Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

TƯ TƯỞNG LÍ LUẬN VĂN HỌC CỦA TƯ MÃ THIÊN, BẠCH CƯ DỊ, HÀN DŨ, ÂU DƯƠNG TU


A.    ĐẶT VẤN ĐỀ
Lý luận văn học cổ Trung Quốc có lịch sử lâu dài, có khối lượng đồ sộ và có những thành tựu rực rỡ không thua kém bất cứ nền lý luận văn học nào trên thế giới. Những tên tuổi làm vang danh cho nền lý luận văn học ấy có thể kể ra như: Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử… với những tư tưởng sâu sắc có tính định hướng cho văn học; rồi đến Tào Phi với Điển luận- Luận văn, Lục Cơ với Văn phú, Lưu Hiệp với Văn tâm điêu long, Chung vinh với Thi phẩm , Nghiêm Vũ với Thương Lang thi thoại, Kim Thánh Thán với việc phê bình Lục tài tử thư, Viên Mai với Tùy Viên thi thoại,..Nhìn chung, có nhiều cách chia lịch sử lý luận phê bình văn học Trung Quốc. Trong sáng tác cũng có nhiều khuynh hướng trong đó có khuynh hướng đề cao đạo đức, chính trị, xã hội trong văn học. Có thể nói rằng đây là khuynh hướng chính thống của văn chương Trung Quốc. Khuynh hướng sáng tác này có hai loại: một là quan niệm văn học của những nhà tư tưởng, cụ thể là các nhà nho, họ thường quan tâm đến những mối quan hệ giữa văn học với những vấn đề bên ngoài văn học: đạo đức, chính trị, xã hội; hai là quan niệm văn học của các nhà văn, mặc dù cũng gắn bó với tư tưởng Nho gia và chịu sự chi phối của nó, nhưng vì là người sáng tác hay những nhà phê bình tri âm với nhà văn, nên họ chú ý nhiều đến những vấn đề thuộc về tâm lý sáng tạo nghệ thuật.
Dòng Nho gia là những nhà tư tưởng Nho gia, tiêu biểu là Khổng Tử. Tuy nhiên trước khi Khổng Tử xuất hiện thì những mầm móng ban đầu của tư tưởng lý luận văn học Nho gia cũng đã hình thành. Đó là quan niệm Quan chí, Quan phong trong Kinh Thi. Sau này, quan niệm rất nổi tiếng là “Thi ngôn chí” (Thơ là để nói chí) cũng đã xuất hiện từ rất sớm trong sách “Thượng thư-thiên Nghiêu điển”, nhưng qua thời gian, cuối cùng thì chỉ có mỗi Nho gia đi đến cùng quan niệm này, vì thế nó trở thành một trong những tư tưởng lý luận quan trọng của Nho gia.
            Dòng văn gia về cơ bản cũng thống nhất với những quan niệm văn học của Nho gia. Có thể coi người mở đầu là nhà sử học, đồng thời cũng là nhà văn vĩ đại Tư Mã Thiên với quan niệm “Phát phẫn trứ thư” (uất ức mà viết thành sách). -văn chương được sáng tác ra từ sự phẫn uất củ người nghệ sĩ. Trong các thi sĩ đời Đường, người nặng lòng với trách nhiệm xã hội của thơ ca nhất là Bạch Cư Dị. Ông dùng văn chương là khí cụ “Thái thi dĩ bổ sát thời chính” (gom nhặt thi ca để làm tài liệu bổ sung cho việc tìm hiểu tình hình chính trị đương thời). Người khởi xướng phong trào Cổ văn thời Trung Đường là Hàn Dũ với quan niệm sáng tác “Vật bất bình tắc minh” (mọi vật vì bất bình mà phải kêu lên). Và văn chương cũng vậy, vì sự bất bình với thực tại mà người nghệ sĩ mới phải kêu lên, mà sáng tạo ra tác phẩm. Nhà văn hàng đầu của đời Tống là Âu Dương Tu. Ông thách thức dư luận bằng quan niệm đầy tranh cãi “Thi cùng nhi hậu công”  (người cùng thì thơ mới hay).
            Trong giới hạn bài viết này, người viết chỉ đề cập đến vấn đề Tinh thần bất bình với thực tại trong lý luận về sáng tác văn học của bốn tác gia tiêu biểu là Tư Mã Thiên, Bạch Cư Dị, Hàn Dũ và Âu Dương Tu.
  
B. NỘI DUNG
1.      TƯ MÃ THIÊN.
1.1.           Cuộc đời
Tư Mã Thiên (145-?tr. Cn) tự Tử Trường, người Hạ Dương (nay thuộc Thiểm Tây). Ông là nhà văn, nhà viết sử vĩ đại của Trung Quốc thời Tây Hán. Tổ tiên ông từ đời Chu đã làm chức thái sử. Đến đời thân phụ ông là Tư Mã Đàm làm chức Thái Sử Lệnh nhà Hán. Năm gần mười tuổi ông đã theo cha là đến tại Trường An. Sau đó, ông từng theo học “Xuân Thu” với Đổng Trọng Thư, và theo học “Thượng Thư” với Khổng An Quốc. Tất cả những điều đó đã đặt nền tảng học vấn của ông. Năm hai mươi tuổi, ông đi chu du khắp nơi của đất nước Trung Hoa. Lần chu du này ông đến các địa phương mà hiện nay là Hồ Nam, Giang Tây, Triết Giang, Giang Tô, Sơn Đông, Hà Nam,v.v… để thăm những di tích của Đại Vũ, Khuất Nguyên, Hàn Tín, Khổng Tử, v.v… những nhân vật lịch sử mà trong truyền thuyết có nói đến. Sau khi chu du trở về, ông làm quan tới chức Lang trung, phụng chiếu nhà vua đi sứ đến vùng Tứ Xuyên, Vân Nam. Về sau, ông theo vua Vũ Đế đi tuần du, săn bắn, nên đã đi qua rất nhiều địa phương. Người đời sau coi ông là “người lữ hành vĩ đại nhất của Trung Hoa thời cổ”. Sau mấy lần chu du, dấu chân của ông đã in khắp các địa phương trong cả nước. Những cuộc chu này đã làm cho tư tưởng và nhãn quan của ông được mở rộng, giúp ông tiếp xúc được với cuộc sống của đủ các tầng lớp. Đồng thời cũng giúp ông sưu tập nhiều tư liệu, truyền thuyết đối với nhiều nhân vật lịch sử. Tất cả những điều đó có tác dụng rất lớn đối với việc ông viết bộ Sử kí sau này.
Năm 110 tr. Cn niên hiệu Nguyên Phong nguyên niên đời vua Hán Vũ Đế, Tư Mã Đàm qua đời. Khi lâm chung, ông đã đem việc chưa là được trong việc viết sử dặn dò, kí thác lại cho Tư Mã Thiên. Ba năm sau, Tư Mã Thiên nối tiếp nhiệm vụ của cha làm Thái Sử Lệnh. Bắt đầu từ đó, ông làm việc với một tinh thần không biết mệt mỏi, tìm đọc các tàng thư của quốc gia, nghiên cứu các sử liệu chuẩn bị cho việc viết sử. Trong quá trình đó, đã xảy ra một tai nạn cực kì nghiêm trọng. Năm 99 tr. Cn niên hiệu Thiên Hán năm thứ hai Lý Lăng xua quân chống trả sự xâm lược của Hung Nô. Sau nhiều lần chiến đấu bị thất bại, Lý Lăng đã đầu hàng. Tin tức này truyền đến triều đình, Vũ Đế hết sức căm giận, triều thần cũng đua nhau trách mắng Lý Lăng. Bất bình trước những triều thần quen thói an hưởng phú quý lại không có một tấm lòng đồng tình nhỏ bé nào đối với những tướng lãnh mạo hiểm chống giặc ngoài biên cương nên ông đã dâng sớ bênh vực Lý Lăng. Nhưng sự biện hộ của ông đã làm cho Vũ Đế thêm tức giận. Hán Vũ Đế đã khép ông vào tội “khi quân” và xử ông “cung hình”. Đối với Tư Mã Thiên, đấy là một sự đại nhục trong cuộc đời, còn đau khổ hơn cả bị xử tử hình nữa.
Qua sự kiện này, Tư Mã Thiên có một sự nhận thức mới đối với quyền lực tuyệt đối với nhà vua chuyên chế, cũng như đối với cảnh ngộ trong cuộc đời luôn bị sức mạnh từ bên ngoài áp bức. Có lúc ông nghĩ đến cái chết nhưng “người ta ai cũng có mộ lần chết, có cái chết nặng như Thái Sơn, có cái chết nhẹ như lông hồng”, ông không bằng lòng kết thúc mạng sống quý báu của mình trước một tình huống hoàn toàn không có giá trị như vậy. Ông đành phải ẩn nhẫn mà sống và lấy việc viết sử để làm mục tiêu tối cao trong cuộc đời. Đó cũng là hình thức phản kháng mà ông áp dụng đối với sự lạm dụng quyền uy của nhà vua và sự tàn bạo của số mệnh. Với tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, sáu năm sau (93tr. Cn) - vào khoảng năm Thái Thủy thứ tư, Tư Mã Thiên đã hoàn thành bộ Sử ký, một trước tác vĩ đại chưa từng có. Từ đó trở về sau, sự tích về ông ra sao không ai biết rõ. Tương truyền ông mất vào cuối đời vua Vũ Đế.
2. 2. Quan niệmPhát phẫn trứ thư”.
Trong sáng tác của mình, Tư Mã Thiên ý thức rất nghiêm túc trong việc “thành nhất gia chi ngôn”, cũng là rất coi trọng chuyện “lập ngôn” vậy. Trong Thư gửi Chí Bá Lăng (Dữ Chí Bá Lăng thư) ông  có nói: “Thiên tôi nghe nói người quân tử có ba loại đáng quý: Thứ nhất là lập đức, kế đến là lập công, kế nữa là lập ngôn”. Chính vì thế mà khi làm sử quan Tư Mã Thiên có ý thức sâu sắc về sứ mệnh đặc biệt quan trọng của mình, ông đã dành trọn đời mình mà làm ra bộ Sử ký.
Năm 99tr. Cn vì sự kiện Lý Lăng mà ông bị khép tội và phải chịu hình phạt tàn khốc là “ cung hình”, điều này khiến ông đau đớn về thể xác, nhục nhã về nhân cách, tinh thần nhưng ông đã nén nỗi đau riêng mà hoàn thành bộ Sử ký. Trong “Thái sử công tự tự”, Tư Mã thiên đưa ra thuyết “Phát phẫn trứ thư”(Uất ức mà viết thành sách). Ông viết: “ Thái sử công gặp cái họa Lý Lăng, bị cùm trói trong tù, bèn bùi ngùi mà rằng: “Đó là tội của ta! Đó là tội của ta! Thân tàn không dùng được nữa rồi!”. Nhưng lại suy nghĩ kỹ mà rằng : Ôi! Viết sách làm thơ, đó là điều những người trong lúc cùng dùng để truyền đạt cái ý nghĩ của mình. Xưa Tây Bá bị tù ở Dĩu Lý nên diễn giải Chu Dịch; Khổng Tử gặp nạn ở đất Trần, đất Thái nên viết xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi, viết Ly Tao; Tả Khâu Minh bị mù mà làm quốc ngữ; Tôn Tẫn bị cụt chân, bàn binh pháp; Lã Bất Vi bị đày sang Thục, đời truyền lại sách Lữ Lãm; Hàn Phi bị tù ở Tần, làm những thiên Thuyết nan, Cô phẫn; ba trăm bài Kinh Thi phần lớn do thánh hiền làm ra để giãi bày các nỗi uất ức không biểu lộ ra được, cho nên thuật lại chuyện xưa mà lo truyền lại người sau. Do đó bèn soạn thuật cho xong từ thời Nghiêu cho đến năm được con lân thì dừng bút, bắt đầu từ Hoàng Đế”.
(Tao Lý Lăng chi họa, u ư ly tiết. nãi vị nhiên thán viết:“Thị dư chi tội dã phù! Thị dư chi tội dã phù!”. Thân hủy bất dụng hỹ. Thoái nhi thâm duy viết: Phù, thi thư ẩn ước giả, dục toại kỳ chí chi tư dã. Tích Tây Bá câu Dĩu Lý diễn Chu Dịch; Khổng Tử ách Trần Thái tác Xuân Thu; Khuất Nguyên phóng trục trứ Ly Tao ; Tả Khâu thất minh quyết hữu Quốc Ngữ; Tôn Tử tẫn cước nhi luận binh pháp; Bất Vi thiên Thục thế truyền Lữ Lãm; Hàn Phi tù tần, Thuyết nan, Cô phẫn; Thi tam bách thiên đại để thánh hiền thánh phát phẫn chi sở vi tác dã. Thử nhân giai ý hữu sở uất kết, bát đắc thông kỳ đạo dã, cố thuật vãng sự, tư lai giả. Ư thị tốt thuật Đào đường dĩ lai, chí ư lân chỉ, tự Hoàng Đế thủy).
Trong Thư trả lời Nhâm An ( Báo Nhâm Thiếu khanh thư), Tư Mã Thiên cũng viết một đoạn tương tự như trong phần tựa của bài Sử ký: “ Người xưa giàu sang mà danh vị bị vùi dập không kể hết. Chỉ có những người trác việt phi thường là được người ta nhắc đến mà thôi. Văn Vương bị giam, diễn giãi Chu Dịch; Trọng Ni gặp nạn là Kinh Xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi nên ngâm Ly Tao; Tả Khâu bị mù nên có Quốc ngữ; Tôn Tẫn bị chặt chân, trình bày binh pháp; Bất Vi bị đày sang đất Thục, sách Lữ Lãm còn truyền lại ở đời ; Hàn Phi bị tù ở Tần, viết Thuyết nan và Cô phẫn; Kinh thi ba trăm thiên phần lớn đều do thánh hiền phát phẫn mà làm ra. Những người này đều có cái uất ức ở trong lòng không bày tỏ được đạo của mình, cho nên thuật lại việc cũ để lại cho người sau này vậy. Kìa xem Tả Khâu không có mắt, Tôn Tẫn bị chặt chân, trọn đời không thể làm được việc gì, nên lui về viết sách để hả điều căm giận , mong lấy câu văn suông để cho đời biết mình”.
Chính vì quan niệm “phát phẫn trứ thư” cho nên trong Khuất Nguyên, Giả Sinh truyện, Tư Mã Thiên cũng nhấn mạnh nguyên nhân Khuất Nguyên viết Ly Tao là do “Ưu sầu u tư”, do “oán” cũng thống nhất quan niệm “phát phẫn trứ thư”của ông. Ông cho rằng Chu Dịch, Xuân Thu, Ly Tao, Thi tam bách… được viết ra điều do “Những người này đều có cái uất ức trong lòng không bày tỏ được của mình”( Thử nhân giai ý hữu sở uất kết, bát đắc thông kỳ đạo), nên viết sách để “truyền đạt cái ý nghĩ của mình”(toại kỳ chí chi tư) mong lưu truyền hậu thế. Tư Mã Thiên nói chuyện người xưa nhưng thực ra là nói về mình. Tác phẩm viết ra từ những điều uất ức không hề là những câu chuyện sáng tác riêng tư, mà biểu lộ nỗi bất bình chung của nhà văn đối với thực tại.
Như vậy, từ kinh nghiệm cá nhân, Tư Mã Thiên đã suy rộng ra: từ Văn Vương, Khổng Tử, đến Tôn Tẫn, Hàn Phi, Lã Bất Vi, Khuất Nguyên, ai cũng có điều phẫn uất ở trong lòng mình mà sáng tác ra những tác phẩm để đời
Quan niệm “Phát phẫn trứ thư” của Tư Mã Thiên có ảnh hưởng sâu sắc đối với cá nhà văn sau này. Hoàn Đàm (Đông Hán ) cũng nói tương tự: “Giả nghị không bị giáng chức, thất chí, thì văn thái không phát ra được”. (Giả Nghị bất tả thiên thất chí, tắc văn thái bất phát). Hàn Dũ đưa ra thuyết Vật bị bất bình thì kêu lên - “Bất bình tắc minh”. Âu Dương Tu thời Tống nói về thơ ca thì cho rằng: Người cùng thì thơ mới hay- “Thi cùng nhi hậu công”, cũng có mối liên hệ chặt chẽ quan niệm “phát phẫn trứ thư” của Tư Mã Thiên.
2. BẠCH CƯ DỊ.
2.1. Cuộc đời
.           Bạch Cư Dị(772-846) tự Lạc Thiên, hiệu là Hương Sơn cư sĩ, người Hạ Quê (Nay là Vị Nam, Thiểm Tây). Ông sinh vào năm thứ bảy niên hiệu Đại Lịch, đời Đường Đại Tông, mất vào năm thứ sáu niên hiệu Hội Xương đời Đường Vũ Tông. Cùng tuổi với Lưu Vũ Tích, kém Hàn Dũ bốn tuổi, nhiều hơn Liễu Tông Nguyên một tuổi, Nguyên Chẩn bảy tuổi.
Lúc nhỏ ông sống trong cảnh chiến tranh loạn lạc. Năm mười hai, mười ba tuổi, ông phải rời quê hương đến vùng Giang, Chiết để tránh chiến loạn. Năm 16 tuổi mới đến Trường An. Niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ mười sáu(800), đời vua Đường Đức Tông, Bạch Cư Dị thi đỗ tiến sĩ. Hai năm sau, ông tham dự kỳ thi tuyển chọn những người ưu tú và được giữ chức vụ Hiệu thư Lang thuộc Bí Thư Tỉnh, cùng bắt đầu làm quan với Nguyên Thận. Năm 807, (Nguyên Hòa thứ 2), Đường Hiến Tông triệu Bạch Cư Dị và Nguyên Chẩn về kinh phong làm Hàn lâm học sĩ. Năm sau phong làm tả thập di (gián quan). Lúc này Nguyên Chẩn đã thăng đến chức giám sát ngự sử. Trong khi làm gián quan, xuất phát từ tinh thần chính nghĩa và nhiệt tình tiến thủ về mặt chính trị, ông đã đề xuất sự phê bình mạnh mẽ đối với việc hành chính thời đó. Ông nhiều lần dâng thư phản đối việc hoạn quan nắm binh quyền, chỉ trích những lỗi lầm của nhà vua, lại bị vua giận, may mà không bị tội. Trong thời gian này, ông sáng tác rất nhiều bài thơ châm biếm chính trị trong đó có mười bài Trần trung ngâm và năm mươi bài Tân nhạc phủ, được xem là giai đoạn lịch sử xán lạn nhất trong trong cuộc đời chính trị và văn học của ông.
Nguyên Hòa năm thứ năm (810),vì có mẹ già, nhà nghèo, Bạch Cư Dị tự xin đổi chức, được bổ ra làm Hộ tào tham quân tại Kinh Triệu. Năm sau, ông có tang mẹ phải về quê để thủ tang ba năm, rồi mới trở lại trường An giữ chức Tả tán thiện đại phu. Lúc này nhiệt tình chính trị của ông chừng như bắt đầu suy giảm, có khuynh hướng muốn sống yên ổn, an nhàn. Hai năm sau, do tể tướng Vũ Nguyên Hành bị thích khách của Bình Lư Tiết Độ Sứ là Lý Sư Đạo giết chết, Bạch Cư Dị dâng thư tình nguyện đi bắt thích khách nhưng lại bị buộc tội là nói lên những lời nói vượt quyền, bị biếm đi làm Tư Mã Giang Châu. Qua sự đả kích này, lý tưởng về cuộc sống trong thời trai trẻ của ông bị dao động, nên ông ngày càng nghiêng về tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo. Ông xây dựng một thảo đường ở gần Đông Lâm tự tại Lư Sơn, lo việc lễ Phật tham thiền, đi vào con đường an nhàn, tự tìm thú vui để giữ tư cách của mình. Trong thời kỳ này, ông sáng tác hai tác phẩm nổi tiếng là Bức thư gửi Nguyên Chẩn (Dữ Nguyên Cửu thư) và bài thơ trường thiên “Tỳ bà hành”: “Dữ Nguyên Cửu thư “là một bài phê bình văn nghệ, trong đó Bạch Cư Dị trình bày quan niệm của mình về sáng tác thơ văn. Theo ông, văn chương phải cho hợp với thời đại, bộc lộ hiện thực “Làm văn chương phải cho hợp với thời đại; làm thơ ca phải cho hợp sự việc”. Còn “Tỳ bà hành” là bài thơ dài trong đó ông mượn câu chuyện của người thương phụ bến Tầm Dương để tả niềm thương cảm của mình nơi đất khách.
Sau đó ông lại giữ chức Thứ Sử Trung Châu, Hàn Châu, Tô Châu và chức Bí Thư Giám, Hà Nam Doãn, Thái Tử Thiếu Phó. Càng về già, ông càng tỏ ra tín ngưỡng Phật giáo. Cuối cùng ông sống an nhàn tại Lạc Dương. Năm 75 tuổi ông qua đời tại đây. Tác phẩm có: Bạch thị Trường Khánh tập.
2.2. Quan niệmThái thi dĩ bổ sát thời chính”.
Có thể nói Bạch Cư Dị là nhà thơ hiện thực vĩ đại đời Đường, đồng thời ông cũng là nhà phê bình văn học kiệt xuất, chủ trương tiến bộ của ông là một đóng góp quan trọng cho lý luận văn học cổ điển Trung Quốc. Bạch Cư Dị đã nhận thức sâu sắc tác dụng của xã hội của thơ ca, ra sức đề cao thơ phúng dụ. Ông cũng đã tổng kết lý luận thơ ca tiến bộ trong quá khứ từ Nhạc ký, Thi đại tự cho đến Trần Tử Ngang, Đỗ Phủ đời Đường, kết hợp với yêu cầu thời đại, trình bày một cách rõ ràng quan hệ thơ ca với hiện thực và tác dụng xã hội của nó. Chủ trương văn học giàu tính chiến đấu của ông có ý nghĩa quan trọng trong lý luận thơ ca tiến bộ đời Đường.
Kiến giải về thi ca của Bạch Cư Dị được hình thành từ đầu những năm Nguyên Hòa. Khi ông cùng với Nguyên Thận tìm hiểu mọi việc đương thời và viết ra Sách Lâm, thì trong đó một bài “Thái thi dĩ bổ sát thời chính” (gom nhặt thi ca để làm tài liệu bổ sung cho việc tìm hiểu tình hình chính trị đương thời), đã nói đến tác dụng và công năng của thi ca một cách có hệ thống. Trước tiên ông cho rằng thi ca là sản phẩm có tình cảm do con người xúc cảm một sự thật nào đó mà viết ra. Ông nói “Con người có cảm xúc trước sự việc thì tất nhiên tình cảm sẽ bị kích động rồi sau đó mới cảm húng hoặc cảm thán phát ra lời ngâm vịnh mà hình thành thơ ca”. Do vậy ông nhấn mạnh việc có thể từ trong thơ ca tìm hiểu vấn đề xã hội, thấy được sự “thịnh suy của nước nhà”, “sự được mất về mặt chính trị của nhà vua”.
Sau năm Nguyên Hòa nguyên niên, lý luận trên của Bạch Cư Dị đã dần dần hoàn chỉnh. Đến năm Nguyên Hòa thứ tư, trong bài tựa Tân nhạc phủ, Bạch Cư Dị đã đề xuất một cách cụ thể, thi ca phải “Vì vua vì quan, vì dân, vì vật, mà sáng tác chứ không phải vì văn mà sáng tác”. (Tổng nhi ngôn chi, vi quân vi thần vi dân vi vật vi sự nhi tác, bất văn nhi tác dã). Một mặt ông yêu cầu nhà vua: “Muốn dẹp bỏ chướng ngại để đạt đến nhân tình, thì trước tiên phải tìm hiểu những lời châm biếm trong thi ca”(Dục khai ung tế đạt nhân tình, tiên hướng thi ca cầu phúng thích - theo bài Thái thi quan trong Tân nhạc phủ). Mặt khác ông cũng yêu cầu các thi nhân phải phản ánh vấn đề thực tế trong thi ca và nêu lên việc dùng lời châm biếm để can gián. Điều này ta có thể thấy rằng “ông đã nhấn mạnh nội dung tư tưởng của thơ ca và coi trọng thơ phúng dụ”. Trong “Thư gửi Nguyên Chẩn”, Bạch Cư Dị kể lại quá trình làm thơ của mình từ năm sáu tuổi cho đến khi hiểu được con đường chính của sáng tác thơ ca, đó là làm thơ phúng dụ: “Từ khi làm quan ở triều đình, tuổi ngày càng cao, xem xét công việc ngày càng nhiều, mỗi lần  nói chuyện với ai tôi điều hỏi nhiều về tình hình thời sự, mỗi lần đọc sách tôi điều truy tìm cái lẽ trị đời, từ đó mới biết rằng, sáng tác văn chương cần phải vì thời thế, làm thơ cần phải vì sự việc (văn chương hợp vi thời nhi trước, thi ca hợp vi sự nhi tác). Bấy giờ vua mới lên ngôi, tướng phủ còn có những con ngườ chính trực, nhiều lần hạ chiếu thư thăm hỏi những nỗi khổ cực của dân chúng.Ngày ấy, tôi được đề bạt làm hàn lâm học sĩ nhưng thân phận vẫn là gián quan, hàng tháng lãnh nhận giấy để viết sớ tấu can gián. Ngoài khải tấu ra, còn những gì có thể chữa bệnh cứu người, bổ cứu những thiếu sót của nền chính trị đương thời mà khó nói rõ ra thì tôi liền đưa ra ngâm vịnh, mong dần dà được bề trên nghe thấy. Trước là để mở rộng tai mắt bề trên, giúp bề trên trị vì đất nước; sau là để báo đền ơn vua, làm trọn chức trách gián quan; cuối cùng là để thực hiện chí nguyện bình sinh của mình” .Làm thơ cần phải vì sự việc”(thi ca hợp vi sự nhi tác) là tinh thần chủ yếu của thơ phúng thích, đó cũng là nguyên nhân chủ yếu của việc Bạch Cư Dị đặc biệt coi trọng thơ phúng dụ.
Cũng trong “Thư gửi Nguyên Chẩn”, Bạch Cư Dị căn cứ vào tiêu chuẩn “Lục nghĩa” của Kinh thi và yêu cầu tích cực thơ ca phải phục vụ chính trị giáo dục mà trình bày về sự phát triển của thơ ca trong quá khứ, thể hiện cách nhìn của ông đối với nhiều tác gia tiêu biểu, đặc biệt là đối với văn học thời Lương Trần, ông coi đều là “đùa gió tuyết, dỡn hoa cỏ”, hoàn toàn đánh mất tinh thần lục nghĩa. Đối với văn phong suy đồi yếu đuối, thoát ly hiện thực đương thời, ông phê phán một cách kịch liệt, thể hiện tinh thần chiến đấu và sắc thái thời đại một cách mạnh mẽ:
“Đến khi nhà Chu suy, triều Tần hưng thịnh, chức thái thi quan bị phế, trên không biết lấy thơ ca để xem xét chỗ hay hay dở của triều chính, dưới không biết dùng thơ ca để thổ lộ nhân tình, đến nỗi phong khí xiểm nịnh dấy lên, đạo lý sữa chữa sai lầm bị tước bỏ, do đó lục nghĩa bắt đầu bị xói mòn.
(…………)
…Lục nghĩa, do đó bắt đầu bị tàn khuyết. Tấn, Tống về sau, số đạt được như thế càng ít. Uyên bác, sâu kín như Khang Nhạc, thường vẫn chìm đắm vào cảnh sơn thủy, thanh cao chất phác như Uyên Minh, lại buông thả vào cảnh điền viên. Cánh Giang Yêm, Bão Chiếu cũng chỉ bó hẹp trong khuôn khổ ấy. Được như Ngũ y ca của Lương Hồng trăm bài e không chọn nổi một hai. Lục nghĩa, do đó dần suy vi, thoái hóa.
Đến khoảng giữa Lương, Trần, chẳng qua chỉ còn loại đùa gió tuyết, dỡn cỏ hoa nữa mà thôi! Than ôi!”.
(…………)
Nhà Đường hưng thịnh đã hai trăm năm nay, trong thời gian ấy, có không biết bao nhiêu nhà thơ. Có thể kể ra đây: Trần Tử Ngang có hai mươi bài “Thơ cảm ngộ”, Bão Phòng có mười lăm bài “Thơ cảm hứng”, còn thi hào thì người đời vẫn nêu Lí, Đỗ. Sáng tác của Lí Bạch là tài tình, kỳ lạ, quả là người không đuổi kịp, song tìm những bài đạt đến độ phong, nhã, tỉ, hứng thì mười phần không được một. Thơ của Đỗ Phủ nhiều nhất, có thể truyền lại được trên một nghìn bài. Còn xét về mặt quán xuyến cổ kim, cách luật khúc chiết chi li tận thiện tận mĩ thì vượt cả Lí Bạch. Thế nhưng, thâu góp lại những bài như Tân An lại, Thạch Hào lại, Đồng Quan lại, Tái Lô tử, Lưu Hoa môn nhưng những câu như “Cửa son rượu thịt ôi, Ngoài đường xương chết rét” (Chu môn tửu nhục xú, Lộ hữu đống tử cốt), chẳng qua cũng chỉ được ba bốn chục bài mà thôi. Đỗ Phủ còn thế, huống hồ những người không bằng Đỗ”.
Khi trình bày sự phát triển và những điểm mạnh yếu của thơ ca các đời từ Kinh thi đến Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị cho rằng giá trị cao nhất trong thơ ca Trung Quốc là Kinh Thi, nó có đủ cái đặc sắc của “gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa”(căn tình, miêu ngôn, hoa thanh, thực nghĩa). Trong Lục nghĩa, ông đặc biệt nhấn mạnh đến tác dụng và ý nghĩa phúng thích của sự phát huy phong, nhã, tỉ, hứng trong thơ ca. Trên cơ sở nhận thức như thế, ông không chỉ phủ nhận toàn bộ sáng tác thơ ca trong thời Lương Trần, mà còn thể hiện sự sự bất mãn sâu sắc với cả “ việc quay về niềm oán hận “(quy ư oán tứ) của Khuất Nguyên, “buông thả vào cảnh điền viên” (thiên phóng ư điền viên) của Đào Uyên Minh, sự khiếm khuyết phong, nhã, tỉ, hứng của  Lí Bạch. Ngoài Kinh Thi ra, ông tôn sùng nhất chỉ có Đỗ Phủ. Ông ca ngợi Đỗ Phủ “quán xuyến cổ kim, cách luật khúc chiết tận thiện tận mĩ,lại vượt cả Lí Bạch “ (quán xuyế kim cổ, la lũ cách luật, tận công tận thiện), nhưng đồng thời lại than rằng những tác phẩm phản ánh hiện thực, phúng thích chính trị xã hội đương thời “cũng chỉ được ba bốn chục bài mà thôi”(diệc quá bất tam tứ thập thủ).  “Đỗ Phủ còn thế, huống hồ những người không bằng Đỗ?”. Đồng thời ta cũng thấy thái độ ngợi khen của ông vẫn có cảm giác không thỏa mãn. Theo Bạch Cư Dị, người sáng tác phải chú trọng đến “phương pháp hiện thực chủ nghĩa” tức là phải chú trọng đến hiện thực xã hội.
Như vậy khi trình bày quá trình phát triển và những điểm mạnh yếu của thơ ca quá khứ, Bạch Cư Dị đã đứng trên lập trường chủ quan của mình cho nên ông “chưa thể phân tích một cách toàn diện những điểm đặc sắc và thành tựu của từng giai đoạn phát triển của thơ ca, cách nhìn nhận của ông đối với thơ lãng mạn chủ nghĩa còn chưa thật thỏa đáng”. Đây là một điều hiển nhiên bởi giai đoạn đầu ông “xuất phát từ tinh thần chính nghĩa và nhiệt tình tiến thủ về mặt chính trị” nên Bạch Cư Dị kiên trì phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa và căn cứ vào lý luận của cuộc vận động tân nhạc phủ. Chính vì thế ở đây quan niệm của ông đã biểu hiện một “khuynh hướng sáng tác mới mẻ và một tinh thần phê phán kịch liệt”. Xét trong tình hình đấu tranh của cuộc vận động cách tân thơ ca thì “văn chương như thế này mới thực sự có hiệu quả” .

Bạch Cư Dị cũng hết sức đề cao chế độ “thái thi”, ông dùng thể nhạc phủ để làm thơ phúng thích, hy vọng nó được thu nhặt để quân vương được nghe thấy, mà có tác dụng tích cực trong việc sửa sang nền chính trị đương thời.
            Hay trong bài Gửi Đường Sinh (Ký Đường Sinh), ông cũng thể hiện quan niệm ấy:
“Ngã diệc quân chi đồ
Uất uất hà sở vi?
Bất năng phát thanh khốc
Chuyển tác nhạc phủ thi
Thiên thiên vô không văn
Cú cú tất tận quy.
Công cao Ngu nhân châm,
Thống thậm Tao nhân từ.
Phi cầu cung luật cao,
Bất vụ văn tự kỳ,
Duy ca sinh dân bệnh,
Nguyện đắc thiên tử tri.
(Tôi cùng nòi với bác
Chẳng biết làm gì đây
Không bật thành tiếng khóc
Chuyển nó thành thơ ca
Chẳng bài nào văn suông
Câu nào cũng quy củ
Đau đớn như Ly tao
Kỳ công, đàn vua Thuấn
Không cần nhạc sang trọng
Chẳng cốt chữ lạ lùng
Riêng than dân đau khổ
Mong thấu tai quân vương).
Bạch Cư Dị không chỉ nhấn mạnh như nhiều người đến phong nhã tỷ hứng của thơ ca, mà còn tiến lên một bước đề xuất chủ trương “riêng than dân đau khổ”(duy ca dân sinh bệnh), đã đột xuất quy định nội dung cụ thể của thơ ca, yêu cầu thơ ca phát huy hơn nữa tác dụng châm biếm tệ trạng đương thời. Đó là một quan niệm mới mẻ trong trong lý luận thơ ca tiến bộ của ông, cũng là một bước phát triển mới của thi luận tiến bộ thời xưa.
Tương ứng với nội dung như thế Bạch Cư Dị đề nghị một cách viết giản dị sao cho những người bình thường có thể hiểu được. Trong Tân nhạc phủ tự ông trình bày quan niệm về tân nhạc phủ của ông: “Từ ngữ của tân nhạc phủ chất phác mà thẳng thắn, để người muốn thấy sẽ thấy dễ hiểu; lời lẽ của nó bộc trực mà thiết thực, để người muốn nghe sẽ tự răn mình sâu sắc;(…) thể cách của nó thuận và thoải mái để có thể truyền đi bằng thơ ca, khúc nhạc” (Kỳ từ chất nhi kính, dục kiến chi giả dụ dã; kì ngôn trực nhi thiết, dục văn chi giả, thâm giới giả;(…) kỳ thể thuận nhi tứ, khả dĩ bá ư nhạc chương ca khúc dã). Thơ ca ngôn từ của Bạch Cư Dị thông tục, âm điệu hài hòa, có người nói rằng đến “bà già cũng hiểu được”, điều ấy không chỉ giúp cho thơ ca của ông có hiệu quả phục vụ tốt hơn, mà còn khiến cho thơ ca của ông được truyền bá rộng rãi.
Chính vì nhấn mạnh nội dung tư tưởng và coi trọng thơ phúng dụ cho nên giai đoạn đầu niên hiệu Nguyên Hòa cho tới năm thứ tư của niên hiệu này thơ ca của Bạch Cư Dị “được người đời khen ngợi nhất”. Đó là những tác phẩm như Trần trung ngâm và năm mươi bài trong nhóm Tân nhạc phủ. Những tác phẩm thi ca này nói một cách tổng thể chính là sản phẩm sản sinh từ sự quan tâm của tác giả đối với hiện thực chính trị, quan tâm đến vấn đề xã hội, và có ý đồ uốn nắn những hiện tượng mà tác giả không cho là tốt đẹp. Hầu như mọi chính sách tệ hại của xã hội đều bị phanh phui. Trong thơ luôn xuất hiện hàng loạt hình ảnh đối lập vừa phản ánh mâu thuẫn xã hội gay gắt thời Trung Đường, vừa thể hiện thái độ bất bình của nhà thơ.
        3. HÀN DŨ
         3.1. Cuộc đời
         Những người đi đầu trong trong cuộc vận động Cổ văn đời Đường có Trần Tử Ngang thời Sơ Đường, Tiêu Dĩnh Sĩ, Lý Hoa, Giả Chí, Độc Cô Cập, Lương Túc…từ thịnh Đường đến Trung Đường. Chủ đề chung của họ là: Làm rõ quan hệ giữa Văn và Đạo; nhấn mạnh tác dụng giáo hóa của văn chương; đề cao kinh sử, văn chương, học thuật Tiên Tần, Lưỡng Hán, phê phán từ phú từ Khuất Nguyên, Tống Ngọc trở  lại đây: “Lệ nhi dâm”(đẹp mà sai trái), phê phán biền văn thời Ngụy Tấn, thậm chí phủ định cả Khuất Nguyên. Nhưng cái gọi là phục hưng Cổ văn phải chờ đến sự xuất hiện của Hàn Dũ. Và khi nói đến Hàn Dũ thì cần phải thấy được tính đa diện của ông. Một mặt, Hàn Dũ có nhiệt tình tích cực bảo vệ sự chuyên chế của chế độ phong kiến và đạo thống của Nho gia. Mặt khác, Hàn Dũ lại là người có cá tính rất cứng cỏi và luôn muốn thể hiện cá tính của mình. Ông là người đưa cuộc vận động Cổ văn phát triển mạnh mẽ.
            Hàn Dũ (768-824), tự Thoái Chi, người ở Hà Nam, đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ tám (792). Cuộc đời làm quan của ông thăng giáng nhiều lần (Giám sát Ngự sử, Triều Châu Thứ sử, Quốc Tử tế Tửu, Lại bộ Thị Lang). Ông là người theo tư tưởng Nho gia chính thống. Hàn Dũ có sở trường cả tản văn và thơ, cùng thời với Liễu Tông Nguyên đề xướng phong trào cổ văn, lại cùng Mạnh Giao sáng lập “ Hiểm quái thi phái”, có ảnh hưởng lớn đối với tản văn và thi ca Trung Quốc từ Tống trở về sau. Tác phẩm còn lại của Hàn Dũ: Hàn Xương Lê văn tập, trong đó có trên ba trăm bài thơ, còn lại là văn xuôi.
            3.2. Quan niệm “Bất bình tắc minh”.
            Hàn Dũ hết sức phản đối biền văn, đề cao cổ văn, vì ông cho rằng cổ văn biểu hiện được đạo của thánh nhân thời cổ. Ông nói ý thích của ông, chí của ông là ở cổ đạo: “Dũ tôi chí ở cổ đạo, không riêng thích văn từ của nó, mà thích cổ đạo”(Đáp Lý Tú Tài thư). Ông yêu cầu nhà văn phải học tập thánh hiền xưa- học lấy những tinh hoa trong tư tưởng ấy. Nhưng khi dấn thân vào phong trào phục hưng Cổ văn thì thái độ của ông so với tiền nhân thực ra có nhiều chỗ khác biệt rất lớn. Đứng trên lập trường cơ bản là phục hưng tông chỉ cốt lõi của Nho học ông quả là người kế thừa tiền nhân bởi vì toàn bộ lý luận về văn xuôi của ông, đặc biệt là vấn đề văn phong, đẩy mạnh sáng tác, ông đã góp thêm nhiều nội dung mới và hợp lý hơn. Ông đã viết ra nhiều tác phẩm xuất sắc, mang đậm cá tính và tính sáng tạo. Mặc dù học tập cổ văn nhưng trong lý luận cổ văn của Hàn Dũ tuyệt đối không phải sao chép nguyên xi hoặc đi theo con đường mòn của tiền nhân. Nội dung trong lý luận của Hàn Dũ rất phong phú. Ông chủ trương viết văn xuôi phải học tập theo thánh hiền đời cổ nhưng không phải chỉ là viết những câu văn đọc giống với văn thể hiện nay mà là “ học đạo cổ thì phải kiêm cả từ của nó, khi đã hiểu được từ của nó rồi, phải lấy đạo làm gốc”(Theo Đề Âu Dương Sinh Ai Từ Hậu). Cái “đạo” mà Hàn Dũ nói ở đây không chỉ là nói đến “đạo” của phạm vi luân thường, giáo hóa, đạo đức, tức qui phạm luân lý ngoại tại trong học thuyết của Nho gia mà “đạo” ở đây là kiêm cả sự tu dưỡng đạo đức nội tại và tinh thần nhân cách của con người. “Không chú trọng tu dưỡng một cách chân thành về mặt nội tại mà chỉ chú trọng đến việc tô điểm bên ngoài thì đó là việc của kẻ thất phu” (Tam khí luận). Hay “ phàm cái gọi là văn tất phải có đầy đủ các mặt ở bên trong. Do vậy, người quân tử phải chú trọng đến nội dung”(Thư đáp Úy Trì Sinh Thư). Trong bức thư đáp Hầu Sinh Vấn Luận Ngữ, Hàn Dũ cũng lặp đi lặp lại và nhấn mạnh luận điểm của Mạnh Tử: “Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành”(Đạo lý đương nhiên của vạn vật đều có sẵn trong tâm tính của ta, vậy ta chỉ cần phản tỉnh là có thể hiểu được một cách xác thực).
              Rõ ràng ông đã hấp thu học thuyết của Mạnh Tử, xem trọng tinh thần nội tại. Vì thế, Hàn Dũ rất trọng thị đến tác dụng của “khí”. Cái gọi là “khí”cũng bao gồm sự hoạt động về mặt tình cảm cá nhân, đó là xúc cảm trong tinh thần nội tại và sự tu dưỡng về nhân cách. Ở điểm này Hàn Dũ đưa ra thuyết “Bất bình tắc minh”(Vạn vật bất bình thì kêu lên). Thuyết này rất gần giống thuyết “Phát phẫn trứ thư” của Tư Mã Thiên.
             Trong bài Tống Mạnh Đông Dã tự ông viết: “Nói chung vật không được quân bình thì kêu lên. Cỏ cây không có âm thanh, gió đùa mà phát ra tiếng; nước không có âm thanh, gió xao động mà phát ra tiếng. Nó sẽ vọt lên nếu ai chặn nó; nó sẽ cuốn đi nếu có ai ngăn cản nó; nó sẽ sôi lên nếu ai nấu nó. Sắt đá không có âm thanh ,gõ thì nó kêu. Người ta đối với ngôn từ cũng vậy, có điều chẳng đừng được mới phải nói ra; người ta sẽ ca lên khi có tâm tư; sẽ khóc lóc khi thương nhớ. Tất cả những gì phát ra từ miệng đều là do có nỗi bất bình. Nhạc là điều u uất ở trong mà mà tuôn trào ra ngoài; lựa lấy âm thanh hay, mượn nó để tỏ bày.(…)Đối với người ta cũng vậy, cái tinh hoa của tiếng người là lời nói, văn từ so với lời nói thì lại càng là tinh hoa; lựa lấy những tiếng kêu hay, mượn nó để kêu lên nỗi niềm”. (Đại phàm vật bất đắc kỳ bình tắc minh. Thảo mộc chi vô thanh, phong náo chi minh ; thủy chi vô than, phong đãng chi minh. Kỳ dược dã, hoặc kích chi; kỳ xu dã, hoặc ngạnh; kỳ phí dã, hoặc chích chi. Kim thạch vô chi thanh, hoặc kích chi minh. Nhân chi ư ngôn dã diệc nhiên, hữu bất đắc dĩ giả nhi hậu ngôn, kỳ ca dã hữu tư, kỳ khốc dã hữu hoài. Phàm xuất hồ khẩu nhi vi thanh giả, kỳ giai hữu phất bình giả hồ!Nhạc dã giả uất ư trung nhi thế ư ngoại giả dã, trạch kỳ thiện minh giả nhi giả chi minh.(…) Kỳ ư nhân dã diệc nhiên. Nhân thanh chi tinh giả vi ngôn, văn từ chi ngôn, hựu kỳ tinh dã, vưu trạch kỳ thiện minh giả nhi giả chi minh). Theo lời tựa Tống Cao Nhàn Thượng Nhân, ông nói: “Hỉ nộ khốn cùng, lo buồn vui vẻ, oán hận nhớ nhung, say sưa buồn tẻ”. Điều này nói lên lời nói “lấy văn để làm sáng tỏ đạo” của Hàn Dũ vẫn có tính bao dung khá rộng rãi. Nó không bài xích, thậm chí còn cho phép những tình cảm hỉ, nộ, ai, lạc được tồn tại.
             Cùng một lúc với chủ trương dùng văn để làm sáng tỏ đạo, Hàn Dũ cũng thừa nhận việc tình cảm cá nhân trong văn chương. Chính vì thế trong một số bài văn nghị luận ngắn của Hàn Dũ đã chứa đựng những tình cảm dồi dào, chân thành và xúc động. Như bài Tống Mạnh Đông Dã Tự, nói lên những điều bất bình thay cho Mạnh Giao, bày tỏ những sự uất ức trong lòng đối với hiện tượng thời đại và xã hội đã chôn vùi nhân tài. Bài Tống Đổng Thiệu Nam Tự, ông đã mượn việc an ủi Đổng Thiệu Nam đã đỗ tiến sĩ nhưng luôn gặp những điều bất đắc chí nơi làm việc, phải bỏ đi Yên Triệu, để bày tỏ sự xót xa bùi ngùi trước một số tài sĩ bị trầm luân và không gặp được dịp may, sinh ra không gặp thời. Ở những điểm này ta có thể thấy mặc dù ông nói về người khác nhưng có lẽ ông đang nói về cuộc đời của mình bởi con đường hoạn lộ của ông không được suôn sẻ, ông bị thăng gián nhiều lần. Bài Tống Lý Nguyện Quy Bàn Cốc Tự, ông mượn cớ ca ngợi sự thanh cao của một người ẩn sĩ để thống trách bọn tiểu nhân “chầu chực nơi cửa công khanh, chạy chọt nơi người quyền thế, chân muốn bước mà rụt rè miệng muốn nói mà ấp úng”, có một nội dung phát tiết “nỗi bất bình” của các văn nhân tầng lớp dưới.
               Tóm lại tư tưởng bất bình với thực tại trong lý luận sáng tác về văn luận của Hàn Dũ là ông đã đưa ra thuyết “Bất bình tắc minh” tức là về mặt nội dung văn chương phải khẳng định địa vị của cảm xúc trong tinh thần nội tại và sự tu dưỡng về về nhân cách của người sáng tác. Hơn nữa văn chương phải chú trọng đến hiện thực, nó phải thể hiện được những điều “bất bình mà nói lên” , “hỉ nộ khốn cùng, lo buồn vui vẻ,oán hận nhớ nhung, say sưa buồn tẻ, hay lời nói sầu tư, lời nói cùng khổ” của con người.
          4. ÂU DƯƠNG TU
           4.1. Cuộc đời.
            Âu Dương Tu (1007- 1072) tự Vĩnh Thúc, hiệu Túy Ông. Năm Thiên Thánh thứ tám (1030) đời Tống Nhân Tông, ông đỗ tiến sĩ, từ đó làm quan ở địa phương và trung ương. Thời kỳ này, tư tưởng chính trị của ông phản ánh lợi ích của giai tầng địa chủ nhỏ không được hưởng đặc quyền phong kiến. Ông có một nhận thức khá tỉnh táo đối với nguy cơ trầm trọng về các mặt kinh tế, chính trị, và quân sự đương thời, đã tiếp xúc các với các vấn đề bản chất như lấn chiếm đất đai, phu dịch nặng nề. Ông còn đề ra tư tưởng lấy nông nghiệp làm gốc, yêu cầu trừ bỏ những tệ hại tồn động, thực hiện một nền chính trị “khoan giản” để ổn định nền chuyên chính của giai cấp địa chủ. Bởi vậy, trong cuộc đấu tranh giữa phái cách tân và phái bảo thủ lúc bấy giờ, ông kiên quyết đứng về phía tiến bộ. Nhưng chẳng bao lâu, cuộc vận động cải lương này bị thất bại. Âu Dương Tu bị kẻ thù chính trị chèn ép và đả kích, mấy lần bị bãi chức, biếm trích đã làm cho ông có những nét tiêu cực trong tư tưởng chính trị.
     Về cuối đời, địa vị xã hội được nâng cao khiến ông càng trở nên bảo thủ. Cuối cùng trong cuộc vận động “Biến pháp” của Vương An Thạch ông trở thành nhan vật thủ cựu chống lại tân pháp.
           Âu Dương Tu có địa vị quan trọng trên lịch sử văn học Trung Quốc. Trong cuộc vận động cách tân văn học Bắc Tống, ông có những cống hiến nổi bật, trở thành lãnh tụ của văn đàn thời kì giữa Bắc Tống. Ông lại là nhà văn có tài năng nhiều mặt: tản văn, thơ, từ, sử truyện,…mặt nào cũng có thành tựu. Trên lịch sử phê bình văn học cuốn “Lục Nhất thi thoại” của ông có thể xem là tập thi thoại đầu tiên trong kho tàng lý luận thơ ca ở Trung Quốc.
           4.2. Quan niệm  “thi cùng nhi hậu công”.
Âu Dương Tu là một nhà văn nổi tiếng, một nhà thơ lớn, một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm từ xuất sắc đời Tống. Ông là người khai sáng ra thể loại “thi thoại” (bình luận và ghi chép lại các cuộc bàn luận của các thi nhân…). Âu Dương Tu còn tự xưng mình là “Lục nhất cư sĩ” (cư sĩ với 6 cái “một”: một vạn quyển sách, một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu và một thân già).
Cùng lúc với việc yêu cầu cải cách nền chính trị hủ bại, ông cũng bắt tay tiến hành cuộc cải cách văn phong, cuộc cải cách này liên quan chặt chẽ và hỗ trợ cho cuộc đấu tranh về chính trị. Từ cuối Đường, Ngũ Đại trở đi, trí thức nhìn chung là sùng bái loại văn chương nội dung trống rỗng, phong cách diễm lệ, phù phiếm. Vì thế, khi sau khi thi đỗ, Âu Dương Tu cùng với các ông Y Thù v. v…lên tiếng chống lại phong cách thời thượng, viết ra những áng cổ văn bình dị, mộc mạc, hơn thế còn hiệu đính bổ sung văn tập của Hàn Dũ để làm kiểu mẫu. Cuộc vận động cách tân cổ văn được triển khai dần dần. Trải qua ba mươi năm, phong trào cổ văn cuối cùng đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ, đạt đến chỗ “không phải Hàn Dũ thì không học”.
Mặc dù cuộc vận động cổ văn của Âu Dương Tu đã kế thừa trực tiếp tinh thần và chủ trương của cuộc vận động cổ văn của Hàn Dũ nhưng cũng có đặc điểm thời đại riêng của nó. Thứ nhất , trong mối quan hệ giữa văn và đạo cũng giống như Hàn Dũ , ông cũng nhấn mạnh nộ dung (đạo) của văn chương hơn hình thức (văn), dựa  vào ngọn cờ đạo  của nho gia để phản đối loại văn chương nội dung nghèo nàn trống rỗng , cho rằng : “Đạo mà thuần thì cái bên trong chắc, cái bên trong chắc thì phát ra vẻ bên ngoài rự rỡ”. Nhưng ông còn đi xa hơn Hàn Dũ , ông cho rằng “Đạo mà thắng thì văn không khó mà tự đạt”, “Cặm cụi cả đời dồn tâm huyết vào các con chữ , những kẻ ấy thật đáng buồn”. quan điểm có đạo tất có văn  đã mở đường cho loại luận văn của cá nhà học đạo sau này. Thứ hai, Hàn Dũ đề xướng văn phong kết hợp giữa “văn thuận theo chữ” và “gạt bỏ lời nói sáo mòn”, nhưng trong thực tế sáng tác của ông,chủ yếu lại phát triển theo mặt “mới lạ”, lấy cái khỏe khoắn, mới lạ để chống cái ủy mị , trau chuốt từ Tề Lương trở về sau. Âu Dương Tu thì trái lại, trong việc đấu trnh chống văn phong  cổ quái , ông đã phát triển mặt “bình dị” trong lý luận văn chương của Hàn Dũ , xây dựng nên một phong cách văn chương bình dị , thông suốt , uyển chuyển, lưu loat. Những nhà văn đời sau, phần lớn đều kế thừa và phát triển phong cách này . đó cũng là cống hiến chủ yếu của cuộc vận động cổ văn thời Tống.
Về mặt văn chương, Âu Dương Tu trứ tác luận văn cũng như sử học theo cổ văn, khai triển ý niệm “thi cùng nhi hậu công” (người cùng thì thơ mới hay). Điều này đã thể  hiện một cách cụ thể qua các sáng tác của ông. Trong văn chính luận như các bài Bằng đảng luận, Ngũ đại sử lệnh sử quan truyện luận, hoặc là khuyên nhà vua dùng người hiền tài, bỏ kẻ gian ác, hoặc trình bày lí lẽ “ưu lo, nhọc nhằn có thể chấn hưng đất nước, nhàn tản, vui say có thể vong mạng”, mặc dù chưa có được cái sung sức như Hàn Dũ nhưng lật đi lật lại những luận chứng, xoay chuyển phản bác, lên xuống cao thấp, lấy lí lẽ mà thuyết phục lòng người. Có lúc nghị luận sắc bén, như dao phạt búa chặt, như bài Túng tù luận, bác bỏ triệtđể cái “giai thoại” lịch sử về việc Đường Thái Tông thả tù. Nhưng nhiều hơn là khoan thai thong thả, như dòng suối róc rách. Chẳng hạn bài Dữ cao ti gián thư căm phẫn chỉ trích phái bảo thủ mà thật ung dung, không hề đao to búa lớn. Như trong bài Túy Ông đình kí cảnh và vật được tả trên thực tế đều bao hàm tâm tình u uất của ông lúc bị biếm đến Trừ Châu, cái nhịp ngâm nga do hai mươi mốt chữ “dã” tạo thành, tuy không khỏi thấp thoáng dấu vết loại tác phẩm cũ nhưng lại khiến bài văn có phong vị một lời hát ba lời than.
Ở thể loại thơ mặc dù thành tựu không bằng văn nhưng về tư tưởng và nghệ thuật cũng có chỗ khả thủ. Ông có khả năng phản ánh các hiện tượng xã hội đen tối đương thời. Như bài Thực tao dân, ông vạch trần việc quan lại trưng thu lương thực của nông dân để nấu rượu, làm cho nông dân phải sống đói khổ. “Nồi không hạt cháo qua đông xuân”, kết quả là nông dân không thể không “lại đến nhà quan mua bã ăn”, thế mà bọn quan lại không những khôn xấu hổ, ngược lại coi việc bán bã rượu cho nông dân như là một ơn huệ. Những bài thơ như thế có ý nghĩa phê phán hiện thực.
Chính Âu Dương Tu cũng chủ trương xóa bỏ những dự triệu mê tín và những đoạn khả nghi trong kinh điển. Ông tin tưởng vào tranh biện hữu ích qua những thời đại khi viết: “Hai ngàn năm sau khi Khổng tử mất, xuất hiện một Âu Dương Tu khẳng quyết một lý giải đặc thù. Hai ngàn năm sau nữa, ai có thể phủ nhận khả năng có thể xuất hiện một học giả khác cũng khẳng định lý giải như vậy…Khi lý giải này được số đông những học giả chia sẻ, nó sẽ thắng và bỏ qua những gì đa số hiện nay lầm lẫn coi như đúng”. Ông cũng xác định việc nghiên cứu kinh điển phải được rèn luyện nghiêm ngặt: “Tôi không tin có thể  bất kỳ học giả nào đề nghị ra một lý giải mà không xem xét những lý luận của những học giả khác đề ra trong nhiều thời đại từ cổ chí kim. Cho đến khi nào sau khi nghiên cứu tường tận thấy những lý luận này xét ra mâu thuẫn, hay khi so với những lời thánh hiền, những lý luận này tỏ ra thật nghịch với lý trí cũng như với chính văn kinh điển, hay khi không có chọn lựa mà chỉ có thay thế chúng, chứng thực nào mà người ta có khả năng đem lại một lý giải khác, điều gì gây ra nhiều tranh cãi hơn? Chỉ khi nào mọi lý chứng đã cạn kiệt và một lý luận đặc thù vẫn cho thấy là không thuyết phục thì tôi vẫn nỗ lực sửa sai lỗi lầm đó”. Trọng điểm trong nghiên cứu kinh văn của ông là khái niệm , mọi điều thuần lý phải hội ba tiêu chuẩn: phải sẵn sàng hiểu được, phải có khả năng thực hành, phải phù hợp với cảm quan chung của con người. Âu Dương Tu quan niệm ngôn ngữ kinh điển giản dị và không rắc rối, chỉ những bình luận làm mới, hay tạo ra những điểm không thông thường. Ông nhận thấy Kinh Thi chứa đầy những cảm quan của con người, ông nghi ngờ Chu Lễ, ông đặc biệt chú tâm đến biên niên sử Xuân Thu. Ông cũng thuộc ít nhà học giả nêu lên những ngờ vực về Kinh Dịch. Quan niệm duy lý của Âu Dương Tu tiến bộ hơn những người đương thời. Ông nhấn mạnh là ngay những nguyên tắc nào xem như thuần lý, có giá trị cũng không phải tin tưởng mù quáng. Ông chủ trương thiện không thiết yếu thắng ác, như đa số những nhà Nho khẳng quyết: Không phải trời không thích cái gì là thiện, có lẽ trời không luôn luôn có thể khiến con người, vốn hỗn tạp. Ý nghĩa thuần lý của nguyên lý cơ bản điều khiển quan hệ giữa trời và người…Khi biết nguyên lý này, người ta hiểu hơn là cảm thấy ngạc nhiên  trước may rủi, thắng bại, mà các bậc thánh hiền và thiện nhân trong lịch sử có thể hay có thể chưa gặp.
Âu Dương Tu quan niệm chỉ chú trọng đến những sự việc của con người, cho rằng ngay chính Khổng Tử cũng không luận bàn về bản tính con người. Ông khẳng định: Những học giả thích tranh cãi về bản tính của con người đã bị nhiều lý thuyết thiên lệch đề ra từ thời cổ làm lạc đường. Tranh luận của những học giả này chỉ sinh ra những lời nói suông vô dụng…Đạo” của người quân tử không đòi hỏi gì hơn việc tu thân và khả năng cai trị tha nhân. Không thiết yếu phải xác định xem bản tính người là thiện hay là ác. Nếu bản tính con người là thiện, tu thân vẫn cần thiết, cũng như khả năng cai trị tha nhân. Nếu bản tính con ngưòi là ác, những đòi hỏi này còn cấp bách hơn.
Ông cho “Đạo” là lẽ tự nhiên, chẳng hạn con người sinh ra, lớn lên rồi cũng phải chết: Nho giả học hồ thánh nhân, thánh nhân chi đạo trực dĩ giản, nhiên chi kỳ khúc nhi sướng chi, dĩ thông thiên chi lý, dĩ cửu âm dương thiên địa nhân quỷ sự vật chi biến hóa. Mối quan hệ đạo-lý này là quy luật phổ biến của mọi sự vật.
Âu Dương Tu cũng như Hàn Dũ là những Nho gia công kích kịch liệt ảnh hưởng của Phật giáo và Lão giáo vốn đã thống trị xã hội từ nhiều thế kỷ. Trong công trình thu tập của Âu Dương có khoảng 400  thanh từ  (viết bằng mực đỏ trên giấy xanh và đốt trong lễ cúng), một phần tư soạn trong những ngày làm việc ở triều đình. Những bài từ này ca ngợi quỷ thần, như thần Ngũ Long, thần Cửu Long, thần Núi, thần Sông,v.v.. Âu Dương Tu giải thích: Lụt lội, hạn hán gây tai họa, quan lại không có chọn lựa nào khác báo lên các thần. Khái niệm về chức năng của quỷ thần, Âu Dương Tu cũng như Hàn Dũ hay những nhà nho thuần lý khác coi là đặc thị của tôn giáo truyền thống Trung Hoa, truyền thống chấp nhận tín ngưỡng phi lý, không có căn nguyên Khổng giáo. Tuy vậy, Âu Dương Tu cũng coi đó là cơ hội để phục vụ cho những cứu cánh thuần lý, như nhân thiên tai mà cảnh tỉnh nhà vua sửa sang chỉnh đốn việc chính trị hơn là chỉ lo tế lễ cầu đảo. Lưu Tử Kiện/James T.C. Liu trong Ou-yang Hsiu, 1967 đánh giá thuyết duy lý của Âu Dương Tu là phá đổ thánh tượng, bài bác những tín ngưỡng cổ hủ, như chính Âu Dương chứng nghiệm quan điểm của ông: “Mọi sự có những lý lẽ thông thường có thể hiểu được, còn đối với những sự vật không thể hiểu, ngay thánh nhân cũng từ khước bàn luận”.Cho nên ông thường hoài nghi Lão giáo như: “có ai bao giờ đến chỗ thế giới của thần tiên, sao có thể nói thần tiên thực hiện hữu? Con người từ thời cổ biết Đạo hiện hữu song không biết Đạo là gì, cũng không nghĩ là thần tiên đâu có hiện hữu nên lầm tưởng nghĩ là học phương pháp nào để trở nên trường sinh bất tử. Thật ra Đạo không gì khác hơn là lẽ tự nhiên. Sống hiển nhiên tiếp theo là chết, đó là nguyên lý tự nhiên”.  Ông cũng đả kích Phật giáo là một thế lực xã hội đầy quyền lực vì đánh động đến tình tự con người, xây chùa chiền nguy nga tráng lệ, nhận tặng dữ đất đai vô số, can thiệp vào quyền chính. Chính lẽ đó củng cố cho những bác thuyết triết học cơ bản của phái tân Nho chống Phật giáo. Âu Dương Tu dựa trên lý giải lịch sử, những phong tục xã hội đặc biệt là lễ nhạc điều hòa ứng xử của con người như khi ông nghiên cứu Chu Lễ. Tuy bài bác Phật giáo về mặt lý luận, trong đời sống thực tiễn, ông giao du thân thiết với những cao tăng như Giám Duật, Bí Diễn, Duy Nghiêm,Tuệ Cần là những nhà thơ tinh thông uyên bác về ngữ văn cũng như đạo lý Khổng, Phật.  Ông có ý lôi cuốn họ trở lại đời sống thường tục, song thất bại cũng như phái tân nho duy lý thất bại trong huỷ triệt Phật giáo, chính vì thiếu một hệ thống siêu hình, định danh lý như một nguyên lý phổ quát tương ứng với thực tại của vũ trụ.
 Nhìn chung quan niệm “Thi cùng nhi hậu công” của Âu Dương Tu vẫn còn sức ảnh hưởng rộng lớn đối với các thi gia sau này.














C. KẾT LUẬN
Mặc dù Tư Mã Thiên, Bạch Cư Dị, Hàn Dũ, Âu Dương Tu sống ở những thời đại khác nhau nhưng các ông có điểm gặp gỡ trong lý luận sáng tác là thể hiện một tinh thần bất bình với thực tại. Điều này thể hiện ở mỗi thời đại sống của các ông có những điểm tương đồng sau:
Xã hội phong kến Trung Quốc thời các ông sống nhìn bề ngoài có vẻ thái bình, phồn thịnh trước mắt nhưng chỉ là tạm thời. Thời đại Tư Mã Thiên sống, xã hội Tây Hán dưới đời vua Hán Vũ Đế chính là lúc uy tín nhà Hán đạt đến cực điểm, biểu lộ tất cả cái vĩ đại, huy hoàng làm người ta rợp mắt. Trong “Bình chuẩn thư” tác giả đã nói đến cái “cảnh tượng phồn thịnh ban đầu, kho đụn đầy rẫy, tiền tiêu không thể hết, dân ăn gà, thịt, có ngựa hàng đàn. Uy tín nhà Hán đã đạt đến trình độ xưa nay chưa từng có”. Nhưng ông thấy “cái vẻ thái bình, phồn thịnh trước mắt chỉ là tạm thời”. Bọn vua chúa lợi dụng hoàn cảnh yên ổn càng ra sức bóc lột, đàn áp nhân dân, gây chiến tranh để mở rộng đất đai, xây cung thất, dựng lâu đài … “Cái cảnh phồn vinh tan đi như một giấc mơ. Nhân dân nhao nhác cùng cực, bọn khốc lại xuất hiện ra sức chém giết, hàng chục vạn người bị tù đày, trong ngoài điêu đứng tan hoang, làm cho cho nhà Hán tưởng chừng sẽ lao theo bánh xe nhà Tần đã mất”. “Chính cái thời Vũ Đế đã làm cho ông thấy tất cả cái vinh dự được làm con người Trung Quốc. Nó đưa đến cho ông cái ý thức về sự vĩ đại, bao la và thống nhất của Tổ Quốc mà ông yêu quý. Nhưng càng yêu quý Tổ Quốc, ông càng gắn bó với nhân dân”. Và do đó, bức tranh ông vẽ đương thời không không phải là bức tranh khoa trương tráng lệ mà nó đầy vẻ bi hùng. “Cái mâu thuẫn đau đớn này trong tư tưởng đã đẻ ra cách quan niệm về sử hết sức độc đá , xứng đáng gọi là một cống hiến về tư tưởng”.
Còn thời đại Bạch Cư Dị, Hàn Dũ, xã hội Trung Đường từ những năm Trinh Nguyên Đức Tông đến những năm Nguyên Hòa Hiến Tông, nền kinh tế xã hội bị chiến tranh loạn lạc phá hoại được phục hồi, triều đình một dạo cũng có sự cố gắng lên, hy vọng có sự chấn hưng. “Trong tình hình đó, một số sĩ phu hiểu biết đã phát ra lời kêu gọi bài trừ tệ nạn, sữa chữa những sai lầm, vãn hồi thế suy sụp”. Chính vì thế trong lý luận sáng tác của Bạch Cư Dị, Hàn Dũ tời kỳ này là “Bổ sát thời chính”, “Duy ca sinh dân bệnh”, “Bất bình tắc minh”. Như vậy văn chương phải phản ánh hiện thực, phúng thích xã hội đương thời.
Đối với Âu Dương Tu, thời đại nhà Tống lúc bấy giờ nhìn bề ngoài có vẻ phồn thịnh nhưng nó cũng ẩn chứa những điều hủ bại.
Mặc dù những người tài sĩ có những tư tưởng tiến bộ nhưng xã hội phong kiến lúc bấy giờ có những bất công đối với họ. Tư Mã Thiên vì dũng cảm bênh vực Lý Lăng mà bị “cung hình”. Bản thân Bạch Cư Dị, Hàn Dũ, Âu Dương Tu cũng bị thăng giáng chức nhiều lần. Chính vì những điều gặp không may trong cuộc đời mà họ có nhìn mới về chế độ chuyên chế, gợi được những mặt trái của xã hội phong kiến. Tinh thần bất bình với thực tại qua lý luận về sáng tác văn học của Tư Mã Thiên, Bạch Cư Dị, Hàn Dũ, Âu Dương Tu là văn chương phải “tôn trọng hiện thực và tác dụng xã hội của tác phẩm”. Quan niệm của các ông đều nhấn mạnh vào sự trải nghiệm cuộc sống và sự bất bình của người nghệ sĩ đối với thực tại. Đây là quan niệm mới mẻ trong lý luận sáng tác văn chương thời xưa.
Tư tưởng ấy trải qua hàng nghìn năm vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.


TÀI IỆU THAM KHẢO
1.      PGS.TS. Đoàn Lê Giang biên soạn và dịch, Tư tưởng lý luận văn học cổ Trung Quốc, chuyên luận(tài liệu dùng cho cao học), Thành phố Hồ Chí Minh- 2003.
2.      Chương Bồi Hàn, Lạc Ngọc Minh(biên dịch), Văn học sử Trung Quốc, Tập 2, Nhà xuất bản phụ nữ- 2000.
3.      Phan Ngọc dịch, Sử ký Tư Mã Thiên, Nhà xuất bản thời đại- 2010.
4.      Sở nghiên cứu văn học, thuộc viện khoa học xã hội Trung Quốc, Lịch sử văn học Trung Quốc, Tập 2, Nhà xuất bản giáo dục- 1997.
5.      Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, Tập 1, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội-2000.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét