ lên trăng thơ ta còn bay thấp
Theo những con tàu cập bến các vì sao
Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng
Biết bay rồi ta lại muốn bay cao.
 (Khát vọng)
Khát vọng tình yêu trong trái tim nhà thơ sâu sắc và mãnh liệt. Cái thời Xuân Quỳnh cách đây ba mươi năm có được những câu thơ viết về tình yêu da diết cháy bỏng thật hiếm, nhất là với các nhà thơ nữ có ai mạnh dạn nói được như chị:
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ.

Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.
(Thuyền và biển)
Xuân Quỳnh mượn lời của thiên nhiên nhiên để nói về tình yêu của mình.Một tình yêu đạt đến độ say đắm, nồng nàn, say đắm, đam mê dữ dội.Chị luôn khao khát một tình yêu đích thực, tình yêu bất chấp thời gian, không gian để đến tận cùng hạnh phúc:
Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở
Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu.
Người đọc thơ chị ít hay nhiều không thể không chú ý đến một danh từ rất mực bình thường gần gũi, trở thành một hiện tượng khó quên, thâm chí đặc trưng của thơ tình Xuân Quỳnh là trái tim. Đó là một trái tim thiết thực, đã khước từ, chối bỏ mọi biến hóa dẫu có thành vàng, thành mặt trời. Trái tim ấy chỉ có một điều ước trở về với chính nó:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi.
(Tự hát)
Bao giờ trong chị cũng là sự khẳng định một tình yêu nồng nhiệt, mê say, sôi nổi nhiệt tình :” Và cả anh, anh yêu của riêng em/ Em yêu anh, yêu anh như điên”. Chị đã thành công khi miêu tả tình yêu cô gái như con sóng, như biển cả mênh mông, bao la.Một tình yêu cụ thể, ráo riết, thủy chung, trọn vẹn, tròn đầy. Chị khát khao được sống mãi trong tình yêu thiêng liêng ấy:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Sóng)
Nét tượng trưng trong thơ tình yêu của Xuân Quỳnh là sống cho cái tốt, cái cao quý. Khi yêu, tâm hồn chị mềm mại, tinh tế,muốn sống tốt hơn, nhân bản hơn, tin yêu hơn vào cuộc đời, cây cỏ, quê hương:
Đất ở đây gắn với con người
Biết yêu thương và hiểu về Tổ quốc
Nhưng ở đây chưa bao giờ biết rét
Chỉ mình em nghe rét nhớ về anh.
(Nghe rét đến nhớ về Hà Nội)
ò Khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc trong đời thường
Nơi dồn tụ mọi yêu thương ở chị, nơi chị trút mọi nỗi niềm riêng chung là ở nơi người chị yêu- người chồng.Bàn tay trong tình yêu của chị là của con người yêu thương, nhân hậu,dịu dàng, bàn tay xây dựng và vun đắp cho mái ấm gia đình:
Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền và vá áo cho anh
Tay cắm hoa tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc
Năm tháng đi quamái đầu cực nhọc
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt tình yêu từ mọi ngả.
(Bàn tay em)
Nói đến tình yêu là nói đến cái đầm ấm trong sự sống hàng ngày, cụ thể bình thường nhưng đã làm nên hạnh phúc:
Căn phòng con riêng của chúng mình
Nước trong phích, hoa trên bình gốm cũ
Sách trên giá và thơ trong trí nhớ
Viết ra rồi em đọc anh nghe.
(Nghe rét đến nhớ về Hà Nội)
Có  những câu thơ như lời nói thường ngày mà gợi lên những  ấn tượng bởi tình cảm dịu dàng, trìu mến:
Sao không cài khuy áo lại anh
Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét.
Trái tim nồng nhiệt của người phụ nữ suốt đời khao khát tình yêu rất biết nâng niu quý trọng niềm hạnh phúc đã có thật trong đời:
Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
Niềm sung sướng nằm trong lồng ngực
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim đập chẳng vì anh.
(Chỉ có sóng và em)
Mọi tâm tư tình cảm chị đều dành cho tổ ấm đơn sơ và khiêm nhường ấy. Mọi va chạm nhỏ nhặt cũng khiến chị áy náy không yên. Chị vị tha và tự bộc bạch nhận lỗi:
Anh yêu ơi hãy tha lỗi cho em
Nếu đôi lúc giận hờn anh vô cớ
Những bực dọc trong ngày vất vả
Làm anh buồn mà em có vui đâu.
(Chỉ có sóng và em)
Thơ hay làm người ta không thấy câu chữ chỉ còn cảm thấy tình người.Ta có thể nói như thế về thơ Xuân Quỳnh –đóa Quỳnh mùa Xuân đã hát lên khúc ca từ cho tình yêu, khát vọng, cho cuộc sống tốt đẹp và nhân ái hơn mà chính chị đã nói:
Đó Tình yêu, em muốn nói cùng anh
Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng
Lòng tốt để duy trì sự sống
Cho con người thực sự Người hơn.
(Nói cùng anh)
ò Cảm nhận về sự nhỏ nhoi trong dòng người vô tận
Cảm nhận mình chỉ là một phần tử nhỏ nhoi trong dòng người vô tận và tự nhủ sẽ có lúc hết phiên để nhường cuộc đời đẹp đẽ này cho những cặp tình yêu khác
Này anh, em biết
Rồi sẽ có ngày
Dưới hàng cây đây
Ta không còn bước
Như người lính gác
Đã hết phiên mình.
(Chồi biếc).
Cảm giác ấy càng nẩy nở thường trực ở thơ Xuân Quỳnh sau 1975. Bài Hoa cúc láy đi láy lại nỗi đau xót âm thầm khi tự thấy mình không còn được như hôm qua:
- Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế
Chỉ em là khác với em xưa …
- Bao ngày tháng đi về trên mái tóc
Chỉ em là khác với em thôi
(Hoa cúc)
Cũng từ đây trong thơ đã len vào những giai điệu khác:
- Đường tít tắp mà ngày đang xế bóng
Mệt mỏi chăng hỡi người bạn đồng hành?
(Hoa cúc)
Sự mệt mỏi ấy trước tiên là đến từ phía cuộc sống, những lo toan chợ búa gia đình chồng con mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được
ò Thơ thời chiến của chị hướng về nội cảm mang tư duy triết lí. Trong những thử thách gay go ác liệt của chiến tranh, mặt đối mặt với cái chết,  mọi toan tính, lo âu vụn vặt của đời thường được đẩy lùi. Cái giới hạn tận cùng của đời sống ấy không làm cho con người khiếp sợ mà ngược lại họ đã  sống với nhau  rất tình người :
Chính ở đây mới sâu lòng căm ghét
Chính ở đây mới hiểu hết nghĩa yêu thương.
(Viết trên đường hai mươi)
Chiến tranh đã sàng lọc và gạt bỏ những gì là giả dối, riêng tư. Nó xóa đi những lớp sưong mơ hồ đôi khi bao phủ lên cuộc đời bình lặng:
Những năm tháng chiến tranh thử thách mỗi người
Ta lọc lại cho ta những gì trong sạch nhất.
(Viết trên đường hai mươi)
3.3. Con người tự ý thức về chính đời sống và tự nhận thức giá trị của mình
Nữ sĩ Xuân Quỳnh trên con đương đi tìm hạnh phúc đời thường đã trải qua những năm tháng đau thương, mất mát, cay đắng, thua thiệt, trăn trở, lo âu với những khát khao, hoài vọng. Từ một cô gái nhìn cuộc đời, nhìn tình yêu màu hồng, Xuân Quỳnh đã trở thành người đàn bà từng trải, chị ý thức về chính đời sống và tự nhận thức cái bản ngã riêng của mình trong cuộc đời. Bài Thơ vui viết về phái yếu là bài thơ nổi tiếng của chị, cá tính Xuân Quỳnh hầu như kết tinh ở tứ thơ này: hồn hậu, tự nhiên, hóm hỉnh, duyên dáng mà lại  đằm thắm nữ tính:
Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn
Các anh nghĩ ra bấy nhiêu tàu ngầm, tàu lửa, máy bay
… Mỗi các anh là một nhà chính khách
Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia
Còn:
Chúng tôi chỉ là những người đàn bà
Bình thường, không tên tuổi trên trái đất
Họ là những người đàn bà bận rộn lo toan, cân đong đo đếm từng bữa ăn cho chồng con. Nữ sĩ có một sự cảm nhận sâu sắc hơn ai hết bởi chị cũng là một phụ nữ của đời thường.Nhưng ở chị là  một người phụ nữ có ý thức về giá trị của mình để rồi chị khẳng định:
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học … là ai đi nữa
Vẫn là con một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường không ai biết tên tuổi.
Người đàn bà là người của những gì bình thường nhất  mà cũng vĩ đại, tự hào  nhất khi chính họ là người gieo trồng, vun đắp cho những mầm sống tương lai, cho đời người, cho dân tộc, cho lịch sử. Thú vị thật! Ngòi bút của Xuân Quỳnh đã mang tính chuyên luận sắc sảo về vấn đề ấy:
Anh thân yêu, anh vĩ đại của em
Anh là mặt trời, em chỉ là hột muối
Một chút nắng mặn giữa đại dương vời vợi
Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua
Loài rong rêu chưa bao giờ biết đến
Là hạt bụi vô tình trên áo
Nhưng nếu sáng nay em không đong được gạo
Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn.
Anh có vĩ đại bao nhiêu đi chăng nữa nhưng anh vẫn cần đến bàn tay đời thừơng của người phụ nữ, không thể thiếu người đàn bà trong cuộc đời! Cái “tôi” của Xuân Quỳnh  khiêm tốn mà rất đỗi tự hào:
Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Cũng không có hạt nhân nguyên tử
Chúng tôi chỉ có chậu, có nồi, có lửa
Có tình yêu và có lời ru.
Nhận thức về mình ở Xuân Quỳnh ở khía cạnh khác là chị dám nhìn thẳng vào sự thật, không tự mê hoặc, ám ảnh mình bằng quá khứ:
Em biết quên những điều đáng quên
Em biết nhớ những điều em phải nhớ
(Có một thời như thế)
Biết bao lần chị đã thừa nhận với bạn bè, thơ của chị “đa mang” với cuộc đời nhưng chị đã từng bước đứng vững  bằng nội lực bên trong. Chính sự tự ý thức về bản thân mình nên ở chị luôn  có ý thức về thời gian, về quá khứ, về căn nhà cũ. Thơ chị nói nhiều về thung lũng xưa, ngày xưa, như xưa, đầm lầy của anh xưa, màu trắng tự ngàn xưa… như những chứng tích một thời. Nhưng chị cũng ý thức và bình tâm đón đợi những gì đang tới:
Năm tháng qua tôi đã đổi thay nhiều
Tôi đã qua bao thác ghềnh đá núi
Qua thời gian, tóc thoáng sợi màu mưa
Vĩnh biệt tuổi thơ và quá khứ
Mái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc
Nỗi vui buồn cũng khác những ngày xưa.
Vâng, tự ý thức về mình, về chính đời sống của mình là một biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn. Chính Xuân Quỳnh đã từng tâm sự với người bạn thân Vương Trí Nhàn :” Nói được niềm vui nỗi khổ của chính mình, tôi cảm thấy có cái sung sướng không mấy ai có! Như người khác không đựơc yêu, mà mình đựơc yêu. Như người khác chỉ biết im lặng mà phải biết nói, và nói lên được thành tiếng”. Chính những lúc ấy lại là cội nguồn của sáng tạo chân thành, tha thiết nhất đã đi vào trong thơ chị.
3.4. Giá trị thẩm mĩ trong thơ Xuân Quỳnh
ò Thứ nhất là việc sáng tạo những hình ảnh đẹp, độc đáo
Cả bài thơ Sóng, nếu kể đến nhan đề, thì tác giả đã mười một lần nhắc đến từ “sóng”. Sóng vỗ như tâm tình xôn xao. Sóng cho ta nhiều ấn tượng về âm điệu của sóng, cũng như giọng điệu tâm tình, nhịp điệu của bài thơ. Sóng vỗ trên đại dương mênh mông cũng chính là con sóng tình yêu vỗ dạt dào trong lòng người con gái. Có thể nói “sóng” là một trong những sáng tạo nghệ thuật độc đáo trong thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ Con yêu mẹ cũng là một ví dụ minh hoạ về sự sáng tạo độc đáo trong thơ Xuân Quỳnh. "Con yêu mẹ bằng con dế" mới chính là tình cảm thực của con yêu mẹ, bởi vì chỉ lúc này con mới yêu bằng sự so sánh trẻ con. Yêu bằng ông trời, bằng Hà Nội, bằng trường học đều là sự vay mượn, sự sao chép cách biểu hiện tình cảm lấy phạm trù độ lớn, độ đông làm chuẩn. Còn yêu bằng con dế là tình cảm thuộc phạm trù độ thân, độ gần trong cách hình dung tuổi nhỏ. Con dế - biểu vật của tình con yêu mẹ - cao hơn cả ông trời, rộng hơn cả Hà Nội, đông hơn cả trường học, bởi nó "luôn trong bao diêm con đây, mở ra là con thấy ngay". Và như vậy "con dế" của Xuân Quỳnh đã chạm đến được cái lớn của những thi hào xưa nay thường không chịu gò ép tình cảm của mình trong cái khuôn tư duy quen thuộc từ đất lên trời, mà bứt phá tự do từ trời trở về đất (Shakespeare trong một bài sonet, Pablo Neruda đã ví nàng Matin với bùn đất, lau sậy...). Con yêu mẹ ấm áp tình mẹ con, sâu sắc chất nhân văn là vì thế.
Thơ tình cuối mùa thu là bài thơ tình yêu trên nền cảnh mùa thu buồn lãng mạn:
Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu và hoa cúc
(Thơ tình cuối mùa thu)
Mây trắng, trời xanh, lá vàng và hoa cúc, những hình ảnh mùa thu đã tạo nền cho những rung động tình cảm. Thơ Xuân Quỳnh ngoài sự nhẹ nhàng, sâu lắng của cảm xúc còn có giá trị nghệ thuật ở việc sáng tạo những hình ảnh đẹp giàu tính thẫm mĩ. Cái đẹp của những hình ảnh trong thơ Xuân Quỳnh không lộng lẫy như trong thơ Thế Lữ, Xuân Diệu; nó bình dị, gần gũi mà không kém phần lãng mạn, say đắm.
Hình ảnh tương phản tượng trưng cũng là một trong những sáng tạo độc đáo trong thơ Xuân Quỳnh. Đó là những khát khao, bỏng cháy trong tình yêu tương phản với những dự cảm lo âu đời thường. Tự hát dường như là một bài thơ "điển hình" cho chất phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh: Dữ dội mà dịu êm - Ồn ào mà lặng lẽ - một Xuân Quỳnh sôi nổi, hổn hển nhựa sống, cũng là một Xuân Quỳnh âu lo, bất thường. Ðọc bài thơ, người ta bắt gặp ở đó một sự đánh đổi, phủ nhận cái vĩnh cửu của vũ trụ để khẳng định cái vĩnh cửu của tình yêu. Tình yêu chân chính là mãi mãi. Ðó là cái Xuân Quỳnh khác với truyền thống.
Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Em cũng không mong nó giống mặt trời
(Tự hát)
Xuân Quỳnh không vươn lên tới vũ trụ để chế ngự tình yêu, Xuân Quỳnh "chế ngự" tình yêu bằng chính sự tận tuỵ của mình. Bởi với chị, tình yêu phải là sự thấu hiểu:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu
(Tự hát)
Không phải không có lúc Xuân Quỳnh rơi vào hoảng loạn:
Em lạc giữa sâu thẳm rừng anh...
Em lo âu trước xa tắp đường anh...
(Tự hát)
Bởi vì tâm hồn con người là một bí ẩn, nhưng chị vẫn hát. Bài thơ chính là cuộc tìm đường đi đến tình yêu đích thực. Xuân Quỳnh so sánh với vũ trụ, rồi Xuân Quỳnh lại rơi trong những bất ổn của tâm hồn, để trở về với mình trong nóng hổi một niềm tin, một sự sống, một tin tưởng, ý thức vào sự bất diệt của tình yêụ. "Tự hát" là hát về mình nhưng thực chất là hát về tình yêu của muôn người trong cuộc đờị ấy là lời của trái tim, lời của nồng saỵ  Ðọc một bài thơ, ta gặp một con người. Ðó là một Xuân Quỳnh suốt đời tìm kiếm, nó thể hiện trong sự vận động của từ ngữ, của cấu tự. Bài thơ sử dụng rất nhiều động từ chỉ sự nhận thức, cấu tứ vận động theo bước chân kiếm tìm chân lý của người thơ, đi từ mênh mông cuộc đời, từ giá trị của vũ trụ, đến cái tôi - giá trị của chính mình.
Bài thơ triết lý mà không khô khan, mạnh mẽ mà không xơ cứng bởi vì trong đó còn chứa rất nhiều tình, rất nhiều chất nữ tính. Bằng nét riêng của mình, Xuân Quỳnh đã lặng lẽ làm một cuộc biến đổi cuộc sống, biến đổi nhận thức trong tình yêu... Thơ ấy làm cho người ta tin hơn cuộc sống... chất nhân văn trong thơ Xuân Quỳnh chính là ở đó.
ò Thứ hai là giọng điệu thơ: chân thành, hồn nhiên, đầy dung dị
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng của nhà văn, nhà thơ đối với hiện tượng được miêu tả. Giọng điệu có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn, nhà thơ. Đọc thơ Xuân Quỳnh, người đọc có thể cảm nhận một cách sâu sắc một hồn thơ giàu nữ tính với giọng điệu vừa chân thành hồn nhiên, vừa mãnh liệt tha thiết mà cũng đầy dung dị trong cảm nhận về tình yêu, về cuộc sống, gia đình…
 Truyện cổ tích về loài người là cái nhìn đầy tính nhân văn của nhà thơ về sự hình thành thế giới. Người ta kể chuyện cổ tích bằng cái nhìn ước mơ bay bổng, còn Xuân Quỳnh lại kể bằng cái nhìn hồn nhiên theo “tư duy ngược” của trẻ con: Trẻ con sinh ra trước nhất! và để thõa mãn những yêu cầu của trẻ mà thế giới được hình thành. Thể thơ năm chữ có tác dụng tích cực trong việc thể hiện giọng điệu và nội dung bài thơ
Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có…
Mắt trẻ con sáng lắm
Nhưng chưa thấy gì đâu
Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ
(Truyện cổ tích về loài người)
Trong tình yêu, giọng điệu thơ Xuân Quỳnh thể hiện vừa đằm thắm dịu dàng, vừa tha thiết mãnh liệt và có lúc nó dâng tràn thành những con sóng, có lúc nó dào dạt suy tư, không có lúc nó vật vã những trăn trở… nó không say chất men như thơ tình Thế Lữ, thơ tình Xuân Diệu mà nó là chất dẫn vào thẳng con tim người đọc người nghe bởi sự chân thành, đằm thắm ngọt ngào. Cái đằm thắm ngọt ngào trong thơ chị biểu hiện trước hết ở từ xưng hô anh em.
- Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển
(Thuyền và biển)
- Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…
Kìa bao người yêu mới
Đi qua vùng heo may…
(Thơ tình cuối mùa thu)
Và trong cách “thú nhận” tình yêu:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
(Sóng)
4. Kết luận (Những vấn đề còn băn khoăn cần trao đổi)
4.1 Thơ Xuân Quỳnh không hẳn mãnh liệt như Xuân Diệu mà nhẹ nhàng và tự nhiên như cảm xúc yêu thương bình thường của bao cô gái trẻ . "Người đàn bà hát" , Xuân Quỳnh đúng là như vậy . Tất cả những suy nghĩ , tâm tư của một người đàn bà đời thường được chuyển vào trong thơ Xuân Quỳnh chân tình và bình dị ... nhưng lại được đưa lên cao với một trái tim yêu thắm thiết và say mê . Ẩn trong những lời thơ mộc mạc , những hình ảnh giản dị toát lên cái mạnh mẽ và sâu sắc của tình yêu của người đàn bà . Cái "đời thường" của mỗi con người "ai chẳng có" , đơn thuần như nhịp đập của mỗi con tim "có đập , có ngừng" nhưng khác ở chỗ : kể cả khi không cảm nhận được cuộc đời thì con tim ấy vẫn đập nhịp đập của tình yêu. Nhẹ nhàng mà sâu sắc , tự nhiên mà thắm nồng , bình dị mà mãnh liệt, đó là thơ tình Xuân Quỳnh.
So với nhiều nhà thơ nữ cùng thời thì trên đại thể thơ Xuân Quỳnh vẫn giữ được cái duyên riêng, và có được cái hơi trẻ trung, tươi tắn. Chẳng những thơ bầu bạn với Xuân Quỳnh, thơ còn nâng cao con người nhà thơ lên. Qua thơ, người ta bắt gặp một Xuân Quỳnh hào phóng, nồng nhiệt, tha thiết với cuộc sống.(Vương Trí Nhàn – Cây bút, đời người – Xuân Quỳnh cuộc đời để lại trong thơ)
4.2 Tuy nhiên cũng từ đây cách suy nghĩ của Xuân Quỳnh có một khía cạnh mà theo Vương Trí Nhàn coi như một nhược điểm, ấy là chủ quan, chủ quan đến mức quá tự tin. Biển quen theo những quy luật của mình, một câu thơ như vậy buột ra trong một bài thơ viết về biển, và những người có quen biết đều hiểu rằng đó là lúc nhà thơ nói về bản thân song đều lo lắng hộ: những ngạo nghễ kiêu hãnh kiểu ấy nó có phần phỉnh nịnh tuổi trẻ nên lại càng khó gạt bỏ.
- Một tình yêu như thế vẫn y nguyên
- Chỉ còn lại một màu hoa rất trắng
- Đất qua rồi những yêu thương
 Có chăng lời hát vẫn còn mà thôi
- Thời gian của ta không bao giờ mất
Không gì khác đó chính là những ảo tưởng. Những ảo tưởng trong thơ nhưng cũng là ảo tưởng trong đời sống. Những ảo tưởng này vốn không chỉ là của riêng của Xuân Quỳnh mà là của cả một thời đại lúc bấy giờ.
Em biết quên những chuyện đáng quên
Và biết nhớ những điều em phải nhớ
Người mà làm chủ được hoàn toàn tình cảm của mình như vậy thì nói như Vương Trí Nhàn “chỉ còn là cái máy” nhưng rồi ông cũng giải thích “làm sao mà vượt lên khỏi cái chương trình mà thời đại đã đặt vào mình cho được”.
Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh dung dị, chân thành, hồn nhiên, tha thiết. Thế nhưng ngay cả trong bài thơ Sóng, bên cạnh những câu thơ nồng nàn, tha thiết, ở một khía cạnh nào đó là thứ tình yêu khẩu hiệu:
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương
4.3 Giữa những tháng ngày chống Mỹ ác liệt, các tác phẩm văn học phần lớn ra đời lúc bấy giờ phản ánh không khí đầy mùi “khói súng” ở chiến trường. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là đặc điểm nghệ thuật nổi bật ở văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975. Đặt trong trào lưu chung ấy, thơ Xuân Quỳnh như một tiếng nói “lạ”, những biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn mà chị biểu hiện vừa có nét chung với văn học mang khuynh sử thi 1945 – 1975 (vấn đề dân tộc được đặt lên hàng đầu trong cuộc đấu tranh một mất một còn bảo vệ Tổ quốc chống Mỹ), vừa có những biểu hiện riêng đi sâu vào các cung bậc tình cảm của con người (khao khát một tình yêu chân thành, mong muốn một tình cảm thuần hậu thiết tha, …).

Song cũng cần lưu ý rằng biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn trong thơ Xuân Quỳnh chỉ dừng lại ở sự khao khát đằm thắm như đã nói, nó không đi quá sâu vào nhục cảm, sự khốn khó, nỗi đau của cá nhân con người. Những góc độ đời tư, những cách nhìn đa chiều của cuộc sống phải đợi đến văn học Việt Nam những năm 1980 về sau mới được bộc lộ một cách rõ nét, đầy đủ. Thơ Xuân Quỳnh sau 1975 lại tiếp tục mạch thơ của chính chị trước 1975. Nó vẫn hồn hậu tha thiết và chân thành (Bao giờ ngâu nở hoa; Thơ viết cho mình và những người con gái khác; Con yêu mẹ;…). Nó không có sự cách tân táo bạo như kiểu Ý Nhi, Thanh Thảo, Vi Thuỳ Linh, …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét