Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

PHONG CÁCH ĐIỀN VIÊN SƠN THỦY TRONG MỘT SỐ BÀI THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM

            Bất mãn trước thời cuộc, nhà Nho trả ấn trở về với cuộc sống đời thường thì không một triều đại nào không có. Thế kỷ XVI có một người buộc phải chọn đi con đường mà ở thế kỷ trước Nguyễn Trãi đã đi, đó chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cũng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng yêu thích cuộc sống thanh cao, ghét thói đời ô trọc và tìm thấy sự hòa đồng với thiên nhiên, tìm niềm vui, bầu bạn cùng cỏ hoa mây núi. Ông về làng Trung Am, lập am Bạch Vân và chọn tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Cũng từ khi ấy, ông mở trường dạy học bên cạnh sông Hàn chảy qua làng. Sông Hàn có tên là Tuyết Giang nên học trò tôn xưng ông là Tuyết Giang phu tử.
          Sống ẩn dật và làm thơ miêu tả cuộc sống ẩn dật là cách để ẩn sĩ giãy bày. Họ làm thơ không phải vì mong cho thơ mình được “để đời”. Họ làm thơ cốt là để giãi bày như có lần cụ Bạch Vân tâm sự: “Tôi lúc nhỏ chịu sự dạy dỗ của gia đình, lớn lên bước vào giới sĩ phu, lúc về già chí thích nhàn dật, lấy cảnh núi non sông nước làm vui, rất là vụng về trong nghề thơ. Tuy nhiên, cái bệnh yêu thơ lâu ngày tích lại chưa chữa được khỏi vậy, mỗi khi được thư thả lại dậy hứng mà ngâm vịnh, hoặc ca tụng cảnh đẹp đẽ của sơn thủy hoặc là tô vẽ nét thanh tú của hoa trúc, hoặc là tức cảnh mà ngụ ý, hoặc là tức sự mà tự thuật, thảy thảy đều ghi lại thành thơ” [39; 263]. Chính “cái bệnh yêu thơ” đã làm cho thơ ông sống với cuộc đời, trong đó có những bài thơ Nôm Đường luật về cảnh điền viên sơn thủy.
          Thiên nhiên trong thơ điền viên sơn thủy Nguyễn Bỉnh Khiêm không xa lạ, rất quen thuộc với hình ảnh cỏ cây xanh tốt, ánh trăng soi mặt nước, mặt trời chiều, làn khói biếc, … với âm thanh: tiếng chim hót, đàn suối ngân, sắc hoa rơi rụng, … Có điều, nhà thơ đã phát hiện ở những hình ảnh, âm thanh tưởng chừng quen thuộc đến bình thường ấy một sự tinh tế đến thú vị:
Thu êm, cửa trúc hồng vân phủ,
Xuân tĩnh, đường hoa tử cẩm phong.
                                                                 (Thơ Nôm, bài 52)
Nhìn sắc hoa leo trên vòm cổng, nhà thơ ngỡ như một ánh mây hồng nhẹ nhàng bao phủ. Trên con đường đầy hoa rơi rụng, tác giả ví như gấm tía bao phủ.
          Thiên nhiên qua ánh mắt khỏe khoắn của nhà thơ luôn tươi sáng, đầy sức sống, mang đến hứng thú tràn đầy cho tác giả:
Hương tiệc khách, hoa khi rụng,
Hứng dẫy vườn xuân, chim thuở kêu.
                                                                 (Thơ Nôm, bài 37)
Nơi làng quê thanh tĩnh, trong am vắng, qua ô cửa nhỏ nhìn bóng cây rung động, nghiêng ngả cũng gợi nhiều cảm xúc cho nhà thơ. Niềm xúc cảm đó không gì khác ngoài tình yêu tha thiết với cảnh vật quanh mình. Khi thức, khi nằm cũng như lúc nghĩ suy, cảnh đẹp đầy hứng thú ở quê hương như vẫn còn in trong đầu óc tác giả. Cảnh đẹp đầy hứng thú ấy có thể chỉ là cảnh ruộng vườn đồng quê:
Ruộng năm, bảy khóm trồng cây lúa,
Tằm chín, mười nong để giống ngài.
                                                                 (Thơ Nôm, bài 121)
Đến đây, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm “đã xuất hiện một thứ thiên nhiên gần gũi, đời thường mang hơi thở của cuộc sống nhân dân” [77; 77]. Đây được coi là đóng góp mới của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong văn chương của nhà Nho ẩn dật.
          So với Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đi thêm một bước trong việc thể hiện rất thực những nét sinh hoạt đầy phong vị của quê hương đất nước qua việc miêu tả cuộc sống ẩn dật của mình cũng như những ẩn sĩ thời trước, ngày nhàn trong am quán, Tuyết Giang phu tử cũng “điểm sách trên yên”, đêm đến thì uống rượu, thưởng hoa, chờ trăng sáng. Bên cạnh những khoảnh khắc ấy, cụ lại trở về với công việc của đời thường, rất giản dị và thanh đạm. Giản dị và thanh đạm từ bữa ăn trong sinh hoạt thường nhật đến thú vui tiêu khiển:
- “Xôi măng trúc đắng thèm thay thịt,
Đắp áo sô to lạnh kẻ chiên.
                                                                 (Thơ Nôm, bài 19)
- “Thu ăn măng trúc đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.
                                                                 (Thơ Nôm, bài 73)
Với nhà thơ, mùa nào thì có thức ấy và mùa nào thì có thú ấy, tất cả đều có sẵn trong tự nhiên. Rồi nhà thơ miêu tả cái am nhỏ của mình, tả một cảnh sinh hoạt xung quanh nơi ông ở:
Bến nguyệt, thuyền kề hai bãi mía,
Am mây, cửa khép một cần pheo.
Cá tôm tối chác bên kia bến,
Củi đuốc ngày mua mé nọ đèo.
                                                                 (Thơ Nôm, bài 35)
          Nếu cảnh yên bình trong cuộc sống ẩn dật được thể hiện qua thơ điền viên sơn thủy của Nguyễn Trãi còn xa cảnh sống của người dân thì cảnh yên bình trong lối sống ẩn dật của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại gần với người dân lao động. Đọc thơ Nôm điền viên của Tuyết Giang phu tử, ta có thể phần nào hình dung được cuộc sống và sinh hoạt của người dân lúc bấy giờ: cũng ngôi nhà nhỏ có cánh cổng tre, cảnh mua bán – một biểu hiện của văn hóa, những món ăn dân dã, những vật dụng không cầu kỳ vì cuộc sống còn nhiều túng thiếu, … Thơ điền viên sơn thủy của Tuyết Giang phu tử thể hiện phong vị của quê hương đất nước là như thế.
          Cũng như Nguyễn Trãi, dẫu gắn với cuộc sống điền viên, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn cứ luôn mang nặng một nỗi lòng. Đó là điều làm cho thơ của hai ông không chỉ giàu về nội dung, hay về nghệ thuật mà còn sâu về tư tưởng.
          Về nghệ thuật, thơ Nôm Đường luật về cảnh nhàn dật của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hình thành được một số nét đặc sắc hơn so với thơ Nguyễn Trãi. Trước hết là bút pháp tả thực, nó đã hạn chế được lối miêu tả ước lệ, hoặc dùng nhiều điển cố, thành ngữ để miêu tả những sự vật cụ thể. Kế đến là ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ thơ ở ẩn của Bạch Vân trong sáng, dễ hiểu không quá nặng nề về mặt từ vựng cho người đọc. Song, vẫn có những câu thơ rất trữ tình với ngôn ngữ rất trau chuốt, chứng tỏ sự linh hoạt trong cách sử dụng ngôn ngữ. Hai phương diện nghệ thuật trên trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh dấu bước tiến mới của thơ Nôm Đường luật của tác giả so với thơ Nôm Nguyễn Trãi và thơ Nôm Hồng Đức.
          Hơn bốn mươi năm ở ẩn là quãng đời mà Nguyễn Bỉnh Khiêm được sống nhiều nhất, có ý nghĩa nhất. Không bàn về triết lí “nhàn” trong thơ ông ở đây. Điều mà chúng ta nhận ra được đó là cùng mảng thơ quy ẩn và cùng thể loại thơ diễn đạt nhưng ở những ẩn sĩ khác nhau, thời đại khác nhau, hoàn cảnh khác nhau thì nội dung và cách thức diễn đạt cũng sẽ có nhiều điểm khác nhau.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét