Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

NGHĨ THÊM VỀ TRUYỆN NGẮN CHÍ PHÈO

NGHĨ THÊM VỀ TRUYỆN NGẮN CHÍ PHÈO
                                                    
                                                                  
 Truyện ngắn Chí Phèo là kiệt tác của đời văn Nam Cao ra đời năm 1941 và đã có mặt trong chương trình Ngữ văn THPT hàng chục năm nay. Giới nghiên cứu, giảng dạy đã có rất nhiều bài viết bàn luận về truyện ngắn bất hủ này, thế nhưng đến nay vẫn còn đó những vấn đề chưa được lí giải một cách thấu đáo. Tiếp nối những người đi trước, tác giả bài viết này xin được bàn thêm về giá trị tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn này.

1. Kết cấu không đơn thuần là hình thức mà còn mang chức năng tạo nghĩa

            Về phương diện cốt truyện, truyện ngắn truyền thống thường có kết cấu cốt truyện theo trình tự tuyến tính, sự kiện xảy ra trước kể trước, sự kiện xảy ra sau kể sau. Trong truyện ngắn Chí Phèo Nam Cao sử dụng kiểu cốt truyện gấp khúc; trật tự chuyện kể bị đảo ngược, sự việc xảy ra trước được kể sau, sự việc xảy ra sau nhảy cóc lên trước, quan hệ nhân – quả không còn được duy trì. Truyện được mở đầu bằng một trạng huống ở thì hiện tại, khi nhân vật trung tâm – Chí Phèo đã bị tha hóa và trở thành con quỹ dữ của làng Vũ Đại. Việc đảo lộn trật tự sự kiện, đưa hình tượng Chí Phèo ở đỉnh điểm của sự tha hóa lên đầu truyện đã tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ nhất định. Thứ nhất, nhà văn muốn thể hiện ý đồ nhấn mạnh, khắc sâu bi kịch đời sống hiện tại của nhân vật Chí Phèo, hướng nhãn lực người đọc tập trung vào khám phá cuộc đời chí Phèo – nơi quy tụ tư tưởng nghệ thuật của nhà văn trong truyện ngắn này. Thứ hai, nhà văn đã ngầm ý đặt ra cho người đọc một câu hỏi cần được giải đáp: vì sao Chí Phèo lại trở nên hư đốn như vậy? Thứ ba, hiện tại hết sức bi kịch của Chí Phèo được đặt trong quan hệ đối trọng với quá khứ hiền lương của nhân vật này sẽ giúp tác giả lên án sự tàn nhẫn của chế độ xã hội. Thứ tư, việc đảo lộn trật tự sự kiện trong cốt truyện có tác dụng hiện tại hóa những chuyện được kể.
Về kết cấu nhân vật, Nam Cao mở đầu cuộc đời Chí Phèo bằng hình ảnh đứa trẻ bị bỏ rơi bên cái lò gạch cũ, và khi Chí Phèo chết, cái xuất xứ đau thương của Chí Phèo lại một lần nữa hiển hiện qua chi tiết Thị Nở nhìn xuống bụng của mình và nghĩ đến hình ảnh cái lò gạh cũ bỏ không. Chí Phèo chết thì một Chí Phèo con lại sắp sửa ra đời. Nam cao đã nhìn thấy bi kịch của người nông dân nhưng ông vẫn chưa nhìn thấy hướng mở để giải phóng người nông dân ra khỏi bi kịch đó. Nếu so sánh truyện Chí Phèo của Nam Cao với Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) vàVợ nhặt (Kim Lân) chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự bế tắc của người nông dân trong sáng tác của Nam Cao. Nếu Tô Hoài và Kim Lân bước đầu đã hé lộ đường thoát cho người nông dân bằng cách đi theo cách mạng, thì ở Chí Phèongười nông dân vẫn còn trong vùng luẩn quẩn. Đó chính là hạn chế của thời đại được Nam cao phản ánh trong tác phẩm của mình.

            Về kết cấu thời gian nghệ thuật, trong tác phẩm Chí Phèo, giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật có một độ chênh khá lớn. Thời gian được trần thuật là cả cuộc đời của Chí Phèo, còn thời gian trần thuật tính từ khi “Hắn vừa đi vừa chửi…” cho đến kết thúc truyện chỉ vẻn vẹn sáu ngày. Nếu thời gian trần thuật được Nam Cao bắt đầu từ chỗ “Hắn vừa đi vừa chửi” cho đến câu kết thúc truyện, thì thời gian được trần thuật lại có thể được người đọc chúng ta kể lại bắt đầu từ xuất xứ của Chí Phèocho đến lúc nhân vật này giết chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình. Nhịp độ thời gian trần thuật trong tác phẩm Chí Phèo thay đổi trong từng đoạn văn, từng tình huống. Những đoạn miêu tả cảnh Chí Phèo say rượu dưới trăng thì thời gian như được kéo dài ra. Cảnh Chí Phèo giết Bá Kiến lại được tác giả thể hiện với tốc độ cực nhanh. Những lúc tác giả miêu tả về hình dạng các nhân vật thì thời gian chậm lại, dường như là dừng lại (đoạn văn kể Chí Phèo ngay sau khi ở tù về). Những đoạn nói về quãng đời quá khứ của Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức thì tác giả lại lướt qua rất nhanh. Chẳng hạn như đoạn “Không biết tù mấy năm, nhưng hắn đi biệt tăm đến bảy tám năm, rồi một hôm hắn lại lù lù ở đâu trở về. Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng săng đá”. Trong trường hợp này tác giả đã dùng hình thức tĩnh lược, sự tĩnh lược này thể hiện một cách gián tiếp qua sự thay đổi của Chí Phèo so với lúc chưa đi ở tù. Chỉ cần vài câu ngắn gọn thế nhưng Nam Cao đó giúp người đọc hình dung được cả một quãng đời của Chí Phèo, đồng thời cũng đã thể hiện được sự nghiệt ngã của xã hội đã đẩy con người đến cảnh bị tha hoá. Đọc Chí Phèo chúng ta thấy có một chi tiết rất thú vị, đó là đoạn văn: “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Nếu đứng ở thời điểm sau khi Chí đã ở tù về thì đó là thời gian quá khứ. Nếu đứng ở thời điểm Chí còn làm canh điền cho nhà Bá Kiến thì đó là tương lai, là mơ ước của Chí Phèo. Hay đoạn văn kết thúc truyện: “…thị nhìn trộm bà cô, rồi nhìn ngay xuống bụng… Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua”. Trong cả hai đoạn văn vừa trích dẫn, quá khứ - hiện tại và tương lai như hoà nhập làm một.
            Đến đây, chúng ta có thể  thấy rõ giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật có một độ chênh khá lớn. Để đạt được điều đó, Nam Cao đã theo nguyên tắc liên tưởng, hồi tưởng, và cả theo quy luật tương đồng, tương phản (tương phản giữa quá khứ - hiện tại của Chí Phèo, tương phản giữa ước mơ cuộc sống yên bình trong quá khứ với hiện tại tối tăm trong cuộc đời Chí). Sự tương phản này thể hiện sự biến đổi, tha hoá của Chí Phèo, đồng thời cũng thể hiện cách nhìn và thái độ của nhà văn trước hiện thực cuộc sống. Tương đồng ở chỗ quá khứ, hiện tại và tương lai nhiều lúc như hoà làm một. Điều này càng làm cho sức khái quát cuộc sống của tác phẩm cao hơn. Nhịp điệu thời gian trong tác phẩm rất hấp dẫn. Những đoạn kể về quá khứ của nhân vật thì thời gian lướt qua rất nhanh, những đoạn kể về thời điểm hiện tại thì thời gian như bị cô đặc lại, ông chú ý kể một cách cụ thể, sinh động và sâu sắc về cuộc sống ở thời điểm hiện tại của nhân vật. Có thể hình dung nhịp điệu thời gian trong truyện Chí Phèo theo cấu trúc: căng dần - đỉnh điểm - chùng dần - căng dần. Nguyễn Thái Hoà - tác giả cuốn sáchNhững vấn đề thi pháp của truyện gọi đó là “cấu trúc làn sóng”.
Về cách kết thúc truyện, Nam cao đã không đi theo lỗi mòn xưa cũ, không chọn một cái kết có hậu, nhưng vì thế mà truyện ngắn này lại có giá trị hiện thực sâu sắc và chân thực hơn, khách quan hơn. Trong truyện ngắn Chí Phèo có ba nhân vật chính. Bên cạnh Chí Phèo là nhân vật trung tâm còn có hai nhân vật có quan hệ trực tiếp với Chí Phèo là bá Kiến và Thị Nở. Chí Phèo kết thúc cuộc đời khốn khổ khốn nạn bằng chính lưỡi dao của mình. Bá Kiến nổi danh với bản chất tham lam và tàn nhẫn với đầy mưu ma chước quỷ cuối cùng cũng bị tiêu giệt bởi Chí Phèo – sản phẩm do chính Bá Kiến trực tiếp tạo ra; còn Thị Nở - người đàn bà có ngoại hình xấu xí nhưng tiềm ẩn khát vọng hạnh phúc cũng có kết cục bất hạnh. Đọc lại một số truyện ngắn khác của Nam Cao cũng không thấy có một nhân vật nào được hạnh phúc tròn vẹn cả. Truyện của ông không một kết thúc có hậu, không một mảnh đời yên lành, không một cuộc tình êm ả, không có gì tròn trịa, nguyên vẹn. Chỉ có cái chết và sự tàn lụi mà thôi. Nam Cao từng quan niệm: “cuộc đời là một tấm áo cũ bị xé rách tả tơi”, kết cục bi kịch của ba nhân vật này là một minh chứng rõ ràng cho quan niệm đó. 

          2. Hành trình số phận nhân vật Chí Phèo và chiều sâu hiện thực, nhân đạo của tác phẩm.

2.1. Từ xuất xứ, lai lịch bị mờ hóa
          Đã có một thời người ta bàn luận rất nhiều về vấn đề xuất xứ, lai lịch của nhân vật Chí Phèo. Người cho rằng Bá Kiến là cha, còn vợ Binh Chức là mẹ của Chí Phèo; cũng có người bảo không phải thế. Chúng tôi xin có vài suy nghĩ thêm về gốc gác của nhân vật này.
            Trong truyện, khi Chí Phèo uống rượu rồi đến gây lộn với Lí Kiến, con trai của cụ Bá, Bá kiến đã bảo với Chí rằng: “Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì, ta nói chuyện tử tế với nhau. Cần gì mà phải thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả”. Tiếp sau đó Bá Kiến lại bảo: “... Chỉ tại thằng Lí Cường nóng tính, không nghĩ trước nghĩ sau. Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy”. Theo lời của Bá Kiến một số người đã cho rằng Bá Kiến chính là cha của Chí Phèo. Nếu vậy thì Bá Kiến quả là người vô cùng độc ác, tàn nhẫn. Chỉ vì sợ tai tiếng mà nỡ tâm vứt bỏ cả con đẻ của mình ngay từ khi nó vừa lọt lòng. Thực ra, Bá Kiến là tay đầy mưu ma chước quỷ, những lời ngọt ngào đường mật của hắn chỉ là để xoa dịu cơn nóng giận của Chí Phèo thôi. Những lời nói của hắn chưa đủ cơ sở để kết luận hắn là cha đẻ của Chí Phèo. Nếu không phải Bá Kiến thì ai là cha của Chí Phèo? Truyện được Nam Cao viết trên cơ sở người thật việc thật ở làng Đại Hoàng (trong truyện, tác giả gọi là làng Vũ Đại). Vậy cha mẹ Chí Phèo có thể là một cặp vợ chồng nông dân nào đó? Nếu trường hợp này cũng không phải, thì phải chăng cha mẹ của Chí là một đôi nam nữ nào đó? Theo văn bản truyện ngắn Chí Phèo thì cả ba giả thiết trên đều không có cơ sở. Thiết nghĩ, cho dù cha mẹ của Chí Phèo là ai đi nữa (điều này không quyết định giá trị tác phẩm), nhưng có một điều chắc chắn: Chí là đứa con của làng Vũ Đại. Nam Cao một mặt cố tình đề cập đến xuất xứ của Chí Phèo nhưng mặt khác ông lại mờ hóa gốc gác của nhân vật này. Cái lai lịch không rõ ràng, không trong sáng của Chí Phèo đã phần nào thể hiện sự mai một, suy đồi của văn hóa làng truyền thống. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện thực tàn lụi đó? Không ai khác ngoài chế độ hà khắc của bọn cường quyền như Bá Kiến và của chế độ thực dân nửa phong kiến thời bấy giờ. Có cảm nhận được sự mai một, tan rã của văn hóa sống nơi làng Vũ Đại thì mới thấy hết giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm.
Điểm xuất phát của cuộc đời Chí Phèo là ở cái lò gạch cũ. “Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương, đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và đem cho một người đàn bà góa mù. Người đàn bà góa mù này bán hắn cho một bác phó cối không con, và khi bác phó cối này chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ”. Vậy là, ở cái làng Vũ Đại – không gian thu nhỏ của xã hội Việt Nam thời bấy giờ, người nông dân như những đồ vật có thể đem cho, mua bán hoặc bị bóp chẹt đường sống ngay từ khi mới lọt lòng. Hiểu như thế mới thấy được sức công phá mạnh mẽ của truyện ngắn này đối với chế độ thực dân nửa phong kiến thời bấy giờ.
2.2. Đến bi kịch bị lưu manh hóa và bị cự tuyệt quyền làm người
          Năm hai mươi tuổi Chí làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Thủa ấy, Chí từng có một ước mơ rất giản dị và cũng rất đáng trân trọng: “... có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Cái ước mơ giản dị ấy cho thấy Chí vốn là người mang bản tính lương thiện. Còn nữa, cái thời Chí đi ở cho nhà Bá Kiến, “mấy lần bà ba nhà ông lí còn trẻ lắm mà lại cư hay ốm lửng bắt hắn bóp chân, xoa bụng, đấm lưng gì đấy”. Chí là một thanh niên lực điền, “hai mươi tuổi người ta không là đá nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt”. Thế nhưng đối diện với anh ta là một bà Ba đầy khát khao nhục dục, chí chỉ thấy “nhục nhiều hơn là thích”. Thì ra, trong con người nông dân dưới đáy xã hội này còn có một “con người văn hóa”. Cái văn hóa sống lương thiện và trong sạch trong Chí đủ mạnh để chế ngự lên nhu cầu bản năng tầm thường. Thử hỏi, nếu đặt vào hoàn cảnh của Chí lúc đó thì mấy ai vượt qua được cám dỗ này?! Làm người lương thiện thì ai chẳng muốn, nhưng lương thiện được như Chí thì có ai bằng. Đấy, Chí Phèo vốn đẹp là thế, trong sáng lương thiện là thế, nhưng cũng chỉ vì cái việc bị bà Ba bắt ép bóp đùi xoa bụng ấy mà Chí đành bỏ dở ước mơ để đi ở tù đến bảy, tám năm sau mới trở về làng. Thì ra, ở cái xã hội bấy giờ, pháp luật và sự công bằng chỉ thuộc về giai cấp thống trị, chỉ thuộc về kẻ mạnh.
Sau khi ở tù về, con người Chí Phèo vốn hiền lành, lương thiện đã biến mất, thay vào đó là một Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Đó là sản phẩm của chế độ thực dân nửa phong kiến. Chính xã hội ấy đã tha hóa, lưu manh hóa con người, biến con người trở thành thú vật. Nghĩa là đi ngược lại với quy luật phát triển của xã hội. Thật đúng là xã hội “chó đểu” như lời Vũ Trọng Phụng từng nói.
         Bát cháo hành thấm đượm tình người của Thị Nở đã đưa Chí từ thú dữ trở về với cõi người lương thiện. Từ chỗ suốt ngày này qua ngày khác chìm trong rượu, và chửi bới, phá phách, không ý thức nổi mình bao nhiêu tuổi, khi gặp Thị mọi chuyện đã khác. Chí biết cảm nhận cuộc sống sôi động bên ngoài, biết hồi tưởng quá khứ và biết hy vọng tương lai, biết cô đơn và sợ cô đơn, biết hối hận và mong làm hòa với mọi người. Qua đây Nam Cao muốn khẳng định với người đọc rằng: bản chất của con người là lương thiện, chỉ tại xã hội làm hỏng con người mà thôi. Dù có bị đè nén thế nào đi nữa, nơi đáy sâu tâm hồn con người vẫn lấp lánh ánh sáng của lương tri. Đó là sự biểu hiện cho giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Nhưng không dừng lại ở đó, Nam Cao còn muốn gửi tới người đọc một thông điệp rằng: con người hãy đến với nhau bằng tình thương yêu. Xã hội đã bất công, ngang trái và lạnh lùng với con người, thì con người phải sưởi ấm cho nhau bằng tình yêu thương ấm áp, như thế cuộc sống này mới trở nên tốt đẹp và ý nghĩa. Quả không sai khi Đôtxtôiépxki nói: “Cái đẹp cứu vớt nhân thế”!
Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, con người thật trong Chí đã trở về. Đây là lúc mà Chí khao khát được làm người lương thiện hơn bao giờ hết. Nhưng ai cho anh ta lương thiện khi mà trên khuôn mặt đầy những vết sẹo, khi mà hình ảnh con quỹ dữ Chí Phèo đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân ở làng Vũ Đại. Ngay cả người phụ nữ xấu đến ma chê quỷ hờn như Thị mà vẫn khước từ Chí, vậy thì Chí làm sao về lại với cuộc đời lương thiện được nữa. Đây chính là đỉnh điểm của bi kịch, khi Chí đã bị cự tuyệt quyền làm người.

2.3. Cuối cùng là cái chết – giải pháp cho cuộc đời khốn khổ của Chí Phèo.  

        Khi bị Thị Nở cự tuyệt, Chí Phèo không có ý định đi đến nhà Bá kiến và cũng không có ý định giết chết Bá kiến. Nhưng không hiểu sao trên đường đi Chí lại không vào nhà Thị Nở để giết chết “con khọm già” – bà cô của Thị Nở như ý định ban đầu, mà lại đi thẳng đến nhà Bá Kiến, rồi giết Bá Kiến và tự vẫn. Hành động ấy một mặt đã cho thấy sự bế tắc không lối thoát của người nông dân thời bấy giờ; mặt khác thể hiện niềm khát vọng kín đáo của nhà văn Nam Cao: người nông dân không thể chịu đè nén mãi nữa, họ phải đứng dậy đấu tranh quyết liệt, chống lại bọn cường hào ác bá để giành quyền sống cho mình. Thêm nữa, Nam Cao còn cho thấy rằng trong sâu thẳm tâm hồn người nông dân không chỉ có bản chất lương thiện, mà còn tiềm tàng cả một nguồn năng lượng tranh đấu mãnh liệt. Tiếc rằng, năng lượng ấy chưa được thể hiện một cách rõ ràng và chưa do sự điều khiển của ý thức, nên người nông dân vẫn bị trói chặt trong vòng lao khổ.
            Cái chết của Chí Phèo vừa kết thúc một cuộc đời bi kịch, vừa hé lộ một con đường sống cho những người nông dân, gợi cho người nông dân tranh đấu chống lại bè lũ cường quyền để giành quyền sống cho mình. Cái chết của Chí Phèo cũng khẳng định bản chất tốt đẹp của con người. Nếu Chí Phèo không tự vẫn thì anh ta vẫn sống, sống đời sống quỹ dữ. Nhưng anh ta đã tự vẫn trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện. Một bên là danh dự con người lương thiện, một bên là tính mạng của một “người vật”, Chí Phèo đã tự vẫn, nghĩa là nhân phẩm con người được coi trọng hơn cả tính mạng. Đành rằng, hành động Chí Phèo giết Bá Kiến và tự vẫn chưa phải là sản phẩm của sự trỗi dậy ý thức trong con người của Chí, nhưng Nam cao để Chí kết thúc cuộc đời như vậy cũng là một cách để thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Đối với người nông dân, cái chết của Chí Phèo là sự kết thúc một chuỗi dài bi kịch, còn xét về mặt nghệ thuật kết cấu, cái kết này đã góp phần khiến cho truyện ngắn Chí Phèo trở nên hoàn hảo.
*
*       *
         Nam Cao đã hy sinh hàng chục năm rồi, nhưng truyện ngắn Chí Phèo thì vẫn còn sống mãi với người đọc. Riêng tôi, cứ mỗi lần đọc lại Chí Phèo là một lần bị ám ảnh bởi câu nói đầy xót xa đau đớn của nhân vật Chí Phèo: “Ai cho tao lương thiện?”. Ám ảnh ấy gợi cho tôi phải suy nghĩ thêm về truyện ngắn này, và tôi nhận ra rằng: giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm không dừng lại ở những kết luận mà lâu nay nhiều sách vở đã bàn luận, mà sâu sắc hơn nhiều! Bài viết này chỉ có tham vọng viết thêm về những điều mới mẻ trong một tác phẩm vỗn đã hết sức quen thuộc. Xin được chân thành chia sẻ cùng bạn đọc.


                                               
                                                                        Hà Tĩnh, tháng 5/2013
                                                                                    Nguyễn Trọng Đức

                                                                 GV Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh