Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

ĐIỂM NHÌN VỀ CHIẾN TRANH TRONG NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH


ĐIỂM NHÌN VỀ CHIẾN TRANH TRONG NỖI BUỒN CHIẾN TRANH
CỦA BẢO NINH
1.        Lí do chọn đề tài
Chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 đã khép lại một trang sử hào hùng và cũng đầy đau thương của dân tộc. chiến tranh đã chấm dứt, cũng có nghĩa là mất mát, hi sinh đã chấm dứt, nhưng những tổn thương về tinh thần, ký ức về chiến tranh vẫn còn tồn tại dai dẳng trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Viết về hai cuộc kháng chiến của dân tộc là một cảm hứng lớn đồng thời cũng vừa là một trách nhiệm, một món nợ tinh thần đối với đồng đội, đồng chí đối với nhân dân của các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn đã trưởng thành trong những tháng năm lửa đạn đó. Viết làm sao, viết thế nào để xứng đáng với tầm vóc của cuộc kháng chiến, với những hi sinh, tổn thất lớn lao của hàng triệu chiến sĩ, đồng bào; viết làm sao để có thể phản ánh được chân thực và sâu sắc tâm hồn của con người Việt Nam thời chống Pháp, chống Mỹ, đó là những thử thách khắc nghiệt đối với các nhà văn. Đặc biệt là từ sau đổi mới (1986), đời sống văn học Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng trong nhận thức và tiếp nhận nghệ thuật. Việc phản ánh cuộc sống và con người trong văn học được suy ngẫm và phân tích một cách sâu sắc những đối cực giữa thiện và ác, cao cả và thấp hèn, chân thực, giả tạo… Từ góc độ khám phá hiện thực khác nhau, nhà văn đã cố gắng thể hiên số phận con người với những chiến công và chiến bại, những niềm vui lẫn day dứt đau thương, có khi rất riêng tư trong sâu thẳm của tâm hồn, có khi lại hòa đồng với những lo toan, trăn trở đi lên của dân tộc. Có thể xem tiểu thuyết  Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh một thành tựu đặc sắc của văn học thời kỳ đổi mới ở mảng đề tài viết về chiến tranh sau chiến tranh. 
            2. Vài nét về tác giả và tác phẩm
2.1. Tác giả
Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Ông vào bộ đội năm 1969. Thời chiến tranh, ông chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975, ông giải ngũ. Từ 1976-1981 học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984-1986 học khoá 2 Trường viết văn Nguyễn Du. Làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997.
2.2.           Tác phẩm
Năm 1991, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (in lần đầu năm 1987 tên là Thân phận của tình yêu) được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và đã được đón chào nồng nhiệt. Đó là câu chuyện một người lính tên Kiên, đan xen giữa hiện tại hậu chiến với hai luồng hồi ức về chiến tranh và về mối tình đầu với cô bạn học Phương. Khác với những tác phẩm trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, hùng tâm tráng chí của người lính chiến đấu vì vận mệnh đất nước, Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Nhà văn Nguyên Ngọc ca ngợi: "Về mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới".
Tuy nhiên, có lẽ vì viết quá thật, quá chân thành và quá nhiều cảm thông cho mọi mất mát trong chiến tranh, Nỗi buồn chiến tranh sau khi đạt giải thưởng Hội nhà văn năm 1991 đã bị cấm xuất bản một cách không chính thức tại Việt Nam trong một thời gian dài. Ngược lại, giá trị mà nó mang đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà, được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành một trong số ít ỏi các tiểu thuyết Việt Nam ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc thế giới. Trên một khía cạnh nhất định, Nỗi buồn chiến tranh cũng được xem là tiểu thuyết hay nhất của văn học Việt Nam thời kì hậu chiến.
Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh bởi Frank Palmos và Phan Thanh Hảo, xuất bản năm 1994 với nhan đề “The Sorrow of War”, được ca tụng rộng rãi, và một số nhà phê bình đánh giá là một trong những tiểu thuyết cảm động nhất viết về chiến tranh. Bản dịch này được photo bán rộng rãi cho du khách nước ngoài. Đây là một cuốn sách được đoc rộng rãi ở phương Tây, và là một cuốn sách nói về chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản ở đây. Một điều đáng khâm phục là Bảo Ninh đã trình bày quan điểm này mà không không hề lên án phía bên kia. Năm 2005, tác phẩm này được tái bản với nhan đề ban đầu là Thân phận tình yêu; năm 2006 tái bản với nhan đề đã trở thành nổi tiếng: Nỗi buồn chiến tranh
3. Điểm  nhìn về chiến tranh trong Nỗi buồn chiến tranh
3.1. Chiến tranh là phương tiện giết người một cáh dã man, tàn nhẫn nhất.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì điểm nhìn nghệ thuật là: “ Vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện ra cái nhìn nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu từ đổi thay điểm nhìn”. Có thể nói, đây có thể là tác phẩm của văn học Việt Nam khai thác chiến tranh dưới góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Nếu các tác phẩm ra đời trước Nỗi buồn chiến tranh được viết với góc độ của tập thể, cái riêng cũng đặt trong cái chung, hòa tan vào cái chung, ngùn ngụt ý chí cứu nước như Đất nước đứng lên, Người mẹ cầm súng... thì Bảo Ninh lại có cái nhìn sâu hơn về thân phận con người trải qua trận mạc, sự mất mát của các cá nhân trong thời chiến. Bảo Ninh thể hiện sự bi quan của cá nhân đối với cuộc chiến: Chiến tranh không chỉ có vinh quang, hay đấu tranh vì chính nghĩa - chiến tranh tóm gọn lại là sự chết chóc, sự hủy diệt. Và cho dù nhiều người trở về sau chiến tranh không hề bị thương tích song vết thương trong lòng họ lại vô cùng đau đớn và luôn rỉ máu. Họ, những con người đã đi qua chiến tranh, trở về với cuộc sống hòa bình nhưng dường như họ không còn là họ nữa. Chiến tranh đã lấy đi của họ sự bình yên trong tâm hồn…đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc. Đã đến lúc thế giới phải thức tỉnh trước nỗi đau mang tính phổ quát của những người lính ở mọi bên .  Bottom of Form
           
Chiến tranh đồng nhĩa với chết chóc, mất mát, đau thương. Chiến tranh đã cướp đi của con người tất cả: người thân, gia đình, tuổi trẻ,  tình yêu và cả nhân tính,..chiến tranh thật sự khốc liệt, nghiệt ngã và ê chề, những cảnh giết người một cách man rợ, có thể hèn, nhục… để được sống, tất cả điều đó được thể hiện trong Nỗi buồn chiến tranh. Và đến với Nỗi buồn chiến tranh đã nói hết, đã lột tả hết những điều tưởng chừng như không hề có, những điều mà văn học kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ (văn học cách mạng) không hề đề  cặp, hoặc nếu có cũng chút nào đó để nhường chỗ cho cái hào hùng,cái phơi phới trong tinh thần, trong tâm hồn của mỗi con người khi ta trận.
Chiến tranh là một đề tài không mới, nhưng cách nhìn, cách thể hiện của tác phẩm lại hòa toàn mới mẻ, thậm chí có thể gây “sốc” bơi tính chân thật của nó. Tác phẩm chân thật đến không ngờ. Người ta nói rẳng: “văn học trước hết và chủ yếu không phải là sự phản ánh cuộc sống mà là sự nhận thức, sự nghiền ngẫm về cuộc sống đó”. Nhưng để có thể nghiền ngẫm, trước hết tác giả phải trải nghiệm, khám phá, phát hiện thì mới có thể nhận thức từ đó mà phản ánh đúng đắn. “Một tác phẩm có giá trị phải là một tác phẩm vừa chân thực vừa phản ánh đúng đắn. Một tác phẩm có giá trị phải là một tác phẩm vừa chân thực vừa phản ánh đúng hiện thực, nhưng phải sáng tạo, bởi vì cái thật bao giờ cũng có sức quyến rũ” ( phát biểu của nhân vật Bảo Ninh).
Nỗi buồn chiến tranh đã đang chinh phục được người đọc là bởi giá trị của nó. Đó chính là giá trị hiện thực. Có thể  nói đây là tác phẩm cảm động nhất viết về chiến tranh. Tác phẩm đã pản ánh hiện thực của cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt. Nhận định chiến tranh dưới góc độ bi quan tàn nhẫn nhất : “Qua kinh nghiệm mười năm tàn sát, con người học được  những gì về lòng nhân ái ? Về tình người ? về nhân tính ? Những “xa xỉ phẩm” ấy hầu như đều vắng mặt trên thị trường xương máu”. Khi phải trực diện với cái chết, chỉ có một chân lí đáng giá và đáng kể : “miễn là không ngõm trong mùa khô”. Qua tác phẩm, Bảo Ninh đã tìm được một định nghĩa hoang mang và khốc liệt về chiến tranh: “ chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới sầu thảm, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”.
            Bối cảnh mở ra là một trận đánh mở màng vô cùng khốc liệt và bi thảm ở khu vực mà Kiên cùng đồng đội gọi đó là Truông Gọi Hồn (nơi những sườn dốc của dãy Trường Sơn ). Đó là một trong những nơi mà Kiên và những người đồng đội đã từng chiến đấu và đã nằm lại. Bức tranh hiện thực của cuộc chiến tranh hiện lên thật ngột ngạt và căng thẳng. Tác giả đã tái hiện một cách chân thực và sống động những trận càng quét dã man của kẻ thù “một trận đánh thật ghê rợn, độc ác, tàn bạo… mùa khô ấy, nắng to gió lớn, rừng bị ướt đẫm xăng đặc, cuồn cuộn lửa luyện ngục. Các đại đội đã tan tác, đang cố co cụm, lại bị đánh tan tác. Tất cả bị napan tróc khỏi công sự hóa cuồng, không lính, không quan gì nữa rùng rùng lao chạy trong lượt đạn dày đặc, chết dúi, ngã dịu trên biển lửa. Trên đầu trực thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy từng người một mà bắn. Máu xối xả, tung tóe ồng ộc, nhoen nhét, trên cái trảng cỏ hình thoi ở giữa truông, cái trảng mà nghe nói đến ngày nay vẫn chưa lại hồn để mộc lên nổi, thân thể dập vỡ, tanh banh, phùn phụt bì hơi nóng,..
-Thà chết không đầu hàng… Anh em, thà chết…!”
Tiểu đoàn trưởng gào to như điên tiết, mắt tái dại, đưa súng ngắn lên, và ngay trước mắt Kiên anh ta tự nộp vào đầu, phọt ra khỏi tai, Kiên liếu lưỡi, kêu ô ố trong họng. Bọn Mĩ xong tới, tiểu liên kẹp bên sườn. Đạn dày như đàn ong lửa. Kiên nấc to, buông súng ôm lấy một bên hong và quỵ ngã, thong thả lăn từng vòng, từng vòng xuống lòng suối cạn, máu nóng hổi rưới đẫm bờ dốc thoải”. Đó là một cảnh hiện lên qua kí ức đứt đoạn của Kiên. Những cái chết của Hòa, của An, của Oanh, Thịnh “con”…cứ ám ảnh Kiên một cách da diết.
Những cuộc chiến, những cái chết trong Nỗi buồn chiến tranh không phải miêu tả như những sự kiện, những chiến dịch , những trận đánh, mà nó hiện lên trong hồi ức của  người lính đã từng mười năm cầm súng, đã chứng kiến bao nhiêu cái chết và tự mình giết chết bao nhiêu mạng người. Bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, cuộc chiến đi qua rồi nhưng đẻ lại nỗi buồn vô tận, khôn nguôi.
Không những thế cái tàn bạo của một cuộc chiến hiện ra khi nó tước đi sinh mạng con người đúng nhưng kinh khủng hơn là việc nó không ngừng ám ảnh cả những kẻ sống sót, hoặc tưởng mình sống sót. Kiên là một ví dụ như thế. Khi chiến đấu, anh là một lính giỏi, có kỹ năng, có lòng can đảm. Anh chiến đấu với kẻ thù, với cái chết và trở về.. Nỗi buồn của Kiên còn về  một chuyện tình mãi mãi là sự day dứt trong thời bình. Kể cả khi chiến tranh đã qua đi thì nó vẫn để lại một vết sẹo xấu xí chẳng bao giờ có thể lành lặn lại được đối với một người như Kiên.
Một nhân vật khác, Vượng, anh lính lái xe giải ngũ cứ tưởng sẽ tiếp tục hành nghề lái xe để sống đời dân thường chẳng ngờ lại mắc chứng bệnh oái ăm. Vượng chịu được xóc nảy ổ gà, ổ voi khi lái xe trong chiến trường nhưng với những con đường “êm êm, nhũn nhũn” thời bình lại khiến anh nôn ọe, say xe...
Bằng giọng văn trôi chảy, đầy cảm xúc, day dứt và vô cùng cảm động ở những tình tiết nổi trội, Bảo Ninh đã không còn nhìn về cuộc chiến tranh Việt – Mỹ giới hạn trong góc nhìn của một người lính Bắc Việt nói riêng hay một người Việt Nam nói chung mà ông chọn cho mình một góc nhìn cơ bản nhất cũng là cao nhất: góc nhìn của một con người. Chính ông đã viết trong kiệt tác của mình :
“…Tên tuổi anh ta tôi không biết, chỉ biết anh ta là lính của liên đoàn 6 biệt động quân; Người Nam hay Bắc hay Trung cũng chả biết vì anh ta chỉ rên, rên thì dân xứ nào cũng một giọng như nhau. Và ta hay ngụy thì cũng rên như vậy…”. http://khoavanhoc-ussh.edu.vn/templates/rt_versatility4_j15/images/blank.gif
            Có thể nói Nỗi Buồn Chiến Tranh  còn là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh và chống chiến tranh vì  chiến tranh dưới những góc cạnh bi quan, tàn nhẫn nhất: qua kinh nghiệm mười năm tàn sát, con người học được những gì về lòng nhân ái? về tình người? về nhân tính?  Nhữngxa xỉ phẩm ấy, hầu hết đều đã vắng mặt trên thị trường xương máu. Khi phải trực diện với cái chết, chỉ có một chân lý đáng giá và đáng kể: "Miễn là không ngỏm trong mùa khô." . Bảo Ninh đã tìm được một định nghĩa hoang mang và khốc liệt về chiến tranh: "Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người."
            Còn hòa bình, hòa bình là gì? Dưới ngòi bút của Bảo Ninh, hòa bình cũng không vinh dự lắm:
 " - Hừ! Hòa bình! Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình, để chừa lại có chút xương. Mà những người được phân công nằm lại góc rừng le là những người đáng sống nhất."
            Nguyên Ngọc kể lại: "Bảo Ninh có lần tâm sự với tôi rằng anh viết vì câu hỏi: Vì sao anh lại còn sống sót đến hôm nay trong khi hàng trăm, hàng vạn bạn bè của anh cũng trẻ trung, cũng phơi phới, rất nhiều người còn đẹp đẽ hơn anh, tài năng hơn anh bội phần... lại đã mất đi? Câu hỏi dày vò anh đến trọn đời như một niềm ân hận vừa vô lý, vừa có thật không nguôi. Và câu hỏi thứ hai: Tại sao tất cả những điều ghê gớm ấy, bây giờ lại như thế này?"
            Tại sao tất cả những điều ghê gớm ấy chỉ đem lại một thực tại như thế này? Câu hỏi kinh hoàng về bản chất chiến tranh  và cuộc đời, khó giải đáp cho thế hệ Bảo Ninh và cả những thế hệ không có Bảo Ninh, không còn Bảo Ninh. Tiên tri của nhận thức, Phương đã có những hoài nghi rất sớm về bản chất cuộc đời: "Chiến tranh, hòa bình, vào đại học, đi bộ đội khác nhau lắm hay sao? Và thế nào là cuộc đời tốt, cuộc đời xấu? Tình nguyện đi vào bộ đội ở tuổi mười bảy thì cao thượng hơn vào đại học ở tuổi mười bảy hay sao?"
            Như bao nhiêu người khác, Kiên đã ra đi, đã tiêu tán cuộc đời cho chiến tranh, cho lý tưởng, để rồi trong một phút định thần ngoảnh lại, Kiên "đứng lặng ngắm toàn cảnh đời mình đang mất đi, đang trôi xa, đang vĩnh biệt chính mình." . Ðộc thoại trên đây nói lên một thực tại rớm máu: những nhỏ nhặt, tầm thường như ăn, ngủ, chơi, vui, buồn, đau, sầu, nhớ... của cuộc sống hàng ngày, một khi đã được những vinh hạnh to lớn như tổ quốc, lý tưởng... giẫm lên, dày xéo lâu lắt mà không thương tiếc thì không còn cách nào hồi sinh được nữa: con người đã tuyệt tự với cuộc đời. Chiến tranh đọa đày, chết chóc, thế giới hãi hùng hầu như là độc quyền của đàn ông: đàn ông gây nên chiến tranh và đàn ông hành động. Hành động nhưng không chủ động. Ðàn bà, xuất hiện không nhiều, nhưng nắm vai chủ động: họ là biểu tượng của tha nhân, của tình yêu và độ lượng. Từ Hạnh, người đã cho Kiên những rối loạn cảm giác đầu đời, đến Hòa, người giao liên đã hy sinh trên chiến trường để đồng đội được sống sót, rồi Hiền, người chiến binh tàn tật, đã sống vội vã với Kiên một đêm cuối cùng, dư âm muộn màng của những ngày giã từ cuộc chiến, đến người đàn bà câm, là hầm trú ẩn của Kiên trong những giây phút hoang mang,cô độc nhất của tâm hồn, thời hậu chiến.
            Và sau cùng và trên hết là Phương, người đàn bà hữu hình hay vô hình, đã vượt lên những chết chóc, tàn sát, đã tiếp máu, tiếp thở cho Kiên, đã lôi Kiên ra khỏi bàn tay thần chết và đã trói buộc Kiên mãi mãi với tình yêu. Những người phụ nữ đó không nắm vận mệnh một ai, họ là vận mệnh, họ là định mệnh. Kiên tin vào định mệnh. Cuộc đời Kiên và Phương, nếu không có đêm tiễn đưa trước khi Kiên lên đường, nếu Phương không dứt khoát, chủ động đưa Kiên một quãng thì có thể tất cả đã khác: Kiên đã không phải nhúng máu người quá sớm và những dã man của đời lính sau này cũng không thể hiện một cách lạnh lùng và nhẫn tâm đến thế. Từ đêm chia ly định mệnh ấy, Kiên mê lạc trong một lộ trình vạch sẵn, sáng suốt và khiếp đảm của chiến tranh: trong sự vắng mặt của nhân tính, chiến tranh có nghĩa là được phép giết người vì lý tưởng, giết người trong vinh quang, giết người để được vinh dự bảo vệ một cái gì cao cả.
            3.2. Bi kịch về thân phận con người  
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nó để lại biết bao nhiêu bi kịch cuộc đời. Mà trên hết là con người. Thân phận con người trong Nỗi buồn chiến tranh đã được nhìn, được thể hiện theo quan niệm mới. Con người và số phận của họ trong tiểu thuyết này bị chi phối bởi cuộc chiến tàn khốc. Đó là Kiên, Phương, là Can, là những cô gái, những người chiến sĩ đêm đêm tìm đến với nhau thầm lén. Ở họ luôn khao khát tự do, muốn được sống, được yêu và hạnh phúc.
Như chúng ta đã biết, văn học cách mạng trước hết là văn học dùng để cổ vũ, tuyên truyền để đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến của dân tộc. Vì vậy mà nhiệm vụ cơ bản của nhà văn là phải phản ánh chân thực, hùng hồn cuộc sống mới và con người mới, mà quan niệm phản ánh hiện thực theo phương châm này có hai diều đáng chú ý. Thứ nhất, hiện thực được giới hạn trong cuộc sống mới và và con người mới, nghĩa là không phải toàn bộ hiện thực mà đủ một mặt của nó. Nói cụ thể hơn, đó là cái phần cách mạng trong cuộc sống cũng như trong mỗi con người. Miêu tả cái phần ấy, lẽ dĩ nhiên là có ý cổ vũ, tuyên truyền. Thứ hai, trong phương châm phản ánh hiện thực này, cái được đưa lên hàng đầu là cuộc sống mới, sau đó mới đến con người mới. Chủ yếu hướng đến số phận của giai cấp và của dân tộc. Vấn đề con người và thân phận con người cá nhân không phải là trọng tâm và cấp bách. Nếu có chăng thì cũng là con người tập thể, con người giai cấp, con người như một bộ phận của cái chung. Nhưng ở đây tác giả của Nỗi buồn chiến tranh đã nhìn thấy, đã nhận thức toàn vẹn về con người. Nhà văn không theo lối mòn xưa cũ mà đã đi theo một hướng mới, khai thác triệt để những ngóc ngách trong tâm hồn con người, những trăn trở, những điều tốt đẹp và cũng xấu xa nhất ở con người thông qua Kiên và Phương và những người lính trong Nỗi buồn chiến tranh đặc biệt là Kiên.
Những năm tháng khốc liệt đã đi qua cuộc đời Kiên và Phương không chỉ tạo ra những bước ngoặt, những đổ vỡ trong đường đời của họ, mà còn gây nên những biến đổi trong thế giới tinh thần của cả hai. Kiên đã không còn nhìn cuộc sống, nhìn chiến tranh như những ngày lên đường nhập ngũ, trong anh thanh niên nhỏ bé thư sinh, mười bảy tuổi ấy tràn đầy niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai. Chia tay người yêu giữ gìn sự trong sáng cho người yêu ngày trở lại. Nhưng những năm tháng chiến tranh khốc liệt cướp dần sinh mạng những đồng đội của anh, mạng sống của Kiên cũng nhiều lần treo trên sợi tóc, chứng kiến đối mặt với nhiều sự thật phũ phàng do chiến tranh gây ra, Kiên dường như tuyệt vọng, như sống và chiến đấu vì bản năng nhiều hơn là vì lí tưởng. Ở trong anh cũng có lúc suy sụp tinh thần, cũng tìm quên bằng mọi cách, cũng sa đọa sống rồi để rồi mai có thể chết. Họ bài bạc thâu đêm, tìm quên thực tại bằng khói hồng ma.“ Thật hết sức đã. Chỉ sau vài hơi rất mạnh là đã lặng lẽ siêu lịm đi như như làn khói mong manh trước gió. Nhờ khói hồng ma mà người ta có thể tự chế ra các loại ảo giác tùy sở thích, có thể địn hướng được mộng mị và hòa trộn các giấc mơ vào nhau như thể pha cốc tai. Nhờ khói hồng ma mà quên mọi nông nỗi đời lính, quên đói khổ, chết chóc, quên bén ngày mai.Bản thân Kiên cứ

mỗi bận thưởng thức thứ bả độc này thì lại thêm được một lần nhập thân tràn ngập vào thế giới của những giấc mơ bí ẩn và tráng lệ mà lúc bình thường
tâm hồn chẳng thể với tới…Đồng đội của anh thì cũng mỗi người mỗi kiểu say sưa mơ màng trong khói hồng ma …”. Nhưng trong kiên cũng có những tâm trạng dằn xé đau xót, hổ thẹn, hối hận, ray rứt khi trở về với cô giao liên tên Hòa đã hi sinh thân mình để cứu anh và những thương binh. Kiên dằn vặt, đau đớn ân hận vì mình đã quá hèn.
Kiên trở về cuộc chiến tranh tàn khốc với tâm hồn méo mó đầy thương tật. Anh trở thành một nhà văn “ phường”, một anh “ khùng” như láng giềng vẫn gọi. Kiên mang trong lòng một cuộc chiến tranh cua riêng mình. Anh sống vói những hồi ức về những đồng đội kẻ còn sống, người đã chết, và những con ma hiện hình trong Truông Gọi Hồn ở Trường Sơn, về những cảnh chém giết đẫm máu, về lòng dũng cảm, sự hi sinh và sự đốn mạt của con người.
Ra khỏi cuộc chiến, Kiên trở thành “nhà văn cấp phường”, sống một thời hậu chiến đầy u buồn. Anh lao vào viết như một “Thiên mệnh” xa vời, tối tăm. Nhà văn của phường như người mộng du lang thang cả đêm khắp phố phường, đêm đêm viết hàng núi giấy. Những câu chữ xuất hiện trong “bóng đêm âm u” của tiềm thức, vô thức đã trở thành những hình tượng ảo giác trên trang bản thảo. Ngày kia anh đốt bản thảo tác phẩm của mình, bên người con gái câm,  một biểu tượng đẹp, một bản sao khác của Phương. Cô gái câm là người đọc có thể, người đọc tương lai tiểu thuyết của Kiên. Cô là người duy nhất chứng kiến một tiểu thuyết đang hình thành trong bóng đêm, trong cơn say, trong điên khùng và hoảng loạn, trong vô thức, tức là từ nỗi buồn tình yêu và nỗi buồn chiến tranh…
Một cái nhìn nhân đạo khácvề thân phận con người trong tác phẩm ở đây  là cái nhìn về nhân vật nữ. Trong tác phẩm đã có một số nhân vật nữ là những người phụ nữ đi qua cuộc đời Kiên. Trong tiểu thuyết, người phụ nữ là hiện thân của tình yêu - đối âm của chiến tranh. Tình yêu gắn liền với cái đẹp, với nhân tính là cái đối lập với bạo lực hủy diệt nhân tính. Nếu như chiến tranh đánh thức trong Kiên phần tàn tạo, biến anh thành một cỗ máy, "âm thầm và mệt mỏi" - nghĩa là vô cảm -  của sự giết chóc thì những người phụ nữ từ Hạnh cho đến Phương, đến người nữ y tá trong Điều trị 8 (một hóa thân của Phương) lại đánh thức trong anh tình yêu, một tình yêu mà cho đến tận cuối cuộc đời anh, vĩnh viễn không trọn vẹn. Những người phụ nữ hóa thân thành những tiếng gọi níu kéo Kiên không chỉ với cuộc sống và cả với cái thiện, nhân tính và tình người. Trong khoảnh khắc khi anh chuẩn bị thực hiện cuộc hành quyết những người lính đối phương, chính tiếng nói của Phương ("Anh sẽ giết nhiều người chứ ?" "Sẽ thành anh hùng chứ?") đã níu kéo anh ở lại ở phía bên này của cái thiện. Trong những khoảnh khắc tuyệt vọng của cuộc đời, người phụ nữ hiển hiện như nơi trú ẩn của cuộc đời anh (hiển hiện qua hình ảnh người thiếu phụ ở Đồi Mơ) và là ngọn nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong anh (Phương và người đàn bà câm). Có thể nói trong tiểu thuyết của Bảo Ninh, người phụ nữ là biểu tượng cho cái Đẹp và Nhân tính, những thứ có ý nghĩa với cuộc đời Kiên như một sự cứu rỗi trong một thế giới khủng khiếp của chiến tranh.
Trong ý nghĩa đó, hình tượng người phụ nữ trong Nỗi buồn chiến tranh có một sự đồng vọng với hệ thống hình tượng những người đồng đội đã chết của Kiên. Người phụ nữ không chỉ là ánh sáng cứu rỗi cuộc đời con người mà còn là nạn nhân của sự hủy diệt. Điều đó được biểu thị tập trung trong hình tượng Phương, người phụ nữ xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Đối với Kiên, Phương là người đánh thức tình yêu trong anh thời tuổi trẻ, là nguồn sức mạnh chập chờn trong quãng đời chiến trận của anh nhưng đồng thời, Phương cũng là một nạn nhân của chiến tranh, bị làm nhục ngay trong những giờ khắc khởi đầu của cuộc chiến và mối tình của họ mãi mãi là một mối tình đau khổ không thành với những vết thương không thể chữa lành trong cuộc sống thời bình. Cái chết của những người lính, sự tan vỡ của tình yêu và sự chà đạp nhân phẩm người phụ nữ là những mặt biểu hiện sức mạnh hủy diệt của chiến tranh, sức mạnh chà đạp lên đời sống con người  
Phương, một nhân vật rất đặc sắc tuy là nhân vật phụ nhưng lại có chỗ đứng chính trong truyện. Phương chinh phục con người bằng tình yêu và một mài sống bằng tình yêu. Phương là biểu tượng của tự do, thiết tha, duy cảm, sống hết mình như một con thiêu thân phung phí sức lực. Phương nghệ sĩ và đã tự giải thoát được mình ra khỏi mọi thành kiến, mọi lo âu ràng buộc, đã kệ là mặc kệ. Kiên hành động nhưng không mấy khi chủ động trong tình yêu (chủ động là Phương). Trong những giây phút khắt khe nhất của định mệnh, Phương sẵn sàng liều lĩnh đem sinh mệnh mình để đổi trao lấy một vài khắc giây cuồng điên hạnh phúc với người yêu. Vẫn kệ, vẫn mặc kệ đời, kệ, mặc kệ đạn bom và khói lửa. Nhưng thảm cảnh đêm chia ly cùng với những hẹp hòi u muội của Kiên sau đó đã gạt Phương ra khỏi quỹ đạo đời Kiên. Từ đấy, Phương đem tình yêu của mình chia chác cho những kẻ may mắn khác...tự huỷ diệt để được tái sinh.
Nhân vật Phương như một kiểu phản chiếu, thách thức đối với chiến tranh, với thời đại. Tình yêu của Kiên đối với Phương (về sau) có lẽ hàm ý tình yêu cuộc sống nhiều hơn là tình yêu nam nữ. Càng về sau khi Kiên nhận thức được càng nhiều (trong hành trình đi về quá khứ) thì tình yêu cuộc sống của Kiên càng lớn, dù cho cuộc sống đó có thể là chiến tranh, là những nỗi buồn, những khổ đau. Tiếng gọi cuối cùng giúp Kiên thoát khỏi cái chết trở về cuộc sốngnên là tiếng gọi từ khát vọng sống đang cháy ngấm ngầm trong Kiên. Hình ảnh Phương mang ý nghĩa tượng trưng hơn là một người con gái cụ thể. Vẻ đẹp hay ý nghĩa của câu chuyện không hẳn là ở Phương, không hẳn là những sự thật đau lòng của chiến tranh mà chính ở sự vật lộn, đấu tranh và trưởng thành của Kiên qua thời gian, qua mỗi lần nhìn lại quá khứ.  Mà không chỉ có nhân vật Phương, có thể thấy trong Nỗi buồn chiến tranh, cuộc chiến này cũng có khuôn mặt của phụ nữ, là một điều rất khác với các tiểu thuyết chiến tranh khác. Từ những cô gái giao liên bị biệt kích quân Việt Nam Cộng Hòa cưỡng hiếp và giết chết, người nữ thanh niên xung phong què cụt đi trên cùng chuyến tàu với Kiên, nữ cảnh sát chế độ Sài gòn- người giết chết đồng đội Kiên và bị Kiên giết. Đó cũng là nỗi đau thương của cuộc chiến tranh này khi những phụ nữ cũng phải tham dự trực tiếp và trở thành nạn nhân của nó.
Nhận thức về số phận con người gắn liền với hạnh phúc và đau khổ, dường như đó là tất cả những gì thực sự ý nghĩa trong cuộc đời con người. Văn học quan tâm đến hạnh phúc cũng như nỗi buồn của cá nhân con người là góp phần nâng cao giá trị của con người, bồi dưỡng nhân cách và hoàn thiện con người hơn.
Bảo Ninh viết về “nỗi buồn chiến tranh”, “nỗi buồn tình yêu”, về một thời đã qua không bao giờ trở lại. Đọc tác phẩm này chúng ta hiểu con người đau khổ, trăn trở, nhận thức như thế nào về quá khứ, về chiến tranh, về những gì được mất trong cuộc đời. Đó là một bước tiến trên con đường hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam - con đường đi tới diễn tả số phận tinh thần của con người, tăng thêm chiều sâu tư tưởng, nâng cao vai trò của chủ quan nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật.
Nỗi buồn chiến tranh đã làm cho bức chân dung về con người trong văn học những năm gần đây đầy đủ hơn bằng sự diễn tả quá trình tự ý thức của con người về lịch sử, về số phận bằng việc thêm vào đó nỗi đau tinh thần, khát khao đến vô vọng về hạnh phúc và sự day dứt, trăn trở không nguôi về quá khứ. Vả lại, bản chất của văn chương là nỗi đau đời, là sự nuối tiếc không nguôi về thời gian, về thân phận, về những gì không lặp lại.
            Trong ý nghĩa đó, cùng với cách viết văn tỉnh táo, giàu chất suy nghĩ, say đắm chất trữ tình, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh xứng đáng là “thành tựu rực rỡ nhất của văn học thời đổi mới” (Nguyên Ngọc), chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian.
             3.3. Bi kịch tình yêu trong Nỗi buồn chiến tranh
Trong Nỗi buồn chiến tranh  còn nói đến một vấn đề khác đó là bi kịch về tình yêu của con người trong thời chiến lẫn trong thời bình. Trong tác phẩm ta thấy những bấn loạn, rối ren đeo đẳng tâm hồn Kiên và cao hơn cả là kí ức về một tình yêu thánh thiện , đẹp đẽ, vừa cay đắng, nghiệt ngã- cái mối tình đầu say đắm và trong trắng đã vỡ tan ngay từ khi va vào cuộc chiến. Cái lần chia tay định mệnh ấy đã đẩy Kiên và Phương ra hai hướng ngày càng xa nhau: mang trong lòng nỗi đau mất mát nhưng hơn hết vẫn là tình yêu say đắm của anh giành cho Phương – cô bạn gái mà anh tôn kính, yêu mến và cố công giữ gìn hẹn ngày trở lại. Hình ảnh Phương luôn đeo đẳng trong tâm hồn Kiên suốt những năm tháng chiến tranh, có khi Kiên cảm giác Phương rất gần gũi bên anh, những khi anh bị trọng thương. Có lần nằm điều trị Kiên lại lờ mờ cảm nhận như có Phương bên cạnh mình, anh carnm thấy hạnh phúc “ Anh thều thào gọi tên nàng nhưng phương không đáp, chỉ mỉm cười và cuối sát xuống đặt môi trên trán anh nhờn nhợt mồ hôi. Không hề nghĩ gì cả, không băn khoăn tự hỏi, Kiên cảm nhận sự hiện diện của Phương như như một niềm hạnh phúc tất nhiên và bình thản với tiếng mưa rơi, tiếng rừng rên rĩ, tiếng đạn đại bác dội truyền trong lòng đất. Gầy yếu vỏ vàng, da bọc xương, nàng vuốt ve anh với đôi bàn tay đã  trở nên khô rám…”, cô y tá mà Kiên gọi là Phương ấy không biết có phải là Phương thật hay Liên, hay Liễu không thể xác định, nhưng một điều có thể chắc chắn là tình yêu của Kiên dành cho Phương thật sâu đậm và tha thiết. Tình yêu ấy theo anh đến sau này. Trở về, gặp lại Phương với bao thay đổi không ngờ anh vẫn cứ yêu, nhưng vẫn mâu thuẫn day dứt không nguôi, buồn “nỗi đau, còn hơn cả một nỗi đau,át cả rượu, ngấm vào lòng, mãnh liệt và choáng ngơp, sâu thẳm như thể mọi sự xuất thần như là một niềm cảm hứng”.
Tình yêu trong trắng nhưng nghiệt ngã giữa Kiên và Phương đã gợi cho anh bao kí ức đau xót về chiến tranh. Chiến tranh vẫn là một hiện thực quá phũ phàng đối với những người như Kiên và Phương. So với Kiên, sự biến dạng trong tâm hồn Phương còn Khủng khiếp hơn. Cô nữ sinh trường Chu Văn An hồn nhên, ngây thơ ngày ấy bây giờ dã trở thành người phụ nữ thả mình trong hoan lạc. Một con người ham sống, sống rất quyết liệt bây giờ chán nản tất cả không còn dám coi cái gì là thiêng liêng nữa. Một con người luôn sống hết lòng cho tình yêu nhưng giờ đây đãcó một cái gì đó đã rã rời, tan nát không phải chỉ trong bước đường đời của Phương mà còn trong tâm hồn Phương, trong thế giới tinh thần của nhân vật .
Mình thương và tiếc cho Phương. Dường như Kiên và Phương không thuộc về thời đại mà họ đang sống, bởi vì tư tưởng và tình yêu của họ vượt quá giới hạn của thời chiến ấy. Kết thúc là một bi kịch cho cả hai, một chuyện tình dang dở.
3.4.Cái nhìn mới về người lính  
Văn học Việt Nam là nền văn học của nhưng cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Cho nên đề tài xuyên suốt của văn học Việt Nam là đề tài về chiến tranh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hình ảnh người lính luôn là hình ảnh đẹp nhất, đáng ca ngợi nhất và lí tưởng nhất. Cái  nhìn về người lính giai đoạn này chủ yếu là cái nhìn lạc quan, ca ngợi và có phần nào lí tưởng hóa. Văn học viết về nguồi lính giai đoạn này không được pháp bi lụy, nếu có buồn thì phải bi hùng, bi tráng. Cảm hứng chủ yếu của văn học viết về chiến tranh giai đoạn này chủ yếu là cảm hứng sử thi, anh hùng ca. Cho nên hình ảnh người lính trong văn học thời kháng chiến chống pháp và chống Mĩ về cơ bản đã thể hiện được tinh thần của thời đại, có vai trò cổ vũ, động viên rất lớn cho các thế hệ nối tiếp nhau ra chiến trường. Nhưng mặt khác nó cũng có phần nào thiếu sự sinh động và có phần phiến diện. Hình ảnh người lính hiện lên phần nhiều là những con người lý tưởng, không có những biến động lớn về nội tâm. Tuy nhiên trong điều kiện chiến tranh, vấn đề quan trọng là vận mệnh của dân tộc và sinh mệnh của nhân dân chứ không phải là số phận của tưng cá nhân nên người nghệ sĩ phải biết hi sinh nghệ thuật vì lợi ích chung của dân tộc là việc nên làm. Khi cuộc chiến tranh đã qua đi, văn học bước vào một thời kì mới thì vấn đề giữa văn học và hiện thực, quan niệm về con người cần phải xem xét lại. Từ sau đại hội Đảng lần thứ VI (1986), văn học thực sự bước vào thời kì đổi mới. Văn nghệ sĩ thực sự  được cởi trói, họ được quyền “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực được nhìn cởi mở hơn, và đặc bệt có những thay đổi lớn trong quan niệm về con người. Văn học thời kì đổi mới miêu tả con người toàn diện hơn và đã đi sâu làm rõ những khía cạnh nội tâm con người. vấn đề về người lính cũng được nhìn lại với một điểm nhìn mới. Trong công cuộc đổi mới ấy nhiều nhà văn đã thể hiện sự nhạy bén của mình khi đã khám phá ra những vấn đề mới của cuộc sống và những quan niệm mới về con người. Nguyễn Minh Châu với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau; Lê Lựu với Thời xa vắng; Dương Hướng với Bến không chồng; Chu Lai với Ăn mày dĩ vãng.. đã thể hiện những sự đổi mới đó. Đặc biệt Bảo Ninh với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã thể hiện một cách rất mới về hình ảnh người lính. Hình ảnh người lính không còn được miêu tả bằn cảm hứng sử thi, anh hùng vói cái nhìn đơn giản như trước nữa. Hình ảnh người lính ở đây được tiếp cận ở phương diện tàn khốc của chiến tranh, ở những góc khuất của tâm hồn mà trước đây ta chưa hề đề nói tới hoặc không dám nói tới. Không chỉ nói nói về hình ảnh người lính trong chến tranh, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh còn đi sâu vào khai thác đời sống của những người lính thời hậu chiến với sự ám ảnh của một quá khứ đen tối luôn đeo đuổi họ. Cuộc đời của những nhân vật trong nỗi buồn chiến tranh, đặc biệt là Kiên là cuộc  đời đi giữa hai mặt sáng – tối, giữa những lạc quan và bi quan, không thể trở về sống với quá khứ, không thể hòa nhập được với cuộc sống hiên tại, họ như là những người đến từ một thế giới khác. Nỗi buồn chiến tranh chủ yếu xoay quanh cuộc đời Kiên. Kiên là một thanh niên Hà Nội giàu lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, nhưng lại sống nặng về khuôn phép. Mười bảy tuổi, Kiên tham gia bộ đội. Sau mười năm tham gia chiến tranh Kiên đã nhận biết được thế nào là sự khốc liệt của chiến tranh, Kiên đã chứng kiến được một số phận nhỏ nhoi của người lính trong trong cuộc chiến tranh. Đối với Kiên, chiến tranh như là trò đùa trên sinh mạng con người. Trong mười năm đó, Kiên đã nhận ra được thế nào là vô nghĩa của chiến tranh, thế nào là nỗi cô đơn. Có những lúc Kiên muốn được chết cho xong cuộc đời mình “anh chỉ muốn được yên thân, chết một cách yên thân, yên với thân phận con sâu cái kiến của chiến tranh”. Sau mười năm chiến tranh thì cuối cùng ngày hòa bình cũng đến, nhưng đối với Kiên nó không còn ý nghĩa nữa. Anh không thể anh nhàn hưởng trọn cuộc sống thời bình khi những quá khứ đau thương cứ cư luôn hiện lên trong kí ức anh. Hình ảnh người lính ở đây đã ddwwocj nhìn dưới góc nhìn phi truyền thống,họ không còn được nhìn voiiws vẻ hào hoa, lãng mạn, anh dũng mà được nhìn nhận như là những nạn nhân của chiến tranh với tất cả những cái khắc nghiệt: cái đói, cái rét, cái chết, và tất cả những thếu thốn: thiếu thốn về vật chất, về tinh thần,…Từ đó Bảo Ninh đưa ra định nghĩa mới về người lính: lính không có quyền lựa chọn số phận của mình; lính nghĩa là gặp đâu hay hay đấy ngẫu nhiên thất thường trôi nổi theo sự đưa đẩy của hoàn cảnh và không bao giờ dám đặt câu hỏi tại sao mình lại như thế này mà không như thế khác; lính nhiều khi đồng nghĩa với bất lực, vô vọng… Chưa bao giờ trong văn học Việt Nam hình ảnh người  lính lại được nhìn như thế. Họ không còn là những hình ảnh anh hùng, phi thường như trước mà hiện lên vói tất cả nhỏ bé, những khát vọng của cuộc sống đời thường .Họ vượt qua sự nhàm chán bằng những cuộc bài bạc thâu đêm suốt sáng họ vượt qua hiện thực đau thương của chiến tranh bằng khói hồng ma. Cừ thì mơ về ngày sum họp, đoàn tụ, còn Vĩnh thì chỉ rặt mơ thấy đàn bà, còn Tạo Voi thì lại mơ sự ăn uống. Mỗi người một giấc mơ để quên quên đi hiện thực u tối của đời mình, những giấc mơ thể hiện những nhu cầu, những đời sống bình thường nhất của con người. Nhưng đối với những con người trong những năm chiến tranh thì những cái bình thường đó lại trở nên quá xa vời đối với họ. Hiện thực tàn khốc của chiến tranh cũng đã làm cho lí tưởng của những người lính, lòng nhân ái của những người lính đứng trước những thử thách khủng khiếp. Trong tâm hồn của những người lính đều có những cuộc chiến tranh của riêng mình, nó vừa hào hùng vĩ đại, vừa u tối ảm đạm. Bảo Ninh không né tránh những vấn đề thuộc về vùng cấm của văn học những năm chiến tranh. Hiện thực chiến tranh nhiều khi đã làm suy sụp hoàn toàn tinh thần, lí tưởng của người lính. Họ không còn xem cuộc chiến tranh này là cao quý, Can sẵn sàng bất chấp tất cả để được một tuần ở ngoài Bắc. Đối với Can và ngay cả đối với Kiên cuộc chiến tranh này không có ý nghĩa gì hết. “ Thắng hay thua, kết thúc mau hay hay kết thúc chậm, với tôi chẳng có nghĩa lí gì nữa”. Cuộc đời của họ là là cuộc đời triền miên trong những trận đánh nhau mà không biết ngày nào kết thúc. Họ không còn xem hành động của mình là cao cả, là vinh quang nữa. Họ còn chiến đấu có lẽ có lẽ vì không còn con đường nào khác để đi hoặc là vì không thể nào rời bỏ khỏi với những trò gọi là chiến tranh ấy.
Nỗi buồn chiến tranh còn cho chúng ta một cái nhìn khác về người lính trong thời  bình. Tưởng như hòa bình sẽ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho những người lính từng tham gia chiến tranh. Nhưng không, với những người như Kiên hòa bình không có ý nghĩa gì hết. Cuộc chiến tranh của cả dân tộc đã kết thúc, nhưng đối với Kiên vẫn còn nguyên vẹn cuộc chiến tranh của riêng anh. Sau những năm tháng ác liệt của chiến tranh, đáng lẽ Kiên phải được hưởng một cuộc sống hòa bình trọn vẹn, nhưng khi hòa bình đến cũng là lúc Kiên đánh mất những gì cao đẹp nhất. Tuổi trẻ, tình yêu đã bị chiến tranh nghiền nát, ngay cả cuộc sống bình thường  như mọi người Kiên cũng không thể có, “ những thằng lính chiến đấu như ông ấy mà ông kiên, chả trở lại thành người bình thường được nữa đâu”. Kiên luôn ám ảnh về cuộc chiến đấu đã qua, lúc nào những cái chết của đồng đội, những cảnh rùng rợn của chiến tranh cũng hiện về trong anh : “ Biết bao kỉ niệm bi thảm, bao nhiêu là nỗi đau mà từ lâu là lòng đã nhủ lòng là phải cố gắng cho qua đi, rốt cuộc đều dễ dàng bị lay thức…”. Bảo Ninh đã cho thấy người lính sau chiến tranh không thể hòa nhập được với cuộc sông đời thường. Khi hòa bình, anh nhận ra tâm tưởng mình đã vĩnh viễn nằm lại trong quá khứ đã qua, thứ đang sống chỉ còn là thân xác mà thôi.
4.      Kết luận
Thông qua tác phẩm ta có thể hiểu hơn về thưc chất của chiến tranh. Tác giả không miêu tả từng diến biến, sự kiện của cuộc chiến mà qua hồi ức đứt đoạn của nhân vật ta có thể thấy được nỗi buồn về chiến tranh, về tình yêu một thời đã qua không bao giờ trở lại. Chúng ta có thể hiểu con người đau khổ, trăn trở, nhận thức như thế nào về quá khứ, về chiến tranh về tình yêu, về những gì được mất trong cuộc đời. Đó chính là bi kịch tinh thần, không chỉ riêng Kiên, riêng Phương mà là của những ai từng đối mặt với chiến tranh. Tất cả những điều này làm nên giá trị hiện thực cho tác phẩm. Cái mới của tác giả là qua Nỗi buồn chiến tranh đã thấy bức chân dung về con người trong văn học đầy đủ hơn.
Tuy nói về khía cạnh đau thương của chiến tranh nhưng tác phẩm không gợi lên cảm giác tuyệt vọng chán chường mà đằng sau những thảm cảnh của chiến tranh là tiếng nói phản kháng chiến tranh một cách mạnh mẽ. Đằng sau những đau thương mất mát của những con người là những giá trị nhân văn cao đẹp của con người. Đó là khát vọng hòa bình,  là sự hi sinh cao đẹp vì đồng đội, là những trắc ẩn của người lính về chiến tranh, về con người và về cuộc đời.


















   TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.                  Đỗ Đức Hiểu, Thi pháp học hiện đại, Nxb Hội nhà văn,  Hà Nội, 2000.
2.                  Lê Bá Hán, Trần Đình Sử , Từ điển thuật ngữ văn học,Nxb Giáo dục, 2007.
3.                  Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn,  Văn học Việt Nam sau 1975, Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy – NXB Giáo dục 2006.
4.                  Bảo Ninh,  Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Văn học, 2009.
5.                  Mai Hải Oanh – Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại giai đoạn 1986 – 2006, Nxb Hội nhà văn 2009.
6.                  Viện Văn học, Tuyển tập 40 năm tạp chí Văn học 1960 -1999,  Nxb TP Hồ Chí Minh 1999.
7.                  50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb đại học quốc gia Hà Nội,1999.



Top of Form
Bottom of Form
Top of Form

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét