Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

NHỮNG NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA NGÔN NGỮ THƠ THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Đêm 19-12-1946, những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào khu vực đóng quân của quân Pháp trong thành Hà Nội là hiệu lệnh mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của cả nước. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp nước, cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện suốt tám năm để giành lại chủ quyền, độc lập dân tộc. Cũng như mọi  lĩnh vực hoạt động văn hóa tinh thần khác, thơ ca cũng được huy động vào cuộc chiến đấu, trở thành vũ khí lợi hại và là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam kháng chiến. Thơ ca thời kì này (1946-1954 ) đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, “các phẩm chất mới chủ yếu của thơ ca kháng chiến chống Pháp so với thơ trước năm 1945 là hình tượng thơ, ngôn ngữ thơ, thể loại thơ,…”[tr.85; 8].Trong đó, ngôn ngữ thơ có nhiều nét độc đáo. Như chúng ta đã biết, “thơ là nghệ thuật của ngôn từ. Vì vậy sự tiến bộ về thi pháp phải được xem xét từ góc độ ngôn ngữ”[tr.115; 8].Tựu trung lại ngôn ngữ thơ thời kì này gồm có ba nét chính: ngôn ngữ thơ giản dị, giàu chất hiện thực; ngôn ngữ có sự tiếp thu từ văn học dân gian và ngôn ngữ thơ có sử dụng nhiều địa danh.
1.      Ngôn ngữ thơ giản dị, giàu chất hiện thực.
Những năm đầu của cuộc kháng chiến, ảnh hưởng của ngôn ngữ thơ lãng mạn còn khá rõ trong sáng tác của một số người cầm bút. Người làm thơ chưa từ bỏ được thói quen dùng ngôn ngữ hoa mĩ đài các hay lối tượng trưng ước lệ cầu kì. Tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn hiện tượng này đã được khắc phục. Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị, đại chúng là xu hướng mà nhiều nhà thơ đã tìm đến và nó sớm trở thành khuynh hướng chủ đạo trong thơ ca giai đoạn này. Tố Hữu là một trong những người mở đầu cho xu hướng này bằng một loạt bài được viết ngay sau chiến thắng Việt Bắc cuối năm 1947. Liên tiếp trong vài năm sau đó, những bài Cá nước, Phá đường, Bầm ơi, Bà mẹ Việt Bắc,… của ông đã đem đến cho thơ ca kháng chiến một mạch thơ thật bình dị, hồn nhiên, trong sáng, với tiếng nói và hình ảnh chân thực của quần chúng kháng chiến không cần tô vẽ hay mĩ lệ hóa. Chẳng hạn như:
Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi dưới nước, con chim ca trên trời
Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí yêu người anh em
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một bông lúa chín chẳng nên màu vàng
                                            (Tiếng ru)
Có thể bắt gặp điều này trong nhiều sáng tác của Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Hồng Nguyên, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông,… Bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên là những tâm tình của người lính trẻ, chân thành, bình dị, thiết tha:
Lũ chúng tôi
 Bọn người tứ xứ
 Gặp nhau hồi chưa biết chữ
 Quen nhau từ buổi "một hai"
 Súng bắn chưa quen
 Quân sự mươi bài
 Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Chính Hữu trong bài Đồng chí và những bài thơ tiếp theo cũng là một trường hợp rất tiêu biểu cho sự chuyển biến theo hướng đưa thơ trở về với đời sống thực tại hằng ngày của quần chúng kháng chiến, tìm chất thơ trong cái giản dị, bình thường mà sâu xa. Qua những trải nghiệm trong cuộc chiến đấu và những gian khổ, khắc nghiệt của đời lính, cùng với những đồng đội phần lớn xuất thân từ nông dân, Chính Hữu đã tìm được một tiếng thơ dung dị, khỏe khoắn, với những giọng tâm tình thật sâu lắng:
Anh với tôi biết từng cơn ơn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
(Đồng chí)
Hoàng Trung Thông cũng với ngôn ngữ đời thường đã đem đến cho thơ kháng chiến hình ảnh đẹp về tình cảm dân quân gắn bó:
Các anh về
Mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười
Rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về
Tưng bừng trước ngõ
Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con ở rừng sâu mới về
(Bao giờ trở lại)
Ngôn ngữ thơ hướng đến đại chúng, bình dân đời thường có thể kể đến những vần thơ của Nguyễn Đình Thi. Cái cách mà nhà thơ truyền hồn vào cảnh vật rất nhẹ nhàng và tinh tế:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
(Đất nước)
Chỉ thay đổi từ Cỏ mềm thơm mãi dấu chân em (bản cũ) thành Tôi nhớ những ngày thu đã xa (bản mới) là câu thơ đã bắt nhịp với xu hướng chung của thơ ca giai đoạn này. Nguyễn Đình Thi ít chú trọng vần trong thơ nên thơ ông không có cái mỹ lệ thường thấy trong sách vở mà hồn nhiên như những câu nói thường ngày. Nó chứa đầy chất sống, nó là sự sống, là cuộc đời. Ông không sử dụng những lời lẽ cao siêu, trau chuốt mà sử dụng những từ ngữ thuần Việt, mộc mạc, tự nhiên. Thậm chí sử dụng nhiều những thán từ, những lời gọi, lời hỏi có tính chất khẩu ngữ:
                                                    Ôi em!
                                                   Chúng ta như hai ngôi sao
                                                   Hai đầu chân trời lấp lánh
                                                                        (Bài thơ viết cạnh đồn Tây)
       Ôi những cánh đồng quê chảy máu
      Dây thép gai đâm nát trời chiều
                                                 (Đất nước)
Nếu như ngôn ngữ thơ lãng mạn có xu hướng lãng mạn hóa, thi vị hóa hiện thực, thì trong thơ ca kháng chiến chống Pháp đã có sự đổi mới theo hướng sử dụng ngôn ngữ cụ thể, sinh động, phong phú của đời sống để cấu tạo nên ngôn ngữ thơ. Có thể bắt gặp khá phổ biến trong thơ những từ ngữ, cách nói mang tính khẩu ngữ của quần chúng từ những so sánh, theo lối ví von:
Mưa phùn ướt áo tứ thân,
Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu
(Bầm ơi - Tố Hữu)
đến những lời thơ chất phác, thật thà của của người dân quê miền Trung:
        Thương anh, nỏ có - cầu anh mạnh
Anh nện thằng Tây bể sọ dừa
(Lời quê- Hồ Vi)
Này đây là bức tranh sinh hoạt trong đời sống kháng chiến được khắc họa bằng chất liệu mộc mạc giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày:
Này giặc đói, giặc thiếu
Này giặc ốm, giặc xâm lăng
Chà chà, vạn ức triệu
Bao vây mình hung hăng
Anh ơi tôi vẫn ngang tàng
Tôi bắn, tôi cuốc, tôi đan, tôi trồng
Tôi ăn quả chín, tôi uống nước trong
Phên đan che lạnh gió đông thổi về
                        (Bức tranh sinh hoạt- Minh Tiệp)
            Mặc dù ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Vệ quốc gặp rất nhiều khó khăn nhưng ta vẫn thể hiện tinh thần lạc quan chiến thắng. Cảnh rừng Việt Bắc của Bác đã tái hiện lại không khí tưng bừng ấy qua những vầng thơ giản dị:
Cảnh rừng việt Bắc thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay.
Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạt cũ với xuân này.
Rõ ràng, xu hướng chung của thời kì bấy giờ là đưa ngôn ngữ thơ phát triển về phía hiện thực đời sống. Đó là đời sống lao động, đấu tranh của quần chúng nhân dân. Ngôn ngữ thơ thời bấy giờ là về gần với tiếng nói hằng ngày, tự nhiên, bình dị, sinh động. Tuy đưa thơ về ngôn ngữ đời sống nhưng người sáng tác không dung tục hóa thơ hay dùng những lời nói thường ngày một cách tùy tiện mà họ có một sự lựa chọn nghiêm túc. Vì vậy ngôn ngữ thơ tuy đơn sơ, mộc mạc mà có khả năng thấm sâu vào hồn người. Những câu rất đỗi giản dị song vẫn có thể tạo được một ấn tượng không thể nào phai được trong lòng người đọc. Ta làm sao quên được câu thơ giản dị nhưng độc đáo của nhà thơ Quang Dũng khi viết về sự gian khổ của người lính: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” (Tây Tiến), hay hình ảnh “Đầu súng trăng treo” (Đồng chí) mà Chính Hữu dùng. Đấy đều là những sáng tạo ngôn ngữ thơ độc đáo mà trước nay chưa ai dùng đến. Nó đã tạo nên dấu ấn đặc biệt và ấn tượng lâu bền trong lòng độc giả.
Cũng trong phương diện từ ngữ, từ địa phương được đưa vào thơ khá rộng rãi và nhiều trường hợp đã góp phần tạo nên chất liệu hiện thực với sắc thái riêng độc đáo:
Đồng chí nứ vui vui
Đồng chí nứ dạy tôi dăm cái chữ
Đồng chí mô nhớ nữa
Kể chuyện Bình Trị Thiên
Cho bầy tôi nghe ví
Bếp lửa run run đôi vai đồng chí
- Thuở trong nớ hiện chừ vô cùng gian khổ
Đồng bào ta phải kháng chiến ra ri
(Nhớ - Hồng Nguyên)
 Hoặc:                             Ăn bao nhiêu bữa “đuối cưa”
Lều dột bao bận bị mưa ngủ ngồi
(Thơ Khuyết danh)
Lối viết này làm cho người đọc cảm nhận được sự gắn bó chân thành của các nhà thơ đối với hiện thực cuộc sống vừa định vị được vùng đất mà tác phẩm nhắc đến.
Thành tựu của thơ kháng chiến những năm đầu theo hướng đại chúng hóa còn nhiều trường hợp khác: Lên Cấm Sơn của Thôi Hữu, Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông, Viếng bạn của Hoàng Lộc,… Hầu như bài thơ nào cũng được đan dệt bằng những chi tiết, hình ảnh, sự việc của đời sống hiện thực. Có thể nói, những người cầm bút thời kì kháng chiến chống Pháp có nhiều đóng góp trong sự phát triển của ngôn ngữ thơ ca hiện đại. Họ có ý thức tăng cường chất liệu ngôn ngữ, tạo nên sắc thái tươi trẻ, sống động, gần gũi hơn với đời sống thực tế. Vì thế ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ cuộc sống, từ cuộc sống đi vào thơ, không cầu kì sáo rỗng. Hầu hết các bài thơ kháng chiến được quần chúng yêu mến là những bài có cảm xúc chân thành trong bộ trang sức ngôn ngữ bình dị, quen thuộc.
2. Ngôn ngữ thơ có sự tiếp thu từ văn học dân gian.
Giá trị nghệ thuật của ngôn ngữ thơ thời kì này là một hệ thống ngôn ngữ đậm đà tính dân tộc. Điều này thể hiện ở ngôn ngữ nhiều bài thơ có sự tiếp thu từ văn học dân gian. Những câu thơ hiện đại với cảnh sống hiện đại mà vẫn có giọng của ca dao truyền thống. Đó là trường hợp các bài thơ của Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Hoàng Cầm,… Đến với Hồ Chí Minh, ta thấy Bác Hồ làm thơ đâu có phải nhằm tu sức mĩ từ nhưng qua vần thơ nhẹ nhàng chân thật, ta lại bắt gặp một nghệ thuật sử dụng ngôn từ đặc biệt. Ví như trong bài thơ Cám ơn người tặng cam, Bác viết:
Cám ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?
Câu thơ thứ ba vốn hoàn toàn là một câu tục ngữ. Câu tục ngữ sáu tiếng của dân gian được sử dụng nguyên vẹn bỗng trở thành câu lục trong tiếng thơ lục bát của Người. “Như dòng suối trong veo chảy liền mạch, những câu thơ cứ nối tiếp nhau xuất hiện lưu loát, tự nhiên, hồn nhiên…” [tr.173; 9 ]. Quan trọng hơn là tục ngữ ca dao dân tộc đã nằm sẵn trong tiếng nói của Bác, đã hòa lẫn trong niềm yêu thương của trái tim Người. Câu thơ cuối cùng là câu thơ lẩy Kiều (câu thơ trong Kiều: Hay là khổ tận đến ngày cam lai?). Phía sau cái nghĩa trừu tượng giống như bĩ cực thái lai, ở trường hợp cụ thể trong tiếng thơ Người, thành ngữ Khổ tận cam lai còn mang thêm một nét nghĩa “mới” mà rất “cũ”: có những quả cam đến thật !
Ở bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu sử dụng nhiều TaMình. Có thể nói nhân vật chính của bài thơ là Ta- Mình, Mình – Ta cứ xoắn xuýt nhau, quyện lẫn vào nhau không nỡ rời, như tình không bao giờ dứt:
Ta với mình, mình với ta,
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh.
Mình Ta trong ca dao thường là cách xưng hô của những chàng trai cô gái, những đôi lứa yêu thương. Tố Hữu dùng TaMình của ca dao để tượng trưng cho tình cảm của người cán bộ kháng chiến với chiến khu Việt Bắc, của đồng bào miền xuôi với đồng bào miền ngược, thì ta hiểu mối tình ấy khăng khít và sâu sắc đến mức nào. MìnhTa trong thơ Tố Hữu cũng có một tình cảm sâu sắc, mãnh liệt như MìnhTa trong ca dao truyền thống, nhưng MìnhTa trong thơ Tố Hữu mang tính chất thời đại mới, có ý nghĩa xã hội cao hơn. Rõ ràng nhân vật của bài thơ có mang nhiều nét của nhân vật trong ca dao, dân ca. Ở bài Phá đường, chúng ta thấy tính cách của người phụ nữ Bắc Giang có dáng dấp của người phụ nữ trong ca dao. Đó là người phụ nữ đảm đang, tảo tần, nuôi chồng, nuôi con:
Nhà em phơi lúa chưa khô,
Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong
Nhà em con bế con bồng
Em cũng theo chồng đi phá đường quan
Tố Hữu đã tiếp thu và sử dụng yếu tố truyền thống của ca dao, dân ca để khắc họa sâu hơn tính cách của con người hiện đại. Một đoạn thơ trong bài Việt Bắc:
Muối Thái Bình ngược Hà Giang
Cày bừa Đông Xuất, mía đường tỉnh Thanh
Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông
Tố Hữu học tập và vận dụng lối kể địa phương, sản phẩm địa phương của ca dao để miêu tả cuộc sống mới, để tiên đoán ra cái cảnh thay đổi tưng bừng, tấp nập, rộn rã của đất nước sau ngày được giải phóng và sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hoàng Cầm với Bên kia sông Đuống lại có sáng tạo độc đáo trong cách xử lý chất liệu dân gian, dân tộc một cách khá hiện đại:
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu ?
Các nhà thơ đã vận dụng một cách sáng tạo chất liệu từ dân gian làm ngôn ngữ vừa mang tính hiện đại vừa mang dáng dấp truyền thống. Việc tiếp thu ở đây “không phải là vay mượn, là di chuyển câu thơ từ xưa về với nay. Tiếp thu phần hồn, không dừng lại ở phần xác, đón lấy hương vị, không dừng lại ở cái vỏ bên ngoài. Những câu thơ ở đây có phản phất gần giống những câu thơ có sẵn trong kho tàng văn học quá khứ, cái chính không phải là ở chỗ đó, không phải ở chỗ lấy lại toàn vẹn hay một phần. Cái chính là trở về với hồn thơ dân tộc, làm cho cái hồn thơ dân tộc nhập vào với cái hồn thơ thời đại, lấy lại mà vẫn tự nhiên, không cộm, không phải góp nhặt mà gắn liền với máu thịt, nhuần nhuyễn vào bên trong” [tr. 442,443; 2]. Đó là một đóng góp quan trọng của những người cầm bút trong giai đoạn này.
3. Ngôn ngữ thơ có sử dụng nhiều địa danh
Một đặc điểm của ngôn ngữ thơ kháng chiến là việc sử dụng rộng rãi các địa danh. Trong thơ Việt Nam chưa bao giờ các địa danh của mỗi vùng, miền lại xuất hiện nhiều và rất phổ biến như ở thời kỳ này, thậm chí nó dày đặc trong một bài hay một câu thơ, vậy mà hầu như không có trường hợp nào gây ra sự phản cảm cho người đọc. Bởi đằng sau những địa danh đó là một vùng đất đai, xứ sở của tổ quốc, là sự chất chứa những vẻ đẹp, những đau thương, cả những kỉ niệm và lòng yêu mến của những con người. Chẳng hạn:
Quanh co, chen nhau rộn ràng Đồng Xuân
Xanh tươi bát ngát Tây Hồ
Hàng đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai...

                                    (Người Hà Nội – Nguyễn Đình Thi)
Tây Tiến (Quang Dũng) là bài thơ hay về hình ảnh người lính Tây Tiến hành quân gian khổ với tinh thần “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Những địa danh được Quang Dũng đưa vào bài thơ là những nơi in đậm dấu chân cùng nhiều kỉ niệm của đoàn quân Tây Tiến:
Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
(……………)
Hay đó tâm trạng đau đớn của Quang Dũng trước quê hương Sơn Tây bị giặc tàn phá và sự mong ước một ngày “ ngày ấy thanh bình chắc nở hoa” trong Đôi mắt người Sơn Tây. Trong kí ức của tác giả đó là một quê hương thơ mộng:
Bao giờ trở lại đông Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.
Hoàng Cầm trong Bên kia sông Đuống đã nghẹn ngào biết bao khi quê hương vốn thanh bình tươi đẹp nay bị giặc tàn phá. Nhà thơ đau xót khi cất lên những câu hỏi nao lòng:
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người chăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu về đâu?

Đưa vào những địa danh này, Hoàng Cầm không chỉ khơi dậy lòng căm thù quân giặc của những người nơi quê hương tác giả mà còn dấy lên làn sóng yêu nước của những người dân trên đất nước Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, ta còn thấy một tình cảm gắn bó tha thiết với với hương, xứ sở của những người lính thời kì này. Bài thơ Tình sông núi của Trần Mai Ninh là một trong những bài thơ mở đầu cho dòng thơ cách mạng và kháng chiến. Qua bài thơ ta thấy được một sự cảm nhận về quê hương miền Trung của tác giả, một miền Trung nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy thơ mộng.
Trăng nghiên trên sông Trà Khúc
Mây lồng và nước trong veo
Nắng bột chen dừa Tam Quan
Gió buồn uốn éo
Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ
Mờ soi Bình Định trăng mờ
Phú Phong rộng
Phú Cát lì
An Khê cao vút
Gió lạnh rừng buồn
Mượn ai kín hộ nước nguồn về đây
Gặp sông Cầu khó rời tay
Sông Cầu của Đất, nước này là duyên.
Chúng ta còn thấy được tình cảm quân dân cùng thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng trong chiến đấu cũng như trong sản xuất.Những dấu chân người lính trong Bao giờ trở lại  của Hoàng Trung Thông đã cho ta thấy được tinh thần đó.
Anh giờ đánh giặc nơi đâu,
Chiềng Vang, Vụ Bản hay vào Trị -Thiên.
Làng tôi thắng lợi vụ chiêm,
Lúa thêm xanh ngọn, khoai lên thắm vòng.

Thay lời kết:
Ngôn ngữ thơ thời kháng chiến có những nét đặc sắc so với ngôn ngữ thơ thời kì trước Cách mạng. So với các thi sĩ Thơ mới thì các nhà thơ thời kì kháng chiến chống Pháp đã đem đến cho thơ ca những cách tân đáng kể trong ngôn ngữ thơ. Thơ ca giai đoạn này chủ yếu để hiện hình lên trang giấy những từ ngữ thuần Việt, mộc mạc, tự nhiên, bình dị. Ngôn ngữ thơ còn có sự tiếp thu từ văn học dân gian và đưa vào nhiều địa danh để tăng thêm tính dân tộc, tạo sự gắn bó, gần gũi với quần chúng.
Nếu Thơ mới (1930-1945) đã vượt qua quá khứ trì trệ và góp phần đào tạo ra thế hệ các nhà thơ kháng chiến thì chính thơ kháng chiến đã làm mẫu mực cho những người cầm bút thế hệ sau. Thơ kháng chiến không tạo ra thêm những thể loại mới nhưng nó có công rất lớn trong việc đưa ngôn ngữ mới vào thơ. Ngôn ngữ ấy là của nhân dân lao động, những ngưới lính cầm súng góp phần tạo ra. Các nhà thơ đã thuần dưỡng và sử dụng một cách rất hồn nhiên. Thơ cổ vũ nhân dân và đến lượt, nhân dân đón đọc và cổ vũ làm cho thơ Việt Nam không ngừng phát triển và tươi mới. Sự cộng hưởng giữa thơ với người đọc tạo nên một bức tranh sinh động và huyền ảo, góp phần làm phong phú hơn vẻ đẹp tinh thần của con người. Ngôn ngữ thơ còn tiếp tục được các thế hệ nhà thơ trau dồi và làm phong phú, độc đáo hơn ở những giai đoạn sau.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
2.      Lê Đình Kỵ, Thơ Tố Hữu (Chuyên luận), Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1979.
3.       Phong Lan, Mai Hương (tuyển chọn và giới thiệu), Tố Hữu - Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001.
4.      Mã Giang Lân, Tìm hiểu thơ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000.
5.      Nguyễn Văn Long, Văn học Việt Nam trong thời đại mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
6.      Bùi Công Hùng, Quá trình sáng tạo thơ ca, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000.
7.      Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
8.      Vũ Duy Thông, Cái đẹp trong thơ ca kháng chiến Việt Nam 1945- 1975, Nxb Giáo dục, 2000.
9.       Nguyễn Nguyên Trứ, Cách viết của Bác Hồ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.
10. Hoài Việt (Sưu tầm và tuyển chọn), Hoàng Cầm- Thơ văn và cuộc đời, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét