Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Cảm thức về thời gian và không gian trong bài thơ “Hoàn Kiếm hồ” (hồ Hoàn Kiếm) của Nguyễn Khuyến.


Cảm thức về thời gian và không gian trong bài thơ “Hoàn Kiếm hồ”
(hồ Hoàn Kiếm) của Nguyễn Khuyến.
Bài viết:
Thời gian và không gian là hình thức tồn tại của thế giới, của cuộc sống con người”( GS. TS Trần Đình Sử). Không gì có thể tồn tại ngoài không gian và thời gian. Do vậy, mọi cảm nhận về tồn tại của con người đều gắn liền với cảm nhận không gian và thời gian. Con người cảm nhận về thời gian từ sự thay đổi của chính mình và thế giới chung quanh. Và cũng có thể nói cảm thức thời gian, không gian là một trong những vấn đề quan trọng được thể hiện trong văn học nhân loại . Và trong văn học trung đại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cảm thức về thời gian, không gian được thể hiện nhiều trong các tác phẩm. Bài thơ “Hoàn Kiếm hồ” của Nguyễn Khuyến là một trong những tác phẩm tiêu biểu nằm trong cảm thức ấy.
Nguyên tác:
Bất đáo Kiếm hồ tam thập niên,
Đương thời cảnh sắc dĩ mang nhiên.
Hành mao hà xứ khởi lâu các,
Già pháo dạ thanh vô  quản huyền.
Huyền điểu quy lai mê cựu kính,
Bạch âu mộ hạ túc hàn yên.
Khả liên ngũ bách văn chương địa,
Thượng hữu cô  sơn thạch nhất quyền.
Dịch thơ:
Ba chục năm trời cảnh vắng ta,
Hồ Gươm dấu cũ đã phai nhòa.
Thanh tre khắp chốn thành lầu gác,
Kèn súng thâu đêm, bặt trúc tơ.
Chiếc én tìm về quên lối cũ,
Đàn cò tối đậu lẫn sương mờ.
Năm trăm năm cũ nơi văn vật,
Còn sót hòn non một nắm trơ.
Lê Tư Thục- Nguễn Văn Tú dịch
Kể từ sau ba mươi năm đỗ thủ khoa (1864), Nguyễn Khuyến không có dịp đi qua hồ Hoàn Kiếm. Nay đến khung cảnh đổi khác, một nỗi niềm cảm xúc trào dâng khi đứng trước cảnh cũ đã thay đổi.
Bất đáo Kiếm hồ tam thập niên,
Đương thời cảnh sắc dĩ mang nhiên”.
(Ba chục năm trời cảnh vắng ta,
Hồ Gươm dấu cũ đã phai nhòa).
Bài thơ được mở đầu theo mô tip là cảm hứng tang thương, mọi vật biến đổi theo thời gian. Đã qua ba mươi năm, tác giả đã không đến hồ Hoàn Kiếm “Bất đáo kiếm hồ tam thập niên”. Có lẽ cảnh hồ Hoàn Kiếm ba mươi năm trước đây đẹp, thơ mộng nhưng ba mươi năm sau những dấu vết cũ không còn nữa. Điều này cũng dễ hiểu, bởi thời gian sẽ làm phai mờ đi tất cả. Cái cảm thức về thời gian, không gian ở đây là thời gian, không gian biến đổi, tàn tạ. Và có thể khẳng định rằng đây là “ thời gian lịch sử tương quan với thời gian vũ trụ”. “Trong thơ các dấu tích lịch sử được cảm nhận như cùng tồn tại trong hiện tại không gian. Thời gian trôi qua vô tình. Cái gì rồi cũng trôi qua trong lịch sử, sự nghiệp anh hùng, các triều đại, các đền đài tiêu tan chỉ để lại dấu tích”. Tất cả đều biến đổi huống chi là ở khung cảnh hồ Gươm nhỏ bé này. Và đặc biệt cái mô tip tang thương nnày ta còn gặp nhiều ở một số tác phẩm .
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư”.
(Độc Tiểu Thanh kí- Nguyễn Du)
          Ở đây Nguyễn Du cũng nói về sự thay đổi của cảnh vật nơi Tây Hồ: quá khứ xinh đẹp, hiện tại trở thành bãi hoang.
Hay nói về sự biến đổi của thành Thăng Long
Thành mới trăng xưa bóng lững lờ,
Thăng Long đô cũ dấu còn trơ”.
(Thăng Long- Nguyễn Du)
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà mở đầu Truyện Kiều , Nguyễn Du cũng phải thốt lên
Trải qua những cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Cũng trên sự thay đổi ấy, Bà Huyện Thanh Quan cũng đau đáu một nỗi niềm trước thành Thăng Long hiện tại.
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
(Thăng Long hoài cổ)
Trở lại bài thơ “Hoàn Kiếm hồ”của Nguyễn Khuyến. Như ở trên đã nói, sau ba mươi năm tác giả mới trở lại hồ Hoàn Kiếm. Ba mươi năm này (1864- 1894) đây là giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” của đất nước. Thời gian này thực dân Pháp đã mở rộng địa bàn xâm lăng ra miền Bắc và đã chiếm toàn bộ đất nước ta. Suy cho cùng nhà thơ cảm thương cho cảnh cũ hồ Hoàn Kiếm cũng là cảm thương cho đất nước lúc bấy giờ bị họa xâm lăng. Đó là một tấm lòng yêu nước kín đáo của nhà thơ. Và ở đây, đúng như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét “nhà thơ đi tới cùng lịch sử, nhưng con mắt tâm hồn luôn hướng về một viễn cảnh phía sau”.
Theo dòng chảy của thời gian, cảnh vật nơi đây biến đổi cụ thể.
Hành mao hà xứ khởi lâu các,
Già pháo dạ thnah vô quản huyền”.
(Tranh tre khắp chốn thành lầu gác
Kèn súng thâu đêm bặt tiếng tơ).
Những nơi nhà tranh nay đã biến thành lâu đài. Ban đêm chỉ nghe tiếng súng, tiếng kèn, không thấy tiếng sáo. Rõ ràng khi thực dân Pháp vào chiếm nước ta, chúng đã tiến hành cho xây dựng đô thị với những ngôi nhà cao tầng . Vì thế mà những ngôi nhà tranh nơi đây biến thành lâu đài là một điều tất yếu. Nhưng có lẽ bọn chúng cho xây dựng chỉ phục vụ cho mục đích xâm lược của chúng. Còn Ban đêm chỉ có tiếng súng của chúng. Tiếng kèn – nhạc cụ của phương Tây đã thay thế tiếng đàn sáo cổ truyền của dân tộc. Như vậy theo cảm thức của tác giả, thực dân Pháp vào xâm lược nước ta đã làm biến đổi tất cả, phá hủy những giá trị cổ truyền của dân tộc. Ta cũng thấy được một tâm trạng đau đớn của Nguyễn Khuyến trước cảnh nước mất nhà tan.
Cảnh vật biến đổi tội cho những sinh vật nhỏ bé đáng thương
Huyền điểu quy lai mê cựu kính,
Bạch âu mộ hạ túc hàn yên”.
(Chiếc én tìm về quên lối cũ,
Đàn cò tối đậu lẫn sương mờ).
Một cái nhìn tinh tế của tác giả, những cánh én, đàn cò hay là một hoàn cảnh tội nghiệp đáng thương của nhân dân ta lúc bấy giờ?
Đến hai câu kết, ta càng thấy rõ một không gian hoang dại, tiêu điều, biến dịch.
Khả liên ngũ bách văn chương địa,
Thượng hữu cô sơn thạch nhất quyền”
(Năm trăm năm cũ nơi văn vật,
Còn xót hòn non một nắm trơ).
Với sự sa sút của xã hội phong kiến và sự xâm lược của Pháp lúc bấy giờ, dường như cảm xúc không gian của những nhà thơ lúc bấy giờ cũng đổi thay. Trong thơ, nhiều tác giả xuất hiện không gian tang thương, biến dịch như trong thơ Nguyễn Đình Chiểu, Tú xương,… Và trong thơ Nguyễn Khuyến cũng vậy. Thực ra thành Thăng long đã trở thành kinh đô từ thế kỉ XI. Ở đây tác giả chỉ muốn nói đến việc hồ được đặt tên hồ Hoàn Kiếm từ thế kỉ XV khi có chuyện Lê Lợi trả gươm cho thần Rùa. Con số năm trăm năm ở đây cũng là một con số ước lệ mà thôi. Ở hai câu kết bên cạnh sự biến đổi hoang tàn của cảnh vật nơi đây cũng giống như sự biến đổi của thành Thăng Long trong sự cảm nhận của Bà Huyện Thanh Quan trước đó.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương”.
(Thăng Long hoài cổ- Bà Huyện Thanh Quan)
Cái không gian ở đây theo cái nhìn của Nguyễn Khuyến chỉ là một hòn núi đá trơ trọi như vậy so với ở câu thứ ba có gì mâu thuẫn chăng? Có lẽ cái không gian ở câu thơ “Hành mao hà xứ khởi lâu các”là không gian của những giá trị vật chất bên ngoài biến đổi. Còn ở trong hai câu kết là những giá trị tinh thần bị biến đổi, nhà thơ cảm thương cho những giá trị văn hóa tinh thần đã bị mai một và thậm chí không còn nữa.
Tóm lại trong thơ ca cổ điển Việt Nam mà cụ thể trong bài thơ “Hoàn Kiếm hồ” của Nguyễn Khuyến ta thấy rõ được cảm thức của tác giả về thời gian và  không gian. Đó là thời gian, không gian biến dịch, tiêu điều. Sự biến đổi này gắn với sự thay đổi xã hội, sự tự ý thức của con người và tư duy nghệ thuật trong văn học. Đồng thời qua bài thơ ta thấy được tấm lòng yêu nước sâu kín của tác giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Lại Văn Hùng giới thiệu và tuyển chọn, Nguyễn Khuyến tác phẩm chọn lọc, Nxb giáo dục Việt Nam,2009.
2.     Trần Đình Sử, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2005.
3.     Lê Trí Viễn, Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Nxb khoa học xã hội Hà Nội,1996.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét