Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG " CÁNH ĐÔNG BẤT TẬN"


                                        ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghiên cứu văn chương trong bối cảnh lí luận văn học hiện đại từ góc độ thi pháp học (tức là xem văn chương như một chỉnh thể, một hệ thống và cấu tạo nên hệ thống đó là một loạt các thành tố tương tác với nhau một cách có quy luật) là một trong những cách tiếp cận rất khoa học mà nhân lọa có đến nay. Trong đó có một phạm trù rất quan trọng của thi pháp học chi phối việc đánh giá sự thành công trong sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ là quan niệm nghệ thuật về con người. Trên cơ sở lí luận ấy, người viết chọn vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư để từ đó thấy được một quan niệm ngòi bút sắc sảo của chị khi viết về những dân nông thôn của vùng đất Nam bộ này.
                                     NỘI DUNG
1.     Đôi nét về tác giả Nguyễn Ngọc Tư
Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn trẻ của vùng đất tận cùng của Tổ quốc. Chị sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Nguyễn Ngọc Tư là một hiện tượng văn học độc đáo khiến đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm.
Sau hơn mười năm cầm bút (tính từ 1997 đến năm 2009), Nguyễn Ngọc Tư đã có 11 đầu sách được xuất bản. Trong số các tác phẩm đã in, tập truyện Cánh đồng bất tận được coi là thành công hơn cả. Tính đến tháng 02 năm 2007, tập truyện Cánh đồng bất tận  đã tái bản đến lần thứ 12. Năm 2007, Nguyễn Ngọc Tư được mời sang Hàn Quốc để nói về Cánh đồng bất tận và tác phẩm này được dịch ra tiếng Hàn. Đầu năm 2009, cũng chính Cánh đồng bất tận được chuyển thể thành một kịch bản cùng tên.
Cả nước biết đến Nguyễn Ngọc Tư như một trong những cây bút tài năng góp phần làm sống động nền văn học. Nhà văn Dạ Ngân khẳng định: “Nhờ có Nguyễn Ngọc Tư mà “nền văn học Nam Bộ cao lên được mấy thước”. Thậm chí, có ý kiến cho rằng: “Nguyễn Ngọc Tư đã góp phần đưa văn học vùng ra khỏi cái khuôn sáo “ngô nghê mà thiếu tự nhiên” đã tồn tại quá lâu trong văn học Đồng bằng sông Cửu Long”
2. Tóm tắt truyện ngắn “Cánh đồng bất tận
Truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ. Ở nơi đó, ông Út Vũ là một nông dân chân chất, hiền lành làm nghề thợ mộc. Rồi một ngày, ông tình cờ gặp một cô gái xinh đẹp đang ngồi khóc trên bến sông. Cô gái xinh đẹp, có “nụ cười lấp lánh cả khúc sông” và “làn da trắng như bông bưởi” ấy đã làm xiêu lòng trái tim của Út Vũ. Cả hai nên vợ nên chồng, sống hạnh phúc bên căn nhà lá nằm cạnh con sông Dài có những hàng mắm cặp mé sông và có với nhau hai đứa con: Nương, Điền .
Hạnh phúc không ở lâu với gia đình Út Vũ. Cuộc sống nghèo khó, lại rày đây mai đó khiến ông không thể giữ được tình yêu của người vợ đang trong thời kỳ xuân sắc. Cô “bỏ nhà theo trai”, để lại cho chồng  hai đứa con nhỏ bơ vơ và mái nhà tranh vách lá. Hận vợ phụ tình, ông Vũ đốt nhà, dắt con phiêu bạt trên chiếc ghe đi chăn vịt từ cánh đồng này đến cánh đồng khác. Thời gian thấm thoát trôi, những cánh đồng mà cha con ông Vũ đi qua không sao kể xiết, nhưng nỗi hận trong lòng ông vẫn không thể nguôi ngoai. Nó khiến ông ngày càng trở nên cộc cằn và cáu gắt. Trong khi đó, Nương lớn lên ngày càng xinh đẹp như mẹ. Bao nhiêu bực dọc, bao nhiêu uất ức và căm hận của ông vì thế đều trút lên hai đứa con của mình và lên những người đàn bà mà ông bắt gặp. Ông hận tất cả đàn bà. Ông để họ yêu mình và rồi lại bỏ rơi họ theo cách mà ông đã từng bị bỏ rơi.
Cuộc sống nặng nề và u ám của ba cha con ông Vũ cứ thế tiếp diễn, ngày qua ngày. Cho đến một ngày kia, hai chị em Nương và Điền tình cờ giải cứu cho cô gái điếm tên Sương  đang bị những người đàn bà trong xóm đánh ghen, tra tấn. Sự xuất hiện của Sương đã mang lại chút không khí đầm ấm cho hai đứa bé thiếu tình thương của cha mẹ, cho những bữa cơm của Nương và Điền thêm phần ấm áp và cho cuộc sống tinh thần của hai chị em bớt tẻ nhạt. Tuy nhiên, đối với ông Vũ, sự xuất hiện của Sương càng khiến vết thương của ông thêm phần nhức nhối. Ông vẫn lạnh lùng, vẫn cáu gắt và đay nghiến thân phận “làm đĩ” của Sương, dù có thể ở tận sâu đáy lòng mình, ông có dành cho Sương một chút tình cảm, giống như là tình yêu. Trớ trêu thay, người phụ nữ “làm đĩ” ấy lại đem lòng yêu ông Vũ. Cô làm tất cả để bảo vệ ba cha con ông, kể cả việc “đi đêm” với hai cán bộ kiểm dịch để đổi lấy đàn vịt. Tuy nhiên, tình yêu ấy lại được đáp lại bằng sự chua chát và thái độ thù hận. Sương quyết định bỏ đi. Điền cũng bỏ nhà đi tìm Sương. Chỉ còn lại Nương và ông Vũ, tiếp tục cuộc hành trình cô độc trên những cánh đồng bất tận…Cho đến một ngày, khi trái tim của ông Út Vũ dần nguôi ngoai, tình thương của người cha quay về thế chỗ cho những hận thù thì một biến cố lớn lại ập đến cho gia đình ông Vũ, cho cô con gái tội nghiệp của ông…Trên “cánh đồng bất tận”, con gái ông bị bọn côn đồ ăn cắp vịt cưỡng hiếp trước sự bất lực của người cha.
3. Khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người.
“Văn học là nhân học, đối tượng thể hiện chủ yếu của nó là con người”. Chúng ta không thể lí giải một hệ thống văn, thơ mà bỏ qua con người được thể hiện trong đó. Tuy nhiên sự miêu tả con người trong văn học không bao giờ là sự sao chép, chụp ảnh và tâm hồn nhà văn cũng không như một tấm gương trong cho sự phản chiếu nào. Nhà văn sáng tạo ra nhân vật, kể ra, miêu tả ra nhân vật, nhân vật bao giờ cũng hiện ra theo cách hình dung, cảm nhận của tác giả, tức là mỗi nhà văn đều có một quan niệm khác nhau về con người. Trong lịch sử văn học chẳng những con người với tư cách là đối tượng của văn học đổi thay, mà ngay quan niệm nghệ  thuật về con người cũng thay đổi làm cho khả năng chiếm lĩnh con người trong văn học ngày càng sâu sắc, phong phú và tạo thành lịch sử của sự miêu tả con người trong văn học.



3.1.Quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc lí giải, cảm thụ của chủ thể
-   Trong quyển “ Giáo trình Thi pháp học” của GS. TS. Trần Đình Sử
+ “Nhà văn không thể miêu tả đối tượng mà không có quan niệm về đối tượng. Quan niệm là một phương tiện thiết yếu của sáng tạo nghệ thuật”. Ý kiến này xem quan niệm vừa là cái chi phối đối tượng vừa chuyển hóa vào cách xây dựng hình tượng.
+ “Quan niệm nghệ thuật gắn liền với thế giới quan, với quan điểm triết học, chính trị. Nhưng nó có sự chuyển hóa từ quan niệm chính trị, quan niệm triết học sang quan niệm nghệ thuật. Quan niệm ấy gắn liền với phương tiện nghệ thuật (…). Khi nhà văn thay đổi quan niệm nghệ thuật thì cũng thay đổi luôn phương tiện. Do đó muốn đổi mới nghệ thuật thơ ca  trước hết phải đổi mới quan niệm”. Quan niệm này đã phân biệt quan niệm nghệ thuật về con người với quan niệm về con n gười của triết học , khoa học, xã hội học, đồng thời xem quan niệm là cái giúp đánh giá sự đỏi mới tư duy nghệ thuật của tác phẩm.
+ “Không phát hiện được quan niệm nghệ thuật về con người thì  không thể tiếp cận nghệ thuật một cách nghệ thuật. Quan niệm nghệ thuật về con người gắn liền với cá tính sáng tạo của nhà văn, gắn liền với sự vận động của lịch sử”.Đây là sơ sở lịch sử xã hội văn hóa của quan niệm nghệ thuật về con người.
-   Quan niệm của tác giả tập tiểu luận “Lý luận và phê bình văn học ” của GS. TS. Trần Đình Sử:
+ “Sự hứng thú với vấn đề quan niệm nghệ thuật đánh dấu sự đổi thay đáng kể trong hệ hình tư duy, sự chuyển dịch chú ý từ đối tượng, từ sự phản ánh khách thể sang chủ thể và hệ quy chiếu của nó. Một thời gian dài quan niệm sáng tác bị đồng nhất vào thế giới quan, mà thế giới quan được hiểu một cách quy phạm như một phạm trù bất biến (…)trong khi thực chất của sáng tạo nghệ thuật là trên cơ sở hấp thụ các yếu tố thế giới quan nhất định của thời đại, tạo ra quan niệm của mình về thế giới và con người. Do vậy, khái niệm “quan niệm” đòi hỏi phải nhìn sâu vào thực chất sáng tạo tư tưởng của nhà văn, phân biệt tác giả có quan niệm và tác giả không có quan niệm”. Ý kiến này xem quan niệm là sự thể hiện chủ quan rất riêng của người nghệ sĩ.
+ “Trong nhệ thuật, thế giới được quan niệm hóa trên cơ sở sự cảm thụ cá nhân về một thế giới thỏa mãn nhu cầu về sự tồn tại của nó. Nghệ thuật nâng sự cảm thụ thế giới lên lên tầm quan niệm về thế giới, ứng với một quan niệm nghệ thuật là một thế giới nghệ thuật. Với ý nghĩa này quan niệm nghệ thuật là phạm trù về các chỉnh thể nghệ thuật, là công cụ để tư duy về các hiện tượng nghệ thuật cũng như những chỉnh thể”. Ý kiến này xem quan niệm nghệ thuật là cái khái quát được chuyển hóa thành thế giới nghệ thuật
-  Quan niệm trong quyển “Một số vấn đề Thi pháp học hiện đại ” của GS. TS. Trần Đình Sử : “Phạm trù quan niệm nghệ thuật thuộc phạm vi ý thức của văn học, gắn liên với ý thức về chức năng, nhiệm vụ, khả năng của văn học, nó là cách cắt nghĩa của văn học đối với con người’.
Như vậy quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc lí giải, cảm thụ của chủ thể.
+ Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lí giải, cắt nghĩa, sự cảm nhận của con người đã được trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mĩ.
+Nhân vật là hình thức cơ bản để miêu tả con người trong văn học. Tuy nhiên, lâu nay người ta chỉ chú trọng phương diện khách thể của nhân vật mà xem nhẹ các nguyên tắc lí giải, cảm thụ và biểu hiện chủ quan của chủ thể sáng tạo.
            3.2.  Cơ sở lịch sử xã hội và văn hóa của quan niệm nghệ thuật về con người
Quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc cảm thấy, hiểu và miêu tả con người trong văn học. Nhưng các nguyên tắc ấy có cơ sở sâu xa trong thực tế lịch sử. Do đó, quan niệm nghệ thuật về con người là một sản phẩm của lịch sử. Chẳng hạn như quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trước hết gắn liền với thế giới quan Mac- Lênin , với thực tế đấu trnh cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo và nhất là gắn với quan niệm về con người mới và cuộc sống mới .
Quan niệm nghệ thuật về con người cũng là sản phẩm của văn hóa tư tưởng. Chẳng hạn như quan niệm về con người vũ trụ trong văn học trung đại Việt Nam gắn liền với cảm thức xã hội của con người trung đại. Đó là quan niệm Thiên Địa  Nhân hay “ Thiên- Nhân thương cảm” , con người là tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ, con người có mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên. Chính vì thế con người trong văn học trung đại thường cản nhận mình trong mối quan hệ với đât trời với những cái lớn lao cao cả.
Quan niệm nghệ thuật về con người còn mang dấu ấn sáng tạo của người nghệ sĩ, gắn liề với cái nhìn của người nghệ sĩ. Trong văn học ta bắt gặp con người tha hóa trong sáng tác của Nam Cao, con người vô nghĩa lí trong sáng tác Vũ Trọng Phụng, con người chính trị trong thơ Tố Hữu,…
Trong các thể loại văn học khác nhau, chức năng và hệ thống phương tiện biểu hiện khác nhau, quan niệm nghệ thuật về con người cũng khác nhau. Con người trong thần thoại là con người siêu phàm như năng lực, một sức mạnh để chế ngự thiên nhiên hay thực hiện một công việc nào đó,con người trong truyện cổ tích là hiện thân của một quy ước xã hội,…


3.3. Ý nghĩa của quan niệm nghệ thuật về con người
Quan niệm nghệ thuật về con người tạo thành cơ sở, thành nhân tố vận động của nghệ thuật, thành bản chất nội tại của hình tượng nghệ thuật. Quan niệm nghệ thuật về con người không phải là bất kì ách ắt nghĩa nào về con người mà là cách cắt nghĩa mang tính phổ quát, mang ý nghĩa triết học. Nghệ sĩ suy nghĩ về con người, cho con người, nêu ra những tư tưởng mới để hiểu về con người. Do đó càng khám phá quan niệm nghệ thuật về con người thì càng đi sâu vào thực chất sáng tạo của họ, càng đánh giá đúng thành tựu của họ.
Con người trong văn học không chỉ là con người có trong thực tế, mà còn là quan niệm về con người ấy một cách thẩm mĩ và nghệ thuật. Chẳng những đề tài văn học không ngừng đổi thay, mà quan niệm nghệ thuật về nó cũng luôn luôn phát triển, làm cho đối tượng được nhìn từ góc độ mới.
Bỏ qua quan niệm nghệ thuật về con người sẽ dẫn đến hiểu đơn giản bản chất phản ánh của văn nghệ. Vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người thực chất là vấn đề về tính năng động của nghệ thuật trong việc phản ánh hiện thực, lí giải con người bằng các phương tiện nghệ thuật, là vấn đề về giới hạn, phạm vi chiếm lĩnh đời sống của một hệ thống nghệ thuật, là khả năng thâm nhập của nó vào các miền khác nhau của cuộc đời.
Chừng nào chưa có đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người thì sự tái hiện các đời sống khác nhau chỉ có ý nghĩa mở rộng về lượng trên cùng một chiều sâu. Thật khó nói tới sự phát triển của tư duy nghệ thuật mà thiếu sự mở rộng, đào sâu các giới hạn trong quan niệm nghệ thuật về con người.


4. Những biểu hiện quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn “ Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư.
Trong “Cánh đồng bất tận”, Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng được một thế giới nhân vật có tính cách, số phận riêng khá độc đáo. Quả thật, những nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư luôn gây cho chúng ta những day dứt, ám ảnh khi đọc xong tác phẩm. Phần lớn những nhân vật trong tác phẩm của chị đều thuộc vào những kiếp người bình thường nhỏ bé, nhưng lạ thay họ đều không hề tầm thường; thậm chí không ít nhân vật có sự hi sinh đầy cao thượng, có tính cách có thể nói là cao cả. Ngoài ra, điều chúng ta ít ngờ tới, đó chính là những con người lao động bé nhỏ kia, lại có thể là kẻ suốt đời ôm mộng, chạy theo một niềm say mê của mình. Do đó, tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư trong Cánh đồng bất tận sẽ góp phần giúp chúng ta đánh giá đúng những sáng tạo của chị trong truyện ngắn.
4.1. Đặt nhân vật trong các tình huống để các nhân vật tự bộc lộ bản chất, tính cách của mình.
 “Tình huống truyện là toàn thể những sự việc xảy ra tại một nơi, trong một thời gian hoặc một thời điểm”. Chính tình huống nó tạo thành các tứ riêng, làm nổi bật điều mà nhà văn muốn gửi gắm cũng như bản chất của nhân vật. Trong Cánh đồng bất tận Nguyễn Ngọc tư cũng đặt nhân vật vào trong những tình huống đầy kịch tính. Trước hết đó là tình huống vợ Út Vũ bỏ chồng, bỏ con để đi theo người đàn ông khác, bi kịch gia đình tan vỡ bắt đầu từ đây. Hận đời, hận tình người cha phóng lửa đốt nhà rồi đưa hai con lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ làm nghề chăn vịt, nay đây mai đó kiếm sống. Nỗi hận của người cha trong Cánh đồng bất tận thật ghê gớm. Khởi đầu chỉ là sự khó chịu, ghét những gì liên quan đến người vợ. Nhưng dần dần nó phát triển thành ý muốn “tiêu diệt” những gì có thể nhắc nhở đến người vợ ấy. Trước hết là sự đánh đập đứa con gái chỉ vì nó giống mẹ. Sau đó, nỗi hận ấy được nâng lên thành nỗi hận phổ quát: hận tất cả đàn bà. Nhân vật Út Vũ đốt nhà của mình rồi dẫn hai đứa con và đàn vịt vào những cánh đồng trong cõi hận. Với nỗi hận ghê gớm, người cha đã thực hiện việc trả thù… toàn bộ giới phụ nữ. Ông ta quyến rũ họ, và khi họ vừa bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ chồng, bỏ con để “cuốn gói” theo… tiếng gọi tình yêu thì ông ta ngay lập tức bỏ rơi họ. Nỗi hận ấy làm cho con người không ngượng ngùng, hổ thẹn và không chùn tay, không sợ hãi khi làm điều sai xấu. Nhân vật không có trách nhiệm dạy bảo các con, cũng không che đậy vì hành vi lừa dối, và sự thù hận là cái cớ làm cho ông không còn biết hổ thẹn. Qua các tình huống đó,Nguyễn Ngọc Tư cho  ta thấy một hình ảnh người đàn ông ở đây là một kẻ hận thù đến mức mù quáng; trở thành kẻ tàn nhẫn, bất nhân. Tiếp theo là tình huống Nương cứu được người đàn bà đang bị người ta đánh ghen đến mức dã man, rồi cả tình huống Nương bị cưỡng hiếp ngay trước mặt người cha của mình...
Mặc dù Nương sống trong môi trường vô cùng tăm tối đó nhưng vẫn giữ được tâm hồn đầy tình yêu thương cũng như niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn. Ngược lại, ông bố lại lợi dụng tình yêu của kẻ khác để thỏa mãn lòng hận thù mù quáng của mình. Những tình huống này không mới, tuy nhiên chúng ta có thể nhấn mạnh rằng ở đây là tính cách của các nhân vật đó đều nổi bật nhờ cách tạo dựng tình huống truyện.
Thật vậy, tình huống truyện không chỉ là yếu tố thúc đẩy cốt truyện phát triển mà như ta đã thấy nó còn như là “chất xúc tác”, là thứ nước rửa ảnh để từ đó nhà văn tái hiện rõ nét hơn tính cách, bản chất của từng nhân vật. Qua đó phần nào khái quát được bức tranh tính cách của con người trong hiện thực đời sống.
4.2. Quan niệm nghệ thuật về con người qua cách miêu tả ngoại hình nhân vật.
“Ngoại hình là một khái niệm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bề ngoài của nhân vật”. Đó chính là những nét về diện mạo, hình dáng, trang phục, cử chỉ, tác phong của nhân vật được biểu hiện trong tác phẩm. Chỉ bằng vài nét bút thoáng qua có tính chất chấm phá nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã tái hiện, dựng lên chân dung các nhân vật một cách rất rõ nét trước mắt người đọc. Để từ chân dung đó, người đọc có thể nhìn thấu một cách sinh động, trọn vẹn tính cách nhân vật.
Dân gian thường nói “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Có lẽ rất do rất tâm đắc với với lời nói đó nên Nguyễn Ngọc Tư đã rất hứng thú trong việc phác hoạ lại hình ảnh các khuôn mặt. Thật vậy, khuôn mặt là điểm nhận biết đầu tiên khi người ta tiếp xúc với nhau, là nơi bộc lộ mọi trạng thái cảm xúc vì vậy nó là một phần để người ta nắm bắt tâm lý của nhau. Nắm bắt được điều đó Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện sự thành công đặc biệt của mình khi phác hoạ hình ảnh dễ gợi này.
Viết về những người đàn bà buôn hương bán phấn, Nguyễn Ngọc Tư đã không cần tốn quá nhiều công sức khi khái quát về tính cách, nghề nghiệp của họ. Viết về họ, Nguyễn Ngọc Tư đã chớp ngay được “cái con mắt đung đưa’’, “nụ cười tung tẩy trên khóe mắt”. Cái con mắt “đung đưa” “tung tẩy” gợi tình, mời tình ấy cũng đủ giúp ta hình dung được sự phong trần, lả lơi của một kiếp đàn bà. Tiếp đến cụ thể hơn là hình ảnh “mắt và cổ đã nhão”,  “Chúng tôi đã gặp nhiều, rất nhiều người phụ nữ giống chị. Cứ mỗi mùa gặt, họ lại dập dìu trên đê, lượn lờ quanh lều của những thợ gặt, những người đàn ông giữ lúa và bọn nuôi vịt chạy đồng. Họ cố làm ra vẻ trẻ trung, tươi tắn nhưng mặt và cổ đã nhão ra, nhìn kỹ phát ứa nước mắt”. Đặc biệt, Nguyễn Ngọc Tư còn vạch cho ta thấy nhưng vết thương toang hoác của cuộc đời mà đã chấp nhận để được ăn trên miếng cơm, manh áo của người khác. Hình ảnh của nhân vật Sương sau trận đánh ghen “môi chị sưng vểu ra xanh dờn; những mảnh thịt mà người ta cấu nhéo tím ngắt’’, “đôi vú rách bươm và khoảng đùi rớm máu” đau đớn ê chề nhục nhã nhưng người đàn bà đó vẫn chấp nhận, như một lẽ tất nhiên khi đã chấp nhận dấn thân vào cái nghề tàn khốc đó. Trước sự đau đớn mà chị phải chịu, trước việc biết được người ta đã đổ keo dán sắt vào cửa mình chị thì một lần nữa để thấy được thái độ của mọi người. Bằng việc đặc tả đôi mắt của người cha: “tôi đọc được sự ghê sợ, kinh tởm cồn lên trong mắt cha”. Nhưng cũng với đôi mắt ấy, ở một hoàn cảnh khác sắc thái cảm xúc mà nó biểu hiện lại khác.
Sau khi quyến rũ được người cha chung chạ qua đêm với chị cha tôi chỉ lạt lẽo nhếch cười...Cha đưa cho chị một ít tiền ngay trong bữa ăn cơm khi nhà đủ mặt, “tôi trả tiền hồi hôm...” rồi điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê trong mắt”. Rõ ràng với cách thể hiện như vậy, người đọc chỉ có thể nhận xét rằng đó đích thị là đôi mắt của kẻ tàn nhẫn, bạc bẽo đến vô lương tâm.
Những tưởng người cha trong truyện sẽ càng ngày càng man rợ nhưng không ngờ với đôi mắt “ầng ậc nước... nhoè nhoẹt” khi chứng kiến con gái mình bị hãm hiếp mà ông không làm gì được đã trở thành dấu hiệu sự trở về của con người thật trong ông. Hình ảnh đôi mắt còn xuất hiện rất nhiều trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Đó còn là đôi mắt bị bệnh chảy nước mắt sống của Điền. Đôi mắt cứ chảy nước mắt ròng ròng, đôi mắt bị tổn thương sau khi nhìn thấy những hình ảnh không đáng nhìn khi vừa thức giấc trong bồ lúa. Sau khi Điền bỏ đi theo “chị”, Nương vẫn nghĩ về đôi mắt ấy với một niềm khắc khoải khôn nguôi: “không biết nước mắt của nó đã khô chưa hay vẫn rỉ từng giọt như máu tươi”. Hình ảnh đôi mắt cứ chảy nước ròng ròng ảm ảnh từ đầu đến cuối câu chuyện đã thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Nguyễn Ngọc Tư đã cho ta thấy một tâm hồn bị tổn thương, yếu đuối. Con người ta có thể chai sạn với mưa nắng nhưng với những cú sốc tinh thần đặc biệt là cú sốc đầu đời thì rất khó để chữa lành. Cú sốc đó mãi còn để lại những di chứng về sau này.
Ngoài những nét chấm phá rất điển hình để miêu tả một khoảnh khắc trong cuộc đời nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư còn miêu tả ngoại hình gắn với sự biến đổi theo năm tháng. Nhìn vào các nhân vật trong “Cánh đồng bất tận”, ta dễ dàng thấy đặc trưng riêng của từng nhân vật. Tuy nhiên toát nên từ tất cả, ai cũng mang trên mình đặc điểm chung, cái nét chung của người nông dân Nam Bộ cơ cực nghèo khổ. Những nét tính cách này càng được nổi bật rõ ràng hơn khi ta đặt những nét ngoại hình đó trong sự đối sánh với nhân vật ông trưởng ấp và ông cán bộ xã: “hai khuôn mặt bị nướng dưới ánh mặt trời, bóng nhẫy, tươm mỡ”, còn ánh mắt thì đó là: “ánh nhìn ham muốn như mũi kim thò ra khỏi bọc, lơ láo”. Chỉ cần hai nét cơ bản như vậy thôi người đọc dã có thể hình dung ra sự ứ thừa của những con người tham lam, ham hố.
Như vậy khi miêu tả ngoại hình, Nguyễn Ngọc Tư đã không sao chụp máy móc chân dung các nhân vật mà chỉ phác họa tái hiện lại bằng một vài nét thoáng qua có tính chất chấm phá. Song những nét chấm phá ấy lại có ý nghĩa lớn, nó đạt tới giá trị tạo hình, lại vừa có khả năng gắn rất cụ thể nhằm tái hiện một cách sinh động tính cách nhân vật cũng như đã góp phần nêu bật được quan niệm của nhà văn về con người thế giới.
4.3. Quan niệm nghệ thuật về con người qua cách xây dựng lời đối thoại của nhân vật
Nhân vật trong “Cánh đồng bất tận” đều là những người nông dân Nam Bộ nên trước hết ta thấy họ đều là những con người bình dị.. Cách diễn đạt của họ cũng rặt một kiểu Nam Bộ: “bảnh thiệt, cà lơ phất phơ”, “ dóc”... Họ là những con người chất phác, thường thì nghĩ sao nói vậy. Vậy nên khi tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người ta không thể bỏ qua những lời đối thoại của nhân vật. Qua lời đối thoại, ngoài thông tin thể hiện trong lời nhân vật đó ta còn dễ dàng hiểu được cách suy nghĩ và qua đó mà hiểu được tính cách nhân vật.
Nếu không phải là con người từng trải, sâu sắc, chu đáo và rất tình cảm thì sẽ không bao giờ thốt ra những câu nói đầy triết lí nhưng rất chân tình và thấm đẫm tình yêu thương như thế. Trong Cánh đồng bất tận để thể hiện tính cách tàn nhẫn của người cha và sự cam phận nhẫn nhục của nhân vật “chị”, Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng những đoạn đối thoại rất đặc sắc. Sau khi diễn tả sự hạnh phúc của chị khi quyến rũ được nhân vật cha qua đêm với mình trong bữa ăn, cha nói: “Tôi trả tiền hồi hôm…”.Chị nhét tiền vào trong áo ngực, cười “Trời ơi ba mấy cưng sộp quá chừng
Rồi một lần sau khi chị cố gắng để đàn vịt của ba cha con khỏi bị tiêu hủy, sáng sau gặp ở quầy vịt : “Sao, hồi tối có vui không?
Chắc họ tưởng cô là vợ tôi nên hứng thú lắm hả? Cứ để họ nghĩ vậy...”. Chị ngó trân trân vào cha, rồi day qua tôi, chị để rớt từng lời:
- Má cưng ác một, nhưng người cha này của cưng ác tới mười”
Qua đó ta thấy lời đối thoại cũng là một phương tiện nghệ thuật rất đắc dụng để nhà văn xây dựng lên tính cách nhân vật. Qua những lời thoại trong tập truyện, Nguyễn Ngọc Tư đã cho ta thấy được rõ nét hơn về lối sống, tính cách của các nhân vật trong truyện.
4.4. Quan niệm nghệ thuật về con người qua cách thể hiện nội tâm nhân vật.
Nội tâm là khái niệm chỉ toàn bộ những trạng thái, suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác, nhưng phản ứng tâm lý của bản thân nhân vật trước cảnh ngộ và tình huống mà nhân vật chứng kiến trên bước đương đời của mình”. Yếu tố tâm lý thường được nhà văn xem là một đối tượng nghiên cứu trực tiếp của mình. Muốn khai sinh cho một nhân vật phải nắm bắt được tâm lý của nhân vật. Đây cũng chính là một thử thách đối với nhà văn bởi tâm lý của con người không đơn giản, khó nắm bắt. Mỗi người có một tính cách riêng, cách suy nghĩ riêng với những cảm nhận khác nhau về thế giới và con người. Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn có khả năng nhập thẳng vào nhân vật của mình. Qua nhân vật xưng “tôi” trong tác phẩm độc giả chẳng những lĩnh hội được câu chuyện mà còn thấu hiểu cả những trải nghiệm, suy tư, những cơn sóng tâm hồn của nhân vật kể chuyện. Có thể xem đó là những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật. Hình thức này cũng khiến cho dòng tâm tư nhân vật hiện lên “tươi rói” trên trang sách. Trong  truyện số lần nhân vật Nương, xưng “tôi” dừng lại tái hiện những tâm tư của mình lên tới 15 lần, mỗi lần một suy nghĩ, một trạng thái cảm xúc khác nhau. Trong dòng suy nghĩ triền miên của nhân vật “tôi” thì nỗi nhớ chính là những lớp sóng tâm trạng miên man, cồn cào và giằng xé trong tâm hồn “tôi”. Mỗi lần nhớ, mỗi lần thương, mỗi lần đau “tôi”thường bộc bạch, mổ xẻ suy nghĩ của chính mình. Bắt đầu từ nỗi nhớ má “suốt nhiều năm sau đó, tôi không dám nhớ má, bởi ngay khi vừa nghĩ đến má thì lập tức hình ảnh ấy lại hiện ra”. Không hề tức giận khi bị cha đánh đòn, “tôi” chỉ ngồi đó tìm ra nguyên nhân xuất phát những trận đòn đó: “Và tôi tự nhớ lại coi hồi sáng này, hồi trưa này mình đã làm gì giống má, kho cá bỏ quá nhiều tiêu? Hay vì tôi buộc tóc nhong nhỏng”; “Tôi cảm thấy mình thất vọng đến rã rời. Những thói quen, những cái gì liên quan đến má tôi phủi gần sạch rồi, nhưng làm sao tôi có thể bỏ được hình hài nầy”.
Rồi khi đứa em trai từ chối sự trưởng thành, ghê tởm những hoạt động sinh lí xác thịt Nương muốn giúp em mà không làm gì được bởi “Tôi muốn kêu lên, tiếc là sự thất học khiến tôi không thể diễn đạt bằng lời. Tôi không chắc chắn lắm nhưng tình dục và xác thịt không xấu xa, không đáng bị khinh bỉ, không phải là nguyên nhân đến cuộc sống nầy với những đổ vỡ nầy…”.
Sau này khi Điền đã bỏ đi theo chị mỗi khi qua những xóm kinh, Nương “thường ngóng lên bờ xem có được gặp chị với Điền không”. Những lúc đó Nương nghĩ: “không biết em tôi có đuổi kịp chị hay vẫn tiếp tục kiếm tìm. Không biết nó đã đánh thức được bản năng, đã tìm thấy nhục cảm, đã thèm muốn chưa. Không biết nước mắt của nó đã khô chưa hay vẫn rỉ từng giọt máu tươi”.
Đến đoạn người cha nhắc tới chuyện lấy chồng thì trong đầu Nương xuất hiện hàng chục câu hỏi tự vấn. Những suy nghĩ của Nương bật ra như lời đối thoại với chính độc giả, với trời, với đất và với chính bản thân mình: “Tôi biết lấy ai trong số đó? Lấy một người cắm mặt xuống đất, mệt nhừ với vườn ruộng để mỗi khi giáp hạt tôi nghe thấy tiếng cạo cơm cháy của con, tiếng muỗng dừa vét gạo dưới đáy mà rát bỏng trong lòng? Hay tôi sẽ chọn một người chăn vịt, mê mỏi với chuyến đi xa, sống hờ hững tạm bợ, thấp thỏm với rủi ro và đến một lúc nào, tôi ôm con nghe đêm của mùa gặt thật dài với tiếng rúc rích của người chồng già nua. Tôi lấy ai bây giờ, một người thợ gặt? Một anh chạy đò?” .Đến tận khi truyện đi đến đoạn kết thì Nương vẫn không ngừng bộc lộ những dòng suy nghĩ chảy tràn của mình: “Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó ngay lúc ấy…”. Trong hoàn cảnh hết sức thương tâm đó Nương nghĩ: “Ước gì cha tôi hiểu để mà thanh thản”. Người đọc không thể ngờ được 17 tuổi mà Nương lại có những dòng suy nghĩ, những câu tự vấn sâu sắc đến thế về cuộc đời. Quá khứ, hiện tại, tương lai nó cứ đồng hiện, chất chứa thành một khối trĩu nặng với đầy đủ những sự day dứt cho quá khứ, dằn vặt về hiện tại, lo lắng cho tương lai. Sự trưởng thành, già dặn quá sớm của nhân vật chỉ có thể giải thích được bằng chính cuộc sống không người dạy dỗ, sống cuộc sống xa cách con nguời, không được sự quan tâm của cha cũng chẳng được sự chăm sóc của mẹ. Bao nhiêu sự trăn trở, lo âu về cuộc sống không biết giải bày cùng ai cho nên nhân vật luôn sống với những dòng suy nghĩ triền miên là điều tất yếu.
Khi gặp người đàn bà ở xóm Bàu Sen, lúc đầu cha “trút vẻ lầm lũi” vốn có. Sau đó khi đã rủ chị bỏ nhà, bỏ quê để theo cha thì vừa mới đi được một đoạn đường cha quăng chị lại “cười dữ dội,đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã. Cái cười thật dài, riết lấy khuôn mặt cha, làm mắt cha hơi lồi ra, ánh lên như có nước”. Càng ngày cha càng “xanh xao, lạt lẽo, ngơ ngác và cô đơn”... Qua lời kể của đứa con gái, tâm lí người cha càng ngày càng ghê sợ “không còn một chút cảm xúc nào, nét mật tràn ngập những rắp tâm, chưa gặp mặt đã tính chuyện phũ phàng”. Nhưng sau tất cả những điều đó đứa con gái vẫn hiểu rằng bên trong tâm hồn cha là “một hố sâu thăm thẳm, bến bờ mịt mù, chơi vơi, dễ hụt chân”. Trong tác phẩm, ta còn thấy bi kịch của hai chị em Điền và Nương không đơn giản chỉ là vấn đề “miếng cơm manh áo” mà chính là sự đói khát về tình cảm của cha mẹ, của con người với con người trong cuộc sống. Trong tiềm thức của hai chị em Nương luôn là hình ảnh người mẹ trẻ đẹp một thời nhưng tất cả đều là mầm mống và dấu hiệu báo trước một sự chia lìa, xa cách do sự thiếu chung thủy của người mẹ ấy.  “Má ngó chúng tôi, hỏi: “Gì mà nhìn trân trân vậy hai đứa?”. Tôi nói,“Má lạ quá hà, nhìn không ra”. Má mừng quýnh, “Thiệt hả?”. Tôi muốn khóc quá chừng, má con xa lạ với nhau sao lại mừng?”. Và đúng như thế, mẹ của chúng cuối cùng do không chống lại nổi sự cám dỗ của người đàn ông có chiếc ghe bán đủ thứ đồ thực phẩm đã nhẫn tâm bỏ đi. Còn lại người cha, cứ ngỡ ông sẽ dành tất cả tình cảm của mình cho hai đứa con yêu thương để bù đắp sự trống vắng của người mẹ thì trái lại ông cư xử với chúng như những người dưng xa lạ. Vì thế, tuy sống với cha nhưng hai chị em Nương và Điền hầu như chỉ biết “giao tiếp” với… đàn vịt mà chúng chăn thả trên những Cánh đồng bất tận. Chúng thèm quay quắt một ánh nhìn trìu mến của cha mà lẽ ra đương nhiên chúng được quyền hưởng. Chúng thèm được nghe ông sai đi mua rượu, sai nướng vài con khô để ông vui thú với bạn bè. Thậm chí chúng còn thèm được nghe ông la hét, đánh mắng dù họ chẳng lầm lỗi gì. Nói tóm lại, họ khao khát được giao cảm, được trò chuyện giống như bầy vịt chăn thả trên đồng cần có lúa để ăn mà đẻ trứng. Họ thèm được “đối thoại” với cha mình dù đó là những lời nạt nộ, xa lạ như với người dưng nước lả. Những đoạn văn sau cho chúng ta thấy bi kịch trên của chị em Nương và Điền:
- “Trời ơi, trừ chị em tôi ra không ai thấy được đằng sau khuôn mặt chữ điền ngời ngợi đó là một hố sâu đen thẳm, bến bờ mờ mịt, chơi vơi, dễ hụt chân”.
- “Có lần, khi đi trên sông, thằng Điền giả đò té chìm nghỉm mất tăm, tôi giả đò kêu la chói lói, cha hơi giật mình hoảng hốt, dợm lao xuống nước, nhưng rồi cha điềm nhiên ngồi lại, tiếp tục gọt đẽo, chắc là nhớ thằng Điền đã lặn lội nước sông từ năm bốn tuổi, sức mấy mà chết trôi.”
- “Có lần, đi qua xóm, trong một buổi chiều, chúng tôi gặp những ông già ngồi chơi với cháu, thằng Điền đứng tần ngần bên hàng rào dâm bụt, bảo, “ phải chi ông nầy là ông nội mình hé Hai?” Nghe câu đó tôi bỗng thấy mình nghèo rơi nghèo rớt đến nỗi không có… ông nội để thương, thèm muốn bên đường.”
Trong tác phẩm còn một chi tiết làm cho người đọc không khỏi xúc động, đó là chi tiết cô bé Nương hay tìm đến con vịt mù trong đàn để trút hết những nỗi niềm tâm sự, mong tìm được sự cảm thông chia sẻ. Đây là một chi tiết đắt giá làm người đọc phải giật mình về mối quan hệ lỏng lẻo, xa lạ giữa người với người trong cuộc sống. Chúng ta thử nghĩ xem vì sao trong cuộc sống hiện đại con người ta lại cô đơn, bơ vơ và lạc lỏng đến như vậy? Đến đây có thể nói cái nghèo cái đói về vật chất, về miếng cơm manh áo đối với người nông dân bây giờ là chuyện rất… bình thường. Chỉ có cái nghèo, cái đói về mặt tình cảm, nỗi thiếu thốn về chữ tình, chữ nghĩa, sự giả dối trong đối xử giữa người với người mới là điều quá sức tưởng tượng của họ.
 Qua đây ta thấy Nguyễn Ngọc Tư đã khéo léo linh hoạt tìm ra những phương thức sát hợp nhất thể hiện sắc nét nhất dòng tâm trạng, cảm xúc, những suy tư, trăn trở... trong nội tâm của từng nhân vật. Nội tâm vốn là là yếu tố không dễ nắm bắt nhưng với tài năng, sự nhạy cảm và tấm lòng gắn bó sự chân thành của chính bản thân mình với tất cả mọi người, Nguyễn Ngọc Tư đã dễ dàng đột nhập, khám phá nội tâm từng nhân vật để người đọc hiểu, thông cảm và trân trọng những tất thảy con người đó. Qua việc đi sâu khám phá nội tâm của các nhân vật Nguyễn Ngọc Tư như thêm một lần nhắc nhở người đọc, giúp người đọc có thêm được một kinh nghiệm sống, mỗi người chúng ta nên có được một cái nhìn quân bình hơn trong cuộc sống này.
   
                              KẾT LUẬN CHUNG

Như vậy từ việc đặt nhân vật vào trong các tình huống có vấn đề, từ việc miêu tả ngoại hình, dựng lên những đoạn đối thoại và đặc biệt là việc khám phá đời sống nội tâm của nhân vật... Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng lại những hình tượng nhân vật của mình trong tính toàn vẹn nhất trước mắt người đọc. Thật vậy, từ thế giới nhân vật của mình, Nguyễn Ngọc Tư đã dễ dàng chuyển tải được toàn bộ những ý đồ nghệ thuật sâu xa của mình. Rõ ràng, những đoạn đã dẫn cho thấy nhà văn đã trần thuật lại câu chuyện bằng giọng điệu, nội tâm của nhân vật. Hình thức này khiến cho nhà văn có thể tái hiện tự nhiên dòng tâm tư của nhân vật mà còn khiến tác phẩm biến hóa, nhiều giọng điệu. Có thể nói, kế thừa truyền thống về quan niệm nghệ thuật về con người của các thế hệ đi trước, bằng sự trải nghiệm và sự sáng tạo của bản thân, Nguyễn Ngọc Tư đã đưa ra một “cái nhìn”, một cách “lí giải” về con người rất mới mẻ và độc đáo, đem đến cho người đọc một sự thích thú và ngày một yêu mến truyện ngắn của chị hơn. Đây chính là dấu ấn riêng trong “Cánh đồng bất tận”, góp phần làm nên phong cách truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.


                              MỤC LỤC
                                                                                                           Trang
ĐẶT VẤN  ĐỀ ………………………………………………………………
1.Đôi nét về tác giả Nguyễn Ngọc Tư………………………………………..
 2. Tóm tắt truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”………………………………...
3. Khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người ……………………………
3.1. Quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc lí giải, cảm
thụ của chủ thể………………………………………………………………...
3.2. Cơ sở lịch sử xã hội và văn hóa của quan niệm nghệ thuật về
con người ……………………………………………......................................
3.3 Ý nghĩa của quan niệm nghệ thuật về con người ………………………...
4. Những biểu hiện quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện
 ngắn “ Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư………………………
4.1. Đặt nhân vật trong các tình huống để các nhân vật tự bộc lộ bản           chất, tính cách của mình……………………………………………………
4.2. Quan niệm nghệ thuật về con người qua cách miêu tả ngoại hình
nhân vật………………………………………………………………..
 4.3.Quan niệm nghệ thuật về con người qua cách xây dựng lời đối
thoại  nhân vật.........................................................................................
4.4. Quan niệm nghệ thuật về con người qua cách thể hiện nội tâm
nhân vật......................................................................................................
KẾT LUẬN CHUNG…………………………………………………..
TÀI LIỆU THAM  KHẢO……………………………………




                          



                            TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                  Nguyễn Thị Dư Khánh,Thi pháp học và mấy vấn đề giảng dạy văn học trong nhà trường, Nxb Giáo dục,2009.
2.                 Lê Bá Hán- Trần Đình Sử- Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn  học, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010.
3.                  Đỗ Đức Hiểu- Nguyễn Huệ Chi- Trần Hữu Tá, Từ điển văn học bộ mới, Nxb Thế giới, 2004.
4.                 Nguyễn Thái Hòa, Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục,2000.
5.                 Trần Đình Sử, Giáo trình thi pháp học, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1993.
6.                 Trần Đình Sử, Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Bộ giáo dục và đào tạo- vụ giáo viên, Hà Nội, 1993.
7.                 Trần Đình Sử, Lý luận và phê bình văn học, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội,1996.
8.                 Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận- những truyện hay và mới nhất, Nxb Trẻ, 2006.


























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét