Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

CHUYỆN CHÓ TRONG VĂN CHƯƠNG

CHUYỆN CHÓ TRONG VĂN CHƯƠNG
Ngô Văn Ban
Thời nào cũng vậy, chẳng kể gì thời nay, bao giờ cũng có những việc, những người, ta thường chép miệng, hay la lối cho là CHÓ - chó là tiếng gọi một con vật bốn chân, có lông, loài có vú, phát ra tiếng “gâu gâu”, chuyện giữ nhà, đi săn, đi trận… Có nhiều người cho rằng CHÓ là giống vật không những sống theo bản năng, mà còn sống theo tình cảm, lý trí nữa. Vì thế, người ta thường gọi chúng là “Nghĩa Cẩu”, “Nghĩa Khuyển”,… Nhưng, dù gì, chó cũng là loài vật, nó cũng có những đặc tính rất… vật của nó. Nhưng nếu thế thì chẳng có chuyện gì để nói, đằng này, có nhiều người lại gán ghép nó - con chó đó – vào con người. Con người, khi mất hết tính người, vì lẽ gì đó, có lúc như con vật, thì sự gán ghép đó chẳng phải là không đúng.
Qua những ngôn từ, qua văn chương bình dân cũng như bác học, đâu đâu ta cũng thấy hình bóng chó. Lúc ẩn, lúc hiện, con vật bốn chân này cũng góp phần rất nhiều vào sự mỉa mai, trào phúng, châm chích của dân tộc Việt.
Chúng ta thử nghĩ xem người Việt đã nghĩ gì về CHÓ, về CẦY, về KHUYỂN, CẨU và thử xem họ đã đem con vật này ra làm biểu tượng như thế nào để diễn tả sự việc, con người trong xã hội, qua ca dao tục ngữ, dân ca, những bài thơ hữu danh, vô danh của đại đa số quần chúng trong các giai tầng xã hội xưa nay.
Đầu tiên, CHÓ hiểu như một loài vật, có con rất khôn, người ta nuôi thường dùng để giữ nhà, làm cảnh, đi săn, kéo xe trên tuyết, dẫn người mù, hát xiếc, thám sát trong các mặt trận.
Con CHÓ cũng được gọi CON CẦY. CẦY là loài chồn ở hang, nhưng có khi dùng tiếng gọi đó để gọi con chó. Khi nghe ai noi HẠ CỜ TÂY, ai cũng hiểu là HẠ CẦY TƠ tức hạ chó con, chó chưa già. Và từ “MỘC  TỒN” sang “ CÂY CÒN”, sang “CON CẦY” là cả một “ tiến trình” lý thú của ngôn ngữ Việt Nam.
Chữ Hán Việt, chó được gọi là KHUYỂN hay CẨU. KHUYỂN, có KHUYỂN MÃ, dịch ra Nôm là “CHÓ – NGỰA” là tiếng để chỉ bọn bầy tôi trung với vua. Hay với các bọn quyền thế khác.
Kẻ tôi tớ để sai bảo cùng được gán ghép cho hai chữ Khuyển Ưng, tức chó săn, chim săn. Những “bậc” này thật trung thành với chủ, hết lòng với chủ:
Đau lòng khuyển mã đền nghì bể sông
(Nhị độ mai)
Và những bậc  này toàn là kẻ đầu trâu mặt ngựa.
Khuyển ưng lại lựa một bầy côn quang
(Kiều)
Ngoài Khuyển, còn có Cẩu, cũng là chó
Người ta thường gọi kẻ trộm hay chui ngạch  như chó là Cẩu Đạo. Nhưng nghĩa bóng chữ này mỉa mai hơn: chỉ những kẻ cầu công danh một cách ti tiện nhất: chui lỗ sau. Khi những kẻ này đạt được mục đích rồi, họ luôn luô thi hành đúng câu: Cẩu mã chi trung. Và khi nắm quyền thế, những kẻ đó có lúc lạm dụng quyền hà hiếp người, chẳng khác nào thiếu lông chim cài trên mũ, lấy đuôi chó nối vào, như lời người xưa nói: “ Cẩu vĩ tục điêu”.
Tiếng chó kêu gọi là Sủa, hay cắn. Có lúc Tru lên, nghe rùng rợn. Chẳng ai thích chó sủa dai
Trách lòng con chó sủa dai,
Sủa nguyệt sơn đài, sủa bóng trăng thanh.
Sủa, tru” cũng được gán cho những kẻ nói không ra…nói, ngâm không ra… ngâm, nghe thật chói tai. Ngoài ra, chó còn biết ngáp, tha, gặm, liếm, xực,…
Chó có nhiều loại như người. Lúc Pháp, Nhật rồi Mỹ sang đây, ta thấy có Chó Tây, Chó Nhật, Chó Mỹ để phân biệt với Chó Ta. Và khi có hai loại Âu Á như vậy, chẳng khỏi có nạn Chó Lai. Chó cũng mang tên như người, có khi mang cả chức tước. Các ông “sĩ quan chó” đó chắc chắn là được trọng vọng. Tên loài chó, tùy loài mà đặt. Chó ngoại quốc hay chó lai, lẽ dĩ nhiên có tên ngoại quốc, hay nửa ngoại quốc nửa ta. Còn chó ta tùy theo sắc lông mà đặt tên thật nôm na: Vàng, Mực, Vá, Vện, Bạch…ngoại trừ có những con chó ta vọng ngoại thì không kể.
Tuy nhiên, dù có mang tên gì, chức tước gì, loài bốn chân đó cũng là…Chó. Vấn đề chính là chúng có khôn, có trung nghĩa không. Chó khôn, có khi vì bẩm sinh, có khi người ta tập cho nó:
Năng nỏ dạy chó leo thang
Chó khôn, chó có nghĩa, làm chủ chúng ai cũng thích. Nhưng khi nó Dại, ai ai cũng tránh. Nếu chó khôn, khi nó chết, chủ có thể lập mộ, tạc tượng để lưu lại hậu thế. Tuy nhiên, cũng có khi chủ chặt đầu liệng vào nồi nước sôi nhậu nhẹt. Chó Chết chỉ chó không còn sống nữa, nhưng cũng là tiếng chửi những người bậy bạ, không ra gì.
Nuôi chó giữ nhà người ta thường lựa chó khôn. Vì đã “chó khôn”thì “ chớ cắn càn”, và đôi khi đi lạc, nó cũng giúp ta tìm được lối về nhà:
Lạc đường nắm đuôi chó,
Lạc ngõ thì nắm đuôi trâu.
Nuôi chó như một cách sống, vì:
Chó gầy hổ mặt người nuôi
Nên đôi khi chó được nuôi sung sướng hơn người. Và khi chó được chủ tưng tiu, săn sóc kỹ thường lên mặt:
Chó ỷ thế nhà, gà ỷ thế vườn.
Khi chó được tưng tiu quá lố, điều đó, không khỏi bị chê cười:
Chó có váy lĩnh
Chó chê cứt nát
Và chó của ông ưa nói chữ, nói nghĩa,giống như chủ:
Chó ông Thánh cắn ra chữ
Chó giữ nhà, ai vào thì sủa. Có khi “chó sủa không cắn”, hay “ chó chưa cắn ã chìa răng ra”, nhưng khi chó khôn sủa thì:
Chó đâu chó sủa lỗ không
Chẳng thằng ăn trộm thì ông ăn mày.
Gặp “kẻ trộm”, chó cắn cũng chẳng sao, gặp “áo rách”, chúng cũng không từ. Nhưng khi gặp “áo lành” thì chúng chẳng dám, còn đợi… chủ dạy. Chó nhà giàu thường như vậy.
Cũng có khi: Chó dữ mất láng giềng. Và muốn đỡ mất tình nên nhớ:
Đánh chó phải kiêng chủ nhà
Hay:
Đánh chó phải ngó đàng sau
Tuy nhiên, chó dữ cũng có thời, đến khi già, hết lanh lẹ, yếu xìu, “mỏi gối chồn chân” thì cũng như con Chó Cùng này:
Chó cùng rứt giậu
Hay chuyện đuổi gà “ què”
Gà què bị chó đuổi
Đến việc ăn uống, chó cũng lộ vẻ bất lực:
Chó già giữ xương
Hay chỉ biết “cắn quanh” cho đến khi:
Chó chết hết cắn
Thế là chấm dứt đời…chó. Sau bao ngày làm thân cẩu mã, đến lúc già, chết đi, chó nhà ta được gì?
Đầu tiên, chó để “tên gọi” của mình lại cho người đời chửi nhau, hay để than trách thân phận cùng cực: Đồ chó, Đồ chó đẻ, Đò chó má, Khổ như chó, Chó còn sướng hơn v.v…
Tên gọi” đó, có lần lại được đặt tên cho một tác phẩm tiểu thuyết tiểu thuyết,tác phẩm “CẬU CHÓ” mà đã được báo chí đứng đắn báo động, đả kích vì tính chất khiêu dâm của nó, góp phần vào việc làm “hư” một dân tộc, nhất là làm hư giói trẻ mới lớn. Sở phối hợp Nghệ thuật, chẳng đặng đừng, hốt “CẬU” về chuồng, nhốt lại.
Thứ đến, vì “đặc tính” loài chó quá đặc biệt nên loài vật này cũng được gán ghép cho những con người ưa nịnh nọt, tâng bốc cấp trên, hay làm việc bậy bạ (ta gọi là Chó Săn), cho những kẻ ưa lạm quyền, ưa ăn hiếp, nhờ mai rủi mà gặp thời, sinh ra để khoác lác, có khi phản phúc, trở mặt.
Nào là:
Chó cắn áo rách
Chó đuổi gà què
Chó cắn trộm
Nào là:
Chó ngáp phải ruồi
Lên voi xuống chó, bị chó cắn thêm, v.v…
Tuy tục ngữ ca dao gán cho loài Chó như thế, nhưng ai cũng hiểu đó là những con người có mặt trong moi thời đại, nhất là thời đại loạn lạc bây giờ.
Do đó, đối với những kẻ trên, hoặc ta chống lại, hoặc ta xa lánh, vì:
Chơi chó, chó liếm mặt
Thì chẳng còn… “thể thống chó” gì nữa!
Chó chết, chưa hết, người ta còn dựng đá, tạc tượng nó “để đời”. Vua Lê Thánh Tông, trong bài vịnh “Con chó đá” đã hết lời khen tụng sự trung thành của Chó, tuy nhiên ai cũng hiểu là nhà vua ám chỉ những bậc quần thần, suốt đời đã “làm thân cẩu mã” để “đền nghì núi sông”:
Quyền trọng ơn trên trấn cõi ngoài
Của nghiêm chôm chổm một mình ngồi
Quả bao sương tuyết nào chi kể
Khéo nhử cao lương cũng chẳng nài
Mặc khách thị phi giương tráo mắt
Những lời trần tục gác ngoài tai
Một lòng thờ chúa nghìn cân nặng
Bền vững ai lay cũng chẳng lời
Những bậc quân thần, có vị cũng chẳng khác nào “con vật bốn chân” đó. Có một giai thoại khá hay (tuy khá cay) của Cao Bá Quát, lúc làm Hành Tẩu ở Huế, dưới thời vua Tự Đức. Một hôm, có hai quan lớn trong triều cãi nhau. Từ cãi nhau sinh ra chửi nhau. Từ chửi nhau bằng mồm, tiến đến việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, xem ra chẳng còn “thể thống…chó” nữa! Cao Bá Quát có mặt lúc đó, nên được vua Tự Đức nhờ làm chứng lúc nhà vua phân việc nội vụ. Quát không ưa gì bọn này, nhân dịp xỏ xiên chơi, mới lựa lấy một câu chửi đã được nghe để viết vào tờ khai như sau:
Tiền Quát bât tri
Hậu Quát bất tri
Trung gian Quát chi
Đã kiến:
Thượng bàn hô cẩu!
Hạ bàn hô cẩu!
Thượng hạ giai cẩu
Lưỡng tương đấu ẩu
Thần gián bất đắc
Thần kiến thế nguy
Thần hoảng thần tẩu
Nghĩa là:
Trước Quát không biết
Sau Quát chẳng hay
Nửa chừng Quát đến,
Quát thấy thế này:
Ban trên chửi: “chó”
Bàn dưới cũng “chó”
Trên dưới đều “chó”
Rồi choảng nhau luôn
Thần can chẳng được,
Thần thấy thế nguy.
Thần hoảng thần chạy!
          Khai xong, dâng lên vua, Cao Bá Quát đúng mủm mỉm cười ra vẻ hả hê lắm, thật không dễ chửi từ trên xuống dưới như thế! Vua Tự Đức đọc đến câu: “thượng hạ giai cẩu” biết xấc xược, nhưng chẳng làm gì được họ Cao.
Bọn quan quyền, thời nào cũng vậy, ít có người có khí tiết, toàn rặt lũ cẩu mã:
Vị tiền cũng lại lắm người,
Cơ hồ khắp nước chim mồi chó săn.
Ai có chí cứu dân cứu nước,
Thì lũ này sủa trước chẳng tha
               (Cường Để, Khuyến cáo quốc dân ca)
Công “sủa” này đã được “đền công” xúng đáng, bởi bọn xâm lăng, đế quốc:
Siêu mạnh nước, róc xương dân
Quang cho một lũ chó săn chim mồi
        (Phan Bội Châu, Hải ngoại huyết thư)
Thật là một lũ hèn hạ! Tuy vậy, cũng có những kẻ đầy khí tiết, chẳng có gì làm lay chuyển lòng họ, như bài ca tụng “Con chó đá” của tác giả khuyết danh sau:
Cơm cháo không quen của chúa nuôi
Nghiêm thay trước cửa một mình ngồi,
Đêm thanh nguyệt dãi hằng trông nguyệt
Ngày vắng ruồi bay xá đớp ruồi.
Giận kẻ gian tà câm mím miệng,
Mừng người quân tử vẫy cong đuôi.
Đã nên một tiết gan là đá,
Dù nhẫn ai lay chẳng chuyển ngôi.
Những kẻ làm thân khuyển mã, lúc sống đối với dân hách như chó, như hùm, nhưng đối với quan trên thì run như cầy sấy:
Vi hạt dân chi hùm xám
Vi quốc chi chó săn
     (Nguyễn Hữu Tiến- Biểu mừng Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn bị bom)
Lúc sống thì như vậy, nhưng lúc chết, chẳng khác nào “Chó chết trôi”.
Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu
Thác thả dòng sông, xác nổi phều
Vằn vện sắc còn phơi lững đững
Thúi tha danh hãy nổi lêu bêu
Tới lui bịn rịn bầy tôm tép
Đưa đám lao xao lũ quạ diều
Một trận gió dồi cùng sóng dập
Tan tành xương thịt biết bao nhiêu
                                       (Học Lạc)
Chó chết đi, cũng như lũ quần thần hết xài nữa, thân phận thật.. thảm thê. Chẳng biết bọn “gia nô” của mọi chế độ có nghĩ thế không?
Kể về loại chó trung nghĩa, biết hi sinh vì chủ chúng ta phải kể đến hai con chó của cụ Phan Bội Châu: đó là con Vá và con Ky. Lúc nhà cách mạng bị giam lỏng tại Huế (1925), sống tại  căn nhà ở Bến Ngự, gần dốc Nam Giao, cụ nuôi hai con chó đó… Lúc chúng chết đi, cụ cảm lòng trung nghĩa của chúng, nên cụ chôn cất tử tế lập bia đàng hoàng. Chúng tôi có dịp đã chép lại những lời cụ khắc vào hai bia mộ đó. Ở mộ bia con Vá, Cụ khắc vào những bằng chữ Hán sau:
“Nghĩa dũng cẩu “Vá” chi trủng
Duy dũng giả kiến cường tắc đấu, duy nghĩa giả tận trung ư chủ, ngôn giả đa, hành hãn hữu, nhân thả nhiên,huống ư cẩu duy thử Vá, kiêm hữu nhị, khởi nhược thùy tai, diện nhân tâm thú, dung thị thê nhiên, thù bi thử mộ”.
Lời dịch bằng tiếng Việt:
“Mộ con “Vá” nghĩa dũng.
Vì có dũng nên liều chết phấn đấu, vì có nghĩa nên trung thành với chủ; nói thì nhiều.làm thì ít, người còn vậy. Huống gì chó, chỉ có Và này, đủ hai đức đó há như ai kia, mặt người dạ thú, nghĩ lại đau lòng,dựng bia mộ nó”.
Ở mộ bia con Ky, cụ Phan cũng cho khắc vào đá:
Tận nhân giả thường bất vụ trí, tận tri giả thường bất vụ nhân.Nhân tí lưỡng bi nan hỷ tai! Hà vật súc nãi kim lưỡng bi. Đồng sự nhất chủ tắc cốt nhục thị chi, vo miêu cẩu chí giới : nhân giả; kiến phi kì chủ tắc cừu thị chi hữu lợi bất năng di: trí giả. Nhân thả trí, nhữ vật thị nhiên. Thiên hồ ! Thiên hồ! Nhữ nãi bất thọ? Bỉ nhân như thú giả, tị nhữ đương như hà?
“Nam lịch Đinh Sửu niên nguyệt nhật”
“Chủ nhân Sào Nam chí”
Lời dịch bằng tiếng Việt
“Người nhiều đức nhân, thường kém về phần trí, người nhiều về đức trí, thường kém về đức nhân. Vừa trí vừa nhân, thật là khó thay.Ai ngờ con chó “Ky” này, đủ hai đức đó: cùng thờ một chủ thì xem là cốt nhục, không phải như chó với mèo: đó là đức nhân; thấy không phải là chủ thì xem như là thù địch, thấy lợi mà không thay đổi: ấy là trí vậy. Hỡi trời! Hỡi trời!Mầy sao vội chết? Người, hạng muông thú, trông mày họ nghĩ sao?
Ngày tháng năm Đinh Sửu (1937)
Chủ nhâ Phan Sào Nam ghi”
Xem chó như thế, đủ nhân,đủ trí, nhìn lại số đông người, thấy người kém xa muông thú, thật đáng buồn thay! Và thấy nhà cách mạng lập mộ, lập bia cho chó, ta không khỏi hổ thẹn khi nghĩ lại đời sống con người này.” Người hạng muông thú,trông mày họ nghĩ sao?”. Một câu hỏi thật sâu sắc, nhưng không kém phần chua cay.
Trong lịch sử oai hùng chống xâm lăng, nhiều con chó nghĩa dũng đã giúp cho các nhà chí sĩ cách mạng… Trong số đó, đáng kể là con chó của Cô Ba, tức bà vợ Ba Đề Thám đã phá vòng  vây, báo tin cho quân nhà đem quân tiếp ứng, lúc ông bà bị quân Pháp bao vậy nguy khốn.
Chó nghĩa dũng như thế, lúc già không bao giờ hổ thẹn, như Huỳnh Mẫn Đạt, nhà nho khí khái miền Nam, không chịu ra quan với Tây, có lần, đã làm bài thơ sau đây, tự ví thân mình như “CON CHÓ GIÀ”.
Tuy rằng muôn cẩu có ân ba,
Răng rụng lâu năm nó phải già.
Bởi đuổi hươu Tần nên mỏi gối,
Vì lo khỉ Sở mới dùn da.
Không ai trấn Bắc ngăn bầy cáo,
Ít kẻ ngừa Tây giữ đứa tà.
Mạnh mẽ nhớ xưa còn hớn hở,
Bây giờ yếu đuối hết xông pha.
Huỳnh Mẫn Đạt đã không mặc cảm, tự ví mình như con chó già, nhưng lúc trẻ còn sung sức, con chó già đó đã không hổ mặt …chó. Bởi đã được mang ba cái ân: trung, tín, nghĩa, Bởi đã từng đuổi “ hươu Tần” tức bọn quan lộng quyền ( tức Triệu Cao đời Tần) đã bảo các quan lại, chỉ con hươu bắt họ phải kêu là con ngựa; bởi đã từng lo lắng cho bọn “khỉ sở” tức bọn hữu dõng vô mưu như Sở Bá Vương, làm hư dân tộc, đất nước… Bây giờ chó đã già, chó vẫn còn lo nghĩ, lo không biết ai ngăn đứa tà bên Tây? Nhưng lịch sử đã tiếp diễn trong oai hùng: vẫn có những tiếp nối đứng dậy đuổi hươu đập khỉ, ngăn cáo đánh tà, quyết đem lại an bình, thịnh vượng…
Sở dĩ có tương tàn, một phần vì, như cụ Phan đã ghi trên mộ chí con KY: không thờ một chủ, thấy lợi mà thay đổi… Chó với mèo, hai con vật kị nhau nhất, nhưng nếu cùng thờ một chủ thì không “ khấu ó nhau như chó với mèo” không che bai nhau:
Chó chê mèo lắm lông
Không đổ thừa nhau:
Con mèo xán vỡ nồi rang
Con chó chạy lại nó mang lấy đòn
Không bị mang tiếng:
-         Mèo đàng chó điếm
-         Mèo hoang lại gặp chó hoang
Cái nhìn của cụ Phan về cuộc đời đã cho chúng ta một bài học đoàn kết nhau lại, chung lưng nhau lại để chống kẻ thù chung. Chó với mèo tị nhau, cãi nhau cũng như chó với các loài vật khác như Trâu, Ngựa, Dê, Gà,… tuy chúng là gia súc cùng một chủ chăn dắt.
Đọc “ LỤC SÚC TRANH CÔNG”, tác giả khuyết danh, ta thấy rõ sáu con vật vì muốn lấy lòng chủ mà tranh công nhau, cãi nhau, tị nhau om sòm. Đầu tiên, Trâu tị với Chó, Chó cãi lại và tị với Ngựa, Ngựa cãi lại và tị với Dê, Dê cãi lại và tị với Gà, Gà cãi lại rồi tị với Lợn.
Đầu tiên, Trâu kể công mình với chủ. Và chê loài chó như sau:
Như loài muông vô tướng, vô tài.
Nuôi giống ấy làm chi cho nhọc
Ăn cho lớn, dưỡng vai dưỡng vóc
Giỡ với nhau vạch cửa, vạch sân
Một ngày ba bữa chực ăn
Thấy đến việc lén mình len lén
Chưa rét đã phô rằng rét
Co ro đuôi quít vào trôn
Vấy bếp người, tro trấu chẳng còn
Ba ông táo lộn đầu, lộn óc
Chưa sốt đã nằm đà thở dốc
Le lưỡi ra phỏng ước dư gang
Lại thấy người lơ đỉnh lơ hoang
Tài ăn vụn thôi thì hơn chúng
                                                               …..
Con Chó nhà ta nghe chê:
… Giận đau phế phổi
Liền chạy ra sủa mắng vang tai
“trời đã sinh các hữu kỳ tài,
Lớn việc nặng, bé thì việc nhẹ”.
Chó mắng Tâu một hồi, quay ra kể vông mình nhờ chủ phân giải:
“ Đêm năm canh con mắt như chong
Đứa đạo tặc nép oai khủng động (sợ hãi)
Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống
Đưa gian tham thấy bóng cũng kinh
Lại đến ngày kị lạp tiên sinh,
Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc
Bao quản chui gai, lưới góc…”
Chó kể công mình một hồi, quay ra tị với Trâu, làm cho:
Chủ nghe qua khó nỗi xử phân:
Thôi thôi đừng nhĩ ngã thệt hơn
(Phân bì mình với người !)
Phú lưỡng bạn dĩ hòa di quý!!
Tuy xử có vẻ …ba phải (nền tư pháp có vẻ xuống dốc quá!), nhưng hai con vật cũng “tương đồng hoan hỉ” lắm, nhưng chưa hết, chó nhà ta vì muốn chủ…cưng nên quay ra chê Ngựa:
“Dám thưa người, báu gì giống Ngựa
Dại không ra dại
Khôn chẳng nên khôn
Ngất ngơ như ốc mượn hồn
Nuối giống ấy lam chi cho rối
Xem các giống vật cãi nhau, tị nhau, kể công trạng mình trong đó có con Chó của chúng ta- chúng ta không khỏi ngậm ngùi cho cuộc thế - Thời đại nào, xã hội nào lại chẳng có bọn lục súc tranh nhau. Tị nhau như thế! Và chính vì vậy mà xã hội không khá được.
Nhưng bọn lục súc đó có tranh nhau, tị nhau để kiếm chút ít canh cặn cá thừa cuối cuộc đời chúng, cũng chẳng ra gì. Như con chó, dù có “công trạng ghê gớm” kiểu gian manh, cũng bị chủ khinh dể hành hạ, có khi chặt đầu, trụng nước sôi, tổ chức nhậu nhẹt.
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè thịt chó
Đứa nào ở đó
Bắc nước cạo lông
Đứa nào ở không
Đi mua đồ nấu
Đứa nào xấu xấu
Xắt xả nạo dừa
Đứa nào không ưa
Thì đi chỗ khác
Kiên tâm một lát
Là có món ăn
Đừng làm lăng xăng
Người ta đàm tiếu:
Con chó nhỏ xíu
Sáu bảy người ăn
Bài vè trên có cảnh tỉnh được những bậc Khuyển Mã thời đại? Thân phận họ cuối cùng chẳng được quái gì, như “con Chó nhỏ xíu” ở trên là cùng. Cứ mãi “cong đuôi theo chủ”, làm điều bất nhân. Là hư cả dân tộc, đất nước này, lũ Khuyển mã gia nô thời đại có bao giờ nghĩ đến “đời tàn tạ” của mình? Có bao giờ nghĩ đến tương lai của con cháu mình?
Vấn đề đặt ra trong đề xét này, nhân dịp bàn đến con Chó, xin gởi đến những người đang chạy theo danh lợi, chức tước, những kẻ tưởng đang phục vụ cho chính quyền và cho cả dân tộc đất nước.
Đời vẫn có nhiều Chó. Đời vẫn còn nhiều Chó. Có Chó trung nghĩa thì cũng có loại hèn nhát, phản phúc lưu manh, ỷ thế hà hiếp, kiêu căng… Khi nào đập tiệt loại chó săn, chó bẩn này may ra xã hội mới khá được, mới vươn lên được.
Và đối với những người nuôi dưỡng loài chó bất trung, bất nghĩa đó, bao giờ cũng vậy, ta luôn luôn ghi nhớ lời cụ Nguyễn Đình Chiểu đọc trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” năm 1861, đã anh dũng hy sinh chống quân xâm lược Pháp
“ Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu,
Hai quầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó.
Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình,
Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi,chuyến này dốc ra tay bộ hổ?”.
                                                                (Đối Diện số 28 tháng 10- 1971)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét