Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC

VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC
Đầu năm 1859 giặc pháp chiếm thành Gia Định. Nguyễn Tri Phương xây dựng công sự Đại Đồn phòng thủ. Đầu năm 1861 chúng tấn công Đại Đồn và tháng tư tỏa ra chiếm Tân An, Cần Giuộc, Gò Công,…Đêm 16 tháng 12 năm 1861, đúng rằm tháng 11 năm Tân Dậu, nghĩa quân tập kích đồn giặc ở Cần Giuộc . Quân ta tiêu diệt một số quan  quân của giặc và một tên tri huyện tay sai. Đỗ Quang, tuần phủ Gia Định, cho biết bên ta có 27 người hi sinh. Ông ra lệnh tổ chức lễ truy điệu và Nguyễn Đình Chiểu, bấy giờ đang ở quê vợ, xã Thanh Ba thuộc Cần Giuộc, được giao làm bài văn tế này. Bài văn có tiếng vang rất lớn trong nhân dân và lan truyền ra đến Huế. Nhiều nhà thơ xúc động sâu xa đã làm thơ ca ngợi như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và em gái là Mai Am nữ sĩ. Triều đình phải sai Bộ Lễ in truyền đi khắp nước. Đó là một sự kiện đặc biệt
Mở đầu nói ngay “ súng giặc” và “ lòng dân”. Giặc nổ súng vào nước nhà, nhưng khong thấy vua quan đâu, chỉ có lòng dân, và là nôn dân. Từ xưa họ vỡ đất, có chết đi nhưng tên tuổi hãy còn, ngày nay họ đánh Tây, thác rồi nhưng danh tiếng còn vang.
Kể cuộc đời thì bắt đầu theo tinh thần của công thức “ chẳng phải là..mà là…”. Họ chỉ là những nông dân quẩn quanh trong “ làng bộ” với “ ruộng trâu” với “ việc cuốc việc cày”, suốt đời “ coi cút” làm ăn mà không hết “ nghèo khó”. Họ nào biết chi đến việc “ súng” việc “cờ”. Giặc xâm phạm bờ cõi đã “ba năm”, giặc đến gần đã “ mươi tháng”. Việc dẹp giặc là của quan quân nhưng trông quan “ như trời hạn trông mưa” mà nào có thấy. chỉ thấy giặc nghênh ngang nên nổi giận muốn “ăn gan, cắn cổ”. Nhất định không để cho lũ cướp nước, bán nước lừa bịp, mưu toan.Cho nên tự mình đứng lên chống giặc, làm cái việc tày trời như “đoạn kình,bộ hổ”. Nghĩa là họ chẳng phải là lính mà là chỉ là dân cày chỉ biết lo làm ăn cực khổ. Họ chẳng phai là kẻ  đầu tiên có trách nhiệm đánh giặc, mà là kẻ trông chờ ở quan quân trước đã. Ấy vậy mafhoj yêu nước căm thù giặc cao độ , họ nhất định giành lấy trách nhiệm bảo vệ đất nước, nhận chịu lấy việc khó khăn. Do đó, họ lớn lên, họ được đề cao lên tột đỉnh của vũ đài lịch sử,trong khi bọn ngừi của chính quyền phong kiến ăn cơm mặc áo của dân thì bé hẳn lại, mờ hẳn đi.
Phần thương tiếc bắt đầu là một đoạn nói là “thương thay”,kì thực là ca ngợi hết tinh thần gan dạ và hành động chiến đấu anh dũng vô song của họ, rồi sau mới tiếp theo một đoạn thực sự là thương xót khi họ phải hi sinh.
Làm sao không thương? Một bên là “ cơ vệ, ở lính diễn binh, tập rèn, bày bố, mười tám ban võ nghệ, chín chục trận binh thư, bao tấu bầu ngòi”. Một bên là “dân ấp dân lân”, không đợi tập rèn, không chờ bày bố, áo vải, tầm vông. Nghĩa là một bên là chính quy, có tổ chức, có trang bị, luyện tập, còn một bên thì ô hợp, vẫn là dân cày, không thoát li điều kiện dân cày. Chỉ khác một điều là dân cày thì “mến nghĩa”, còn quan quân chính quy lại không. Khác có một điều nhưng khác cả trời vực. Đó là cái nghĩa vị quốc vong thân, cái nghĩa dám đánh, giặc mạnh bao nhiêu cũng đánh vì vì không đánh không được. Kẻ nắm cái nghĩa ấy, dám đánh, dám hi sinh thì chỉ có tay không, còn kẻ cầm súng, cầm gươm thì lại lủi đâu mất tan mất biến. Có giận không?Có thương không? Càng giận kẻ ươn hèn càng thương người khí phách. Đó là tầng thương thứ nhất.
Có ai thấy gì trong cách nói: “Vốn chẳng phải quân cơ quân vệ” và “ chẳng qua là dân ấp dân lân”; hay “ nào đợi tập rèn”, “ không chơ bày bố”; đặc biêt: “ ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi”, “ trong tay cầm một ngọn tầm vong, chi nài sắm dao tu nó gõ”? Có phải có cái gì thương xót tội nghiệp không?
Vốn chẳng phải là lính mã tà là  nông dân, cái thế đòn bẩy ấu có nghĩa là: la lính thì nhiệm vụ là chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi cần, và dù có hi sinh, điều đó cũng đáng thương, nhưng là bình thường, hợp lí.Nhà nước đặt ra cơ vệ, trang bị súng gươm, luyện tập võ nghệ, binh thư là nhằm vào việc đó. Nay họ không phải là lính, tức là bao nhiêu thứ liên quan đến lính không dính dáng gì đến họ- cố nhiên ta hiểu điều này trong văn cảnh cụ thể này: ở lính cũng không. Họ chẳng qua là dân ấp dân lân- nghĩa là có chuyện gì bất thường, bất đắc dĩ ở đây. Đúng như vậy. Nếu nói họ là dân ấp dân lân thì thân phận ấy là đúng chỗ với họ rồi: cuộc đời chỉ là ruộng trâu, bừa cấy, cui cút, toan lo. Đây họ không còn ở thân phận ấy, họ đã buộc đổi sang một lốt khác rồi, và tuy họ tự nguyện hoàn toàn, nhưng không sao không thấy một khía cạnh vạn bất đắc dĩ trong đó: họ phải chiến đấu, nhưng họ vẫn là người nông dân, họ không hề được trang bị một chút gì như lính. Vẫn là nông dân nên “ngoài cật” chỉ “một manh áo vải”. áo vải đã nghèo, mà chỉ một manh, nghĩa là một cái áo tồi tàn, cũng có thể chỉ còn một manh chứ không đủ lành lặn. Không hề được trang bị chút gì, cho nên họ chỉ có “ngọn tầm vông”, “ rơm con cúi” và “lưỡi dao phay”. Nghĩa là những thứ họ quơ quào trong nhà, trong vườn. Vũ khí đấy ư? Đem những cái đó mà địch với súng ống tàu bè của giặc , cái anh hùng sẽ nói sau, nhưng trước tiên là phải thấy đau lòng xót ruột chứ! Lại “ nào đợi tập rèn”, “nào đợi mang”, “chi nài sắm”; đó là sự nóng lòng chiến đấu, đó là khí phách, nhưng làm sao không thấy mủi lòng khi đoàn người ra trận mà chẳng được luyện tập, trang bị gì! Đó là tầng thương thứ hai.
Vậy họ vào trận xử sự như thế nào?
Họ chẳng được trang bị hỏa mai, chỉ có rơm con cúi mà họ cũng đốt xong nhà dạy đạo được giặc dựng lên, họ chẳng được trang bị gươm đao, chỉ có lưỡi dao phay mà họ cũng chém rót đầu quan hai quân giặc. Họ chẳng cần có người chỉ huy theo theo hiệu trống hiệu chiêng mà họ cũng “đạp rào lướt tới”, xô cửa xông vào”. Họ xông xáo, tung hoành, “đâm ngang”, “chém ngược”, “hè trước, ó sau”, ‘trối kệ” hiểm nguy, chết chóc.
Cũng cái thế đòn bẫy như ở trên. Lấy cái kém cỏi của trang bị chỉ huy, mà bẫy cái dũng cảm chiến đấu, cái hiệu quả chiến thắng lên cao. Vẫn tăng cái phần thương cảm như trên kia mà chủ yếu vẽ ra bức tranh hoành tráng của cuộc chiến đấu với bóng hình lồng lộng của người nông dân lâm thời chiến sĩ.
Về đại thể, người viết cũng chưa thoát ly hẳn khuôn khổ của phương pháp sáng tác truyền thống, nhưng trong cảm quan nghệ thuật đã có bắt đầu đổi khác. Ngòi bút không phút nào rời bỏ hiện thực khách quan,mà chăm chú ghi bắt những chi tiết sự việc, người, vạt chân thật, có giá trị hiện thực và có sắc thái khuynh hướng hẳn hoi. Không khí hào hùng vì thế rất gần gũi viws cuộc sông thực, với mọi người.
Trên kia có nói “con cúi”, “dao phay” để nói trang bị kém cỏi. Nhưng đó mới là cách nhìn sự vật trong thế tĩnh.Vào trận, “con cúi” ấy vẫn “đốt” cháy cơ quan của giặc, “lưỡi dao phay” ấy vẫn “chém rớt” đầu chỉ huy giặc.
Thử nghĩ xem. Rơm cơm cúi là cái gì? Nông dân ta đi ra đồng làm lụng, xa xóm làng. Thời xưa chưa có hộp diêm, bật lửa. Người ta lấy rơm tết lại thành hình một con cúi- như con cúi bông để kéo ra sợi vải- châm lửa vào vào và mang theo. Con cúi tết chặt, lửa cháy rất chậm, âm ỉ, đem để ở đầu bờ. Nghỉ tay hút thuốc, nhóm lửa nấu miếng nước, có khi luộc củ khoai, và trời rét hơ tay cho ấm, đều dùng đến nguồn lửa đó. Còn lưỡi dao phay? Dụng cụ ở nhà bếp, trong gia đình, thường là để làm cá, mổ gà,…Trong bài văn, cả hai dụng cụ này đều dùng với ý nghĩa xác định chứ không phải dụng ý tượng trưng. Đem con cúi đi là định đốt nhà thật, xách dao phay là thay gươm thật. Đó tuyệt đối là không phải vũ khí đánh giặc, đó là những dụng cụ bình thường, dùng vào những việc bình thường của cuộc sống, hiền lành, giản dị. Ấy mà lâm sự, nó biến thành vũ khí, giết giặc và lập được công lao. Cái gì đã xảy ra? Có phải có cái gì vĩ đại đã nhập vào cái bình thường? Con cúi rơm đầu hiên, cái dao phay mà đã hóa thân thành vũ khí giết giặc, đã nhuốm chất anh hùng, song song với người nghĩa quân nông dân, cũng hiền lành, giản dị, cũng chỉ biết cày cấy làm ăn, chân lấm tay bùn, suốt đời lo toan, cui cút,vậy mà khi lòng nghĩa cháy  lên, căm thù quân giặc, túc giận vua quan, cấp thời cũng hóa thân thành chiến sĩ cứu nước, hóa thân thành anh hùng.
Có gì phản phất nư câu chuyện người anh hùng làng gióng. Đang là đứa trẻ chỉ biết nằm, mà nghe tin cứu nước là vùng dậy, và câu mở miệng đầu tiên là xin đi đánh giặc. Rồi vụt lón thành tráng sĩ, mặc giáp, cầm gậy sắt, lên ngựa, phi thẳng đến trận giặc, ngựa thét ra lửa, gậy sắt múa như mây, đánh tan quân giặc… Thì người nghĩa quân nông dân Cần Giuộc cũng tung hoành, xông xáo, “ coi giặc cũng như không”, “liều mình” bất kể. làm cho quân giặc “kinh hồn”,mặc kệ súng to tàu lớn của chúng. Hình bóng họ làm chủ chiến trường, nổi lên nền trời.kín lấp cả không gian, lồng lộng như một tượng thần kì vĩ, “ một tượng thần anh hùng ca”.
Lời văn cũng rắn rỏi, mãnh liệt. Toàn là hành động thể hiện bằng những động từ và nhóm động từ chỉ động tác mạnh, sắc: “cũng đốt xong”, “cũng chém rớt”, “đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không”, “xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”, “đâm ngang”, “chém ngược”, “hè trước”, “ó sau”…có cảm tưởng chỉ một mình nghĩa quân là chủ tình hình, trùm lên hết thảy, áp đảo tất cả, trong khi đó lũ giặc dường như bé nhỏ, thấp thỏi lại , bị coi khinh, xem rẻ: nhà dạy đạo thì bị đốt, quan hai thì bị mất đầu, mã tà ma ní thì bị hồn kinh…thậm chí “đạn nhỏ đạn to”, “tàu thiếc tàu đồng” của chúng súng nổ cũng như bé đi, thảm đi, không có hiệu lực.
Âm điệu cũng dồn dập, sôi sục. Đối giữa hai vế trong câu, đối trong từng vế, đối bổ sung, nhấn mạnh, khắc sâu. Hai vế đôi nhau: “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi” đối với “gươm đeo dùng  bằng lưỡi dao phay”. Trong một vế vẫn có đối: “kẻ đâm ngang” đối vói “người chém ngược”: “bọn hè trước” đối với “lũ ó sau”,…Tất cả hợp thành một âm điệu chiến trận, chiến trận mà tập kích, tập kích của dân quân chưa tổ chức, ít huấn luyện, tác chiến thì chưa có kỉ luật chặt chẽ, hơi ô hợp, nhưng khí thế thì ngùn ngụt, ngất trời, hành động thì hiên ngang, oanh liệt, anh dũng vô song, một âm điệu xô bồ, ồ ạt, như bốc như cuốn, mãnh liệt như sóng thần, nước lũ; một âm điệu kì lạ, lấn lướt, áp đảo, một thứ “tiếng hát át tiếng bơm”, cái dao phay mà lấn lướt cả tàu thiết tàu đồng, tiếng hè tiếng ó mà đè bẹp cả tiếng đạn nhr đạn to.
Thật là một thiên anh hùng ca tuyệt diệu.
Nhưng đến câu: “Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ” thì âm điệu đổi hẳn. Từ khí thế chiến trận bừng bừng chuyển sang một giọng điệu tỉ tê, xót thương, buồn lặng. Trong dòng tình cảm dường như có gì hụt hẫng. Tưởng chừng con người đương hăng say chiến đấu  bỗng dưng sựng lại, buông gươm và quỵ xuống.
Xót thương từ đó. Trên kia đã hai tầng thương, nhưng là thương mà rồi mừng vui cho khí phách hào hùng. Còn đây là thương rơi nước mắt, thương cho cái chết. Nghĩa quân bỏ mình những hai mươi bảy người, đâu có ít. Một sự cố lớn. Ngày xưa còn tin điều lành dữ, thì đó là một điều dữ lớn. Trời đất không thể không ảnh hưởng. Đại cáo Bình Ngô còn nói đến “ánh nhật nguyệt phải mờ, gió mây biến sắc”. Đây không  đến thế, nhưng suốt dải “sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm” đều ủ màu, sầu thảm. Tại sao lại chỉ có cỏ cây trên sông Cần Giuộc? Cỏ cây nơi nào nhìn đến cũng  sầu thảm một màu, nhưng đây  mới đoái dòng sông ấy thì mới thấy cảnh sắc ảm đạm màu tang ở đó. Ở đó nhưng cũng là mọi nơi. Còn con người làm sao khỏi đau đớn trong lòng. “ Nhìn chợ Trường Bình” thì biết. Người đi chợ là lo mua bán, tíu tít, ồn ào. Chợ đâu phải chỗ để lắng người thương tủi! Ấy mà “già trẻ” đều “hai hàng lụy nhỏ”. Không phân biệt nam nữ, có bà con hay không bà con với người mất. Người chết vì nước non, vì đồng bào, thì làm sao không xúc động đến đồng bào, non nước.
Đó mới là sự xúc động ban đầu khi nghe tin. Lùi lại một quãng, khi sự xúc cảm đối với buổi đầu đã lắng xuống, đã nguôi qua, thì người mất đi là để lại một chỗ trống: trống trong trời đất, trống trong lòng người.
Chùa Tôn Thạnh, nơi đêm nọ nghĩa quân tập hợp, tưng bừng, nay suốt “năm canh” chỉ còn cửa đóng then cài, lạnh tanh lặng ngắt. Niềm hăng hái vì nghĩa lớn nước nhà của họ mà cảnh chùa đã chứng kiến, nay còn đâu, có lẽ chỉ còn gởi lại nơi “bóng trăng rằm” trắng trong, quạnh quẽ. Còn cái đồn Lang sa kia, trên bờ sông đó, mối hờn, nỗi giận của mọi người, nó hãy còn cắm chặt mũi dao vào lòng đất và lòng người; cho nên càng thương càng “tủi” cho số “phận” của người đã qua sao quá mong manh, vội “ trôi theo dòng nước đỏ”, một qua không trở lại. Còn trong lòng, chỗ trống trong “lều” trở nên quạnh vắng, lấy chi bù đắp, chỗ trống trong lòng “mẹ già khóc trẻ” thấm vẻ hắt hiu, khiến “ngọn đèn khuya” thêm chập chờn “leo lét”. Người chồng mất đi, thân thể, cuộc đời người vợ dường như gãy đứt đi một nửa, vợ “chạy tìm chồng” ở chỗ trống không, đêm đêm, ngày ngày, vô định, “dật dờ” như “cơn bóng xế” trước ngõ, xiêu đổ, ngả nghiêng. “Đau đớn”, “não nừng” biết bao nhiêu!
Hai câu: “Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ” và; “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm; đồn Lang sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ” còn một cái gì thống thiết khó tả.
Giả sử ta bỏ đi tất cả những tên riêng: sông Cần Giuộc, chợ Trường Bình, cùa Tôn Thanh, mà thay vào đó những tên chung , cũng là cảnh vật, công trình, nhưng trừu tượng, khái quát , chẳng hạn: “Đoái sông Cần Giuộc” đổi thành “Đoái dòng sông nọ”, “nhìn chợ Trường Bình” đổi sang “ Nhìn khóm làng kia” thì âm điệu  vẫn không đổi, ý văn cũng khác là bao, thế mà nghe nhạt nhẽo hẳn ra, câu văn nghiêng đổ hẳn: “Đoái dòng sông nọ” thì làm sao có thể “cỏ cây mấy dặm sầu giăng”? “Nhìn khóm làng kia” thì cách nào  còn có thể “ già trẻ hai hàng lụy nhỏ”? Ấy vì đâu phải đó là những địa danh vu vơ, xa lạ, mà là những nơi tiêu biểu  cho non sông đất nước trong phạm vi địa phương này, đất đã thấm mồ hôi của tổ tiên bao đời ở đây để thành sông thành chợ, trời đã rám nắng làn da của con người làm nên chùa nên ruộng, đã treo mảnh trăng trong mát cho trai gái thành vợ thành chồng, đó là những nơi dính liền với con người như núm ruột. Đây lại chuyện thật vừa mới xảy ra trên đất này. Chuyện thật, đất đai thật, con người thật, xót thương thật. Cho nên không thể không nêu ra, và động đến là rung lên cả một thế giới tình cảm. Con người Cần Giuộc uống nước sông Cần Giuộc- vùng này mùa mưa nước sông mới không mặn- đánh giặc để giữ xóm làng Cần Giuộc, bảo vệ trẻ già Cần Giuộc, ngã xuống cũng nằm trên đất Cần Giuộc, cho nên cỏ cây Cần Giuộc phải ủ ê, và già trẻ Cần Giuộc mới thương mà rơi nước mắt, chùa Cần Giuộc mới đóng lạnh đêm đêm và trăn. Đó là điều rất thật trong lòng người và rất thật trong văn chương.
Thương người mất, thương cả người còn.
Cho nên phải vỗ về, an ủi, vỗ về người mất, an ủi người còn. Mồ cha quân cướp nước! Người ta sinh ra trên đất này, “tấc đất ngọn rau” đều của đất nước này, mà “miếng cơm manh áo” cũng đều đổ mồ hôi trên đất nước này mới có, sang hèn, đói no, mặc người ta với đất nước này, “mắc mớ chi ông cha nó” mà nó đến đây đòi nọ đòi kia, giết người cướp đất, làm cho “quan quân khó nhọc, đồn lũy tan tành”? Gieo rắc “ tả đạo”, mua chuộc “mã tà” để từ chối tổ tông, giết hại đồng bào?
Hai lần lặp lại “vì ai” (vì ai khiến, vì ai xui) như trút hết căm hờn, tội lỗi lên đầu quân cướp nước. Hai lần đồ đi đồ lại “sống làm chi” (sống làm chi theo quân tả đạo…., sống làm chi ở lính mã tà…), hai lần đệm tới đệm lui “lại thêm buồn, càng thêm hổ”, rồi một lần “rất khổ”. Cũng là vỗ về người đã khuất, an ủi người còn, nhẹ nhàng nhưng thấm thía như bàn tay mẹ vỗ vỗ ấp yêu, cùng với lời ru âm điệu đều đều, trùng điệp: sống mà phải như vậy, phải từ bỏ cha ông, phải làm tay sai cho giặc thì sống làm chi. Tà chết mà chống giặc, mà về với cha ông, thì còn vinh, còn hơn. Đối lập với cái chết đã xảy ra với cái sống rồi sẽ đến, với giọng điệu đồng tình, thương tiếc, tuy cũng không vượt qua ý thức tôn quân và nhận định xô bồ về người theo đạo, nhưng cũng đã bộc lộ được tất cả những gì đúng đắn trong cái nhìn đối với cái chết.
Chết như vậy,tiết” nghĩa “nghìn năm” rạng “rỡ”, nợ nước coi như trả xọng, đình miếu phụng thờ, tiếng thơm muôn thuở. Tiếc là sự nghiệp chửa thành…giặc còn đó, ai người đuổi giặc cứu dân? Vậy hồn linh xin tiếp giúp nghĩa quân, ơn đức sẽ được đền đáp.
Nghĩa là : họ chết chẳng phải là hết mà là còn, còn tiết nghĩa, còn tiếng thơm, còn “theo giúp cơ binh” còn để ơn cho con cháu, còn để nhớ để thương chẳng bao giờ dứt
Bài văn tế này chắc là ra đời sau bài Chạy giặc nhưng lại là tác phẩm lớn đầu tiên của Nguyễn Đình Chiểu mở đầu hco dòng văn thơ yêu nước trong thời kì mới.
Người ta nói nhiều về hình tượng người nghĩa sĩ là nông dân trong bài văn và người ta ca ngợi hết lời và rất chính đáng. Người ta cho đó là một thành công nghệ thuật xuất sắc, rằng tác giả, lần đầu tiên trong lịch sử văn học và lịch sử tư tưởng dân tộc, đã đề cập trực tiếp, đích danh, chứ không qua một cái tên tượng trưng, không xác định nào, đến người nông dân chân lắm tay bùn và đưa họ từ chỗ vô danh tiểu tốt lên thẳng vinh vang của vũ đài lịch sử, thành nhân vật trung tâm của cuộc chống giặc cứu nước của lịch sử. tác giả đã phát hiện ở hành động của họ tinh thần, khí phách muôn xưa của dân tộc, và cao cả hơn nữa, những tư tưởng có tính chất chiến lược chiến thuật trong truyền thống giữ nước của tổ tiên, đặc biệt của tổ tiên, đặc biệt của các đời Lí, Trần, Lê sơ, điều mà triều đinh đương quyền không còn giữ chút kí ức nào, điều mà mãi đến đến tám mươi năm sau, mới có Đảng của giai cấp công nhân khôi phục và nâng lên. Người ta muốn coi bài văn như một cái bia, một cái mốc, một tượng đài vinh dự cho người nông dân, cho nhân dân lao động muôn thuở sáng ngời.
Bên cạnh những tư tưởng vượt lên trên thời đại như vậy, người ta không thể quên tấm lòng thiết tha, đằm thắm của tác giả và từ tấm lòng thiết tha đằm thắm ấy, tác giả đã đi tới một nghệ thuật vững vàng về truyền thống và mạnh dạn ở cách tân. Do đó, bài văn tuy dùng  hình thức cũ, tuy nội dung đây đó vẫn có hạn chế nhất định, nhưng đã tràn đầy một sức mạnh mới, toát ra từ hình tượng ngôn ngữ, từ nhịp điệu câu văn, từ những đỉnh cao của tư tưởng, tư tưởng chính trị, tư tưởng nhân sinh, từ những chiều sâu của cảm xúc, trong cảnh vật, trong lòng người, trước mắt và mai sau, Đó là một sức mạnh diệu kì, có khả năng làm rơi nước mắt, mà cũng có khả năng làm cho người ta sảng khoái nở gan nở ruột, có lúc làm cho người ta khoa chân múa tay, mà cũng có lúc khiến người ta trầm ngâm suy nghĩ, về một bài học vinh nhục ở đơi, về một lí tưởng vì nước vì dân.
Người ta cũng muốn coi bài văn này như một cái bia, một cái mốc trong lịch sử văn thơ yêu nước và trong lịch sử văn học. Thực tế nó là một bài văn nhỏ nhưng đã là một công trình lớn, rất lớn.
*(Chú thích) Bài văn tế được xây dựng từ việc thật người thật, cho nên cảnh vật , đât đai trong đó càng có ý nghĩa. Trước Cách mạng tháng Tám, Cần Giuộc là một quận thuộc tỉnh Chợ Lớn. Nay nó là một huyện của tỉnh Long An, nằm phía tây nam thành phố Hồ Chí Minh. Huyện lị cách trung tâm thành phố trên 40 km và cũng gọi là Cần Giuộc. Chính ở đây đã xảy ra trận đánh Pháp nói trên. Quân Pháp đóng trong huyện đường, chỗ đó bây giờ là trụ sở của huyện ủy, nhưng bấy giờ gọi đó là đồn Lang sa. Nơi ấy cách dòng sông Cần Giuộc chỉ độ hơn trăm thước. Phía bắc đồn, cách vài trăm thước là chợ Trường Bình, nơi huyện lị đóng, nay đổi là chợ Cần Giuộc. Chợ sát ngay bờ sông, ghe thuyền ghé vào bến là tới chợ. Cách huyện lị 2 km về phia nam, gần bên đường cái từ Cần Giuộc đi Tân An là chùa Tông Thạnh. Đọc đúng âm là Tông. Dân gian quen gọi là chùa Ông Ngộ và ngày xưa gọi là chùa Lão Ngộ, do tên người đứng ra lập chùa  mà sự tích này còn ghi lại trong đó. Nhân dân kể rằng, đúng đêm rằm tháng 11 năm ấy, nghĩa quân tập hợp ở chùa này rồi mới  kéo lên huyện đánh vào đồn giặc Pháp. Rằm tháng 11 năm ấy cũng là ngày 16- 12- 1861. Trước đó, ngày 10- 12- 1861 đã xảy ra trận Nguyễn Trung Trực diệt tàu Etxperang (Hi vọng) của địch trên sông Nhật Tảo cách Cần Giuộc không xa trong chiến dịch nghĩa quân Trương Định chủ trương tấn công Pháp nhiều nơi. Tiếng vang chiến công thần kì ấy chắc 6 ngày đủ đến tai cụ Đồ và không sao không nhập vào khí phách bài văn tế này.

Theo Lê Trí Viễn, Nguyễn Đình Chiểu- ngôi sao càng nhìn càng sáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét