Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

ẢNH HƯỞNG CỦA TRIẾT HỌC NHO GIÁO ĐẾN MỘT SỐ SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN TRÃI

MỤC LỤC
c d
                                                                                                                                               Trang

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Đặt vấn đề……………………………………………………………………………2
2. Đối tượng nghiên cứu………………………………………………………………..2
3. Phương pháp nghiên cứu…………………………………………………………….2
NỘI DUNG
Chương 1:
HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN 
CỦA TRIẾT HỌC NHO GIÁO
1.1-Hoàn cảnh ra đời của triết học Nho giáo……………………………………………3
1.2- Nội dung cơ bản của triết học Nho giáo……………………………………………5
Chương 2:
ẢNH HƯỞNG CỦA TRIẾT HỌC NHO GIÁO ĐẾN 
MỘT SỐ SÁNG TÁC  CỦA NGUYỄN TRÃI
2.1- Vài nét về tác giả Nguyễn Trãi đặc điểm một số sáng tác…………………………  9
2.1.1- Về tác giả Nguyễn Trãi…………………………………………………………..9
2.1.2- Về đặc điểm một số sáng tác…………………………………………………….11
2.2 Biểu hiện của sự ảnh hưởng………………………………………………………..   12
2.2.1- Ảnh hưởng của tư tưởng nhân nghĩa và thân dân……………………………….12
2.2.2- Ảnh hưởng của thuyết thiên mệnh………………………………………………14
2.2.3- Ảnh hưởng của tam cương, ngũ thường…………………………………………17
KẾT LUẬN…………………………………………………………………………….21
TÀI LIỆU THAM KHẢO…………………………………………………………….22
c d


PHẦN MỞ ĐẦU
                                                                   
1. Đặt vấn đề
Trung Hoa cổ đại là một trong những trung tâm văn hóa, khoa học và triết học cổ xưa, phong phú và rực rỡ nhất không chỉ của nền văn minh phương Đông mà của cả nhân loại. Trong số nền văn minh đó là những thành tựu của triết học Nho giáo đã ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó có nước ta. Chính vì lẽ đó, triết học Nho giáo chi phối nhiều đến các lĩnh vực của đời sống tinh thần của dân tộc ta là điều không tránh khỏi, nhất là ở lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Và ở mỗi giai đoạn, mỗi thời đại khác nhau, ở những tác giả khác nhau thì sự thể hiện triết lí Nho giáo cũng khác nhau.
Hơn sáu trăm năm nay, tác giả Nguyễn Trãi cùng với sáng tác của ông đã trở thành đối tượng nghiên cứu của văn chương nghệ thuậtt và sự quy tụ niềm tự hào, trân trọng, kính phục, yêu mến của độc giả cũng như những nhà nghiên cứu. Những khía cạnh trong sáng tác của ông đều được người nghiên cứu đời sau xem xét thấu đáo. Nhưng thành tựu văn học của Nguyễn Trãi là vô cùng to lớn, vì vậy mà còn một số sáng tác của ông mới chỉ được xem xét trên bình diện tổng quát đó là sự ảnh hưởng của triết học Nho giáo.
            Qua bài nghiên cứu này, người viết có dịp đi sâu tìm hiểu tư tưởng nhân nghĩa, thân dân cũng như thuyết “thiên mệnh’’, về những tư tưởng đạo đức trong một số sáng tác của Nguyễn Trãi. Điều này sẽ giúp người viết có thêm vốn kiến thức để phục vụ tốt hơn cho việc học tập hiện tại và làm tài liệu cho công việc giảng dạy sau này.
            Chính vì những lí do trên nên người viết chọn đề tài “Ảnh hưởng của triết học Nho giáo đến một số sáng tác của Nguyễn Trãi’’.
2. Đối tượng nghiên cứu
-Tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời và nội dung cơ bản của triết học Nho giáo
            -Tìm hiểu ảnh hưởng của triết học Nho giáo đến một số sáng tác của Nguyễn Trãi mà cụ thể là trong “Bình Ngô đại cáo” và tập thơ Nôm “ Quốc âm thi tập”.
3. Phương pháp nghiên cứu
          Đề tài sử dụng tổng hợp các phương pháp của chủ nghĩa duy vật lịch sử, trong đó chú ý đến các phương pháp logic vàlịch sử, phân tích tổng hợp, so sánh, gắn lí luận với thực tiễn để thực hiện nhiệm vụ đề tài đặt ra.
NỘI DUNG
                                               Chương1:
                  HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA                                                          TRIẾT HỌC  NHO GIÁO.
1.1- Hoàn cảnh ra đời của triết học Nho giáo
Văn minh phương Đông cổ, trung đại chứng kiến sự phát triển rực rỡ của triết học Ấn Độ. Bên cạnh đó, nhân loại còn chứng kiến những thành tựu về mọi mặt của Trung Hoa cổ đại, nổi bật là sự ra đời của hàng loạt hệ thống triết học với những nhà triết học vĩ đại, tiêu biểu là triết học Nho giáo với tên tuổi của Khổng Tử, Mạnh Tử,và Tuân Tử.
Khổng Tử là người mở đầu cho trường phái triết học Nho gia. Người tên thật là Khổng Khâu, tự Trọng Ni, sinh ra trong một gia đình quý tộc nhỏ bị sa sút ở nước Lỗ(nay thuộc tỉnh Sơn Đông-Trung Quốc). Thời đại của KhổngTử là thời đại mà trật tự lễ pháp cũ của nhà Chu đang bị đảo lộn. Ông có phong thái vừa là một vĩ nhân, vừa như một vị thánh nhân, ôn hòa, nghiêm trang, khiêm tốn, học không biết chán và dạy không biết mỏi. Người ta biết rất ít về quãng đời của Khổng tử trước lúc 35 tuổi. Chỉ biết rằng, dưới thời đại nhà Chu, Khổng Tử cũng ra làm quan, song chỉ giữ những chức quan nhỏ như coi kho, quản lí gia súc. Lúc ngoài 50 tuổi, Khổng Tử giữ chức Tư không sau chuyển sang chức Tư khấu nhưng chỉ giữ chức vụ này trong ba tháng. Do xã hội đảo lộn, người tài như Khổng Tử lại không được trọng dụng. Tuy nhiên những năm tháng làm quan đã giúp cho Khổng Tử có thêm quyết tâm lập lại pháp chế kỷ cương của nhà Chu với một nội dung mới cho phù hợp. Khổng Tử đã đi chu du thuyết khách qua bảy nước trong mười bốn năm nhưng vẫn không được tin dùng. Khoảng cuối đời ông trở về nước Lỗ dạy học. Sử ký ghi chép ông có đến 3000 học trò. Trong đó có 70 vào loại giỏi,thuộc tầng lớp nho sĩ đương thời. Như vậy không thành đạt trên quan trường, Khổng Tử lại rực rỡ trong lĩnh vực triết học. Ông bắt đầu viết những tác phẩm mà đời sau những tác phẩm ấy trở thành kinh điển. Trong những tác phẩm trên,Khổng Tử đã hệ thống hóa những tư tưởng, tri thứcđời trước cùng với quan điểm của ông thành học thuyết chính trị nổi tiếng chính là Nho giáo.
            Theo từ nguyên chữ Hán, Nho là bởi chữ Nhân đứng trên chữ Nhu mà thành. Nhân là người, Nhu là cần dung để giúp cho nhân quần trong xã hội biết đường ăn ở và hành động cho phù hợp với lẽ trời. Sau khi Khổng Tử mất, học thuyết của ông được các thế học trò tiếp tục phát triển và trở thành một trường phái lớn lúc bấy giờ. Trong số họ, nổi lên một số đại biểu tiêu biểu như Mạnh Tử, Tuân Tử, những người có công lớn trong việc bảo vệ Nho gia và đưa nhiều tư tưởng mới vào hệ thống tư tưởng Nho gia của Khổng Tử.
Mạnh tử (tự là Dư, người đất Châu nước Lỗ- nay thuộc tỉnh Sơn Đông) thì đi sâu tìm hiểu bản tính con người trên cơ sở đạo nhân của Khổng Tử, đề ra thuyết “Tính thiện”. Ông cho rằng, “Thiên mệnh”quyết định nhân sự nhưng con người có thể qua việc tồn tâm dưỡng tính mà nhận thức được thế giới khách quan, tức cái gọi “tận tâm, tri tính, tri thiên”, “vạn vật có đủ trong ta”. Mạnh Tử đã hệ thống hóa triết học duy tâm của Nho gia trên phương diện thế giới khách quan và nhận thức luận.
Tuân Tử tên là Huống, tự là Khanh, người nước Triệu, là một đại Nho thời Chiến Quốc. Tuân Tử phát triển truyền thống Lễ của Nho gia nhưng trái với Mạnh Tử, Tuân Tử cho rằng con người vốn có “tính ác”, coi thế giới khách quan có quy luật riêng và theo ông sức người có thể thắng trời.
Kinh điển Nho gia bao gồm:Tứ thư:Trung dung, Đại hoc,Luận ngữ, Mạnh tử ; Ngũ kinh: Kinh dịch, Kinh thư, Kinh thi, Kinh lễ, Kinh xuân thu. Nội dung chủ yếu viết về xã hội, những kinh nghiệm lịch sử Trung Hoa. Tư tưởng về vũ trụ và tự nhiên chưa nhiều.
Nho giáo đi vào Việt Nam và được sùng thượng trong một thời gian dài dưới chế độ phong kiến. Khi các triều đại còn thịnh vượng, cái học của khoa cử và thụ hưởng ơn vua lộc nước được các Nho sĩ trí thức trẻ rất coi trọng. Phần lớn các nhà Nho với cái học của mình để tiếp thu và phát huy giá trị của văn hóa Trung Hoa. Nhà thơ thì gọt giũa thơ phú với những hình tượng điển tích ở kinh sách Nho gia. Phong thái của kẻ sĩ luôn gắn với tam cương ngũ thường và những tấm gương trung hiếu tiết nghĩa của Trung Hoa từ bao đời trước. Các nguyên lí trong các tác phẩm kinh điển được các nhà Nho dân tộc lựa chọn và giải thích khác nhau. Điều đó làm nên sự phong phú thậm chí đối lập nhau trong lập trường chính trị và của triết học. Có thể nói Nho giáo ở Việt Nam phát triển rực rỡ nhất là ở thếkỉ XV và đặc biệt dưới thời Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông.



1.2- Nội dung cơ bản của triết học Nho giáo
Triết học Trung Hoa cổ đại nhấn mạnh tinh thần nhân văn, nhân đạo. Các triết gia tập trung vào lĩnh vực luân lí đạo đức như là hoạt động thực tiễn căn bản nhất của một đời người, đặt lên vị trí thứ nhất của sinh hoạt xã hội. Ra đời trong bối cảnh xã hội như đã nói ở trên, nội dung cơ bản của triết học Nho giáo mang nhiều đặc điểm của triết học Trung Hoa cổ đại.
Trong học thuyết của Nho gia,Khổng Tử nêu lên nhiều quan điểm: quan điểm về giới tự nhiên, quan điểm về chính trị xã hội, quan điểm về nhận thức,…Những quan điểm này về sau tiếp tục được Mạnh Tử, Tuân Tử kế thừa, bảo vệ, bổ sung và phát triển. Ở phạm vi bài viết này, người viết nêu ra ba quan điểm cơ bản của triết học Nho giáo làm cơ sở nghiên cứu cho đề tài, đó là:quan điểm về thế giới, quan điểm về bản chất con người, quan điểm về chính trị xã hội.
                      *Quan điểm về thế giới.
            Trong học thuyết của Nho gia, Khổng Tử thường nói đến “Trời”, “Mệnh Trời”, “Đạo Trời”. “Trời” đối với Khổng Tử có chỗ như là giới tự nhiên, vận hành theo một quy luật “Trời có nói gì đâu, bốn mùa vẫn thay đổi, trăm vật vẫn sinh trưởng”, có chỗ ông khẳng định trời có ý chí “Than ôi!Trời làm mất đạo ta”, “Mắc tội với Trời không cần ở đâu mà thoát được”. Ý chí của trời là thiên mệnh.
            Khổng Tử cho rằng, mỗi cá nhân sự sống chết, phú quý hay nghèo hèn đều do        “Thiên mệnh” quy định. Mặt khác, ông lại cho rằng, con người bằng nỗ lực chủ quan của mình  cũng có thể thay đổi được cái thiên tính ban đầu. Theo ông, con người lúc sinh ra, cái tính trời phú cho là giống nhau nhưng quá trình tiếp xúc, học tập, nó làm cho khác nhau. Khổng Tử coi việc biết mệnh trời là một điều kiện để trở thành con người hoàn thiện.
            Mạnh Tử  phát triển tư tưởng “thiên mệnh”  của Khổng Tử và đẩy thế giới quan ấy tới đỉnh cao của chủ nghĩa duy tâm. Ông cho rằng không có việc xảy ra mà không do mệnh trời, mình nên tùy thuận mà nhận lấy cái mệnh chính đáng ấy. Từ đó, Mạnh Tử đưa ra học thuyết  : “Vạn vật đều có đủ trong ta, nên chỉ cần tự tĩnh nội tâm là biết được tất cả”, nghĩa là không phải tìm cái gì ở thế giới khách quan mà chỉ cần tu dương nội tâm là biết được tất cả.
Khổng Tử tin có quỷ  thần, nhưng quan niệm quỷ thần của ông có tính chất lễ giáo hơn tôn giáo. Ông cho rằng, quỷ thần là do khí thiên trong trời đất tạo thành. Tuy nhìn mà không thấy, lắng mà không nghe, thể nghiệm mọi vật mà không bỏ sót, nhưng mọi người đều cung kính, trang nghiêm để tế tự thì quỷ thần cả ở bên tả, bên hữu hình. Mặt khác, ông lại cho rằng, quỷ thần không có tác dụng chi phối cuộc sống con người. Ông phê phán sự mê tín quỷ thần và kêu gọi hãy chú trọng vào việc làm người của mình bởi vì đạo thờ người chưa biết thì làm sao biết đến đạo quỷ thần.
Như vậy, những người sáng lập Nho gia nói về tự nhiên không nhiều. Họ thừa nhận có “Thiên mệnh”, nhưng đối với quỷ thần lại xa lánh, kính trọng. Lập trường của họ về vấn đề này rất mâu thuẫn, có sự dao động giữa lập trường duy vật và lập trường duy tâm. Bởi vì khi thì họ tin vào mệnh trời và cho rằng người quân tử có ba điều sợ: sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân và sợ lời thánh nhân. Nhưng bên cạnh còn có quan niệm: trời chỉ là lực lượng tự nhiên không có ý chí, không can thiệp vào công việc của con người.
        *Quan điểm về đạo đức
            “Đạo” theo Nho gia là quy luật biến chuyển, tiến hóa của trời đất, muôn vật.  Đối với con người, đạo là con đường đúng đắn phải noi theo để xây dựng quan hệ lành mạnh, tốt đẹp. Đạo của con người, theo quan điểm Nho gia là phải phù hợp với tính của con người, do con người lập nên. Trong Kinh dịch, sau hai câu “Lập đạo của trời, nói Âm và Dương”, “Lập đạo của đất, nói nhu và cương” là câu “Lập đạo của người, nói nhân và nghĩa”.
Nhân nghĩa” theo cách hiểu thông thường thì “nhân là lòng thương người”, “nghĩa” là dạ thủy chung, bất nhân là ác, bất nghĩa là bạc; mọi đức khác của con người đều từ nhân nghĩa mà ra cũng như muôn vật, muôn loài trên trời, dưới đất đều do Âm Dương và nhu cương mà ra.
Đức “Nhân” xét trong mối liên hệ với đức “Nghĩa” thì “Nhân” là bản chất của       “Nghĩa”, bản chất ấy là thương người. Khổng Tử nói rằng, “Nhân là thương người”, người nào thật lòng thương người khác thì có thể làm tròn nghĩa vụ của mình. Đức           “Nghĩa” xét trong mối quan hệ với “Nhân” thì “Nghĩa” là hình thức của “Nhân”, là phần ta phải làm. Đó là mệnh lệnh tối cao. Trong cuộc sống xã hội, mọi người đều có những nhiệm vụ phải làm, làm nhiệm vụ vì nhiệm vụ, bởi vì những điều ấy đáng phải làm về phương diện luân lí. Nếu làm nhiệm vụ vì lí do khác, không vì luân lí thì hành vi của ta không hợp nghĩa, dẫu ta có làm tròn bổn phận. Khổng Tử cho rằng trong trường hợp đó hành động chỉ vì “lợi”. Với Nho gia, “nghĩa” và “lợi” là hai từ hoàn toàn đối lập. Nhà Nho phải biết phân biệt “nghĩa” và “lợi” và sự phân biệt này là tối quan trọng trong giáo dục đạo đức.
Đạo Nhân” có ý nghĩa rất lớn đối với tính con người do trời phú. Kinh điển Nho gia chỉ rõ “Trời mệnh cho là tính, kèm dẫn dắt tính gọi là “đạo”, tu dưỡng đạo gọi là      “giáo”. Tính của con người do trời phú mà cứ buông lơi, thả lỏng trong cuộc sống thì tính không thể tránh khỏi tình trạng biến chất theo tập tục, tập quán. Khổng Tử khuyên con người nên coi trọng “giáo’’ hơn “chính”, đặt giáo hóa lên trên chính trị.
Đức” gắn chặt với đạo. Từ “đức” trong kinh điển Nho gia thường được dùng để chỉ một cái gì thể hiện phẩm chất tốt đẹp của con người trong tâm hồn ý thức cũng như hình thức, dáng điệu… Mối quan hệ giữa đạo và đức trong trong cuộc sống con người: đường đi lối lại đúng đắn phải theo để xây dựng quan hệ lành mạnh, tốt đẹp là đạo; noi theo đạo một cách nghiêm chỉnh, đúng đắn trong cuộc sống thì có được đức trong sáng quý báu ở trong tâm.
Trong kinh điển Nho gia, có năm quan hệ lớn, bao quát gọi là “ngũ luân” được khái quát là: vua- tôi, cha- con, chồng- vợ, anh- em, bầu bạn. Khi nói đến những đức thường xuyên phải trao dồi, Nho gia có năm chữ còn gọi là ngũ thường:Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Đối với các đệ tử nói chung, các danh Nho gộp cụm sáu chữ: Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa. Với những người có vị trí trọng trách, các danh Nho gộp thành một cụm ba chữ:Nhân, Trí, Dũng.Với những đức được đề cao, coi đó là hạt nhân, đó là Nhân và Lễ.
Tóm lại, nội dung cơ bản của đạo đức Nho gia là luân thường. “Luân” có năm điều gọi là ngũ luân, thường có năm điều chính gọi là “ngũ thường” đều là những đức tính do trời phú cho mỗi người: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Đứng đầu ngũ thường là nhân, nghĩa. Trong nhân nghĩa thì nhân là chủ. Đạo của Khổng Tử trước hết là Đạo nhân. “Luân” và “thường” gắn bó với nhau, nhưng trên lý thuyết và trong thực tiễn “luân” đứng trước “thường”.

      *Quan điểm về chính trị- xã hội
Quan điểm về chính trị - xã hội của triết học Nho giáo tập trung ở thuyết chính danh và thuyết “Lễ trị”.
Chính danh có Nghĩa là một vật trong thực tại cần phải phù hợp với cái danh nó mang. Nói cách khác, mỗi cái danh bao hàm trong đó một số điều kiện tạo nên bản chất loại sự việc mà danh liên quan đến. Trong xã hội, mỗi cái danh đều bao hàm một số trách nhiệm và bổn phận mà những cá nhân mang danh ấy phải có những trách nhiệm và bổn phận phù hợp với danh ấy. Nếu mỗi ngưòi thực hiện đúng danh, phận thì có chính danh. Nếu danh, phận không phù hợp dẫn đến lọan danh. Một xã hội có “chính danh”là một xã hội có trật tự kỉ cương, thái bình thịnh trị.
Lễ” hiểu theo nghĩa rộng là những nghi thức, quy chế, kỷ cương, trật tự, tôn ti của cuộc sống chung trong cộng đồng xã hội và cả lối cư xử hằng ngày. Với nghĩa này, lễ là cơ sở của xã hội có tổ chức bảo đảm cho phân định trên dưới rõ ràng, không bị xáo trộn, đồng thời nhằm ngăn ngừa những hành vi và tình cảm cá nhân thái quá.
Lễ” hiểu theo nghĩa một đức trong “ngũ thường” là sự thực hành đúng những giáo huấn kỷ cương, nghi thức do Nho gia đề ra cho những quan hệ “tam cương”, “ngũ thường”, “thất giáo” và cả sự thờ cúng thần linh. Đã là người thì phải học lễ, biết lễ và có lễ. Con người học lễ từ tuổi thơ. Với ý nghĩa này, “ Lễ” là nội dung cơ bản của lễ giáo đạo Nho. “Lễ” là cơ sở, là công cụ chính trị, là vũ khí của một phương pháp trị nước, trị dân lâu đời của Nho gia. Phương pháp lễ trị có thể đưa tất cả hoạt động vào nề nếp, có thể ngăn chặn mọi lỗi khi sắp xảy ra.
Đối với Mạnh Tử trong quan điểm về chính trị- xã hội, ông có tư tưởng hết sức tiến bộ đăc biệt là tư tưởng dân quyền. Ông cho rằng trong một quốc gia quý nhất là dân rồi mới đế vua, xã tắc và của cải: “Dân vi quý, quân vi khinh, xã tắc thứ chi”. Từ đó Mạnh Tử chủ trương xây dựng chế độ bảo dân dưỡng dân. Ông yêu cầu người trị vì đất nướcphải lo cái lo của người dân, vui cái vui của người dân làm cho dân có sản nghệp riêng và cuộc sống yên bình no đủ. Mạnh Tử chủ trương khôi phục lại chế độ tĩnh điền để chia ruộng đất cho nhân dân hằn sản, hằn tâm.
Tóm lại, những quan điểm trên đã  tạo nên đặc trưng của triết học Nho giáo. Nho giáo không bàn về vấn đề sinh và diệt của con con người, không nhắc đến con đường để con người thoát khỏi bể khổ trầm luân như Phật giáo. Nho giáo bàn về mối quan hệ của con người và bổ phận của con người trong cuộc sống hiện tại. Tuy đôi lúc có những hạn chế khi so sánh hai hạng người quân tử, tiểu nhân hay tuyệt đối hóa chữ trung vượt lên trên chữ hiếu nhưng ảnh hưởng tích cực của Nho giáo đến dân tộc ta là không thể phủ nhận.

                                                                         Chương 2:
ẢNH HƯỞNG CỦA TRIẾT HỌC NHO GIÁO ĐẾN MỘT SỐ SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN TRÃI

2.1 Vài nét về tác giả Nguyễn Trãi và đặc điểm một số sáng tác
2.1.1 Về tác giả Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi (1380- 19-9-1442) hiệu Ức Trai, quê ở xã Chi Ngại, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau dời đến làng Ngọc Ổi, xã Sơn Nam Thượng, huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây). Thân phụ là Nguyễn Ứng Long sau đổi tên là Nguyễn Phi Khanh vốn là học trò nghèo, thi đỗ Thái học sinh. Thân mẫu là Trần Thị Thái, con quan tư đồ Trần Nguyên Đán, dòng dõi quý tộc. Như vậy, Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình Nho học, bên nội cũng như bên ngoại đều có truyền thống quý báu yêu nước và yêu văn hóa, văn học.
Nguyễn Trãi sống trong thời đại đầy biến động dữ dội. Nhà Trần suy vi, Hồ Quý Li lên thay, lập ra nhà Hồ. Vốn là người tài trí, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) và ra làm quan dưới triều nhà Hồ cùng với cha mình. Ông được triều Hồ trao giữ chức ngự sử đài chánh chưởng khi mới vừa tròn hai mươi tuổi. Năm 1407, quân Minh đem quân xâm lược nước ta, nhà Hồ tổ chức cuộc kháng chiến  chống Minh nhưng vì không hợp lòng dân nên bị thất bại nhanh chóng. Giặc Minh bắt cha con Hồ Quý Li cùng các triều thần đem về Trung Quốc trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Tương truyền lúc bấy giờ, Nguyễn Trãi muốn giữ tròn đạo hiếu đã cùng em trai theo cha sang Trung Quốc. Nhưng đến ải Nam Quan, nghe lời cha dặn phải tìm cách rửa nhục cho đất nước, ông đã trở về và bị giặc bắt giam lỏng ở thành Đông Quan. Nguyễn Trãi đã bỏ trốn, tìm theo Lê Lợi dâng “Bình Ngô sách” và được Lê Lợi tin dùng. Ông đã trở thành quân sư số một của Lê Lợi. Từ đó bắt đầu một đoạn đời đắc chí hào hùng. Ông cùng Lê Lợi bàn mưu tính kế, giúp Lê Lợi soạn các loại văn thư chiếu lệnh, góp công lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Trải qua nhiều năm tháng tìm đường cứu nước, bước chân trải dài khắp dặm dài xứ sở, đặc biệt là quãng dời mười năm gian khổ “ nếm mật nằm gai” gắn bó với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đến ngày toàn thắng, Nguyễn Trãi đã tỏ ra bản lĩnh, khí phách và tinh thần Đại Việt, trở thành nguồn sáng phẩm chất và tinh hoa dân tộc. Sau khi đuổi xong giặc nước, Nguyễn Trãi chưa kịp thực hiện những hoài bão của mình thì cuộc đời chuyển sang giai đoạn khó khăn và bi thảm. Sau thắng lợi một năm, Lê Lợi bắt đầu nghi kị các công thần, bản thân Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ, ông bị bắt và bị tống giam. Ít lâu sau được tha nhưng không còn tin dùng nữa. Năm 1439 ông xin cáo quan về ở Côn Sơn, nhưng chỉ mấy tháng sau, vua Lê Thái Tông lại vời ông ra làm việc nước. Nguyễn Trãi hi vọng một thời cơ mới.
            Chính những năm tháng như vậy đã có ảnh hưởng trực tiếp, quyết định đến sự hình thành con người nghệ sĩ vĩ đại ở ông.
Nhưng đáng tiếc rằng vụ án Lệ Chi Viên (1442) oan khiên với hình thức tru di tam tộc mà Nguyễn Trãi phải gánh chịu chính là hệ quả tất yếu của những cuộc tranh giành ngôi thứ, bè phái nảy sinh vào thời hậu chiến trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể lúc bấy giờ. Đó cũng chính là hậu quả- nghịch lý khôn lường của tấm lòng ngay thẳng, tinh thần dấn thân, dám nói thẳng, nói thật, thể hiện một nhân cách lịch sử sáng soi kim cổ.
Xuất thân từ gia đình Nho học, vì thế mà những tư tưởng Nho giáo đã ảnh hưởng trong sáng tác của Nguyễn Trãi nhưng do đặc điểm của thời đại mà những tư tưởng ấy không ảnh hưởng một cách cứng nhắc mà ở ông có một cách tiếp cận mới, sáng tạo phù hợp với nhu cầu và tinh thần thời đại. Chúng ta xem xét cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi có thể khẳng định “ông đã trở thành hiện thân cho bước chuyển giao thời đại từ Phật giáo Lí- Trần sang Nho giáo, người đặt nền móng tư tưởng văn học nghệ thuật cho thời đại Nho giáo thịnh trị, đặc biệt trong buổi ban đầu còn rực rỡ ánh hào quang của tinh thần phục hưng dân tộc và ý nghĩa nhân đạo nhân văn cao cả”.[5; 12]



2.1.2- Về đặc điểm một số sáng tác
Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, trong tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm, trong văn chính luận và thơ trữ tình. Ông đã để lại một khối lượng sáng tác lớn với nhiều tác phẩm có giá trị.
* Về tác phẩm viết bằng chữ Hán
- Quân Trung từ mệnh tập: đó là những thư từ, biểu, quân lệnh gởi cho các tướng tá của ta và những bức thư ông nhân danh Lê Lợi viết để giao thiệp với các tướng, với triều đình nhà Minh nhằm thực hiện kế “đánh vào lòng người”.
- Bình Ngô Đại Cáo: là bài cáo tuyên cáo rộng rãi về việc dẹp yên giặc Ngô, tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Minh một cách toàn diện và sâu sắc, đồng thời đó cũng là tuyên ngôn về lòng yêu hòa bình của nhân dân ta. Nói như tác giả Mai Quốc Liên “Bình Ngô đại cáo là sự chung đúc những tinh hoa của tư tưởng yêu nước Việt Nam, đến Nguyễn Trãi, qua Nguyễn Trãi đã được nâng lên một tầm cao chưa từng thấy trong lịch sử tư tưởng Việt Nam trước khi nhà yêu nước vĩ đại Nguyễn Ái Quốc gặp chủ nghĩa Mác-Lênin”[5; 294].
            - Lam Sơn thực lục: ghi chép quá trình phát triển của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và nêu cao bài học lớn về sự gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân như một điều kiện quyết định để chiến thắng quân xâm lược.
 - Ức Trai thi tập (105 bài): thể hiện những cảm xúc trữ tình cá nhân.
            Ngoài những tác phẩm chữ Hán kể trên còn có Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn Vĩnh Lăng thần đạo bi.
* Về tác phẩm viết bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập (254 bài). Đây là tập thơ chữ Nôm ghi lại những cảm xúc cá nhân cho ta thấy đời sống tâm hồn phong phú, những tư tưởng cao quý của Nguyễn Trãi.
            Xuất thân từ gia đình Nho học cho nên những đạo lý của Nho giáo cũng đã ảnh hưởng đến Nguyễn Trãi từ trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong sáng tác. Có thể nói rằng Nguyễn Trãi là người đầu tiên đem triết lý Nho giáo vào văn chương một cách đậm đà. Nước ta trước kia cũng đã từng có một Chu An, một Trương Hán Siêu, … cũng là đệ tử của cửa Khổng sân Trình nhưng thi ca của họ ít bài tỏ triết lý, luân lý đạo Nho. Với Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập, Quốc âm thi tập, … ta thấy rõ Nguyễn Trãi đã chịu ảnh hưởng sâu xa của tư tưởng Nho giáo. Nguyễn Trãi tiếp nhận tư tưởng Nho giáo và đã thể hiện những tư tưởng đó trong sáng tác. Nguyễn Trãi là một thi nhân một đệ tử của Khổng Mạnh, một nhà tư tưởng nhưng những tư tưởng của Nguyễn Trãi không phải là thứ tư tưởng siêu hình, cao siêu, xa lìa cuộc sống mà là tư tưởng thực dụng, gắn liền với cuộc sống, đi sâu vào cuộc đời và ở với con người. và ta cũng thấy rằng ông không phải là một nhà triết lý suông mà trái lại Nguyễn Trãi đã thực hiện những tư tưởng đó trong cuộc sống. trong cuộc đời, Nguyễn Trãi đã lấy tư tưởng Nho giáo là kim chỉ nam cho những suy tư và hành động. Và những tư tưởng ấy ta thấy rõ trong “Bình Ngô đại cáo” và “Quốc âm thi tập” của ông.
2.2-Biểu hiện của sự ảnh hưởng
2.2.1- Ảnh hưởng của tư tưởng nhân nghĩa và thân dân
Tinh hoa của Nho giáo mà Nguyễn Trãi tâm đắc là nhân nghĩa. Trong hầu hết các tác phẩm của mình Nguyễn Trãi nói rất nhiều về nhân nghĩa và rất chân thành về nhân dân. Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa và nhân dân hầu như không tách rời nhau. Chưa dám nói rằng trong học thuyết và văn chương Nguyễn Trãi người dân chiếm vị trí trung tâm, song có thể quả quyết rằng người dân chiếm vị trí trọng yếu.
            Mở đầu “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi nêu nguyên lý nhân nghĩa. Đây là nguyên lý có tính chất phổ biến mặc nhiên thừa nhận lúc bấy giờ:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”
            Nguyên lý nhân nghĩa Nguyễn Trãi nêu ở đây là một tiền đề có tính chất tiên nghiệm bởi tiền đề này có nguồn gốc từ phạm trù nhân nghĩa của Nho giáo. Khổng Tử nói đến chữ “nhân”, Mạnh Tử nói đến chữ “nghĩa”. “Nhân nghĩa” được nhiều người giải thích, cách nói, cách hiểu đôi khi khác nhau nhưng nhìn chung mọi người đều thừa nhận nhân nghĩa là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trên cơ sở tình thương và đạo lý. “Nhân nghĩa” là yên dân trừ bạo, tức là tiêu trừ tham tàn bạo ngược, bảo vệ cuộc sống yên ổn của dân. Là một trí thức Nho giáo, “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi cũng bao hàm ở đó. Nhưng ở bài cáo, tác giả khai thác sâu khía cạnh nhân nghĩa có lợi cho dân tộc: “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Việc đưa một tiền đề tiên nghiệm như vậy đối với tâm lý con người lúc bấy giờ là có tính thuyết phục cao. Bởi lẽ thời trung đại ở Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước phương Đông, tư tưởng nhân nghĩa là một chân lý mặc nhiên được thừa nhận. Tuy nhiên lại phải nhấn mạnh khi đưa tiền đề tiên nghiệm Nguyễn Trãi đã biết chắc lọc lấy hạt nhân cơ bản, tích cực.
            Trong hai câu đầu, Nguyễn Trãi đã xác định mục đích nội dung cơ bản, tích cực của tư tưởng nhân nghĩa. Ông đem đến một nội dung mới, lấy ra từ thực tiễn dân tộc để đưa vào tiền đề có tính chất tiên nghiệm nhân nghĩa phải gắn liền với chống xâm lược. Nội dung này trong quan niệm Khổng, Mạnh và Nho gia Trung Quốc hầu như không có: nhân nghĩa là chống xâm lược, chống xâm lược là nhân nghĩa. Có như vậy mới bóc trần luận điệu nhân nghĩa xảo trá của địch, mới phân định rạch ròi ta là chính nghĩa, giặc xâm lược là phi nghĩa. Cũng trong “Bình Ngô đại cáo” có đoạn nói:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo”.
            Học thuyết tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi suy cho cùng là yêu nước, thương dân, đúng như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định “Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân có một mối quan hệ rất khăng khích. Đó là một điểm mới bởi vì thường thường, người là chỉ cột chặt ái quốc với trung quân mà thôi” [5; 890].
Có thể hiểu rằng, ở “Bình Ngô đại cáo” nói riêng, ở các tác phẩm yêu nước của Nguyễn Trãi nói chung, khái niệm nhân nghĩa là một đường lối chính trị cứu nước cứu dân “yêu nước là thương dân, để cứu nước phải dựa vào dân, và cứu nước là để cứu dân, đem lại thái bình cho dân, cho mọi người.” [5; 272].
            Đối với Nguyễn Trãi, ông lo cho dân trong thời chiến cũng như trong thời bình. Yêu cầu chủ yếu vẫn là:
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược,
  Có nhân, có trí, có anh hùng”.
(Bảo kính cảnh giới-Bài 5)
            Dường như câu nói “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” bất hủ của nhà Nho tiến bộ Phạm Trọng Yêm thời Tống (Trung Quốc) đã in sâu trong lòng của Nguyễn Trãi. Đáng chú ý là ông nhắc đi nhắc lại “tiên ưu” mà không hề nói đến lạc hậu.
            Tư tưởng thân dân còn thể hiện ở sự biết ơn dân.
Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày
            Trong thời phong kiến, từ cửa miệng của quan đại thần thật không dễ gì mà nghe tuyên bố rằng ăn lộc không phải trước hết biết ơn vua mà trước hết mang ơn kẻ cấy cày.
Thương dân còn là xây dựng cho dân một nền thái bình thịnh trị bền vững và lâu dài. Cũng như các nhà Nho chân chính, Nguyễn Trãi có tham vọng làm cho yên dân, yên đến cái mức như đặt nằm trên chiếu nệm. Và ông mơ ước rằng
Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn,
Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền”.
(Bảo kính cảnh giới-Bài 5)
Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ, khắp đòi phương”.
(Bảo kính cảnh giới-Bài 43).
            Có như vậy mới thỏa được ước mong của mình.
            Như vậy, khía cạnh “con người” trong người anh hùng Nguyễn Trãi chính là vẻ đẹp nhân bản đã góp phần nâng người anh hùng dân tộc lên tầm nhân loại.
2.2.2- Ảnh hưởng của thuyết thiên mệnh.
Triết học Nho giáo đã nói đến “thiên mệnh”. Theo Nho giáo trời là cái lý vô hình, rất linh diệu làm chủ mọi sự biến hóa trong vũ trụ, không một thế lực nào có thể ngăn cản nổi. trong Luận ngữ, thiên Nghiêu viết, Khổng Tử nói “bất tri mệnh, vô dĩ quân tử”, nghĩa là không biết mệnh trời, không thể làm quân tử. Và trong Luận ngữ, thiên biến vấn, Khổng Tử cũng nói: “đạo chi tương hành dã dư mệnh dã, đạo chi tương phế dã dư, mệnh ”, nghĩa là đạo của người mà thi hành được là do mệnh trời, không thi hành đuợc cũng do mệnh trời. Trong sách Trung dung, Khổng Tử cũng nói: “Thượng bất oán thiên, hạ bất vu nhân, cư dị sĩ mệnh”, nghĩa là trên không oán trời, dưới không oán người, cứ bình dị mà đợi mệnh. Bởi vì “thiên mệnh” tức là lẽ biến hóa tự nhiên, là lý đương nhiên mọi người phải công nhận cho nên nười quân tử phải biết  “thiên mệnh”.
             Nguyễn Trãi trước hết là một Nho sĩ cho nên tư tưởng của ông là tư tưởng của Nho giáo. Ông cũng đã tin vào thuyết “thiên mệnh”. Những tư tưởng ấy dã được thể hiện rõ trong một số sáng tác của ông.
Nguyễn Trãi cho rằng sự thành bại, giàu sang phú quý hay đói rách nghèo hèn đều do mệnh trời sắp đặt. Tư tưởng này ta thấy rõ ở một số bài thơ trong “Quốc âm thi tập”.
Được thua phú quý dầu thiên mệnh,
Chen chúc làm chi cho nhọc nhằn”.
                                                                                    ( Mạn thuật- bài 5)
Những cái được, cái phú quý của con người đã được mệnh trời sắp đặt, người ta phải theo mệnh trời. Ở ngôn chí bài 9 tác giả cũng khẳng định.
                                                “Sang cùng khó bởi chưng trời,
                                                 Lăn lóc làm chi cho nhọc hơi”.
        Hoặc:
Mới biết danh hư đà có số,
Ai mà cãi được đạo trời”.
                                      (Tự thán- bài 5)
            Như vậy, con người không cãi được đạo trời. Vì thế mà con người phải có một phép xử thế cho đạo người hợp lý với đạo trời.
            Các nho sĩ đã tin vào sự tuần hoàn của trời, của thiên đạo. Hết xuân hạ đến thu đông, hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai. Cuộc đời cứ xoay vần chứ không bao giờ đứng yên một chỗ. Với niềm tin đó, Nguyễn Trãi cũng an nhiên tự tại, dù gặp thất bại cũng không đau khổ, dù gặp thành công cũng không tự đắc.
 “Vắn dài, được mất dầu thiên mệnh,
                                        Trãi quái làm chi cho nhọc nhằn” (Bảo kính cảnh giới- bài 48)
                                                 “ Cho hay bĩ thái mới lề cũ,   
                                                Nếu có nghèo thời có an’’  (Bảo kính cảnh giới- bài17)
            Hầu như ở mỗi một bài đều nói đến một vấn đề nào đó, đối vớ người có Hán học là rất quen thuộc vì đã gặp đâu đó trong sách vở Nho gia, thậm chí có thể xem là ông diễn đúng mực những quan điểmcủa Nho gia nữa. Thế nhưng về tinh thần và nội dung thì không phải như vậy. Nguyễ Trãi không nhấn mạnh các quan hệ luân thường, các lời khuyên không trình bày như những bổn phận, không có ý nghĩa thiên lý, nhân luân mà đó là lời tâm sự của người từng trải. Đây là lời khuyên, một kinh nghiệm xử thế.
Nếu như thuyết “thiên mệnh” ảnh hưởng ở một số bài trong “ Quốc âm thi tập” nhằm để thể hiện một lờ tâm sự hay đó là một lời khuyên với mọi người về một kinh nghiệm xử thế thì ở “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi thể hiện thuyết thiên mệnh ở khía cạnh khác.
                                                “ Xã tắc từ đây vững bền,
                                                Giang sơn từ đây đổi mới,
                                                Càn khôn bĩ rồi lại thái,
                                                Nhật nguyệt hối rồi lại minh.
                                                Muôn thuở nề thái bình vững chắc,
                                                Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu.
                                    Âu cũng nhờ trời đất tổ tông ngầm giúp đỡ mới được như vậy”.
Trong lời tuyên bố này, cảm hứng về độc lập dân tộc và tương lai đất nước đã hòa huyện với cảm hứng về vũ trụ khi “”, khi “hối” nhưng quy luật là hướng tới sự sáng tươi, phát triển. Sự thay đổi nhưng thực chất là sự phục hưng, đó là điều kiện để thiết lập sự vững bền. Sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống và sức mạnh thời đại làm nên chiến thắng. Cũng trong lời kết của “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi nhắc đến “trời đất, tổ tông khôn thiên ngầm giúp đỡ”. Đó là sự nhắc nhở mọi người tự hào về quá khứ, càng biết yêu hơn hiện tại và vui mừng hướng tới tương lai.
Như vậy, thuyết “thiên mệnh” đã được Nguyễn Trãi thể hiện trong một số sáng tác của mình là sự tổng kết qua nhiều năm tháng sống trong một thời đại “bĩ rồi lại thái”, “hối rồi lại minh”. Tư tưởng “thiên mệnh” ấy, chủ trương con người sống theo phận vị giữ đúng đạo nghĩa, mệnh trời. Nhưng Nguyễn Trãi là người rất uyên bác, có tinh thần dân tộc cao nên khi dùng những đạo lý ấy khái quát những nề nếp sống theo truyền thống dân tộc nó không quá khô khan, cứng nhắc. Đó là một thái độ sống tự do tự tại. Vì thế tư tưởng của Nguyễn Trãi ở đây vẫn thuộc Nho giáo, nhưng là một Nho giáo khoáng đạt, rộng rãi, không câu nệ. Nó không chỉ gần gũi mà còn phong phú hơn trong đời sống của dân tộc ta.

2.2.3- Ảnh hưởng của tam cương, ngũ thường
Triết học Nho giáo đã đặt ra những nguyên tắc cho cuộc đời, những thứ bậc buộc con người phải luôn luôn tôn trọng. Những nguyên tắc ấy, Nho giáo nói đến mối tương quan giữa gia đình và xã hội. Đó là ba mối quan hệ quan trọng chi phối trong mọi tình cảm và bổn phận con người: quân thần, phụ tử, phu thê. Mặt khác, Nho giáo cũng nêu lên những đức tính quan trọng mà con người cần phải có để cho con người và cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn. Đó là: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Nguyễn Trãi là một Nho sĩ, là một nhà đạo đức nên ông đã hướng đến luân lý của Nho giáo. Nguyễn Trãi đã đi theo đường lối “văn dĩ tải đạo” của Nho giáo, nghĩa là đem văn chương để truyền bá tư tưởng, đạo lý của thánh hiền. Trước tiên ta thấy trong sáng tác của ông luôn nói đến trung và hiếu. Con người của Nguyễn Trãi luôn hướng đến bổn phận thiên liêng đối với gia đình và đất nước. Khi ra làm quan hay lúc về ở ẩn, lúc nào ông cũng tâm niệm về hai chữ trung hiếu.
Bui có một niềm chăng nỡ trễ
Đạo làm con mấy đạo làm tôi”.
                                    (Ngôn chí – bài 1)
Quân thân chưa báo lòng canh cánh
Tình phụ cơm trời, áo cha”.
                                    (Ngôn chí – bài 7)
Đạo làm tôi, làm con lúc nào cũng canh cánh đối với Nguyễn Trãi, lúc nào ông cũng nói về trách nhiệm của một bề tôi, của người con. Đó là những câu nói về nghĩa vua tôi, về tình cha con xiết bao cảm động.
Quan niệm trung hiếu đã ăn sâu trong tâm hồn của Nguyễn Trãi. Dù cuộc đời có đổi thay nhưng tư tưởng ấy không bao giờ thay đổi. Ông khẳng định duy nhất có một tấm lòng trung và hiếu.
                                                “ Bui có một lòng trung lẫn hiếu,
                                                 Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”.
                                                                                    (Thuật hứng – Bài 24)
Trong sáng tác của mình, Nguyễn Trãi cũng nói nhiều về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
                                                “Thấy lợi thì làm cho phải nghĩa,
                                                Mã tây mặc khiến mấy lòng đan”.
                                                                                    (Bảo kính cảnh giới – Bài 6)
                                                “Bầu bạn cùng nhau nghĩa chớ vong,
                                                Người kia phú quý nỡ quên lòng.”
                                                                                    (Bảo kính cảnh giới – Bài 51)
                                                “Khuyên kẻ trượng phu xin ở thế,
                                                Hễ đừng bất nghĩa chớ loàn đơn”.
                                                                                    (Bảo kính cảnh giới – Bài 58)
Nguyễn Trãi đã thấy rõ lòng dạ người đời tham lam. Con người vì điều lợi mà bỏ quên nhân nghĩa, liêm sĩ. Tình vua tôi, cha con, anh em, bè bạn tan vỡ vì người tham lợi, xã hội tan nát vì con người tham dục. Nguyễn Trãi đã sống trong một xã hội tan rã vì chiến tranh cho nên ông đã ý thức được bổn phận của kẻ sĩ là phải quảng bá tư tưởng Nho giáo để cứu vớt con người và xã hội. Ông khuyên con người hãy lấy nghĩa mà đối xử với nhau.
            Trong thơ Nguyễn Trãi, những quan niệm về tam cương, ngũ thường luôn luôn kết hợp với nhau.
                                                “Thủy chung mỗ vật đều nhờ chúa,
                                                Động tĩnh nào ai chẳng bởi thầy.
                                                Hỉ nộ cương nhu tuy đã có,
                                                Nghĩa nhân lễ trí mã cho khuây”.
                                                                                    (Mạn thuật – Bài 3)
Theo quan niệm Nguyễn Trãi, người quân tử phải là người tài đức vẹn toàn. Có đức mà không có tài thì kém cỏi, không làm được việc gì, nhưng có tài mà không có đức như là con hổ dữ, cái tài đó thật đáng sợ. Vì vậy, người đi học phải có tài lẫn đức.
                                                “Đạo đức hiền lành được mọi phương,
                                                Tự nhiên cả chúng muốn suy nhường”.
                                                                                    (Bảo kính cảnh giới – Bài 1)
                                                “Ngõ cửa nhân chờ khách đến,
                                                Trồng cây đức để con ăn”.
                                                                                    (Mạn thuật – Bài 5)
                                                “Tài đức thì cho lại có nhân,
                                                Tài thì kém đức một hai phân.
                                                Thờ cha lấy thảo làm phép,
                                                Gặp chúa hằng ngày mấy cần”.
                                                                                    (Bảo kính cảnh giới – Bài 57)
Rõ ràng trong thơ ông, cái đức luôn đứng đầu. đối với mọi người, ta cần phải có lòng nhân. Người làm cha phải biết tu nhân tích đức để lại cho con cái, kẻ làm con phải biết hiếu thảo, ấy là đức vậy. Cái quan niệm tu nhân tích đức của ông bắt nguồn từ chữ “nhân” của Nho giáo và Phật giáo. Quan niệm của Nho giáo và Phật giáo đều cho rằng ai làm điều thiện sẽ được những điều tốt lành, ai ở ác sẽ gặp ác. Khổng Tử đã dạy: “Vi thiện dã, thiên báo chi dĩ phúc; vi bất thiện dã, thiên báo chi dĩ họa”, nghĩa là người làm điều lành thì trời lấy phúc mà báo cho, người làm điều chẳng lành thì trời lấy vạ mà báo cho. Quan niệm đó gần gũi với nhân dân, nó được người bình dân chấp nhận giống như quan niệm của dân gian ta “gieo gió gặt bão”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Chính vì thế người ta luôn thận trọng mỗi khi hành động vì họ luôn nghĩ đến tổ tiên, đến con cháu
                                                “Tích đức cho con hơn tích của,
                                                Đua lành, cùng thế mã đua khôn”.
                                                                                    (Tự thán – Bài 41)
                                                “Chớ lấy hại người làm ích kỷ
                                                Hãy năng tích đức để cho con.”
                                                                                    (Bảo kính cảnh giới – Bài 22)
Nhân đức hay nhân nghĩa, từ bi hay bác ái đều là một vì cùng nhau hướng đến tình thương nhân loại. Tình thương của Nguyễn Trãi thật bao la, ông thương yêu muôn loài dù là đối với những loài vật nhỏ bé.
                                                “Lòng hiếu sinh nhiều cá ngại câu
                                                                                    (Tự thuật – Bài 10)
Đối với loài vật mà Nguyễn Trãi còn thương yêu như vậy, huống chi là đối với con người. Ông đã lấy lòng nhân của Nho giáo mà khuyên răn con cháu, dạy bảo hậu sinh bằng những lời thơ thật tha thiết. Đi xa hơn nữa, ông còn vạch ra một chương trình  hành động cho kẻ sĩ. Khi đã ra làm quan thì kẻ sĩ phải hết lòng trung thành với vua với Tổ quốc, phải đem những lời đạo đức để can gián vua chớ nên dua nịnh, làm điều gian tà hại nước hại dân. Ông cho rằng kẻ sĩ phải có tấm lòng như Ngụy Trưng đời Đường, Bao Chửng đời Tống của Trung Quốc:
                                                “Khoe tuyết làu làu nơi học đạo
                                                Ở triều khăn khắn chữ trung cần”.
                                                                                    (Bảo kính cảnh giới – Bài 60)
Ở đài các giữ lòng Bao Chửng,
Nhậm tướng khanh thì thói Ngụy Trưng”.
                                                                                    (Bảo kính cảnh giới – Bài 61)
Như vậy, trong thuyết tam cương, ngũ thường, Nguyễn Trãi đã đem lại cho ta những đức tính cần thiết của con người trong mối quan hệ với mọi người, với gia đình, hang xóm, Tổ Quốc. Người có đạo đức không phô phang cũng không lo, không oán, không so đo về được mất, hơn thua ít nhiều. Sống có đạo đức giúp cho con người khiêm tốn, nhường nhịn, đối xử khoan thứ, rộng rãi, đó cũng là bí quyết của cuộc sống, bí quyết của hạnh phúc con người. Ở thuyết này, ông cũng nói nhiều đến trung hiếu, trung hiếu là lẽ sống của ông là phẩm chất “mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen” của người tri thức. Ông cũng nói trung hiếu như mọi nhà Nho nhưng trung hiếu ở ông lại mang một nội dung truyền thống của dân tộc Việt Nam. Sáu trăm năm nay, những tư tưởng ấy mà Nguyễn Trãi thể hiện trong các sáng tác của mình vẫn còn giá trị. Nó góp phần vào việc học tập, trau dồi những tư tưởng tiến bộ của mỗi người Việt Nam trong thời đại hiện nay.











                                                KẾT LUẬN

Như vậy, hệ tư tưởng chi phối Nguyễn Trãi trong suốt cuộc đời là Nho giáo và những tư tưởng ấy đã ảnh hưởng sâu đậm trong sáng tác của ông. Nhưng ở từng thời kỳ, trong từng phạm vi, Nho giáo luôn luôn có những nét khác. Nguyễn Trãi đã cân nhắc lựa chọn, không phải chỉ máy móc theo sách vở mà có sự sáng tạo theo hướng mới. Ông nhấn mạnh đức nhưng không phải không chú ý đến tài trí, đề cao nhân nghĩa nhưng không cự tuyệt quyền mưu, nói nợ quân thân tất lòng trung hiếu nhưng lại nhấn mạnh ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày, trách nhiệm theo lòng dân, vì nhân dân.
Ước mong của Nguyễn Trãi là một cuộc sống thái bình lâu dài cho nhân dân, một quan hệ hòa bình vững chắc với Trung Quốc và các nước láng giềng, một xã hội Nghiêu Thuấn với những con người tốt đẹp. “Ông đã lựa chọn Nho giáo nhưng là xu hướng nhân đạo chủ nghĩa nhất trong Nho giáo thời đó. Nguyễn Trãi rất yêu nước. Rất tự hào về truyền thống văn hiến của dân tộc, điều đó làm cho ông dũng cảm, kiên quyết chống xâm lược nhưng không làm cho ông vì thù hận mà cố chấp, vì chiến thắng mà thành tự cao, vì dân tộc mà thành bài ngoại. Yêu nước, tự hào dân tộc làm Nguyễn Trãi tự tin, tự nhiệm, tự cường quyết tâm làm cho văn hiến nước nhà rạng rỡ không thua kém Trung Quốc…Chứ không cự tuyệt mọi cái của Trung Quốc…Nguyễn Trãi chọn Nho giáo thay cho Phật giáo thời Lý- Trần, nhưng không phải ông từ bỏ truyền thống Lý- Trần mà làm cho nó cao hơn và rộng rãi hơn” [5; 125]
   








                                                TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Bộ giáo dục và đào tạo,(2007), Giáo trình triết học (Dùng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh không thuộc chuyên ngành Triết học), NXB lý luận chính trị, Hà Nội.
2) Trần Đình Hượu, (1995), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
3) Trần Văn Phòng (chủ biên), Nguyễn Thế Kiệt(2008), Hỏi-đáp môn triết học Mac- Lênin,NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
4) Đinh Ngọc Quyên, Nguyễn Đại Thắng (2007),Giáo trình lịch sử triết học, Trường đại học Cần Thơ, Khoa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Bộ môn triết học.
5) Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Trãi- Về tác gia và tác phẩm,NXB Giáo dục.




















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét