Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

ĐOẠN TRÍCH " TÌNH CẢNH LẺ LOI CỦA NGƯỜI CHINH PHỤ


   DÀN Ý TÌNH CẢNH LẺ LOI CỦA NGƯỜI CHINH PHỤ     (CHINH PHỤ NGÂM)
1. Mở bài:
- Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn viết bằng chữ Hán, được sáng tác vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII, khi xã hội phong kiến nước ta đang lâm vào tình trạng rối ren, khủng hoảng. Nội chiến xảy ra liên miên. Nông dân nổi dậy khắp nơi chống lại triều đình. Cảnh sinh li tử biệt, đau thương tang tóc xảy ra hằng ngày...
 - Chinh phụ ngâm của Đặng Trần cỏn ra đời đã nhận được sự đổng cảm rộng rả của táng lớp Nho sĩ. Nhiều người dịch tác phầm sang chữ Nôm. Bản dịch của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là thành công hơn cả.
 - Nội dung Chinh phụ ngâm phản ánh thái độ căm ghét, lên án chiến tranh phi nghĩa, đề cao quyển sống cùng khát vọng hạnh phúc của con người. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ từ câu 193 đến câu 228 miêu tả những cung bậc và sắc thái khác nhau của nỗi cô đơn, buồn khổ trong tâm trạng người chinh phụ đang khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.
 Mở bài 1:
Thiên thu ghi tạc tình sông núi
Hạnh phúc muôn đời nghĩa phu thê
Đó là hai câu thơ nói về tình cảm, sự thủy chung, son sắt trong nghĩa vợ chồng. Khi yêu nhau rồi nên nghĩa vợ chồng người ta luôn mong muốn được ở gần bên nhau. Nhưng một khi phải chia ly thì người ở lại sẽ mang nhiều tâm trạng. Và minh chứng sự chia ly đó là tình cảm vợ chồng trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn. Trong tác phẩm này người vợ khi phải tiễn chồng ra trận một nơi xa xôi, nguy hiểm, chưa biết đến ngày trở về, ngoài nỗi nhớ thương chồng thì sự cô đơn, lẻ loi đã bao trùm lên tâm trạng của người chinh phụ. Tiêu biểu là trong đoạn thơ sau:


 Mở bài 2:  Thân phận người phụ nữ luôn là đề tài muôn thủơ trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Nếu “Truyện Kiều” củaNguyễn Du là lời
than về số phận bạc mệnh của Kiều thì “Chinh phụ ngâm” của Đặng trần Côn lại là nỗi sầu của người chinh phụ khi phải xa chồng trong thời ki chiến tranh loạn lạc.Với bản diễn nôm rất thành công của Đoàn Thị Điểm “Chinh phụ ngâm ” đã trở thành 1 trong những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam.Đọc tác phẩm này, nhất là đoạn trích “"Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”, chắc chắn không ai có thể quên được 12 câu đầu của đoạn trích với nghệ thuật "tả cảnh ngụ tình" vô cùng đặc sắc. Đoạn thơ đã diễn tả nỗi cô đơn buồn tủi trong cảnh khắc khoải chờ chồng của người chinh phụ một cách sâu sắc.
 3.Tám câu đầu:
a. Những hành động của người chinh phụ:
“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.”
* Cả ngày dài cô đơn, người chinh phụ dạo trong hiên vắng, nàng vừa đi vừa thầm đếm bước chân mình, như đếm từng ngày chồng đi. Trong bước chân tưởng như lặng lẽ của nàng mang nỗi lòng cuồn cuộn những ưu phiền, lo lắng, bồn chồn cho tính mạng người thân ở nơi chiến trường kia. Như người cung nữ cô độc đáng thương trong “Cung oán ngâm” của Nguyễn Gia Thiều: “Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ”, bước chân này khác hẳn với bước chân nàng Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du: “Xăm xăm băng lối vừa khuya một mình.” Bước chân của Thúy Kiều hạnh phúc, vui vẻ khi được đi gặp người yêu, còn bước chân người chinh phụ nặng trĩu tâm tư và thương nhớ, xót xa.
* Người chinh phụ ngồi bên cửa sổ, hết buông rèm lại cuốn rèm. Những hành động vô thức ấy lặp đi lặp lại nhiều lần, nàng chẳng quan tâm mình đang làm gì vì tâm trí, tình cảm đã dồn hết vào nỗi lo, nhớ nhung dành cho người chồng ở biên ải chưa biết bao giờ trở về.
* Các tính từ “vắng”, “thưa” tạo nên không gian thưa thớt, trống trải, tô đậm nỗi cô đơn, tủi buồn của người chinh phụ. Các từ “từng” và “đòi” (nhiều) cũng cho thấy sự lặp lại vô thức những hành động vô nghĩa của người vợ có chồng đi đánh trận, tháng ngày lẻ loi của nàng đã dài lê thê.
=> Qua hành động “dạo hiên”, “ngồi”, cuốn rèm, buông rèm, tâm trạng người chinh phụ với những ngổn ngang lo lắng, buồn phiền được miêu tả rõ rệt, tấm lòng nàng dành cho chồng khiến người đọc cảm động.
b. Ngoại cảnh:
“Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi
Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương”
* Qua bức rèm thưa, người chinh phụ ngóng bóng chim thước. Chim thước (hay chim khách) là loài chim báo tin người đi xa trở về. Nàng mong chim thước cũng là mong chồng. Nhưng trong thời kỳ chế độ phong kiến khủng hoảng, xã hội nhiều biến động, chiến tranh liên miên, người chinh phu ra đi để lại cho vợ bộn bề lo lắng, mòn mỏi nhớ mong. Người chinh phụ vô vọng nhìn vào hiện thực: nỗi nhớ, trông mong, ước muốn của nàng đều không được hồi âm.
* Người chinh phụ đối diện với ánh đèn: Khao khát được yêu thương, được sẻ chia, người chinh phụ ngồi trước ngọn đèn dầu tự hỏi lòng: “Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?” Câu hỏi tu từ như một lời than thở, bày tỏ nỗi cô đơn, chán chường, tuyệt vọng khôn cùng.
* Hình ảnh cây đèn còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học trung đại khác. Có câu ca dao “Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt?” cũng để chỉ nỗi nhớ thương da diết của cô gái với người yêu. Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ cũng lấy hình ảnh ngọn đèn dầu để gợi sự cô đơn của Vũ Nương khi Trương Sinh đi đánh trận.
* Trong đoạn trích, tác giả lấy hình tượng ngọn đèn ẩn dụ cho thời gian trôi nhanh, cho sự tàn lụi, héo hon của kiếp người. Qua hình ảnh cây đèn cháy đỏ khắc khoải, cháy đến tàn bấc dầu, nhà thơ muốn nói cuộc đời chỉ là kiếp hoa đèn mong manh dang dở. Xót xa tình cảnh lẻ loi, cuộc hôn nhân dở dang của mình, người chinh phụ thức trắng đêm với ngọn đèn, không biết san sẻ tâm tư cùng ai. Nhưng cây đèn dầu chỉ là vật vô tri vô giác, nào thấu được nỗi lòng nàng. Thời gian trôi qua, ngọn đèn cũng chẳng thức cùng nàng thêm nữa. Trong đêm tối chỉ còn độc một chiếc bóng ngày một mờ nhạt của người chinh phụ.
* Những tính từ chỉ cảm xúc “bi thiết”, “buồn rầu”, “thương” cô đọng nỗi buồn, não nề của người chinh phụ:
+ “Bi thiết” là bi thương, thảm thiết, đau đớn không nói thành lời. Những cảm xúc ấy bị vo tròn, nén chặt vào cõi lòng người vợ có chồng đi lính, khát khao được thấu hiểu mà không có ai để nàng trút bầu tâm sự.
+ “Thiết tha” theo nghĩa Hán Việt là cắt, mài. Nỗi đau nàng chôn giấu, kìm nén lại cứa vào trái tim cô đơn, tủi buồn của nàng những vết cắt sâu nhức nhối.
- Câu thơ Hoa đèn kia với bóng người khá thương:
+ Giọng độc thoại lại chuyển ra giọng kể, thể hiện niềm đồng cảm của tác giả.
     + Hình ảnh “hoa đèn - bóng người”: so sánh, đồng nhất giữa người và vật, đồng cảm của tác giả với nhân vật trữ tình
=> Nghệ thuật miêu tả tâm trạng bằng ngoại cảnh và tính từ chỉ cảm xúc của nhà thơ đã thành công khi hình ảnh người chinh phụ với suy tư rối bời, tâm trạng héo mòn chạm đến trái tim người đọc. Không chỉ vậy, ta còn thấy được sự đồng cảm sâu sắc ở tác giả và dịch giả với số phận của người phụ nữ có chồng tham gia chiến tranh phi nghĩa.
4. Tám câu tiếp:
a. Cảnh đêm:
“Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên”
Không gian vây quanh người chinh phụ được miêu tả bằng cả âm thanh và hình ảnh.
* Từ láy “eo óc” chỉ tiếng gà gáy tang tóc, âm thanh ấy thưa thớt, buồn bã gợi không gian rộng lớn, trống trải, hiu quạnh. Một đêm có “năm trống” (năm canh) thì người chinh phụ thức trọn năm canh, đối diện với chính mình trong nỗi cô đơn khắc khoải, nghe tiếng gà gáy lòng nàng càng nặng trĩu sầu đau. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh để khắc họa tình cảnh lẻ loi của người vợ có chồng đi lính.
* Hình ảnh cây hòe trong màn đêm “phất phơ rủ bóng” cũng gợi lên cảm giác man mác buồn, xót xa. Vây quanh người phụ nữ nhỏ bé đáng thương và cô độc là những bóng dáng mập mờ lay động, như có như không, cũng như tin tức về người chồng ngoài biên ải xa xôi và cuộc sống hôn nhân dang dở. Tất cả đều mờ mịt, khiến nàng hoang mang, lo sợ.
* So sánh với cây hòe trong “Cảnh ngày hè”: “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.” ta thấy cây hòe của Nguyễn Trãi tươi tốt, căng tràn sức sống, còn cây hòe của Đặng Trần Côn lại được đặt trong đêm khuya thanh vắng, thấm đượm nỗi buồn. Từ đó ta thấy được nghệ thuật dùng từ của tác giả, đó là sự chọn lọc một cách tinh tế từ ngữ để biểu thị cảm xúc, tâm trạng.
* Người chinh phụ nhìn cây hòe giống như người phòng khuê bắt gặp cành dương liễu. Người phụ nữ trong “Khuê oán” của Vương Xương Linh chợt ân hận và xót xa cho hạnh phúc dở dang. Còn người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn lại đắm chìm trong lo lắng, suy tư.
=> Ngóng trông người chinh phu, người chinh phụ thức trắng đêm, vùi mình vào nỗi cô đơn hiu quạnh trong không gian lạnh lẽo, hoang vắng. Cả âm thanh và hình ảnh trong đêm khuya khiến nàng càng tủi thân, chán chường và lo lắng.
b. Người chinh phụ thấm thía bi kịch cuộc đời mình:
“Khắc giờ đằng đẵng như niên 
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.”
* Người chinh phụ bị bủa vây trong nỗi cô đơn, cuộc sống của nàng thật tẻ nhạt và nặng nề. Ngày lại ngày, giờ lại giờ, nàng chỉ biết mòn mỏi nhớ thương, bồn chồn lo lắng. Khoảng thời gian không tình yêu, không hơi ấm hạnh phúc ẩy đối với nàng mới khó khăn làm sao! Người chinh phụ nhận thấy thời gian trôi thật chậm chạp, một ngày dài lê thê như một năm. Câu thơ gợi cho người đọc nỗi nhớ của Kim Trọng với Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du: “Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.” Với nhân vật trữ tình, khi vắng đi người thương, thời gian đi những bước chậm chạp, uể oải.
* Những ngày tháng lẻ loi dài dằng dặc của người chinh phụ đong đầy sầu khổ. Những mối lo toan về người chồng đang ở xa liệu có mạnh khỏe, bình an cùng những thương nhớ, xót xa cho thân phận mình, cho cuộc sống hôn nhân dở dang của nàng tưởng như không có hồi kết. Quả đúng “Sầu đong càng lắc càng đầy”, nỗi buồn nhớ trong người chinh phụ tích tụ lại, bao la hơn không gian, mênh mông hơn thời gian, không thể đong đếm được. “Miền biển xa” là hình ảnh mang tính ước lệ tượng trưng cho những tâm tư vô hình mà vô hạn của người phụ nữ có chồng đi lính.
=> Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng và nghệ thuật so sánh, sử dụng từ ngữ khéo léo, tài tình, tác giả tô đậm tâm trạng người chinh phụ, từng cung bậc cảm xúc rõ ràng và sâu sắc.
* So sánh với nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn: “Sầu tự hải/ Khắc như niên”, ta thấy dịch giả không chỉ trung thành với nguyên tác mà còn rất sáng tạo.
c. Người chinh phụ cố vùng thoát khỏi nỗi buồn:
“Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng”
* Người chinh phụ muốn thoát khỏi ưu phiền, bèn đốt hương, nhưng lại không kìm lòng được mà mê man trong quá khứ. Trong đoạn trích “Thề nguyền” của “Truyện Kiều”, Kim Trọng đốt hương: “Đài sen nối sáp, lò đào thêm hương” để mùi hương trầm ấm áp làm chứng cho lời nguyện ước lứa đôi của chàng và Thúy Kiều. Người chinh phụ cũng nhớ tới phút giây hẹn ước năm nào. Mùi hương đưa nàng trở về quá khứ, tâm hồn nàng lạc đi tìm những kí ức đẹp đã quá xa vời. Càng tiếc nuối cho quá khứ hạnh phúc, nàng càng xót xa, thấm thía bi kịch trong thực tại. Người chinh phụ lại chìm đắm trong thất vọng ê chề. Nàng đau lòng không dám đối mặt với hoàn cảnh trơ trọi, bơ vơ hiện tại. Việc đốt hương vốn để tìm sự thanh thản trong tâm hồn cuối cùng lại khiến người phụ nữ đáng thương thêm thống khổ.
* Trong quãng thời gian vắng chồng, người chinh phụ chẳng buồn đoái hoài đến phấn son hoa lệ: “Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?” Nhưng đêm nay, mong muốn xóa tan những nỗi lo, nhớ, nàng soi gương, thấy đôi mắt chứa chan sầu bi, đôi môi không thể gượng nổi một nụ cười nhạt. Khoảng thời gian dài trông mong chồng và nỗi đau luôn âm ỉ trong lòng đã hủy hoại nhan sắc của người phụ nữ đang trong độ tuổi xuân sắc. Nàng khóc cho tuổi xuân héo tàn, cho dung nhan võ vàng, cho số phận bi đát. Những giọt lệ không thể giúp nàng lấy lại hạnh phúc, tình yêu và tuổi trẻ.

* Cảm thấy việc đốt hương, soi gương không thể giúp quên đi chuyện buồn, người chinh phụ tìm đến tiếng đàn. Nàng mong tiếng đàn rộn ràng có thể xóa tan âu lo, phiền muộn nhưng ghi gảy đàn, nàng lại nơm nớp lo sợ dây đàn đứt.
+ Sắt cầm: đàn sắt và đàn cầm hòa âm với nhau, tượng trưng cho cảnh vợ chồng hòa thuận.
+ Dây uyên: Uyên ương là biểu tượng cho lứa đôi gắn bó, hòa hợp.
+ Phím loan: Chim loan phượng cũng là biểu tượng cho tình yêu đôi lứa.
=> Tác giả sử dụng loạt hình ảnh mang tính ước lệ tượng trưng nhằm nói lên nỗi lo khôn nguôi của người chinh phụ về tình cảm vợ chồng, về người chinh phu đang cách xa ngàn dặm.
* Điệp từ “gượng” cho thấy sự cố gắng gượng gạo và chán nản ở người chinh phụ, nàng vùng vẫy trong nỗi cô đơn nhưng lại bị chính nỗi cô đơn bóp chặt. Những thú vui của tầng lớp quý tộc giờ đây lại không thể đem lại cho nàng niềm vui, hơn thế nữa chúng lại như liều thuốc kích thích khối u sầu khổ trong lòng nàng. Nàng chỉ mong được sum vầy, nhưng buổi đoàn tụ trong tưởng tượng của nàng lại quá đỗi xa xỉ trong hoàn cảnh này.
5. Tám câu cuối:
a. Tấm lòng thủy chung của người chinh phụ:
“Lòng này gửi gió đông có tiện ? Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.”
* Người chinh phụ không chỉ ao ước được thấu hiểu, yêu thương mà còn khát khao được bày tỏ tình yêu nhớ với người chồng ngoài biên ải xa xôi.
+ “Lòng này” là tấm lòng thủy chung đợi chờ.
+ “Nghìn vàng” ẩn dụ cho lòng thương nhớ, trân trọng
=> Tấm lòng của người chinh phụ với người chinh phụ là không thể đong đếm bằng vật chất, tác giả chỉ ước lệ những tình cảm quý giá ấy như nghìn vàng.
* Người chinh phụ gom những yêu nhớ, thương xót vào gió đông, nhờ cơn gió mùa xuân ấm áp gửi tâm tư thầm kín của mình đến Non Yên. “Non yên” trong mong ước của nàng không chỉ là núi Yên Nhiên trong điển cố, điển tích mà là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho nơi biên ải xa cách ngàn dặm, nơi chiến trường khốc liệt, lãnh lẹo, đặt mạng sống con người lên đường chỉ mong manh.
* Câu hỏi tu từ “Lòng này gửi gió đông có tiện?” cho thấy nỗi băn khoăn, lo lắng của người vợ. Sự thực, Non Yên ở đâu, gió xuân phiêu lãng nơi nào, nàng không hề hay biết. Ao ước cũng chỉ là ao ước, không có cách nào đưa nàng đến bên chồng, thoát khỏi cảnh “Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây.”, nàng chỉ biết ngậm ngùi đắng cay cho thân phận mình.
b. Nỗi nhớ của người chinh phụ:
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.”
* Địa danh Non Yên đã xuất hiện trong câu thơ trước được lặp lại trong câu sau, tô đậm khoảng cách giữa hai vợ chồng, nỗi nhớ gửi vào không gian rộng lớn, vô tận càng thêm dày vò, trăn trở.
* Nỗi nhớ của người chinh phụ được so sánh với hình ảnh “đường lên bằng trời” đi cùng từ láy giàu giá trị gợi hình “thăm thẳm”, gợi ra độ sâu, độ rộng, độ xa, độ dài của không gian. Nỗi nhớ chồng của nàng được cụ thể hóa bằng sự bao la, mênh mông của vũ trụ. Tình cảm ấy day dứt, dai dẳng, khôn nguôi, ngập tràn trong không gian, trải dài trong thời gian.

* Hình ảnh đường lên trời mù mịt, xa xăm, không biết đâu là bến bờ, giống như cái thực tại mơ hồ mà người chinh phụ đang sống, cái bi kịch kéo dài đày đọa tuổi xuân của nàng. Nàng không nhìn thấu được hồi kết của chuỗi ngày liên miên dai dẳng này, như bầu trời kia liệu còn bao la đến đâu nữa.
* Trong ngổn ngang thắc mắc, nàng lại trở về với bế tắc. Tính từ “đau đáu” gợi nỗi đau nhức nhối, âm ỉ, nỗi nhớ triền miên khôn nguôi của người chinh phụ, gợi lên cả nỗi lo liệu người chồng đang ở biên ải có được bình an, sớm về đoàn tụ.
c. Tâm trạng người chinh phụ trong cảnh sầu:
“Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.”
* Từ láy “thiết tha” cho thấy nỗi buồn dai dẳng đeo bám lấy người chinh phụ, từng cô đơn, nhung nhớ như mài cắt vào da thịt.
* Cảnh vật “cành cây”, “sương”, “mưa” đều thấm đượm nỗi bi ai, sầu khổ, khiến người phụ nữ nhỏ bé càng thêm cô độc, thiểu não.
* Bút pháp tả cảnh ngụ tình tiêu biểu trong văn học trung đại:
+ “Truyện Kiều” – Nguyễn Du: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
+ “Tự quân chi xuất hĩ” – Trương Cửu Linh: “Nhớ chàng như mảnh trăng đầy/ Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm.”
+Lời thơ chuyển sang độc thoại nội tâm, trực tiếp bày tỏ nỗi lòng người chinh phụ với hình ảnh người chinh phu tràn ngập trong tâm tưởng. 
 +Hai câu thơ cuối có chức năng chuyển đoạn từ không gian khuê phòng sang không gian ngoại cảnh ở đoạn sau, diễn tả sự đồng điệu của ngoại cảnh với lòng người chinh phụ: tiếng côn trùng trong đêm mưa rả rích, cành cây đẫm sương đêm như cùng hoà điệu với nỗi tha thiết não nề trong lòng chinh phụ.
=> Tâm trạng của ngừơi chinh phụ được miêu tả ngày càng sầu thảm, làm cho khung cảnh thêm hoang vắng, quạnh hiu;
6. Tổng kết:
a. Nội dung: Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc của người phụ nữ có chồng đi lính. Trong chuỗi ngày dài cô đơn, lẻ loi, nàng lo lắng cho chồng, đau xót cho mình, thương cuộc hôn nhân dang dở, sợ hãi tương lai mù mịt. Nổi bật xuyên suốt khúc ngâm là hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé, cô độc trong không gian trống vắng, lạnh lẽo, bị nỗi buồn thương sầu nhớ ăn mòn tâm hồn và sắc đẹp.
b. Giá trị nhân đạo: “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” hay “Chinh phụ ngâm” đã đề cao khát vọng về tình yêu chân chính, cao đẹp của người; phê phán chế độ phong kiến trong xã hội cũ với những cuộc chiến tranh phi nghĩa chia uyên rẽ thúy, hủy hoại hạnh phúc gia đình.

c. Nghệ thuật: Các biện pháp nghệ thuật: điệp ngữ, câu hỏi tu từ, ẩn dụ; các bút pháp ước lệ tượng trưng, tả cảnh ngụ tình; thêm đó nghệ thuật sử dụng từ ngữ gợi hình, gợi cảm, hệ thống tính từ chỉ cảm xúc, thể thơ song thất lục bát giàu âm điệu thiết tha réo rắt.
Bài viết tham khảo
Trong văn học trung đại, để lên án sự suy tàn của xã hội phong kiến, đồng thời ngợi ca khát khao hạnh phúc của con người, nhiều thi nhân gửi tâm sự, nỗi bất bình của mình vào các bài thơ, khúc ngâm. Thời Đường ở Trung Quốc, Vương Xương Linh oán ghét chiến tranh phi nghĩa, mà viết “Khuê oán”. Thời Lê ở nước ta, Đặng Trần Côn cảm thông sâu sắc trước số phận những người phụ nữ có chồng đi lính mà làm nên tuyệt tác “Chinh phụ ngâm”. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ“ thuộc tác phẩm trên đã chạm đến trái tim người đọc khi tái hiện hoàn cảnh cô độc, nỗi nhớ thương da diết của người phụ nữ ước mơ hạnh phúc đoàn tụ.
“Chinh phụ ngâm” ra đời vào khoảng thế kỷ XVIII, đầu đời Lê Hiển Tông, phong trào khởi nghĩa nông dân diễn ra liên miên, triều đình điều binh lính đi dẹp loạn. Từ đấy nhiều gia đình chịu cảnh chia lìa, kẻ ở người đi, không hẹn ngày gặp lại. Số phận và bi kịch của những con người nhỏ bé trong cái xã hội phong kiến đang đứng bên bờ vực thẳm ấy đã lay động trái tim của Đặng Trần Côn. Trong khúc ngâm viết bằng chữ Hán của ông có 476 câu thơ, làm theo thể trường đoản cú. Khi Đoàn Thị Điểm dịch sang chữ Nôm đã chuyển tác phẩm về thể thơ song thất lục bát, dùng âm điệu réo rắt, thiết tha của thể thơ dân tộc góp phần thể hiện tình cảnh và tâm trạng của người phụ nữ có chồng đi lính. Sở dĩ Hồng Hà nữ sĩ trung thành với nguyên tác và có nhiều sáng tạo trong quá trình dịch bởi dịch giả đã ở cùng một hoàn cảnh với nhân vật trữ tình: sau khi cưới chưa lâu, chồng bà là Nguyễn Kiều phải đi sứ Trung Quốc, chính vì thế, bà thấu hiểu cảnh sống cô đơn, tẻ nhạt với những buồn lo, nhung nhớ của người chinh phụ.
Sau khi tiễn chồng ra trận, người chinh phụ bơ vơ chốn khuê phòng vắng lặng, lạnh lẽo, nỗi khổ tâm của nàng được bộc lộ qua hành động và ngoại cảnh.

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng ?”
Người chinh phụ dạo bước trong hiên vắng, vừa đi vừa thầm đếm bước chân mình, như đếm từng ngày chồng đi. Những bước chân lặng lẽ của nàng nặng trĩu u sầu, đong đầy thương nhớ, như bước chân người cung nữ trong “Cung oán ngâm” của Nguyễn Gia Thiều: “Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ“. Trong những buổi đi dạo của nàng không còn vẻ ung dung, an nhàn mà thay vào đó là sự ngán ngẩm, buồn chán – tâm trạng khác hẳn với Thúy Kiều khi bước đi tìm người yêu: “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.” Nàng Kiều đi tìm tình quân trong niềm vui sướng, hạnh phúc ngập tràn, còn người chinh phụ vừa đi vừa gặm nhấm nỗi cô đơn, lo lắng cho sự an nguy của người thân chốn biên ải xa xôi. Nàng hết dạo hiên, lại ngồi buồn, cuốn rèm, buông rèm. Những hành động vô nghĩa ấy được lặp đi lặp lại trong vô thức, nàng chẳng còn bận tâm mình đang làm gì bởi tâm trí nàng giờ dồn hết vào người chồng đang tòng quân. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ “vắng”“thưa” vẽ ra không gian trống trải, thưa thớt tình thương yêu, càng tô đậm sự lẻ loi, buồn bã, bồn chồn của nhân vật trữ tình. Người chinh phụ không chỉ buồn nhớ, lo lắng cho chồng mà còn trông ngóng tin chàng. Nàng đợi tin lành của chim thước sẽ xoa dịu nỗi bất an, nhưng chim thước không tới. Nàng lại trỏ bóng đèn, hỏi đèn mà hỏi lòng. Nàng nhận ra rằng càng hi vọng, mòn mỏi trông chờ nàng càng hụt hẫng, tuyệt vọng. Khát khao sum vầy đoàn tụ, khát khao hơi ấm gia đình của nàng càng khiến nàng đau đớn, thất vọng. Câu hỏi tu từ và điệp từ “rèm” lặp lại ba càng đẩy nàng vào bế tắc, cái bế tắc của xã hội phong kiến suy tàn, của triều đình loạn lạc khiến niềm tin của con người về tình yêu, hạnh phúc không còn giá trị. Chao ôi, người chinh phụ mới đáng thương làm sao!
Người chinh phụ hết mong ngày, lại mong đêm, khi bóng tối cô đơn tịch mịch kéo xuống bao trùm lấy nàng, nàng chỉ có thể làm bạn với bóng đèn.
“Trong rèm dường đã có đèn biết chăng ?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết, 
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.”
Điệp ngữ bắc cầu “đèn biết chăng”, “đèn có biết” khiến nỗi buồn đau, thương nhớ của người chinh phụ thêm da diết, day dứt. Trong tâm trạng đó, nàng đối diện với ngọn đèn dầu, mong muốn được thấu hiểu, được chia sẻ tâm tư. Hình ảnh cây đèn dầu cũng xuất hiện trong những tác phẩm văn học dân gian và văn học trung đại khác. Ca dao có câu “đèn thương nhớ ai/ mà đèn không tắt”, thể hiện nỗi nhớ nhung tha thiết của người con gái với người mình yêu. Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Vũ Nương cũng lấy ngọn đèn dầu để xóa giải nỗi cô đơn khi Trương Sinh đi lính. Nhưng đến “Chinh phụ ngâm”, ý nghĩa biểu tượng của ánh đèn dầu không chỉ dừng lại ở đó. Đặng Trần Côn mượn cây đèn đang tàn mà ẩn dụ sự trôi đi nhanh chóng của thời gian, sự tàn lụi, héo hon của kiếp người. Nhà thơ muốn nói: cuộc đời chỉ là kiếp hoa đèn mong manh dang dở. Chính vì vậy, vật vô tri vô giác là cây đèn cháy đỏ khắc khoải, cháy đến tàn bấc dầu kia không những không thể đồng cảm với nỗi đau buồn, tình cảnh cô đơn, lẻ loi người chinh phụ mà càng khiến nàng vô vọng khôn cùng. Tâm trạng của nhân vật trữ tình được khắc họa bằng những tính từ chỉ cảm xúc: “bi thiết”, “buồn rầu”, “thương”“Bi thiết” được hiểu là bi thương, thảm thiết, từ “thiết” theo nghĩa Hán Việt còn có nghĩa là cắt, mài. Những suy tư muộn phiền của người chinh phụ khao khát được bộc lộ, được thấu hiểu, nhưng trong tình cảnh cô độc vắng tẻ của nàng biết lấy ai để trút bầu tâm sự, nàng chỉ biết dồn nén những cảm xúc ấy, cảm nhận nỗi đau như thể trái tim bị cứa, mài. Qua việc cảm nhận tâm sự của người chinh phụ khi đối diện với ngọn đèn, người đọc trầm trồ ngợi ca tài năng nghệ thuật trong miêu tả tâm trạng của tác giả!
Ngọn đèn tắt, bỏ lại người chinh phụ cô quạnh trong đêm dài tịch mịch u sầu.
“Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.”
Một đêm dài năm canh, người chinh phụ vì trông ngóng người chinh phu, thức trọn năm canh, nghe tiếng gà gáy mà sợ hãi, buồn rầu. Cái âm thanh “eo óc” ấy thưa thớt, ghê rợn, tang tóc, khó chịu, từng tiếng từng tiếng vang lên rõ mồn một, đối lập với sự tĩnh lặng, trầm lắng trong tâm nàng. Tiếng gà gáy trong đêm gợi ra khoảng không mênh mông, hiu quạnh, khiến người phụ nữ cô đơn, lẻ loi trở nên nhỏ bé, đáng thương. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh đẩy tâm trạng người chinh phụ lên một nấc thang mới, khiến nó đau đớn hơn, cô độc hơn, dày vò nàng hơn. Không chỉ có tiếng gà gáy khiến nàng trằn trọc, bóng “hòe phất phơ“ cũng khiến người chinh phụ suy tư, lo nghĩ. Vây quanh người chinh phụ là những bóng dáng mập mờ lay động trong đêm, như ẩn như hiện, như có như không. Từ láy gợi hình “phất phơ“ càng tăng thêm tính mơ hồ, hư ảo của cảnh vật, của tin tức về người chồng ngoài biên ải, của những buổi đoàn tụ, sum họp gia đình trong mơ ước ấy, nàng càng mong chờ, càng cảm thấy xa xôi. Hình ảnh cây hòe trong câu thơ trên gợi nhắc ta về bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi: “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương”. Cây hòe của Nguyễn Trãi đẹp, căng tràn nhựa sống, gợi nên sự vui tươi của buổi chiều mùa hạ, khác hẳn với vẻ buồn bã, u sầu của cây hòe đặt trong đêm khuya thanh vắng trong khúc ngâm của Đặng Trần Côn. Từ đó ta thấy nghệ thuật dùng từ của tác giả, từ tính từ “phất phơ“ đến động từ “rủ“, tất cả mang sắc thái chán chường, ủ rũ.
Trong không gian vắng lặng, thời gian đã đi qua màn đêm, người chinh phụ ôm nỗi nhung nhớ, thấm thía về bi kịch đời mình.
“Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.”
Vắng chồng, cuộc sống của người chinh phụ thật tẻ nhạt, buồn chán và nặng nề với những thương nhớ đong đầy từng khắc, cô đơn bủa vây từng giờ. Những ngày tháng này, thời gian trôi đi thật chậm chạp, như muốn gặm nhấm chuỗi ngày sầu bi của nàng. Một ngày không còn được đo bằng vài canh, mấy khắc, mà được tính đếm bằng cả năm dài “đằng đẵng”. Từ láy “đằng đẵng” kéo dài thời gian, kéo dài nỗi buồn và tình cảnh lẻ loi của người phụ nữ có chồng ra trận. Nàng giờ ở vào hoàn cảnh của Kim Trọng khi thương nhớ Thúy Kiều: “Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!” Trong những ngày tháng khó khăn này, người chinh phụ ngẫm về cuộc hôn nhân dang dở, về cuộc đời không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, khiến nàng đã sầu lại càng sầu thêm. Quả đúng là “sầu đong càng lắc càng đầy”, nỗi buồn của người chinh phụ càng triền miên, không có hồi kết. Tác giả đã so sánh tâm tư của nàng với hình ảnh ước lệ “miền biển xa”, những lo lắng, buồn thương, đau xót của người chinh phụ vượt ra ngoài giới hạn về không gian và thời gian. So sánh với bản chữ hán của Đặng Trần Côn “Sầu tự hải/ Khắc như niên”, ta thấy Đoàn Thị Điểm không chỉ trung thành với nguyên tác mà còn có những sáng tạo riêng trong quá trình dịch, giúp người đọc dễ hiểu, dễ đồng cảm hơn với nhân vật trữ tình.
Người chinh phụ chán ghét thời gian trôi chậm chạp, cố vùng thoát khỏi chuỗi ngày cô đơn, lẻ loi dai dẳng.
“Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại châu chan.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.”
Mong muốn xóa tan ưu phiền, người chinh phụ đốt hương nhưng lại không kìm được lòng mà mê man trong quá khứ.
Trong đoạn trích “Thề nguyền” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, Kim Trọng cũng đốt hương “Đài sen nối sáp, lò đào thêm hương” để mùi hương trầm ấm áp làm chứng cho thời khắc quan trọng – hai người cất hẹn ước trăm năm. Người chinh phụ cũng bồi hồi nhớ lại lời hẹn thề năm nào. Mùi hương trầm đã vô tình đưa nàng trở về những tháng ngày hạnh phúc trước kia, để tâm hồn nàng lạc đi tìm những kí ức đẹp quá xa vời. Nhưng càng tiếc nuối quá khứ tươi đẹp, nhân vật trữ tình càng thấm thía bi kịch hiện tại. Nàng trơ trọi, bơ vơ trong sự thật hiển nhiên: những mặn nồng xưa kia không thể lấy lại được. Vậy, việc đốt hương vốn để tìm lại niềm thanh thản trong tâm hồn lại khiến người phụ nữ bé nhỏ, đáng thương và bơ vơ thêm thống khổ. Người chinh phụ đành tìm cách khác để giải tỏa tâm sự: nàng soi gương. Trong chuỗi ngày đợi chờ người chinh phu, người chinh phụ chẳng buồn đoái hoài đến phấn son hoa lệ: “Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?” Nhưng đêm nay, mong muốn thoát khỏi nỗi cô đơn bủa vây, nàng gượng gạo cầm gương soi. Nàng giật mình xót xa cho dung nhan võ vàng của người phụ nữ trong gương kia. Nàng thương đôi mắt buồn chứa chan u sầu, nàng thương đôi môi chẳng thể nở một nụ cười nhạt, nàng khóc cho tuổi xuân héo tàn, cho dung mạo đang độ tươi thắm bị nỗi đau âm ỉ tàn phá. Nhưng những giọt lệ nào có thể giúp nàng cứu vãn được tình cảnh bi đát này. Cảm thấy việc đốt hương, soi gương không thể giúp quên đi chuyện buồn, người chinh phụ tìm đến tiếng đàn. Tác giả sử dụng một loạt hình ảnh ước lệ như “sắt cầm”, “dây uyên”, “phím loan” tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, cho vợ chồng hòa hợp. Người chinh phụ lo sợ dây đàn đứt, báo điều chẳng lành về cuộc hôn nhân đang bị chia cắt, về người chồng ngoài chiến trường bặt vô âm tín. Điệp từ “gượng” cho thấy sự cố gắng gượng gạo, chán nản ở người chinh phụ, nàng vùng vẫy trong nỗi cô đơn nhưng lại bị chính nỗi cô đơn bóp chặt. Những thú vui của tầng lớp quý tộc giờ đây lại không thể đem lại cho nàng niềm vui, hơn thế nữa chúng lại như liều thuốc kích thích khối u sầu khổ trong lòng nàng. Nàng chỉ mong được sum vầy, nhưng buổi đoàn tụ trong tưởng tượng của nàng lại quá đỗi xa xỉ trong hoàn cảnh này.
Giúp việc truyền tải nội dung và giá trị nhân đạo của “Chinh phụ ngâm” là tài năng nghệ thuật và sáng tạo tài tình của tác giả và dịch giả. Xuyên suốt mười tám câu thơ trong đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ“ là các biện pháp nghệ thuật như điệp ngữ, câu hỏi tu từ, ẩn dụ,… và các bút pháp ước lệ tượng trưng, tả cảnh ngụ tình. Tác giả cũng có sự chọn lọc tinh tế các từ ngữ gợi hình, gợi cảm để miêu tả chi tiết và chân thực, cảm động từng cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình. Thêm vào đó, thể thơ song thất lục bát với âm điệu réo rắt, thiết tha, giàu tính nhạc cũng góp phần quan trọng thể hiện nội tâm người chinh phụ. Bên cạnh đó, Đoàn Thị Điểm rất trung thành với nguyên tác khi dịch nên nhiều ý thơ giàu cảm xúc được truyền tải đến người đọc một cách trọn vẹn.
Kết lại, “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ“ trích “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn đã để lại trong lòng người đọc nhiều dư âm sâu sắc về nỗi buồn đau, thương nhớ da diết, tình cảnh cô độc, lẻ loi của người phụ nữ có chồng đi lính. Qua đó, người đọc hiểu những tâm tư tình cảm và suy nghĩ của tác giả về con người, xã hội đương thời. Ông lên án chế độ phong kiến mục nát với những cuộc chiến tranh phi nghĩa kéo dài và ngợi ca tình yêu cao đẹp, khát khao yêu thương đôi lứa.
(Sưu tầm)

TRAO DUYÊN

TRAO DUYÊN
Nhắc đếnTruyện Kiều, người ta không thể không nhắc đến Nguyễn Du - một nghệ sĩ bậc thầy trong việc miêu tả nội tâm nhân vật. Nguyễn Du viết về Truyện Kiều bằng tất cả niềm say mê tính nhiệt huyết. Ông hoá thân trên từng trang viết để cảm thấu hết những nỗi khổ, niềm vui, những tâm tư sâu kín của con người, để rồi lại viết nên những dòng thơ có sức lay động lòng người sâu sắc. Vì vậy, đã có người cho rằng: đặc sắc nhất là nghệ thuật miêu tả trong Truyện Kiều là miêu tả nội tâm nhân vật. Trao duyên là đoạn trích như thế. 
Đoạn trích chính là tiếng lòng tái tê, đau xót của Thuý Kiều trước nỗi đau hạnh phúc chia lìa. Nàng trao duyên cho em, nhờ em trả nghĩa giùm mình cho Kim Trọng nhưng nàng lại không sao dứt tình với chàng Kim được. Đoạn trích Trao duyên đã miêu tả thật tinh thế, chân thực và sống động diễn biến nội tâm ngổn ngang, phức tạp trong lòng Kiều. Bằng tài năng miêu tả tuyệt vời của mình, Nguyễn Du đã làm sống dậy trên trang thơ hình ảnh một Thuý Kiều đa cảm, hiếu hạnh, thuỷ chung. Đoạn trích sẽ còn sống mãi trong lòng người đọc với ý nghĩa nghệ thuật đặc sắc. 
1. Lời nhờ cậy:
a. Lời lẽ: Thúy Kiều hiểu trao duyên là chuyện vô cùng tế nhị nên đã lựa chọn từ ngữ phù hợp để tạo nên sắc thái trang trọng cho cuộc đối thoại.
“Cậy em em có chịu lời”
* Từ “cậy” được hiểu là nhờ vả, phó thác, trao gửi với tất cả sự khẩn thiết, lòng tin tưởng trông vào mối quan hệ ruột thịt. Nguyễn Du đã không dùng từ “nhờ” vì động từ này không thể thổ lộ được hết sự tha thiết trong lời nói của Kiều, càng không thể diễn tả được không khí trang trọng của buổi trao duyên. Từ “cậy” mang âm trắc, mới cho thấy lòng tin, nỗi đau đớn, quằn quại trong nội tâm nhân vật trữ tình.
* Từ “chịu” cho thấy sự nài ép, bắt buộc trong lời Kiều, khiến Vân không nhận không được. Thúy Kiều đã lấy tình cảm chị em thân thiết để ràng buộc Thúy Vân. Không giống với từ “nhận”, chỉ đơn thuần là sự chấp nhận lời đề nghị, là đồng ý tự nguyện giúp đỡ, từ “chịu” còn cho thấy Kiều thấu hiểu nỗi khổ của em khi phải mang thiệt thòi về mình. Âm trắc của từ này cũng giúp nó truyền đạt những tâm tư nặng nề, khó nói nên lời của nhân vật trữ tình.
=> Hai từ “cậy” và “chịu” được Nguyễn Du lựa chọn sau một quá trình sàng lọc kĩ càng. Điều này cho thấy sự tinh tế, cầu toàn của nhà thơ trong việc sử dụng ngôn từ.
b. Hành động: Thúy Kiều đã đảo lộn trật tự vai vế trong gia đình, hành động hết sức nhún nhường và khiêm tốn trước Thúy Vân.
“Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.”
* Từ “lạy” cho thấy Kiều đã đặt mình vào vị trí người chịu ơn, thành kẻ bề dưới nhún nhường, trong tư thế cầu xin, lụy phiền vì nàng biết, trong cuộc trao duyên này, Thúy Vân là người chịu thiệt thòi hơn cả. Động từ này khéo thể hiện sự thuyết phục trong hành động của Kiều, lại thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc của nàng về tình cảnh của em.
* Từ “thưa” cho thấy sự kính trọng, biết ơn của Kiều đối với Vân. Âm bằng của từ “thưa” giúp người đọc cảm nhận sự đau thương, xúc động và xót xa trong những lời nàng sắp nói, tạo nên khúc ngắt nhịp nghẹn ngào, ứ đọng cảm xúc.
=> Chuẩn bị đưa ra lời nhờ cậy tế nhị, Thúy Kiều hạ mình đến tội nghiệp.
Tổng kết: Hai 2 câu đầu là lời nói và hành động của Thúy Kiều trước khi trần tình với Thúy Vân về lời đề nghi trao duyên và câu chuyện tình dang dở của mình. Bốn từ “cậy”, “chịu”, “lạy”, “thưa” là bốn chiếc chân bàn vững chắc, không thể thay thế được bởi chúng: thể hiện sự khẩn khoản, thiết tha của Kiều; tạo không khí trang trọng, thiêng liêng; tô đậm bi kịch cuộc đời nàng.
 Sau những lời rào trước đón sau, kể lại nỗi bất hạnh của mình, bằng sự khẩn khoản van nài, Kiều trực tiếp xin Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.
* “đứt gánh tương tư”: yếu tố thành ngữ dân gian mối tình dở dang, đứt quãng, mối tình dang dở của Kim – Kiều -> muốn em là người “chắp mối”.
“Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.”
* Điển cố “keo loan”: Keo loan là thứ keo được pha từ máu chim loan để nối dây cung, dây đàn. Đến với tác phẩm của Nguyễn Du, bằng sáng tạo của đại thi hào, keo loan trở thành thứ keo gắn kết tơ duyên, tình cảm: Kiều muốn nói với em hãy thay mình kết duyên với chàng Kim.
* Cụm từ “chắp mối tơ thừa” vừa cho thấy sự thấu hiểu, cảm thông sâu sắc của Thúy Kiều với nỗi khổ tâm, sự thiệt thòi của Thúy vân; vừa bày tỏ lòng luyến tiếc, chua xót của Kiều khi tơ duyên đứt đoạn.
* Hai từ “mặc em” thể hiện sự phó mặc, ủy thác của Kiều cho Vân.
=> Ngay từ lời khi cất lời nhờ cậy, Kiều đã rất khéo léo và tế nhị, dùng những lời lẽ giàu sức thuyết phục cũng không kém phần chân thành, tin tưởng.
2. Hoàn cảnh của Thúy Kiều trong quá khứ và hiện tại:
“Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kỳ,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”
a. Quá khứ: Kiều hạnh phúc bên mối tình đầu – Kim Trọng. Phép tiểu đối “ngày quạt ước”, “đêm chén thề” vẽ nên khung cảnh nên thơ, lãng mạn của đôi oanh yến Kim Kiều sau buổi đầu gặp mặt buổi thanh minh. Hai người đã cùng nhau uống rượu thề nguyền, hẹn ước “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”. Điệp từ “khi” lặp lại ba lần nhấn mạnh vào tình yêu quấn quít, da diết, nồng đậm, sâu sắc của nhân vật trữ tình. Nàng tiếc nuối chuỗi ngày hạnh phúc tươi đẹp, trong sáng ấy.
=> Những sự việc được thuật lại trong lời kể ngắn gọn mà chất chứa cảm xúc của Kiều đều được Vân chứng kiến trước đó – cơ sở cho những điều Kiều sắp nói.
b. Hiện tại: Kiều trước “sóng gió bất kỳ” ập đến với gia đình, quyết định hi sinh tình yêu, bán mình cứu em và cha. Càng hồi tưởng về những kỉ niệm vui vẻ bên tình quân, Kiều càng xót xa, đau đớn, thương cho thân phận chính mình ở thực tại.
* Một loạt những cụm từ mang tính đối lập là “khi gặp chàng Kim” với “sóng gió bất kỳ” và “khi ngày”, “khi đêm” với “đứt gánh tương tư” tô đậm hoàn cảnh trớ trêu, số phận bi thương của Kiều, nới rộng ranh giới giữa quá khứ vui tươi và thực tại đau buồn của nàng.
* Những câu chữ mang âm hưởng thành ngữ ca dao với các từ Hán Việt diễn tả những biến cố bất ngỡ, bất hạnh lớn trong cuộc đời người con gái tài sắc; làm cho cuộc đối thoại của Kiều với em vừa giản dị, gần gũi, lại không kém phần trang trọng, nghiêm túc.
Tiểu kết: Bốn câu thơ Kiều dùng để trần tình với Vân chứng tỏ những phẩm chất tốt đẹp ở nàng: hiếu thảo, thủy chung, trọng tình nghĩa, giàu đức hi sinh và lòng vị tha, cao thượng.
3. Lời thuyết phục:Kiều đưa ra những lí lẽ thuyết phục:
“Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”
* “Ngày xuân em hãy còn dài”: Kiều nói rằng Vân còn trẻ, có thời gian, có tương lai. Cũng như Vân, Kiều đang ở độ tuổi xuân sắc “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, nhưng những biến cố bất ngờ ập đến đã cướp đi cái đẹp tinh khôi, trong sáng, khiến tâm hồn nàng trống rỗng; có thể về mặt thể chất, Kiều vẫn xinh đẹp lỗng lẫy như hoa mùa xuân, nhưng nàng đã già đi, đã héo úa về mặt tinh thần. Vì vậy, nàng cho rằng giờ đây chỉ còn Thúy Vân mới xứng với Kim Trọng.
* “Xót tình máu mủ thay lời nước non”: Kiều xin Vân hãy vì tình chị em, ruột thịt mà đồng cảm, thấu hiểu và giúp đỡ mình. Kiều đã không để đáp lại tình cảm của Kim Trọng nên đành phó mặc tất cả cho người em gái duy nhất là Vân. Vân nào có thể khước từ lời nhờ cậy, ủy thác của người thân thiết, gần gũi với mình nhất?
* Những cụm từ “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối” ám chỉ rằng Kiều đang nghĩ đến cái chết. Lời nhờ vả của nàng bây giờ tựa như lời trăn trối nghẹn ngào. Hình ảnh “ngậm cười” dưới cõi chết khiến Kiều trở nên đáng thương hết sức – nàng lặng lẽ nhận nỗi đau về mình, cố gắng tỏ ra vui lòng nếu Kim Trọng và Thúy Vân đến với nhau.
=> Ba lí lẽ Kiều đưa ra vừa có tình, vừa có lí, khiến Vân không nhận không được.
Tiểu kết: Lời thuyết phục của Kiều vừa cho thấy nàng là người thông minh, tinh tế, khéo léo vừa bộc lộ nỗi đau đớn, chua xót của nàng khi phải gửi gắm tình yêu đầu của mình cho em gái.
4. Thúy Kiều trao kỉ vật:
Dẫn dắt: Thông thường, khi nhờ cậy được ai việc gì mà người đó đã nhận lời giúp đỡ, ta hẳn phải cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái và phấn khởi. Nhưng lạ thay, trong trường hợp của Kiều, khi lời đề nghị Vân thay mình trả nghĩa Kim Trọng được em đồng ý, nàng mới nhận thức sâu xa hơn bi kịch tình yêu của mình. Kiều quyết định trao lại kỉ vật ước hẹn giữa mình và chàng Kim để tự nhắc bản thân thôi ảo giác người yêu vẫn còn là của mình, đang ở bên cạnh mình. Nhưng cảm giác mất mát, xót xa, hụt hẫng đã choán lấy tâm hồn nàng.
a. Của chung:
“Chiếc vành với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ vật này của chung.”
* “chiếc vành”: Xuyến bằng vàng, đồ trang sức của phụ nữ mà Kim Trọng đã trao cho Thúy Kiều để làm tin.
* “bức tờ mây”: Tờ giấy có trang trí hình mây ghi lại nguyện ước thủy chung của Kim, Kiều, cũng có thể coi là thư từ giữa hai người.
=> Kỉ vật hiện hữu trong thực tại: Hình ảnh vòng xuyến và bức tờ mây gợi ra quá khứ hạnh phúc, mặn nồng của Kim Kiều, đồng thời khép lại quá khứ tươi đẹp ấy bằng hiện tại đớn đau: Kiều trao những món đồ hẹn ước đã chứng giám cho tình yêu đẹp giữa mình và Kim Trọng vào tận tay Thúy Vân, làm quà đính hôn cho duyên mới.
* “của chung”: “Của chung” này đã không còn là vật ước chung đôi với chàng Kim mà riêng Kiều nắm quyền sở hữu, mà còn có cả phần của Vân trong đó. Hay “của chung” nay đã trở thành minh chứng tình yêu mới giữa chàng Kim và Thúy Vân mà Kiều vẫn dùng dằng nắm giữ. Kỉ vật thề ước là của chung, nhưng nỗi đau Kiều lại lẵng lẽ giữ cho riêng mình.
=> Mâu thuẫn nội tâm Thúy Kiều: Nàng muốn làm tròn nghĩa vụ với chàng Kim, cắt đứt duyên cũ, nối duyên mới, muốn trao kỉ vật của hai người cho em để bản thân không còn ảo tưởng và thương nhớ. Nhưng bên cạnh đó, Kiều lại không muốn dứt bỏ tình yêu đầu trong sáng, đẹp đẽ của mình, vẫn còn hướng tới Kim Trọng. Trong Kiều là cuộc đấu tranh dữ dội giữa lí trí và tình cảm. Nàng day dứt, dùng dằng, lưu luyến, nuối tiếc, tay đã buông nhưng trái tim vẫn nắm. Trong mớ cảm xúc hỗn độn khó nói nên lời ấy, Kiều càng thấu bi kịch số phận mình, càng đau đớn, tuyệt vọng, thương thân.
* Điệp từ “này” khắc họa hình ảnh Thúy Kiều đáng thương, tội nghiệp vừa muốn bỏ, vừa muốn giữ tình cảm đã không còn là của riêng mình. Động tác trao gửi của nàng cứ nhập nhằng, chần chừ mãi không thôi. Điệp ngữ còn tạo giọng điệu trầm bổng, khiến lời thoại của Kiều vừa giống như một tiếng nấc nghẹn ngào, lời than thở đắng cay.
b. Của tin:
“Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”
* “Phím đàn” và “mảnh hương nguyền”: Kỉ vật mà Kim Trọng và Kiều có chung kỉ niệm – đêm thề nguyền: chàng đốt hương, nàng đánh đàn. Đây đều là những kỉ vật trong tâm tưởng, quá khứ mà Kiều vẫn cất giữ trong lòng. Chúng vừa gợi lại kí ức đẹp, vừa báo hiệu tương lai chẳng lành: vật còn người mất – sự tương phản xót xa.
* Hai chữ “ngày xưa” nghẹn đắng trong họng. Từ “xưa” mang âm bằng, gợi sự quyến luyến, nuối tiếc, kéo Kiều trôi tuột vào quá khứ – đêm thề nguyền thiêng liêng, trang trọng và hạnh phúc là vậy nay lại gợi lên nỗi đau đến xé lòng.
* Hai từ “của tin” cho thấy: những kỉ vật giữa Kim Kiều không chỉ mang giá trị vật chất mà còn giàu giá trị tinh thần. Chúng tượng trưng cho sự thủy chung, cho niềm tin tưởng tuyệt đối mà hai người trao gửi ở đối phương. “Của tin” là sợi dây vô hình kết nối hai linh hồn đồng điệu về cảm xúc của Kim, của Kiều. Dù bây giờ lòng tin ấy có mất đi, tình duyên Kiều đã sắp đặt cho em gái, nàng vẫn muốn giữ lại những tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ ấy cho riêng mình.
=> Chi tiết này chứng minh tình yêu sâu sắc, vô bờ mà Thúy Kiều dành cho Kim Trọng. Tình yêu càng da diết, nỗi khổ tâm dằn vặt trong nàng càng lớn, càng dày vò nàng.
c. Sau khi trao kỉ vật, Kiều không thấy thanh thản:
“Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.”
* Điệp từ “nên” nhấn mạnh vào tương lai được ấn định của Kim Trọng và Thúy Vân, tương lai không có Thúy Kiều trong đó. Mỗi chữ “nên” là một lần con dao số phận cứa vào trái tim nàng đau nhói. Nàng hình dung ra viễn cảnh hạnh phúc của người yêu và em gái mà xót xa cho chính mình.
* “Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên”: Kiều tự nhận mình là hồng nhan bạc phận, là kẻ bất hạnh, “giật mình mình lại thương mình xót xa”. Kiều vẫn mong trong quãng thời gian tươi vui sắp tới của Kim, Vân, nàng không bị lãng quên.
=> Sau khi đưa tận tay kỉ vật đôi lứa cho Vân, nỗi đau, sự bất lực trước số phận nghiệt ngã của Kiều không dừng lại, mà còn được tô đậm thêm. Bóng dáng nàng Kiều nhỏ bé, đáng thương, tội nghiệp là dấu ấn khó phai trong lòng người đọc “Truyền Kiều”.
5. Thúy Kiều dặn dò em:
Dẫn dắt: Sau khi trao kỉ vật cho Thúy Vân, Thúy Kiều trốn chạy khỏi thực tại đau buồn, phũ phàng, hướng tới tương lai, một tương lai đen tối, thảm thương, mù mịt trong dự cảm.
a. Thúy Kiều mong em sẽ nhớ tới mình:
“Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.”
* “Mai sau dù có bao giờ”: Thúy Kiều mường tượng ra tương lai hạnh phúc vẹn toàn của Thúy Vân và Kim Trọng. Hai chữ “mai sau” với Kim, Vân đã được ước định trăm năm. Còn “mai sau” của nàng thì mờ mịt vô định.
* “Đốt lò hương ấy so tơ phím này”: Thúy Kiều hồi tưởng lại cảnh cũ – đêm thề nguyền – sau khi Kim Trọng thêm hương vào lò, Kiều đã đánh đàn cho chàng nghe. Đây là cảnh quá khứ của nàng, lại là cảnh tương lai của Vân. Kiều buồn bã, xót xa, tủi thân, ngậm ngùi đắng cay khi nghĩ người mình yêu sẽ cùng làm những việc này với người con gái khác. Liệu khi ấy, Kim Trọng và Thúy Vân có nhớ tới “người mệnh bạc” này?
* “Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”: Quá đau đớn cho tình cảnh mình, Thúy Kiều không còn tỉnh táo mà lạc vào những suy tưởng mông lung. Nàng nghĩ đến cái chết, và muốn nhắn Thúy Vân rằng hồn này sẽ trở về thăm em, thăm lại tình xưa.
* Từ láy “hiu hiu” gợi ra viễn cảnh tương lai u tối, ảm đạm của Kiều, tạo không khí u buồn, bi thương, tang tóc.
=> Thúy Kiều đáng thương trước nghịch cảnh quá khứ – tương lai. Nàng bất lực, đớn đau, mong chờ, hi vọng sự thương nhớ, đồng cảm nơi người thân.
b. Thúy Kiều bảo toàn nguyện ước trăm năm với Kim Trọng:
” Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.”
* “bồ liễu” là loài cây tượng trưng cho người phụ nữ yếu đuối. “Nát thân bồ liễu”: Thúy Kiều nghĩ đến tương lai, nghĩ đến cái chết không được toàn thây, nghĩ đến những đau đớn dày vò tâm hồn và thể xác.
* “nghì” là nghĩa, phẩm chất đạo đức rất được coi trọng trong quan niệm Nho giáo xã hội xưa. Nghĩa trong đoạn này là ân nghĩa, nghĩa tình giữa Kiều với Kim Trọng.
* “trúc mai” là cây trúc, cây mai, chỉ tình yêu “thanh mai trúc mã” xứng đôi vừa lứa, chỉ sự gắn kết sâu sắc giữa hai tâm hồn.
=> Dù sống hay chết, Kiều vẫn cố đền đáp tình cảm cho Kim Trọng. Khi còn ở trần gian không được ở bên nhau thì nàng nguyện hướng tới chàng nơi địa phủ. Cho đến tận cùng đau thương và mất mát, không gì có thể phá vỡ được tình yêu của Thúy Kiều. Kể ca cái chết “nát thân bồ liễu” cũng không thể may mảy làm hư hại tấm lòng thủy chung son sắt của nàng. Như vậy, khối hồn oan đau đớn của Kiều vẫn còn mãi.
c. Kiều khát khao được giải oan, được đồng cảm:
“Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rưới xin giọt nước cho người thác oan.”
* “Dạ đài cách mặt khuất lời”: chỉ chốn âm phủ âm dương cách trở.
* “người thác oan”: Kiều tuy tự nguyện hi sinh bản thân để cứu cha và em nhưng vẫn ý thức rằng bị mình bị oan uổng, sau khi chết, linh hồn không siêu thoát được.
* Chính vì đau buồn, tủi hồ nghĩ đến oan khuất mình phải chịu, Thúy Kiều mới “Rưới xin giọt nước”. Từ “xin” khắc họa hình ảnh người con gái nhỏ bé đáng thương, cầu lòng thương, cầu được nhớ đến, cầu được cảm thông sâu sắc.
+ Trong niềm tin tôn giáo cổ truyền, nước trong là chất tinh khiết có thể rửa sạch oan khuất, khiến cho hồn oan được mát mẻ.
+ Trong chuyện dân gian, giọt nước mắt Mị Nương khóc cho Trương Chi rơi xuống chén trà, chén ngọc tan ra thành nước, giúp cho linh hồn chàng siêu thoát.
=> Thúy Kiều khát khao sự thương xót, đồng cảm ở Thúy Vân và Kim Trọng, mong muốn nhận được giọt nước mắt giải oan của em gái, nỗi nhớ nhung thấu hiểu của người yêu.
Tiểu kết: Nguyễn Du đã mượn quan niệm “âm dương tương liên tương giao” để khẳng định tình cảm lớn lao mà Thúy Kiều dành cho Kim Trọng. Nàng muốn sau khi chết sẽ trở về với linh hồn bất tử, mãi ở bên dõi theo chàng Kim. Qua đó, ta thấy được nét đẹp phẩm chất ở Kiều. Đó là sự thủy chung, trọng tình trọng nghĩa, coi trọng lời thề.
6. Thúy Kiều thấu bi kịch đời mình:
a. Thúy Kiều và Kim Trọng có tình mà chẳng có duyên:
“Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!”
* Những từ “muôn vàn”, “trăm nghìn” tô đậm tình yêu lớn lao, vô bờ, nồng đậm của Kiều với Kim Trọng. Tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ và trong sáng ấy là không thể cân đo, đong đếm được.
* Đối lập với hai từ trên là những từ “ngắn ngủi”, “ngần ấy”: Thời gian hạnh phúc của Kim Kiều sao quá ngắn ngủi, duyên phận cũng không cho hai người ở bên nhau, cơ hội được gặp lại người yêu của Kiều cũng không có.
=> “Ái ân” và “tơ duyên” đối lập với nhau, tạo nên bi kịch tình yêu, khiến Kiều chua xót, đau thương lại bất lực không làm gì được ngoài cất lên những tiếng than đầy ai oán “…muôn vàn ái ân!”, “…ngần ấy thôi!” Sự tình ra nông nỗi này, nàng biết trách ai bây giờ, chỉ có thể trách số phận không cho nàng hưởng hạnh phúc mà thôi.
* Trong đoạn này, Kiều gọi Kim Trọng hai tiếng đầy thân thương và trân trọng – “tình quân”. “Tình quân” là người yêu, Thúy Kiều còn rất nhớ, rất yêu chàng, vẫn muốn được gọi chàng là người yêu của mình
=> Kiều thật khổ đau, đáng thương!
b. Thúy Kiều than trách nghịch cảnh đời mình:
“Bây giờ trâm gãy gương tan
[…] Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng!”
* “Trâm” và “gương” là những vật trai gái ngày xưa thường tặng cho nhau để làm kỉ niệm của tình yêu. Cả câu ý nói tình yêu tan vỡ, khắc họa hoàn cảnh trớ trêu của đôi thanh mai trúc mã Kim Kiều.
* “phận bạc như vôi”: Kiều than thở số phận đã ngược đãi, tạo hóa trêu ngươi.
* “nước chảy hoa trôi lỡ làng”: Tình cảm, lòng tin yêu của Kim Trọng Kiều không thể đền đáp được, nàng day dứt, dày vò bản thân, tuyệt vọng.
7. Màn độc thoại nội tâm của Thúy Kiều:
“Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!” 
* Nếu như trong đoạn trên Kiều gọi là Kim Trọng là người yêu, thì đến đây lại chuyển cách xưng hô là “lang” nghĩa là chồng. Kiều đối với Kim Trọng gắn bó, thương yêu sâu đậm như chồng. Tình cảm của nàng bộc lộ theo mức độ tăng dần cùng đó là nỗi đau xót ngày một lớn, không thể dồn nén thêm nữa.
* Những tính từ cảm thán “ôi”, “hỡi” khiến câu độc thoại nội tâm của Kiều như đang nói với Kim Trọng, lại tăng thêm sự ai oán, sầu khổ, vật vã trong lời nói của nàng.
* “Thiếp đã phụ chàng”: Kiều tự nhận lỗi về mình, cho rằng mình phụ chàng Kim nên vô cùng day dứt, tự trách bản thân => Kiều tội nghiệp, đáng thương biết bao!
Tiểu kết: Tám câu cuối sử dụng nhiều hình ảnh đối lập và câu cảm thân để tăng tính gợi cảm, tô đậm nỗi buồn, khắc họa hình ảnh Thúy Kiều nhỏ bé, bất hạnh trước sự sắp đặt trớ trêu của số phận.

( Sưu tầm và chỉnh sửa)
TRAO DUYÊN
Truyện Kiều là tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du. Vay mượn cốt truyện từ văn học Trung Quốc nhưng bằng một “cảm hứng mới” và một bút lực nghệ thuật tài hoa Nguyễn Du đã viết lên một “Truyện Kiều” được đánh giá là hiện tượng “tập đại thành” của nền văn học Việt  Nam. Giá trị của “Truyện Kiều” không chỉ dừng lại ở mặt tư tưởng, đạo đức mà còn ở nghệ thuật văn chương tinh tế, điêu luyện đặc biệt là bút pháp miêu tả tâm lý nhân vật. Về mặt này Truyện Kiều được đánh giá là một “tiểu thuyết phân tích tâm lý, dưới hình thức hiện đại”. Truyện Kiều có nhiều trang phân tích tâm lý tuyệt bút mà đoạn trích “Trao duyên” trong chương trình Ngữ văn lớp 10 là một minh chứng tiêu biểu. Đây là một đoạn trích hay nhưng cũng rất khó tiếp cận. Toàn bộ đoạn trích tập trung thể hiện tấn bi kịch của Thúy Kiều khi phải trao lại tình duyên cho em.
            Trao duyên! Hai tiếng ấy đã toát lên sâu sắc bi kịch của người trong cuộc. “Duyên” là sự gắn bó, hòa hợp tự nhiên, do trời định (duyên số), “duyên” còn là “tình” (duyên tình). Còn gì đau đớn hơn khi phải “trao duyên” cho kẻ khác (cho dù đó là em gái mình). Kiều làm sao có thể thuyết phục được em chấp nhận mối tình của mình trao lại trong khi trái tim nàng đang chảy máu thế kia? Như vậy ngay từ đầu Nguyễn Du đã đặt nhân vật vào trong một tình thế oái ăm để buộc nhân vật tự bộc lộ, tự giải bày những điều gan ruột nhất trong nội tâm của mình. Người đọc cứ bị cuốn dần cuốn dần vào trong dòng tâm trạng với những diễn biến tinh tế, phức tạp và nhiều phát triển bất ngờ của nhân vật.
            Bên cạnh đó để làm nổi bật những giằng xé nội tâm của Thúy Kiều trước một biến cố lớn của cuộc đời nàng, Nguyễn Du còn sáng tạo ra trong đoạn trích một hình tượng thời gian độc đáo. Việc “trao duyên” của Kiều cho Vân được thực hiện vào đêm cuối cùng trước ngày Kiều phải từ bỏ gia đình ra đi theo Mã Giám Sinh. Đây là khoảng thời gian ngắn ngủi mà Kiều có được với gia đình của mình. Sự ngắn ngủi của thời gian tạo nên sự dồn nén cảm xúc trong tâm hồn nhân vật: những dằn vặt về việc trả món nợ tình cho Kim Trọng, cảnh ngộ khó xử khi nói lời trao duyên cho em, nỗi đau đớn tuyệt vọng khi ý thức rõ thân phận “bạc mệnh” của mình… tất cả đều hiện lên chân thực qua ngòi bút miêu tả tâm lý tinh tế của Nguyễn Du.
          Đoạn thơ mở đầu bằng một tư thế lạ:
“…Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giọng điệu trang trọng, khẩn thiết của câu thơ, cử chỉ bất bình thường của nhân vật báo hiệu một điều gì đó vô cùng thiêng liêng, hệ trọng  mà Kiều sắp sửa nói ra. Nguyễn Du quả thật là tinh tế, tài hoa khi dùng từ “cậy” mà không dùng từ “nhờ”, dùng từ “chịu” mà không dùng từ “nhận” dù đây là những từ đồng nghĩa. Phải là “cậy” thì mới tô đậm được cái quằn quại, khó nói trong tâm lý nàng Kiều và làm nổi bật được ý nghĩa hy vọng thiết tha của một lời gửi gắm, nương tựa. Còn “chịu” khác với chữ “nhận” ở sắc thái van vỉ, nài ép khiến cho người nghe không thể không nhận lời. Chỉ với hai chữ ấy thôi Nguyễn Du đã cân được sức nặng của một tình thế, một tâm trạng: lắt léo, trớ trêu và khó nói. Đặc biệt với sự hoán đổi vị trí trong quan hệ chị em: “Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”, Kiều đã tạo ra tư thế lụy phiền bằng cách hạ mình rất thấp để Vân có thể động lòng mà chấp nhận lời thỉnh cầu của mình. Hơn ai hết Kiều thấu hiểu sự thiệt thòi của em gái mình trong tình thế phải nhận lời trao duyên. Hành động tôn kính quá mức của Thúy Kiều (lạy/thưa) là sự tỏ lòng biết ơn, chịu ơn trước sự hy sinh của em mình.
Những lời lẽ khẩn thiết, cảm động, những hành động gấp gáp, dồn dập trong 2 câu thơ mở đầu trước hết bắt nguồn từ ý thức thời gian hiện tại ngắn ngủi, thắt ngặt của Thúy Kiều. Thúy Kiều biết nàng không thể dùng dằng thêm một phút giây nào nữa bởi sáng mai đây thôi nàng đã phải lên đường, phải từ bỏ tất cả: tình yêu, hạnh phúc của mình.
Khi khúc dạo đầu đã qua đi, Thúy Kiều bắt đầu kể cho em nghe cảnh ngộ khó xử của mình:
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai
Lời giải bày của nàng Kiều mang màu sắc tâm sự, vừa kể vừa để thuyết phục em bằng lí lẽ và tình cảm. Kiều nhắc lại chuyện Kiều phải dứt tình thâm với Kim Trọng để bán mình chuộc cha, phải hi sinh chữ tình cho chữ hiếu để hợp đạo làm con. Khơi được mạch cảm thông, Kiều mới tha thiết thỉnh cầu:
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây
Tác động vào lí trí chưa đủ Kiều còn viện cả tới tình cảm chị em và tình cảnh đau khổ của bản thân để thuyết phục Vân thay nàng trả nghĩa chàng Kim. Những thành ngữ nói về tình máu mủ, ruột rà: tình máu mủ / lời nước non, hay nói về cái chết: thịt nát xương mòn/ ngậm cười chín suối tạo nên sức lay động mạnh mẽ trong lời tâm sự của Thúy Kiều. Kiều nói với em bằng những lời thẳm sâu nhất từ trái tim của một người chị, nàng còn lấy cả linh hồn kẻ bạc phận để biết ơn em “ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”. Kiều dứt khoát tìm mọi cách để thuyết phục Thuý Vân thay mình trả nghĩa chàng Kim, bởi Kiều ý thức sâu sắc về hạn chót của thời gian, Kiều không thể làm gì khác để cứu tình yêu.
Khi đã thuyết phục được Vân, Kiều lấy những kỉ vật tình yêu với Kim Trọng để trao lại cho em: Chiếc thoa, bức vành mây, phim đàn, mảnh hương nguyền. Bao nhiêu kỉ vật là bấy nhiêu tình yêu. Những thứ thiêng liêng mà Kiều ôm ấp trong vòng tay, trong trái tim giờ đây nàng đành phải trao lại cho em. Trao kỉ vật nàng ý thức được một sự mất mát to lớn không gì có thể cứu vãn nên tay nàng trao cho Vân mà tim nàng rung lên đầy đau đớn: “duyên này thì giữ vật này của chung”. Có chút gì như là cố níu kéo, cảm giác nuối tiếc và nỗi “đau đớn lòng” trong hai chữ “của chung” ấy. Thúy Kiều rơi vào sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động, lí trí và tình cảm: duyên thì trao nhưng tình lại không thể dứt. Câu thơ của Nguyễn Du không có một từ ngữ nào trực tiếp miêu tả tâm trạng vậy mà lại cồn lên biết bao nhớ nhung, nuối tiếc, giằng xé đến chảy máu trong tâm hồn. Với Kiều đây không chỉ là hành động trao kỉ vật mà nàng đang phải vĩnh biệt mối tình đầu trong sáng và đẹp đẽ của mình. Có thể nói để viết những câu thơ này nhà thơ phải nhập rất sâu vào “vai” của nhân vật để phân tích, khơi đúng dòng ý thức nhân vật.
            Đoạn thơ trên không chỉ cho ta thấy một Thúy Kiều thông minh, sắc sảo qua những lí lẽ  thuyết phục Thúy Vân thay nàng trả nghĩa chàng Kim mà còn là sự ý thức sâu sắc của nàng Kiều về số phận bi kịch của mình trong hiện tại: khát vọng tình yêu thì vô biên nhưng cuộc đời lại nhiều dâu bể với những “sóng gió bất kì” khiến cho hạnh phúc  tình yêu phút chốc lại trở thành nỗi đau tan vỡ.
            Từ điểm nhìn hiện tại ấy, Thúy Kiều hình dung ra một tương lai thật não nề khi đối sánh thân phận “người bạc mệnh” của mình với hạnh phúc lứa đôi của Thúy Vân và Kim Trọng. Nàng biết lấy gì làm cứu cánh, làm điểm tựa tinh thần nếu không quay về với những kỉ niệm tình yêu của ngày đầu ước hẹn:
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa,
Sự đồng hiện quá khứ lúc này không cho nàng cái cảm giác ấm áp, ngọt ngào mà trái lại càng khơi sâu vào nỗi đau trong trái tim nàng. Kỉ niệm tình yêu đẹp đẽ ấy ngỡ như mới hôm qua thôi mà nay đã trở thành cái “ngày xưa” xa hun hút, thăm thẳm. Biết bao nỗi niềm nuối tiếc, xót xa trong hai chữ “ngày xưa” ấy. Tìm về quá khứ Thúy Kiều không thấy niềm an ủi, còn tương lai thì thật hãi hùng:
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này,
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về,
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai,
Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rưới xin giọt nước cho người thác oan,
Ở đó nàng gặp mình trong hình ảnh người của thế giới bên kia. Nàng thấy mình là một “hồn oan” vật vờ trong ngọn cỏ lá cây, bay về trong gió, linh hồn không siêu thoát được vì vẫn mang nặng lời thề. Nàng thấy nỗi oan tình của mình cũng giống như chàng Trương Chi xưa mang nặng khối tình xuống Tuyền đài  chỉ có nước mặt của người xưa mới hóa giải được. Tưởng rằng trao duyên rồi, Thúy Kiều sẽ tìm thấy được sự thanh thản trong tâm hồn nào ngờ nỗi đau đớn càng dày thêm.
Giọng thơ thay đổi, hình ảnh thơ ma mị, chập chờn, huyền bí, không khí linh thiêng cùng dòng thời gian tâm lý với sự đồng hiện của 3 chiều thời gian quá khứ - hiện tại – tương lai… Tất cả giúp Nguyễn Du miêu tả thành công cơn khủng khoảng dữ dội trong tâm lý nàng Kiều khi vĩnh viễn mất đi tình yêu của mình. Tình yêu với Kiều là toàn bộ cuộc sống và mất tình yêu thì cũng có nghĩa là nàng đã chết – cái chết tinh thần.
Qua ngòi bút của Nguyễn Du, những mâu thuẫn trong thế giới nội tâm của nàng Kiều còn được thể hiện chân thực thông qua việc sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Như chúng ta đã biết Truyện Kiều là một tác phẩm tự sự nhưng xuyên suốt tác phẩm, đặc biệt là ở đoạn trích “Trao duyên” Nguyễn Du lại dùng ngôn ngữ độc thoại nội tâm để miêu tả nhân vật. Đây là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Để cho nhân vật độc thoại nội tâm nhà thơ muốn nhân vật tự nếm trải cảm giác, tự bộc lộ, tự phơi bày tâm tư tình cảm và khát vọng sâu kín của mình. Nhà văn không đứng bên ngoài để miêu tả nội tâm nhân vật mà để nhân vật tự cất lên tiếng nói bên trong của mình. Có thể nói không ở đâu thế giới nội tâm nhân vật lại hiện lên một cách sống động và chân thực như trong ngôn ngữ độc thoại. Đây là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du so với các cây bút đương thời khi xây dựng nhân vật.
Trong đoạn trích “Trao duyên” nếu như ở phần thứ nhất (phần trao duyên) nhà thơ chủ yếu sử dụng ngôn ngữ đối thoại khi tái hiện những lời thỉnh cầu tha thiết, cảm động và những lí lẽ giàu sức thuyết phục của Thúy Kiều để Thúy Vân chấp nhận trả nghĩa chàng Kim thì ở phần hai ngôn ngữ thơ đã có sự thay đổi. Vẫn là lời của Kiều dặn dò Thúy Vân nhưng dường như Thúy Kiều đã quên mất sự có mặt của Vân bên cạnh, nàng như đang tự nói với mình, thầm thì với mình nỗi xót tiếc quá khứ, sự não nề trước tương lai mờ mịt, hãi hùng và một thực tế vỡ tan:
Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Đang tự nói với mình, nàng lại  chuyển đối tượng giao tiếp sang Kim Trọng:
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi!.
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Sự chuyển đổi này tạo ra một ngôn ngữ trữ tình đa âm, đa giọng, một điều cực kì hiếm thấy trong văn học Trung đại. Trong lời nói Thúy Kiều, Nguyễn Du sử dụng một loạt thành ngữ diễn tả sự tan vỡ, số phận bi kịch, sự trôi nổi, vô định của kiếp người (trâm gãy bình tan, tơ duyên ngắn ngủi, phận bạc như vôi, nước chảy hoa trôi). Tâm trạng Thúy Kiều đang chìm sâu trong sự chiêm nghiệm cá nhân để nhận ra sự nhỏ nhoi, số phận bi kịch của mình trước cái vô hạn của tình yêu, khát vọng (kể làm sao xiết muôn vàn ái ân). Và nỗi đau được đẩy tới cao trao trong hai câu kết:
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
            Chỉ trong một câu thơ thôi nhưng có đến hai lần nàng gọi tên người yêu, gọi bằng tất cả sự nồng nàn, thiết tha và đầy trân trọng (Kim lang chứ không phải là Kim Trọng). Thán từ “Ôi”, “Hỡi” đứng đầu hai vế câu cùng dấu chấm than (!) và cách ngắt nhịp lẻ (3/3) làm cho câu thơ giống như một tiếng nấc nghẹn ngào, tuyệt vọng của nàng Kiều. Trong tột cùng đau đớn nàng tự nhận lỗi về mình “thiếp đã phụ chàng từ đây”. Thúy Kiều bán mình chuộc cha là do hoàn cảnh khách quan, xuất phát từ tấm lòng hiếu nghĩa thơm thảo của nàng: “Làm con trước phải đền ơn sinh thành” nhưng nghĩ về Kim Trọng nàng lại tự nhận mình là người phụ bạc, bội ước. Tình yêu nàng dành cho Kim Trọng lớn tới mức khiến nàng quên cả nỗi đau đớn của bản thân mà thương cho nỗi đau của Kim Trọng. Nàng không đổ thừa cho hoàn cảnh mà dám nhận trách nhiệm về mình. Thúy Kiều quả là một con người có nhân cách cao thượng và giàu lòng vị tha.

Với đoạn trích “Trao duyên”, Nguyễn Du đã vượt qua một “ca” tâm lí phức tạp, giàu kịch tính. Sự kết hợp tuyệt diệu của hai bút pháp tự sự và trữ tình giúp nhà thơ miêu tả thành công những mâu thuẫn bên trong hết sức chân thực của nội tâm nhân vật. Nguyễn Du đã nhập rất sâu, có lúc như hòa làm một vào nhân vật để đồng cảm với nỗi đau dứt tình và khát vọng tình yêu mãnh liệt của nhân vật. Viết về bi kịch tình yêu tan vỡ nhưng tác giả lại làm nổi bật được vẻ đẹp tâm hồn cao quý của Thúy Kiều đó là tình yêu thủy chung, lòng vị tha, đức hy sinh cao cả…Nghệ thuật miêu tả tâm lý bậc thầy cùng cảm hứng nhân văn cao cả đã làm cho “Trao duyên” trở thành một trong những đoạn trích tiêu biểu, có vị trí quan trọng nhất của Truyện Kiều.