Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

SỰ KỲ DIỆU CỦA NGÔN NGỮ THƠ VIỆT NAM

        SỰ KỲ DIỆU CỦA NGÔN NGỮ THƠ VIỆT NAM
"Nếu như “giai điệu”, “âm thanh” là ngôn ngữ của âm nhạc; “màu sắc”, “đường nét” là ngôn ngữ của hội họa; “mảng, khối” là ngôn ngữ của kiến trúc, thì “ngôn từ” là chất liệu của tác phẩm văn học". Hình tượng văn học là hình tượng ngôn ngữ. Nhà văn Nga Macxim Gorki từng nói : “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Quả thật như vậy, ngôn ngữ giữ một vị trí đặc biệt trong quan trọng văn học đặc bệt là trong thơ ca, đó là tiếng nói chân thực, giàu có của đời sống hiện thực, vừa là tiếng nói bay bổng của trí tưởng tượng diệu kì, lại vừa là tiếng nói tiếng nói tình cảm của con tim đang xúc động. Chiều sâu của sức suy nghĩ, tính chất mẫn cảm và tinh tế của sức sáng tạo trong những trạng thái rung động của tâm hồn.. Tất cả chỉ có thể đến được với người đọc thông qua vai trò của ngôn ngữ. Sự tổ chức ngôn ngữ trên cơ sở của hệ thống nhịp điệu, tính chất tối đa về nghĩa trên một diện tích ngôn ngữ hẹp nhất, sắc thái chủ quan của người viết trong mức độ cần thiết đã tạo cho ngôn ngữ thơ ca những phẩm chất đặc biệt. Hơn một phạm vi nào hết, quy luật về mối quan hệ gắn bó giữa nội dung và hình thức được thể hiện ở đây một cách tinh tế nhất thông qua những hình thái thâm nhập và chuyển hóa. Ở đó ngôn ngữ thơ ca biểu hiện tập trung nhất tính hàm súc, mĩ lệ, phong phú của ngôn ngữ. Nói như nhà thơ Nga, Maia côpxki cho rằng: “quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca cũng giống như người lọc quặng ra đi um, lọc lấy tinh chất, tìm ra trong những cái bộn bề của những tấn quặng từ đẹp, ánh sáng kim cương”. “Thi ca là tinh hoa tối cao của ngôn ngữ, cái ánh ngời phi thường của nó, chỗ rách cảm động nhất của nó”. (Piere Gamarra)
Chính vì thế, tiếp nhận một bài thơ hay không dễ gì ta cảm nhận được ngay, có khi chỉ bằng linh cảm mà nhận ra. Đọc rồi, đọc nữa, suy ngẫm, liên tưởng ta mới nhận ra thứ ánh sáng, màu sắc, hương thơm man mát bên trong hình tượng ngôn ngữ thơ. Chẳng thế mà nhà thơ Hoàng Đức Lương (thế kỉ XV) đã có một nhận xét xác đáng : Thơ là sắc đẹp ở ngoài sắc, vị ngọt ở ngoài vị, không thể trông bằng mắt thường được, chỉ có thi nhân trông thì mới thấy đẹp, nếm mới thấy ngon...
Trong kho tàng ngôn ngữ vô cùng phong phú của toàn dân, nhà thơ chỉ lựa chọn những từ ngữ cần thiết nhất để đưa vào tác phẩm. Đó là quá trình khổ luyện, tìm tòi, tích lũy vốn sống... mới có được những chữ “thần” để có thể “lóe sáng” ở câu thơ, làm cho bài thơ “nổi gió”, “cất cánh”. Do vậy ngôn ngữ thơ rất gợi hình, gợi cảm góp phần tạo nên tính họa, tính nhạc trong thơ. Nó biến hóa qua nhiều sắc thái ảo thực bất ngờ, thú vị
Đến với  Tây Tiến (Quang Dũng), chúng ta cảm nhận được những nét tinh tế trong cách diễn đạt ngôn ngữ của tác giả. Khúc dạo đầu trong Tây Tiến là nỗi nhớ “chơi vơi”, vừa xa xăm, sâu lắng, vừa thiết tha, quyến luyến
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”.
Sau khúc dạo đầu ấy là tất cả những kỉ niệm thời Tây Tiến được hiện về trong những nỗi nhớ nên mang màu sắc lung linh, đẹp lạ kì. Kí ức này chi phối việc lựa chọn phối thanh, phối màu trong bức tranh Tây Tiến. Kỉ niệm của một thời chinh chiến với dòng sông Mã yêu thương và khoảng trời miền Tây theo thời gian cứ lần lượt hiện về. Kỉ niệm đầu tiên là hình ảnh
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Ngôn ngữ trong câu thơ có sức tạo hình lớn. Chỉ vài nét chấm phá, Quang Dũng  cho ta tưởng tượng ra những cảnh người chiến binh phải ra đi giữa mù sương dày đặc, thăm thẳm lạnh lẽo. Sương dày bủa vây như lấp cả đoàn quân. Đoàn quân cứ đi, đêm nối đêm, ngày nối ngày, dãi dầu trong những khó khăn gian khổ
Dốc lên khúc khuỷu dóc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Qua bốn câu thơ trên,ta thấy Quang Dũng đã vẽ được một bức tranh hiểm trở, dữ dội, khúc khuỷu của núi rừng Tây Bắc. Hàng loạt những từ ngữ giàu tính tạo hình được huy động: khúc khuỷu,thăm thẳm, heo hút, súng ngửi trời,…đã diễn tả được cái dữ dội của núi rừng Tây Bắc. Đọc những câu thơ này, người đọc như thấy hiện ra trước mắt mình những ngọn dốc vừa khúc khuỷu, vừa cao ngất trời lại vừa thăm thẳm. Núi cao như chọc thủng màn mây, những người lính vụt lên những đỉnh núi cao ngất, tưởng như súng ngủi trời. Từ “heo hút” vừa gợi ra độ cao của núi, vừa gợi ra độ sâu của dốc và cả cái vắng lặng, hoang vu đến rợn người. Nếu như hai câu đầu là cái nhìn lên thì đến câu thơ thứ ba, Quang Dũng diễn tả cái nhìn xuống. “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Nhìn lên, núi cao chót vót, nhìn xuống, dốc sâu thăm thẳm. Bút pháp tương phản và và nét vẽ gân guốc đã làm nổi bật tính tạo hình. Nhưng xen vào những nét vẽ gân guốc ấy là những nét vẽ rất mềm mại, như xoa dịu cả cả khổ thơ: “Nhà ai pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ cho ta hình dung ra cảnh những người lính tạm dừng chân bên một dốc núi, họ phóng tầm mắt nhìn ra xa. Qua mịt mù lớp sương rừng mưa núi, họ thấy thấp thoáng những ngôi nhà như bồng bềnh trôi giữa biển khơi.
 Đoạn thơ trên còn đậm chất nhạc. Chất nhạc được tạo ra bởi những âm hưởng đặc biệt, chất nhạc đã góp phần làm tăng thêm sự kì diệu của ngôn ngữ thơ. Hai câu thơ
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời”.
Đậm thanh trắc: “dốc”, “khúc khuỷu”, “thẳm”, “hút”, “súng”, “ngửi”…như làm cho độ cao của núi, độ dốc của đèo, độ khúc khuỷu hiểm trở của con đường cứ tăng lên mãi. Những câu thơ trúc trắc khó đọc cũng như diễn tả sự khó khăn hiểm trở của núi rừng. Nhưng câu thơ thứ tư lại toàn thanh bằng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, nhịp thơ trầm xuống như xoa dịu những trúc trắc ở trên. Cách phối thanh đã đem đến hiệu quả rõ rệt cho lời thơ: người đọc cảm thấy được thư giãn sau những phút căng thẳng. Đoạn thơ kết thúc bằng một đường nét và âm điệu hết sức đầm ấm;
“Nhớ ôi tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nép xôi”
Những từ “ cơm lên khói”, “nếp xôi”, “mùa em” như vẽ ra trước mắt ta những bản làng, nơi có những nồi cơm đang bốc khói. Khói của cơm, hương thơm của lúa nếp ngày mùa khiến lòng chiến sĩ ấm lại, đó còn gợi lên sự sum họp gia đình. Hai câu thơ với thán từ “ôi” đã tạo nên một âm điệu êm dịu, tha thiết, ấm áp vô cùng.
Đoạn thơ thứ hai, Quang Dũng sử dụng những đường nét mềm mại và đặc biệt tinh tế. Qua nét vẽ tài hoa ấy, người đọc như bừng ngộ trước vẻ đẹp nên họa, nên thơ của núi rừng Tây Bắc. Hồn thơ Quang Dũng bị “hút” bởi sự lãng mạn đầy bí ẩn của con người nơi đây. Nhà thơ khao khát khám phá, tìm hiểu nó. Ấy là một đêm liên hoan văn nghệ dưới ánh đuốc bập bùng:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Với những nét vẽ khỏe khoắn mê say, Quang Dũng dẫn ta vào một đêm văn nghệ rất thực mà ngỡ như mơ: doanh trại bừng sáng dưới ánh lửa đuốc bập bùng. Trong ánh đuốc ấy, cảnh vật, con người hiện lên vừa thực, vừa ảo, tất cả như đều nhuốm men say ngay ngất. Những cô gái- những bông hoa của núi rừng Tây Bắc hiện ra đẹp lộng lẫy, vừa e thẹn, vừa tình tứ trong một vũ điệu đậm màu sắc phương xa. Trong vẻ đẹp rực rỡ của ánh đuốc, trong nét dìu dặt của tiếng khèn, gợi về khỏe khoắn, trẻ trung. Hai từ “kìa em”làm giọng điệu câu thơ như cũng ngỡ ngàng, vừa ngạc nhiên, vừa mê say, vui sướng. Bốn câu thơ vừa chan chứa màu sắc, âm thanh, vừa ấm áp tình người
Từ nét vẽ và âm thanh khỏe khoắn trong đêm hội đuốc hoa, Quang Dũng đã chuyển sang nét vẽ tinh tế, mềm mại khi miêu tả chiều sương Châu Mộc
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Chỉ bằng một vài nét chấm phá đơn sơ nhưng tác giả đã gợi lên cái thần, cái hồn của cảnh vật. Đó là cái thần, cái hồn của lau “nẻo bến bờ”. Đó là dáng tạo hình của cô gái Thái giữa tràng giang sông nước, đó là cái “đong đưa” tình tứ của những bông hoa rừng…tất cả như khắc vào thiên nhiên Tây Bắc vẻ đẹp nên họa, nên thơ, khắc vào lòng người những kỉ niệm khó quên. Cái chất nhạc và chất họa trong ngôn ngữ thơ đã hòa quyện. Bốn câu thơ đầu ru ta trong nhạc điệu cất lên từ sự mê say của tâm hồn những người lính Tây Tiến. Bốn câu sau là những nét vẽ tài hoa gợi lên cái thần, cái hồn của tạo vật. Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng : “Đọc đoạn thơ này, ta như lạc vào thế giới của cái đẹp, của cõi mơ, của âm nhạc” và Xuân Diệu cũng có lí khi nói: “ Đọc Tây Tiến, ta có cảm tưởng như ngậm nhạc trong miệng”.
Sự kì diệu của ngôn ngữ thơ ta còn có thể thấy trong Đàn ghi ta của Lor- ca (Thanh Thảo). Thành công trước hết và cũng là ấn tượng đầu tiên của bài thơ là ở nhạc tính. Tính nhạc của câu thơ được tạo bởi nhiều yếu tố như sự phối vần, phối thanh, cách sử dụng những biện pháp trùng điệp, thể thơ… Trong đó nhịp điệu giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Bởi nói như nhà thơ lãng mạn Pháp Lamactin, “Thơ ca, ấy là tiếng hát bên trong”, là nhịp điệu của tâm hồn, của trái tim người nghệ sĩ. Chỉ có nắm bắt được nhịp điệu của tâm hồn, của trái tim người nghệ sĩ. Chỉ có nắm bắt được nhịp điệu thì mới có thể “chạm” được đến cái phần sâu nhất của hồn thơ. Đàn ghi ta của Lor- ca là bài thơ giàu nhạc tính, nhạc tính được tạo bởi nhiều yếu tố.
Trước hết đó là thể thơ, Thanh Thảo dùng thể thơ tự do với những trường đoạn và câu thơ dài ngắn linh hoạt, phóng túng. Tất cả được tạo bởi sự liên kết bên trong, đó là sự liên kết của cảm xú, suy tưởng và liên tưởng. Bài thơ mở ra bằng tiếng đàn:
Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li- la li- la li- la
và kết thúc cũng bằng âm hưởng của tiếng đàn không bao giờ dứt:
li- la li- la li- la
có thể thấy, chính mạch liên tưởng hết sức phóng túng nhưng tất cả đều hướng về làm nổi bật tiếng đàn đã giúp những hình ảnh thơ gắn kết thành một thể hoàn chỉnh. Từ hình ảnh người nghệ sĩ với tấm áo choàng “đỏ gắt” đến “tiếng hát nghẻu ngao”; từ ánh mắt hướng về bầu trời có “ cô gái ấy” đến nỗi niềm “ lặng im bất chợt”…Và âm hưởng ấy tập trung khắc họa hình tượng người nghệ sĩ Tây Ban Nha với cuộc đời đầy bi kịch nhưng bất tử
nhạc tính còng thể hiện rất rõ ở cách sử dụng hình thức trùng điệp câu trúc câu. Đây là một đoạn thơ tiêu biểu
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta xanh biết mấy
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
hình tượng âm thanh của tiếng ghi ta láy đi láy lại như một nỗi ám ảnh. Nhịp thơ dường như cứ nương theo tiếng đàn, như một dòng chảy mãnh kiệt của của cảm xúc đầy hồi hộp và mê say; tiếng ghi ta nâu – tiếng ghi ta lá xanh – iếng ghi ta tròn- tiếng ghi ta ròng ròng ròng máu chảy… mở ra những trường liên tưởng độc đáo về một nghệ sĩ trong những phút giây bi kịch của cuộc đời nhưng vẫn không thể rời xa tiếng đàn. Đọc đoạn thơ này của Thanh Thảo ta bỗng nhớ đến đoạn thơ bay bổng của Huỳnh Thúc Liên
bay đi  xa đi xa
tiếng đàn ghi ta của Lor-ca
bay đi xa đi xa
Lời thơ tranh đấu Es- pa- nha
Vang vang trong tim ta
Tiếng đàn ghi ta của Lor- ca
Vang vang trong tim ta
Lời thơ tranh đấu Es- pa- nha
Nhạc tính còn thể hiện ở âm hưởng của tiếng đàn “ li-la li- la li- la” ở cuối bài.Nếu tiếng “li-la li-la li-la”ở phần đầu bài thơ gợi âm hưởng réo rắt của tiếng đàn thì âm thanh li- la kết thúc lại gợi lên một nỗi ám ảnh. Không chỉ ám ảnh bởi âm thanh mà là nỗi ấm ảnh về một số phận, một cuộc đời nghệ sĩ đầy tài hoa nhưng bi kịch. Có thể nói chất nhạc trong bài thơ được sử dụng hết sức thành công, nó không chỉ phù hợp với việc ngợi ca người nghệ sĩ gắn với cây đàn ghi ta mà còn tạo nên những dư âm, những vang ngân trong lòng người đọc. Và trên hết, chất nhạc ấy biểu hiện niềm tiếc thương đến thảng thốt của Thanh Thảo đối với người nghệ sĩ Tây Ban Nha vĩ đại.
Bên cạnh tính nhạc dồi dào, một trong những đặc sắc khác của bài thơ là sáng tạo hình ảnh. Là một nhà thơ ham tìm tòi và cách tân, Thanh Thảo đem lại cho thơ những cách nói mới giàu sức biểu hiện. Trong bài thơ, có những hình ảnh khá chân thật, gợi lại những sự kiện có thực trong cuộc đời của Lor- ca:
Áo choàng bê bết đỏ
Lor- ca bị điệu về bãi bắn
Chàng đi như người mộng du
Nhưng chủ yếu là những hình ảnh giàu chất tượng trưng, giàu sức biểu hiện, đặc biệt là hình ảnh tiếng đàn. Đó là “tiếng đàn bọt nước” đang theo hành trình của người nghệ sĩ để đi “lang thang về miền đơn độc”. Đó là “tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy” đầy đau thương và bi thiết như tiếng đàn của nàng Kiều khi bị ép buộc đàn cho Hồ Tôn Hiến với “ Một cung gió thảm mưa sầu- Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!”. Đó là “tiếng đàn như cỏ mọc hoang”, không có gì có thể ngăn trở hay hay kìm hãm được sức sống mãnh liệt từ bên trong. “Tiếng đàn như cỏ mọc hoang” còn nói lên sự bất tử của nghệ thuật, nghệ thuật và trái tim của người nghệ sĩ chân chính sẽ là mãi mãi. Và nhất là tiếng đàn “li-la li-la li-la” tưởng như vang mãi bất tận trong trái tim người nghệ sĩ, trong tâm hồn người đọc.
Bên cạnh hình tượng tiếng đàn được cảm nhận và so sánh rất phong phú và độc đáo như thế, còn có những hình ảnh gợi nhiều suy tưởng. Vẫn nằm trong mạch suy ngẫm về sức sống bất tử của tiếng đàn và trái tim người nghệ sĩ, Thanh Thảo sáng tạo được những hình ảnh đột xuất bất ngờ:
Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng
Đó là hình ảnh vừa thực, tái hiện lại sự kiện Lor- ca bị phe phát xít giết hại trong thời gian đầu cuộc nội chiến, xác ông bị chúng quang xuống giếng, vừa gợi trường kiên tưởng: phải chăng tiếng đàn là chân dung tinh thần của Lor- ca macxit còn sáng “ long lanh”, không thể kẻ thù nào vùi dập được.
Thơ và ngôn ngữ thơ phải cô động, giàu sức biểu hiện. Sự tìm tòi công phu, cân nhắc kĩ lưỡng, chọn lọc có sáng tạo vẫn là nhiệm vụ thường xuyên có ý thức của nhà thơ với phương tiện phong phú và rất biến hóa. Trong trường ca Sông Mê Công bốn mặt, Anh Ngọc đã lồng truyện thần thoại làm cái thần, cái hứng của câu chuyện hiện đại.
“Tôi bế trên bàn tay em bé Cam pu chia đói khát
Đến trước tượng người vũ nữ Ăng co
Và vỗ nín em bằng cặp vú đá của nàng”

          Mừng xuân 1969 của Bác
“    Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Hai câu thơ thật sự hàm súc. Ở đây Bác đã trình bày những quan điểm bản chất của sự kiện, hiện tượng mà vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn có tính nghệ thuật của nó. Câu thơ chỉ có 14 chữ nhưng đã nêu lên mục đích cuộc chiến đấu của dân tộc, vạch ra đường lối chiến đấu, chiến thắng bè lũ Mỹ - ngụy và phương thức chiến đấu, yêu cầu của từng thời kì chiến đấu sắp tới. Nó kết tinh từ những năm tháng suy tư của Bác. Câu thơ đó làm rung động lòng người, vì nói lên một trí tuệ lớn, một tình cảm lớn, và vì diễn đạt bằng hình thức nghệ thuật hàm súc, đối ý, đối chữ, trùng điệp vì cách dùng từ thật đắt: cút, nhào, vì nhịp điệu mạnh mẽ, dứt khoát.
Bài ca mùa xuân1961 (Tố Hữu) đã viết về cảm xúc yêu thương trong những ngày xuân đẹp
Anh nắm tay em sôi nổi vụng về
Mà nói vậy trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiêu
Phần cho thơ và phần để em yêu”.
Những từ dành, để, cho tuy được viết ra tự nhiên, nhưng thực ra đều có sự cân nhắc thích hợp với từng đối tượng và từng trạng thái tình cả. Ngôn ngữ thơ ca đòi hỏi sự chọn lọc chính xác tinh tế và có sáng tạo. Thông qua sự chọn lọc này, nhà thơ vừa phải tuân thủ một cách đầy đủ những quy tắc của ngôn ngữ đời sống lại vừa thể hiện tính chất chủ động trong sáng tạo
Những cách sử dụng ngôn ngữ có chọn lọc và sáng và sáng tạo trên đã đem lại cho ngôn ngữ thơ ca nhiều phẩm chất đáng quý. Ngôn ngữ chân chất, mộc mạc nhưng vô cùng trong sáng của thơ ca đã kết tụ lại ở những câu ca chứa chan thi vị và giàu sức biểu hiện.
Ra đi từ làng quê, Nguyễn Bính đến với thị thành với hành trang giàu có trong tinh thần và nghèo nàn về vật chất. Tình cảm về hình bóng quê hương như người bạn đồn hành trong suốt chặng đường dài của tác giả. Trong tuổi trẻ Nguyễn Bính lại có nhiều năm đèn sách và có vốn Nho học dáng kể. Sách và chữ của thánh hiền góp phần đào tạo gia phong. Nhưng rồi thời thế đổi thay, bút lông thành bút sắt, trường thi Nam Định trở thành trường bay ; nhà thơ “ lỡ duyên bím tóc củ hành” lại hăm hở ra đi tìm sự nghiệp ở bốn phươg trời với tư cách một thi nhân như tư cách nói. “Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh. Tôi đi dan díu với kinh thành” (Hoa với rượu). Hai chữ “dan díu” rất gợi cảm có ý nghĩa. Nguyễn Bính hay dùng chữ “dan díu”, từ sự “dan díu” trong thiên nhiên, “dan díu” mà không gây hậu quả gì:
Đồi sim dan díu nương chè
Trắng phau khói núi xanh lè áo ai.
                                  (Đường rừng chiều)
Đến sự dan díu nhiều màu vẻ và phức tạp hơn, của con người. Dan díu … thường thuộc về quan hệ tình cảm bạn bè, lứa đôi và có sự thích thú mê say. Dan díu như một tình cảm bị cuốn theo để tìm sự đồng cảm và bù đắp phần trống vắng của cảnh ngộ riêng của nhân vật trữ tình
       Chị từ dan díu với tình
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng
                                  (Lỡ bước sang ngang)
Nguyễn Bính thích thứ ngôn ngữ nhiều màu sắc, cả cảnh trong mơ và trong đời thực đều được Nguyễn Bính thêu dệt bằng những màu sắc tươi thắm. Đã nói mộng là mộng vàng, rượu là rượu hồng, mắt biếc môi son. Có những câu thơ chứa đựng toàn màu sắc:
Người yêu má đỏ môi hồng
Tóc xanh mắt biếc mà lòng bạc đen
                                         (Lại đi)
Xanh cây xanh cỏ xanh đồi
Xanh rừng xanh núi da trời cũng xanh
Áo chàm cô Mán thanh thanh
Mắt xanh biêng biếc một mình tương tư
                                  (Vài nét rừng)

Thơ Nguyễn Bính được mến mộ còn nhờ ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu, đó là cái nhạc điệu bên trong của nội tâm, chất chứa tâm trạng. Câu chữ nhiều khi chẳng có gì mà gợi biết bao đau đớn, quặng thắt;
Đấy tình duyên của đôi ta
Đến đây là … đến đây là…là thôi
(Rượu xuân)
Câu chuyện tình duyên của người xưng chị trong bài thơ Lỡ bước sang ngang ta thấy có sự éo le. Lần thứ nhất tình duyên đến với chị chỉ là một thứ hôn nhân không có tình yêu, một cuộc hôn nhân do họ hàng định đoạt, một sự gả bán không đếm xỉa gì đến tình cảm
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường chan canh
Mười nămđưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu cái duyên không về
Những từ “mười năm, mười năm” nhắc lại bốn lần, đứng đầu câu thơ thật não nề, làm ta liên tưởng đến những tiếng nức nở, những tiếng nấc và những tiếng đóng cái quan tài. Ấy là cái chết trong cuộc sống.
Tác giả bằng miệng người con gái, cho ta biết cô sống thế nào. Sống tức là ăn, là ngủ. Mà ăn thì “nước mắt bữa thường chan canh”…, ngủ thì “gối hận bên giường”, tất nhiên sống như vậy phải đưa đến cái chết. Cái chết được diễn tả cụ thể: đưa đám, đào sâu chôn chặt, lạnh(xác chết dưới mồ), tim đi hết máu. Ta hiểu: đây là cái chết của tâm hồn.
Trong bài thơ Tương tư, Nguyễn Bính đã nói lên nỗi tương tư nghìn đời của những đôi lứa. Nhưng xem chừng, hay nhất vẫn là sự kể lể về thời gian
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Lời thơ của Nguyễn Bính vẫn nguyên sự sốt ruột, khắc khoải của người trong cuộc, y như lời lẽ của người bóc lịch đếm từng ngày chậm chạp, rề rà trôi qua một cách vô tình, thậm chí như cố tình trêu ngươi vậy. “Ngày qua ngày lại qua ngày”, câu thơ đi nhịp 3/3, chia thành hai vế, vế này là sự trùng lặp của vế kia theo lối trùng điệp. Chữ “lại” chứa đựng sự ngán ngẩm, vừa hi vọng vừa như thất vọng. Tất cả gợi được nhịp vận hành lặp đi lặp lại của những ngày đợi chờ, mong mỏi mà hoàn toàn vô vọng !. Câu thơ thứ hai vẽ ra một người nóng lòng chờ đợi cùng với một cái cây mà chẳng biết đó là cây gì, chỉ biết nó cũng nặng trĩu tương tư. Thời gian với người tương tư chẳng vô hình. Nó có màu: ấy là màu vàng héo. Mỗi ngày qua để lại một vết trên vòm lá. Cái cây là một nhân chứng, một cuốn lịch thiên nhiên, một tri kỉ câm lặng, một kẻ đồng nạn. Anh đợi em khi cây hãy còn xanh, đến nay cây đã vàng hết rồi, vậy mà …Đợi chờ làm cây héo úa, làm người héo hon. Cây kia là hình ảnh khác của anh! Cái cây kia chính là hình ảnh của anh. Tả cảnh ngụ tình là thế. Phải nói, chữ “nhuộm” thật đắt. Chữ “nhuộm” gợi được thời gian. Quá trình chuyển đổi đã hoàn tất: lá xanh đã biến hẳn thành cây lá vàng rồi! sắc thái kể lể đậm hơn. Thời gian của đọi chờ của anh đằng đẵng, dằng dặc đến nỗi đủ nhuộm một cây xanh thành cây lá vàng hết cả rồi. Lời thơ vì thế mà khổ sở, khắc khoải bội phẩn.

       Sự kì diệu của ngôn ngữ thơ còn thể hiện ở việc nhà thơ kết hợp các biện pháp tu từ như: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, điệp từ, tượng trưng, ..trong cách diễn đạt và ngôn ngữ thơ phải có tính biểu cảm. Ở đó ngôn ngữ nói lên được cảm xúc của nhân vật. Ta có thể thấy được tâm sự của một cô giáo ở vùng núi cao mong có nhà, có con để đón bà lên bế cháu, đưa võng trưa hè. Nói một cách khác là ước mơ được làm vợ, làm mẹ.Tác giả đã nói tới sự xót xa của các cô khi tuổi của xuân đã mòn phai:
                                                            Ở rừng tự hát ru nhau
                                                Lá trầu chị héo quả cau em già.
Lá trầu, quả cau là biểu tượng cho hôn nhân hạnh phúc, nhưng ở đây lá trầu héo, quả cau già. Tất cả đã quá lứa lỡ thì, tuổi xuân đã quá “đát”.
Có nhà thơ so sánh mái tóc dài của thiếu nữ khá độc đáo Tóc em dài như một tiếng chuông ngân. (chuyển từ quan sát bằng thị giác sang thính giác). Hay Trần Đăng Khoa cảm nhận được âm thanh rất nhẹ của chiếc lá đa rơi trong bài Đêm ngủ ở Côn Sơn: Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng... (chuyển sự cảm nhận từ thính giác sang thị giác). Tất cả những câu thơ trên đều gợi liên tưởng, tạo hình tượng khá rõ. Nếu không có trí tưởng tượng kỳ diệu thì khó mà viết được những câu thơ như thế.
      Đọc bài thơ hay, câu thơ hay ta như không còn thấy câu chữ nữa. Cái hay nằm trong sự giản dị. Nếu cố làm duyên làm dáng, điểm phấn tô son, đánh bóng ngôn từ sẽ sa vào xu hướng “vị nghệ thuật” thuần túy. Mây gió, cỏ hoa xinh tươi đến đâu hết thảy cũng đều từ trong lòng người nảy ra (Ngô Thời Nhậm). Có xúc cảm tốt, tìm được tứ thơ mới lạ nhưng nếu vốn ngôn ngữ nghèo nàn thì khó có được thơ hay. Có thơ hay toàn bài, có thơ chỉ hay ở một câu, một chữ.
       Tóm lại, có một điều không ai chối cãi là chất liệu đầu tiên, duy nhất để làm nên bài thơ là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng quý báu và lâu đời của dân tộc (Hồ Chí Minh). Mỗi nhà thơ sẽ có cách tiếp cận, sử dụng riêng vốn ngữ toàn dân, ngôn ngữ bác học, ngôn ngữ nghệ thuật để đưa vào bài thơ. Qua tiếng lòng của nhà thơ, ngôn ngữ được cấu trúc lại để tạo thành ngôn từ mới, đẹp, sâu xa, triết lí.






































TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Hà Minh Đức,Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, 1997
2.     Bùi Công Hùng, Quá trình sáng tạo thơ ca, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000
3.    Bùi Công Hùng, Tiếp cận nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000
4.    Mã Giang Lân, Tìm hiểu thơ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000
5.    Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001
6.     Trần Đình Sử, Những thế giới nghệ thuật thơ ( Tiểu luận) (Tái bản lần thứ nhất), Nxb Giáo dục, 1997

7.    Vũ Duy Thông, Cái đẹp trong thơ ca kháng chiến Việt Nam 1945- 1975 (Tái bản lần thứ nhất), Nxb Giáo dục, 2000

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét