Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

PHONG CÁCH ĐIỀN VIÊN SƠN THỦY TRONG MỘT SỐ BÀI THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM

            Bất mãn trước thời cuộc, nhà Nho trả ấn trở về với cuộc sống đời thường thì không một triều đại nào không có. Thế kỷ XVI có một người buộc phải chọn đi con đường mà ở thế kỷ trước Nguyễn Trãi đã đi, đó chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cũng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng yêu thích cuộc sống thanh cao, ghét thói đời ô trọc và tìm thấy sự hòa đồng với thiên nhiên, tìm niềm vui, bầu bạn cùng cỏ hoa mây núi. Ông về làng Trung Am, lập am Bạch Vân và chọn tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Cũng từ khi ấy, ông mở trường dạy học bên cạnh sông Hàn chảy qua làng. Sông Hàn có tên là Tuyết Giang nên học trò tôn xưng ông là Tuyết Giang phu tử.
          Sống ẩn dật và làm thơ miêu tả cuộc sống ẩn dật là cách để ẩn sĩ giãy bày. Họ làm thơ không phải vì mong cho thơ mình được “để đời”. Họ làm thơ cốt là để giãi bày như có lần cụ Bạch Vân tâm sự: “Tôi lúc nhỏ chịu sự dạy dỗ của gia đình, lớn lên bước vào giới sĩ phu, lúc về già chí thích nhàn dật, lấy cảnh núi non sông nước làm vui, rất là vụng về trong nghề thơ. Tuy nhiên, cái bệnh yêu thơ lâu ngày tích lại chưa chữa được khỏi vậy, mỗi khi được thư thả lại dậy hứng mà ngâm vịnh, hoặc ca tụng cảnh đẹp đẽ của sơn thủy hoặc là tô vẽ nét thanh tú của hoa trúc, hoặc là tức cảnh mà ngụ ý, hoặc là tức sự mà tự thuật, thảy thảy đều ghi lại thành thơ” [39; 263]. Chính “cái bệnh yêu thơ” đã làm cho thơ ông sống với cuộc đời, trong đó có những bài thơ Nôm Đường luật về cảnh điền viên sơn thủy.
          Thiên nhiên trong thơ điền viên sơn thủy Nguyễn Bỉnh Khiêm không xa lạ, rất quen thuộc với hình ảnh cỏ cây xanh tốt, ánh trăng soi mặt nước, mặt trời chiều, làn khói biếc, … với âm thanh: tiếng chim hót, đàn suối ngân, sắc hoa rơi rụng, … Có điều, nhà thơ đã phát hiện ở những hình ảnh, âm thanh tưởng chừng quen thuộc đến bình thường ấy một sự tinh tế đến thú vị:
Thu êm, cửa trúc hồng vân phủ,
Xuân tĩnh, đường hoa tử cẩm phong.
                                                                 (Thơ Nôm, bài 52)
Nhìn sắc hoa leo trên vòm cổng, nhà thơ ngỡ như một ánh mây hồng nhẹ nhàng bao phủ. Trên con đường đầy hoa rơi rụng, tác giả ví như gấm tía bao phủ.
          Thiên nhiên qua ánh mắt khỏe khoắn của nhà thơ luôn tươi sáng, đầy sức sống, mang đến hứng thú tràn đầy cho tác giả:
Hương tiệc khách, hoa khi rụng,
Hứng dẫy vườn xuân, chim thuở kêu.
                                                                 (Thơ Nôm, bài 37)
Nơi làng quê thanh tĩnh, trong am vắng, qua ô cửa nhỏ nhìn bóng cây rung động, nghiêng ngả cũng gợi nhiều cảm xúc cho nhà thơ. Niềm xúc cảm đó không gì khác ngoài tình yêu tha thiết với cảnh vật quanh mình. Khi thức, khi nằm cũng như lúc nghĩ suy, cảnh đẹp đầy hứng thú ở quê hương như vẫn còn in trong đầu óc tác giả. Cảnh đẹp đầy hứng thú ấy có thể chỉ là cảnh ruộng vườn đồng quê:
Ruộng năm, bảy khóm trồng cây lúa,
Tằm chín, mười nong để giống ngài.
                                                                 (Thơ Nôm, bài 121)
Đến đây, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm “đã xuất hiện một thứ thiên nhiên gần gũi, đời thường mang hơi thở của cuộc sống nhân dân” [77; 77]. Đây được coi là đóng góp mới của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong văn chương của nhà Nho ẩn dật.
          So với Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đi thêm một bước trong việc thể hiện rất thực những nét sinh hoạt đầy phong vị của quê hương đất nước qua việc miêu tả cuộc sống ẩn dật của mình cũng như những ẩn sĩ thời trước, ngày nhàn trong am quán, Tuyết Giang phu tử cũng “điểm sách trên yên”, đêm đến thì uống rượu, thưởng hoa, chờ trăng sáng. Bên cạnh những khoảnh khắc ấy, cụ lại trở về với công việc của đời thường, rất giản dị và thanh đạm. Giản dị và thanh đạm từ bữa ăn trong sinh hoạt thường nhật đến thú vui tiêu khiển:
- “Xôi măng trúc đắng thèm thay thịt,
Đắp áo sô to lạnh kẻ chiên.
                                                                 (Thơ Nôm, bài 19)
- “Thu ăn măng trúc đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.
                                                                 (Thơ Nôm, bài 73)
Với nhà thơ, mùa nào thì có thức ấy và mùa nào thì có thú ấy, tất cả đều có sẵn trong tự nhiên. Rồi nhà thơ miêu tả cái am nhỏ của mình, tả một cảnh sinh hoạt xung quanh nơi ông ở:
Bến nguyệt, thuyền kề hai bãi mía,
Am mây, cửa khép một cần pheo.
Cá tôm tối chác bên kia bến,
Củi đuốc ngày mua mé nọ đèo.
                                                                 (Thơ Nôm, bài 35)
          Nếu cảnh yên bình trong cuộc sống ẩn dật được thể hiện qua thơ điền viên sơn thủy của Nguyễn Trãi còn xa cảnh sống của người dân thì cảnh yên bình trong lối sống ẩn dật của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại gần với người dân lao động. Đọc thơ Nôm điền viên của Tuyết Giang phu tử, ta có thể phần nào hình dung được cuộc sống và sinh hoạt của người dân lúc bấy giờ: cũng ngôi nhà nhỏ có cánh cổng tre, cảnh mua bán – một biểu hiện của văn hóa, những món ăn dân dã, những vật dụng không cầu kỳ vì cuộc sống còn nhiều túng thiếu, … Thơ điền viên sơn thủy của Tuyết Giang phu tử thể hiện phong vị của quê hương đất nước là như thế.
          Cũng như Nguyễn Trãi, dẫu gắn với cuộc sống điền viên, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn cứ luôn mang nặng một nỗi lòng. Đó là điều làm cho thơ của hai ông không chỉ giàu về nội dung, hay về nghệ thuật mà còn sâu về tư tưởng.
          Về nghệ thuật, thơ Nôm Đường luật về cảnh nhàn dật của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hình thành được một số nét đặc sắc hơn so với thơ Nguyễn Trãi. Trước hết là bút pháp tả thực, nó đã hạn chế được lối miêu tả ước lệ, hoặc dùng nhiều điển cố, thành ngữ để miêu tả những sự vật cụ thể. Kế đến là ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ thơ ở ẩn của Bạch Vân trong sáng, dễ hiểu không quá nặng nề về mặt từ vựng cho người đọc. Song, vẫn có những câu thơ rất trữ tình với ngôn ngữ rất trau chuốt, chứng tỏ sự linh hoạt trong cách sử dụng ngôn ngữ. Hai phương diện nghệ thuật trên trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh dấu bước tiến mới của thơ Nôm Đường luật của tác giả so với thơ Nôm Nguyễn Trãi và thơ Nôm Hồng Đức.
          Hơn bốn mươi năm ở ẩn là quãng đời mà Nguyễn Bỉnh Khiêm được sống nhiều nhất, có ý nghĩa nhất. Không bàn về triết lí “nhàn” trong thơ ông ở đây. Điều mà chúng ta nhận ra được đó là cùng mảng thơ quy ẩn và cùng thể loại thơ diễn đạt nhưng ở những ẩn sĩ khác nhau, thời đại khác nhau, hoàn cảnh khác nhau thì nội dung và cách thức diễn đạt cũng sẽ có nhiều điểm khác nhau.

  

VẺ ĐẸP TÂM HỒN NGUYỄN TRÃI QUA BÀI THƠ "CẢNH NGÀY HE"

Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hoè lục đùn đùn tán rợp gương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương."



Trong bức tranh đậm màu, nền trời chiều ráng đỏ, một ngôi lầu vắng lặng, cây hoè cổ thụ ngoài sân tán xanh thẫm, che rợp, bên hiên nhà cây thạch lựu sắc đỏ. Vài ba chú ve trên các cành cây. Ao sen hồng và xa xa là làng chài đang họp chợ. Có một người ngồi trên lầu trâm ngâm.
 


Xem tranh, trước hết ta thấy một tư thế của con nguời ngồi đó. Câu mở đầu “hóng mát” - ngoạn cảnh nhàn nhã, thảnh thơi. 

Nên nhớ, đây là bức tranh thơ của vị tướng cầm quân từng xông pha trận mạc một thời, từng “đau lòng nhức óc” vì vận nước từng cùng Lê Lợi “dựng cầu trúc ngọn cờ phấp phới”, và sau này sắm vai ẩn sĩ mà tấm lòng vì dân nước không lúc nào yên “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng”. Đặt trong nỗi truân chuyên của cuộc đời Nguyễn Trãi, mới thấy quí cái giây phút ngắn ngủi hiếm hoi này, mới thấy cái tư thế ung dung thưởng ngoạn kia là sự hưởng thụ chân chính. Sau tư thế ấy, thấy cả cái không khí yên bình của cả một làng quê, đất nước vừa qua cơn binh lửa.

Con người này có ánh mắt tinh tế, say mê. Người ngắm cảnh có đôi mắt rất sành : 3 loại cây, 3 dáng vẻ, không trùng lặp. Tả cây, mà lộ ra khuôn mặt của mùa hè. Cây hoè : tán xanh xum xuê, toả rộng - sức sống vươn cao. Thạch lựu : sắc đỏ - rực rỡ của tố chất khoẻ mạnh. Sen hồng : đậm hương - tâm hồn nồng hậu, thanh cao. Ba loại cây, ba dáng vẻ, ba màu sắc nữa (xanh, đỏ, hồng) đều có hồn. Ngôn ngữ của thơ thay cho chất liệu màu của họa là lời nói sống động của đời thường. Chữ “đùn đùn” khiến ta cảm nhận được sự sống đang nảy nở mạnh mẽ, trông thấy được bằng mắt thường. Chữ “phun” còn lạ hơn. Không tả hoa đỏ, mà cảm nhận cây lựu đang phun, đang tuôn ra sắc đỏ. Sen hồng cố đậm hương. Con ve kia cũng gắng hết sức trong những tiếng kêu cuối cùng. Chợ ở làng chài đang náo nhiệt nên vọng xa lao xao... Chỉ là Bức tranh phong cảnh ư ? Không phải ! Đấy là Bức tranh đời. Ở đó tạo vật và con người đều dang sống hết sức mình, sống rất nhiệt tâm, băng mình trong trường tranh đấu sống. 

Ta bất ngờ nhận ra điều kì lạ. Con người hoạ sĩ trong thi nhân Nguyễn Trãi thế kỉ XV ở Việt Nam có gì rất gần gũi đại danh hoạ Hà Lan thế kỉ XIX, Vanh-xăng-Van-gốc. Không phải ở những sắc màu được sử dụng, mà ở cách diễn tả nó. Van-gốc vẽ đồng lúa ta cứ ngỡ cánh đồng bốc cháy. Hàng cây bên đường cũng quằn quại vệt lửa. Van-gốc đốt cháy mình trong tranh. Nguyễn Trãi đốt cháy mình trong thơ. Chữ “đùn đùn”, “phun”, "tiễn", "lao xao", "dắng dỏi" là lửa sống rừng rực trong lòng Ức Trai mặc cho do thời thế ông đang phải lui về quy ẩn "Rồi, hóng mát thuở ngày trường".

Trong bức tranh này, thính giác nhậy bén đã giúp Nguyễn Trãi “vẽ” cảnh bằng nhạc. Xa xa, chợ cá không rõ hình, song âm thanh “lao sao” chở hồn đến cho người đọc cái rộn ràng nhộn nhịp, náo nhiệt của cuộc sống thanh bình. Nếu “lao sao” là khúc hoà tấu của đời sống dân sinh, thì “dắng dỏi cầm ve” tấu lên âm thanh của cây đàn độc huyền, ngân lên thiết tha cuối chiều, vấn vương nét quí tộc, lầu cao đơn độc. Hai phong điệu dân dã và quí tộc hoà hợp, bởi chất keo dính của đời thường, đậm đà hơi thở sống.

Cho nên vẽ bức tranh này đâu chỉ là chuyện của giác quan chuyên nghiệp họa sĩ hay thi sĩ mà là năng lực, phẩm chất của tâm hồn - tâm hồn tinh tế, đằm thắm của một con người hết mực yêu đời, say mê cuộc sống. 
Bức tranh Cảnh ngày hè có một lời bình - một suy ngẫm đứng riêng, độc lập.

Dễ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương

Mạch thơ từ hướng ngoại sang hướng nội. Từ miêu tả sang biểu cảm, khách thể sang chủ thể. Nguyễn Trãi đã trực tiếp bộc lộ nỗi lòng mình trong hai câu thơ kết. Ấy là một giấc mơ, và cả một học thuyết nhân sinh ấp ủ bật ra thành lời.

Giấc mơ, đó là giấc mơ Nghiêu Thuấn. Giấc mơ ngàn đời của những con người Phương Đông sống trong thời trung đại. Mong sao có một bậc vua hiền để được yên ổn ấm no hạnh phúc. Trước hơn bốn trăm năm, thời Tiền Lê, Pháp Thuận đã phát biểu "Vận nước như mây cuốn / Trời Nam mở thái bình / Vô vi trên điện các / Xứ xứ dứt đao binh". Vận nước có rối ren thế nào cũng mong hai chữ thái bình, nhà vua đừng làm điều gì nhiễu nhương thì khắp nơi đều hết nạn binh đao. Sau mấy mươi năm, vị vua hiền minh Lê Thánh Tông cố sức mình cũng chỉ để thỏa lòng mong muốn :

Nhà nam nhà bắc đều có mặt
Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình.

Bây giờ đây, ưu tư thế cuộc, nhìn đời - từ cỏ cây, vạn vật đến sinh linh vui sống như thế, Nguyễn Trãi lại khắc khoải khát vọng muôn năm này. Mong trị quốc, bình thiên hạ sao cho dân giàu nước mạnh là giấc mơ của một bậc đại nhân.

Nếu giấc mơ kia là của bậc đại nhân, thì cái lõi tư tưởng của giấc mơ là của bậc đại trí. Đó là tư tưởng “thân dân” (dĩ dân vi bản) từng được vạch rõ trong Bình Ngô Đại Cáo - "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân".

Đó là tư tưởng lớn. Với Nguyễn Trãi, tư tưởng ấy từng sôi sục trong hành động, khắc khoải trong tâm tưởng, rát bỏng trong thi ca. Cả bài thơ 8 chữ, đến tận dòng cuối cùng, chữ “dân” mới bật ra, song chính là cái nền tư tưởng, tình cảm của tác giả, cái hồn của bài thơ. Là sợi chỉ dỏ xâu chuỗi cả 8 câu thơ lại.

Cảnh ngày hè (Gương báu răn mình số 43) không định giáo huấn chung. Trước đời sống đang dâng trào, yên lành thế, Nguyễn Trãi tự răn mình, phải làm sao cho cuộc sống này trở thành mãi mãi và chỉ khắc khoải một nỗi "tiên ưu" ấy mà thôi. 
 (sưu tầm)


Đôi điều về bài thơ “Độc Tiểu Thanh Ký” trong sách giáo khoa lớp 10

Đôi  điều về bài thơ “Độc Tiểu Thanh Ký” trong sách giáo khoa lớp 10

Bài thơ “Độc Tiểu Thanh Ký” không xếp vào phần thơ đi sứ mà giữ trong tập “Thanh Hiên”, ở phần “Làm quan ở Bắc Hà 1802-1804″. Bản dịch (cả dịch nghĩa và dịch thơ) được chọn dạy cho học sinh trung học, in trong sách giáo khoa lớp X, tập I, là của Vũ Tam Tập, rút từ “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” (NXB Văn học, 1965).
Nguyễn Du để lại ba tập thơ chữ Hán: “Thanh Hiên tiền hậu tập”, “Nam Trung tạp ngâm” và “Bắc hành tạp lục”. Theo gia phả biết được tên ba tập sách. Nhưng các bài cụ thể cho đến giữa thế kỷ XX vẫn tản mát và chép lẫn lộn hoặc gộp chung vào một cuốn. Ở nhà cụ Nguyễn Mai, cháu xa Nguyễn Du, có được mấy chục bài. Vua Tự Đức cũng từng sai thu thập. Ông Đào Duy Anh từ trước năm 1945 có lẽ là người tìm được nhiều nhất (131 bài) mà theo nội dung thì là các bài từ cả ba tập thơ trên. Tập “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” (NXB Văn học, 1959) do các cụ Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh dựa vào cuốn “Thanh Hiên thi tập” lưu ở Vụ Bảo tồn bảo tàng, chọn dịch 102 bài trong số 126 bài (74 bài của Thanh Hiên, 6 bài của “Nam trung”, 46 bài của “Bắc hành”). Các cụ sắp xếp thành ba phần theo ba chặng viết của Nguyễn Du: Chặng Lê mạt, chặng làm quan triều Nguyễn, chặng đi sứ Trung Quốc. Bài “Độc Tiểu Thanh ký” này xếp ở phần đầu chặng đi sứ.
Cuốn “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” do các cụ Lê Thước, Trương Chính chủ trì biên soạn với sự tham gia của nhiều người (NXB Văn học, 1965) có 249 bài. Đây là lần đầu tiên thơ chữ Hán của Nguyễn Du được công bố nhiều nhất, được tìm hiểu xuất xứ và chú giải kỹ nhất. Bài “Độc Tiểu Thanh ký” được các soạn giả phát hiện: “bài này không phải làm khi nhà thơ đi qua mộ Tiểu Thanh, mà khi còn ở nhà” (trích “Lời giới thiệu” của Trương Chính). Bài thơ không xếp vào phần thơ đi sứ mà giữ trong tập “Thanh Hiên”, ở phần “Làm quan ở Bắc Hà 1802-1804″. Bản dịch (cả dịch nghĩa và dịch thơ) được chọn dạy cho học sinh trung học, in trong sách giáo khoa lớp X, tập I, là của Vũ Tam Tập, rút từ “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” (NXB Văn học, 1965). Tôi xin được dựa vào nguyên bản chữ Hán của Nguyễn Du, có tham khảo các bản dịch khác và xin được bàn luận về cách hiểu nghĩa và diễn thơ của Vũ Tam Tập.

Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

“Vườn hoa đẹp Tây hồ đã thành bãi hoang”. Đây là Tây hồ của Hàng Châu, Trung Quốc. Câu thơ mở bài nói một đổi thay tàn tạ, nhưng không phải chỉ để gợi cảm khái chung chung, mà gắn với một địa danh cụ thể, Tây hồ. Tiểu Thanh, đời nhà Minh tài sắc, nhưng phải làm lẽ, bị vợ cả hành hạ. Tây hồ là nơi nàng bị người vợ cả ép sống đơn lẻ ở đây đến phải chết buồn năm 18 tuổi. Bài thơ mang giọng Nguyễn Du tâm sự với Tiểu Thanh:
Trước cửa sổ (ta) đọc cuốn sách, viếng nàng.
Cuốn sách ấy là cuốn “Ghi chép về cuộc đời Tiểu Thanh” (Tiểu Thanh ký). Trong đó tôi đoán có chép lại 12 bài thơ còn sót lại khi tập thơ mang tâm sự bị người vợ cả đem đốt. Nguyễn Du đọc đời nàng, xem thơ nàng và xót thương thân phận nàng, chính là một hành động phúng điếu.
Hai câu phá đề, thừa đề coi như đã nói xong tiểu sử Tiểu Thanh và nỗi lòng thương cảm của tác giả với nàng. Phần còn lại của bài thơ, tới sáu câu, chỉ còn là những chiêm nghiệm của Nguyễn Du về cuộc đời. Thân phận Tiểu Thanh làm ông chạnh nghĩ tới thân phận mình.

Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

Tôi trích hai câu liền vì hai câu đối ý quấn quýt tạo nên một mạch cảm xúc. Nhưng chuyển sang tiếng Việt xin được xét từng câu. Câu thứ ba, bản dịch nghĩa của Vũ Tam Tập in trong sách giáo khoa:

Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết.
Văn chương không mệnh mà mang lụy cả lúc đã thành tro

Thơ chữ Hán thường nén chữ lại, phá vỡ kết cấu văn phạm thông thường, nên người đọc có thể hiểu theo nhiều cách. Riêng trong câu này ba chữ “liên tử hậu” (liên: thương; tử hậu: sau khi chết). Vũ Tam Tập chắc đã căn cứ theo tiểu sử Tiểu Thanh mà luận ra, bằng cách coi chủ từ của “thương” là hồn vía Tiểu Thanh. Và “sau khi chết” thì phải hiểu là “mọi việc xảy ra sau khi Tiểu Thanh chết”, ở đây ám chỉ việc người vợ cả đốt những bài thơ của nàng. Cách hiểu này có lý, tuy lập luận có lấn hơi nhiều ra ngoài chữ nghĩa của câu thơ. Nhưng điều đáng nói là hiểu như thế ý thơ bị hẹp lại, tình cảm cũng mất đi vẻ trữ tình thế sự, chuyển thành một thứ thơ kể chuyện đời Tiểu Thanh bằng phẳng, nhạt và bị rời khỏi tư thế trí tuệ của bài thơ.
Tôi xin được hiểu sát vào từng chữ của câu thơ “Son phấn có thần (nên vẫn gây tiếc) thương sau (khi đã) chết”. Son phấn tượng trưng cho nhan sắc người phụ nữ. Câu thơ này là Nguyễn Du tự thấy giữa lòng mình: Tiểu Thanh sống vào triều Minh, khi Nguyễn Du đọc bài ký viết về nàng, Tiểu Thanh “tử hậu” đã tới ba trăm năm, vậy mà khi biết chuyện đời Tiểu Thanh, Nguyễn Du vẫn xót xa: Son phấn (tài sắc người phụ nữ) có thần gây xót thương cho người ta cả sau khi đã chết! Một chiêm nghiệm thế sự nói chung (với “Truyện Kiều” cũng tương tự) chứ không phải một ước đoán tâm lý (chắc phải) cho riêng trường hợp Tiểu Thanh như câu dịch nghĩa của Vũ Tam Tập. Ý thơ này còn là tiền đề cho ý thơ kết: “Ta, sau ba trăm năm nàng mất, nhỏ lệ thương nàng, không biết ba trăm năm nữa (tử hậu của ta) có ai còn nhỏ lệ khóc ta không!”. “Tử hậu” chiếu xuống “dư niên hậu” cho thấy nỗi tủi thân thấm thía của người tài tử Nguyễn Du. Cũng không nên coi đây là tài tung hứng trên dưới của bút pháp Nguyễn Du mà nên hiểu đây là mạch cảm xúc chính của bài thơ này. Thấy người mà ngẫm đến ta, rất lôgic. Hiểu như Vũ Tam Tập thì câu thơ chỉ còn dính với riêng tiểu sử Tiểu Thanh và bong khỏi nghĩa lý toàn bài.
Câu sau, tức câu thứ tư của bài, Vũ Tam Tập dịch nghĩa:
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở.
Câu này dịch thế e mất ý. Mất chữ “lụy”, vốn là nhãn tự của câu, nó ăn với chữ “liên” ở câu trên. Và cứ trong nghĩa câu dịch này mà hiểu thì hơi văn lại hóa ngô nghê: “Văn chương không có số mệnh… mà cũng bị đốt dở!”. Thế nghĩa là nó đáng phải được đốt cháy cho bằng hết(!). Câu thơ này gây hiểu lầm cũng ở ba chữ cuối “lụy” (gây khó) “phần” (đốt) “dư” (còn lại). “Lụy” cho đến cả phần “còn lại sau khi đốt” (lụy cho tác giả) hay “phần còn lại sau khi đốt” còn đủ sức gây bận lòng người (lụy cho độc giả)? Cả hai cách hiểu đều có lý và không mâu thuẫn. Người sau khi chết vẫn gây thương và thơ còn sót sau khi cháy vẫn gây khắc khoải (lụy) cho người đời. Chính Nguyễn Du đang thể nghiệm cái mối lụy ấy khi đọc bài ký về Tiểu Thanh. Bản dịch của Thảo Phương, trong “Đọc và dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du” (NXB Văn học, 2007), câu này chuyển ngữ là: “Lụy đến tàn tro, hỡi phú thơ!” thì mối lụy đứng giữa độc giả và tác giả. Còn mối lụy ám vào tác giả: Văn chương vô mệnh, nó không như người, không là sinh linh, chỉ là chữ trên giấy, mà đã mang đốt đi, thành tro rồi, vẫn còn để lụy cho người viết ra nó. Cái “lụy” ấy đủ mạnh để cân với sức nặng của chữ “thương” ở câu trên (thương người thương sang cả cõi ma). “Lụy, đến tàn tro còn gây lụy”… Đây cũng là một chiêm nghiệm phổ biến của giới chữ nghĩa. Cái lụy văn chương xưa nay nhiều lắm. Nguyễn Du hẳn biết nhiều những “ngục văn tự” của tiền nhân. Và trong đời chắc hẳn chính ông cũng nhiều phen nghe lạnh sống lưng. Ấy là chưa kể đời sau, ông “con giời” Tự Đức đọc đến câu Kiều “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” còn muốn nọc Nguyễn Du ra đánh trăm trượng nữa kia. Có bất ngờ chăng là cái lụy ấy lại rơi vào thân phận một cô gái làm lẽ tội nghiệp, văn chương rất nghiệp dư này. Cái nỗi hận ấy của Tiểu Thanh, mà nào có riêng Tiểu Thanh, Nguyễn Du từng chứng kiến bao oán hận khi Gia Long trả thù Tây Sơn: hành hình người sống, bật mồ người chết, rồi đốt xóa đục đẽo bằng hết mọi văn tự có dính dáng đến Tây Sơn… Oán hận ngút trời! “Cổ kim hận sự thiên nan vấn”. Cái nỗi hận xưa có, nay cũng có ấy, có ngửa mặt kêu trời mà hỏi, trời cũng bất lực, vô phương: “thiên nan vấn”. Nguyễn Du ý thức được đấy là chỗ bế tắc của đời. Và ngay câu sau đó, ông ý thức phận mình: “phong vận kỳ oan ngã tự cư”: phận ông cũng đã ở sẵn trong khối oan khiên ấy. “Ngã tự cư”: ta đã ở đấy rồi. Đấy là niềm bi phẫn hay nỗi yếm thế của Nguyễn Du? Chắc cả hai. Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, cái chữ “tự” này sao nhiều phen bi thiết: “Nhân tự bi thê, thảo tự thanh” (người tự buồn thương, cỏ tự xanh) xanh là bản tính của cỏ, bản tính của người lại là buồn thương ư! Cái chất tâm hồn Nguyễn Du như thế, nên mới vừa chạm đến thân phận Tiểu Thanh, ông đã trùng điệp nỗi mình, dẫn đến câu kết như một di chúc, một câu hỏi cực thân hỏi vào hậu thế:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Thiên hạ ai người khóc Tố Như)

Bốn câu cuối bài thơ, bản dịch Vũ Tam Tập đã hoàn hảo cả tình cả ý. Và bài “Độc Tiểu Thanh ký” này đã là một chìa khóa giúp ta mở vào nỗi lòng Nguyễn Du.

  

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Độc Tiểu Thanh Kí - tiếng khóc của một người đa tình

Độc Tiểu Thanh Kí - tiếng khóc của một người đa tình
Đọc những tác phẩm của Nguyễn Du, không thể nào không cảm nhận những giọt nước mắt khi đau đớn, khi xót xa, căm giận…của nhà thơ đa tình này. Đặc biệt trong Truyện Kiều thì dường như thi hào đầm đìa giọt thương như một nhà thơ đã thấy “ Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều”. Sự rung cảm trước những vận mệnh bất hạnh đã là một “đặc tính” của Nguyễn Du khi ông sáng tạo các tác phẩm để đời. Độc Tiểu Thanh Kí, một bài thơ đã thực sự trở thành tiếng lòng nức nở hồn thơ nhạy cảm Tố Như./

Câu chuyện về nàng 
Tiểu Thanh có tài mà bạc mệnh đã là mối thương tâm cho những ai yêu mến nàng. Song dường như người hiểu nàng nhất, thương nàng nhất không ai khác mà chính là Nguyễn Du, dù thi hào đất Việt cách xa hàng nghìn trùng không gian và thời gian. Ông không khóc nàng bằng tiếng khóc thường tình, nhỏ một vài giọt lệ rồi quên ngay mà khóc bởi một trái tim quặn thắt, đau xé tâm can. Trong khi khóc Tiểu Thanh, ông cũng đã khóc cho chính mình.
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Ba trăm năm từ khi Tiểu Thanh qua đời, 
Nguyễn Du mới biết nàng và khóc cho nàng. Thế còn 300 năm sau, có ai còn nhớ đến ông mà khóc hay không? Cái sự “ thấy người ngẫm ta” ấy thực là đau xót làm sao. Những người theo đuổi nghiệp văn ấy nhạy cảm lắm, hay đau lắm, họ khóc cho người và cũng khóc luôn cho mình. Mà có gì đâu, chỉ là những chuyện rất thường.

Tây Hồ hoa uyển tận thành khư
(Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành gò hoang rồi).

Sự chuyển biến của vũ trụ là quy luật ngàn đời, những người đa cảm nhìn thấy sự chuyển biến lạnh lung ấy của đất trời thì cảm thấy hết sức đau đớn, xót xa. Khung cảnh điêu tàn, lạnh lẽo của Tây Hồ là khoảng không gian gợi sầu, gợi cảm và làm động mối thương tâm cho nhà thơ nhiều lắm, nhất là khi đang đọc những phần dư cảo hết sức thương tâm của người con gái bạc mệnh Tiểu Thanh.

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
(Chỉ viếng nàng qua một một tập sách đọc trước cửa sổ).

Cái sự gặp gỡ này hết sức tình cờ nhưng nó như là mối lương duyên. Người xa lạ này chỉ mới nếm chút dư vị xót xa nàng thôi nhưng trong tâm tư đã dâng lên khối tình cảm rất lớn với con người tài hoa bạc mệnh.

Trước hết là đau cho người tài hoa chết trẻ, sau là cho nghiệp văn chương và cuộc đời tàn nhẫn đã giết chết những tâm hồn. Bản dịch là “ Thổn thức bên trong mảnh giấy tàn” để lại được cái tình của con người đa cảm này. Ông đã khóc tự trong lòng.

Chi phấn hữu thần tiên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư


( Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết . Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở).

Hai câu thơ này là “ thần cú” đã khái quát được cả một cuộc đời đau khổ của 
Tiểu Thanh. Hình ảnh “son phấn” ước lệ khi nói về người con gái là cách nói đẹp nhất, yêu thương và quý trọng nhất. Người đẹp thường như hoa,nàng đã phải chịu sự ghen tuông thái quá, phải sống trong sự cô đơn lạnh lung trong tuổi thanh xuân đang hứa hẹn nhiều hương sắc cho đời. Lúc chết đi, những tưởng người ta sẽ tha cho người con gái tội nghiệp này, thế mà đau đớn thay…sự ghen tuông mù quáng đến bệnh hoạn của người vợ đã giết chết nàng một lần nữa, chết trong nỗi đau đớn mà những suy nghĩ, tình cảm bị cấm đoán thì còn chăng một tình cảm nào nữa ngoài sự tàn nhẫn của đời người. Xót đau cho người bạc mệnh. Nguyễn Du càng thấm thía hơn, cay đắng hơn cho những tác phẩm văn chương của nàng “ Văn chương vô mệnh”, nó chỉ là tâm tư, tình cảm của người ta thổ lộ, là những gì quý giá nhất tình cảm nhất con người. Thế giới của văn chương và người đời hoàn toàn khác nhau, không thể nào hàn gắn cho văn chương cùng một số mệnh với người làm ra nó. Đó là một điều tất yếu xưa nay. Thế mà nàng Tiểu Thanh tội nghiệp đến cả những tác phẩm của mình cũng bị người đời ghen ghét đốt đi, tàn nhẫn và lạnh lung đến vô cùng. Còn gì đau đớn hơn thế nữa, xót xa hơn thế nữa. Nguyễn Du đã khóc cho nàng và bật lên những tiếng nói căm hờn.

Cổ kim hận sự thiên nan vấn
( Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được).

Cái hận này là hận cho sự lạnh lung, tàn nhẫn của đời người, hận cho thói true đùa của con tạo “ hận” “ nan” – cay lắm, xót lắm, mà đành kêu trời chứ biết làm thế nào bây giờ. Trời xanh thì khôn cùng vời vợi.

Có thể như đang thấy
 Nguyễn Du trong nước mắt vẫn cười một nụ cười chua đắng đến tận cùng tâm can. Khóc cũng vì một nỗi đau mà cười cũng là vì một nỗi đau. Còn gì ghê gớm hơn thế nữa? Ông khóc, ông cười cho Tiểu Thanh vì đồng thời, ông cũng nhận ra: Mình là ai?

Phong vận kì oan ngã tự cư
(Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lung vì nết phong nhã).

Ông tự xem mình là người cùng một hội với Tiểu Thanh, con người tài hoa bạc mệnh. Cuộc đời của Tiểu Thanh soi sáng tâm hồn của Nguyễn Du, ông thấm thía nỗi đau của khách văn chương đa tài đa nạn. Ông đau với nỗi đau biết mình không tránh khỏi cái sự nghiệt ngã của người cùng hội cùng thuyền giữa biển đời song gió. Nhưng chính nỗi đau ý thức được ấy lại rang buộc gắn kết ông sâu sắc, mạnh mẽ và xót xa hơn bao giờ hết bởi ông biết rằng đó chính là đường đời của mình. Mà con đường trước mắt thì vời vợi, ai biết được rằng ngày mai sẽ ra sao? Đau đớn tận đáy lòng, ông không khỏi kêu lên tiếng than của một trái tim đầy ắp nỗi sầu nhân thế.

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Một nỗi đau thật nhất, không hề giấu diếm, cả cuộc đời ông đã khóc cho người, còn ai hiểu và khóc cho trái tim ông hay không? Khóc cho Tiểu Thanh, ông không khỏi chạnh nghĩ về mình. Tâm lý thường tình của người đời là vậy, dường như bây giờ. 
Nguyễn Du mới thật sự thấy hết nỗi cô đơn của mình, khao khát muốn có người để chia sẻ cùng mình. Lời bộc bạch kết thúc bài thơ, kết thúc những liên tưởng của Nguyễn Du nhưng lại mở ra một thế giới cảm xúc trong lòng người đọc. Tựa như giọt nước mắt cuối cùng của Nguyễn Du, từ từ, nhỏ giọt vào tận đáy lòng.

Độc Tiểu Thanh kí
 – tiếng khóc của người đa tình Nguyễn Du dường như là một dự báo cho tiếng thơ nhân ái và cuộc đời bất hạnh của Nguyễn Du say này. Suốt đời ông khóc cùng người đời, nói lên tiếng nói cảm thương vô hạn cùng thân phận của người đời bằng trái tim xót đau và nhạy cảm. Và trong ông, cái day dứt ấy không bao giờ nguôi ngoai vẫn cứ còn bật lên tiếng khóc thầm, lặng lẽ ủ kín trong nỗi đau đớn, khắc khoải của nhân gian dài dặc.

  

TIẾNG KHÓC CỦA NGUYỄN DU TRONG BÀI THƠ ĐỘC TIỂU THANH KÍ

TIẾNG KHÓC CỦA NGUYỄN DU TRONG BÀI THƠ ĐỘC TIỂU THANH KÍ

Description: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjeAzBHumh25DJIOV5vCq9fNKDSMVDm_hzPdmssZMSyvzV8dBjN7XrLebu7O9DQc0hO8GShCNt5sf45kzNdfRywCsdfsX_4MYTx0s1VSs_KafDs9owjTpWvl9s1wU2CHstirRTq7HCufvg/s200/doc+tieu+thanh+ki.jpg



Đau đớn, xót thương cho mọi số kiếp khổ đau trong nhân gian là tình cảm lớn, xuyên suốt hầu hết sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du. Từ tập đại thànhTruyện Kiều đến Văn tế thập loại chúng sinhPhản Chiêu hồnSở kiến hànhLong Thành cầm giả caĐộc Tiểu Thanh Kí..., ở văn bản nào, chùng ta cũng được chứng kiến nỗi niềm đau đáu khôn nguôi của người nghệ sĩ có con mắt trông thấy sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời (Mộng Liên Đường chủ nhân). Lo đời, thương người, nên suốt đời thơ Nguyễn du là tiếng khóc nhân sinh đau đớn:

 
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư. 
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần sư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn, 
Phong vận kì oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân kháp Tố Như?

Có thể thấy ở hầu hết các sáng tác, Nguyễn Du luôn dành tiếng khóc lớn cho những người phụ nữ khốn khổ, những cô gái tài hoa bạc mệnh. Họ là Thuý Kiều, Đạm Tiên (Truyện Kiều), là người con gái đánh đàn ở đất Long Thành (Long Thành cầm giả ca), là người mẹ nghèo khổ của bầy con nheo nhóc (Sở kiến hành)… Với Độc Tiểu Thanh Kí, Nguyễn Du lại thêm một lần nữa nức nở vì người con gái mang tên Tiểu Thanh. Tiểu Thanh là cô gái sống ở đầu đời Minh (Trung Quốc), tên thật là Phùng Huyền Huyền. Nàng nổi tiếng tài hoa, xinh đẹp nhưng sớm phải đem thân đi làm vợ lẽ họ Phùng. Cuộc đời nàng mang nhiều bi kịch. Tiểu Thanh luôn bị vợ cả của chồng ghen tị. Nàng bị bắt dọn ra núi Cô Sơn để ở. Tiểu Thanh mất khi mới mười tám tuổi. Mọi tư trang, thư tịch của nàng bị người vợ cả đốt hết để hả lòng ghen giận. Nhan đề Độc Tiểu Thanh Kí có thể hiểu là đọc những ghi chép về Tiểu Thanh hoặc đọc tiểu truyện về Tiểu Thanh sau đó ghi lại cảm xúc. Như vậy, có thể hiểu các ghi chép hay tiểu truyện ấy chính là nguyên cớ khiến nhà thơ của chúng ta đau đớn cất lên tiếng thơ ai động đất trời (Tố Hữu).

Đọc bài thơ, bất cứ ai cũng nhận thấy tiếng khóc Nguyễn Du trước hết hướng tới số phận bi kịch của nàng Tiểu Thanh với nỗi niềm cảm thương dào dạt:
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Tây Hồ vốn là một cảnh đẹp thuộc tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc, trước đây vốn là nơi huy hoàng, thịnh vượng (hiểu theo cách giải nghĩa của Từ hải từ nguyên về hai chữ hoa uyển). Câu thơ đầu thể hiện triết lí, sự nhìn nhận khái quát về thời cuộc: sự suy tàn, đổ nát của thời đại (xưa là vườn hoa đẹp, nay thành gò hoang trơ trụi, tiêu điều, tang thương). Sự đổi thay của thiên nhiên, cảnh vật được diễn đạt triệt để thông qua từ tẫn (nghĩa là hếtcùng), nó nhấn mạnh qui luật biến thiên dâu bể. Viết câu thơ này, chắc chắn Nguyễn Du không chỉ thổn thức trước vẻ đẹp của quá khư bị tiêu tan, tàn lụi trước năm tháng thời gian. Dường như nhà thơ còn ngầm ý muốn đặt bi kịch, số phận của người con gái trong mối quan hệ gắn kết với sự tàn lụi của thời đại. Điều này được triển khai cụ thể ở các dòng tiếp theo:
Độc điều song tiền nhất chỉ thư.

Tiếng khóc của Nguyễn Du khởi phát từ nhất chỉ thư (mảnh giấy). Mảnh giấy là vật chứng lưu kí bao tâm sự của một con người. “Mảnh giấy” khác so với “quyển”. Mảnh giấy tàn trước cửa sổ ám chỉ số phận chóng tàn, mỏng manh, khái quát về số phận, giá trị tinh thần bị huỷ hoại, quên lãng, vùi dập, đương nhiên, trong đó có Tiểu Thanh. Người nghệ sĩ đa mang không khóc thương cho những cái trọn vẹn, đầy đặn, mà lại xúc động trước cái mong manh, dở dang gắn liền với số phận của con người bạc mệnh. Điều đặc biệt là không có ai khóc cùng Nguyễn Du. Chữ độc đứng đầu dòng thơ nhấn mạnh tâm thế của tác giả - đó là tâm thế xót thương trong nỗi cô đơn. Chỉ riêng một mình nhà thơ thấm thía về cuộc đời, thân phận mong manh của con người. Suy cho rộng, Tiểu Thanh chính là cái cớ để Nguyễn Du thể hiện triểt lí của mình về “tài mệnh tương đố”. Nói như vậy cũng có nghĩa Nguyễn Du không chỉ khóc thương riêng cho người con gái họ Phùng mà còn khóc cho biết bao thân phận phụ nữ khác:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
(Truyện Kiều)

Nếu như dòng thơ đầu khái quát về sự hoang tàn, đổ nát của thời đại thì dòng thơ thứ hai nói lên thân phận của con người trong thời đại ấy. Đó chính là mỗi tương liên giữa số phận, cuộc đời người con gái này với cuộc biến thiên dâu bể. Từ qui luật mang tầm khái quát, lớn lao, Nguyễn Du đã đi vào trường hợp cụ thể là cuộc đời nàng:
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.

Tiếng khóc của Nguyễn Du dành cho Tiểu Thanh hướng tới hai giá trị cụ thể là chi phấn (son phấn) và văn chương biểu trưng cho vẻ đẹp hình sắc và cái đẹp tâm hồn. Điều này không khó lí giải bới ai cũng biết Tiểu Thanh là người con gái có nhan sắc và hết sức tài hoa. Son phấn có thần nên vẫn phải ôm hận kể cả sau khi chết, văn chương không có thân mệnh cụ thể nhưng phải chịu sự hạnh hạ, phải mang luỵ. Đó là cách chúng ta diễn giải để hiểu rõ hơn về hai dòng thơ này. Tiến sĩ Hán Nôm Hà Minh đã khái quát như sau: Son phấn là thân xác, nó phải chịu nỗi đau tinh thần sau khi chết, văn chương là tinh thần nhưng lại phải chịu nỗi đau thể xác. Như vậy, cái đẹp nói chung đều phải chịu sự chà đẹp. Nỗi đau thể xác và bi kịch tinh thần được đồng nhất trong số phận oan nghiệt của một cuộc đời. Lời thơ đong đầy nỗi niềm tiếc thương, xót xa, đau đớn. Nhan sắc ấy, tài năng ấy có lẽ đâu lại phải chịu đựng sự chà đạp phũ phàng nhường vậy? Phép đối học (chi phấn hữu thần – văn chương vô mệnhliên tử hậu - luỵ phần dư) càng khiến nỗi đau trở nên dai dẳng, mang ý nghĩa nhân loại. Nguyễn Du đã khóc cho bao người con gái như Tiểu Thanh, đã nhỏ lệ cho bao nhiêu số phận cay đắng như náng? Thật khó để kể cho hết. Nhưng có thể hiểu rằng, bất kì sự lụi tàn, đau đớn của một nhan sắc, một tài hoa - nghệ sĩ nào, nước mắt nhà thơ cũng tuôn rơi đầy xót thương và hết sức chân thành. Tiếng khóc Nguyễn Du dành cho Tiểu Thanh cũng chính là tiếng khóc mà nhà thơ dành cho những số kiếp “tài hoa bạc mệnh” như nàng. Sức khái quát của lời thơ, tình yêu thương mênh mông Nguyễn Du dành cho những số kiếp ấy không chỉ dừng lại ở đó:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kì oan ngã tự cư.

Cổ kim hận sự là nỗi hờn về sự bất công của số phận. Nhà thơ nhận thức về quy luật tài hoa bạc mệnh, tài tử đa cùng, người có tài hoa, trí tuệ thì số phận long đong. Đó là nỗi bất công ngự trị từ xưa đến nay, là bi kịch đã được khái quát hoá, được đồng nhất. Mặt khác, chúng ta có thể nhận thấy từ cuộc đòi của một người con gái, nhà thơ muóno hỏi cho rõ nguyên nhân gây nên bi kịch nói chung của thời đại chứ không riêng của dân tộc, thân phận cụ thể nào. Đến đây, có thể cảm nhận rất rõ ràng: tiếng khóc của Nguyễn Du trong Độc Tiểu Thanh Kí không chỉ hướng tới cuộc đời, số phận cụ thể là nàng Tiểu Thanh mà còn hướng tới tất cả những người tài hoa, phong nhã, không phân biệt nam hay nữ (những kẻ phong vận). Tiếng khóc ấy không chỉ chan chứa yêu thương mà còn rất chân thành, xúc động bởi lẽ tác giả đã tự đặt mình vào thế giới của những kẻ phong vận kia. Điều đó chứng tỏ người nghệ sĩ của chúng ta ý thức rất rõ về bản thân mình. Ông nhận mình cũng là người cùng hồi cùng thuyền với Tiểu Thanh: Tráng niên ngã diệc, vi tài tử (Thời trẻ ta cũng có tài). Không phải Nguyễn Du tự ngạo nhưng quả thật đúng như vậy. Số phận của Nguyễn Du, Tiểu Thanh đều bất hạnh như nhau. Tự nhận là người cùng hội cùng thuyền cũng có nghĩa là nhà thơ thừa nhận sự tri âm, đồng điệu giữa những con người tài hoa bạc mệnh. Vậy nên tiếng khóc của Nguyễn Du không phải là tiếng khóc của đấng tu mi nam tử đoái thương cho số phận đàn bà mà là tiếng khóc của người trong cuộc, của những người cùng một lứa bên trời lận đận (Long Thành cầm giả ca). Chưa ai trả lời cho Nguyễn Du được nguyên nhan của bi kịch đó đê rổi khóc cho người thiên cổ, nhà thơ đoái thương cho chính bản thân mình:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Từ hiện tại, Nguyễn Du khóc thương cho quá khứ, cho người trong quá khứa. Và bất chợt nhà thơ tự hỏi ba trăm năm sau sẽ ai khóc thương mình. Thương người, ngẫm bi kịch của người, khóc cho người rồi thương chính bản thân mình, điều đó cho thấy nhà thơ đã tự đặt mình vào số phận chung của những tấn bi kịch. Tiểu Thanh mệnh bạch nhưng ba trăm năm sau cũng có người cùng hội cùng thuyền là Nguyễn Du thương xót. Nỗi đau của náng đã được xoa dịu một chút nơi chín suối. Nhưng liệu răng điều đó có lặp lại với ông? Ba trăm năm chỉ là con số ước lệ. Tri âm, tri kỉ đâu cần đến ba trăm năm mới xuất hiện? Đọc thơ văn Nguyễn Du, cảm nhận sâu sắc tấm lòng vị tha, đa mang của nhà thơ trước cuộc đời, trước con người, bất cứ ai chẳng đồng điệu, chẳng muốn tri âm với ông. Câu hỏi của Nguyễn Du hướng tới tương lại chứ không đặt câu hỏi cho hiện tại, có thể vì ông không tìm thấy sự đồng cảm trong hiện tại. Đó là nỗi buồn sâu lắng về cuộc đời cũng là một triết lí về thuyết tài mệnh tương đố. Ông thương cho người xưa, thương cho chính mình và thương cho cả người sau phải khóc mình. Sẽ còn có những trái tim đa cảm như Nguyễn Du, sẽ còn những giọt nước mắt khóc cho những số phận cay đắng của người nghệ sĩ tài hoa mà mệnh bạc.

Độc Tiểu Thanh Kí là bài thơ xúc động. Người đọc được lắng nghe một tiếng khóc đầy đớn đau, nhức nhối, được chứng kiến một tấm lòng nhân đạo hết sức cao cả của người nghệ sĩ tài hoa đa truân. Nguyễn Du đâu chỉ khóc cho Tiểu Thanh, ông còn khóc cho bao số kiếp hồng nhan bạc mệnh, tài tử đa cùng như nàng, khóc cho quá khứ, hiện tại, tương lai, và khóc cho chính bản thân mình. Trái tim người nghệ sĩ đa cảm này dường như cả cuộc đời chỉ biết đập cho người khác vậy.

 (Sưu tầm)

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Triết lí nhân sinh trong bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm


Triết lí nhân sinh trong bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động của chế độ phong kiến Việt Nam: Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh – Nguyễn phân tranh. Trong những chấn động làm rạn nứt những quan hệ nền tảng của chế độ phong kiến, ông vừa vạch trần những thế lực đen tối làm đảo lộn cuộc sống nhân dân, vừa bảo vệ trung thành cho những giá trị đạo lí tốt đẹp qua những bài thơ giàu chất triết lí về nhân tình thế thái, bằng thái độ thâm trầm của bậc đại nho. Nhàn là bài thơ Nôm nổi tiếng của nhà thơ nêu lên quan niệm sống của một bậc ẩn sĩ thanh cao, vượt ra cái tầm thường xấu xa của cuộc sống bon chen vì danh lợi.
Nhà thơ đã nhiều lần đứng trên lập trường đạo đức nho giáo để bộc lộ quan niệm sống của mình. Những suy ngẫm ấy gắn kết với quan niệm đạo lí của nhân dân, thể hiện một nhân sinh quan lành mạnh giữa thế cuộc đảo điên. Nhàn là cách xử thế quen thuộc của nhà nho trước thực tại, lánh đời thoát tục, tìm vui trong thiên nhiên cây cỏ, giữ mình trong sạch. Hành trình hưởng nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm trong qui luật ấy, tìm về với nhân dân, đối lập với bọn người tầm thường bằng cách nói ngụ ý vừa ngông ngạo, vừa thâm thúy.
Cuộc sống nhàn tản hiện lên với bao điều thú vị :
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ngay trước mắt người đọc sẽ hiện lên một Nguyễn Bỉnh Khiêm thật dân dã trong cái bận rộn giống như một lão nông thực thụ. Nhưng đó là cả một cách chọn lựa thú hưởng nhàn cao quí của nhà nho tìm về cuộc sống “ngư, tiều, canh, mục” như một cách đối lập dứt khoát với các loại vui thú khác, nhằm khẳng định ý nghĩa thanh cao tuyệt đối từ cuộc sống đậm chất dân quê này! Dáng vẻ thơ thẩn được phác hoạ trong câu thơ thật độc đáo, mang lại vẻ ung dung bình thản của nhà thơ trong cuộc sống nhàn tản thật sự. Thực ra, sự hiện diện của mai, cuốc,cần câu chỉ là một cách tô điểm cho cái thơ thẩn khác đời của nhà thơ mà thôi. Những vật dụng lao động quen thuộc của người bình dân trở thành hiện thân của cuộc sống không vướng bận lo toan tục lụy. Đàng sau những liệt kê của nhà thơ, ta nhận ra những suy nghĩ của ông không tách rời quan điểm thân dân của một con người chọn cuộc đời ẩn sĩ làm lẽ sống của riêng mình. Trạng Trình đã nhìn thấy từ cuộc sống của nhân dân chứa đựng những vẻ đẹp cao cả, một triết lí nhân sinh vững bền
Đó cũng là cơ sở giúp nhà thơ khẳng định một thái độ sống khác người đầy bản lĩnh:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người kiếm chốn lao xao
Hai câu thực là một cách phân biệt rõ ràng giữa nhà thơ với những ai , những vui thú nào về ranh giới nhận thức cũng như chỗ đứng giữa cuộc đời. Phép đối cực chuẩn đã tạo thành hai đối cực : một bên là nhà thơ xưng Ta một cách ngạo nghễ, một bên là Người ; một bên là dại của Ta, một bên làkhôn của người ; một nơi vắng vẻ với một chốn lao xao. Đằng sau những đối cực ấy là những ngụ ý tạo thành phản đề khẳng định cho thái độ sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bản thân nhà thơ nhiều lần đã định nghĩa dại – khôn bằng cách nói ngược này. Bởi vì người đời lấy lẽ dại – khôn để tính toán, tranh giành thiệt hơn, cho nên thực chất dại – khôn là thói thực dụng ích kỷ làm tầm thường con người, cuốn con người vào dục vọng thấp hèn. Mượn cách nói ấy, nhà thơ chứng tỏ được một chỗ đứng cao hơn và đối lập với bọn người mờ mắt vì bụi phù hoa giữa chốn lao xao . Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chủ động trong việc tìm nơi vắng vẻ – không vướng bụi trần. Nhưng không giống lối nói ngược của Khuất Nguyên thuở xưa « Người đời tỉnh cả, một mình ta say » đầy u uất, Trạng Trình đã cười cợt vào thói đời bằng cái nhếch môi lặng lẽ mà sâu cay, phê phán vào cả một xã hội chạy theo danh lợi, bằng tư thế của một bậc chính nhân quân tử không bận tâm những trò khôn - dại . Cũng vì thế, nhà thơ mới cảm nhận được tất cả vẻ đẹp của cuộc sống nhàn tản :
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Khác hẳn với lối hưởng thụ vật chất đắm mình trong bả vinh hoa, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thụ hưởng những ưu đãi của một thiên nhiên hào phóng bằng một tấm lòng hoà hợp với tự nhiên. Tận hưởng lộc từ thiên nhiên bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, nhà thơ cũng được hấp thụ tinh khí đất trời để gột rửa bao lo toan vướng bận riêng tư . Cuộc sống ấy mang dấu ấn lánh đời thoát tục, tiêu biểu cho quan niệm « độc thiện kỳ thân » của các nhà nho . đồng thời có nét gần gũi với triết lí « vô vi » của đạo Lão, « thoát tục » của đạo Phật. Nhưng gạt sang một bên những triết lí siêu hình, ta nhận ra con người nghệ sĩ đích thực của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hoà hợp với tự nhiên một cách sang trọng bằng tất cả cái hồn nhiên trong sạch của lòng mình . Không những thế, những hình ảnh măng trúc, giá, hồ sen còn mang ý nghĩa biểu tượng gắn kết với phẩm chất thanh cao của người quân tử, sống không hổ thẹn với lòng mình. Hoà hợp với thiên nhiên là một Tuyết Giang phu tử đang sống đúng với thiên lương của mình. Quan niệm về chữ Nhàn của nhà thơ được phát triển trọn vẹn bằng sự khẳng định :
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Mượn điển tích một cách rất tự nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói lên thái độ sống dứt khoát đoạn tuyệt với công danh phú quý. Quan niệm ấy vốn dĩ gắn với đạo Lão – Trang, có phần yếm thế tiêu cực, nhưng đặt trong thời đại nhà thơ đang sống lại bộc lộ ý nghĩa tích cực. Cuộc sống của những kẻ chạy theo công danh phú quý vốn dĩ ông căm ghét và lên án trong rất nhiều bài thơ về nhân tình thế thái của mình :
Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm đến, khó thì lui
(Thói đời)
Phú quý đi với chức quyền đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là cuộc sống của bọn người bạc ác thủ đoạn, giẫm đạp lên nhau mà sống. Bọn chúng là bầy chuột lớn gây hại nhân dân mà ông vô cùng căm ghét và lên án trong bài thơ Tăng thử (Ghét chuột) của mình. Bởi thế, có thể hiểu thái độ nhìn xem phú quý tựa chiêm bao cũng là cách nhà thơ chọn lựa con đường sống gần gũi, chia sẻ với nhân dân. Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao của người bình dân đáng quý đáng trọng vì đem lại sự thanh thản cũng như giữ cho nhân cách không bị hoen ố vẩn đục trong xã hội chạy theo thế lực kim tiền. Cội nguồn triết lí của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn liền với quan niệm sống lành vững tốt đẹp của nhân dân.
Bài thơ Nhàn bao quát toàn bộ triết trí, tình cảm, trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bộc lộ trọn vẹn một nhân cách của bậc đại ẩn tìm về với thiên nhiên, với cuộc sống của nhân dân để đối lập một cách triệt để với cả một xã hội phong kiến trên con đường suy vi thối nát. Bài thơ là kinh nghiệm sống, bản lĩnh cứng cỏi của một con người chân chính./.
Cô Huỳnh Thị Thanh Xuân giới thiệu