Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

'Nếu chọn lại, tôi không theo nghề giáo...'

'Nếu chọn lại, tôi không theo nghề giáo...'
-"Có một bộ phận không nhỏ giáo viên đã mất động lực. Kết quả khảo sát của một nhóm nghiên cứu giáo dục mới đây cho thấy phân nửa số giáo viên được phỏng vấn đã nói rằng nếu chọn lại họ sẽ không chọn nghề dạy học", TS Vũ Văn Dụ (Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo viên - Bộ GD&ĐT) nói tại cuộc họp của UB Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH sáng 15/7.
Ủy ban này vừa kết thúc đợt giám sát việc thực hiện chính sách,  pháp luật về đảm bảo chất lượng, chương trình SGK giáo dục phổ thông và tổ chức hội nghị lấy ý kiến cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Nhiều vấn đề được nêu tại phiên họp, trong đó trọng điểm là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, với hai tiền đề cơ bản: nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đổi mới chương trình học.
Áp lực căng thẳng, chính sách mong manh
Cầm trên tay bài tham luận được chuẩn bị khá kỹ lưỡng với chủ đề "giải pháp nâng cao chất lượng đời sống giáo viên", TS Vũ Văn Dụ (Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo viên - Bộ GD&ĐT) so sánh, thu nhập của một cán bộ văn phòng thuộc EVN cao gấp 3, 5 lần lương tột bậc của giáo sư.
"Nguyện vọng số 1 của giáo viên là sống được bằng lương để toàn tâm, toàn ý dạy học. Một đòi hỏi chính đáng và rất tối thiểu mà hơn chục năm qua kể từ khi có nghị quyết TƯ 2 xem giáo dục là quốc sách hàng đầu và qua mấy đời Bộ trưởng chưa ai làm được và chưa biết bao giờ mới làm được. Trong khi các ngành khác không hề được tôn vinh quốc sách hàng đầu lại có thu nhập cao hơn", ông Dụ khẳng định.
Chính vì tiền lương chưa đảm bảo đã dẫn đến chuyện giáo viên phải "xoay xở" để vừa lo mức sống tối thiểu, vừa hoàn thành sứ mệnh trồng người. Không ít hệ lụy đã xảy ra... Theo ông Dự, truyền thống tôn sư trọng đạo đang bị xói mòn, đạo nghĩa thầy trò không còn như xưa, thậm chí một số phụ huynh học sinh xem giáo viên như người làm thuê, phải có trách nhiệm trông coi và dạy dỗ con em họ...
"Có một bộ phận không nhỏ giáo viên đã mất động lực. Kết quả khảo sát của một nhóm nghiên cứu giáo dục mới đây cho thấy phân nửa số giáo viên được phỏng vấn đã nói rằng nếu chọn lại họ sẽ không chọn nghề dạy học. Áp lực căng thẳng mà chính sách mong manh",  ông Dụ dẫn chứng.
PGS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên phân tích thêm,  sự thiếu động lực ở thế hệ giáo viên "già" biểu hiện ở chỗ thiếu năng động và ngại thay đổi. Họ an phận, không thích cải tiến, tìm tòi suy nghĩ hay học thêm những kĩ năng tốt...
Nhưng đáng quan ngại hơn cả là sự thiếu động lực trong đội ngũ giáo viên trẻ. Ông Quang lý giải, chuyện thiếu hụt kỹ năng hay trình độ còn có thể được bù đắp qua thời gian. Nhưng điều bất ổn hơn cả là động lực làm việc vẫn mang tính vị kỷ và đạo đức với nghề chưa trong sáng.
 "Giáo viên trẻ có khuynh hướng thực dụng, cạnh tranh khá mạnh mẽ. Xét đến cùng, giỏi nghề là động cơ tốt. Giỏi để sống giàu sang và quyền lực cũng đúng. Nhưng cần quan tâm lợi ích của học sinh và cộng đồng....", ông Quang nói.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng mức thu nhập thấp được xem là lý do khiến đội ngũ giáo viên chưa chuyên tâm với nghề và ngành sư phạm cũng không thể hút được sinh viên giỏi. Cũng vì muốn "tăng gia thu nhập" nên cũng đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy khác như tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm tràn lan, giáo viên không đầu tư thời gian nâng cao kỹ năng nghiệp vụ...
Ngay báo cáo của đoàn giám sát, do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Trịnh Ngọc Thạch trình bày cũng ghi nhận nhiều bất cập như, "một  bộ phận giáo viên chưa coi trọng việc rèn phẩm chất lẫn nghiệp vụ, chưa chuyên tâm với công việc. Vẫn còn những người  chưa bắt kịp với các phương pháp giáo dục hiện đại, thậm chí ngại thay đổi"...
Dạy chữ - dạy người chưa cân xứng
Trong khi đó, chất lượng chương trình giáo dục phổ thông vẫn "nặng" về trang bị kiến thức hơn là yêu cầu rèn kỹ năng, nhất là kỹ năng sống, tư duy sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu.
Báo cáo của đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra, chương trình giáo dục trong nhà trường vẫn chưa cân đối giữa dạy chữ với dạy người, thiếu cân đối giữa lý thuyết với thực hành, đặc biệt vẫn còn quá tải.
Chương trình sách giáo khoa vẫn còn có sự trùng lặp, có những sự kiện, số liệu thiếu nhất quán giữa các lớp trong cùng một môn học và giữa một số môn học. Dung lượng một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Một số SGK tuy tái bản nhưng chưa cập nhật với thực tế đã thay đổi. Còn có sai sót về kiến thức, chưa chính xác về khái niệm, thuật ngữ khoa học. SGK một số môn bị phân khúc, tách rời, thiếu liên thông. Việc chọn kiến thức đưa vào SGK còn thiếu tính sư phạm, quá tải và chưa gắn với thực tiễn...
Hiện, Chính phủ đang tích cực xây dựng Đề án Đổi mới chương trình SKG phổ thông sau năm 2015. Đoàn giám sát cho rằng Chính phủ nên tổng kết việc thực hiện chương trình lâu nay một cách nghiêm túc hơn, sớm hoàn thiện đề án và công bố lấy ý kiến rộng rãi...
Về các giải pháp chung, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH đề nghị sớm xây dựng Luật nhà giáo. Chính phủ cũng cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục. Đặc biệt, cần cơ chế chính sách thiết thực để phát triển đội ngũ nhà giáo và đội ngũ quản lý đáp ứng  yêu cầu. Chẳng hạn, thu hút, lựa chọn học sinh giỏi vào ngành sư phạm song song với đổi mới cách thức tuyển dụng, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo...
Dự kiến, sau phiên họp này, đoàn giám sát sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo để trình lên Ủy ban Thường vụ QH trước  khi báo cáo QH vào cuối năm.
Lê Nhung


Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

MỖI TẤM BIỂN ĐỀU CÓ HAI MẶT

 MỖI TẤM BIỂN ĐỀU CÓ HAI MẶT
“Tốt và không tốt hoàn toàn không có phân giới rõ ràng, chính xác, có chăng thì chỉ là cảm giác trong lòng người mà thôi. Trong lòng ông chứa thứ gì mới có thể tìm thấy thứ đó”.

Có một lữ khách trẻ tuổi tình cờ gặp một người lớn tuổi rất hiểu thiền lý ở trên thảo nguyên, anh ta hỏi cụ già: “Ông sống ở đây có tốt không?”

Cụ già hỏi ngược lại: “Quê hương của cháu như thế nào?”

Người lữ khách nói: “Tệ lắm, vừa bế tắc, vừa lạc hậu”

Cụ già vội nói: “Vậy cháu mau đi đi, ở đây và quê của cháu rất giống nhau”.

Sau đó lại có một lữ khách khác đến, cũng hỏi cụ già câu như vậy, cụ già cũng hỏi ngược lại một câu như đã hỏi thanh niên trước, lữ khách mới đến trả lời một cách thâm tình: “Quê cháu rất tốt, đồng ruộng khe suối, cỏ cây nhà cửa, lại có người thân xóm giềng, đều làm cho cháu rất nhớ”.

Description: Mỗi tấm biển đều có hai mặt 1

Cụ già bèn nói: “Ở đây cũng đẹp như ở quê của cháu vậy”.

Có một người bên cạnh nghe như vậy cảm thấy nghi ngờ không hiểu, hỏi cụ già: “Tại sao cùng một câu hỏi giống nhau, mà cụ lại trả lời khác nhau một trời một vực như thế?”

Cụ già nói: “Tốt và không tốt hoàn toàn không có phân giới rõ ràng, chính xác, có chăng thì chỉ là cảm giác trong lòng người mà thôi. Trong lòng ông chứa thứ gì mới có thể tìm thấy thứ đó”.

Nhà thiền có câu: “Người trong lòng đầy bất mãn và trở ngại muốn đi tìm chỗ tốt đẹp để trở về nương náu, nhất định tìm không được nhưng trong lòng tràn đầy tình yêu và sự đẹp đẽ mới có thể phát hiện được ốc đảo của chính mình. Điều này xem ra dường như là việc phức tạp huyền bí, kỳ thật chỉ là nói rõ một đạo lý:

"Trên thế giới không có sự việc gì là tuyệt đối, bất cứ tấm thẻ nào trong tay bạn cũng hoàn toàn có hai mặt trái và phải."


Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG HẠT MUỐI.

CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG HẠT MUỐI.
Một chàng trai trẻ đến xin học một ông giáo già. Anh ta lúc nào cũng bi quan và phàn nàn về mọi khó khăn. Đối với anh, cuộc sống chỉ có những nỗi buồn, vì thế học tập cũng chẳng hứng thú gì hơn.

Một lần, khi chàng trai than phiền về việc mình học mãi mà không tiến bộ, người thầy im lặng lắng nghe rồi đưa cho anh một thìa muối thật đầy và một cốc nước nhỏ.

- Con cho thìa muối này vào cốc nước và uống thử đi.

Lập tức, chàng trai làm theo.

- Cốc nước mặn chát. Chàng trai trả lời.

Người thầy lại dẫn anh ra một hồ nước gần đó và đổ một thìa muối đầy xuống nước: Bây giờ con hãy nếm thử nước trong hồ đi.

- Nước trong hồ vẫn vậy thôi, thưa thầy. Nó chẳng hề mặn lên chút nào. Chàng trai nói khi múc một ít nước dưới hồ và nếm thử.

Người thầy chậm rãi nói:

- Con của ta, ai cũng có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Và những khó khăn đó giống như thìa muối này đây, nhưng mỗi người hòa tan nó theo một cách khác nhau. Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước thì nỗi buồn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với những người tâm hồn chỉ nhỏ như một cốc nước, họ sẽ tự biến cuộc sống của mình trở thành đắng chát và chẳng bao giờ học được điều gì có ích.


Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

CUỘC SỐNG NHIỀU LÚC CŨNG GIỐNG NHƯ 1 LY CÀ PHÊ.


        CUỘC SỐNG NHIỀU LÚC CŨNG 
GIỐNG NHƯ 1 LY CÀ PHÊ. 

       Bạn ngồi bên cửa sổ, nhấc tách café lên…nhấp 1 ngụm…và chợt nhận ra rằng ly cafe chưa có đường. Rồi bởi vì ngại đứng dậy để lấy đường, bạn ngồi đó và uống ly café đắng. Khi ly café đã cạn, bạn mới phát hiện ra rằng đường đã không tan ra và dính ở đáy ly…

      Chúng ta mất quá nhiều thời gian để băn khoăn tại sao cuộc đời lại quá ảm đạm, nhạt nhẽo…, và tốn rất nhiều thời gian đi tìm kiếm sự ngọt ngào trong khi ta chỉ cần khuấy lên.Cuộc sống thật tươi đẹp, chỉ cần ta thay đổi một chút thì cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.Dậy sớm hơn mọi ngày để thấy rằng hôm nay thật đẹp. Nắng chan hòa giăng khắp lối đi, những thanh âm trong trẻo của ngày mới nghe thật vui tai, chẳng giống tiếng còi xe ồn ào náo nhiệt ngày hôm qua. Và ta thay đổi. Tràn đầy hứng khởi cho ngày mới.
     Cười nhiều lên một chút, với bạn bè, người thân, với những người mỉm cười với ta, và cả những người ta tình cờ gặp mặt, dù chẳng thân nhiều. Nở nụ cười với người đang hạnh phúc để sẻ chia niềm vui cùng họ, và để thấy lòng mình hạnh phúc hơn. Nở nụ cười với người đang gặp khó khăn, để họ cảm nhận được rằng, sẽ luôn có ai đó bên cạnh, và dẫu sao cuộc sống vẫn còn nhiều niềm vui.
       Hãy khóc khi thật sự muốn khóc, đừng mãi che giấu cảm xúc của mình, đừng biến thành một người lạnh lùng, vô cảm. Khóc để vơi đi nỗi niềm. Để có cơ hội giãi bày. Để được dựa vào bờ vai của ai kia, người luôn sẵn sàng cho ta cảm nhận thế nào là được vỗ về. Khóc, để thấy mình thật bé bỏng, mong manh. Và khóc, để thấy mình đang lớn.
       Nghe một bản nhạc rock giữa trưa hè oi bức thay cho những tình ca ngọt lịm mỗi đêm để thấy rằng, không phải mọi thứ ồn ào đều làm ta khó chịu. Rock cũng hay đấy chứ. Và ta biết rằng thay đổi ý kiến về một điều gì đó, đôi khi, sẽ đem lại những thú vị bất ngờ.
       Hãy rộng lòng thêm một chút, mạnh dạn bày tỏ tình cảm với mọi người, và đón nhận những tính cảm họ dành cho ta, để biết "cảm giác bình thường tuyệt vời" của tình yêu thương, để sống chan hòa và cởi mở.
      Mạnh dạn nói lời xin lỗi cho những lỗi lầm ta gây ra, mạnh dạn nói lời tha thứ với người đã không tốt với ta, để tự tha thứ cho chính bản thân mình, và để đừng bao giờ lặp lại sai làm ấy.
       Mạnh dạn nói lời yêu thương với người ta thật sự yêu thương, dù ta biết họ cũng hiểu tình cảm mà ta dành cho họ lớn lao như thế nào. Nhưng một lời nói dù sao cũng hơn mà, đúng không?
     Quan tâm đến mọi người hơn một chút để nhận ra rằng, cuộc sống xung quanh đang trôi đi nhanh lắm, phải nắm chặt lấy những hình ảnh thân thương, những tình cảm tốt đẹp, những khoảnh khắc muôn màu... để ngày mai, ta vẫn còn một ký ức, để nhớ về.
      Lắng nghe nhiều hơn một chút để đôi tai được phát huy tối đa tác dụng, để được nghe những bản nhạc tuyệt vời nhất mà nhà soạn nhạc thiên tài "Cuộc sống" đang dâng tặng miễn phí cho mọi người.
     Đọc nhiều hơn một chút để biết rằng ta thật là nhỏ bé giữa bể kiến thức, để học được những điều hay, biết được những câu chuyện thú vị, để mở rộng kiến thức, thư thái tâm hồn, thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia.
     Và...
    Tinh tế hơn một chút. Dịu dàng hơn một chút. Mạnh mẽ hơn một chút. Chú ý đến bản thân hơn một chút. Người lớn hơn một chút. Tin tưởng hơn một chút. Dứt khoát hơn một chút. Thay đổi... một chút thôi mà.....Bạn nhé quá khứ là những gì đã qua, tương lai là những gì sẽ tới, và hiện tại là tất cả. 

Đừng làm đường thẳng cắt nhau

Gặp nhau 1 lần, xa nhau mãi mãi...
[Math Processing Error] 



Cuộc sống nhiều lúc cũng giống như 1 ly café http://diendan.hocmai.vn/images/smilies/1.gif
(Sưu tầm) 

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

MỖI NGÀY LÀ MỘT NIỀM VUI

Mỗi ngày là một niềm vui...

     Ngày hôm qua là quá khứ. Ngày mai là một điều bí ẩn. Còn hôm nay là một món quà – Mỗi một ngày trôi qua, cuộc sống đều ban cho ta một điều kì diệu - mỗi ngày là một niềm vui…”.
     Khi mùa xuân sang, bạn có cảm nhận được thời khắc tạo vật đâm chồi nảy lộc, bắt đầu một mùa mới ngập tràn sức sống. Những bông hoa hé nở bên những nụ cười tươi xinh rạng ngời. Đẹp lắm và vui lắm cái khoảnh khắc nghe tiếng gió reo trong đôi mắt biết cười, nhìn thấy bóng những chiếc lá chao liệng giữa không trung…
     Bạn có thấy không? Ngoài kia, từng chùm hoa sưa đang nở trắng muốt, tinh khôi như được đơm kết từ những tinh hoa của đất trời. Chỉ ngắm nhìn một chút xinh đẹp dịu dàng của hoa, một chút sáng trong của nắng hửng sau cơn mưa xuân ẩm ướt, cũng đủ thấy lòng lâng lâng một niềm vui cho một ngày mới.
                          Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
                         Đường đến anh em đường đến bạn bè
                         Tôi đợi em về bàn chân quen quá
                         Thảm lá me vàng lại bước qua
     Niềm vui này cũng giản dị lắm, bạn biết không! Một con đường quen thuộc vẫn đi, bỗng hôm nay có thêm một điều gì đó mới mẻ. Vẫn là một hình bóng đợi chờ, vẫn là những bước đường cũ, nhưng biết trên đó là thương yêu, là nâng niu của những thảm lá trút xuống vàng ruộm cả một khoảng không gian thơ mộng. Là bất chợt lắng nghe một thanh âm trong trẻo như tiếng sáo diều ngân vút giữa bầu trời xanh.
                Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
               Cùng với anh em tìm đến mọi người
               Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
               Để thấy tiếng cười rộn rã bay
               Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi
               Chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời
              Tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới
              Để lúa reo mừng tựa vẫy tay.
      Cuộc sống với những niềm vui hay nỗi buồn là do chính con người chọn lựa và làm nên? Vậy có lẽ gì bạn không chọn cho
 mình những niềm vui để thêm yêu đời?
     Dẫu có những nỗi buồn đi ngang cuộc sống, bạn cũng đừng lấy đó làm tuyệt vọng, bởi tất cả những điều đó đến rồi sẽ ra đi. Sao không cất tiếng hát xua tan đi ưu phiền trong vòng tay bè bạn.
     Dẫu có vấp ngã trên đường đời, hãy can đảm đứng lên và đi tiếp hành trình mình đã lựa chọn. Mỗi lần thất bại sẽ giúp bạn thêm mạnh mẽ hơn. Giống một điều giản dị đã trở thành chân lý trong tác phẩm nổi tiếng của O.Henry: “Chiếc lá cuối cùng chưa hẳn là sẽ rụng, nó sẽ kiên cường ngự trị trong lòng mỗi người nếu như tin rằng trên cuộc đời này niềm vui và sự sống vẫn còn tồn tại.”
     Và như thế, hãy sống mỗi ngày thật vui, sống hết mình cho lòng nhẹ tênh: “Và như thế tôi sống vui từng ngày. Và như thế tôi đến trong cuộc đời. Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi”.
     Niềm vui trong cuộc sống còn là cả những phút giây bạn trầm ngâm trong một quán cafe, chờ từng giọt cafe rơi tí tách, nghe tiếng nhạc nhè nhẹ và suy ngẫm về cuộc đời mình, về những gì đã qua…
               Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
               Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
              Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
              Vì đất nước cần một trái tim!
   Xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu những điều kì diệu. Một bữa cơm ấm cúng với gia đình; một công việc vất vả nhưng mang trong nó đầy hoài bão, đam mê; một mơ ước cháy bỏng luôn thường trực trong lòng, một người bạn thân thiết có cái nắm tay rất chặt để cùng nhau đi ngang qua mùa đông thật nhẹ nhàng! Ấy chính là hạnh phúc!
   Và như thế - Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui cho riêng mình!


Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

SỐNG THÊM MỘT NGÀY

Sống thêm một ngày, bạn sẽ biết rằng trên thế gian này vẫn có một người nào đó yêu thương mình 
Đôi khi những áp lực cuộc sống, những thất bại lắm lúc làm đôi chân ta bỗng dưng chùn bước. Ta muốn buông xuôi tất cả và tự hỏi “Ta sống để làm gì? Liệu cuộc sống của ta lúc này có là vô ích?” Nếu vậy thì bạn ơi, xin nghe tôi nói: Nếu như có lần nào đó bạn muốn giã từ cuộc sống này, hãy nghĩ rằng chỉ cần sống thêm một ngày nữa thôi, bạn sẽ biết cuộc sống của chúng ta có những điều kì diệu như thế nào.

Sống thêm một ngày, tình yêu của bạn sẽ ngày thêm trọn vẹn.

Sống thêm một ngày bạn sẽ biết có những mảnh đời còn bất hạnh hơn ta, và ta biết ta vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác.

Sống thêm một ngày, bạn sẽ biết khóc không phải là cách duy nhất để thể hiện sự thất bại, mà người ta biết biến thất bại thành chiến thắng.

Sống thêm một ngày, bạn sẽ biết trong niềm vui còn có nỗi buồn và trong nỗi buồn vẫn loé lên một tia hy vọng.
Sống thêm một ngày, bạn sẽ có thể yêu thêm một ai đó.
Sống thêm một ngày, bạn sẽ biết rằng trên thế gian này vẫn có một người nào đó yêu thương mình.
Sống thêm một ngày, bạn biết có những sợi tóc bạc cứ lớn dần theo năm tháng, vì chính bản thân bạn. Và bạn biết rằng bạn cần phải sống và sống thật xứng đáng hơn ngày hôm qua để sự hy sinh là không uổng phí.
Sống thêm một ngày, bạn sẽ khám phá ra rằng đôi tay của mình không chỉ để cầm viết, để làm đẹp mà còn đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người xung quanh ta.

Và cuối cùng, sống thêm một ngày, bạn sẽ có thêm một cơ hội để biết mình vẫn là người hạnh phúc nhất thế gian.



Vậy là bạn đã biết rồi đó, có những niềm vui  chưa xuất  hiện trong hiện tại, mà chúng đang vẫy tay gọi bạn hướng về phía trước. Hãy can đảm lên nếu lúc này bạn đang chán nản, đang tuyệt vọng, và trái tim bạn đang đau đớn mà muốn ngừng đập, thì hãy nghĩ đến những niềm vui mà bạn sẽ có được trong tương lai. Và chúng rất xứng đáng để bạn nỗ lực bước tiếp trên cuộc đời này..
Sưu tầm

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

CUỘC SỐNG LÀ NHƯ THẾ!!!

CUỘC SỐNG LÀ NHƯ THẾ!!!
Ngày xưa có đôi vợ chồng nọ có một cậu con trai 12 tuổi và một con lừa nhỏ. Một hôm họ quyết định đi chu du thiên hạ để xem nhân tình thế thái.

Khi đi qua một làng đầu tiên họ nghe thấy những người ở đây thì thầm: "Xem thằng bé trên lưng lừa kìa, đúng là thứ không được dạy bảo đến nơi đến chốn… Ai lại ngồi thế khi cha mẹ phải lội bộ bên cạnh."

Nghe vậy người vợ liền nói với chồng: "Không thể để họ nói xấu về con mình như vậy đươc".
Người chồng bèn nhấc cậu bé xuống và nhảy lên lưng lừa ngồi.

Khi qua xóm thứ hai họ lại nghe mọi người ở đây xì xầm: "Xem kìa, thằng chồng kia quả là không biết xấu hổ, khỏe mạnh thế mà lại ngồi trên lưng lừa để vợ và con đi bộ."

Anh chồng liền nhảy xuống khỏi lưng lừa và để chị vợ ngồi lên. Hai cha con đi bên cạnh.

Qua xóm thứ ba họ lại nghe thấy người ta xì xầm: "Tội nghiệp anh chồng, làm lụng vất vả cả ngày kiếm cơm áo về cho gia đình lại phải đi bộ, còn xem con vợ kìa! Cả thằng con nữa, đúng là vô phúc mới có được bà mẹ như vậy."

Nghe vậy cả ba quyết định tất cả cùng ngồi lên lưng lừa rồi đi tiếp.
Khi đi qua một xóm nữa họ nghe thấy mọi người nói với nhau: "Đúng là lũ vô cảm, độc ác chẳng khác thú vật. Ba người ngồi trên lưng co vật nhỏ nhắn thế kia thì nó gẫy lưng mất chứ."
Nghe vậy ba người liền tụt khỏi lưng lừa và đi bên cạnh con vật.

Đến xóm tiếp theo mọi người cảm thấy không thể tin vào tai mình nữa khi nghe thấy người dân ở đây cười nhạo báng: "Nhìn kìa, đúng là lũ ngu. Cả ba lếch thếch đi bộ trong khi con con lừa chẳng có gì trên lưng."
Kết luận: người ta sẽ luôn luôn tìm cách chỉ trích bạn, nhạo báng bạn và hoàn toàn không đơn giản để tìm được một người chấp nhận bạn như bạn vốn có.

Cho nên: hãy sống như bạn cảm thấy là đúng đắn và hãy đi đến những miền mà trái tim bạn chỉ lối…
"Cuộc sống như một màn kịch không có phần tập dượt trước. Bởi vậy: Hãy hát ca, nhảy múa và yêu mỗi một giây phút của cuộc đời bạn trước khi vở kịch hạ màn không một tiếng vỗ tay"


HÃY THAY ĐỔI MỖI NGÀY.

HÃY THAY ĐỔI MỖI NGÀY.
Có một câu chuyện kể về con cóc và xô nước. Nó minh họa cho qui luật tình hình thường không xấu đi ngay tức khắc…
Nếu bạn bỏ một con cóc thông minh và mập mạp vào xô nước nóng, con cóc sẽ làm gì? Ngay lập tức, con cóc quyết định: “Chẳng có gì thích thú, mình phải đi ngay thôi!”. Nó sẽ nhảy ra.

Nếu bạn cũng bỏ chính con cóc này vào trong xô nước lạnh và đặt xô lên bếp… đun nóng từ từ. Điều gì sẽ xảy ra? Con cóc thư giãn… vài phút sau đó nó tự nhủ: “Ở đây thật ấm áp”. Chỉ một vài phút sau, con cóc bị luộc chín.
Ý nghĩa câu chuyện này là gì? Mọi cái đều có quá trình của nó. Cũng giống như con cóc, chúng ta mù mờ và thình lình mọi việc trở nên quá muộn. Chúng ta cần biết chuyện gì đang xảy ra.
Câu hỏi: Nếu bạn thức dậy vào sáng mai và biết mình tăng 20kg, bạn có lo lắng không? Dĩ nhiên là bạn lo và gọi cấp cứu: “Xin đến ngay, tôi bị mập!”. Nhưng khi sự việc xảy ra dần dần, tháng này 1kg, tháng khác 1kg và chúng ta có xu hướng lờ đi.
Khi bạn tiêu vượt quá ngân sách của mình 10 đôla một ngày thì dường như chẳng có vấn đề gì. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục làm như vậy, bạn sẽ cháy túi. Đối với những người bị nợ nần, bị phát phì hay bị ly dị, thường thì đó không phải là một tai họa lớn – vì mỗi ngày nó xảy ra một chút, và rồi một ngày nọ “ùm!”. Họ lo lắng: “Chuyện gì đã xảy ra nhỉ?”.
Cuộc sống luôn mang tính tích lũy. Mỗi ngày một chút như những giọt nước làm mòn phiến đá. Qui luật con cóc bảo chúng ta phải nhìn nhận xu hướng. Mỗi ngày chúng ta phải tự hỏi mình đang nhắm đến đâu? Đích mình cần đi đến là gì? Mình có tiến bộ hơn không? Khỏe hơn, hạnh phúc hơn và thịnh vượng hơn năm ngoái không? Nếu không, chúng ta cần thay đổi việc mình đang làm.http://khatvongtuoitre.com/images/stories/picture1c.jpg
Đây là điều đáng sợ nhất – không có sự đứng yên! Bạn phải tiến lên hoặc lùi lại!


Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

NHỮNG NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA NGÔN NGỮ THƠ THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Đêm 19-12-1946, những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào khu vực đóng quân của quân Pháp trong thành Hà Nội là hiệu lệnh mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của cả nước. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp nước, cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện suốt tám năm để giành lại chủ quyền, độc lập dân tộc. Cũng như mọi  lĩnh vực hoạt động văn hóa tinh thần khác, thơ ca cũng được huy động vào cuộc chiến đấu, trở thành vũ khí lợi hại và là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam kháng chiến. Thơ ca thời kì này (1946-1954 ) đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, “các phẩm chất mới chủ yếu của thơ ca kháng chiến chống Pháp so với thơ trước năm 1945 là hình tượng thơ, ngôn ngữ thơ, thể loại thơ,…”[tr.85; 8].Trong đó, ngôn ngữ thơ có nhiều nét độc đáo. Như chúng ta đã biết, “thơ là nghệ thuật của ngôn từ. Vì vậy sự tiến bộ về thi pháp phải được xem xét từ góc độ ngôn ngữ”[tr.115; 8].Tựu trung lại ngôn ngữ thơ thời kì này gồm có ba nét chính: ngôn ngữ thơ giản dị, giàu chất hiện thực; ngôn ngữ có sự tiếp thu từ văn học dân gian và ngôn ngữ thơ có sử dụng nhiều địa danh.
1.      Ngôn ngữ thơ giản dị, giàu chất hiện thực.
Những năm đầu của cuộc kháng chiến, ảnh hưởng của ngôn ngữ thơ lãng mạn còn khá rõ trong sáng tác của một số người cầm bút. Người làm thơ chưa từ bỏ được thói quen dùng ngôn ngữ hoa mĩ đài các hay lối tượng trưng ước lệ cầu kì. Tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn hiện tượng này đã được khắc phục. Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị, đại chúng là xu hướng mà nhiều nhà thơ đã tìm đến và nó sớm trở thành khuynh hướng chủ đạo trong thơ ca giai đoạn này. Tố Hữu là một trong những người mở đầu cho xu hướng này bằng một loạt bài được viết ngay sau chiến thắng Việt Bắc cuối năm 1947. Liên tiếp trong vài năm sau đó, những bài Cá nước, Phá đường, Bầm ơi, Bà mẹ Việt Bắc,… của ông đã đem đến cho thơ ca kháng chiến một mạch thơ thật bình dị, hồn nhiên, trong sáng, với tiếng nói và hình ảnh chân thực của quần chúng kháng chiến không cần tô vẽ hay mĩ lệ hóa. Chẳng hạn như:
Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi dưới nước, con chim ca trên trời
Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí yêu người anh em
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một bông lúa chín chẳng nên màu vàng
                                            (Tiếng ru)
Có thể bắt gặp điều này trong nhiều sáng tác của Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Hồng Nguyên, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông,… Bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên là những tâm tình của người lính trẻ, chân thành, bình dị, thiết tha:
Lũ chúng tôi
 Bọn người tứ xứ
 Gặp nhau hồi chưa biết chữ
 Quen nhau từ buổi "một hai"
 Súng bắn chưa quen
 Quân sự mươi bài
 Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Chính Hữu trong bài Đồng chí và những bài thơ tiếp theo cũng là một trường hợp rất tiêu biểu cho sự chuyển biến theo hướng đưa thơ trở về với đời sống thực tại hằng ngày của quần chúng kháng chiến, tìm chất thơ trong cái giản dị, bình thường mà sâu xa. Qua những trải nghiệm trong cuộc chiến đấu và những gian khổ, khắc nghiệt của đời lính, cùng với những đồng đội phần lớn xuất thân từ nông dân, Chính Hữu đã tìm được một tiếng thơ dung dị, khỏe khoắn, với những giọng tâm tình thật sâu lắng:
Anh với tôi biết từng cơn ơn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
(Đồng chí)
Hoàng Trung Thông cũng với ngôn ngữ đời thường đã đem đến cho thơ kháng chiến hình ảnh đẹp về tình cảm dân quân gắn bó:
Các anh về
Mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười
Rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về
Tưng bừng trước ngõ
Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con ở rừng sâu mới về
(Bao giờ trở lại)
Ngôn ngữ thơ hướng đến đại chúng, bình dân đời thường có thể kể đến những vần thơ của Nguyễn Đình Thi. Cái cách mà nhà thơ truyền hồn vào cảnh vật rất nhẹ nhàng và tinh tế:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
(Đất nước)
Chỉ thay đổi từ Cỏ mềm thơm mãi dấu chân em (bản cũ) thành Tôi nhớ những ngày thu đã xa (bản mới) là câu thơ đã bắt nhịp với xu hướng chung của thơ ca giai đoạn này. Nguyễn Đình Thi ít chú trọng vần trong thơ nên thơ ông không có cái mỹ lệ thường thấy trong sách vở mà hồn nhiên như những câu nói thường ngày. Nó chứa đầy chất sống, nó là sự sống, là cuộc đời. Ông không sử dụng những lời lẽ cao siêu, trau chuốt mà sử dụng những từ ngữ thuần Việt, mộc mạc, tự nhiên. Thậm chí sử dụng nhiều những thán từ, những lời gọi, lời hỏi có tính chất khẩu ngữ:
                                                    Ôi em!
                                                   Chúng ta như hai ngôi sao
                                                   Hai đầu chân trời lấp lánh
                                                                        (Bài thơ viết cạnh đồn Tây)
       Ôi những cánh đồng quê chảy máu
      Dây thép gai đâm nát trời chiều
                                                 (Đất nước)
Nếu như ngôn ngữ thơ lãng mạn có xu hướng lãng mạn hóa, thi vị hóa hiện thực, thì trong thơ ca kháng chiến chống Pháp đã có sự đổi mới theo hướng sử dụng ngôn ngữ cụ thể, sinh động, phong phú của đời sống để cấu tạo nên ngôn ngữ thơ. Có thể bắt gặp khá phổ biến trong thơ những từ ngữ, cách nói mang tính khẩu ngữ của quần chúng từ những so sánh, theo lối ví von:
Mưa phùn ướt áo tứ thân,
Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu
(Bầm ơi - Tố Hữu)
đến những lời thơ chất phác, thật thà của của người dân quê miền Trung:
        Thương anh, nỏ có - cầu anh mạnh
Anh nện thằng Tây bể sọ dừa
(Lời quê- Hồ Vi)
Này đây là bức tranh sinh hoạt trong đời sống kháng chiến được khắc họa bằng chất liệu mộc mạc giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày:
Này giặc đói, giặc thiếu
Này giặc ốm, giặc xâm lăng
Chà chà, vạn ức triệu
Bao vây mình hung hăng
Anh ơi tôi vẫn ngang tàng
Tôi bắn, tôi cuốc, tôi đan, tôi trồng
Tôi ăn quả chín, tôi uống nước trong
Phên đan che lạnh gió đông thổi về
                        (Bức tranh sinh hoạt- Minh Tiệp)
            Mặc dù ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Vệ quốc gặp rất nhiều khó khăn nhưng ta vẫn thể hiện tinh thần lạc quan chiến thắng. Cảnh rừng Việt Bắc của Bác đã tái hiện lại không khí tưng bừng ấy qua những vầng thơ giản dị:
Cảnh rừng việt Bắc thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay.
Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạt cũ với xuân này.
Rõ ràng, xu hướng chung của thời kì bấy giờ là đưa ngôn ngữ thơ phát triển về phía hiện thực đời sống. Đó là đời sống lao động, đấu tranh của quần chúng nhân dân. Ngôn ngữ thơ thời bấy giờ là về gần với tiếng nói hằng ngày, tự nhiên, bình dị, sinh động. Tuy đưa thơ về ngôn ngữ đời sống nhưng người sáng tác không dung tục hóa thơ hay dùng những lời nói thường ngày một cách tùy tiện mà họ có một sự lựa chọn nghiêm túc. Vì vậy ngôn ngữ thơ tuy đơn sơ, mộc mạc mà có khả năng thấm sâu vào hồn người. Những câu rất đỗi giản dị song vẫn có thể tạo được một ấn tượng không thể nào phai được trong lòng người đọc. Ta làm sao quên được câu thơ giản dị nhưng độc đáo của nhà thơ Quang Dũng khi viết về sự gian khổ của người lính: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” (Tây Tiến), hay hình ảnh “Đầu súng trăng treo” (Đồng chí) mà Chính Hữu dùng. Đấy đều là những sáng tạo ngôn ngữ thơ độc đáo mà trước nay chưa ai dùng đến. Nó đã tạo nên dấu ấn đặc biệt và ấn tượng lâu bền trong lòng độc giả.
Cũng trong phương diện từ ngữ, từ địa phương được đưa vào thơ khá rộng rãi và nhiều trường hợp đã góp phần tạo nên chất liệu hiện thực với sắc thái riêng độc đáo:
Đồng chí nứ vui vui
Đồng chí nứ dạy tôi dăm cái chữ
Đồng chí mô nhớ nữa
Kể chuyện Bình Trị Thiên
Cho bầy tôi nghe ví
Bếp lửa run run đôi vai đồng chí
- Thuở trong nớ hiện chừ vô cùng gian khổ
Đồng bào ta phải kháng chiến ra ri
(Nhớ - Hồng Nguyên)
 Hoặc:                             Ăn bao nhiêu bữa “đuối cưa”
Lều dột bao bận bị mưa ngủ ngồi
(Thơ Khuyết danh)
Lối viết này làm cho người đọc cảm nhận được sự gắn bó chân thành của các nhà thơ đối với hiện thực cuộc sống vừa định vị được vùng đất mà tác phẩm nhắc đến.
Thành tựu của thơ kháng chiến những năm đầu theo hướng đại chúng hóa còn nhiều trường hợp khác: Lên Cấm Sơn của Thôi Hữu, Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông, Viếng bạn của Hoàng Lộc,… Hầu như bài thơ nào cũng được đan dệt bằng những chi tiết, hình ảnh, sự việc của đời sống hiện thực. Có thể nói, những người cầm bút thời kì kháng chiến chống Pháp có nhiều đóng góp trong sự phát triển của ngôn ngữ thơ ca hiện đại. Họ có ý thức tăng cường chất liệu ngôn ngữ, tạo nên sắc thái tươi trẻ, sống động, gần gũi hơn với đời sống thực tế. Vì thế ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ cuộc sống, từ cuộc sống đi vào thơ, không cầu kì sáo rỗng. Hầu hết các bài thơ kháng chiến được quần chúng yêu mến là những bài có cảm xúc chân thành trong bộ trang sức ngôn ngữ bình dị, quen thuộc.
2. Ngôn ngữ thơ có sự tiếp thu từ văn học dân gian.
Giá trị nghệ thuật của ngôn ngữ thơ thời kì này là một hệ thống ngôn ngữ đậm đà tính dân tộc. Điều này thể hiện ở ngôn ngữ nhiều bài thơ có sự tiếp thu từ văn học dân gian. Những câu thơ hiện đại với cảnh sống hiện đại mà vẫn có giọng của ca dao truyền thống. Đó là trường hợp các bài thơ của Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Hoàng Cầm,… Đến với Hồ Chí Minh, ta thấy Bác Hồ làm thơ đâu có phải nhằm tu sức mĩ từ nhưng qua vần thơ nhẹ nhàng chân thật, ta lại bắt gặp một nghệ thuật sử dụng ngôn từ đặc biệt. Ví như trong bài thơ Cám ơn người tặng cam, Bác viết:
Cám ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?
Câu thơ thứ ba vốn hoàn toàn là một câu tục ngữ. Câu tục ngữ sáu tiếng của dân gian được sử dụng nguyên vẹn bỗng trở thành câu lục trong tiếng thơ lục bát của Người. “Như dòng suối trong veo chảy liền mạch, những câu thơ cứ nối tiếp nhau xuất hiện lưu loát, tự nhiên, hồn nhiên…” [tr.173; 9 ]. Quan trọng hơn là tục ngữ ca dao dân tộc đã nằm sẵn trong tiếng nói của Bác, đã hòa lẫn trong niềm yêu thương của trái tim Người. Câu thơ cuối cùng là câu thơ lẩy Kiều (câu thơ trong Kiều: Hay là khổ tận đến ngày cam lai?). Phía sau cái nghĩa trừu tượng giống như bĩ cực thái lai, ở trường hợp cụ thể trong tiếng thơ Người, thành ngữ Khổ tận cam lai còn mang thêm một nét nghĩa “mới” mà rất “cũ”: có những quả cam đến thật !
Ở bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu sử dụng nhiều TaMình. Có thể nói nhân vật chính của bài thơ là Ta- Mình, Mình – Ta cứ xoắn xuýt nhau, quyện lẫn vào nhau không nỡ rời, như tình không bao giờ dứt:
Ta với mình, mình với ta,
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh.
Mình Ta trong ca dao thường là cách xưng hô của những chàng trai cô gái, những đôi lứa yêu thương. Tố Hữu dùng TaMình của ca dao để tượng trưng cho tình cảm của người cán bộ kháng chiến với chiến khu Việt Bắc, của đồng bào miền xuôi với đồng bào miền ngược, thì ta hiểu mối tình ấy khăng khít và sâu sắc đến mức nào. MìnhTa trong thơ Tố Hữu cũng có một tình cảm sâu sắc, mãnh liệt như MìnhTa trong ca dao truyền thống, nhưng MìnhTa trong thơ Tố Hữu mang tính chất thời đại mới, có ý nghĩa xã hội cao hơn. Rõ ràng nhân vật của bài thơ có mang nhiều nét của nhân vật trong ca dao, dân ca. Ở bài Phá đường, chúng ta thấy tính cách của người phụ nữ Bắc Giang có dáng dấp của người phụ nữ trong ca dao. Đó là người phụ nữ đảm đang, tảo tần, nuôi chồng, nuôi con:
Nhà em phơi lúa chưa khô,
Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong
Nhà em con bế con bồng
Em cũng theo chồng đi phá đường quan
Tố Hữu đã tiếp thu và sử dụng yếu tố truyền thống của ca dao, dân ca để khắc họa sâu hơn tính cách của con người hiện đại. Một đoạn thơ trong bài Việt Bắc:
Muối Thái Bình ngược Hà Giang
Cày bừa Đông Xuất, mía đường tỉnh Thanh
Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông
Tố Hữu học tập và vận dụng lối kể địa phương, sản phẩm địa phương của ca dao để miêu tả cuộc sống mới, để tiên đoán ra cái cảnh thay đổi tưng bừng, tấp nập, rộn rã của đất nước sau ngày được giải phóng và sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hoàng Cầm với Bên kia sông Đuống lại có sáng tạo độc đáo trong cách xử lý chất liệu dân gian, dân tộc một cách khá hiện đại:
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu ?
Các nhà thơ đã vận dụng một cách sáng tạo chất liệu từ dân gian làm ngôn ngữ vừa mang tính hiện đại vừa mang dáng dấp truyền thống. Việc tiếp thu ở đây “không phải là vay mượn, là di chuyển câu thơ từ xưa về với nay. Tiếp thu phần hồn, không dừng lại ở phần xác, đón lấy hương vị, không dừng lại ở cái vỏ bên ngoài. Những câu thơ ở đây có phản phất gần giống những câu thơ có sẵn trong kho tàng văn học quá khứ, cái chính không phải là ở chỗ đó, không phải ở chỗ lấy lại toàn vẹn hay một phần. Cái chính là trở về với hồn thơ dân tộc, làm cho cái hồn thơ dân tộc nhập vào với cái hồn thơ thời đại, lấy lại mà vẫn tự nhiên, không cộm, không phải góp nhặt mà gắn liền với máu thịt, nhuần nhuyễn vào bên trong” [tr. 442,443; 2]. Đó là một đóng góp quan trọng của những người cầm bút trong giai đoạn này.
3. Ngôn ngữ thơ có sử dụng nhiều địa danh
Một đặc điểm của ngôn ngữ thơ kháng chiến là việc sử dụng rộng rãi các địa danh. Trong thơ Việt Nam chưa bao giờ các địa danh của mỗi vùng, miền lại xuất hiện nhiều và rất phổ biến như ở thời kỳ này, thậm chí nó dày đặc trong một bài hay một câu thơ, vậy mà hầu như không có trường hợp nào gây ra sự phản cảm cho người đọc. Bởi đằng sau những địa danh đó là một vùng đất đai, xứ sở của tổ quốc, là sự chất chứa những vẻ đẹp, những đau thương, cả những kỉ niệm và lòng yêu mến của những con người. Chẳng hạn:
Quanh co, chen nhau rộn ràng Đồng Xuân
Xanh tươi bát ngát Tây Hồ
Hàng đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai...

                                    (Người Hà Nội – Nguyễn Đình Thi)
Tây Tiến (Quang Dũng) là bài thơ hay về hình ảnh người lính Tây Tiến hành quân gian khổ với tinh thần “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Những địa danh được Quang Dũng đưa vào bài thơ là những nơi in đậm dấu chân cùng nhiều kỉ niệm của đoàn quân Tây Tiến:
Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
(……………)
Hay đó tâm trạng đau đớn của Quang Dũng trước quê hương Sơn Tây bị giặc tàn phá và sự mong ước một ngày “ ngày ấy thanh bình chắc nở hoa” trong Đôi mắt người Sơn Tây. Trong kí ức của tác giả đó là một quê hương thơ mộng:
Bao giờ trở lại đông Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.
Hoàng Cầm trong Bên kia sông Đuống đã nghẹn ngào biết bao khi quê hương vốn thanh bình tươi đẹp nay bị giặc tàn phá. Nhà thơ đau xót khi cất lên những câu hỏi nao lòng:
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người chăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu về đâu?

Đưa vào những địa danh này, Hoàng Cầm không chỉ khơi dậy lòng căm thù quân giặc của những người nơi quê hương tác giả mà còn dấy lên làn sóng yêu nước của những người dân trên đất nước Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, ta còn thấy một tình cảm gắn bó tha thiết với với hương, xứ sở của những người lính thời kì này. Bài thơ Tình sông núi của Trần Mai Ninh là một trong những bài thơ mở đầu cho dòng thơ cách mạng và kháng chiến. Qua bài thơ ta thấy được một sự cảm nhận về quê hương miền Trung của tác giả, một miền Trung nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy thơ mộng.
Trăng nghiên trên sông Trà Khúc
Mây lồng và nước trong veo
Nắng bột chen dừa Tam Quan
Gió buồn uốn éo
Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ
Mờ soi Bình Định trăng mờ
Phú Phong rộng
Phú Cát lì
An Khê cao vút
Gió lạnh rừng buồn
Mượn ai kín hộ nước nguồn về đây
Gặp sông Cầu khó rời tay
Sông Cầu của Đất, nước này là duyên.
Chúng ta còn thấy được tình cảm quân dân cùng thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng trong chiến đấu cũng như trong sản xuất.Những dấu chân người lính trong Bao giờ trở lại  của Hoàng Trung Thông đã cho ta thấy được tinh thần đó.
Anh giờ đánh giặc nơi đâu,
Chiềng Vang, Vụ Bản hay vào Trị -Thiên.
Làng tôi thắng lợi vụ chiêm,
Lúa thêm xanh ngọn, khoai lên thắm vòng.

Thay lời kết:
Ngôn ngữ thơ thời kháng chiến có những nét đặc sắc so với ngôn ngữ thơ thời kì trước Cách mạng. So với các thi sĩ Thơ mới thì các nhà thơ thời kì kháng chiến chống Pháp đã đem đến cho thơ ca những cách tân đáng kể trong ngôn ngữ thơ. Thơ ca giai đoạn này chủ yếu để hiện hình lên trang giấy những từ ngữ thuần Việt, mộc mạc, tự nhiên, bình dị. Ngôn ngữ thơ còn có sự tiếp thu từ văn học dân gian và đưa vào nhiều địa danh để tăng thêm tính dân tộc, tạo sự gắn bó, gần gũi với quần chúng.
Nếu Thơ mới (1930-1945) đã vượt qua quá khứ trì trệ và góp phần đào tạo ra thế hệ các nhà thơ kháng chiến thì chính thơ kháng chiến đã làm mẫu mực cho những người cầm bút thế hệ sau. Thơ kháng chiến không tạo ra thêm những thể loại mới nhưng nó có công rất lớn trong việc đưa ngôn ngữ mới vào thơ. Ngôn ngữ ấy là của nhân dân lao động, những ngưới lính cầm súng góp phần tạo ra. Các nhà thơ đã thuần dưỡng và sử dụng một cách rất hồn nhiên. Thơ cổ vũ nhân dân và đến lượt, nhân dân đón đọc và cổ vũ làm cho thơ Việt Nam không ngừng phát triển và tươi mới. Sự cộng hưởng giữa thơ với người đọc tạo nên một bức tranh sinh động và huyền ảo, góp phần làm phong phú hơn vẻ đẹp tinh thần của con người. Ngôn ngữ thơ còn tiếp tục được các thế hệ nhà thơ trau dồi và làm phong phú, độc đáo hơn ở những giai đoạn sau.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
2.      Lê Đình Kỵ, Thơ Tố Hữu (Chuyên luận), Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1979.
3.       Phong Lan, Mai Hương (tuyển chọn và giới thiệu), Tố Hữu - Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001.
4.      Mã Giang Lân, Tìm hiểu thơ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000.
5.      Nguyễn Văn Long, Văn học Việt Nam trong thời đại mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
6.      Bùi Công Hùng, Quá trình sáng tạo thơ ca, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000.
7.      Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
8.      Vũ Duy Thông, Cái đẹp trong thơ ca kháng chiến Việt Nam 1945- 1975, Nxb Giáo dục, 2000.
9.       Nguyễn Nguyên Trứ, Cách viết của Bác Hồ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.
10. Hoài Việt (Sưu tầm và tuyển chọn), Hoàng Cầm- Thơ văn và cuộc đời, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997.