Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Hồ Xuân Hương từ cái nhìn hậu hiện đại

Hồ Xuân Hương từ cái nhìn hậu hiện đại
Thứ bảy, 02 Tháng 7 2011 13:55 Đoàn Lê Giang
Như một viên đá kỳ hình đa sắc, thơ Hồ Xuân Hương từ mỗi một góc nhìn lại thấy một kiểu dáng mới, một màu sắc mới. Có người từng nhìn thơ Hồ Xuân Hương bằng cái nhìn của văn chương bác học, có người lại nhìn từ văn hóa dân gian, có người nhìn từ chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng, có người nhìn từ phân tâm học, gần đây có người lại nhìn từ phê bình nữ quyền luận v.v... Hồ Xuân Hương là hiện tượng văn học kỳ lạ, người ta không ngừng tìm hiểu, không ngừng khám phá, mà Hồ Xuân Hương – một hiện tượng thơ tồn tại hàng 200 năm nay mà vẫn không hề cũ bao giờ.
Thơ Hồ Xuân Hương đầy ắp tiếng cười trào tiếu, giễu nhại trước những chuyện trang nghiêm, những “đại tự sự” làm trung tâm của cấu trúc xã hội và văn hóa đương thời. Đọc thơ nàng, người ta nghe âm vang của những lễ hội carnaval rộn ràng ngày xưa, hay pop, rock, thậm chí cả hiphop tưng bừng thời nay… Có thể nói thơ Hồ Xuân Hương rất gần với tính chất Hậu hiện đại(1).
1.  GIẢI TRUNG TÂM, GIẢI CÁC ĐẠI TỰ SỰ
Xã hội phong kiến xây dựng một trật tự xung quanh quyền lực trung tâm là vua chúa và hai nhân vật trụ cột trong đời sống tinh thần đương thời là tăng sĩ và nho sĩ. Văn chương nhà nho ca tụng và duy trì cái trật tự quyền lực ấy. Nhưng Hồ Xuân chống lại trật tự ấy, giải trung tâm, giải các “đại tự sự” ấy bằng sự giễu nhại, cười cợt.
Trong thơ nàng, hoàng đế không được nhìn như một đấng thiêng liêng “con trời” với chân mạng đế vương, với sự mệnh lớn lao nhận mệnh trời để cai quản quốc gia và chăn nuôi dân chúng nữa, nàng đặt hoàng đế trong đời thường  với mưa nắng, nóng lạnh, với yêu đêm yêu ngày …và như thế hoàng đế không còn là trung tâm tối cao của cấu trúc mà ông ta làm chủ thể nữa, ông cũng như mọi người phàm trần khác:“Hồng hồng má phấn duyên vì cậy/ Chúa dấu vua yêu một cái này” (Vịnh cái quạt – bài 2)(2).
Nhà sư với những phẩm chất cao quý, với sứ mệnh lớn lao, v.v... đến thời Hồ Xuân Hương chỉ còn là một “đại tự sự” không có thật. Thơ Xuân Hương viết khá nhiều về họ: Chùa Quán Sứ, Sư hổ mang, Sư bị ong châm, Kiếp tu hành…mà tuyệt nhiên không thấy một bài nào ngợi ca.
Nhân vật quan trọng hơn cả trong cấu trúc xã hội phong kiến là người quân tử - biểu tượng trung tâm của nền học vấn và đạo đức của xã hội bấy giờ, bị Hồ Xuân Hương giải ảo – giải bằng cái tục. Hồ Xuân Hương ghét cay ghét đắng cái đạo mạo đạo đức giả của người quân tử:
-       Hiền nhân quân tử ai mà chẳng/ Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.
-       Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa.
-       Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở ở không xong…
Lưu ý, Xuân Hương ghét người quân tử(3) nhưng lại rất yêu thích người tài tử: “Tài tử văn nhân ai đó tá ?/ Thân này đâu đã chịu già tom” (Tự tình). Phải chăng vì người quân tử là nhân vật trung tâm của xã hội cũ, còn người tài tử có tính chất đô thị và phi chính thống, lại là nhân vật của xã hội mới?
Bài Khóc ông phủ Vĩnh Tường là bài thơ điếu kỳ lạ. Trong bài thơ này người ta thấy một Xuân Hương với một tâm thế đầy phức cảm: vừa quý trọng ông phủ Vĩnh Tường – một nhà nho trong sạch và có lý tưởng, nhưng đồng thời lại vừa chỉ ra cái vô nghĩa của những lý tưởng ấy – nói theo ngôn ngữ Hậu hiện đại thì cái sự nghiệp “văn chương” lớn lao, cái chí “tang bồng hồ thỉ” cao cả kia chỉ là một “đại tự sự”. Tất cả là vô nghĩa khi con người ấy đã từ giã cõi đời này, từ giã “miệng túi càn khôn” cùng với “cán cân tạo hóa” của mình.  Bài thơ vừa xót xa, lại vừa có tính chất trào tiếu – trào tiếu bằng cái tục:
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi,
Cái nợ ba sinh có thế thôi.
Chôn chặt văn chương ba thước đất,
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời.
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,
Miệng túi càn khôn khép lại rồi.
Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc,
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi! 
2.  ĐƯA NHỮNG CON NGƯỜI TỪ NGOẠI VI TRỞ THÀNH TRUNG TÂM
Khi tiến hành giải trung tâm, Hậu hiện đại đưa cái ngoại vi vào trung tâm, xóa nhòa ranh giới giữa cái bình thường và cái cao cả, cái quan trọng và không quan trọng, cái mang tính bản chất và cái rời rạc, lẻ tẻ, ngẫu nhiên, cái thanh và cái tục.
Trong thơ Hồ Xuân Hương cái ngoại vi, cái bình phàm, cái nhỏ bé thời ấy là người phụ nữ, cái tục.
Nhân vật nữ trong thơ Xuân Hương là loại nhân vật rất lạ trong văn chương cổ điển. Tất nhiên họ không phải là liệt nữ, không phải là những bà chính thất đường đường chính chính giữ gìn gia phong, mà cũng không phải là người con gái nết na “công dung ngôn hạnh”, mà đó là những cô gái bình dân, tất nhiên rồi, không những thế còn rất vô ý vô tứ (Thiếu nữ ngủ ngày)nghèo mà ham hố “cố đấm ăn xôi” (Làm lẽ, Dỗ người đàn bà khóc chồng chết), xướng ca vô loài (Tranh Tố nữ), thậm chí chửa hoang, chẳng biết giữ gìn lễ nghĩa gì (Không chồng mà chửa). Có thể gọi đó là thế giới của những cô gái “trắc nết”. Những người con gái trắc nết lại trở thành nhân vật  chính  trong thơ Xuân Hương. Họ ùn ùn đứng dậy, đòi quyền lợi của mình. Thế nhưng “trắc nết” là nhìn từ cặp kính tiết hạnh phong kiến, còn nhìn từ góc nhìn nhân văn chủ nghĩa thì họ lại là những thân phận thấp hèn nhất, những nạn đáng thương nhất của chế độ nam quyền.
Cái tục cũng là cái ngoại vi, cái tầm thường không đáng để ý bị cấm cửa trong tòa lâu đài văn chương cao nhã phong kiến. Thế nhưng chính chúng lại xô cửa,  ào ạt chen vai thích cánh ùa vào thơ Xuân Hương:Đèo Ba Dội, Đá ông chồng bà chồng, Động Hương Tích, Hang Cắc Cớ, Hang Thánh Hóa chùa Thầy…Dưới cái nhìn của Xuân Hương, dường như thế giới này chủ yếu là thế giới của cái tục. 
Rộng hơn nữa, cái thông tục trong ngôn ngữ cũng được đưa vào thơ: những từ ngữ bình dân, những tiếng tục, và cả tiếng chửi… và gây được hiệu quả nghệ thuật đặc biệt:
-       Này này chị bảo cho mà biết/ Chốn ấy hang hầm chớ mó tay (Trách Chiêu Hổ)
-       Ai về nhắn bảo phường lòi tói/ Muốn sống đem vôi quét trả đền (Mắng học trò dốt)                      
-       Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung (Làm lẽ)…
3.  THỦ PHÁP GIỄU NHẠI, TRÀO TIẾU
Nếu quan sát chi tiết thì thấy trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương có khá nhiều thể loại: bên cạnh Đường luật còn có Thất ngôn xen lục ngôn (Khóc Tổng Cóc, Đùa Chiêu Hổ…), trong hai thể đó lại có cả thơ vịnh người, thơ vịnh cảnh và thơ vịnh vật. Tại sao vậy? Có thể trả lời: ấy là thủ pháp giễu nhại. Người đọc muốn cảm được những bài ấy phải có một kiến thức từ chương học cổ điển  nhất định – nói như Kriteva – kiến thức “liên văn bản”.
-     Thơ thất ngôn xen lục ngôn với những thành tựu được đạt được trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông, Bạch Vân am quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã định hình một phong cách thể loại thiên về cái đẹp Giản, Mộc, Chuyết… Đó là thể thơ của người quân tử. Xuân Hương làm rỗng ý nghĩa mỹ học của nó để đưa vào đó  cái thông tục có tính chất đối lập. Ít ai nghĩ bài thơ dưới đây cũng là một bài thơ thất ngôn xen lục ngôn:
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Này này chị bảo cho mà biết,
Chốn ấy hang hầm chớ mó tay.
(Trách Chiêu Hổ)
-     Trong văn chương cổ điển thì thơ vịnh người thường thể hiện cái thần, cái chí, sự nghiệp của nhân vật; thơ vịnh cảnh thường thể hiện triết lý và mỹ học Thiền – Lão; thơ vịnh vật thường có tính chất khẩu khí – khẩu khí đế vương hay khẩu khí quân tử. Xuân Hương cũng làm thơ vịnh người (Thiếu nữ ngủ ngày, Không chồng mà chửa, Sư hổ mang...), nhưng lại thể hiện con người bản năng, con người của chữ Tình, hay con người với mặt trái của nó. Xuân Hương cũng làm thơ vịnh cảnh (Đèo Ba Dội, Đá Ông Chồng Bà Chồng, Động Hương Tích, Hang Cắc Cớ, Hang Thánh Hóa chùa Thầy...), nhưng vịnh cảnh để thể hiện tính “phồn thực” của thế giới. Xuân Hương cũng làm thơ vịnh vật (Quả mít, Trống thủng...), nhưng để thể hiện nhu cầu sống của cái bản năng. Rõ ràng ở đây đã diễn ra một trò chơi đối thoại với thi pháp của văn chương trung đại.
Trong những bài thơ vịnh cảnh, vịnh vật, có những bài dường như Xuân Hương có ý thức một cách rõ ràng về việc dùng thủ pháp giễu nhại.
Bài Đánh đu có nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra nó chỉ là phiên bản của bài thơ cùng tên trong Hồng Đức quốc âm thi tập,thậm chí có người còn căn cứ vào đó để phủ nhận tác quyền của Hồ Xuân Hương với bài thơ đó. Nhưng nếu nhìn nó bằng cái nhìn Hậu hiện đại thì ở đây Xuân Hương đã sử dụng thủ pháp giễu nhại, trào tiếu, theo kiểu liên văn bản.
Đây là bài thơ Cây đánh đu của Hồng Đức:
Bốn cột lang nha cắm để chồng,
Ả thì đánh cái ả còn ngong.
Tế hậu thổ khom khom cật,
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng.
 Tám bức quần hồng bay phới phới,
 Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Nhổ cọc đem về để lỗ không.(4)
Đây là bài thơ Đánh đu của Xuân Hương:
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông.
Trai du gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh hồng quần bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá,
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không.
Quan sát hai bài thơ người ta thấy: bài thơ trong tập Hồng Đức thể hiện một cảm quan cổ xưa, già cả: tìm cái đẹp trong những hình ảnh nghi lễ (tế hậu thổ, vái hoàng thiên). Còn bài thơ của Xuân Hương thì thể hiện một cảm quan mới mẻ, trẻ trung: tìm thấy cái đẹp trong dáng vẻ khỏe mạnh, đa tình của tuổi trẻ (trai du gối hạc, gái uốn lưng ong). Bài thơ trong tậpHồng Đức nghiêm túc, đúng là tả cảnh đánh đu thật, còn thơ Xuân Hương thì tinh quái, đâu phải chỉ mỗi nghĩa đánh đu. Bài thơ của Xuân Hương làm ra chính là để giễu nhại cái cao nhã mà khô khan của thơ Hồng Đức!
Bài Cái quạt của Hồ Xuân Hương cũng là sự giễu nhại bài Cái quạt (團扇Đoàn phiến) của Ban Tiếp Dư. Đây là bài thơ của nàng Ban:

新製齊紈素、
皎潔如霜雪 。
裁成合歡扇 
團團似明月
 出入君懷袖
動搖微風發
常恐秋節至
奪炎熱
棄捐篋笥中 
恩情中道絕(5)
Tân chế Tề hoàn tố,
Hạo khiết như sương tuyết.
Tài thành Hợp hoan phiến,
Đoàn đoàn tự minh nguyệt.
Xuất nhập quân hoài tụ,
Động dao vi phong phát.
Thường khủng thu tiết chí,
Lương tiêu đoạt viêm nhiệt.
Khí quyên giáp tư trung,
Ân tình trung đạo tuyệt.
Dịch:
 Mới chế lụa Tề trắng,
Trong sạch như sương tuyết.
Đem làm quạt Hợp hoan,
Tròn trịa giống mặt nguyệt.
Ra vào trong tay vua,
Lay động sinh gió mát.
Thường sợ tiết thu đến,
Gió mát cướp nồng nhiệt.
Ném cất vào xó rương,
Nửa đường ân ái tuyệt.
Vân Bình dịch(6)
Ban Tiếp Dư là cung nhân vua Hán Thành Đế. Nhà vua sợ Triệu Phi Yến ghen nên đã cho nàng đến hầu Thái hậu. Bị nhà vua lạnh nhạt, nàng Ban buồn khổ làm bài thơ này, chép trên cái quạt để trách nhà vua.
Nói theo ngôn ngữ nữ quyền luận thì bài thơ Cái quạt của Ban Tiếp Dư mang đậm màu sắc giới tính, thể hiện một cách nghĩ bất bình đẳng nghiêm trọng: người phụ nữ là vật sở hữu của người đàn ông, sống phụ thuộc vào thái độ của người đàn ông, vì thế lúc nào cũng nơm nớp sợ bị bỏ rơi, bạc đãi.
Xuân Hương cũng làm bài thơ Cái quạt. Bằng cái nhìn liên văn bản, người ta thấy dường như Xuân Hương đang đối thoại với Tiếp Dư:
Mười bảy hay là mười tám đây,
Cho ta yêu dấu chẳng rời tay.
Mỏng dày chừng ấy chành ba cạnh,
Rộng hẹp dường nào cắm một cây.
Càng nóng bao nhiêu thời càng mát,
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày.
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy,
Chúa dấu vua yêu một cái này.
Bài thơ vẫn đậm hơi thở của giới, nhưng không còn tình trạng bất bình đẳng như bài thơ của nàng Ban. Người nữ được biểu trưng bằng cái giống của họ, một cái giống tự tin về tuổi trẻ, về hấp lực giới tính của mình, một cái giống có tư thế chủ động và có một tầm cao ngang bằng, thậm chí còn hơn hẳn đối phương (Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử sa mưa – Cái quạt 1). Hai bài thơ được viết ra như một cuộc đối thoại liên văn bản, mà bài sau làm ra như một sự giễu nhại về cái yếu ớt và cũ kỹ của bài thơ trước.
4.     HỒ XUÂN HƯƠNG VÀ HẬU HIỆN ĐẠI – TẠI SAO?
Như trên đã thấy, với cách nhìn đời sống, với những thủ pháp, cách thức thể hiện, Hồ Xuân Hương đã sáng tác như một nhà thơ Hậu hiện đại. Nói như thế, tất nhiên là thơ Hồ Xuân Hương không có liên quan gì đến chủ nghĩa Hậu hiện đại của những R.Barthes, J.Derrida, M.Foucault, J.Baudrillard, F.Lyotard… sống sau nàng hơn hàng thế kỷ. Sự hiện diện những yếu tố giống với văn chương hậu hiện đại trong thơ Xuân Hương chính là do có sự tương đồng về thời đại giữa thời của Hồ Xuân Hương và thời của triết học và văn chương Hậu hiện đại. 
Cả hai thời đều là thời đại khủng hoảng lớn lao và sâu sắc.
Đó là sự khủng hoảng của hệ thống cũ, một hệ thống tồn tại lâu dài, vững chắc, nó đã trở thành một cấu trúc bền vững tưởng không gì phá nổi, nhưng đồng thời nó cũng đang xơ cứng, cản trở cho sự phát triển. Đó là thời khủng hoảng của xã hội Nho giáo trọng lý, trọng đức, trọng nam từ thế kỷ XIX trở về trước, tương tự như thời khủng hoảng của nền văn minh cơ khí phương Tây với truyền thống trọng tư duy lý tính, trọng khoa học, đề cao bản ngã cá nhân.
Hậu hiện đại thiên về sự phủ định, sự đập phá, yêu cầu thoát xác, chứ bản thân nó chưa phải là một học thuyết có tính chỉ đường để đến một thời đại mới.
Hậu hiện đại đưa cái ngoại vi, cái yếu thế bình đẳng với cái trung tâm. Thơ Xuân Hương cũng làm như thế với các yếu tố văn hóa truyền thống Việt.
Hậu hiện đại không phải chỉ có một “hậu hiện đại”, Hậu hiện đại có thể là một cảm quan, một thái độ, và như thế thì cũng có nhiều Hậu hiện đại hay nói như Umberto Eco thời nào cũng có Hậu hiện đại của nó:
“Thực ra, tôi tin rằng chủ nghĩa Hậu hiện đại không phải là một khuynh hướng cần định rõ niên đại mà đúng hơn, là một phạm trù tư tưởng – hoặc, hơn nữa, một Kunstwollen, một đường lối vận hành. Có thể nói, mỗi thời đại đều có chủ nghĩa Hậu hiện đại của riêng mình...”(7).
(Tham luận đọc tại hội thảo “Tiếp cận văn học châu Á từ lý thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng, tương thích, thách thức và cơ hội”([Pre]Modern Asian Literatures Read through Modern Western Theories: Applications, [In]Compatibilites, Challenges, and Opportunities) do Viện Văn học tổ chức ngày 14-15 tháng Ba, 2011 tại Viện KHXH VN (Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội), đăng tạp chí Nghiên cứu văn học số 6/ 2011)
  ___________________________
(1) Một số tài liệu tham khảo chính về Hậu hiện đại:
-     Nhiều tác giả: Văn học hậu hiện đại thế giới – những vấn đề lý thuyết. Nxb. Hội Nhà văn, H, 2003
-     Jean-Franҫois Lyotard: Hoàn cảnh Hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu, NXB. Tri thức, H, 2008
-     Lã Nguyên: Câu chuyện về một kiểu cắt nghĩa xã hội, theo website: vanhocquenha.com
(2) Thơ Hồ Xuân Hương (Nguyễn Lộc tuyển chọn và giới thiệu). Nxb.Văn học, H, 1982. Các trích dẫn thơ Hồ Xuân Hương dưới đây đều từ quyển sách này.
(3) Trong thơ Hồ Xuân Hương còn có mấy từ “quân tử” nữa: Quân tử có yêu thì đóng cọc (Quả mít), Trách người quân tử hẹn sai ra (Trách Chiêu Hổ), nhưng từ “quân tử” ở đây được dùng như đại từ ngôi thứ hai chứ không phải là danh từ chỉ loại người.
(4) Phan Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên biên soạn: Hồng Đức quốc âm thi tập, Nxb. Văn học, H, 1982, tr. 209
(5) Thẩm Đức Tiềm tuyển chú: Cổ thi nguyên, Thượng Hải ấn thư quán ấn hành, Hongkong, 1962, tr.49. Bài thơ này còn có tên Oán ca hành, Oán thi. Câu thứ hai có bản viết: “Tiên khiết như sương tuyết”.  
(6) Ôn Như Hầu: Cung oán ngâm khúc, Vân Bình Tôn Thất Lương dẫn giải và chú thích, Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1950, tr.25
(7) Dẫn theo Nhật Chiêu: Thiền và Hậu hiện đại, website Văn học và Ngôn ngữ:
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2031:thin-va-hu-hin-i-&catid=94:ly-lun-va-phe-binh-vn-hc&Itemid=135