Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Vẻ đẹp của trang nam nhi thời Trần trong bài thơ "Thuật hoài" của Phạm Ngũ Lão


Lý tưởng, khát vọng của Phạm Ngũ Lão trong bài thơ Thuật hoài

“Trai thời loạn”, thành ngữ dân gian ấy không biết có từ bao giờ. Có lẽ có khi từ lúc “dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”(Nguyễn Khoa Điềm). Đó là ý thức về đóng góp của mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc. Và thời Trần, thời đại anh hùng sản sinh ra những anh hùng. Thời đại đã hun đúc nên những nhân vật kì vĩ. Danh tướng Phạm Ngũ Lão là sản phẩm của hào khí Đông A. Ông vốn xuất thân từ tầng lớp bình dân. Tài năng cùng với lý tưởng yêu nước sáng ngời của ông đã tạo nên một con người Việt Nam ưu tú trong lịch sử: Phạm Ngũ Lão văn võ toàn tài: Tài võ ông đem hiến dâng cho sự nghiệp cứu nước. Tài văn ông dùng để làm thơ bày tỏ nỗi lòng của mình với bè bạn, với hậu thế và trước hết là tự nói với mình về ý thức trách nhiệm thiêng liêng, nghĩa vụ cao cả với Tổ quốc yêu quý. “Thuật hoài” chính là tiếng nói của một trái tim yêu nước thiết tha. Qua tiếng nói ấy, người đời được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trang nam nhi yêu nước thời Trần
Phạm Ngũ Lão đã chọn thể thơ tứ tuyệt Đường luật để bày tỏ khát vọng và hoài bão của mình. Đây là thể thơ rất hàm súc, rất ít lời mà có sức gợi lớn, ý tứ sâu xa, phù hợp với cách nói chắc nịch của một vị tướng vẫy vùng nơi trận mạc. Nhân vật trữ tình bày tỏ lòng mình qua hình tượng kỳ vĩ.
Câu khai của bài thơ tứ tuyệt đã mở ra hình ảnh một đấng nam nhi với tư thế hiên ngang, mang tầm vóc vũ trụ, hành động kỳ vĩ
Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Người tráng sĩ không múa giáo mà cầm ngang ngọn giáo. Hai từ múa giáo trong lời dịch thơ chưa thể hiện được hai từ hoành sóc của câu thơ nguyên tác. Múa giáo có gì đó pha chút phô trương, biểu diễn hoặc nếu không dễ làm ta liên tưởng đến một trình độ thuần thục của nghề cung kiếm trong thao tác thực hành. Và như vậy nó làm mất đi cái cường độ nội sinh, nội lục. Người bản lĩnh cao không bao giờ tỏ ra trong cái hình thức bên ngoài như thế. Ở đây người tráng sĩ cầm ngang ngọn giáo (hoành sóc). Trong câu thơ nguyên tác, tác giả dựng lên hình ảnh người tráng sĩ ở một tư thế tĩnh chứ không động. Tư thế ấy như dồn nén sức mạnh để để bùng nổ.Tầm nhìn của tráng sĩ bao quát cả giang sơn. “Giang sơn” là từ chỉ đất nước. Nó vừa diễn tả không gian mang sắc thái vũ trụ, vừa để diễn tả một ý niệm cụ thể là đất nước. Khi nói đến giang sơn thường có một sự liên tưởng đến bộ ba khái niệm”thiên, địa, nhân” (trời, đất, người), tức là thuyết tam tài, diễn tả ý niệm về tầm quan trọng của con người trong vũ trụ. Con người sánh ngang với trời đất, có trách nhiệm to lớn đối với thế giới. Vì vậy ở đây người tráng sĩ đã thể hiện tư thế và tầm nhìn của người chủ động canh giữ giang sơn quý báu của mình, sẵn sàng đón đánh quân cướp nước. Vậy, cái chí bình sinh thời loạn đã nâng cấp ngọn giáo thông thường lên tầm trách nhiệm với nước, với đời. Ngọn giáo ấy là non sông đã giao trách nhiệm ngàn cân mà người tráng sĩ không thể không làm tròn. Ngọn giáo cầm trong tay tráng sĩ như đo chiều rộng, chiều dài của Tổ quốc sẵn sàng bảo vệ, giữ gìn từng tất đất của quê hương, không thể cho quân giặc tàn phá, giày xéo. Khát vọng bảo vệ Tổ quốc dồn vào đôi cánh tay tráng sĩ đang chắc trong tay cầm ngang ngọn giáo, bất chấp cả thời gian trôi qua. Thực tế Phạm Ngũ Lão cầm quân giữ các cửa ải phía bắc từ cuối năm 1282 đến năm 1285 khi quân Mông- Nguyên kéo vào xâm lược nước ta. Thời gian ấy đúng là  đã mấy thu (kháp kỉ thu). Người tráng sĩ ấy đã dạn dày dày sương gió, đã từng đối mặt với kẻ thù, bất chấp mọi nguy hiểm gian nan. Dù thời gian khiến nhiều việc đổi thay, duy nhất có khát vọng gìn giữ giang sơn là không hề thay đổi trong tấm lòng của trang nam nhi đất Việt
Câu khai đã làm trọn chức năng mở ra và đã hé mở tấm lòng son sắt của Phạm Ngũ Lão đối với quê hương đất nước. Từ thế của nhân vật trữ tình hiện lên thật hiên ngang lẫm liệt nhưng giọng điệu câu thơ lại bình tĩnh, khiêm nhường, ẩn chứa một sức mạnh tiềm tàng. Một ý chí sắt đá không gì thay đổi. Đi cứu nước là niềm tự hào, kiêu hãnh, niềm hạnh phúc lớn lao của trang nam nhi thời Trần.
Tướng thì phải có quân, tướng nào quân nấy. Người tráng sĩ đang sát cánh cùng ba quân với khí thế ngất trời. Dường như chí lớn của Phạm Ngũ Lão như đã truyền tới ba quân một năng lượng tinh thần, nhạy và nhanh để để kết thành một khối. Còn hơn thế, như người giữ lửa, truyền lửa độ sáng và độ ấm không hề dừng lại mà cứ lớn dần lên. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, lòng yêu nước lại sôi nổi, cả dân tộc kết thành một khối sức mạnh
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Thủ pháp so sánh và phóng đại được tạo dựng trong câu thừa. Ngoài ra câu thơ còn tạo được một ấn tượng mạnh bởi sự kết hợp giữa hình ảnh khác quan và cảm nhận chủ quan, giữa hiện thực và lãng mạn. Tam quân ở đây mạnh như hổ báo thì sẽ đánh đâu thắng đấy, xứng đáng là nềm tin cậy của non sông. Đội quân anh hùng ấy cùng với cả nước sẽ đánh tan quân xâm lược nhà nghề hung hãn bậc nhất thế giới bấy giờ. Thực tế ba quân như hổ báo ấy đã ba lần xé xác, nuốt trôi đội quân trâu điên hung hãn. Sau này, một nhà thơ của sứ giả thiên triều Nguyên là Trần Phu viết phần nào ghi lại tâm trạng sợ hãi của quân xâm lược khi đến nước ta
Kim qua ảnh lí đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh
(Trong bóng lòe của binh khí long son cay đắng
Giữa tiếng rộn của trống đồng tóc bạc mọc ra)
Chính những con người với những phẩm chất anh hùng như Phạm Ngũ Lão đã làm nên hào khí Đông A chói lọi đó.
Thật sảng khoái tự hào biết mấy khi hai câu thơ gieo trồng trên một mảnh đất dường như không một lúc nào bình yên. Sinh vào thời Trần, ai cũng có cơ hội trở thành anh hùng. Đâu chỉ một lần Trần Quốc Tuấn đêm quên ngủ, ngày quên ăn chỉ với một nguyện vọng là được xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Đó là sáu chữ vàng được thêu trên lá cờ của người thiếu niên Trần Quốc Toản. Đó là việc khắc tay binh sĩ hai chữ Sát Thát… Cả một không gian trận mạc lở đất rung trời. Hào khí Đông A trong thơ Phạm Ngũ Lão hào hùng trong bối cảnh ấy. Nó bắt nhịp được bước đi của thời đại, của dân tộc trong những giờ phút lâm nguy.
Câu thừa nâng cao, phát triển ý câu khai, tiếp tục cảm hứng tỏ lòng của danh tướng Phạm Ngũ Lão.
Cái lý tưởng sống của Phạm Ngũ Lão còn được thể hiện ở hoài bão, ý thức của bậc nam nhi với việc lập công danh để đời. Đó là nỗi lòng với cái chí và tâm lớn lao cao cả của người anh hùng.
Trong một bài thơ tứ tuyệt Đường luật thì câu chuyển có vị trí then chốt, có khi làm chuyển cả ý thơ, chuyển cả dạng cảm xúc. Phạm Ngũ Lão đã dùng câu thơ quan trọng này để chuyển sang nói về hoài bão và lý tưởng của mình.
Nam nhi vị liễu công danh trái
Theo quan niệm Nho giáo phong kiến, làm trai trên đời phải có công danh sự nghiệp, cũng là để chứng tỏ cái chí của người quân tử, muốn được góp sức với đời góp công với nước. Có như vậy mới thỏa nguyện chí làm trai và làm vẻ vang cho cha mẹ, gia tộc. Theo sách Kinh lễ, nhà quý tộc khi sanh con trai thì lấy cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng bắn  bốn phát tên ra bốn phương, ngụ ý làm trai co chí khí tung hoành ngang dọc bốn phương trời đất. Lý tưởng của chí làm trai ấy trong thời gian khá dài đã phát huy tích cực. Bao trí thức Nho gia đất Việt, các thế hệ đã sống say mê mãnh liệt với lý tưởng ấy và lưu danh muôn đời với sự nghiệp lớn lao cho đất nước, cho xã hội. Đó là một Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, đặc biệt là Nguyễn Công Trứ
   Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Điều đáng nói ở đây là Phạm Ngũ Lão đã gắn chí nam nhi với lý tưởng yêu nước thiêng liêng, với sự nghiệp cứu nước gian khổ mà cực kì vẻ vang. Đặt trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, chí làm trai của Phạm Ngũ Lão trong bài thơ có tác dụng to lớn đôi với con người và xã hội, nó cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, sẵn sàng hi sinh, chiến đấu cho sự nghiệp cứu nước.
Câu chuyển vang lên lên như một tuyên ngôn về cách sống anh hùng: Ai muốn sáng thì phải cháy lên!
Nhưng tướng quân Phạm Ngũ Lão, khát vọng hiến dâng còn mãnh liệt vô cùng, hầu như không có giới hạn. Cái tốt đẹp không bao giờ có điểm tận cùng. Phạm Ngũ Lão đã thể hiện khát vọng ước mơ, hoài bão mãnh liệt trong lòng ở câu hợp.
Tu thính dân gian thuyết Vũ hầu
Xuất hiện trong lòng vị danh tướng một nỗi thẹn. Suốt cuộc đời, Phạm Ngũ Lão không làm điều gì để phải thẹn với dân, với nước, với chính mình, Nói thẹn là là cách nói khiêm nhường, một cách thể hiện khát vọng, hoài bão mãnh liệt trong lòng. Mẫu nam nhi lý tưởng theo Phạm Ngũ Lão là người có tài mưu lược, có nhiều công trạng như Vũ hầu Gia Cát Lượng. Nỗi thẹn ấy không làm cho con người nhỏ bé đi mà nó tôn cao nhân cách con người. Nỗi thẹn ấy đốt lên trong lòng người ngọn lửa của khát vọng vươn tới cái cao cả lớn lao. Ở một khía cạnh khác, cách nói đó lại là sự khẳng định đề cao đề cao ý thức trách nhiệm của Phạm Ngũ Lão với đất nước, với nhân dân. Câu thơ hợp đã để lại biết bao suy ngẫm cho người đọc.
Thuật hoài là lời tỏ lòng riêng của Phạm Ngũ Lão, là tiếng nói của một trái tim yêu nước mãnh liệt, thiết tha. Nhưng trong bài thơ không thấy có một đại từ nhân xưng nào. Chủ thể trữ tình ẩn dưới danh từ chung “nam nhi” nhắc đến “tam quân tì hổ” đông đảo, hùng hậu. Vì vậy, bài thơ bộc lộ khát vọng của tác giả, vừa bày tỏ trách nhiệm đối với Tổ quốc, tình cảm, ý chí, khí phách của quân dân đời Trần. Cái hay của bài thơ này còn ở độ súc tích cao theo hướng “quý hồ tinh bất quý hồ đa” trong nghệ thuật văn học trung đại. Hình thức kết cấu theo nguyên tắc “ tức cảnh sinh tình”, nó được triển khai tứ bằng cách đi từ hiện thực, chọn những hiện tượng có thực tiêu biểu để dẫn dắt đến chỗ bộc lộ nhũng cảm xúc nội tâm sâu kín để bày tỏ tấm lòng yêu nước của tác giả và con người. Đó là “hào khí Đông A”, là cảm hứng yêu nước trong thơ lúc bấy giờ.

                                             Người viết: Võ Văn Điệp

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

NHỮNG GIÁ TRỊ VỀ NỘI DUNG CỦA TẬP TRUYỆN HƯƠNG MÁU


 NHỮNG GIÁ TRỊ VỀ NỘI DUNG CỦA TẬP TRUYỆN  HƯƠNG MÁU

1.      Lý do chọn đề tài
Nguyễn Văn Xuân là một trong những cây bút của thời kì văn học thành thị miền Nam yêu nước giai đoạn1964-1975, những sáng tác của ông đã ngược dòng thời gian, tái hiện lại những giờ phút bi kịch cũng như những trang sử sáng chói của dân tộc .
Nếu như Sơn Nam khai thác vùng đất cực Nam của Tổ quốc quen thuộc trong Hương rừng Cà Mau thì Nguyễn Văn Xuân gắn bó chặt chẽ với vùng quê Quảng Nam thân thương của ông. Với sự hiểu biết sâu sắc về sử học, dân tộc học, xã hội học, ông đã làm sống lại những sự kiện vang dội mà đau xót cũng như khắc họa sự thành công của hình ảnh những con người ưu tú của Đất Quảng. Cái nhìn của tác giả cũng khá độc đáo, ông không viết về những chiến công, những này đắc ý mà chọn tình huống ngược lại: những giai đoạn gian nan, những ngày thất bại của những người anh hùng, nghĩa sĩ này. Điều này ta có thể thấy rõ qua tập truyện ngắn Hương máu.
2.      Vài nét về tác giả và tập truyện Hương máu
Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân sinh ngày 10.5.1921 tại làng Thanh Chiêm xã Điện Phương huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam và mất ngày 04.7.2007. Ông sinh ra tại một ngôi làng nổi tiếng với nghề đúc đồng, nơi đã từng là dinh trấn của xứ Quảng với nhiều di sản văn hóa nổi tiếng. Ông đã may mắn sớm được thụ hưởng những mạch nguồn giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống từ quê hương, vùng đất địa linh nhân kiệt.
Tập truyện ngắn Hương máu xuất bản năm 1969 là tập truyện viết về những cái chết anh hùng, hiên ngang bất khuất, đôi khi lạnh lùng của người Quảng Nam. Nguyễn Văn Xuân đã làm sống lại những sự kiện vang dội mà đau xót cũng như đã khắc họa thành công hình ảnh những con người ưu tú của đất Quảng như: Hoàng Diệu, Thái Phiên, Trần Cao Vân, các lãnh tụ Cần vương như Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến… Những cái chết lẫm liệt đó đã để lại trong lòng các thế hệ sự khâm phục, day dứt khôn nguôi.
Đi sâu tìm hiểu tập truyện Hương máu của nhà văn Nguyễn Văn Xuân để thấy được những đóng góp nổi bật của ông đối với nền văn học nước nhà. Tập truyện ngắn Hương máu ra đời trong những năm tháng đất nước ta, nhân dân ta đang chiến đấu chống lại sự tấn công ngày càng khốc liệt của chế độ Mỹ - Ngụy. Do đó, những vấn đề được tác giả đề cập đến trong từng truyện cũng không nằm ngoài dòng chảy của văn học yêu nước lúc bấy giờ. Đó là tiếng nói mang đậm màu sắc dân tộc và thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc.
Tập truyện ngắn Hương Máu của Nguyễn Văn Xuân bao gồm bảy truyện (Hương máu, Viên đội hầu, Thằng Thu, Về làng, Cái giỏ, Chiếc cáng điều, Rồi máu lên hương) đã để lại trong lòng người đọc biết bao cảm xúc và suy nghĩ. Tập truyện chưa hẳn là một tác phẩm văn chương kiệt tác nhưng đã thấm đẫm một tinh thần nhân văn sâu sắc và một tấm lòng rất đáng trân trọng của tác giả. Khi đi vào tìm hiểu tập truyện ta thấy được nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã có những đóng góp xuất sắc đối với nền văn học nước nhà.
2. Những giá trị về nội dung trong tập truyện Hương Máu
2.1. Con người hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước
Đến với tập truyện Hương máu, ta thấy mỗi nhân vật trong mỗi tác phẩm có những hành động khác nhau nhưng đều có một điểm chung là họ đấu tranh dũng cảm và hy sinh cho lợi ích chung của quê hương, đất nước. Những con người ấy họ có thể là những anh hùng hữu danh, những con người có thực đã một thời lừng danh trong lịch sử dân tộc, đồng thời họ cũng có thể là những người anh hùng do tác giả hư cấu lên. Nhưng tác giả không đơn thuần hư cấu theo trí tưởng tượng phóng đại mà đặt trên nền rộng là hình tượng nhân dân, bên cạnh đó là sự kết hợp giữa những nét có thật với những nét hư cấu.
 Trước hết, Nguyễn Văn Xuân đã tái hiện lại những hình tượng nhân vật anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và đặc biệt đa phần là tái hiện lại phong trào Cần Vương ở quê hương xứ Quảng. Tác giả đã xây dựng lại hình tượng những danh tướng như Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Hồ Học, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Hữu Diễn, Tổng đốc Hoàng Diệu… Họ đều là những bậc trung thần, nghĩa sĩ  của triều đại phong kiến cuối cùng Việt Nam. Những con người đó nhận thức được trách nhiệm của mình trước thời cuộc và tự nguyện chiến đấu đến cùng để hoàn thành trọng trách của mình.Nhưng ở đây, nhà văn không đề cập đến quá trình chiến đấu hay chiến công hào hùng của họ. Điều mà tác giả phản ánh ở đây chính là khí phách cũng như tấm lòng của những con người này. Đây chính là tinh thần chủ đạo, thấm sâu vào mỗi người dân đất Việt cũng như những bậc danh tướng, bậc anh hùng của người con xứ Quảng nói riêng.
Trong truyện ngắn Hương máu, Nguyễn Văn Xuân trước hết đã tái hiện được những năm tháng đấu tranh gian khổ của nghĩa quân Cần Vương “Công việc hết sức nặng nhọc mà đời sống quá thiếu thốn, thuốc men gần như chỉ trông vào thuốc Nam, tức là lá và vỏ cây y dược trong rừng. Bệnh sốt rét vật chúng tôi có thể run, có thể  nóng phừng phừng rồi mồ hôi toát ra như tắm bất cứ lúc nào. Chúng tôi có thể bò lê, bò càng trên những con đường nhỏ dẫn vào rừng vì cơn sốt bất thần. Mà muốn sốt lúc nào cũng dễ: chỉ cần ăn quá số lượng mỡ hay ra đứng dưới trời nắng một lúc là đủ sức cho con bệnh rần rần chạy trong mạch máu. Da dẻ chúng tôi xám xịt, xương xẩu phơi trần và áo quần thiếu thốn cả. Trời nóng không nói làm gì, chớ đến những ngày lạnh, mà là cái lạnh của núi rừng, cái lạnh từ xương sống lạnh ra, lại không có đồ đồ đắp, ngoài chiếc chiếu rách hở đầu hở đuôi thì chúng tôi không làm sao ngủ được”. Mặc dù vậy nhưng họ vẫn thể hiện được ý chí kiên cường bất khuất.
Ca ngợi ý chí bất khuất kiên cường của nghĩa quân, bên cạnh đó tác giả còn khắc họa khá đậm nét tính cách của mỗi nhân vật trong tác phẩm, đồng thời, tâm tư tình cảm của tác giả cũng được thể hiện khá rõ qua truyện ngắn này. Mở đầu truyện, chúng ta bắt gặp hình ảnh hai con người tưởng như ở hai cực đối lập nhau nhưng thực ra là bổ sung cho nhau. Mỗi nhân vật mỗi nét tính cách khác nhau nhưng đều chiếm được tình cảm của cấp dưới, đó là nhân vật Phan Bá Phiến – cánh tay mặt của ông Hường (tức Nguyễn Duy Hiệu). Tác giả miêu tả: “…Ông là người rất mực bình tĩnh, trầm lặng, khác hẳn tính tình ông Hường. Ông cũng chu đáo, giản dị, dễ thân mật với mọi người. Ông thương yêu chúng tôi một cách thành thật, luôn luôn lo lắng cho chúng tôi…”[7; 241]. Còn ông Hường thì khác hẳn: “…Ông cương nghị, trực tính can đảm, yêu vua yêu nước nhưng cũng quá bạo liệt. Những điểm dị biệt này  kết hợp nơi ông, tạo cho con người tuấn tú, mũi diều hâu ấy một vẻ mặt, nhất là đôi mắt luôn âm ỉ nhiệt thành khiến không ai nhìn thấy mà không bị xúc động, không bị lôi cuốn. Ông đã nói chém là chém, giết là giết, thương quân sĩ không ai bằng nhưng có thể phút trước vừa khen thương, phút sau đã truyền chặt đầu, lệnh chặt đầu của ông đã ban ra, ít khi có ai đủ can đảm xin thay đổi, ngoại trừ ông Phan” [7; 246]. Hai viên tướng lĩnh hai tính cách nhưng có chung một tấm lòng, đều thương yêu nghĩa binh, đều rất tài giỏi và đều sống vì một lý tưởng chung. Chính vì vậy, tuy ông Hường có lúc tàn bạo nhưng vẫn được mọi người kính trọng, tôn thờ. Nhân vật xưng “tôi” trong truyện là một trong những người như vậy: “Tôi vốn là người rất khâm phục ông, coi ông như một vị anh hùng trong cổ tích. Tôi chỉ nuôi mỗi ước vọng là được thấy ông, được gần ông, được ông sai bảo, xem đó như “báu vật” không dễ gì có trong một đời thanh niên” [7; 246]. Như vậy có thể thấy những con người được nói đến trong tác phẩm này là những con người thực, có những phẩm chất “người” nhất và hiện ra cũng thật sinh động.
Hai con người này càng được kính trọng thông qua việc miêu tả cái chết của họ. Hai con người với hai cái chết khác nhau, một người chết thầm lặng và một người chết “công khai”. Với Phan Bá Phiến, ông đã tự nguyện tìm đến cái chết để bảo vệ bí mật của nghĩa quân. Ông không coi đó là một bất hạnh của mình mà xem đó như là một hành động chứng tỏ lòng trung thành với “Hoàng thượng”, với lý tưởng: “Ông đưa chén thuốc độc lên môi, thong thả nuốt từng ngụm một.Uống xong, ông đặt chén, ung dung nâng cái hốt ngà lên, đầu cúi xuống cho được trang nghiêm…Ông cố trấn tĩnh để khỏi rùng mình, không vật vã tuy nhiên cái rung động trên các nếp áo cho thấy sự chiến đấu nội tâm ghê gớm của ông. Khi sức lực gần kiệt, cái đầu bị gục xuống như người ngủ mê mà ông vẫn cố ngửng lên rồi quỳ ngồi xuống trong khi hai tay vẫn nghêm chỉnh nâng cái hốt lên. Tất cả những con mắt mờ lệ đều cố gắng thu nhận những sự kháng cự cuối cùng đối với cái chết của con người gầy gò nhưng đầy nghị lực phi thường đó” [7, tr.263]. Một cái chết thể hiện sự hiên ngang khí phách cho dù có đau đớn tới tận xương tủy nhưng vẫn giữ được lòng tôi trung.
Nếu như cái chết của Phan Bá Phiến là để bảo vệ “bí mật quân sự” thì cái chết của Nguyễn Duy Hiệu lại là để công khai hoạt động của nghĩa quân, trực tiếp nói lên lòng yêu nước của mình trước toàn dân và trước quân thù, không trốn tránh, không bí mật như trước đây. Mặt khác, với tấm lòng hy sinh hết mình vì nghĩa binh, ông Hường đã nhận toàn bộ trách nhiệm về mình để mở đường sống cho những người cấp dưới của mình: “Ông cho rằng lấy tư cách làm quan phụ đạo của vua, bậc thầy cũ của vua không thể bỏ vua mà không dẫn dắt, lấy tư cách một vị phó bảng – tức là nhà nho ông không thể không đặt chữ trung lên trên và quyết phải sống chết với địa phương, ông phải bảo vệ và phải chết với địa phương đã được ủy nhiệm. Như thế là ông thừa lênh vua và bắt tất cả các kẻ khác phải theo ông. Kẻ nào không theo, ông xử tử và đốt hết nhà cửa để răn chúng, thị chúng. Tất cả mọi người đều khiếp sợ mà theo, dầu muốn không theo cũng không được. Sau khi trình bày những lí lẽ chắc nịch ấy, ông bằng lòng chịu chết vì tất cả trách nhiệm thuộc về ông và chỉ xin các quan đừng theo dõi và hành hạ trả thù những kẻ khác vì họ chỉ bị động và họ đã quá đau khổ rồi” [7, tr.275-276]. Tấm lòng quảng đại của người thủ lĩnh đó đã làm cho hình tượng nhân vật này càng được nể phục:
Hảo Bá đan tâm triểu liệt thánh
Trung thu minh nguyệt bạn ngô quy
(Về chầu liệt thánh lòng son đấy
Tháng tám trăng rằm sẵn dịp đưa)
Bên cạnh các nhân vật Phan Bá Phiến, Nguyễn Duy Hiệu tác giả còn xây dựng một nhân vật khác với khí phách hiên ngang, lẫm liệt đó là Hồ Học. Ông cũng là một tướng sĩ của Nghĩa Hội, cái khí phách vừa ngang tàng, vừa bất khuất càng được thể hiện rõ nét khi ông bị đưa ra tra tấn. “Một tù nhân tên là Hồ Học, một chiến tướng lừng danh dù bị bắt bị trói chặt cánh khuỷu, khi đối mặt với viên án sát, đối mặt vói những tên lính tra trấn kèm theo dụng cụ của họ nhưng người anh hùng vẫn ung dung, bình tĩnh”. Ta có thể thấy được cuộc đối thoại của họ:
“Viên án sát cho giải tù nhân đến trước mặt. Hắn đập một tay xuống bàn, vừa để thị uy, vừa cốt để tụ trấn tĩnh và hỏi lớn
-Tên kia! Khai tên họ mi nghe!
Người bại tướng đứng im.
    Viên án sát lại đập bàn lần nữa:
-Tau hỏi, mi không nghe à?
Hồ Học đang đứng mím chặt môi, bỗng phá ra cười, để lộ bộ răng vàng lởm chởm:
Nghe chớ sao không nghe, nhưng ta phải tức cười. Tên ta thì còn ai mà mà không biết. Ông cứ tự hỏi ông là đủ .
-Thằng kia, không được vô lễ.
-Ta vô lễ? Mi lộn rồi. Ta là tướng của Hoàng đế, có chiếu chỉ, có sắc vàng, theo chủ ta là quan phụ đạo Nguyễn Đại Nhân tiễu trừ giặc cướp nước. Bọn bay chỉ chỉ là lũ theo làm đầy tớ cho giặc , không bi ta chặt đầu là may, còn gọi ai là vô  [7, tr.268]. Lời nói đó như của người đang xử án chứ không phải của kẻ bị xử án. Chất kiêu hùng đó còn được ông thể hiện qua việc ông bị tra tấn, bị đòn roi, bị đánh đến: “máu chảy ròng ròng” mà còn cất nên tiếng nói: “Ta đâu đã chết! Ta đang đếm thử bao nhiêu hèo” [7, tr.269]. Con người ấy, khi lòng ái quốc bị xúc phạm, bị xem như là “dục vọng của kẻ phiến loạn” thì cũng bật lên sức phản kháng quyết liệt: “Hồ Học đang ngồi bỗng nhảy chồm dậy. Mặt ông ta phừng phừng, thịt dưới má, dưới cằm rung động. Ông ta chỉ vào mặt viên đại tá, mắng lớn:
- Mi nói sai! Thằng mũi lõ nói sai! Mi và quân lính của mi rặc là tụi cướp nước. Còn ta đây, đường đường là tướng của Hoàng đế, được vua sai dẹp giặc, làm sao trộm cắp mà sánh với chủ nhà?” [7, tr.271]. Lời nói không chưa đủ, ông còn dùng hành động mong rửa được mối nhục bị xúc phạm, mối căm thù trong lòng, cho dù chỉ là phản kháng của một bại tướng. Nhưng như thế cũng đủ thấy rằng, cái chết không hề làm nao lòng những con người vốn thủy chung kiên định và giàu lòng tự hào dân tộc.
Bên cạnh những bậc đại tướng thì tác giả còn xây dựng những con người xả thân vì đại nghĩa cho dù họ là những người lính bình thường. Đó là những nhân vật như “tôi”, như Hiểu, Thiều. Đó chỉ là những người trong hàng ngũ binh lính, nhưng tinh thần anh dũng cũng không kém các bậc thủ lĩnh của mình. Với nhân vật Thiều, anh sãn sàng dành phần việc cho mình dù biết đó là con đường chết. Anh chạy thoát được nhưng vì tài liệu của nghĩa quân còn bỏ lại nên đã quay về nơi mà “tiếng đạn nổ dòn, tiếng la thét, tiếng nhà cháy, tiếng cột đổ, đất sạn bay tứ tung” đang nổ ra dữ dội. Và số phận của anh cũng nằm chung với những người “tử sĩ vô danh”. Còn đối với nhân vật Hiểu, dù “yếu đuối, gầy ốm và hay đau yếu” nhưng không vì thế mà anh không có tinh thần chiến đấu. Bên trong lớp vỏ tưởng như mong manh ấy cũng là một tinh thần thép, một sức mạnh phi thường mà khi cần thiết thì sãn sàng bộc phát, đó là lần anh cõng ông Phan trên lưng chạy băng rừng thoát khỏi sự truy quyét của địch. Đó còn là lần anh thẳng tay cầm dao chém túi bụi vào một người đồng đội vì hắn đã dám phản bội lại nghĩa quân với tiếng hét căm phẫn: “Đồ phản quốc! Mi dám nói việc đó trước mặt tao à?” [7, tr.254].
Với truyện Viên đội hầu, Nguyễn Văn Xuân đã tái hiện lại cuộc chiến giữ thành Hà Nội của tổng đốc Hoàng Diệu cùng với các tướng lĩnh của mình. Trong truyện, ta bắt gặp nhân vật chủ tướng chính là Tổng đốc Hoàng Diệu và nhân vật dưới trướng chính là viên đội hầu cận Tổng đốc. Cả hai nhân vật xuất hiện ở đầu truyện với mối quan hệ bề trên với cấp dưới, giữa chủ và tớ nhưng đến cuối truyện mối quan hệ đó đã thay đổi. Viên đội hầu vẫn một mực trung thành, kiên quyết đi theo chủ của mình dù đã bị đuổi đến ba lần: “Bẩm quan lớn, con không thể để quan lớn đi một mình trong giờ phút lâm nguy này. Con đã theo hầu hạ quan lớn từ mười năm nay…” [7, tr.291]. Và cho dù có bị chủ rút gươm đe dọa cũng không làm Viên đội hầu dừng bước: “Lần này, viên đội hầu không đi theo chủ nữa. Nhưng y cũng không quay lại, y đứng đó. Y đứng nguyên vẹn đó. Y nhìn chủ khuất lần về phía võ miếu. Nước mắt y làm nhòe hết cảnh vật giữa cơn sốt của chiến tranh đang diễn ra vào giai đoạn khủng khiếp nhất” [7; tr.291-292].
Đến cuối tác phẩm, mối quan hệ giữa hai hình tượng nhân vật Tổng đốc Hoàng Diệu và Viên đội hầu dường như có sự thay đổi. Cái chết của Viên đội hầu không chỉ thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với chủ mà còn thể hiện tinh thần của một con người, một dân tộc mất nước. Ở đây Viên đội hầu và cả quan Tổng đốc đều đau đớn trước sự thất bại của nghĩa quân, đều một lòng trung quân ái quốc, bất phục trước kẻ thù. Cả hai đều tìm đến cái chết để bảo vệ danh dự và phẩm chất của mình.
Với cảm quan lịch sử tư tưởng đúng đắn, Nguyễn Văn Xuân không chỉ thấy anh hùng mà còn thấy quần chúng, thấy hình ảnh chói sáng không kém của những anh hùng vô danh.
Trong truyện Về làng, ông Tú Bình- một tướng lĩnh nghĩa quân – bị xử chém ở làng quê, cả làng thương xót quý trọng người anh hùng đã vì nước phải rơi đầu “người trong gia đình xúm nhau đặt bàn, thắp hương đèn chờ sẵn. Và tất cả già trẻ cùng quỳ xuống lại ông khi ông đi qua bất chấp pháp luật, khiến bọn người sai áp cũng đâm ra lúng túng. Không ai cầm được nước mắt khi ông vẫn phương phi, vẫn trầm tĩnh đi dần từng bước vào cái chết”.
Rõ ràng, một ông Tú Bính mất đi, nhưng tinh thần quật cường bất khuất của ông đã thấm sâu vào tâm khảm của biết bao người sống.
Cũng tinh thần ấy, nhưng rất sôi nổi hào hứng, trong truyện Cái giỏ ta thấy cả làng quê Vĩnh Điện đã hè nhau giết được thằng lính Tây, dù biết rằng nhà cửa có thể bị tan nát, xóm thôn có thể bị triệt hạ. Truyện không nói về những con người phi thường, họ không phải là những tướng lĩnh, không có hành động kì dị nhưng họ cũng có sức mạnh phi thường đó chính là sức mạnh tập thể. Truyện phản ánh ý thức đấu tranh của một bộ phận nhân dân còn mang tính tự phát. Tuy vậy, họ ý thức được việc mình làm và sẽ mang lại lợi ích gì. Họ không hiện lên như một kẻ giết người dã man mà là để tiêu diệt những thế lực xấu xa: “Hay quá! Chắc chặt đầu thằng Tây quá. Cho nó hết đi đốt nhà, hiếp dâm, đụng ai bắn nấy!”[7, tr.319]. Mục đích của họ không phải vì hám danh lợi: “Cần chi chức đội trưởng. Cứ chặt cho được cái đầu này đã. Đêm nào tôi cũng mơ chặt được đầu Tây. Có bữa, tôi mơ chặt được hai cái, được đi thẳng vào doanh trại và được ông Hường thâu nhận” [7, tr.318]. Được vào hàng ngũ nghĩa binh, chiến đấu cùng nghĩa quân đó là ước vọng của bao người.
Tất cả những điều đó cho thấy những người trong hàng ngũ kháng chiến, từ trên xuống dưới đều một lòng, đều mang tinh thần “vì nghĩa diệt thân”. Họ sãn sàng hi sinh thân mình vì đại nghiệp.
2.2. Con người gắn bó với quê hương, đất nước
Là người con của vùng đất Quảng Nam, Nguyễn Văn Xuân là một người gắn bó với cảnh vật và con người nơi chôn nhau cắt rốn ấy. Tình cảm ấy đã thấm sâu vào từng trang viết của ông, thông qua những hình tượng nhân vật luôn hướng về cội nguồn xứ sở của mình. Điều đó được khẳng định mạnh mẽ ở những con người sắp ra đi mãi mãi. Tổng đốc Hoàng Diệu (trong truyện Viên đội hầu), trước khi chết đã chuẩn bị sẵn bức thư nhờ người mang về quê để người thân biết và đến đưa ông về với vùng đất Quảng Nam thân yêu. Ông chuẩn bị chu đáo đến mức tưởng chừng như việc ra đi của ông như đã biết trước và rất thanh thản, tưởng như không phải là đi vào cõi chết mà là sự hồi hương: “Ta đến đây chịu tội với các tiên liệt trước khi ta phải chết. Khuya hôm nay, ta đã viết sẵn hai phong thư bỏ vào trong cái hộp bằng thiếc như cái này. Phong kia, ta đã sai người đưa về Quảng Nam cho gia đình ta. Phong này ta để trong túi áo, nơi ngực ta. Chừng năm ba tháng nữa thế nào cũng có người ở làng Xuân Đài ra, đến tại võ miếu đây để lo việc rước di hài ta. Còn tuyệt nhiên, không được cho ai biết cả. Chôn ta thì chờ lúc nửa khuya, không cần tẩm liệm, chỉ cần quấn một chiếc chiếu là đủ. Cần nhất là không được tiết lộ mộ phần ta. Đây là món tiền ta cho vợ chồng ông để lo hậu sự cho ta. Khi người nhà ta tới, ta cũng có biểu sẽ thưởng cho ông một món tiền nữa. Phải hết sức nhớ lời ta dạy. Thôi, chào vợ chồng ông ở lại” [7, tr.292-293].
Nếu như khát vọng đó của Tổng đốc chỉ được thực hiện một cách thầm lặng thì đến với nhân vật ông Tú Bình (trong truyện Về làng), điều đó được thể hiện rất công khai và có phần trang trọng. Ông Tú Bình vốn rất được dân làng yêu mến và kính trọng: “Vốn ông là tay có tài học lỗi lạc, ông cũng là người mà tất cả dân làng đều xem như bậc cha mẹ. Ông ăn tiên chỉ và một lời ông phán ra có giá trị một chân lý không cần bàn cãi. Con người đó có cái tình máu mủ với dân làng cho nên “lá rụng về cội cũng là một điều tốt” [7, tr.311]. Dân làng đón tiếp ông về với những lễ nghi trang trọng, bởi vì họ cũng hiểu được tâm nguyện của ông: “Hình như ý ông muốn thấy lại quê hương lần cuối cùng” [7, tr.310]. Mối tình thắm thiết giữa kẻ đi, người ở càng trở nên đáng quý khi không khí đón tiếp cũng là buổi tiễn đưa làm cho không khí đó càng trở lên long trọng: “Các bô lão vái ông rồi dâng một chiếc áo rộng xanh. Ông Tú cảm động cầm lấy, mặc vào mình đi trước, các bô lão theo sau, cùng tiến vào đình làng. Ở đó, đèn đã thắp sẵn, khói hương ngào ngạt. Ông lẩm nhẩm khấn vái. Trong cái trang nghiêm của lễ nghi pha thêm cái u ám của tử khí, người xem kính cẩn một cách rờn rợn” [7, tr.312]. Chẳng những thế, con người trở về đây không phải với tâm thế của người phàm mà trở thành một vị thánh sống, hương hồn của quê hương, sông núi: “Người trong các gia đình xúm nhau đặt bàn, thắp hương đèn chờ sẵn. Và tất cả già trẻ cùng quỳ xuống lạy ông khi ông đi qua, bất chấp luật pháp nào, khiến bọn người sai áp cũng đâm ra chẳng biết họ đang hộ tống vị thần nào. Không ai cầm được nước mắt khi thấy ông vẫn phương phi, vẫn trầm tĩnh đi dần từng bước vào cõi chết” [7, tr.313]. Thái độ của mọi người với ông Tú thì như thế, còn ông Tú thì đáp lại tình cảm ấy cũng không kém phần thiết tha: “Tôi vì việc nước mà xả thân thì chẳng có gì đáng ân hận. Tôi chỉ đau đớn là không thể làm hơn được. Tôi cám ơn các cụ đã lo cho chút thân tàn này không đến nỗi bơ vơ. Bây giờ, tôi xin vĩnh quyết các cụ. Xin các cụ ở lại thay tôi mà chăn dắt con em để cho làng ta được mãi tiếng thuần lương. Tôi gởi lời cầu chúc cả dân làng” [7, tr.314]. Như vậy, người ra đi luôn nhớ về quê hương xứ sở và những con người giàu tình nghĩa. Nó xứng đáng là nơi yên nghỉ mãi mãi cho những hương hồn đã ra đi vì những lợi ích chung của đồng bào dân tộc.
2.3. Thể hiện nỗi đau trước những mất mát, hy sinh
Có thể nói tập truyện Hương Máu nói nhiều đến cái chết. Kết thúc mỗi truyện là cái chết của một người hay nhiều người. Có cái chết được miêu tả rất chi tiết, có cái chết chỉ được nhắc qua. Có cái chết là do hình phạt, có cái chết là sự tự nguyện. Ở đây ta thấy sự tiếc thương của tác giả không được thể hiện trực tiếp trong tác phẩm mà nó được thể hiện thông qua việc miêu tả sự đau xót của những người trong truyện. Chẳng hạn, trong truyện Viên đội hầu, khi chứng kiến hai cái chết của một đôi chủ - tớ, ông thủ từ không khỏi bàng hoàng, thương tiếc. Hay ở truyện Cái giỏ, cái chết của Bốn gây bất ngờ và đau xót khôn nguôi trong lòng người con gái (không phải là vợ của Bốn): “Chị Mững không nói, chỉ thút thít khóc và nhìn vào cây hương lấp loáng sau một bụi cây nhỏ. Tự nhiên ai cũng nhìn vào, một cái bát, một cái đĩa trắng phau mà họ đoán là cơm và trứng gà rồi không ai hỏi gì nữa” [7, tr.335]. Họ không khóc, không kêu than không có nghĩa là họ hờ hững với cái chết của Bốn, tình cảm của họ được bộc lộ qua hành động hơn là lời nói. Trong số đó, chị Mững bộc lộ niềm đau xót rất trực tiếp: “Tiếng khóc của chị Mững lớn hơn và có âm vọng ma quái” [7, tr.336]. Đó là cách thể hiện tình cảm của một người phụ nữ đã thầm thương trộm nhớ Bốn. Nỗi đau thương tuy không được miêu tả chi tiết nhưng cũng có thể thấy được nó nặng trĩu và ngày càng tăng dần theo tiếng vang của tiếng khóc.
Trong Chiếc cáng điều, cái chết của ông Tán “gây sốc” cho ông Học: “Ông không kịp buông rèm, thốt lên tiếng kêu thất thanh và ngã gục vào trong vòng tay run rẩy của chàng nho sinh, con trai ông đã đứng trực sẵn phía sau từ lúc nào” [7, tr.345]. Ông Học vốn rất ngưỡng mộ ông Tán, khi biết ông Tán đi về gặp ông Hường như là đi vào con đường chết, ông rất lo lắng. Nhưng khi thấy chiếc cáng điều của ông Tán trở về thì ông Học mừng rỡ vô cùng, ngỡ như ông Tán được bình an. Nhưng hóa ra ông Tán chỉ còn là một cái xác không hồn. Nỗi thất kinh của ông là nỗi thất vọng, đau xót cho một hiền tài, can trung.
Có thể nói nỗi đau ấy được khắc họa rõ nét nhất trong truyện Rồi máu lên hương. Người xem như được chứng kiến “một thiên tình sử bi thảm”, chứ không phải là “một trang sử oanh liệt của đất nước”. Mấy ai cầm lòng cho được khi chứng kiến cảnh tượng: “Một thiếu phụ mặc toàn tang chế. Nàng vẹt quân lính, líu ríu chạy trên đôi chân bé nhỏ, thẳng một mạch đến chỗ chiếc đầu lâu vừa rơi xuống trên đống cỏ. Nàng quỳ xuống, nâng nó lên trên đôi tay trắng bạch. Nàng áp cái đầu đầy máu me vào ngực mình, như không một vật nào cao quý linh thiêng, yêu dấu bằng, như thể nó chính từ bộ phận máu xương từ cơ thể nàng bị đứt ra. Nàng rú lên, thét lên thê thảm đễn nỗi cái bọn đầu trâu mặt ngựa đứng cạnh đó cũng phải tủi lòng…Trước khi người ta lôi được nàng đi, nàng đã xõa hết mớ tóc đen như mun để chùi, để thấm, để bết hết cái dòng máu ít ỏi đã từ cơ thể chồng nàng đổ ra trên áng cỏ còn lóng lánh sương mai” [7, tr.357-358]. Đó là những gì nàng có thể làm để giữ được “di vật” cuối cùng của chồng mình. Niềm đau thương ấy khiến những người chứng kiến phải chạnh lòng: “Không, tôi không thể xem được nữa, tôi đến để dự kiến một trang sử oanh liệt của đất nước chớ không chờ để dự chứng kiến một thiên tình sử bi thảm đến thế” [7, tr.358]. Nàng xem đó như là một báu vật, nàng trân trọng hơn cả bản thân nàng. Nỗi đau ấy thấm dần vào người cha khi chứng kiến con gái mình từng ngày đang bước vào cái chết mà không thể làm gì được. Ông cảm thấy mình bất lực vì không  thể cứu được con. Nhưng ông cũng thừa biết thà con ông mất đi chứ nhất quyết không lìa xa “dòng máu kỷ vật” đã quyện vào mái tóc của nàng: “Bao giờ nhìn lên tóc con, trái tim ông cũng như thắt lại. Mùi hôi nồng nồng chính từ đó phát ra, cái mùi của chất máu bị bết trong tóc quyện lấy mồ hôi đã ba tháng trời mà con bệnh quyết giữ lấy khư khư, cùng ăn cùng ngủ chung với nó, luôn luôn hít thở nó như kẻ nghiện thèm sống với khói phù dung” [7, tr.361]. Đó là thứ duy nhất có thể khiến nàng sống và cũng chính vì nó nàng sẵn sàng chết để bảo vệ nó, nàng gắn bó với nó như máu xương của mình, thậm chí cả lúc sắp ra đi: “Thưa cha, con thật đắc tội với cha. Con chỉ còn biết lạy cha, xin cha tha thứ cho con. Còn việc con đối với anh Phiên con…Còn đầu tóc con, con xin cha…cứ để nguyên như thế. Máu của anh con…sống thì con giữ, chết…con mang theo…nàng mệt ngất đi, nhưng vẫn gắng gượng sờ mó được những sợi tóc đen dày cộm lên từng chỗ, những dấu vết sống đau thương thê thảm nhất của chồng nàng. Tóc trải một lượt trên bộ ngực hom hem, và nàng cứ lấy ngón tay mân mê nó, môi hé một nụ cười héo hắt. Nàng chết đi tay vẫn để trên đống tóc như thể sợ người ta sẽ nhẫn tâm đem nó đi để gội rửa cái chất máu lên hương, chất máu đã làm cho nàng gần gũi với chống nàng lúc sống và rồi đây cả khi vĩnh viễn rời bỏ cõi đời…” [7, tr.362]. Đó là lòng chung thủy, sắt son, quyết gắn bó với chồng đến hơi thở cuối cùng. Như vậy, xây dựng nỗi đau của nhân vật cũng chính là thể hiện nỗi đau của tác giả.
2.4. Thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng
Trong tập truyện Hương Máu, nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã nói nhiều đến cái chết. Nhưng cái chết ở đây không phải là bi quan mà nó gợi lên một âm hưởng bi tráng cho tác phẩm. Con người với tư cách bị án tử không hề nao núng, run sợ trước quân thù, trước cái chết, mà trái lại chính trên con đường đến cái chết càng khẳng định khí khái anh hùng của họ. Người tử tù hiện lên với tư thế của người chiến thắng: “….một nhà nho tuấn tú, phương phi, trắng trẻo. Nhà nho đó không nhìn một ai, không một chút chú ý đến mọi động tĩnh chung quanh của dân chúng vốn quen ồn ào giờ bỗng trở nên im lặng, kính cẩn và nhiều kẻ khóe mắt rưng rưng… Ông đang lo nghĩ những vần thơ tuyệt bút và muôn vạn con mắt đều trố nhìn vào ngọn bút lông đứng sựng và thoăn thoắt chạy trên tờ giấy. Điều này khiến người ta lầm tưởng mình đang thảo hịch giữa buổi tinh sương chứ không phải là thơ tuyệt mệnh trong khi đến pháp trường…” [7, tr.277]. Phong thái ung dung ấy tạo cho không khí truyện trở nên lạc quan: “Cái chết không còn có tính cách bị chặt đầu một cách thảm hại mà cốt đạt cho được bốn chữ “thung dung tựu nghĩa” để gây xúc động bất tuyệt trong lòng kẻ hậu sinh, cốt truyện tiếp một niềm tin tưởng không bao giờ dứt” [7, tr.277]. Ở đây cái chết như một lời khẳng định ý chí của mình, đồng thời cũng là một lời cự tuyệt dứt khoát với thái độ đi ngược lại với truyền thống yêu nước của dân tộc. Không có một hành động nào quyết liệt hơn là dùng cái chết, chỉ có cái chết mới có thể chứng tỏ và bảo vệ được sự trung thành với lý tưởng của mình. Đồng thời đó là cách lựa chọn cho những người “thà chết vinh còn hơn sống nhục”, không thể chịu được cảnh nước mất nhà tan, không thể chứng kiến cảnh thắng lợi của quân cướp nước. Thà hòa theo hồn thiêng sông núi hơn là sống chung với quân cướp nước bạo tàn. Đó là tinh thần trung nghĩa tiết liệt truyền thống của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.
Mỗi con người đều mang trong mình bầu nhiệt huyết trở thành người cống hiến cho lợi ích chung của dân tộc. Bầu nhiệt huyết ấy không nguội lạnh cho dù phải chết đi, thậm chí đến khi chết vẫn mang tinh thần chiến đấu không buông xuôi. Điều đó được thể hiện rõ qua hình ảnh nhân vật Bốn trong truyện Cái giỏ, anh chết đi nhưng tay vẫn không rời khỏi cái giỏ chứa đầu giặc: “Lủng lẳng nơi cánh tay mặt co gấp lại, chính là cái giỏ tre ở bên trên vẫn còn nguyên nải chuối lùn. Cánh tay co quắp, bắp thị đè lên, ép chặt cái quai xách tưởng như không bao giờ rời ra, không rời trong lúc sống, không rời cả khi chiến đấu với tử thần” [7, tr.336]. Và bầu nhiệt huyết ấy chính là mạch chảy ngầm của cả tập truyện.
Tác giả đã thành công trong việc tạo bầu không khí bi tráng cho tác phẩm, đồng thời tạo cách kết thúc có khả năng động viên cao có giá trị biểu tượng và biểu cảm rõ rệt. Sau cái chết này thì hình ảnh khác hiện ra với viễn cảnh khác lạc quan hơn. Hình ảnh cuối truyện Hương máu cho ta thấy rõ điều đó: “…hàng trăm kỵ sĩ ruổi rong khắp xóm làng tỉnh Quảng Nam mang theo những lá đại kỳ viết bằng chữ lớn, báo tin thủ lĩnh phiến loạn đã chết. Nhưng đột nhiên những kỵ sĩ áo màu kia biến mất nhường chỗ cho những người gầy gò, xanh xao. Họ chạy qua mặt tôi, lớn tiếng gọi tôi và vẫy tay. Tôi sửng sốt chạy lại thì thấy toàn những bộ mặt rất quen mà tôi đã gặp suốt ba năm trời ở núi rừng. Nhưng khi họ trưng thẳng lá cờ, tôi không thấy hung tin mà chỉ thấy một chữ “Tiệp” rất lớn. Rồi tôi lại thấy đoàn kỵ sĩ áo quần rực rỡ hiện ra và tất cả cùng đua nhau chạy về phía sương mù” [7, tr.278]. Chữ “Tiệp” ấy gợi cho ta nhớ đến câu thơ trong bài thơ Báo tiệp của Hồ Chí Minh: “Chính thị Liên khu báo tiệp thì” (Ấy tin thắng trận liên khu báo về - Huy Cận dịch) [2, tr.181]. Tuy nhiên, nếu như ở Báo tiệp, tin thắng trận là hiện thực thì “Tiệp” ở Hương máu mới chỉ xuất hiện trong giấc mơ. Điều đó mang ý nghĩa tượng trưng rõ rệt, thất bại chỉ là tạm thời, tương lai sẽ là chiến thắng. Ấy là niềm tin vào một tương lai tươi sáng, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc sẽ giành được thắng lợi.
Như vậy chúng ta thấy kết thúc mỗi tác phẩm đều là cái chết, nhưng đó chỉ là cái chết “vì nghĩa quên thân”. Chính những cái chết lẫm liệt của những người anh hùng chiến bại ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng, bất tử cùng dân tộc. Vì vậy, nó không gợi lên sự yếu đuối, dao động hay run sợ mà ngược lại, người đọc như có được sự động viên, thấy được sự hy sinh to lớn của ông cha ta.
Nhìn chung về mặt nội dung, tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân đã thể hiện được không khí của một thời chiến đấu anh dũng của những người anh hùng trong quá khứ của dân tộc. Đó là tiếng nói góp phần khẳng định tinh thần của dòng văn học yêu nước cách mạng của vùng đất thành thị miền Nam lúc bấy giờ.
       2.5.Lên án bọn xâm lược và tay sai
            Đối lập với  tinh thần bất khuất, kiên quyết chống ngoại xâm, đấu tranh cho độc lập dân tộc tác giả đã lên án bọn tay sai, bọn bán nước cầu vinh. Trong tuyện ngắn Hương máu ta thấy một tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp
 “ Người Pháp dùng Nguyễn Thân vừa là hổ tướng, vừa là mưu thần, vừa là chó săn đắc lực và nguy hiểm”. Cách kể của nhà văn đã thể hiện một sự châm biếm sâu sắc. đồng thời tác giả đã thể hiện rõ thái độ của mình đối với những kẻ làm tay sai.
“ Việc đầu tiên của Nguyễn Thân là dùng ngay những kẻ vốn có ít nhiều liên quan tới Nghĩa Hội đã rời bỏ hàng ngũ. Những người này có kinh nghiệm chiến đấu, có tính thích hoạt động mà lại tham địa vị. Ở quảng Nam y dùng tú tài Nguyễn… là một con chó săn khác cũng mê hát bộ và cũng nguy hiểm như y.  Hai tên phản quốc này đóng ở hai cứ điểm: Nguyễn Thân dẫn lính tập Quãng Ngãi ra đóng ở Tam Kì và Tú Nguyễn .. theo quân triều đình đóng ở Phủ Điện. … họ đổ rất nhiều tiền ra để thuê những tên do thám, mua chuộc bọn thân hào, bọn nhà giàu..”. Ở một truyện khác là Viên đội hầu, Nguyễn Văn Xuân cũng đã lên án bọn phản quốc. tên phản quốc ở đây là Tôn Thất Bá, hắn là án sát đông thời cũng là một tôn thất nhà Nguyễn “ tôn thất nhà Nguyễn mà lại rứa à?”(lời Hoàng Diệu trong truyện Viên đội hầu). Đặt trong hoàn cảnh của xã hội thành thị miền Nam lúc bấy giờ chúng ta có thể thấy tác giả đã phê phán, tố cáo bóng gió đối với chính  quyền Sài Gòn từ kẻ lãnh đạo nhà nước của chế độ cũ cho đến những tên tay sai, hoặc những tên bồi bút đắc lưc của đế quốc Mỹ như: Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Mai Thảo,,,
            Sau những lần đem quân đổ bộ trực tiếp vào miền Nam Việt Nam, đế quốc mỹ đã chịu nhiều những tổn thất lớn. Vì thế mà bọn chúng thực hiện một chính sách cai trị vô cùng  tàn bạo và thâm độc đó chính là chính sách “ người Việt trị người Việt” . Vì thế mà có thể nói rằng trong Hương máu, nhà văn đã lên án chính sach ấy bằng việc kể lại thực dân Pháp dùng Nguyễn Thân để đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân
Như vậy,tác giả đã nhất quán về tư tưởng, thái độ chính trị. Lòng căm ghét thế lực cướp nước và bán nước, khát vọng đấu tranh cho một đất nước hòa bình, dân chủ, thống nhất, là nền tảng tư tưởng tình cảm của các tác phẩm. nhà văn trực tiếp đề cập đến thực trạng xã hội miền Nam, hoặc thông qua cách nói bóng gió xa xôi, đã gợi cho người đọc những vấn đề nóng bỏng của dân tộc và thời đại.

3.      Kết luận
Sự hình thành và phát triển của văn học yêu nước thành thị miền Nam nói chung và đóng góp của Nguyên Văn Xuân nói riêng đã mang lại những ý nghĩa lớn. Đó là sự tiếp nối truyền thống, khẳng định tư tưởng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc luôn là nguồn mạch chính của văn học Việt Nam. Truyền thống này phát khởi từ ngàn năm trước, vận động mạnh mẽ trong những lúc vận mệnh dân tộc như nghìn cân treo sợi tóc. Trong cuộc đối đầu lịch sử này với chủ nghĩa đế quốc Mỹ, văn học yêu nước lại có tiếng nói dõng dạc đường hoàng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn lao của cuộc chiến tranh nhân dân.
Thời gian qua đi, đến nay chúng ta có căn cứ để nhận xét : khuynh hướng văn học này không chỉ có giá trị phục vụ kịp thời mà không ít tác phẩm thực sự có giá trị lâu dài, chịu đựng được sự thử thách của thời gian. Giá trị của tác phẩm được cấu thành bởi tư tưởng yêu nước sâu sắc và chất lượng nghệ thuật khá cao của nó. Những tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân mà tiêu biểu là tập Hương máu sẽ góp phần làm giàu cho kho tàng văn học dân tộc.




TÀI LIỆU THAM KHẢO
…….˜.…….

1.      Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi,Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội 1999.
2.      Hồ Chí Minh, Nhật kí trong tù,Nxb Đồng Nai 2001.
3.      Trần Đình Sử,Giáo trình dẫn luận thi pháp học, in tại xí nghiệp in Chuyên dùng Thừa Thiên Huế, 2001.
4.      Trần Hữu Tá, Nhìn lại một chặng đường văn học, Nxb TP Hồ Chí Minh 2000.
5.      Trần Hữu Tá, Giáo trình văn học thành thị Miền Nam 1954 – 1975.
6. Hoàng Trung Thông (chủ biên), Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1979.
7.      Nguyễn Văn Xuân, Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb Đà Nẵng, 2002.



Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

ĐIỂM NHÌN VỀ CHIẾN TRANH TRONG NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH


ĐIỂM NHÌN VỀ CHIẾN TRANH TRONG NỖI BUỒN CHIẾN TRANH
CỦA BẢO NINH
1.        Lí do chọn đề tài
Chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 đã khép lại một trang sử hào hùng và cũng đầy đau thương của dân tộc. chiến tranh đã chấm dứt, cũng có nghĩa là mất mát, hi sinh đã chấm dứt, nhưng những tổn thương về tinh thần, ký ức về chiến tranh vẫn còn tồn tại dai dẳng trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Viết về hai cuộc kháng chiến của dân tộc là một cảm hứng lớn đồng thời cũng vừa là một trách nhiệm, một món nợ tinh thần đối với đồng đội, đồng chí đối với nhân dân của các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn đã trưởng thành trong những tháng năm lửa đạn đó. Viết làm sao, viết thế nào để xứng đáng với tầm vóc của cuộc kháng chiến, với những hi sinh, tổn thất lớn lao của hàng triệu chiến sĩ, đồng bào; viết làm sao để có thể phản ánh được chân thực và sâu sắc tâm hồn của con người Việt Nam thời chống Pháp, chống Mỹ, đó là những thử thách khắc nghiệt đối với các nhà văn. Đặc biệt là từ sau đổi mới (1986), đời sống văn học Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng trong nhận thức và tiếp nhận nghệ thuật. Việc phản ánh cuộc sống và con người trong văn học được suy ngẫm và phân tích một cách sâu sắc những đối cực giữa thiện và ác, cao cả và thấp hèn, chân thực, giả tạo… Từ góc độ khám phá hiện thực khác nhau, nhà văn đã cố gắng thể hiên số phận con người với những chiến công và chiến bại, những niềm vui lẫn day dứt đau thương, có khi rất riêng tư trong sâu thẳm của tâm hồn, có khi lại hòa đồng với những lo toan, trăn trở đi lên của dân tộc. Có thể xem tiểu thuyết  Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh một thành tựu đặc sắc của văn học thời kỳ đổi mới ở mảng đề tài viết về chiến tranh sau chiến tranh. 
            2. Vài nét về tác giả và tác phẩm
2.1. Tác giả
Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Ông vào bộ đội năm 1969. Thời chiến tranh, ông chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975, ông giải ngũ. Từ 1976-1981 học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984-1986 học khoá 2 Trường viết văn Nguyễn Du. Làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997.
2.2.           Tác phẩm
Năm 1991, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (in lần đầu năm 1987 tên là Thân phận của tình yêu) được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và đã được đón chào nồng nhiệt. Đó là câu chuyện một người lính tên Kiên, đan xen giữa hiện tại hậu chiến với hai luồng hồi ức về chiến tranh và về mối tình đầu với cô bạn học Phương. Khác với những tác phẩm trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, hùng tâm tráng chí của người lính chiến đấu vì vận mệnh đất nước, Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Nhà văn Nguyên Ngọc ca ngợi: "Về mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới".
Tuy nhiên, có lẽ vì viết quá thật, quá chân thành và quá nhiều cảm thông cho mọi mất mát trong chiến tranh, Nỗi buồn chiến tranh sau khi đạt giải thưởng Hội nhà văn năm 1991 đã bị cấm xuất bản một cách không chính thức tại Việt Nam trong một thời gian dài. Ngược lại, giá trị mà nó mang đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà, được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành một trong số ít ỏi các tiểu thuyết Việt Nam ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc thế giới. Trên một khía cạnh nhất định, Nỗi buồn chiến tranh cũng được xem là tiểu thuyết hay nhất của văn học Việt Nam thời kì hậu chiến.
Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh bởi Frank Palmos và Phan Thanh Hảo, xuất bản năm 1994 với nhan đề “The Sorrow of War”, được ca tụng rộng rãi, và một số nhà phê bình đánh giá là một trong những tiểu thuyết cảm động nhất viết về chiến tranh. Bản dịch này được photo bán rộng rãi cho du khách nước ngoài. Đây là một cuốn sách được đoc rộng rãi ở phương Tây, và là một cuốn sách nói về chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản ở đây. Một điều đáng khâm phục là Bảo Ninh đã trình bày quan điểm này mà không không hề lên án phía bên kia. Năm 2005, tác phẩm này được tái bản với nhan đề ban đầu là Thân phận tình yêu; năm 2006 tái bản với nhan đề đã trở thành nổi tiếng: Nỗi buồn chiến tranh
3. Điểm  nhìn về chiến tranh trong Nỗi buồn chiến tranh
3.1. Chiến tranh là phương tiện giết người một cáh dã man, tàn nhẫn nhất.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì điểm nhìn nghệ thuật là: “ Vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện ra cái nhìn nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu từ đổi thay điểm nhìn”. Có thể nói, đây có thể là tác phẩm của văn học Việt Nam khai thác chiến tranh dưới góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Nếu các tác phẩm ra đời trước Nỗi buồn chiến tranh được viết với góc độ của tập thể, cái riêng cũng đặt trong cái chung, hòa tan vào cái chung, ngùn ngụt ý chí cứu nước như Đất nước đứng lên, Người mẹ cầm súng... thì Bảo Ninh lại có cái nhìn sâu hơn về thân phận con người trải qua trận mạc, sự mất mát của các cá nhân trong thời chiến. Bảo Ninh thể hiện sự bi quan của cá nhân đối với cuộc chiến: Chiến tranh không chỉ có vinh quang, hay đấu tranh vì chính nghĩa - chiến tranh tóm gọn lại là sự chết chóc, sự hủy diệt. Và cho dù nhiều người trở về sau chiến tranh không hề bị thương tích song vết thương trong lòng họ lại vô cùng đau đớn và luôn rỉ máu. Họ, những con người đã đi qua chiến tranh, trở về với cuộc sống hòa bình nhưng dường như họ không còn là họ nữa. Chiến tranh đã lấy đi của họ sự bình yên trong tâm hồn…đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc. Đã đến lúc thế giới phải thức tỉnh trước nỗi đau mang tính phổ quát của những người lính ở mọi bên .  Bottom of Form
           
Chiến tranh đồng nhĩa với chết chóc, mất mát, đau thương. Chiến tranh đã cướp đi của con người tất cả: người thân, gia đình, tuổi trẻ,  tình yêu và cả nhân tính,..chiến tranh thật sự khốc liệt, nghiệt ngã và ê chề, những cảnh giết người một cách man rợ, có thể hèn, nhục… để được sống, tất cả điều đó được thể hiện trong Nỗi buồn chiến tranh. Và đến với Nỗi buồn chiến tranh đã nói hết, đã lột tả hết những điều tưởng chừng như không hề có, những điều mà văn học kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ (văn học cách mạng) không hề đề  cặp, hoặc nếu có cũng chút nào đó để nhường chỗ cho cái hào hùng,cái phơi phới trong tinh thần, trong tâm hồn của mỗi con người khi ta trận.
Chiến tranh là một đề tài không mới, nhưng cách nhìn, cách thể hiện của tác phẩm lại hòa toàn mới mẻ, thậm chí có thể gây “sốc” bơi tính chân thật của nó. Tác phẩm chân thật đến không ngờ. Người ta nói rẳng: “văn học trước hết và chủ yếu không phải là sự phản ánh cuộc sống mà là sự nhận thức, sự nghiền ngẫm về cuộc sống đó”. Nhưng để có thể nghiền ngẫm, trước hết tác giả phải trải nghiệm, khám phá, phát hiện thì mới có thể nhận thức từ đó mà phản ánh đúng đắn. “Một tác phẩm có giá trị phải là một tác phẩm vừa chân thực vừa phản ánh đúng đắn. Một tác phẩm có giá trị phải là một tác phẩm vừa chân thực vừa phản ánh đúng hiện thực, nhưng phải sáng tạo, bởi vì cái thật bao giờ cũng có sức quyến rũ” ( phát biểu của nhân vật Bảo Ninh).
Nỗi buồn chiến tranh đã đang chinh phục được người đọc là bởi giá trị của nó. Đó chính là giá trị hiện thực. Có thể  nói đây là tác phẩm cảm động nhất viết về chiến tranh. Tác phẩm đã pản ánh hiện thực của cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt. Nhận định chiến tranh dưới góc độ bi quan tàn nhẫn nhất : “Qua kinh nghiệm mười năm tàn sát, con người học được  những gì về lòng nhân ái ? Về tình người ? về nhân tính ? Những “xa xỉ phẩm” ấy hầu như đều vắng mặt trên thị trường xương máu”. Khi phải trực diện với cái chết, chỉ có một chân lí đáng giá và đáng kể : “miễn là không ngõm trong mùa khô”. Qua tác phẩm, Bảo Ninh đã tìm được một định nghĩa hoang mang và khốc liệt về chiến tranh: “ chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới sầu thảm, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”.
            Bối cảnh mở ra là một trận đánh mở màng vô cùng khốc liệt và bi thảm ở khu vực mà Kiên cùng đồng đội gọi đó là Truông Gọi Hồn (nơi những sườn dốc của dãy Trường Sơn ). Đó là một trong những nơi mà Kiên và những người đồng đội đã từng chiến đấu và đã nằm lại. Bức tranh hiện thực của cuộc chiến tranh hiện lên thật ngột ngạt và căng thẳng. Tác giả đã tái hiện một cách chân thực và sống động những trận càng quét dã man của kẻ thù “một trận đánh thật ghê rợn, độc ác, tàn bạo… mùa khô ấy, nắng to gió lớn, rừng bị ướt đẫm xăng đặc, cuồn cuộn lửa luyện ngục. Các đại đội đã tan tác, đang cố co cụm, lại bị đánh tan tác. Tất cả bị napan tróc khỏi công sự hóa cuồng, không lính, không quan gì nữa rùng rùng lao chạy trong lượt đạn dày đặc, chết dúi, ngã dịu trên biển lửa. Trên đầu trực thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy từng người một mà bắn. Máu xối xả, tung tóe ồng ộc, nhoen nhét, trên cái trảng cỏ hình thoi ở giữa truông, cái trảng mà nghe nói đến ngày nay vẫn chưa lại hồn để mộc lên nổi, thân thể dập vỡ, tanh banh, phùn phụt bì hơi nóng,..
-Thà chết không đầu hàng… Anh em, thà chết…!”
Tiểu đoàn trưởng gào to như điên tiết, mắt tái dại, đưa súng ngắn lên, và ngay trước mắt Kiên anh ta tự nộp vào đầu, phọt ra khỏi tai, Kiên liếu lưỡi, kêu ô ố trong họng. Bọn Mĩ xong tới, tiểu liên kẹp bên sườn. Đạn dày như đàn ong lửa. Kiên nấc to, buông súng ôm lấy một bên hong và quỵ ngã, thong thả lăn từng vòng, từng vòng xuống lòng suối cạn, máu nóng hổi rưới đẫm bờ dốc thoải”. Đó là một cảnh hiện lên qua kí ức đứt đoạn của Kiên. Những cái chết của Hòa, của An, của Oanh, Thịnh “con”…cứ ám ảnh Kiên một cách da diết.
Những cuộc chiến, những cái chết trong Nỗi buồn chiến tranh không phải miêu tả như những sự kiện, những chiến dịch , những trận đánh, mà nó hiện lên trong hồi ức của  người lính đã từng mười năm cầm súng, đã chứng kiến bao nhiêu cái chết và tự mình giết chết bao nhiêu mạng người. Bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, cuộc chiến đi qua rồi nhưng đẻ lại nỗi buồn vô tận, khôn nguôi.
Không những thế cái tàn bạo của một cuộc chiến hiện ra khi nó tước đi sinh mạng con người đúng nhưng kinh khủng hơn là việc nó không ngừng ám ảnh cả những kẻ sống sót, hoặc tưởng mình sống sót. Kiên là một ví dụ như thế. Khi chiến đấu, anh là một lính giỏi, có kỹ năng, có lòng can đảm. Anh chiến đấu với kẻ thù, với cái chết và trở về.. Nỗi buồn của Kiên còn về  một chuyện tình mãi mãi là sự day dứt trong thời bình. Kể cả khi chiến tranh đã qua đi thì nó vẫn để lại một vết sẹo xấu xí chẳng bao giờ có thể lành lặn lại được đối với một người như Kiên.
Một nhân vật khác, Vượng, anh lính lái xe giải ngũ cứ tưởng sẽ tiếp tục hành nghề lái xe để sống đời dân thường chẳng ngờ lại mắc chứng bệnh oái ăm. Vượng chịu được xóc nảy ổ gà, ổ voi khi lái xe trong chiến trường nhưng với những con đường “êm êm, nhũn nhũn” thời bình lại khiến anh nôn ọe, say xe...
Bằng giọng văn trôi chảy, đầy cảm xúc, day dứt và vô cùng cảm động ở những tình tiết nổi trội, Bảo Ninh đã không còn nhìn về cuộc chiến tranh Việt – Mỹ giới hạn trong góc nhìn của một người lính Bắc Việt nói riêng hay một người Việt Nam nói chung mà ông chọn cho mình một góc nhìn cơ bản nhất cũng là cao nhất: góc nhìn của một con người. Chính ông đã viết trong kiệt tác của mình :
“…Tên tuổi anh ta tôi không biết, chỉ biết anh ta là lính của liên đoàn 6 biệt động quân; Người Nam hay Bắc hay Trung cũng chả biết vì anh ta chỉ rên, rên thì dân xứ nào cũng một giọng như nhau. Và ta hay ngụy thì cũng rên như vậy…”. http://khoavanhoc-ussh.edu.vn/templates/rt_versatility4_j15/images/blank.gif
            Có thể nói Nỗi Buồn Chiến Tranh  còn là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh và chống chiến tranh vì  chiến tranh dưới những góc cạnh bi quan, tàn nhẫn nhất: qua kinh nghiệm mười năm tàn sát, con người học được những gì về lòng nhân ái? về tình người? về nhân tính?  Nhữngxa xỉ phẩm ấy, hầu hết đều đã vắng mặt trên thị trường xương máu. Khi phải trực diện với cái chết, chỉ có một chân lý đáng giá và đáng kể: "Miễn là không ngỏm trong mùa khô." . Bảo Ninh đã tìm được một định nghĩa hoang mang và khốc liệt về chiến tranh: "Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người."
            Còn hòa bình, hòa bình là gì? Dưới ngòi bút của Bảo Ninh, hòa bình cũng không vinh dự lắm:
 " - Hừ! Hòa bình! Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình, để chừa lại có chút xương. Mà những người được phân công nằm lại góc rừng le là những người đáng sống nhất."
            Nguyên Ngọc kể lại: "Bảo Ninh có lần tâm sự với tôi rằng anh viết vì câu hỏi: Vì sao anh lại còn sống sót đến hôm nay trong khi hàng trăm, hàng vạn bạn bè của anh cũng trẻ trung, cũng phơi phới, rất nhiều người còn đẹp đẽ hơn anh, tài năng hơn anh bội phần... lại đã mất đi? Câu hỏi dày vò anh đến trọn đời như một niềm ân hận vừa vô lý, vừa có thật không nguôi. Và câu hỏi thứ hai: Tại sao tất cả những điều ghê gớm ấy, bây giờ lại như thế này?"
            Tại sao tất cả những điều ghê gớm ấy chỉ đem lại một thực tại như thế này? Câu hỏi kinh hoàng về bản chất chiến tranh  và cuộc đời, khó giải đáp cho thế hệ Bảo Ninh và cả những thế hệ không có Bảo Ninh, không còn Bảo Ninh. Tiên tri của nhận thức, Phương đã có những hoài nghi rất sớm về bản chất cuộc đời: "Chiến tranh, hòa bình, vào đại học, đi bộ đội khác nhau lắm hay sao? Và thế nào là cuộc đời tốt, cuộc đời xấu? Tình nguyện đi vào bộ đội ở tuổi mười bảy thì cao thượng hơn vào đại học ở tuổi mười bảy hay sao?"
            Như bao nhiêu người khác, Kiên đã ra đi, đã tiêu tán cuộc đời cho chiến tranh, cho lý tưởng, để rồi trong một phút định thần ngoảnh lại, Kiên "đứng lặng ngắm toàn cảnh đời mình đang mất đi, đang trôi xa, đang vĩnh biệt chính mình." . Ðộc thoại trên đây nói lên một thực tại rớm máu: những nhỏ nhặt, tầm thường như ăn, ngủ, chơi, vui, buồn, đau, sầu, nhớ... của cuộc sống hàng ngày, một khi đã được những vinh hạnh to lớn như tổ quốc, lý tưởng... giẫm lên, dày xéo lâu lắt mà không thương tiếc thì không còn cách nào hồi sinh được nữa: con người đã tuyệt tự với cuộc đời. Chiến tranh đọa đày, chết chóc, thế giới hãi hùng hầu như là độc quyền của đàn ông: đàn ông gây nên chiến tranh và đàn ông hành động. Hành động nhưng không chủ động. Ðàn bà, xuất hiện không nhiều, nhưng nắm vai chủ động: họ là biểu tượng của tha nhân, của tình yêu và độ lượng. Từ Hạnh, người đã cho Kiên những rối loạn cảm giác đầu đời, đến Hòa, người giao liên đã hy sinh trên chiến trường để đồng đội được sống sót, rồi Hiền, người chiến binh tàn tật, đã sống vội vã với Kiên một đêm cuối cùng, dư âm muộn màng của những ngày giã từ cuộc chiến, đến người đàn bà câm, là hầm trú ẩn của Kiên trong những giây phút hoang mang,cô độc nhất của tâm hồn, thời hậu chiến.
            Và sau cùng và trên hết là Phương, người đàn bà hữu hình hay vô hình, đã vượt lên những chết chóc, tàn sát, đã tiếp máu, tiếp thở cho Kiên, đã lôi Kiên ra khỏi bàn tay thần chết và đã trói buộc Kiên mãi mãi với tình yêu. Những người phụ nữ đó không nắm vận mệnh một ai, họ là vận mệnh, họ là định mệnh. Kiên tin vào định mệnh. Cuộc đời Kiên và Phương, nếu không có đêm tiễn đưa trước khi Kiên lên đường, nếu Phương không dứt khoát, chủ động đưa Kiên một quãng thì có thể tất cả đã khác: Kiên đã không phải nhúng máu người quá sớm và những dã man của đời lính sau này cũng không thể hiện một cách lạnh lùng và nhẫn tâm đến thế. Từ đêm chia ly định mệnh ấy, Kiên mê lạc trong một lộ trình vạch sẵn, sáng suốt và khiếp đảm của chiến tranh: trong sự vắng mặt của nhân tính, chiến tranh có nghĩa là được phép giết người vì lý tưởng, giết người trong vinh quang, giết người để được vinh dự bảo vệ một cái gì cao cả.
            3.2. Bi kịch về thân phận con người  
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nó để lại biết bao nhiêu bi kịch cuộc đời. Mà trên hết là con người. Thân phận con người trong Nỗi buồn chiến tranh đã được nhìn, được thể hiện theo quan niệm mới. Con người và số phận của họ trong tiểu thuyết này bị chi phối bởi cuộc chiến tàn khốc. Đó là Kiên, Phương, là Can, là những cô gái, những người chiến sĩ đêm đêm tìm đến với nhau thầm lén. Ở họ luôn khao khát tự do, muốn được sống, được yêu và hạnh phúc.
Như chúng ta đã biết, văn học cách mạng trước hết là văn học dùng để cổ vũ, tuyên truyền để đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến của dân tộc. Vì vậy mà nhiệm vụ cơ bản của nhà văn là phải phản ánh chân thực, hùng hồn cuộc sống mới và con người mới, mà quan niệm phản ánh hiện thực theo phương châm này có hai diều đáng chú ý. Thứ nhất, hiện thực được giới hạn trong cuộc sống mới và và con người mới, nghĩa là không phải toàn bộ hiện thực mà đủ một mặt của nó. Nói cụ thể hơn, đó là cái phần cách mạng trong cuộc sống cũng như trong mỗi con người. Miêu tả cái phần ấy, lẽ dĩ nhiên là có ý cổ vũ, tuyên truyền. Thứ hai, trong phương châm phản ánh hiện thực này, cái được đưa lên hàng đầu là cuộc sống mới, sau đó mới đến con người mới. Chủ yếu hướng đến số phận của giai cấp và của dân tộc. Vấn đề con người và thân phận con người cá nhân không phải là trọng tâm và cấp bách. Nếu có chăng thì cũng là con người tập thể, con người giai cấp, con người như một bộ phận của cái chung. Nhưng ở đây tác giả của Nỗi buồn chiến tranh đã nhìn thấy, đã nhận thức toàn vẹn về con người. Nhà văn không theo lối mòn xưa cũ mà đã đi theo một hướng mới, khai thác triệt để những ngóc ngách trong tâm hồn con người, những trăn trở, những điều tốt đẹp và cũng xấu xa nhất ở con người thông qua Kiên và Phương và những người lính trong Nỗi buồn chiến tranh đặc biệt là Kiên.
Những năm tháng khốc liệt đã đi qua cuộc đời Kiên và Phương không chỉ tạo ra những bước ngoặt, những đổ vỡ trong đường đời của họ, mà còn gây nên những biến đổi trong thế giới tinh thần của cả hai. Kiên đã không còn nhìn cuộc sống, nhìn chiến tranh như những ngày lên đường nhập ngũ, trong anh thanh niên nhỏ bé thư sinh, mười bảy tuổi ấy tràn đầy niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai. Chia tay người yêu giữ gìn sự trong sáng cho người yêu ngày trở lại. Nhưng những năm tháng chiến tranh khốc liệt cướp dần sinh mạng những đồng đội của anh, mạng sống của Kiên cũng nhiều lần treo trên sợi tóc, chứng kiến đối mặt với nhiều sự thật phũ phàng do chiến tranh gây ra, Kiên dường như tuyệt vọng, như sống và chiến đấu vì bản năng nhiều hơn là vì lí tưởng. Ở trong anh cũng có lúc suy sụp tinh thần, cũng tìm quên bằng mọi cách, cũng sa đọa sống rồi để rồi mai có thể chết. Họ bài bạc thâu đêm, tìm quên thực tại bằng khói hồng ma.“ Thật hết sức đã. Chỉ sau vài hơi rất mạnh là đã lặng lẽ siêu lịm đi như như làn khói mong manh trước gió. Nhờ khói hồng ma mà người ta có thể tự chế ra các loại ảo giác tùy sở thích, có thể địn hướng được mộng mị và hòa trộn các giấc mơ vào nhau như thể pha cốc tai. Nhờ khói hồng ma mà quên mọi nông nỗi đời lính, quên đói khổ, chết chóc, quên bén ngày mai.Bản thân Kiên cứ

mỗi bận thưởng thức thứ bả độc này thì lại thêm được một lần nhập thân tràn ngập vào thế giới của những giấc mơ bí ẩn và tráng lệ mà lúc bình thường
tâm hồn chẳng thể với tới…Đồng đội của anh thì cũng mỗi người mỗi kiểu say sưa mơ màng trong khói hồng ma …”. Nhưng trong kiên cũng có những tâm trạng dằn xé đau xót, hổ thẹn, hối hận, ray rứt khi trở về với cô giao liên tên Hòa đã hi sinh thân mình để cứu anh và những thương binh. Kiên dằn vặt, đau đớn ân hận vì mình đã quá hèn.
Kiên trở về cuộc chiến tranh tàn khốc với tâm hồn méo mó đầy thương tật. Anh trở thành một nhà văn “ phường”, một anh “ khùng” như láng giềng vẫn gọi. Kiên mang trong lòng một cuộc chiến tranh cua riêng mình. Anh sống vói những hồi ức về những đồng đội kẻ còn sống, người đã chết, và những con ma hiện hình trong Truông Gọi Hồn ở Trường Sơn, về những cảnh chém giết đẫm máu, về lòng dũng cảm, sự hi sinh và sự đốn mạt của con người.
Ra khỏi cuộc chiến, Kiên trở thành “nhà văn cấp phường”, sống một thời hậu chiến đầy u buồn. Anh lao vào viết như một “Thiên mệnh” xa vời, tối tăm. Nhà văn của phường như người mộng du lang thang cả đêm khắp phố phường, đêm đêm viết hàng núi giấy. Những câu chữ xuất hiện trong “bóng đêm âm u” của tiềm thức, vô thức đã trở thành những hình tượng ảo giác trên trang bản thảo. Ngày kia anh đốt bản thảo tác phẩm của mình, bên người con gái câm,  một biểu tượng đẹp, một bản sao khác của Phương. Cô gái câm là người đọc có thể, người đọc tương lai tiểu thuyết của Kiên. Cô là người duy nhất chứng kiến một tiểu thuyết đang hình thành trong bóng đêm, trong cơn say, trong điên khùng và hoảng loạn, trong vô thức, tức là từ nỗi buồn tình yêu và nỗi buồn chiến tranh…
Một cái nhìn nhân đạo khácvề thân phận con người trong tác phẩm ở đây  là cái nhìn về nhân vật nữ. Trong tác phẩm đã có một số nhân vật nữ là những người phụ nữ đi qua cuộc đời Kiên. Trong tiểu thuyết, người phụ nữ là hiện thân của tình yêu - đối âm của chiến tranh. Tình yêu gắn liền với cái đẹp, với nhân tính là cái đối lập với bạo lực hủy diệt nhân tính. Nếu như chiến tranh đánh thức trong Kiên phần tàn tạo, biến anh thành một cỗ máy, "âm thầm và mệt mỏi" - nghĩa là vô cảm -  của sự giết chóc thì những người phụ nữ từ Hạnh cho đến Phương, đến người nữ y tá trong Điều trị 8 (một hóa thân của Phương) lại đánh thức trong anh tình yêu, một tình yêu mà cho đến tận cuối cuộc đời anh, vĩnh viễn không trọn vẹn. Những người phụ nữ hóa thân thành những tiếng gọi níu kéo Kiên không chỉ với cuộc sống và cả với cái thiện, nhân tính và tình người. Trong khoảnh khắc khi anh chuẩn bị thực hiện cuộc hành quyết những người lính đối phương, chính tiếng nói của Phương ("Anh sẽ giết nhiều người chứ ?" "Sẽ thành anh hùng chứ?") đã níu kéo anh ở lại ở phía bên này của cái thiện. Trong những khoảnh khắc tuyệt vọng của cuộc đời, người phụ nữ hiển hiện như nơi trú ẩn của cuộc đời anh (hiển hiện qua hình ảnh người thiếu phụ ở Đồi Mơ) và là ngọn nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong anh (Phương và người đàn bà câm). Có thể nói trong tiểu thuyết của Bảo Ninh, người phụ nữ là biểu tượng cho cái Đẹp và Nhân tính, những thứ có ý nghĩa với cuộc đời Kiên như một sự cứu rỗi trong một thế giới khủng khiếp của chiến tranh.
Trong ý nghĩa đó, hình tượng người phụ nữ trong Nỗi buồn chiến tranh có một sự đồng vọng với hệ thống hình tượng những người đồng đội đã chết của Kiên. Người phụ nữ không chỉ là ánh sáng cứu rỗi cuộc đời con người mà còn là nạn nhân của sự hủy diệt. Điều đó được biểu thị tập trung trong hình tượng Phương, người phụ nữ xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Đối với Kiên, Phương là người đánh thức tình yêu trong anh thời tuổi trẻ, là nguồn sức mạnh chập chờn trong quãng đời chiến trận của anh nhưng đồng thời, Phương cũng là một nạn nhân của chiến tranh, bị làm nhục ngay trong những giờ khắc khởi đầu của cuộc chiến và mối tình của họ mãi mãi là một mối tình đau khổ không thành với những vết thương không thể chữa lành trong cuộc sống thời bình. Cái chết của những người lính, sự tan vỡ của tình yêu và sự chà đạp nhân phẩm người phụ nữ là những mặt biểu hiện sức mạnh hủy diệt của chiến tranh, sức mạnh chà đạp lên đời sống con người  
Phương, một nhân vật rất đặc sắc tuy là nhân vật phụ nhưng lại có chỗ đứng chính trong truyện. Phương chinh phục con người bằng tình yêu và một mài sống bằng tình yêu. Phương là biểu tượng của tự do, thiết tha, duy cảm, sống hết mình như một con thiêu thân phung phí sức lực. Phương nghệ sĩ và đã tự giải thoát được mình ra khỏi mọi thành kiến, mọi lo âu ràng buộc, đã kệ là mặc kệ. Kiên hành động nhưng không mấy khi chủ động trong tình yêu (chủ động là Phương). Trong những giây phút khắt khe nhất của định mệnh, Phương sẵn sàng liều lĩnh đem sinh mệnh mình để đổi trao lấy một vài khắc giây cuồng điên hạnh phúc với người yêu. Vẫn kệ, vẫn mặc kệ đời, kệ, mặc kệ đạn bom và khói lửa. Nhưng thảm cảnh đêm chia ly cùng với những hẹp hòi u muội của Kiên sau đó đã gạt Phương ra khỏi quỹ đạo đời Kiên. Từ đấy, Phương đem tình yêu của mình chia chác cho những kẻ may mắn khác...tự huỷ diệt để được tái sinh.
Nhân vật Phương như một kiểu phản chiếu, thách thức đối với chiến tranh, với thời đại. Tình yêu của Kiên đối với Phương (về sau) có lẽ hàm ý tình yêu cuộc sống nhiều hơn là tình yêu nam nữ. Càng về sau khi Kiên nhận thức được càng nhiều (trong hành trình đi về quá khứ) thì tình yêu cuộc sống của Kiên càng lớn, dù cho cuộc sống đó có thể là chiến tranh, là những nỗi buồn, những khổ đau. Tiếng gọi cuối cùng giúp Kiên thoát khỏi cái chết trở về cuộc sốngnên là tiếng gọi từ khát vọng sống đang cháy ngấm ngầm trong Kiên. Hình ảnh Phương mang ý nghĩa tượng trưng hơn là một người con gái cụ thể. Vẻ đẹp hay ý nghĩa của câu chuyện không hẳn là ở Phương, không hẳn là những sự thật đau lòng của chiến tranh mà chính ở sự vật lộn, đấu tranh và trưởng thành của Kiên qua thời gian, qua mỗi lần nhìn lại quá khứ.  Mà không chỉ có nhân vật Phương, có thể thấy trong Nỗi buồn chiến tranh, cuộc chiến này cũng có khuôn mặt của phụ nữ, là một điều rất khác với các tiểu thuyết chiến tranh khác. Từ những cô gái giao liên bị biệt kích quân Việt Nam Cộng Hòa cưỡng hiếp và giết chết, người nữ thanh niên xung phong què cụt đi trên cùng chuyến tàu với Kiên, nữ cảnh sát chế độ Sài gòn- người giết chết đồng đội Kiên và bị Kiên giết. Đó cũng là nỗi đau thương của cuộc chiến tranh này khi những phụ nữ cũng phải tham dự trực tiếp và trở thành nạn nhân của nó.
Nhận thức về số phận con người gắn liền với hạnh phúc và đau khổ, dường như đó là tất cả những gì thực sự ý nghĩa trong cuộc đời con người. Văn học quan tâm đến hạnh phúc cũng như nỗi buồn của cá nhân con người là góp phần nâng cao giá trị của con người, bồi dưỡng nhân cách và hoàn thiện con người hơn.
Bảo Ninh viết về “nỗi buồn chiến tranh”, “nỗi buồn tình yêu”, về một thời đã qua không bao giờ trở lại. Đọc tác phẩm này chúng ta hiểu con người đau khổ, trăn trở, nhận thức như thế nào về quá khứ, về chiến tranh, về những gì được mất trong cuộc đời. Đó là một bước tiến trên con đường hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam - con đường đi tới diễn tả số phận tinh thần của con người, tăng thêm chiều sâu tư tưởng, nâng cao vai trò của chủ quan nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật.
Nỗi buồn chiến tranh đã làm cho bức chân dung về con người trong văn học những năm gần đây đầy đủ hơn bằng sự diễn tả quá trình tự ý thức của con người về lịch sử, về số phận bằng việc thêm vào đó nỗi đau tinh thần, khát khao đến vô vọng về hạnh phúc và sự day dứt, trăn trở không nguôi về quá khứ. Vả lại, bản chất của văn chương là nỗi đau đời, là sự nuối tiếc không nguôi về thời gian, về thân phận, về những gì không lặp lại.
            Trong ý nghĩa đó, cùng với cách viết văn tỉnh táo, giàu chất suy nghĩ, say đắm chất trữ tình, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh xứng đáng là “thành tựu rực rỡ nhất của văn học thời đổi mới” (Nguyên Ngọc), chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian.
             3.3. Bi kịch tình yêu trong Nỗi buồn chiến tranh
Trong Nỗi buồn chiến tranh  còn nói đến một vấn đề khác đó là bi kịch về tình yêu của con người trong thời chiến lẫn trong thời bình. Trong tác phẩm ta thấy những bấn loạn, rối ren đeo đẳng tâm hồn Kiên và cao hơn cả là kí ức về một tình yêu thánh thiện , đẹp đẽ, vừa cay đắng, nghiệt ngã- cái mối tình đầu say đắm và trong trắng đã vỡ tan ngay từ khi va vào cuộc chiến. Cái lần chia tay định mệnh ấy đã đẩy Kiên và Phương ra hai hướng ngày càng xa nhau: mang trong lòng nỗi đau mất mát nhưng hơn hết vẫn là tình yêu say đắm của anh giành cho Phương – cô bạn gái mà anh tôn kính, yêu mến và cố công giữ gìn hẹn ngày trở lại. Hình ảnh Phương luôn đeo đẳng trong tâm hồn Kiên suốt những năm tháng chiến tranh, có khi Kiên cảm giác Phương rất gần gũi bên anh, những khi anh bị trọng thương. Có lần nằm điều trị Kiên lại lờ mờ cảm nhận như có Phương bên cạnh mình, anh carnm thấy hạnh phúc “ Anh thều thào gọi tên nàng nhưng phương không đáp, chỉ mỉm cười và cuối sát xuống đặt môi trên trán anh nhờn nhợt mồ hôi. Không hề nghĩ gì cả, không băn khoăn tự hỏi, Kiên cảm nhận sự hiện diện của Phương như như một niềm hạnh phúc tất nhiên và bình thản với tiếng mưa rơi, tiếng rừng rên rĩ, tiếng đạn đại bác dội truyền trong lòng đất. Gầy yếu vỏ vàng, da bọc xương, nàng vuốt ve anh với đôi bàn tay đã  trở nên khô rám…”, cô y tá mà Kiên gọi là Phương ấy không biết có phải là Phương thật hay Liên, hay Liễu không thể xác định, nhưng một điều có thể chắc chắn là tình yêu của Kiên dành cho Phương thật sâu đậm và tha thiết. Tình yêu ấy theo anh đến sau này. Trở về, gặp lại Phương với bao thay đổi không ngờ anh vẫn cứ yêu, nhưng vẫn mâu thuẫn day dứt không nguôi, buồn “nỗi đau, còn hơn cả một nỗi đau,át cả rượu, ngấm vào lòng, mãnh liệt và choáng ngơp, sâu thẳm như thể mọi sự xuất thần như là một niềm cảm hứng”.
Tình yêu trong trắng nhưng nghiệt ngã giữa Kiên và Phương đã gợi cho anh bao kí ức đau xót về chiến tranh. Chiến tranh vẫn là một hiện thực quá phũ phàng đối với những người như Kiên và Phương. So với Kiên, sự biến dạng trong tâm hồn Phương còn Khủng khiếp hơn. Cô nữ sinh trường Chu Văn An hồn nhên, ngây thơ ngày ấy bây giờ dã trở thành người phụ nữ thả mình trong hoan lạc. Một con người ham sống, sống rất quyết liệt bây giờ chán nản tất cả không còn dám coi cái gì là thiêng liêng nữa. Một con người luôn sống hết lòng cho tình yêu nhưng giờ đây đãcó một cái gì đó đã rã rời, tan nát không phải chỉ trong bước đường đời của Phương mà còn trong tâm hồn Phương, trong thế giới tinh thần của nhân vật .
Mình thương và tiếc cho Phương. Dường như Kiên và Phương không thuộc về thời đại mà họ đang sống, bởi vì tư tưởng và tình yêu của họ vượt quá giới hạn của thời chiến ấy. Kết thúc là một bi kịch cho cả hai, một chuyện tình dang dở.
3.4.Cái nhìn mới về người lính  
Văn học Việt Nam là nền văn học của nhưng cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Cho nên đề tài xuyên suốt của văn học Việt Nam là đề tài về chiến tranh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hình ảnh người lính luôn là hình ảnh đẹp nhất, đáng ca ngợi nhất và lí tưởng nhất. Cái  nhìn về người lính giai đoạn này chủ yếu là cái nhìn lạc quan, ca ngợi và có phần nào lí tưởng hóa. Văn học viết về nguồi lính giai đoạn này không được pháp bi lụy, nếu có buồn thì phải bi hùng, bi tráng. Cảm hứng chủ yếu của văn học viết về chiến tranh giai đoạn này chủ yếu là cảm hứng sử thi, anh hùng ca. Cho nên hình ảnh người lính trong văn học thời kháng chiến chống pháp và chống Mĩ về cơ bản đã thể hiện được tinh thần của thời đại, có vai trò cổ vũ, động viên rất lớn cho các thế hệ nối tiếp nhau ra chiến trường. Nhưng mặt khác nó cũng có phần nào thiếu sự sinh động và có phần phiến diện. Hình ảnh người lính hiện lên phần nhiều là những con người lý tưởng, không có những biến động lớn về nội tâm. Tuy nhiên trong điều kiện chiến tranh, vấn đề quan trọng là vận mệnh của dân tộc và sinh mệnh của nhân dân chứ không phải là số phận của tưng cá nhân nên người nghệ sĩ phải biết hi sinh nghệ thuật vì lợi ích chung của dân tộc là việc nên làm. Khi cuộc chiến tranh đã qua đi, văn học bước vào một thời kì mới thì vấn đề giữa văn học và hiện thực, quan niệm về con người cần phải xem xét lại. Từ sau đại hội Đảng lần thứ VI (1986), văn học thực sự bước vào thời kì đổi mới. Văn nghệ sĩ thực sự  được cởi trói, họ được quyền “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực được nhìn cởi mở hơn, và đặc bệt có những thay đổi lớn trong quan niệm về con người. Văn học thời kì đổi mới miêu tả con người toàn diện hơn và đã đi sâu làm rõ những khía cạnh nội tâm con người. vấn đề về người lính cũng được nhìn lại với một điểm nhìn mới. Trong công cuộc đổi mới ấy nhiều nhà văn đã thể hiện sự nhạy bén của mình khi đã khám phá ra những vấn đề mới của cuộc sống và những quan niệm mới về con người. Nguyễn Minh Châu với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau; Lê Lựu với Thời xa vắng; Dương Hướng với Bến không chồng; Chu Lai với Ăn mày dĩ vãng.. đã thể hiện những sự đổi mới đó. Đặc biệt Bảo Ninh với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã thể hiện một cách rất mới về hình ảnh người lính. Hình ảnh người lính không còn được miêu tả bằn cảm hứng sử thi, anh hùng vói cái nhìn đơn giản như trước nữa. Hình ảnh người lính ở đây được tiếp cận ở phương diện tàn khốc của chiến tranh, ở những góc khuất của tâm hồn mà trước đây ta chưa hề đề nói tới hoặc không dám nói tới. Không chỉ nói nói về hình ảnh người lính trong chến tranh, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh còn đi sâu vào khai thác đời sống của những người lính thời hậu chiến với sự ám ảnh của một quá khứ đen tối luôn đeo đuổi họ. Cuộc đời của những nhân vật trong nỗi buồn chiến tranh, đặc biệt là Kiên là cuộc  đời đi giữa hai mặt sáng – tối, giữa những lạc quan và bi quan, không thể trở về sống với quá khứ, không thể hòa nhập được với cuộc sống hiên tại, họ như là những người đến từ một thế giới khác. Nỗi buồn chiến tranh chủ yếu xoay quanh cuộc đời Kiên. Kiên là một thanh niên Hà Nội giàu lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, nhưng lại sống nặng về khuôn phép. Mười bảy tuổi, Kiên tham gia bộ đội. Sau mười năm tham gia chiến tranh Kiên đã nhận biết được thế nào là sự khốc liệt của chiến tranh, Kiên đã chứng kiến được một số phận nhỏ nhoi của người lính trong trong cuộc chiến tranh. Đối với Kiên, chiến tranh như là trò đùa trên sinh mạng con người. Trong mười năm đó, Kiên đã nhận ra được thế nào là vô nghĩa của chiến tranh, thế nào là nỗi cô đơn. Có những lúc Kiên muốn được chết cho xong cuộc đời mình “anh chỉ muốn được yên thân, chết một cách yên thân, yên với thân phận con sâu cái kiến của chiến tranh”. Sau mười năm chiến tranh thì cuối cùng ngày hòa bình cũng đến, nhưng đối với Kiên nó không còn ý nghĩa nữa. Anh không thể anh nhàn hưởng trọn cuộc sống thời bình khi những quá khứ đau thương cứ cư luôn hiện lên trong kí ức anh. Hình ảnh người lính ở đây đã ddwwocj nhìn dưới góc nhìn phi truyền thống,họ không còn được nhìn voiiws vẻ hào hoa, lãng mạn, anh dũng mà được nhìn nhận như là những nạn nhân của chiến tranh với tất cả những cái khắc nghiệt: cái đói, cái rét, cái chết, và tất cả những thếu thốn: thiếu thốn về vật chất, về tinh thần,…Từ đó Bảo Ninh đưa ra định nghĩa mới về người lính: lính không có quyền lựa chọn số phận của mình; lính nghĩa là gặp đâu hay hay đấy ngẫu nhiên thất thường trôi nổi theo sự đưa đẩy của hoàn cảnh và không bao giờ dám đặt câu hỏi tại sao mình lại như thế này mà không như thế khác; lính nhiều khi đồng nghĩa với bất lực, vô vọng… Chưa bao giờ trong văn học Việt Nam hình ảnh người  lính lại được nhìn như thế. Họ không còn là những hình ảnh anh hùng, phi thường như trước mà hiện lên vói tất cả nhỏ bé, những khát vọng của cuộc sống đời thường .Họ vượt qua sự nhàm chán bằng những cuộc bài bạc thâu đêm suốt sáng họ vượt qua hiện thực đau thương của chiến tranh bằng khói hồng ma. Cừ thì mơ về ngày sum họp, đoàn tụ, còn Vĩnh thì chỉ rặt mơ thấy đàn bà, còn Tạo Voi thì lại mơ sự ăn uống. Mỗi người một giấc mơ để quên quên đi hiện thực u tối của đời mình, những giấc mơ thể hiện những nhu cầu, những đời sống bình thường nhất của con người. Nhưng đối với những con người trong những năm chiến tranh thì những cái bình thường đó lại trở nên quá xa vời đối với họ. Hiện thực tàn khốc của chiến tranh cũng đã làm cho lí tưởng của những người lính, lòng nhân ái của những người lính đứng trước những thử thách khủng khiếp. Trong tâm hồn của những người lính đều có những cuộc chiến tranh của riêng mình, nó vừa hào hùng vĩ đại, vừa u tối ảm đạm. Bảo Ninh không né tránh những vấn đề thuộc về vùng cấm của văn học những năm chiến tranh. Hiện thực chiến tranh nhiều khi đã làm suy sụp hoàn toàn tinh thần, lí tưởng của người lính. Họ không còn xem cuộc chiến tranh này là cao quý, Can sẵn sàng bất chấp tất cả để được một tuần ở ngoài Bắc. Đối với Can và ngay cả đối với Kiên cuộc chiến tranh này không có ý nghĩa gì hết. “ Thắng hay thua, kết thúc mau hay hay kết thúc chậm, với tôi chẳng có nghĩa lí gì nữa”. Cuộc đời của họ là là cuộc đời triền miên trong những trận đánh nhau mà không biết ngày nào kết thúc. Họ không còn xem hành động của mình là cao cả, là vinh quang nữa. Họ còn chiến đấu có lẽ có lẽ vì không còn con đường nào khác để đi hoặc là vì không thể nào rời bỏ khỏi với những trò gọi là chiến tranh ấy.
Nỗi buồn chiến tranh còn cho chúng ta một cái nhìn khác về người lính trong thời  bình. Tưởng như hòa bình sẽ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho những người lính từng tham gia chiến tranh. Nhưng không, với những người như Kiên hòa bình không có ý nghĩa gì hết. Cuộc chiến tranh của cả dân tộc đã kết thúc, nhưng đối với Kiên vẫn còn nguyên vẹn cuộc chiến tranh của riêng anh. Sau những năm tháng ác liệt của chiến tranh, đáng lẽ Kiên phải được hưởng một cuộc sống hòa bình trọn vẹn, nhưng khi hòa bình đến cũng là lúc Kiên đánh mất những gì cao đẹp nhất. Tuổi trẻ, tình yêu đã bị chiến tranh nghiền nát, ngay cả cuộc sống bình thường  như mọi người Kiên cũng không thể có, “ những thằng lính chiến đấu như ông ấy mà ông kiên, chả trở lại thành người bình thường được nữa đâu”. Kiên luôn ám ảnh về cuộc chiến đấu đã qua, lúc nào những cái chết của đồng đội, những cảnh rùng rợn của chiến tranh cũng hiện về trong anh : “ Biết bao kỉ niệm bi thảm, bao nhiêu là nỗi đau mà từ lâu là lòng đã nhủ lòng là phải cố gắng cho qua đi, rốt cuộc đều dễ dàng bị lay thức…”. Bảo Ninh đã cho thấy người lính sau chiến tranh không thể hòa nhập được với cuộc sông đời thường. Khi hòa bình, anh nhận ra tâm tưởng mình đã vĩnh viễn nằm lại trong quá khứ đã qua, thứ đang sống chỉ còn là thân xác mà thôi.
4.      Kết luận
Thông qua tác phẩm ta có thể hiểu hơn về thưc chất của chiến tranh. Tác giả không miêu tả từng diến biến, sự kiện của cuộc chiến mà qua hồi ức đứt đoạn của nhân vật ta có thể thấy được nỗi buồn về chiến tranh, về tình yêu một thời đã qua không bao giờ trở lại. Chúng ta có thể hiểu con người đau khổ, trăn trở, nhận thức như thế nào về quá khứ, về chiến tranh về tình yêu, về những gì được mất trong cuộc đời. Đó chính là bi kịch tinh thần, không chỉ riêng Kiên, riêng Phương mà là của những ai từng đối mặt với chiến tranh. Tất cả những điều này làm nên giá trị hiện thực cho tác phẩm. Cái mới của tác giả là qua Nỗi buồn chiến tranh đã thấy bức chân dung về con người trong văn học đầy đủ hơn.
Tuy nói về khía cạnh đau thương của chiến tranh nhưng tác phẩm không gợi lên cảm giác tuyệt vọng chán chường mà đằng sau những thảm cảnh của chiến tranh là tiếng nói phản kháng chiến tranh một cách mạnh mẽ. Đằng sau những đau thương mất mát của những con người là những giá trị nhân văn cao đẹp của con người. Đó là khát vọng hòa bình,  là sự hi sinh cao đẹp vì đồng đội, là những trắc ẩn của người lính về chiến tranh, về con người và về cuộc đời.


















   TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.                  Đỗ Đức Hiểu, Thi pháp học hiện đại, Nxb Hội nhà văn,  Hà Nội, 2000.
2.                  Lê Bá Hán, Trần Đình Sử , Từ điển thuật ngữ văn học,Nxb Giáo dục, 2007.
3.                  Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn,  Văn học Việt Nam sau 1975, Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy – NXB Giáo dục 2006.
4.                  Bảo Ninh,  Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Văn học, 2009.
5.                  Mai Hải Oanh – Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại giai đoạn 1986 – 2006, Nxb Hội nhà văn 2009.
6.                  Viện Văn học, Tuyển tập 40 năm tạp chí Văn học 1960 -1999,  Nxb TP Hồ Chí Minh 1999.
7.                  50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb đại học quốc gia Hà Nội,1999.



Top of Form
Bottom of Form
Top of Form