Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ CÁCH TÂN TRONG TRUYỆN NGẮN NAM BỘ ĐẦU THẾ KỶ XX



MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ CÁCH TÂN
TRONG TRUYỆN NGẮN NAM BỘ ĐẦU THẾ KỶ XX
I.                  CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRUYỆN NGẮN NAM BỘ ĐẦU THẾ KỶ XX
     Văn học Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng, phong phú. Từng vùng, miền, văn học có những nét đặc trưng riêng. Vào cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX, khi văn học Việt Nam bước đầu hiện đại hóa, có một bộ phận văn học đã mang lại những đóng góp lớn vào quá trình này và làm cho đời sống của nền văn học dân tộc thêm sinh động, đó chính là văn học Quốc ngữ Nam Bộ.
Thành tựu đáng trân trọng của Quốc ngữ Nam Bộ những năm đầu thế kỷ là thể loại truyện ngắn. Với kích cỡ nhỏ như một mẫu chuyện nảy sinh tự nhiên trong cuộc sống, có thêm sự gia công, tái tạo của người viết, truyện đã phản ánh nhiều bức tranh xã hội chân thực. Có thể thấy rằng, từng bước chuyển biến của văn học Quốc ngữ Nam Bộ luôn gắn với sự phát triển của thể loại truyện ngắn ở Nam Bộ. Cho đến khi thực sự hòa nhập vào nền văn học dân tộc truyện ngắn Nam Bộ đã trải qua 3 giai đoạn:
1.    Giai đoạn phôi thai: ( có thể chia hai thời điểm)
-         Những năm cuối thế kỉ XIX ( thời Trương Vĩnh Kí), truyện ngắn ra đời dưới hình thức truyện kể. Đó là những truyện được chép lại bằng giọng văn của người biên khảo, sưu tầm, chưa phải là sáng tác. Nó mang đậm dấu ấn dân gian. Ở thời điểm này, truyện ngắn chưa được coi trọng.
-         Sang thập niên đầu thế kỉ XX truyện ngắn xuất hiện trên báo chí với những chuyển biến lớn về nội dung so với những truyện kể thời Trương Vĩnh Kí.
+ Về nội dung: thể hiện tính thời sự cao trong mục đích miêu tả một trạng thái nào đó của con người và quan niệm xã hội đương thời dưới cái nhìn của con người đương thời.
+ Về nghệ thuật: còn nhiều dấu ấn dân gian ở ngôn ngữ và kiểu loại hình nhân vật. Ngôn ngữ truyện ngắn còn thiên về khẩu ngữ. Tính chất tượng trưng kiểu nhân vật loại hình mang tính phổ biến.
2.    Giai đoạn trưởng thành và phát triển: (trong khoảng hai thập kỉ 20 – 30)
Ở giai đoạn này, truyện ngắn dần dần được nâng cao ở các mặt đề tài, cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ,… thoát khỏi hình thức truyện kể giản đơn. Lời văn nhẹ nhàng, sáng sủa  hơn.
Cơ sở tạo nên sự chuyển biến trên đó là do thực tại xã hội phong phú, mang đến cho truyện ngắn nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào. Bên cạnh đó, báo chí tạo điều kiện cho thể loại này phát triển. Truyện ngắn ở giai đoạn này đã được đông  đảo công chúng đón nhận. Những tác giả tiêu biểu: Trần Quang Nghiệp, Thúc Anh, Khổng Lồ, Bửu Đình,…
3.    Giai đoạn hội nhập: ( trong khoảng từ cuối thập niên 30 sang thập niên 40)
Ở giai đoạn này, truyện ngắn Nam Bộ đã hội đủ các tiêu chí về nội dung và nghệ thuật của thể loại truyện ngắn hiện đại về nhiều phương diện. Điểm nổi bật của truyện ngắn Nam Bộ thời hội nhập chính là cảm hứng chiến tranh bên cạnh cảm hứng đời thường ở nhiều tác phẩm. Ngôn ngữ truyện ngắn đạt đến độ trưởng thành. Và truyện ngắn Nam Bộ đã thực sự hòa nhập vào văn học dân tộc.
II. VỀ KHÁI NIỆM TRUYỀN THỐNG VÀ CÁCH TÂN:
Truyền thống và cách tân là vấn đề có ý nghĩa quan trọng của văn học Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa. Đó là sự đan xen hai yếu tố cũ  và mới trong sáng tác của một tác giả, có khi trong cùng một tác phẩm. Hai yếu tố cũ và mới ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật được kết hợp nhuần nhuyễn và phổ biến trên khắp các thể loại, tạo ra những giá trị đặc biệt, không thể xếp vào kho tàng văn học Trung đại mà cũng chưa hẳn là một tác phẩm văn học hiện đại.
Là một bộ phận của Văn học Việt Nam, văn học Quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX đã thể hiện được mối quan hệ giữa truyền thống và cách tân. Với thể loại truyện ngắn, mối quan hệ này được thể hiện trên các phương diện: đề tài- chủ đề, lý tưởng thẩm mĩ và đạo đức, xây dựng thế giới nhân vật, quan niệm nghệ thuật về con người, nghệ thuật xây dựng nhân vật và ngôn ngữ truyện ngắn.
1.    Đề tài và chủ đề: (là yếu tố được hiện đại hóa đầu tiên và tích cực nhất trong truyện ngắn)
Xuất phát từ đặc trưng thể loại của truyện ngắn so với tiểu thuyết, đề tài truyện ngắn có phần mở rộng hơn tiểu thuyết, từ cảm hứng luân lý, cảm hứng nhân đạo, truyện ngắn đã mở rộng đến cảm hứng thế sự, cảm hứng phê phán. Vấn đề trung tâm của phạm vi đời sống mà truyện ngắn miêu tả đó là cuộc sống bình thường của con người. Đề tài và chủ đề trong truyện ngắn Nam Bộ đã đi vào hiện đại hóa.
2.    Lý tưởng thẩm mĩ và đạo đức:
-         Truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX vẫn chọn những nguyên tắc chính của luân lý dân tộc và ảnh hưởng của Nho giáo làm nền tảng. Tuy nhiên, nội dung truyện ngắn không phải để bảo vệ cho tư tưởng đạo Nho khuôn phép và cứng nhắc mà nội dung của tác phẩm đã dân tộc hóa, địa phương hóa một cách uyển chuyển cho tư tưởng Nho giáo để nó phù hợp với miền đất mới.
-         Lý tưởng thẩm mĩ được đặt trong mối tương quan với các lý tưởng xã hội, chính trị, đạo đức của thời đại. Điều đó đã làm thay đổi những tiêu chí mới về phẩm chất con người. Từ đó kiểu nhân vật mới được xuất hiện trong truyện ngắn.
3.    Thế giới nhân vật:
-         Nhân vật xuất hiện trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX bao gồm nhiều tầng lớp xã hội thời Pháp thuộc: quan lại, hương chức, viên chức, trí thức, thị dân, lưu manh, vô sản, giang hồ, điền chủ, nông dân,…
-         Nhân vật ra đời với cảm hứng thời sự. Đó là những con người cá nhân với đời tư cá nhân. Nó đã vượt lên khía cạnh “phi ngã” của văn học Trung đại (“Tự thuật”- Lâm Kiêng Liêng)
-         Những nhân vật phi truyền thống xuất hiện bên cạnh nhân vật chính diện, phản diện của văn học Trung đại hay văn học dân gian. Điều này chứng tỏ truyện ngắn đã hướng đến xu hướng miêu tả con người bình thường với những vấn đề trong đời thường, chứ không theo xu hướng lý tưởng hóa.
4.    Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật:
-         Yếu tố cổ miêu tả nhân vật bằng ước lệ, tượng trưng vẫn còn tồn tại ở một số truyện ngắn. Tuy nhiên nó không được dùng như một thứ thủ pháp chủ đạo mà được dùng xen với cách miêu tả thông tục, chỉ có ý nghĩa làm tăng cường giọng điệu cơ bản của truyện.
-         Nhiều kiểu nhân vật được miêu tả đậm đà màu sắc hiện thực với nhiều giọng như: châm biếm, hài hước,... Đặc điểm này cùng với đặc trưng riêng của truyện ngắn đã làm cho tốc độ hiện đại hóa của truyện ngắn Nam Bộ trở nên sớm hơn và nhanh hơn trong hoàn cảnh lịch sử mới.
5.    Quan niệm về nghệ thuật con người:
Quá trình hiện đại hóa văn học là quá trình xóa bỏ những quan niệm cũ, trong đó có quan niệm nghệ thuật về con người. Con người trong văn chương thời kỳ trước là con người đạo đức và chức năng. Con người trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX là con người cá nhân với các yếu tố tình cảm, dục vọng, bản năng,…với nhiều mặt thể hiện phức tạp. Con người mang đầy sức sống của thực tại phong phú.

6.    Một số bút pháp nghệ thuật đặc trưng của truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX:
- Lời văn gọn, chỉ một vài câu chữ đã thể hiện được tính cách, tâm trạng nhân vật→ nó đã thoát khỏi quy cách của văn biền ngẫu.
- Câu văn khá hoàn chỉnh, linhh hoạt, miêu tả cụ thể gần như bỏ hẳn lối ước lệ xưa.
- Các biện pháp tu từ đã được sử dụng một cách có nghệ thuật để miêu tả, khắc họa những nét độc đáo của nhân vật.
- Cách dẫn truyện có nhiều sáng tạo, kết cấu chặt chẽ, kịch tính của truyện tăng dần. Truyện càng ngắn kịch tính càng cao.
- Lối kết cấu bỏ lửng hoặc bất ngờ gây cảm giác thú vị cho người đọc. Đồng thời tạo chiều sâu cho tác phẩm.
III. KHẢO SÁT TÍNH TRUYỀN THỐNG VÀ CÁCH TÂN TRONG TRUYỆN NGẮN NAM BỘ ĐẦU THẾ KỈ XX
1.    Khảo sát một số truyện ngắn tiêu biểu
( có  bảng khảo sát kèm theo)
2.  Mối quan hệ giữa truyền thống và cách tân trên một số phương diện trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỉ XX
2.1. Đề tài, chủ đề:
Trong truyện ngắn Nam bộ thời kỳ này quá trình hiện đại hóa diễn ra khá sớm và nhanh chóng. Trong đó đề tài chủ đề là yếu tố được hiện đại hóa đầu tiên và tích cực nhất. xuất phát từ đặc trưng thể loại của truyện ngắn so với tiểu thuyết và sự thay đổi của hoàn cảnh sống nên đề tài, chủ đề của truyện ngắn có phần mở rộng hơn tiểu thuyết. Đó có thể là đề tài luân lý đạo đức, quan niệm tiến bộ về cách sống, việc học hành trong tác phẩm “Giấc mộng”(Bữu Đình), “Dưới cội đào” (Khổng Lồ): “Khi trước là cốt học để sau sung sướng xác thịt, ấy tức là cái đàng dắc mình vào làm món lợi khí cho người, bấy giờ học là muốn sai sử lấy mình, muốn tinh thần làm thầy xác thịt, muốn tự trị, tự chủ trong lúc vui buồn, tủi giận, muốn làm người phải học đạo làm người”. Đôi khi ta lại bắt gặp quan niệm “cấp tiến” với phương thức làm ăn thức thời trong “thời sự tiểu thuyết” (Huỳnh Minh Phụng). Hay với sự ngự trị của đồng tiền trong xã hội giao thời dẫn đến việc bao giá trị xã hội đang dần bị xáo trộn, mất gốc và lai căn trong “Đồ hèn mạt” (Thúc Anh) với nhận định: “đời này là đời kim tiền, mỗi món gì cũng phải có tiền mới xong”. Ngoài ra còn có luân lý đạo đức làm người trong “Thác vì tình”, nhân quả báo ứng trong “Trời phật công bình” (Trần Quang Nghiệp).
Bên cạnh đó, thực trạng xã hội giao thời cũng được khắc họa rõ nét với cảm hứng thế sự, cảm hứng phê phán đầy chất hiện thực mà tiêu biểu là sự ngự trị của đồng tiền khiến cho đạo lý làm người cũng trở nên điên đảo, những trọc phú học làm sang, ăn chơi trác táng (Hắc công tử gặp Bạch công tử - Mộng xuân, Chủ nhà phong lưu – Toãn). Rồi không ít kẻ chạy theo danh lợi, ham bằng cấp địa vị mà gặp phải những cú lừa cay đắng trong “Cũng vì ham bằng cấp tú tài” ( Thanh Nhàn), “Chuyến xe trưa” ( Trần Quang Nghiệp), “Giả thiệt là ai?” (Trần Quang Nghiệp),…Cuộc sống trong xã hội nhố nhen đương thời không ít kẻ bị nó làm cho trở nên thoái hóa, sa đọa với những đam mê dục vọng thấp hèn. Ta có thể thấy rõ điều đó qua một số tác phẩm: Ôi ái tình, Lỗi bù lỗi, Bà chủ nha2 và tên Sốp-phơ,…bên cạnh đó những thủ đoạn lừa lọc tinh vi trong giới thương trường cũng được phản ánh rất rõ trong “Gặp người khách quí”, “Ai muốn làm giàu”,…rõ ràng ở đây truyện ngắn đã có sự mở rộng đề tài từ cảm hứng luân lý, cảm hứng nhân đạo sang cảm hứng thế sự, cảm hứng phê phán. Và vấn đề trung tâm được truyện ngắn khai thác ở đây là vấn đề mang tính vi mô, là “lát cắt” rất nhỏ nhặt trong cuộc sống đời thường. Nó có thể là một “Chuyến xe trưa”, một mối tình dang dỡ, một lời “Tự thuật” hay cũng có thể là một vụ lừa gạt dỡ khóc dỡ cười,…nhưng những bài học rút ra, những giá trị được phản ánh thì thật là thấm thía và sâu sắc.
Chính vì vậy có thể nói chủ đề và đề tài của truyện ngắn Nam bộ giai đoạn này đã có đầy đủ bản lĩnh để thúc đẩy quá trình hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng.
2.2. Truyền thống và cách tân trên phương diện lý tưởng thẩm mỹ, đạo đức
Truyện ngắn Nam bộ đầu TK XX mặc dù vẫn chọn những nguyên tắc chính của luân lý dân tộc và ảnh hưởng của Nho giáo làm nền tảng. Tuy nhiên nội dung truyện ngắn không phải bảo vệ cho tư tưởng đạo Nho khuôn phép và cứng nhắc mà nội dung của tác phẩm đã được dân tộc hóa, địa phương hóa một cách uyển chuyển để nó trở nên phù hợp hơn với vùng đất mới. Ta có thể thấy rõ điều này qua một số truyện: Thác vì tình, Một người khách quí, Dưới cội đào… Trong “Thác vì tình” mặc dù truyện lấy cảm hứng từ nguyên tắc đạo lý truyền thống, bảo vệ danh dự tiết hạnh của người phụ nữ đã có chồng mà Thầy Thông chấp nhận chọn cái chết, tuy nhiên vẫn có sự hiện diện của nhiều yếu tố cách tân vượt ngoài khỏi khuôn phép luân lý dân tộc và tư tưởng Nho giáo. Đó là hình ảnh người phụ nữ đã có chồng nhưng vẫn còn nảy sinh tình cảm với người cứu mình là Thầy Thông, cô tự ý bày tỏ tình cảm, mong muốn được bỏ nhà, bỏ chồng theo người mình thương và cảm kích. Điều này rõ ràng là không đúng với đạo lý truyền thống nhưng nó lại được cảm thông trong cái nhìn bao dung của người dân Miền Nam. Đó là lối sống phóng khoáng, nhân nghĩa, sự cảm kích tinh thần hào hiệp của người có nhân cách.
Lý tưởng thẩm mỹ được đặt trong mối tương quan với các lý tưởng xã hội, chính trị, đạo đức của thời đại. Sự tác động của hoàn cảnh xã hội buổi giao thời, sự ảnh hưởng của những luồng tư tưởng mới, nhất là tư tưởng phương Tây đã góp phần làm nên những thay đổi lớn về những tiêu chí đánh giá phẩm chất con người. Trong truyện “ Giấc mộng” ( Bữu Đình) ta nhận định rõ sự học bây giờ không còn đơn thuần là học để làm quan, để sung sướng cho mình mà học còn là để làm người, sống có ích, giữ quyền lợi cho mình, cho mọi người với tư tưởng tự do phóng khoáng thấu hiểu thế thái nhân tình, vừa học kinh của các đạo, vừa học sách của các văn sỹ Pháp để trao dồi bản thân. Trong truyện “Thác vì tình” mặc dù cô thợ bác có lỗi tào khang với chồng nhưng người ta vẫn có thể chấp nhận được: “Tuy cô thợ lỗi tào khang mặc dầu song cũng có chỗ chế, là vì chữ tình nặng nề mạnh hơn trí khôn. Có gặp đến mới rõ khó bề chống cự. Như ai từ bé chí lớn mà không bị chữ tình nó báo thì mới nên vác đá mà quăn cô thợ”. Điều này thể hiện sự bao dung, một sự ảnh hưởng ít nhiều của tư tưởng phóng thoáng trong văn chương Pháp.
Qua những phân tích trên, phần nào cũng góp phần lý giải tại sao trong truyện ngắn Nam bộ giai đoạn này lại có nhiều nhân vật mới, mà nhất là nhân vật chính diện cách tân đến vậy.
2.3.Truyền thống và cách tân trong việc xây dựng thế giới nhân vật.
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn NB đầu thế kỉ XX bao gồm nhiều tầng lớp xã hội thời Pháp thuộc như: quan lại (ông Huyện trong “ Lỗi bù lỗi”, ông Huyện Chơn “ Dưới cội đào”, quan đốc phủ, quan chánh tham biện “ Thác vì tình”), hương chức ( Hương sư Thạo “ Ba cô áo trắng”) viên chức ( thầy thông “ Thác vì tình”, giáo sư V.D, thầy thuốc Lương Vân “ Ôi ! Ái tình”, thầy thông “ Xâu chià khóa”, đốc tơ Bảy “ Vì đâu mà buồn”, Võ Đăng Quang “ Dưới cội đào”, Hai Minh “ Con của ai”, thầy thông, thầy kí “Tự thuật”,…) , Trí thức ( Lâm Trung Ngôn, Cao Quốc Sĩ “ Đồ hèn mạt”, nhân vật tôi “ Giấc mộng”), thị dân ( vợ chồng người thợ bạc “ Thác vì tình”, thầy Mười Trương “Gặp người gái đẹp”, Nguyễn văn Tòng “ Ai muốn làm giàu”, Hoàng vô Tâm “Cũng vì ham bằng cấp tú tài”, Lâm Hữu Vọng và ông chủ nhiệm “ Giả thiệt là ai”, Vợ chồng ông chủ tiệm “ gặp người khách quý”, ông chủ “ Xâu chìa khóa”, hai Bàn- ngượi thợ máy  “Người đàn bà ghen”, cô gái “ Vì đâu mà buồn”, Vợ chồng Phạm Thành Lượng “Tiệm Việt Hưng gần đóng cửa”, lão ăn mày  “Ăn mày trúng số”,… ), vô sản lưu manh ( Hai Hùm “Gương can đảm”), Địa chủ  ( ông Hội đồng “Tự thuật” , ông hội đồng Dư “ Dưới cội đào”,…), nông dân ( ông chủ nhà “ Chủ nhà phong lưu”, …), giới giang hồ (Vợ chồng kẻ giết người và đứa con “Trời phật công bình”),…
Thế giới nhân vật đông đúc đã đem đến cho truyện ngắn NB giai đoạn đầu thế kỉ XX điểm mới là: phong phú và đa dạng về kiểu loại và tính cách nhân vật. Đối tượng đã được mở rộng gắn liến với hoàn cảnh lịch sử đương thời.
Điểm nổi bật về thế giới nhân vật của truyện ngắn NB giai đoạn này là nhân vật ra đời với cảm hứng thời sự và được miêu tả con người cá nhân với đời tư cá nhân. Hai yếu tố này không hề có mặt trong  truyện ngắn trung đại trước đây.
Lời tự thuật về cuộc đời tình duyên đầy sóng gió của Lâm Kiêm Liêng rất tường tận, cặn kẽ, rất thẳng thắn với những chi tiết cụ thể, đời thường từ lúc nhân vât “ tôi” gá nghĩa với hội đồng V. Đến việc nên duyên vợ chồng với thầy thông V. L. H, sau đó là sự việc gặp thầy kí để cuối cùng phải sống ăn năn lỗi xưa ở chùa bà tại núi Sam. Truyện ngắn này không đơn thuần chỉ là sự kể lại các chi tiết, sự kiện gắn với cuộc đời riêng của nhân vật mà còn miêu tả thế giới nội tâm nhân vật ( dù chưa nhiều):
“ Tôi ở đó nương náu hai tháng mà trong lòng không hiểu sao, tuy thân tại Hà Tiên mà tâm không rỏ, ngùi ngùi thương nhớ bông lông, đêm năm canh trằn trọc, ngày sáu khắc dàu dàu,…”; “tôi thấy vậy cầm lòng không đậu mới ở nán lại ít tuần, mà sao lòng tôi ngày càng xao lãng hội đồng, không tiếc cũng không thương,..”; “ Bởi tánh ý tôi hãy còn ưa trăng gió cho nên mới sanh ra việc mây mưa. Ấy là ngựa chạy quen đường cũ. Lân la chùn lén, lộng giả thành chơn, mê nhứt kiếp ngộ nhứt thời, đổ quán xiêu đình nào rõ, thành nghiên lũy rã chẳng hay”.
Có thể nói ở truyện ngắn tiêu biểu này, cuộc đời người phụ nữ có bản chất phóng túng và đa tình đã được chấp nhận trong nền văn học đương thời. Nó đã vượt lên tính “ Phi ngã” của văn học trung đại. Với bước đổi này, cảm hứng vi mô với bình diện sâu, những góc cạnh riêng tư nhỏ bé trong đời sống con người được thể hiện thành công ở thể loại truyện ngắn.
Truyện ngắn “ Bạch công tử gặp Hắc công tử” – Mộng Xuân (1925) là một truyện ngắn tiêu biểu với cảm hứng thế sự. Hai nhân vật Bạch Công tử và Hắc công tử bước vào tác phẩm từ cuộc sống và những sự kiện có thật với các khía cạnh tính cách, đời tư, hành động,…được miêu tả tỉ mỉ, chi tiết, cụ thể. Chẳng những thế hai nhân vật này hơn một thế kỉ qua đã đi sâu vào đời sống văn hóa người dân NB, được xem là biểu hiện của ranh giới giữa hoang đàng phóng túng và phóng khoáng, hào hiệp trong cá tính miền nam hiện đại.
Điểm cách tân trong truyện ngắn NB đầu thế kỉ XX có thể kể đến là sự xuất hiện của loại nhân vật trung gian ( nhân vật phi truyền thống) bên cạnh loại nhân vật chính diện và phản diện đã tồn tại từ lâu trong Văn học dân gian và văn học trung đại. Đó là những nhân vật được miêu tả là những con người bình thường với những vấn đề trong đời thường, không theo xu thế lí tưởng hóa. Nhân vật được đặt trong hoàn cảnh, tính cách chịu sự ảnh hưởng nhiều của hoàn cảnh. Nhân vật không phải là con người lí tưởng về đạo đức, trong nhân vật tồn tại cả hai phương diện xấu và tốt. Và tùy vào sự tác động của hoàn cảnh và sự vận động tính cách nhân vật mà có thể trở thành người tốt hoặc xấu.  Những nhân vật này ít nhiều đã vươn tới giá trị là những nhân vật văn học thực sự. Chẳng hạn như Bạch công tử, thầy V.D và vợ  là Lê thị “ Ôi ! Ái tình”, cậu hai Nguyên trong “ Hai bó giấy”, Ba Lầm trong “ Cái áo màu xanh”, anh Hai Minh “ Con của ai”, Thầy thông “ Xâu chìa khóa”,  lão ăn mày “ Ăn mày trúng số”,…
Nhìn chung, truyện ngắn NB giai đoạn đầu thế kỉ XX đã có những cách tân đáng kể so với truyền thống. Thế giới nhân vật được mở rộng phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, nhân vật ra đời với cảm hứng thời sự được miêu tả là con người cá nhân với đời tư cá nhân được chấp nhận so với văn học trung đại và xuất hiện loại nhân vật trung gian – con người bình thường trong cuộc sống đời thường. Đây là những điểm cách tân lớn, đáng quý trong bước hiện đại hóa văn học quốc ngữ NB đầu thế kỉ XX.
2.4.Truyền thống và cách tân trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật
Đối với truyện ngắn NB giai đoạn đầu thế kỉ XX, yếu tố cổ như miêu tả nhân vật bằng ước lệ tượng trưng vẫn còn tồn tại. Nhưng nó không được dùng như một thứ thủ pháp chủ đạo mà được dùng đan xen với cách miêu tả thông tục, chỉ có ý làm tăng cường giọng điệu cơ bản của truyện. Chẳng hạn, trong truyện ngắn “ Tự thuật” – Lâm Kiêm Liêng, khi miêu tả tính tình phóng túng trong tình cảm của nhân vật “tôi”, tác giả đã viết: “ bởi tánh ý tôi hẩy còn ưa trăng gió cho nên mới sanh ra việc mây mưa. Ấy là ngựa chạy hay quen đường củ. Lân la chùn lén lộng giả thành chơn, mê nhứt kiếp ngộ nhứt thời, đổ quán xiêu đình nào rỏ, thành nghiên lủy rả chẳng hay.” Đây là cách viết ngụ ý chỉ người có tình cảm theo bản năng, nhất thời và hay thay đổi.
Ngoài ra trong truyện ngắn “ Bạch công tử gặp Hắc công tử”, Mộng Xuân đã miêu tả nhan sắc của tình nhân BCT như sau: “ Hoa cười ngọc thốt, đi đứng đoan trang, cái người đẹp làm sao cho tới sợi tóc kẻ răng, đẹp tới móng tay móng cẳn…”. Với giọng điệu châm biếm nửa mới, nửa cũ, nửa tục nửa thanh, tác giả đã dự báo trước về tính cách nhân vật: đẹp người nhưng chẳng đẹp nết.
     Nhiều kiểu nhân vật được miêu tả đậm đà màu sắc hiện thực, với nhiều giọng điệu như châm biếm, hài hước,… Ở những truyện ngắn và rất ngắn xuất hiện ở thập niên đầu thế kỉ, đó là tên thầy pháp lừa bịp trong “Huyển nhơn tự kỉ”, là chị đàn bà mê đánh đề trong “Hướng truyền”, người vợ trong “Nhàn đàm”,… Trong hai thập niên sau, nhân vật truyện ngắn xuất hiện sinh động hơn với những nét chấm phá sắc sảo qua nhiều kiểu người trong xã hội. Chẳng hạn, nhân vật Mười Trương trong “ gặp người gái đẹp” với tâm lí hám danh nhằm lợi dụng để thực hiện ý đồ không trong sáng, thiếu lành mạnh đã bị cô gái áo xanh đánh cho nhừ tử: “ Bây giờ thầy mới hiểu tại mình nhận bướng nên người ta mới đánh lầm. Bụng làm dạ chịu, lượm kết xẻn lẻn lên xe  kéo mà về, không nói gì được một tiếng.
          Lên xe cũng còn thở dốc, thầm nghĩ công việc tại mình, cũng ngở là mượn lấy danh thơm của người để hưởng chút phấn hương, chẳng dè lại phải mang nhục giùm thằng cha  viết báo.”
    Với khả năng đặc trưng  của truyện ngắn là “ khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất, trong quan hệ nhân sinh hay trong đời sống tâm hồn con người”, “gây ấn tượng sâu đậm về cuộc đời và tình người” cùng với những đặc điểm trên, truyện ngắn Nam bộ thời kỳ này đã có tốc độ hiện đại hóa sớm và nhanh hơn trong hoàn cảnh lịch sử mới.
2.5. Quan niệm nghệ thuật về con người
Quan niệm nghệ thuật về con người là con đường phát triển của số phận và tính cách nhân vật sao cho phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của thời đại.
Nếu như con người nghĩa lý sống có lý có tình là một nét quan trọng trong quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết ở Nam Bộ thì ta cũng có thể thấy đặc điểm này trong một số truyện ngắn qua một vài nhân vật tiêu biểu, cụ thể. Thầy Thông trong “Thác vì tình” vì cứu người mà bị quan trên đánh đập. Thầy thà chịu đánh chứ không khai rõ việc mình đã cứu một người phụ nữ bị cưỡng bức vì sợ “ chiêu mày liễu yếu đào tơ”, “e ra hổ mặt cho cô”. Rồi khi biết người phụ nữ ấy nặng tình với mình, thầy tự vẫn vì sợ hạnh phúc gia đình cô đổ vỡ, sợ cô lỗi đạo cang thường. Trong truyện “Đồ hèn mạt”, tác giả đặt hai nhân vật Lâm Trung Ngôn và Cao Quốc Sĩ trong thế đối lập nhau và qua lời lẽ của Lâm Trung Ngôn ở đoạn kết: “Tôi rất tiếc mình mấy năm trời tôi giao tình với ông (…) ông không muốn hiểu nghĩa “hạnh phước trong gia đình theo Á- Đông”, ông có lo đục lợi không kể gì tốt xấu, không quãn chi nhơn nghĩa, ông thiệt là đồ hèn mạt”, đã cho chúng ta một nhận thức rằng: xã hội trong buổi giao thời có làm cho bản tính con người thay đổi, thì vẫn còn đó những người biết giữ gìn đạo nghĩa, biết sống và sống đúng. Cách giải quyết vấn đề của những nhân vật tượng trưng cho quan niệm này có thể sẽ không làm cho người đọc hài lòng, ví như cái chết của thầy Thông đã dẫn ra ở trên đã làm cho người ta nhận ra một điều: hạnh phúc là phải biết hi sinh.
Bên cạnh con người nghĩa lý thì con người cá nhân với yếu tố tình cảm, dục vọng, bản năng với nhiều mặt thể hiện phức tạp, đa dạng hiện lên rất sinh động. Về đặc điểm này, truyện ngắn cũng không kém gì so với tiểu thuyết Nam Bộ cùng thời. Đó là do phạm vi đời sống được tiểu thuyết và truyện ngắn phản ánh đã thay đổi. Nó không còn là không gian ước lệ mà thay vào đó là không gian sinh hoạt đời thường của con người đời thường chứ không phải của con người lý tưởng trong một hoàn cảnh lý tưởng nào đó. Cuộc sống trong buổi giao thời phức tạp cho nên con người cá nhân hiện lên cũng phức tạp. Khi hồi ký về đời tư cá nhân ra đời, nhân vật “tôi” xuất hiện báo hiệu bước chuyển mới cho quan niệm nghệ thuật về con người cá nhân với những biểu hiện phong phú.
Trước hết là con người đáng thương như lão ăn mày trong “Ăn mày trúng số”. Vì đã quen với cái nghèo, cái khổ nên khi có được một khoản tiền kha khá trong tay, lão rơi vào ảo tưởng. Rồi lão phải chết bởi chính ảo tưởng của mình một cách bất ngờ đột ngột. Khao khát đổi đời mấy ai mà chẳng có. Nhưng để đi đến cuộc đời được đổi thì quả không phải là điều dễ dàng.
Kế đến là con người tha hóa. Loại nhân vật này xuất hiện rất nhiều trong truyện ngắn. Đó là hai người phụ nữ trong hai tác phẩm “Con của ai?”, “Chuyến xe trưa”. Một người vì muốn có con đã vi phạm đạo lý gia đình và chữ chín chuyên của người phụ nữ. Một người vì nhẹ dạ cả tin mà mang tiếng chửa hoang sau “Chuyến xe trưa”. Còn ông chủ nhà phong lưu trong truyện “Chủ nhà phong lưu” thì học đòi thói trưởng giả làm sang để dẫn đến kết cục dỡ khóc dỡ cười. Với nhân vật này, khi bắt chước kiểu cách sang trọng, ông chủ nhà đã muốn vứt đi cái vốn có của người nông dân để bước những bước đầu tiên của quá trình tha hóa.
Từ con người tha hóa dẫn đến con người thấp hèn là một lẽ dễ dàng, tất yếu. Đọc truyện ngắn “Gặp người khách quý”, “Ai muốn làm giàu”, ta bắt đầu hình dung được những gì là mánh khóe tinh vi của con người trong xã hội giao thời ở miền đất mới. Dẫu có thể nó chưa thủ đoạn, ma mãnh và quỷ quyệt theo kiểu “Xuân tóc đỏ” của tiểu thuyết hiện đại nhưng nó giúp ta nhận ra được một khía cạnh, một vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Truyện “ Ba cô áo trắng” sáng tác trong hoàn cảnh bấy giờ, thiết nghĩ làm cho người đọc “dị ứng”. Vì rằng, người ta đã quen nghe chuyện “lão già dụ dỗ gái tơ” nhưng đằng này thì ngược lại. Đúng là cái sự thấp hèn nó không còn chuyện của một người, một giới mà hình như nó là chuyện của mọi người. Mỗi con người đều mang trong mình sự thấp hèn và dục vọng, chỉ có điều nó ít hay nhiều, biểu hiện hay không biểu hiện mà thôi.
Cuối cùng là con người lương tri. Họ là con người lý trí, lúc đầu bị tình cảm chi phối, sau họ nhận ra được sự thật dù có thể phải đánh đổi ít nhiều. Đó là sự ngộ nhận của người đàn bà ghen trong truyện “Người đàn bà ghen”, là sự thử thách để thấy rõ chân tình của hai cha con trong truyện “Hai bó giấy”.
Quan niệm về con người trong thời kỳ này không chỉ nhìn nhận một chiều mà con người đa nhân cách. Cũng trong một con người tồn tại tốt xấu, hạnh phúc-đau khổ, dằn vặt,…với những tâm trạng khác nhau. Đặc biệt con người thời kỳ này được nhìn nhận, đánh giá theo nhiều chiều hướng, nhiều bình diện, nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Quan niệm về con người có phần thoáng hơn, dễ dãi hơn, hiện đại hơn theo những quan niệm mới về con người và cuộc đời của xã hội mới.Và con người ở thế chủ động với những lý lẽ và hành động của mình. Từ đó con người cá nhân hình thành và phát triển.
2.6. Một vài nhận xét về nghệ thuật truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX
          Về câu văn, do thị hiếu thẩm mĩ của không ít độc giả đương thời nên truyện ngắn Nam Bộ thời kỳ này vẫn còn sử dụng câu văn kiểu cũ có nhạc tính, vần điệu, cân xứng, biền ngẫu, du dương. Những câu văn như thế nhằm đáp ứng nhu cầu “nghe” của người đọc: “ Mơ màng nhìn thấy trung dung bước một bước hai, nhìn xem cánh đồng Dương Nổ lúc trời chiều, năm bảy con se sẻ liện qua liện lại nên đống rơm vàng, môt vài đứa chăn trâu hát nghêu ngao. Câu hát buồn đời bên khe nước biết, ngọn gió lao xao thổi phơ phất mấy đóa hoa tàn, củng hương, củng nhụy, củng cảnh, củng tình,…” (Giấc mộng- Bửu Đình). Câu văn du dương như một dòng nhạc cất lên bức họa đồng quê của một buổi chiều yên ả với mấy chú mục đồng đủng đỉnh dắt trâu về. Và đây là những lời trong bức thư của thầy Thông trong truyện ngắn “Thác vì tình”: “ Cô phải giải cơn phiển não mà lo phượng sự chồng con cho trọn niềm chung thủy. Kiếp này ta chẳng gần nhau có lẽ kiếp sau sẽ gặp”. Chất nghĩa tình đã ăn sâu vào máu thịt của người dân lục tỉnh nên lời thư như là lời “thệ hải sơn minh”. Chỉ câu văn với những vần những điệu như vậy mới phù hợp để mà gởi gắm tình cảm, ý nguyện chân thành. Tuy nhiên, nếu đọc kĩ lại chúng ta sẽ nhận ra trong câu văn kiểu cũ không phải hoàn toàn là lâu đài cổ với tất cả những gì cổ kính, quý phái, sang trọng mà nó đã được pha trộn thêm những vật liệu mới bình dị, gần gũi. Đó chính là sự kết hợp những từ ngữ đậm đà sắc thái dân dã trong những câu văn đài các sang trọng: “Hoa cười ngọc thốt, đi đứng đoan trang, cái người đẹp làm sao cho tới sợi tóc kẻ răng, đẹp tới móng tay móng cẳn”. Có thể nói, sự kết hợp đó là bước đi trong truyện ngắn Nam Bộ đến với câu văn hiện đại: đơn giản, dễ hiểu mà vẫn nghệ thuật. Bắt nhịp nhanh với thể loại truyện ngắn nên bên cạnh một số câu văn kiểu cũ như đã nói ở trên. Phần lớn câu văn trong truyện ngắn Nam Bộ khá đơn giản, linh hoạt nhưng vẫn rất hoàn chỉnh. Chỉ một vài câu chữ đã thể hiện rõ tâm trạng và tính cách nhân vật. Đây là tâm trạng của một thầy giáo trẻ trong truyện “Dưới cội đào”: “ Ôi! Có cái chi khổ tâm bằng chữ tình. Muốn nuốt, nuốt chẳng vào, muốn khạc, khạc không ra. Cầm vỡ của trò này, thầy kêu thầy kia. Thầy rán dằn lòng quên hết mọi sự, nhưng trí thầy thì vậy mà lòng thầy chẳng chìu”. Hay như câu văn miêu tả đúng tính cách giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha trong tác phẩm “Thác vì tình”: “ Nói rồi liền lấy cây ba ton đánh lên đầu thẩy, thẩy lẹ tay vì có học võ, chụp bắt lấy cây gậy bẽ gảy cây rồi đè anh ta xuống đánh một hồi gần chết”.
          Về phương diện từ ngữ, mối quan hệ giữa truyền thống và cách tân trong tác phẩm nói chung chính là sự kết hợp hai lớp từ Hán Việt, điển tích điển cố và lớp từ ngữ thuần Việt, bình dân. Trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX, sự kết hợp này được thể hiện được một mức độ nhất định. Từ ngữ, thành ngữ Hán Việt vẫn được dùng trong một số truyện: Thời sự tiểu thuyết, Giấc mộng, Bạch công tử gặp Hắc công tử, Tự thuật, Dưới cội đào,…Nó được dùng để viết những câu văn kiểu cũ như đã nói ở phần trên. Còn với những tác phẩm: Đồ hèn mạt, Con của ai, Ai muốn làm giàu, Ăn mày trúng số, Trời phật công bình,…dùng phần lớn từ khẩu ngữ bình dân để dễ diễn đạt nội dung đời thường. Đọc những tác phẩm với rất nhiều tác phẩm bình dân như vậy, không ai nói câu văn thô kệch hay chê tác phẩm quê mùa…mà trái lại, người ta đều có chung suy nghĩ: chất Nam Bộ trong văn chương Nguyễn Đình Chiểu ngày xưa đã thấm vào truyện ngắn Nam Bộ thời kỳ này. Nó khắc họa rõ hơn tình thật thà của người dân Nam Bộ, đi sâu vào bản sắc vùng miền. Người đọc đời sau cảm thấy đắc chí, nghe “sướng cả tai” mỗi khi đọc. Điều đặc biệt nữa là dẫu có đọc đến những đoạn văn có dùng từ ngữ, thành ngữ Hán Việt vẫn không ai nói nó xa lạ, kiểu cách. Mà người đọc chỉ thấy sự phong phú trong lời nói của người dân Nam Bộ ngày xưa. Họ giàu có cả vốn sống lẫn vốn từ ngữ mà họ dùng.
          Về các biện pháp tu từ, truyện ngắn đã sử dụng một cách có nghệ thuật để miêu tả, khắc họa những nét độc đáo của nhân vật. Trong truyện “Ăn mày trúng số”, tác giả đã có sự quan sát và miêu tả rất kĩ diễn biến tâm trạng của ông lão ăn xin khi suy nghĩ về tờ vé số cho đến khi ngừng suy nghĩ cũng vì tờ vé số: “Hôm nay gương mặt lão không thèm làm bộ đau đớn, thảm khổ, cái miệng của lão không thèm nói tiếng than van rên xiết (…) lão cầm gậy quăng ngay xuống sông, nó trôi lờ đờ trên mặt nước. Lão cầm cái bị mà quăng theo luôn cho nước chảy. Cây gậy trôi trước, cái bị trôi sau, lão đưa mắt nhìn theo mà lòng khoan khoái. Lão đưa tay lên xuống làm như muốn xua đuổi hai cái món vật ấy trôi đi cho mau, cho xa lão. Thình lình gương mặt lão vùng biến sắc, lão nhớ lại rằng tấm vé số của lão đương nằm trong bị ấy đang lờ đờ đằng xa kia”. Có thể nói, nghệ thuật miêu tả của Trần Quang Nghiệp vừa dẫn không thua gì cách miêu tả của Nam Cao khi miêu tả lão Hạc trong truyện ngắn “Lão Hạc”.
          Các biện pháp nghệ thuật tả thực, so sánh, ước lệ đã được sử dụng để miêu tả đúng bản chất của từng nhân vật. Điều đó có thể thấy: “Cậu tư nghe rồi cười xòa, nàng nọ ững đỏ hai má đào, cậu ba ngồi bên kia ngó thấy, lửa lòng càng hứng, nếu nuốc sống đặng nàng trong lúc đó, thì cậu ta nuốc ngay rồi” (Bạch công tử gặp Hắc công tử).
          Về cách dẫn truyện, cũng như nhiều truyện ngắn thời trung đại, truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX có kết cấu chặt chẽ, kịch tính cao. Nếu như kịch tính trong truyện ngắn trung đại làm cho người đọc hồi hộp, lo lắng thì đối với những truyện ngắn Nam Bộ, khi kịch tính vỡ ra làm người đọc bất ngờ, sửng sốt. Trong truyện ngắn “Con của ai?”, người đọc ngạc nhiên vì câu  nói của chị vợ: “ Vậy chớ ai nói là con của mình bao giờ đâu”. Mới hay rằng bấy lâu nay, anh chồng đã rước họa về nhà mà không hay biết. Người ta sửng sờ vì bấy lâu nay, người vợ ngoại tình chỉ vì lý do đơn giản: muốn có con. Trong truyện ngắn “Trời phật công bình”, thấy tên cướp của giết người bị hại, có lẽ ai cũng cho là thích đáng. Nhưng khi biết được kẻ giết hắn là cha mẹ của hắn thì ắt người đọc cũng ngỡ ngàng không biết nên mừng hay buồn, hả hê hay chua xót. Lối kết bỏ lửng, bất ngờ đã gây được cảm giác thú vị cho người đọc. Đồng thời tạo chiều sâu cho tác phẩm. Xem xong độc giả phải tìm kiếm mà hiểu ngầm nguyên lý, ý nghĩa của câu chuyện, của thế thái nhân tình cứ day dứt, băn khoăn…Chính vì vậy đến tận bây giờ đọc lại những chuyện này thiết nghĩ chúng ta không thể không suy ngẫm về những “tấm gương thế sự” mà các chuyện đã để lại.
     Tóm lại sự hòa quyện giữa truyền thống và cách tân về nghệ thuật rất rõ trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Điều đó là nền tảng góp phần xây dựng ít nhiều cho nền văn học hiện đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét