Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

NGHĨ THÊM VỀ TRUYỆN NGẮN CHÍ PHÈO

NGHĨ THÊM VỀ TRUYỆN NGẮN CHÍ PHÈO
                                                    
                                                                  
 Truyện ngắn Chí Phèo là kiệt tác của đời văn Nam Cao ra đời năm 1941 và đã có mặt trong chương trình Ngữ văn THPT hàng chục năm nay. Giới nghiên cứu, giảng dạy đã có rất nhiều bài viết bàn luận về truyện ngắn bất hủ này, thế nhưng đến nay vẫn còn đó những vấn đề chưa được lí giải một cách thấu đáo. Tiếp nối những người đi trước, tác giả bài viết này xin được bàn thêm về giá trị tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn này.

1. Kết cấu không đơn thuần là hình thức mà còn mang chức năng tạo nghĩa

            Về phương diện cốt truyện, truyện ngắn truyền thống thường có kết cấu cốt truyện theo trình tự tuyến tính, sự kiện xảy ra trước kể trước, sự kiện xảy ra sau kể sau. Trong truyện ngắn Chí Phèo Nam Cao sử dụng kiểu cốt truyện gấp khúc; trật tự chuyện kể bị đảo ngược, sự việc xảy ra trước được kể sau, sự việc xảy ra sau nhảy cóc lên trước, quan hệ nhân – quả không còn được duy trì. Truyện được mở đầu bằng một trạng huống ở thì hiện tại, khi nhân vật trung tâm – Chí Phèo đã bị tha hóa và trở thành con quỹ dữ của làng Vũ Đại. Việc đảo lộn trật tự sự kiện, đưa hình tượng Chí Phèo ở đỉnh điểm của sự tha hóa lên đầu truyện đã tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ nhất định. Thứ nhất, nhà văn muốn thể hiện ý đồ nhấn mạnh, khắc sâu bi kịch đời sống hiện tại của nhân vật Chí Phèo, hướng nhãn lực người đọc tập trung vào khám phá cuộc đời chí Phèo – nơi quy tụ tư tưởng nghệ thuật của nhà văn trong truyện ngắn này. Thứ hai, nhà văn đã ngầm ý đặt ra cho người đọc một câu hỏi cần được giải đáp: vì sao Chí Phèo lại trở nên hư đốn như vậy? Thứ ba, hiện tại hết sức bi kịch của Chí Phèo được đặt trong quan hệ đối trọng với quá khứ hiền lương của nhân vật này sẽ giúp tác giả lên án sự tàn nhẫn của chế độ xã hội. Thứ tư, việc đảo lộn trật tự sự kiện trong cốt truyện có tác dụng hiện tại hóa những chuyện được kể.
Về kết cấu nhân vật, Nam Cao mở đầu cuộc đời Chí Phèo bằng hình ảnh đứa trẻ bị bỏ rơi bên cái lò gạch cũ, và khi Chí Phèo chết, cái xuất xứ đau thương của Chí Phèo lại một lần nữa hiển hiện qua chi tiết Thị Nở nhìn xuống bụng của mình và nghĩ đến hình ảnh cái lò gạh cũ bỏ không. Chí Phèo chết thì một Chí Phèo con lại sắp sửa ra đời. Nam cao đã nhìn thấy bi kịch của người nông dân nhưng ông vẫn chưa nhìn thấy hướng mở để giải phóng người nông dân ra khỏi bi kịch đó. Nếu so sánh truyện Chí Phèo của Nam Cao với Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) vàVợ nhặt (Kim Lân) chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự bế tắc của người nông dân trong sáng tác của Nam Cao. Nếu Tô Hoài và Kim Lân bước đầu đã hé lộ đường thoát cho người nông dân bằng cách đi theo cách mạng, thì ở Chí Phèongười nông dân vẫn còn trong vùng luẩn quẩn. Đó chính là hạn chế của thời đại được Nam cao phản ánh trong tác phẩm của mình.

            Về kết cấu thời gian nghệ thuật, trong tác phẩm Chí Phèo, giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật có một độ chênh khá lớn. Thời gian được trần thuật là cả cuộc đời của Chí Phèo, còn thời gian trần thuật tính từ khi “Hắn vừa đi vừa chửi…” cho đến kết thúc truyện chỉ vẻn vẹn sáu ngày. Nếu thời gian trần thuật được Nam Cao bắt đầu từ chỗ “Hắn vừa đi vừa chửi” cho đến câu kết thúc truyện, thì thời gian được trần thuật lại có thể được người đọc chúng ta kể lại bắt đầu từ xuất xứ của Chí Phèocho đến lúc nhân vật này giết chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình. Nhịp độ thời gian trần thuật trong tác phẩm Chí Phèo thay đổi trong từng đoạn văn, từng tình huống. Những đoạn miêu tả cảnh Chí Phèo say rượu dưới trăng thì thời gian như được kéo dài ra. Cảnh Chí Phèo giết Bá Kiến lại được tác giả thể hiện với tốc độ cực nhanh. Những lúc tác giả miêu tả về hình dạng các nhân vật thì thời gian chậm lại, dường như là dừng lại (đoạn văn kể Chí Phèo ngay sau khi ở tù về). Những đoạn nói về quãng đời quá khứ của Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức thì tác giả lại lướt qua rất nhanh. Chẳng hạn như đoạn “Không biết tù mấy năm, nhưng hắn đi biệt tăm đến bảy tám năm, rồi một hôm hắn lại lù lù ở đâu trở về. Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng săng đá”. Trong trường hợp này tác giả đã dùng hình thức tĩnh lược, sự tĩnh lược này thể hiện một cách gián tiếp qua sự thay đổi của Chí Phèo so với lúc chưa đi ở tù. Chỉ cần vài câu ngắn gọn thế nhưng Nam Cao đó giúp người đọc hình dung được cả một quãng đời của Chí Phèo, đồng thời cũng đã thể hiện được sự nghiệt ngã của xã hội đã đẩy con người đến cảnh bị tha hoá. Đọc Chí Phèo chúng ta thấy có một chi tiết rất thú vị, đó là đoạn văn: “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Nếu đứng ở thời điểm sau khi Chí đã ở tù về thì đó là thời gian quá khứ. Nếu đứng ở thời điểm Chí còn làm canh điền cho nhà Bá Kiến thì đó là tương lai, là mơ ước của Chí Phèo. Hay đoạn văn kết thúc truyện: “…thị nhìn trộm bà cô, rồi nhìn ngay xuống bụng… Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua”. Trong cả hai đoạn văn vừa trích dẫn, quá khứ - hiện tại và tương lai như hoà nhập làm một.
            Đến đây, chúng ta có thể  thấy rõ giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật có một độ chênh khá lớn. Để đạt được điều đó, Nam Cao đã theo nguyên tắc liên tưởng, hồi tưởng, và cả theo quy luật tương đồng, tương phản (tương phản giữa quá khứ - hiện tại của Chí Phèo, tương phản giữa ước mơ cuộc sống yên bình trong quá khứ với hiện tại tối tăm trong cuộc đời Chí). Sự tương phản này thể hiện sự biến đổi, tha hoá của Chí Phèo, đồng thời cũng thể hiện cách nhìn và thái độ của nhà văn trước hiện thực cuộc sống. Tương đồng ở chỗ quá khứ, hiện tại và tương lai nhiều lúc như hoà làm một. Điều này càng làm cho sức khái quát cuộc sống của tác phẩm cao hơn. Nhịp điệu thời gian trong tác phẩm rất hấp dẫn. Những đoạn kể về quá khứ của nhân vật thì thời gian lướt qua rất nhanh, những đoạn kể về thời điểm hiện tại thì thời gian như bị cô đặc lại, ông chú ý kể một cách cụ thể, sinh động và sâu sắc về cuộc sống ở thời điểm hiện tại của nhân vật. Có thể hình dung nhịp điệu thời gian trong truyện Chí Phèo theo cấu trúc: căng dần - đỉnh điểm - chùng dần - căng dần. Nguyễn Thái Hoà - tác giả cuốn sáchNhững vấn đề thi pháp của truyện gọi đó là “cấu trúc làn sóng”.
Về cách kết thúc truyện, Nam cao đã không đi theo lỗi mòn xưa cũ, không chọn một cái kết có hậu, nhưng vì thế mà truyện ngắn này lại có giá trị hiện thực sâu sắc và chân thực hơn, khách quan hơn. Trong truyện ngắn Chí Phèo có ba nhân vật chính. Bên cạnh Chí Phèo là nhân vật trung tâm còn có hai nhân vật có quan hệ trực tiếp với Chí Phèo là bá Kiến và Thị Nở. Chí Phèo kết thúc cuộc đời khốn khổ khốn nạn bằng chính lưỡi dao của mình. Bá Kiến nổi danh với bản chất tham lam và tàn nhẫn với đầy mưu ma chước quỷ cuối cùng cũng bị tiêu giệt bởi Chí Phèo – sản phẩm do chính Bá Kiến trực tiếp tạo ra; còn Thị Nở - người đàn bà có ngoại hình xấu xí nhưng tiềm ẩn khát vọng hạnh phúc cũng có kết cục bất hạnh. Đọc lại một số truyện ngắn khác của Nam Cao cũng không thấy có một nhân vật nào được hạnh phúc tròn vẹn cả. Truyện của ông không một kết thúc có hậu, không một mảnh đời yên lành, không một cuộc tình êm ả, không có gì tròn trịa, nguyên vẹn. Chỉ có cái chết và sự tàn lụi mà thôi. Nam Cao từng quan niệm: “cuộc đời là một tấm áo cũ bị xé rách tả tơi”, kết cục bi kịch của ba nhân vật này là một minh chứng rõ ràng cho quan niệm đó. 

          2. Hành trình số phận nhân vật Chí Phèo và chiều sâu hiện thực, nhân đạo của tác phẩm.

2.1. Từ xuất xứ, lai lịch bị mờ hóa
          Đã có một thời người ta bàn luận rất nhiều về vấn đề xuất xứ, lai lịch của nhân vật Chí Phèo. Người cho rằng Bá Kiến là cha, còn vợ Binh Chức là mẹ của Chí Phèo; cũng có người bảo không phải thế. Chúng tôi xin có vài suy nghĩ thêm về gốc gác của nhân vật này.
            Trong truyện, khi Chí Phèo uống rượu rồi đến gây lộn với Lí Kiến, con trai của cụ Bá, Bá kiến đã bảo với Chí rằng: “Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì, ta nói chuyện tử tế với nhau. Cần gì mà phải thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả”. Tiếp sau đó Bá Kiến lại bảo: “... Chỉ tại thằng Lí Cường nóng tính, không nghĩ trước nghĩ sau. Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy”. Theo lời của Bá Kiến một số người đã cho rằng Bá Kiến chính là cha của Chí Phèo. Nếu vậy thì Bá Kiến quả là người vô cùng độc ác, tàn nhẫn. Chỉ vì sợ tai tiếng mà nỡ tâm vứt bỏ cả con đẻ của mình ngay từ khi nó vừa lọt lòng. Thực ra, Bá Kiến là tay đầy mưu ma chước quỷ, những lời ngọt ngào đường mật của hắn chỉ là để xoa dịu cơn nóng giận của Chí Phèo thôi. Những lời nói của hắn chưa đủ cơ sở để kết luận hắn là cha đẻ của Chí Phèo. Nếu không phải Bá Kiến thì ai là cha của Chí Phèo? Truyện được Nam Cao viết trên cơ sở người thật việc thật ở làng Đại Hoàng (trong truyện, tác giả gọi là làng Vũ Đại). Vậy cha mẹ Chí Phèo có thể là một cặp vợ chồng nông dân nào đó? Nếu trường hợp này cũng không phải, thì phải chăng cha mẹ của Chí là một đôi nam nữ nào đó? Theo văn bản truyện ngắn Chí Phèo thì cả ba giả thiết trên đều không có cơ sở. Thiết nghĩ, cho dù cha mẹ của Chí Phèo là ai đi nữa (điều này không quyết định giá trị tác phẩm), nhưng có một điều chắc chắn: Chí là đứa con của làng Vũ Đại. Nam Cao một mặt cố tình đề cập đến xuất xứ của Chí Phèo nhưng mặt khác ông lại mờ hóa gốc gác của nhân vật này. Cái lai lịch không rõ ràng, không trong sáng của Chí Phèo đã phần nào thể hiện sự mai một, suy đồi của văn hóa làng truyền thống. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện thực tàn lụi đó? Không ai khác ngoài chế độ hà khắc của bọn cường quyền như Bá Kiến và của chế độ thực dân nửa phong kiến thời bấy giờ. Có cảm nhận được sự mai một, tan rã của văn hóa sống nơi làng Vũ Đại thì mới thấy hết giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm.
Điểm xuất phát của cuộc đời Chí Phèo là ở cái lò gạch cũ. “Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương, đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và đem cho một người đàn bà góa mù. Người đàn bà góa mù này bán hắn cho một bác phó cối không con, và khi bác phó cối này chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ”. Vậy là, ở cái làng Vũ Đại – không gian thu nhỏ của xã hội Việt Nam thời bấy giờ, người nông dân như những đồ vật có thể đem cho, mua bán hoặc bị bóp chẹt đường sống ngay từ khi mới lọt lòng. Hiểu như thế mới thấy được sức công phá mạnh mẽ của truyện ngắn này đối với chế độ thực dân nửa phong kiến thời bấy giờ.
2.2. Đến bi kịch bị lưu manh hóa và bị cự tuyệt quyền làm người
          Năm hai mươi tuổi Chí làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Thủa ấy, Chí từng có một ước mơ rất giản dị và cũng rất đáng trân trọng: “... có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Cái ước mơ giản dị ấy cho thấy Chí vốn là người mang bản tính lương thiện. Còn nữa, cái thời Chí đi ở cho nhà Bá Kiến, “mấy lần bà ba nhà ông lí còn trẻ lắm mà lại cư hay ốm lửng bắt hắn bóp chân, xoa bụng, đấm lưng gì đấy”. Chí là một thanh niên lực điền, “hai mươi tuổi người ta không là đá nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt”. Thế nhưng đối diện với anh ta là một bà Ba đầy khát khao nhục dục, chí chỉ thấy “nhục nhiều hơn là thích”. Thì ra, trong con người nông dân dưới đáy xã hội này còn có một “con người văn hóa”. Cái văn hóa sống lương thiện và trong sạch trong Chí đủ mạnh để chế ngự lên nhu cầu bản năng tầm thường. Thử hỏi, nếu đặt vào hoàn cảnh của Chí lúc đó thì mấy ai vượt qua được cám dỗ này?! Làm người lương thiện thì ai chẳng muốn, nhưng lương thiện được như Chí thì có ai bằng. Đấy, Chí Phèo vốn đẹp là thế, trong sáng lương thiện là thế, nhưng cũng chỉ vì cái việc bị bà Ba bắt ép bóp đùi xoa bụng ấy mà Chí đành bỏ dở ước mơ để đi ở tù đến bảy, tám năm sau mới trở về làng. Thì ra, ở cái xã hội bấy giờ, pháp luật và sự công bằng chỉ thuộc về giai cấp thống trị, chỉ thuộc về kẻ mạnh.
Sau khi ở tù về, con người Chí Phèo vốn hiền lành, lương thiện đã biến mất, thay vào đó là một Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Đó là sản phẩm của chế độ thực dân nửa phong kiến. Chính xã hội ấy đã tha hóa, lưu manh hóa con người, biến con người trở thành thú vật. Nghĩa là đi ngược lại với quy luật phát triển của xã hội. Thật đúng là xã hội “chó đểu” như lời Vũ Trọng Phụng từng nói.
         Bát cháo hành thấm đượm tình người của Thị Nở đã đưa Chí từ thú dữ trở về với cõi người lương thiện. Từ chỗ suốt ngày này qua ngày khác chìm trong rượu, và chửi bới, phá phách, không ý thức nổi mình bao nhiêu tuổi, khi gặp Thị mọi chuyện đã khác. Chí biết cảm nhận cuộc sống sôi động bên ngoài, biết hồi tưởng quá khứ và biết hy vọng tương lai, biết cô đơn và sợ cô đơn, biết hối hận và mong làm hòa với mọi người. Qua đây Nam Cao muốn khẳng định với người đọc rằng: bản chất của con người là lương thiện, chỉ tại xã hội làm hỏng con người mà thôi. Dù có bị đè nén thế nào đi nữa, nơi đáy sâu tâm hồn con người vẫn lấp lánh ánh sáng của lương tri. Đó là sự biểu hiện cho giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Nhưng không dừng lại ở đó, Nam Cao còn muốn gửi tới người đọc một thông điệp rằng: con người hãy đến với nhau bằng tình thương yêu. Xã hội đã bất công, ngang trái và lạnh lùng với con người, thì con người phải sưởi ấm cho nhau bằng tình yêu thương ấm áp, như thế cuộc sống này mới trở nên tốt đẹp và ý nghĩa. Quả không sai khi Đôtxtôiépxki nói: “Cái đẹp cứu vớt nhân thế”!
Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, con người thật trong Chí đã trở về. Đây là lúc mà Chí khao khát được làm người lương thiện hơn bao giờ hết. Nhưng ai cho anh ta lương thiện khi mà trên khuôn mặt đầy những vết sẹo, khi mà hình ảnh con quỹ dữ Chí Phèo đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân ở làng Vũ Đại. Ngay cả người phụ nữ xấu đến ma chê quỷ hờn như Thị mà vẫn khước từ Chí, vậy thì Chí làm sao về lại với cuộc đời lương thiện được nữa. Đây chính là đỉnh điểm của bi kịch, khi Chí đã bị cự tuyệt quyền làm người.

2.3. Cuối cùng là cái chết – giải pháp cho cuộc đời khốn khổ của Chí Phèo.  

        Khi bị Thị Nở cự tuyệt, Chí Phèo không có ý định đi đến nhà Bá kiến và cũng không có ý định giết chết Bá kiến. Nhưng không hiểu sao trên đường đi Chí lại không vào nhà Thị Nở để giết chết “con khọm già” – bà cô của Thị Nở như ý định ban đầu, mà lại đi thẳng đến nhà Bá Kiến, rồi giết Bá Kiến và tự vẫn. Hành động ấy một mặt đã cho thấy sự bế tắc không lối thoát của người nông dân thời bấy giờ; mặt khác thể hiện niềm khát vọng kín đáo của nhà văn Nam Cao: người nông dân không thể chịu đè nén mãi nữa, họ phải đứng dậy đấu tranh quyết liệt, chống lại bọn cường hào ác bá để giành quyền sống cho mình. Thêm nữa, Nam Cao còn cho thấy rằng trong sâu thẳm tâm hồn người nông dân không chỉ có bản chất lương thiện, mà còn tiềm tàng cả một nguồn năng lượng tranh đấu mãnh liệt. Tiếc rằng, năng lượng ấy chưa được thể hiện một cách rõ ràng và chưa do sự điều khiển của ý thức, nên người nông dân vẫn bị trói chặt trong vòng lao khổ.
            Cái chết của Chí Phèo vừa kết thúc một cuộc đời bi kịch, vừa hé lộ một con đường sống cho những người nông dân, gợi cho người nông dân tranh đấu chống lại bè lũ cường quyền để giành quyền sống cho mình. Cái chết của Chí Phèo cũng khẳng định bản chất tốt đẹp của con người. Nếu Chí Phèo không tự vẫn thì anh ta vẫn sống, sống đời sống quỹ dữ. Nhưng anh ta đã tự vẫn trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện. Một bên là danh dự con người lương thiện, một bên là tính mạng của một “người vật”, Chí Phèo đã tự vẫn, nghĩa là nhân phẩm con người được coi trọng hơn cả tính mạng. Đành rằng, hành động Chí Phèo giết Bá Kiến và tự vẫn chưa phải là sản phẩm của sự trỗi dậy ý thức trong con người của Chí, nhưng Nam cao để Chí kết thúc cuộc đời như vậy cũng là một cách để thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Đối với người nông dân, cái chết của Chí Phèo là sự kết thúc một chuỗi dài bi kịch, còn xét về mặt nghệ thuật kết cấu, cái kết này đã góp phần khiến cho truyện ngắn Chí Phèo trở nên hoàn hảo.
*
*       *
         Nam Cao đã hy sinh hàng chục năm rồi, nhưng truyện ngắn Chí Phèo thì vẫn còn sống mãi với người đọc. Riêng tôi, cứ mỗi lần đọc lại Chí Phèo là một lần bị ám ảnh bởi câu nói đầy xót xa đau đớn của nhân vật Chí Phèo: “Ai cho tao lương thiện?”. Ám ảnh ấy gợi cho tôi phải suy nghĩ thêm về truyện ngắn này, và tôi nhận ra rằng: giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm không dừng lại ở những kết luận mà lâu nay nhiều sách vở đã bàn luận, mà sâu sắc hơn nhiều! Bài viết này chỉ có tham vọng viết thêm về những điều mới mẻ trong một tác phẩm vỗn đã hết sức quen thuộc. Xin được chân thành chia sẻ cùng bạn đọc.


                                               
                                                                        Hà Tĩnh, tháng 5/2013
                                                                                    Nguyễn Trọng Đức

                                                                 GV Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh

  

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

HẠNH PHÚC CỦA MỘT TANG GIA: ĐÁM TANG GIẢ, NIỀM VUI THẬT- NGUYỄN THÀNH THI

Published on 06/27,2011
  NGUYỄN THÀNH THI
1. Ở đời, có mấy ai là “sung sướng”, “hạnh phúc”, “vui vẻ” trước cái chết của con người, trừ khi đó là cái chết của kẻ thù không đội trời chung. Huống chi đó lại là cái chết của người thân, là sự ra đi của các đấng sinh thành, thì làm sao có thể lấy làm hạnh phúc được? Thế mà kỳ lạ và mỉa mai thay, có một “tang gia” trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng lại “hạnh phúc” thật, lại nhiều người sung sướng lắm”, lại “ai cũng vui vẻ cả”…!
Nghệ thuật trào phúng, suy cho cùng, là nghệ thuật phát hiện và diễn tả được những cái bất thường, kỳ dị chứa đựng trong nó mâu thuẫn trào phúng, rồi cường điệu, phóng to những cái bất thường, kỳ dị ấy lên để gây cười. Viết về cái “tang gia” “hạnh phúc” trong tiểu thuyết của mình, nhà văn của “rừng cười nhiệt đới” đã tỏ ra rất thoải mái, ung dung trong khi làm chủ thứ nghệ thuật này. Thậm chí, ông còn nắm được nhiều bí quyết tạo tiếng cười. Chỉ cần đọc kĩ một chương, chương XV chẳng hạn, cũng thấy rõ điều này.
Nội dung chương truyện có thể tóm tắt như sau:
Cụ Tổ họ Hồng đã ngoài tám mươi tuổi mà cứ “sống mãi” (!) Đám con cháu hám danh hám lợi trong nhà chỉ mong cho ông lão này sớm chết. Ước mong này thành hiện thực khi Xuân Tóc Đỏ – trong một lần “nổi giận” vì tự ái, đã om sòm “tố cáo” trước mặt mọi người rằng ông Phán dây thép, cháu rể cụ Tổ (chồng cô Hoàng Hôn) là “một người chồng mọc sừng”. Việc tố cáo đó – thực ra, do ông Phán dây thép thuê Xuân làm với giá 10 đồng – đã trực tiếp gây ra cái “chết thật” của cụ cố Tổ và có cái đám tang kì lạ này.
Tên đầy đủ của chương truyện này có vẻ rườm rà và thiếu mạch lạc một cách đầy dụng ý: Hạnh phúc của một tang gia – Văn Minh nữa cũng nói vào – Một đám ma gương mẫu. Thật là một cái tên xứng với những gì mà nhà văn miêu tả, trần thuật và muốn nói trong chương truyện. Nó chứa đựng cái bất thường mang mâu thuẫn trào phúng (“Hạnh phúc của một tang gia…”.), nó dự báo những bất đồng giữa “phái trẻ”, “phái già” cần phải hòa giải (Văn Minh nữa cũng nói vào…), và nó bao hàm cả cái “chuẩn mực” đáng hãnh diện và đáng cho những đám ma khác phải noi theo (Một đám ma gương mẫu).
Tuy nhiên, chỉ riêng sáu chữ Hạnh phúc của một tang giathôi cũng đã cô đặc trong đó những cái bất thường và những mâu thuẫn trào phúng của toàn bộ màn hài kịch hoành tráng mà các nhân vật Số đỏ đang diễn trong chương này.
Mất người thân là mất mát không gì bù đắp được, nỗi buồn của tang gia thường được xem là nỗi buồn sâu sắc nhất – thành ngữ dân gian thường ví von “buồn như cha chết”, “buồn như nhà có đám”; còn chủ nhân những nhà có đám tang thường được xem là “khổ chủ” – cho nên, hai chữ tang gia thường gợi lên cả một cộng đồng gia đình khổ đau, bất hạnh.
Nhưng cái tang gia này thì lại không thế: Cả tang gia ai cũng hạnh phúc, vui sướng. Niềm hạnh phúc, vui sướng toát ra từ không khí và bức tranh toàn cảnh của đám tang, đặc biệt là những nhận xét, những lời bình, lời kể hài hước của tác giả, kiểu như “Cái chết kia làm cho nhiều người sung sướng lắm” hay “tang gia ai cũng vui vẻ cả”, “người ta tưng bừng đi đưa giấy cáo phó, thuê kèn đám ma”,… được sử dụng khá dày đặc trong đoạn trích.
Niềm hạnh phúc, vui sướng của tang gia, khi thì lộ liễu, khi lại kín đáo, toát ra từ từng khuôn mặt khôi hài, tạo thành những bức biếm họa độc đáo. Ông Phán-mọc-sừng, ông cháu rể “quý hóa” của “người chết” thì sung sướng vì với sự giúp đỡ của Xuân Tóc Đỏ, kế hoạch tận dụng sự hoang dâm tai tiếng của vợ ông làm vũ khí “đào mỏ”, đã thành công mỹ mãn không ngờ. Nhờ có cái “chết thật” của ông nội vợ mà ông cháu rể này “đã được cụ cố Hồng nói nhỏ vào tai rằng sẽ chia cho con gái và rể thêm một số tiền là vài nghìn đồng”. Chính ông ta cũng “không ngờ rằng giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta mà lại to đến như thế”.
Cụ cố Hồng, ông con trai trưởng “chí hiếu” của “người chết” thì sung sướng đến ngây ngất, vì nhờ cái “chết thật” của cha mình, nhờ có đám tang này mà cái danh giá sang trọng của ông sẽ được nâng lên nhiều bậc. Cụ “nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: – Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!”. Và, “cụ chắc cả mười phần rằng ai cũng phải ngợi khen một cái đám ma như thế, một cái gậy như thế…”.
Văn Minh (chồng), ông cháu đích tôn “chí hiếu” của “người chết” thì chỉ nóng lòng “mời luật sư đến chứng kiến cái chết của ông nội mà thôi”. Ông sung sướng, vì nhờ cái “chết thật” của ông nội mình mà “cái chúc thư” chia của kia sẽ có hiệu lực thật sự “chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa”.
Rồi, cậu Tú Tân sung sướng vì nhờ cái “chết thật” của ông nội mà sắp được dùng đến mấy cái máy ảnh mới mua; Văn Minh (vợ) sung sướng bởi sắp được chưng diện mốt tang phục mới; ông Typn sung sướng bởi được báo chí lăng xê các mẫu thời trang mà ông dày công thiết kế cho đám tang, v.v.
Con cháu trong nhà, mỗi người một niềm hạnh phúc riêng đã đành, ngay đến các ông cảnh sát Min Đơ, Min Toa cũng nhờ cái “chết thật” của cụ tổ mà được thơm lây: họ “sung sướng cực điểm”, “vì được có đám thuê”, “đã trông nom rất hết lòng”.
Sư cụ Tăng Phú thì “sung sướng và vênh váo ngồi trên một chiếc xe, vì sư cụ chắc rằng trong số thiên hạ đứng xem ở các phố, thế nào cũng có người nhận ra rằng sư cụ đã đánh đổ được Hội Phật giáo…”
Cụ bà thì “sung sướng vì ông đốc Xuân đã không giận mà lại giúp đám, phúng viếng đến thế, và đám ma như thế kể đã là danh giá nhất tất cả”.
Đó là chưa kể, các “giai thanh gái lịch” Hà thành, nhờ có đám tang mà được “chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau,…”; các quý ông “tai to mặt lớn” thì được dịp phô diễn râu ria đủ kiểu trên cằm trên mép, khoe huân chương, huy chương đủ hạng trên ngực, trên mình v.v.
Thậm chí, đến cả “cụ tổ” cũng nhờ cái “chết thật” của chính mình mà được sung sướng:
Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…!
Nỗi sung sướng, hạnh phúc bất thường, kỳ dị, thậm chí quái gở này, qua ngòi bút Vũ Trọng Phụng, như có sức lây lan rất rộng, rất sâu: từ người bề trên đến người bề dưới, từ người trong tang gia đến người ngoài tang gia, từ “khổ chủ” đến khách “đi đưa” đám, từ người sống đến “người chết”. Nó lại được duy trì bền bỉ đậm đặc từ hết trang nọ tới trang kia theo diễn biến của đám tang, từ lúc “phát phục” đến khi “cất đám”, “đưa đám”, và đến cả khi “hạ huyệt”.
Xem thế đủ thấy niềm hạnh phúc mà cái chết kia mang lại thật là vô bờ bến và niềm sung sướng đúng là không còn bỏ sót ai. Vũ Trọng Phụng quả là người thích đùa và rất biết đùa.
2. Trong đám ma, niềm vui là thật, nỗi buồn là giả, cũng có nghĩa rằng cái đám ma kia tất cả là giả. Cái khó của nhà văn là phải lật tẩy sao cho người ta thấy rõ cái giả ấy đã đành mà còn phải thấy cả tính chất lập lờ giữa cái giả với cái thật.
Đã là cái giả, cái rởm thì phải mô phỏng cái thật, cố tình giống thật nhưng thường không bao giờ hoàn toàn giống thật. Thế là xuất hiện mâu thuẫn. Rốt cuộc thì rồi chân tướng thật, giả cũng đến lúc phải tự phơi bày. Một đám ma mà thiếu sự buồn đau và lòng thương tiếc chân thành, thì dù “to tát”, “danh giá” đến đâu, cũng chỉ là thứ trò diễn nhố nhăng, không thể gọi là đám ma đã đành mà cũng không thể gọi là đám rước đám hội. Mâu thuẫn thật-giả được nhà văn khai thác khá triệt để nhằm phóng to cái bất thường, kỳ dị làm bật ra tiếng cười phê phán.
Quả thật, trong cái xã hội “số đỏ” đầy rẫy những thứ rởm đời bấy giờ, không có cái gì là không làm giả, làm rởm được. Một khi đã có bằng sắc rởm; nghệ thuật, thi ca, khoa học rởm; văn minh “Âu hóa” rởm; tôn giáo rởm,… thì cũng có thể có chuyện buồn đau, tang chế rởm lắm chứ. Tuy nhiên, dưới ngòi bút tinh tường, sắc sảo của nhà văn, tất cả, cuối cùng, sự thật đã trở lại đúng với bản chất của nó.
Câu văn mở đầu đoạn trích hàm chứa một sự đối chiếu thật – giả rất thâm thúy: “Ba hôm sau, ông cụ già chết thật.”. Nhìn từ phía tác giả, câu văn này ẩn giấu một nụ cười châm biếm (chết mà cũng có “chết thật”, chết giả?). Nhìn từ phía nhân vật (đám cháu con chí hiếu) nó ẩn giấu một tiếng reo mừng. Cụ tổ hẳn đã có những phen “chết giả” làm cho đám cháu con kia hụt hẫng thất vọng, và cả tang gia đã chờ đợi cái “chết thật” này quá lâu rồi. Cho nên, khi ông cụ “chết thật” thì người ta tất phải vui sướng hạnh phúc tột cùng. Và, tang gia “ai cũng” “hạnh phúc”, “vui vẻ cả”…, nhận xét này đã vang lên trong chương truyện như là một điệp khúc đầy mỉa mai.
Mỉa mai hơn, trong khi “đưa đám” người ta cũng thoáng thấy đây đó những gương mặt buồn, nhưng buồn hoàn toàn là vì những cớ khác. Ông Văn Minh có vẻ mặt “đăm chiêu” buồn là vì ông mải nghĩ đến việc “thực hành” cái “chúc thư kia”. Tuyết buồn “lãng mạn” là vì “không thấy bạn giai đâu cả”. Các quí ông “tai to mặt lớn” cảm động không phải vì nghe “tiếng kèn Xuân nữ ai oán não nùng”, mà vì trông thấy “làn da trắng thập thò” trên cánh tay và trên ngực tuyết,…
Lúc hạ huyệt, người ta cũng nghe thấy có tiếng khóc. Nhưng chỉ là tiếng khóc nhằm thu hút sự chú ý của mọi người, không phải xuất phát từ trái tim, cất lên từ đáy lòng. Cụ Hồng khóc là cốt để người ta phải chú ý đến và khen cái gậy trong tay cụ và trầm trồ khen rằng “con giai nhớn đã già đến thế kia”. Ong Phán mọc sừng khóc “Hứt…! Hứt…! Hứt…!”, “oặt cả người đi” là cốt để người ta phải tưởng rằng, ông là một chàng cháu rể “quý hóa”.
Trong khi kể về “hạnh phúc” của “tang gia”, một mặt, tôn trọng hiện thực, Vũ Trọng Phụng cố tình tạo ra sự mập mờ giữa cái thật và cái giả đúng như cái hiện thực xã hội vốn có: vàng thau lẫn lộn, đen trắng mập mờ.
Nhưng mặt khác, ông cũng tỉnh táo vạch ra những đường biên cần thiết, giữa vàng thau, đen trắng và lật tẩy cái giả một cách thật tài tình.
Cả đám tang thực ra chỉ là một màn kịch, một trò diễn lớn, được dàn dựng theo đúng ý của người nọ người kia. Các cụm từ “đúng với ý muốn…”, “như ý…” trong đoạn văn sau được dùng rất ý vị nhằm lật tẩy tính chất trò diễn ấy của đám ma:
Cả một thành phố đã nhốn nháo lên khen đám ma to, đúng với ý muốn của cụ cố Hồng. Thiên hạ chú ý đặc biệt vào những kiểu quần áo tang của tiệm may Âu hoá như ý ông Typn và bà Văn Minh.”,…
“Ý muốn của cụ cố Hồng”, “ý ông Typn và bà Văn Minh” gợi nhớ đến ý của cậu Tú Tân qua hành vi:  bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng, hoặc lau nước mắt như thế này, như thế nọ,… để cậu chụp ảnh kỉ niệm lúc hạ huyệt.”. Vũ Trọng Phụng như nhà nhiếp ảnh đã “chụp ảnh”- nghĩa là bấm đúng lúc- và lật tẩy được tất cả.
Nói chung, sự lật tẩy của tác giả càng bất ngờ thì càng thú vị, hài hước. Đọc chương truyện, có cảm giác như không một hành vi giả tạo nào của đám con cháu “chí hiếu” – dù rất nhỏ – qua được mắt ông. Nhưng điều đặc biệt thú vị là sự lật tẩy của nhà văn thường tạo được bất ngờ. Nhờ thế, tiếng cười mỉa mai bật ra một cách tự nhiên, sâu sắc. Ong lật tẩy Văn Minh chồng:
Ông phân vân, vò đầu rứt tóc, lúc nào mặt cũng đăm đăm chiêu chiêu, thành thử lại thành ra hợp thời trang, vì mặt ông thật đúng với cái mặt một người lúc gia đình đương là tang gia bối rối.
Ong lật tẩy cô Tuyết:
Hôm nay, Tuyết mặc bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan mỏng trong có coócsê, trông như hở cả nách và nửa vú – nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấn xinh xinh. Thấy thiên hạ đồn mình hư hỏng nhiều quá, Tuyết bèn mặc bộ Ngây thơ để cho thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh. Với cái tráp trầu cau và thuốc lá, Tuyết mời các quan khách rất nhanh nhẹn, trên mặt lại có vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám.
Ong lật tẩy “các ông tai to mặt lớn”:
… Nhiều ông tai to mặt lớn thì sát ngay với linh cữu, khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết, ai nấy cũng đều cảm động hơn những khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng.
Ong lật tẩy cả đám đông:
Ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh, song le sự thật thì vẫn thì thầm với nhau chuyện trò về vợ con, về nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may. Trong mấy trăm người đi đưa thì một nửa là phụ nữ, phần nhiều tân thời, bạn của cô Tuyết, bà Văn Minh, cô Hoàng Hôn, bà Phó Đoan, vân vân… Thật là đủ giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma.
Ong lật tẩy cả bầy con cháu “chí hiếu”:
Một bầy con cháu chí hiếu chỉ nóng ruột đem chôn cho chóng cái xác chết của cụ tổ.
Và sắc sảo, bất ngờ nhất là việc ông lật tẩy cuộc “thanh toán hợp đồng” kín đáo, tinh vi giữa ông Phán mọc sừng và Xuân Tóc Đỏ:
Xuân tóc đỏ đứng cầm mũ nghiêm trang một chỗ bên cạnh ông phán mọc sừng. Lúc cụ Hồng mếu máo và ngất đi thì ông này cũng khóc to “Hứt!… Hứt!… Hứt!…”.
Ai cũng để ý đến ông cháu rể quý hóa ấy.
Ông ta khóc quá, muốn lặng đi thì may có Xuân đỡ khỏi ngã. Nó chật vật mãi cũng không làm sao cho ông đứng hẳn lên được. Dưới cái khăn trắng to tướng, cái áo thụng lòe xòe, ông phán cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi.
– Hứt!… Hứt!… Hứt!…
Xuân tóc đỏ muốn bỏ quách tay ra thì chợt thấy ông phán dúi tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư… Nó nắm tay cho khỏi có người nom thấy rồi đi tìm cụ Tăng Phú lạc trong đám ba trăm người đương buồn rầu và đau đớn về những điều sơ suất của khổ chủ.
3. Cái nhìn trào phúng sắc sảo của Vũ Trọng Phụng thường tìm đến với các hình thức nghệ thuật tương xứng. Từ cách bố cục kếu cấu đến cách sử dụng ngôn từ của ông đều đậm chất muối trào phúng.
Ở cấp độ kết cấu, hai thủ pháp chủ yếu thường được nhà văn sử dụng khá đắt: a) kết hợp tả viễn cảnh với tả cận cảnh; b) tạo tình huống kịch tính và duy trì được độ căng cần thiết cho câu chuyện.
Việc kết hợp tả viễn cảnh với cận cảnh mang tính nghệ thuật cao nhất là đoạn kể về việc “cất đám”, “đưa đám” và “hạ huyệt”. Ở đó, sự kết hợp tự nhiên giữa cận và viễn rất hài hòa, tự nhiên, nhưng viễn hay cận đều có chức năng nghệ thuật riêng. Các câu, đoạn tả viễn cảnh – chẳng hạn: “Đám ma đưa đến đâu làm huyên náo đến đấy….”, “Đám cứ đi…”, “Đám cứ đi…”-  thường làm cho người ta có cái cảm giác là đám ma rất to tát, linh đình, “gương mẫu”. (Mà người đời thì vẫn hay đo lòng hiếu nghĩa của tang gia bằng mức độ to tát, linh đình ấy). Trong khi đó, các câu, đoạn tả cận cảnh và đôi khi đặc tả, thì lại làm cho người ta có thể soi vào từng góc khuất, hay hành vi, chi tiết nhỏ nhất để thấy hết cái giả dối, rởm đời, nhố nhăng, kỳ quặc và “vô nghĩa lý” của cái đám tang này. Rõ ràng là chỉ khi soi mắt nhìn vào từng góc khuất, từng hành vi nhỏ nhặt thì mới thấy được sự thật này: “Ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh, song le sự thật thì vẫn thì thầm với nhau chuyện trò về vợ con, về nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may.”, hoặc: “Xuân Tóc Đỏ muốn bỏ quách ra thì chợt thấy ông Phán dúi tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư…”.
Vậy là, nhìn từ cự ly xa nhà văn thâu tóm được trung thành cái bề ngoài có vẻ giống thật, thậm chí rất “gương mẫu”, “to tát” của đám ma. Còn nhìn từ cự ly gần, thật gần nhà văn đã lật tẩy cái giả, cái thực chất chứa đựng và được che đậy ở bên trong của nó: sự bất hiếu, bất nghĩa và thói đạo đức giả. Tiếng cười đã bật ra, rất tự nhiên, từ mâu thuẫn thật- giả này.
Bên cạnh việc kết hợp giữa miêu tả viễn và cận cạnh, nhà văn còn sử dụng hợp lý kỹ thuật tạo tình huống kịch tính và duy trì được độ căng cần thiết cho câu chuyện. Chẳng hạn, sau khi ông già “chết thật”, đã “được quan trên khám đã qua loa”, niềm vui của đám cháu con tưởng đã có thể nở rộ, thì vì một lý do nào đó, sự sung sướng có nguy cơ bị hoãn lại. Lập tức có bao nhiêu phản ứng chỉ trích lẫn nhau giữa “phái trẻ” với “phái già”:
Phái trẻ, nghĩa là bọn dâu con, đã bắt đầu la ó lên rằng phái già chậm chạp. Cậu tú Tân thì cứ điên người lên vì cậu đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà mãi cậu không được dùng đến. Bà Văn Minh thì sốt cả ruột vì mãi không được mặc đồ xô gai tân thơi, cái mũ mấn trắng viền đen – dernières créations. Những cái rất ăn với nhau mà tiệm Âu hóa một khi đã lăng-xê ra thì có thể ban cho những ai có tang đương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời. Ông Typn rất bực mình vì mãi không được thấy những sự chế tạo của mình ra mắt công chúng để xem các báo chí phê bình ra sao. Người ta đổ lỗi cho ông Văn Minh không khéo can thiệp để mọi việc phải trì hoãn, cụ cố Hồng cứ nhắm mắt lại kêu khổ lắm, cụ bà hay lề lối, vẽ chuyện lôi thôi.
Vậy đấy, người trong tang gia đã phải “la ó lên…”, “điên người lên…”, sốt cả ruột”, “rất bực mình”, “đổ lỗi cho…”, “kêu khổ lắm”,… Câu chuyện trở nên căng thẳng và giàu kịch tính hẳn lên. Lệnh phát phục chỉ mới trì hoãn có một ngày mà người ta đã bực dọc, sốt ruột, đau khổ như vậy, giả sử ông già tám mươi này cứ “sống mãi” thì họ còn bực dọc, sốt ruột, đau khổ đến mức nào. Thế mới biết, có được niềm “hạnh phúc” như của “tang gia” này cũng không dễ dàng gì.
Ở cấp độ ngôn từ, chất muối trào phúng được cô đặc trong một số hình thức câu văn nói mỉa.
Có khi nhà văn mỉa mai bằng lời văn có chứa các cụm từ phản nghĩa, ngược nghĩa. Ví dụ cụm từ “hạnh phúc của một tang gia” trong nhan đề đoạn trích, hoặc cụm từ “công hiệu đến nỗi họ mất mạng” trong đoạn văn nói về “thuốc thánh” đền Bia (“Người ta đã nghĩ đến cả thuốc thánh đền Bia vừa mới chữa một người ho lao và một người cảm thương hàn bằng bùn đen và cứt trâu, công hiệu đến nỗi họ mất mạng.”).
Có khi ông mỉa mai bằng câu văn viết theo lối nói ngược. Chẳng hạn, sau khi ghi lại hàng loạt câu nói “thì thào” trơ trẽn, nhảm nhí của đám “trai thanh gái lịch” đến dự đám tang, tác giả viết: “Và còn nhiều câu nói vui vẻ, ý nhị khác nữa, rất xứng đáng với những người đi đưa đám ma.
Đến đây, có thể kết luận rằng: Từ cái “chết thật” của “ông cụ già” đến đám ma giả của tang gia, và từ cái đám ma giảtang gia đến niềm vui thật của bọn người hám danh, hám lợi, đạo đức giả được kể trong chương truyện này là cả một hành trình sáng tạo của một tài năng lớn – tài năng trào phúng Vũ Trọng Phụng.

(In trong  Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 11 nâng cao, NXB Giáo dục, 2007)

  

CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ, nhìn từ tình huống truyện - TS. Chu Văn Sơn (phần thực hành chuyên đề truyện ngắn)

Published on 03/14,2011
Phần minh hoạ (Dưới đây là sự phân tích một vài truyện ngắn cụ thể, và cũng chỉ phân tích tình huống của chúng mà thôi)
 I) Phân tích tình huống truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân (kiểu tình huống hành động - nhân vật hành động - truyện ngắn giàu kịch tính)
  CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ, nhìn từ tình huống truyện
1) Xác định tình huống truyện
Câu hỏi : Toàn bộ truyện ngắn này xoay quanh sự kiện chính nào ?Hay Sự kiện nào đóng vai trò chi phối toàn bộ thiên truyện này ?Sau khi lướt qua các tình tiết chính ( Huấn Cao rỗ gông, Huấn Cao nhận cơm rượu, Huấn Cao xúc phạm Quản Ngục, Huấn Cao ân hận, Huấn Cao cho chữ…) ta thấy không phải một trong những tình tiết ấy đóng vai trò chi phối. Trái lại, chúng chỉ là những tình tiết họp lại để làm thành một sự kiện lớn hơn, và trong đó mới chứa cái "tình thế nảy ra truyện". Sự kiện lớn ấy là : cuộc gặp gỡ oái oămgiữa Huấn Cao và Quản ngục.
2. Phân tích tình huống.
a. Diện mạo của tình huống. Nó oái oăm ít nhất vì ba lí do sau :
a.1. Không gian và thời gian diễn ra cuộc gặp gỡ. Không gian là nhà tù. Đây không phải là nơi dành cho những cuộc gặp gỡ. Người ta vẫn nói : có hai nơi mà con người không nên gặp nhau là nhà tù và bệnh viện. Vì thế nhà tù chỉ là nơi gặp gỡ ngoài ý muốn, trái khoáy, bất đắc dĩ. Thời gian là những ngày cuối cùng trước khi ra pháp trường của Huấn Cao. Không gian và thời gian như thế đã góp phần tạo nên kịch tính cho tình huống.         :
a.2. Sự éo le trong thân phận hai nhân vật. Trước hết, xét ở bình diện xã hội, họ là hai kẻ đối địch : Huấn Cao là "giặc" của triều đình - Quản ngục lại là quan của triều đình. Nói một cách khác : Một người dám cầm đầu  cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình mục nát - Một người lại là viên quan đại diện cho bộ máy cai trị của chính triều đình much nát ấy. Sau nữa, xét ở bình diện nghệ thuật, họ lại là tri kỉ, trên cả hai chiều của quan hệ. Chiều đã hiện hình :  Huấn Cao có tài hoa và khí phách còn Quản ngục lại ngưỡng mộ khí phách và tài hoa. Chiều tiềm năng : Huấn Cao chỉ cúi đầu trước Thiên lương cao khiết của con người, trong khi đó Quản ngục lại là "một tấm lòng trong thiên hạ". Người nào cũng có những phẩm chất cao quí mà người kia khát khao ngưỡng mộ. Sự éo le càng tăng gấp bội, bởi vì, về hành động, Quản ngục bị đẩy đến trước một lựa chọn nghiệt ngã đầy tính xung đột. Ông ta chỉ được chọn một trong hai cách hành động, mà không thể dung hoà cả hai : Một là, muốn tròn chức phận quan lại thì chà đạp lên lòng tri kỉ. Nếu hành động theo hướng này, QN là kẻ tầm thường. Vì ông ta không dám thuỷ chung với những gì mình cho là cao quí, sẵn sàng phản bội lại những gì mình tôn thờ. Và câu chuyện sẽ là khúc bi ca hoặc trang phẫn nộ về thực tại chỉ có chỗ cho sự tầm thường. Thực tại này chỉ có sự tầm thường ngự trị. Hai là, nếu trọn đạo tri kỉ thì phải phớt lờ chức phận quan lại. Hành động theo hướng này, QN là người cao quí. Vì thuỷ chung với những giá trị cao quí mình tôn thờ, ông ta đã dám bất chấp sự thiệt thòi về quyền lợi lẫn sự an nguy đến tính mệnh. Và câu chuyện sẽ là khúc ca ca ngợi chiến thắng của cái đẹp. Từ tình huống như vậy, có thể đặt thêm cho truyện ngắn này một phụ đề nữa : Số phận của cái đẹp.
a.3. Cuộc đối mặt ngang trái. Nhìn phía này, đó là cuộc giáp mặt giữa hai loại tù nhân. Huấn Cao là tử tù, theo nghĩa đen. Còn Quản ngục là kẻ bị tù chung thân, không hoàn toàn theo nghĩa bóng. Trước đến giờ, bề ngoài QN vẫn là một viên quan của cái triều đình thối nát, nhưng bên trong lại tôn thờ những giá trị cao quí tương phản với triều đình ấy (thuộc về những người chống đối triều đình). Con người chức phận trói buộc cầm tù con người khát vọng. QN vẫn sống theo lối "xanh vỏ đỏ lòng". Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Tuân đã chọn một so sánh rất đẹp để viết về QN :"Giữa cái chốn người ta sống bằng lừa lọc phản trắc, thì tấm lòng biết giá người của viên quan cai tù là một thanh âm trong trẻo lạc vào giữa một bản nhạc mà nhạc luật đã trở nên hỗn loạn xô bồ". Ông ta bị cầm tù chính trong môi trường sống của mình. Nếu không gặp Huấn Cao chẳng phải ông ta cứ bị cầm tù thế đến chung thân sao ? Nói cách khác :  người này bị cầm tù về nhân thân nhưng luôn tự do về nhân cách, còn người kia tự do về nhân thân nhưng lại bị cầm tù về nhân cách. Nhìn phía kia, đó là cuộc đối chứng giữa hai thứ nhà tù. Huấn Cao bị cầm tù trong cái nhà tù hữu hình. Còn Quản ngục bị cầm tù trong cái nhà tù vô hình. Điều này cũng dẫn đến một kết cục không kém phần oái oăm : thoát khỏi cái nhà tù hữu hình đã khó, nhưng thoát khỏi cái nhà tù vô hình còn khó hơn ; QN không cứu được HC và cũng không tự cứu được mình, còn HC chẳng những không cần giải cứu, mà trước khi ra pháp trường lại còn cứu được QN.
Vẻ độc đáo mà truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân có được chẳng phải chủ yếu do tình huống đặc sắc này đem lại hay sao ? Và chính nó sẽ chi phối những thành tố khác tạo nên chỉnh thể tác phẩm.
b. Diễn biến của tình huống. Nhìn chung, diễn biến là : cuộc kì ngộ thành cuộc hạnh ngộ. Sở dĩ như vậy là do sự chuyển biến trong quan hệ giữa HC và QN : quan hệ có phần đối địch nhường chỗ cho quan hệ tri kỉ hoàn toàn. Nhìn trong mạch truyện thì diễn biến này gắn liền với hai phiến trát mà QN phải tiếp nhận. Trước tiên là chuyển biến trong thái độ, về sau là trong hành động.
Ban đầu. QN vẫn có một tấm lòng, nhưng HC chưa biết. Tấm lòng ấy chính là "biệt nhỡn liên tài", nó bộc lộ chủ yếu ở tâm nguyện lớn này : vừa nương nhẹ và biệt đãi, vừa muốn xin chữ HC. Nhưng sở nguyện ấy, xem ra khó đạt được, vì HC tuy có tài viết chữ, song lại khoảnh, nghĩa là rất khí khái. Ông chỉ cho chữ người nào là tri kỉ. Nên, người muốn có chữ HC, trước hết phải bước qua một khó khăn là phải được HC "kết nạp" vào số tri kỉ hiếm hoi của ông đã rồi hãy nghĩ đến việc xin chữ. Trong khi đó, thái độ của HC dành cho QN là khinh bỉ không cần giấu diếm, vì bấy giờ ông mới chỉ coi QN là một kẻ tiểu nhân làm nghề thất đức. Một người như thế làm sao có thể thành tri kỉ của HC ? Thái độ đối địch của HC đã tạo ra một vực sâu ngăn cách giữa họ.
Về sau. Quan hệ đã hoàn toàn biến đổi. Nhận được phiến trát thứ hai, QN đã choáng váng : thế là con người cao quí mà ông cảm phục ngưỡng mộ đã không thoát khỏi được cái chết, và thế là ông sẽ chẳng bao giờ có được chữ của HC nữa rồi. Tình thế ấy buộc QN phải hành động gấp. Ông cần bày tỏ con người thật của mình cho HC hiểu. Bằng cách nào ? Thông qua viên Thơ lại. Việc này cho thấy tâm nguyện lớn đã khiến QN bất chấp mối nghi ngại vây khốn bao năm, không còn nghĩ đến cảnh giác, giữ thân như trước đó nữa. Thế là thoạt tiên tấm lòng QN đã chinh phục được khoảng cách với viên TL. Rồi, sau khi nghe TL kể tường tận, HC đã vô cùng cảm động và ân hận. "Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Ta biết đâu một người như thầy Quản đây lại có được một sở thích cao quí đến thế. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ"- Đúng là sự ân hận của HC- nghĩa là rất chân thành nhưng cũng rất kiêu sang. Có thể nói, kể từ câu nói ấy, QN đã trở thành tri kỉ trong lòng HC. Tấm lòng thuần khiết của QN đã xoá bỏ hoàn toàn vực sâu ngăn cách giữa hai nhân cách ấy. Thế là quan hệ có phần đối địch đã nhường chỗ cho một quan hệ tri kỉ hoàn toàn. QN cúi đầu trước HC, mà HC cũng cúi đầu trước QN. Cả hai đều cúi đầu trước những vẻ đẹp cao quí mà mình tôn thờ. Cả hai đều đang cúi đầu trước hoa mai của mình.
Nhưng dầu sao đó mới chỉ ở trong thái độ. Sự đổi thay thực sự trong quan hệ phải được biểu hiện quyết định bằng hành động. Và HC thuận cho chữ. Việc này cho ta thấy một diễn biến rất tinh vi và rất cao đẹp trong cơ chế tinh thần và tâm lí sáng tạo nghệ thuật. Từ xúc động lớn, HC đã cho chữ. Nghĩa là cái Tâm xúc động đã khiến HC mang cái Tài ra để thực hiện. Trong sự xúc động chân thành và mãnh liệt kia thấy có cả hai bình diện : Vừa là mối xúc động đạo đức của con người tri kỉ HC trước những nghĩa cử mà QN dành riêng cho mình, nó khiến ông phải cầm lấy bút để viết như một hành vi đáp nghĩa. Vừa là mối xúc động thẩm mĩ của con người nghệ sĩ HC bởi bất ngờ đối diện với cái đẹp mà mình suốt đời tôn thờ, nó khiến ông phải cầm lấy bút để viết như một hành vi sáng tạo. Tức là, trong hưng phấn sáng tạo ấy, cái Tâm và cái Tài đang chuyển hoá sang nhau để sinh thành cái Đẹp.  Thiếu một trong hai phía đó thì không thể có được cảnh cho chữ này. Và, nhìn kĩ, cái đẹp nghệ thuật (của những bức thư pháp đó) có ngọn nguồn từ cái đẹp của tình người.
Cuối cùng. Cảnh cho chữ là tình tiết sau chót hoàn tất cuộc gặp gỡ oái oăm này. Đến đây mọi khía cạnh mới bộc lộ trọn vẹn. Nguyễn Tuân gọi đó là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có". Lí do trước hết có lẽ thuộc về không gian và thời gian diễn ra cảnh cho chữ. Cho chữ vốn là cử chỉ văn hoá của những tao nhân mặc khách nên thường diễn ra ở những địa chỉ văn hoá, chẳng hạn thư phòng, văn phòng, trà thất, xưởng họa… Còn ở đây nó lại diễn ra giữa nhà tù. Nghĩa là nơi ngự trị của Bóng Tối và Cái Ác. Nơi thù địch với Cái Đẹp. Thế mà Cái Đẹp lại chọn đúng chỗ thù địch với Cái Đẹp để diễn ra, để chào đời. Khía cạnh bất thường này đã phần nào chứa đựng một tinh thần nổi loạn. Về thời gian, cho chữ vốn là việc đường đường chính chính bạch nhật thanh thiên, ở đây lại diễn ra vào canh khuya. Canh khuya đã đem lại cho cảnh tượng một không khí bí mật và thiêng liêng. Đồng thời, đó lại cũng là những giờ khắc cuối cùng của HC. Lẽ thường, ở vào thời điểm ấy, một người sắp lìa đời phải lo làm chúc thư, nói lời trăng trối với thân nhân. Thế mà HC lại dành những giây phút hiếm hoi cuối cùng ấy vào việc cho chữ, việc sáng tạo những bức thư pháp. Bởi vậy, chẳng phải những bức thư pháp kia cũng chính là những con chữ thiêng, những di huấn, di chúc đặc biệt của một nhân cách cao đẹp gửi lại cuộc đời này hay sao ? Tuy nhiên, điều quyết định nhất khiến nó được xem là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có" hẳn phải là một sự đảo lộn ghê gớm trong vị thế các nhân vật ở đây. Có thể thấy ít nhất ba khía cạnh sau. Về quyền uy : kẻ có quyền hành thì không có quyền uy (QN), uy quyền lại thuộc về người đã bị tước đi mọi thứ quyền, kể cả cái quyền tối thiểu là quyền sống (HC). Về thái độ : kẻ không việc gì phải sợ thì "khúm núm sợ sệt" (QN), người đáng ra phải sợ thì lại "đường bệ ung dung "(thói thường, HC phải sợ quan trước mặt, sợ cái chết ngay sau lưng chứ !). Về chức phận : Cai tù không giáo dục tội phạm, trái lại tội phạm lại đang giáo dục cai tù, trong khi đó cai tù lại đang lắng nghe một cách thành tâm, thành kính như nhận những lời chỉ giáo thiêng liêng của một bậc thầy về nhân cách. Đến đây, một câu hỏi đặt ra là : ai đã tạo nên sự đảo lộn này ? HC chăng ? Không phải. QN chăng ? Càng không phải. Một cái gì đó còn lớn hơn những con người kia. Và câu trả lời là : Cái Đẹp. Họ đang sống theo tiếng gọi của Cái Đẹp. Họ đang đem những gì đẹp đẽ nhất cao cả, cao quí nhất để dành cho nhau. Họ không sống theo vị thế và chức phận mà thể chế kia định đoạt. Không còn ngục quan. Không còn tội phạm. Chỉ còn những người bạn những tri kỉ tri âm đang qui tụ quây quần xung quanh cái đẹp của tình người và nghệ thuật. Cái đẹp đã phế bỏ cái trật tự mà xã hội sắp đặt ở chốn nhà tù để thiết lập một trật tự khác. Trật tự phận vị đã được thay thế bằng trật tự nhân văn. Cảnh cho chữ thực là cảnh tượng đăng quang của Cái Đẹp. Có thể nói đó là cuộc nổi loạn của Cái Đẹp trong thế giới nhà tù. Thì ra không chỉ có quyền lực của Cái Chết, quyền lực của Cái Gông mà còn có quyền lực của Cái Đẹp. Cái đẹp vẫn có uy quyền riêng của nó. Gọi Cái Đẹp Nguyễn Tuân là Cái Đẹp Nổi Loạn chính là như thế.
Rõ ràng. Cuộc kì ngộ đã hoàn toàn thành cuộc hạnh ngộ. QN thì bày tỏ được niềm ngưỡng mộ và có được chữ của HC, đồng thời có được lối để vượt thoát ra khỏi tình trạng cầm tù chung thân của mình. Còn Huấn Cao, vào giờ phút chót của đời mình, lại bất ngờ được thấy một đoá hoa mai giữa thế giới ô trọc, lại được số phận ban tặng một tri kỉ nữa. "Sống trong đời, có được một tri kỉ, chết cũng thoả lòng", chẳng phải đó là niềm hạnh phúc vô song mà người xưa coi là điều lí tưởng đó ư ?
3. Rút ra ý nghĩa tư tưởng
a. Tình huống ấy chứa đựng một quan niệm sâu sắc : Cái đẹp là bất diệt. Dù thực tại có hắc ám đến đâu cũng không tiêu diệt được cái đẹp. Nó mãi mãi là một lí tưởng nhân văn cao cả của cõi người này.
b. Tình huống như thế cũng chứa đựng một niềm tin mãnh liệt, rằng : Cái đẹp sẽ thanh lọc cuộc đời này. "Cái đẹp sẽ cứu vớt nhân loại"- đó là tư tưởng của Đôtxtôiepxki, người có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của người nghệ sĩ lãng mạn Nguyễn Tuân.
 *****