Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

TƯ TƯỞNG NGHỆ THUẬT NHÀ VĂN

          Câu1: Căn cứ vào đâu và làm như thế nào để xác định được tư tưởng nghệ thuật của nhà văn?
          Như chúng ta đã biết, văn chương là loại sản phẩm tinh thần, một hình thái hoạt động văn hóa tư tưởng, đồng thời cũng là một loại hình nghệ thuật. Vì thế khi chúng ta đánh giá tầm cỡ một nhà văn thì phải căn cứ vào các tiêu chuẩn đánh giá sau:
          -Tư tưởng lớn, tâm hồn lớn.
-Tài năng lớn (tài năng nghệ thuật).
          - Có đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc.
          Ba tiêu chuẩn cũng là ba phương diện của giá trị một sự nghiệp văn học. Ba phương diện không hoàn toàn đồng nhất, nhưng không thể tách rời. Xét tương quan giữa ba phương diện ấy thì tư tưởng nhà văn, nếu hiểu là tư tưởng nghệ thuật, thì phải coi là có ý nghĩa quyết định, có tác dụng chi phối tất cả. Bởi vì khi nghiên cứu một nhà văn, xét đến cùng là chúng ta nghiên cứu tư tưởng của nhà văn đó và tầm cỡ của nhà văn xét đến cùng thì cũng phụ thuộc vào tầm cỡ tư tưởng của họ. Như vậy, chúng ta căn cứ vào đâu và làm như thế nào để xác định được tư tưởng nghệ thuật của  nhà  văn. Đó là vấn đề mà người viết muốn thể hiện trong bài viết này.
 Vậy tư tưởng nhà văn là gì? Đó là thứ tư tưởng có tính tổng hợp cao rút ra từ toàn bộ tác phẩm của nhà văn. Nói cách khác, đó là một tư tưởng bao trùm cả sự nghiệp sáng tác của nhà văn, chi phối về căn bản toàn bộ thế giới nghệ thuật của nhà văn đó. Nó tạo ra sự nghiệp ấy, cho thế giới nghệ thuật thống nhất, tính hệ thống, hay nói đúng hơn đó là tính chỉnh thể. Đây là chỗ gặp gỡ của nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học trên thế giới.
Còn theo nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh thì ông dùng khái niệm tư tưởng nghệ thuật cơ bản để gọi tên cho thứ tư tưởng tổng hợp này của nhà văn. Ông cho rằng tư tưởng nghệ thuật là một hình thái nhận thức đặc thù của người nghệ sĩ: nhận thức bằng “toàn bộ con người tinh thần với tất cả nọi dung phong phú và tính tổng thể toàn vẹn của nó”. Hình thức này này đòi hỏi nghệ sĩ phải huy động toàn bộ mọi năng lực tinh thần của mình mà nội dung chính là bao gồm lí trí và tình cảm, cảm xúc kết hợp hài hòa với nhau giống như xương cốt và máu thịt, như thể xác với linh hồn con người. Và tư tưởng nghệ thuật cần được hiểu như một hình thái tinh thần rất cụ thể, nó nảy sinh do sự cọ xát, va chạm một cách rất cụ thể giữa trí tuệ và tâm hồn người sáng tác với hiện thực khách quan. Và nó, ngay từ khi mới ra đời đã thể hiện ở một hình tượng, dù chỉ là một thứ hình tượng phác họa còn thô sơ và chưa thật sáng sủa, rõ nét trong tâm linh nhà văn. Và tư tưởng nghệ thuật nhà văn phải có sự cọ sát rất cụ thể giữa chủ thể và khách thể. Nếu không tiếp xúc, không lăn lộn thực tế, không có kinh nghiệm sống, người cầm bút không thể có được tư tưởng nghẹ thuật đúng nghĩa của nó, không sáng tạo được hình tượng văn học có giá trị nghệ thuật thật sự. Như vậy, tư tưởng nghệ thuật phải bao gồm hai mặt thống nhất đó là giữa chủ thể và khách thể nhưng xét đến cùng chủ thể đóng vai trò quyết định.
Có thể xem tư tưởng nghệ thuật là một trong những cái đích cuối cùng cơ bản nhất của của việc tìm hiểu một nhà văn. Và tư tưởng nghệ thuật không thể có sự tách rời giữa nội dung và hình thức văn học, giữa tư tưởng và tài năng nghệ sĩ. Đồng thời không thể có được một thứ tư tưởng nghệ thuật chung chung siêu cá thể bởi vì “tư tưởng nghệ thuật phải là riêng của mỗi nhà văn. Nó là chỗ phân biệt cơ bản giữa nhà văn này và nhà văn khác”.
Để khảo sát và tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật của nhà văn chúng ta căn cứ vào “hình tượng nghệ thuật” bởi khi đã nói tư tưởng nghệ thuật thì chỉ có một cách biểu hiện duy nhất là hình tượng nghệ thuật. “Hình tượng nghệ thuật là căn cứ duy nhất để nhà nghiên cứu có thể tóm bắt được tư tưởng nghệ thuật của ông ta” (Nguyễn Đăng Mạnh). Có nhiều mối quan hệ khăng khít giữa tư tưởng nghệ thuật với toàn bộ đời sống tinh thần của người cầm bút nên nghiên cứu nghệ thuật của một nhà văn nên không thể bỏ qua mọi biểu hiện tư tưởng và tâm lí của nhà văn đó ngoài hoạt động sáng tác, ngoài tư cách nghệ sĩ… Đời sống tinh thần của con người ta nói chung là một hiện tượng hết sức phong phú, tinh vi, phức tạp và đầy bí ẩn. Chính vì thế mà ta thu thập các tư liệu về nhà văn là một công việc hết sức cần thiết. Chẳng hạn chúng ta biết được Xuân Diệu là con của vợ lẽ, từ nhỏ phải xa mẹ nên ông là một người rất nhạy cảm và rất dễ động lòng; Nam Cao ít nói, có tính “nhát người” nhưng uống rượu thì “đếch sợ cả Gorki”; Nguyên Hồng thì sinh hoạt quá dễ dãi thậm chí lam lũ và đặc biệt ông rất dễ khóc; Vũ Trọng Phụng là con người hết sức hiếu thảo và có tính sòng phẳng trong quan hệ bạn bè; Nguyễn Tuân thì chỉ thích nói ghét người này người khác mà ít thấy nói yêu ai, quý ai; Xuân Quỳnh có một cuộc đời bất hạnh từ nhỏ, chị vừa theo đuổi một tình yêu lí tưởng và khao khát hạnh phúc thiết thực đời thường…Tất cả những chi tiết tiểu sử và những thói tật tưởng như vụn vặt ấy nhưng thật ra rất bổ ích và thú vị để chúng ta phán đoán  về tư tưởng, tâm lí hay cá tính các nhà văn.
Tóm lại, căn cứ thật sự đáng tin cậy đối với mọi phán đoán về tư tưởng nghệ thuật của nhà văn vẫn chỉ có thể là những hình tượng nghệ thuật của nhà văn đó. Còn tất cả những tư liệu khác dù thú vị đến đâu thì chỉ để tham khảo thêm từ chính các hình tượng trong các tác phẩm của nhà văn. Hình tượng nghệ thuật bao giờ cũng được sáng tạo trong khuôn khổ một tác phẩm được viết theo một thể loại nào đó. Hình tượng có thể khảo sát ở nhiều cấp độ và bình diện khác nhau nhưng dù cấp nào, bình diện nào cũng chỉ có thể đánh giá đúng giá trị thẩm mĩ và ý nghĩa tư tưởng của nó. Theo ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thì ông cho rằng trong thế giới nghệ thuật thường có một số hình tượng tâm huyết nhất, cứ trở đi trở lại nhiều lần như một “ám ảnh” đối với nhà văn. “Những hình tượng như thế càng có tính phổ biến bao nhiêu, càng có ý nghĩa tư tưởng sâu sắc và cơ bản bấy nhiêu”.
Khi tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật cơ bản của một nhà văn có đòi hỏi phải một trình độ khái quát, tổng hợp, hệ thống hóa cao. Nếu khái quát không đầy đủ, không triệt để, sẽ dẫn đến những kết luận không chính xác. Và một yêu cầu đặt ra cho việc tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật nhà văn là chúng ta phải kiểm tra lại độ chính xác của những kết luận của mình về tư tưởng, nghệ thuật của nhà văn bằng nhà văn cũng như mọi hoàn cảnh riêng chung như gia đình, xã hội, thời đại… có liên quan xa gần đến tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Có ba cách kiểm tra sau: nhiều cuộc khảo sát, dựa vào nhiều căn cứ khác nhau ở trong văn chương và ngoài văn chương, ở đặc điểm con người.
          -Một là bắt đầu từ sự khảo khảo sát chính những quan hệ nội tại của thế giới nghệ thuật nhà văn. Bởi vì thế giới nghệ thuật của nhà văn là một chỉnh thể, và đã là chỉnh thể thì thì phải có cấu trúc nội tại theo những nguyên tắc nội tại của nó.
-Hai là đối chiếu tư tưởng nghệ thuật của nhà văn với những biểu hiện tư tưởng ngoài sáng tác của ông ta. Con người là một hiện tượng rất phong phú và phức tạp. Đối với nhà văn, con người trong tác phẩm và con người ở ngoài đời không đồng nhất. Không đồng nhất không có nghĩa là không thống nhất. Vì vậy, sự đối chiếu tư tưởng nhà văn trong nghệ thuật và con người trong đời sống của nhà văn vẫn rất có ý nghĩa. Ở đây chúng ta không nên lấy những tư tưởng biểu hiện ở ngoài đời làm chuẩn vì đó là những căn cứ để soi sáng thêm và kiểm nghiệm thêm độ chính xác của những kết luận vào thế giới nghệ thuật của người nghệ sĩ.
-Ba là đối chiếu tư tưởng nghệ thuật của nhà văn với giả thuyết về nguồn gốc phát sinh tư tưởng ấy. Giả thuyết này xây dựng trên quan niệm ý thức của con người phản ánh tồn tại xã hội của nó, phản ánh điều kiện tồn tại khách quan của nó. Những điều kiện, hiện tượng này gọi là hoàn cảnh ra đời của một nhà văn, một hồn thơ. Đối với sự ra đời của một nhà văn, ta nên phân biệt hai loại hoàn cảnh khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau: Đó là hoàn cảnh lớn và hoàn cảnh nhỏ.
    .Hoàn cảnh lớn: là hoàn cảnh tác động đến cả một xã hội, cả một dân tộc, thậm chí cả nhân loại trong một thời kì lịch sử nhất định. Hoàn cảnh lớn quyết định tàm cỡ tư tưởng của nhà văn. Khi phân tích hoàn cảnh lớn phải quan tâm đến hoàn cảnh nhân văn, trình độ nhân văn của xã hội, của thời đại và những vấn đề có ý nghĩa nhân văn mà nó đặt ra trước người cầm bút. Khi tìm hiểu hoàn cảnh lớn tác động tới tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, chúng ta cần chú ý đến một vấn đề đặc biệt quan trọng đó là bầu không khí tâm lí xã hội cụ thể trong đó nhà văn hít thở. Vì nội dung cơ bản nhất của tư tưởng nghệ thuật thuộc phạm trù tâm lí  như những tình cảm, cảm xúc, những ước mơ, những khát vọng,… Nhà văn suy tư, cảm nghĩ và sáng tạo trong bầu không khí tâm lí xã hội ấy và bị nó chi phối trực tiếp.
  .Nhưng khi giải thích tư tưởng nghệ thuật chúng ta không chỉ căn cứ vào hoàn cảnh lớn mà còn phải căn cứ vào hoàn cảnh nhỏ của nhà văn. Hoàn cảnh nhỏ có quan hệ trực tiếp đến đời sống cá nhân nhà văn, bao gồm hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình, quan hệ bè bạn, môi trường văn hóa, phong tục,… “Nếu hoàn cảnh lớn tác động đến chiều hướng chung và tầm cỡ chung của tư tưởng nghệ thuật nhà văn, thì hoàn cảnh nhỏ đem đến cho tư tưởng ấy nội dung và hình hài cụ thể”.
Như vậy để khảo sát và tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật của nhà văn chúng ta căn cứ vào “hình tượng nghệ thuật” và đòi hỏi phải một trình độ khái quát, tổng hợp, hệ thống hóa cao. Bên cạnh đó chúng ta phải kiểm tra lại độ chính xác của những kết luận của mình về tư tưởng, nghệ thuật của nhà văn.

Câu2: Dẫn chứng về việc tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân (1910- 1987) là nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông đã tạo cho mình một thế giới nghệ thuật hết sức độc đáo.
Trước cách mạng tháng Tám, trong thế giới nghệ thuật của ông, có một nhân vật luôn luôn hiện diện ở trung tâm của hầu hết các tác phẩm của nhà văn chủ yếu được thể hiện trong tập truyện ngắn “Vang bóng một thời”. Nhân vật này thường xưng “tôi”, nhưng nhiều khi cung sắm những vai khác nhau: nhà nho bất đắc chí, đào nương, kép hát, văn sĩ, họa sĩ, bồi tàu, tướng cướp,…Nhưng dù dưới hình thức nào cũng đều tự khẳng định bằng thái độ ngông nghênh, khinh bạc. Chỗ dựa để nhân vật này có thể đặt mình lên trên thiên hạ là tài hoa hơn đời và cái gọi là “thiên lương” trong sạch, không chịu hoà mình vào môi trường tầm thường, phàm tục chỉ biết thờ phụng cường quyền phi nghĩa và đồng tiền. Con người này suốt đời săn tìm cái đẹp, không phải ở hiện tại mà và tương lai, mà ở quá khứ “vang bóng một thời”, với những phong tục xưa, những thú chơi tao nhã, những giá trị nghệ thuật cổ điển: nhắm rượu, uống trà, chơi lan, chơi cúc, đánh thơ, hát ả đào, chơi cờ tướng, chơi chữ đẹp, thú giang hồ lãng tử,…Các nhân vật này được thể hiện qua một số tác phẩm mà tác giả đã thành công một cách rực rỡ. Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm, Hương cuội. Qua các tác phẩm trên Nguyễn Tuân ta biết thêm được cái thú uống trà của các cụ ta ngày xưa đó không phải là một cử chỉ ăn uống tầm thường mà là một hành vi đặc biệt, có lễ nghi và nhịp điệu rõ ràng. Và ở đây, Nguyễn Tuân có cảm tình với những người như cụ Sáu, ông Đốc học, sư cụ chùa Đồi Mai, cả “người ăn mày cổ quái” biết thưởng thức một chén trà trong sương sớm. Ông ca tụng cụ Kép làng Mọc “ nguyện đem cái quãng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự lũ hoa thơm cỏ quý”. “Mùa xuân cùng vài người bạn tri âm, tri kỉ ngồi thưởng hoa, uống rượu, ngâm thơ”. Còn ở Đánh thơThả thơ, Nguyễn Tuân diễn tả cảnh đánh bạc cũng được ham mê ráo riết, nhưng phủ ngoài một vẻ tao nhã, văn chương. Và nhất là ở “Đánh thơ”, những nhân vật được trình bày với những lời ăn tiếng nói riêng, với những suy xét theo hồi ấy. Sau cái chết sau cùng của đôi vợ chồng ông phó sứ Lăng và cô Mộng Liên, tác giả cho chúng ta thấy một sự thương cảm đôi vợ chồng lãng tử giang hồ này. Ngoài ra cũng trong “Vang bóng một thời” có hai truyện phải chú ý là “Chém treo ngành” và “Chữ người tử tù”. “ Chém treo ngành” nói về cái tài của tên đao phủ Bát Lê, chém đầu những người bị án trảm một cách gọn ghẽ, không đến hai nhát. Ngòi bút của Nguyễn Tuân tưởng như khách quan lạnh lùng, thật ra ý nhà văn để chỗ khác. Ông nói đến một “ quan Công sứ” một quan Đổng lí quân vụ và mười hai tên tử tù của “ loạn đảng Bãi Sậy”, nhưng người đọc tinh ý thấy Nguyễn Tuân đang nói đến những vụ hành hình những người yêu nước đầu thế kỉ XX. Nỗi đau buồn của  nhà văn bộc lộ ở đoạn ông tả Bát Lê tập chém chuối: “Mỗi buổi chiều mặt trời lặn, mấy con chim không tổ mỏi cánh định tìm vào vườn chuối âm u này để ngủ. Nhưng thân chuối cao vút và tàu lá chuối trống trải không đủ là nơi làm tổ, loài chim kêu mấy tiếng thưa thớt rồi bay qua ngọn thành. Vào tiết mưa ngâu, vườn chuối dầm dề một khúc nhạc suông nghe buồn thỉu buồn thiu”. Về lòng căm phẫn của mình thì ông không che giấu nữa trong đoạn kết thúc truyện : “ Lúc quan Công sứ ra về, khi lướt qua mười hai cái đầu lâu còn dính vào da cổ người chết quỳ, sân pháp trường sắp giải tán bỗng nổi lên một trận gió gió lốc xoáy rất mạnh. Thường những lúc xuất quân bất lợi, tưởng cơn lốc cuốn gãy ngọn cờ súy, cũng chỉ mạnh đến thế thôi. Trận gió xoắn, giật, hút cát bụi lên xoay vòng quanh đám tử thi và đuổi theo các quan đang ra về. cái mũ trắng ở trên đầu quan Công sứ bị cơn lốc dữ dội lật rơi xuống bãi cỏ lăn lốc lộn mấy vòng. Mọi người liếc trộm hai quan thủ hiến và thì thào …bấy giờ vào khoảng giữa giờ thân”.
Còn trong “Chữ người tử tù” thì bất cứ ai cũng biết tác giả nói đến ông Huấn Cao không ai khác là Cao Bá Quát, khi cầm đầu cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương, đang giữ chức giáo thụ phủ Quốc Oai (Sơn Tây). Nhà văn không chú ý mấy đến bài viết chữ của ông Huấn mà ở đây ông đề cao phẩm cách hiếm có của ông Huấn Cao, bằng cách tả lòng trọng nghĩa liên tài của viên quản đốc đề lao: “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, thì tính cách dịu dàng, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”, cũng như qua những ý nghĩa thầm lặng của viên ngục quan ấy: “Một kẻ biết yêu mến khí phách, một kẻ biết quý trọng người có tài hẳn không phải là kẻ xấu hay vô tình. Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng”. Và đặc biệt qua lời khuyên của ông Huấn đối với viên quản ngục: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy quản nên thay đổi chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn, tươi tắn nó nói lên những hoài bão tung hoành của đời con người…Tôi bảo thực đấy: thầy nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ, ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững, và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Chính những câu văn đó đã chứng tỏ “thiên lương” của nhà văn, lòng yêu nước khát khao theo đuổi một lý tưởng cao cả của nhà văn.      
Nguyễn  Tuân đã làm sống lại cái không khí cổ xưa đó cũng một phần hoàn cảnh gia đình của Nguyễn Tuân có một đặc điểm. Gia đình cụ tú Nguyễn An Lan, thân sinh Nguyễn Tuân, là cả một môi trường “Vang bóng một thời”. Từ nhỏ nhà văn sống trong không khí của môi trường ấy với những tiệc rượu, tiệc trà đầy nghi lễ của một lớp người dường như còn sót lại của thời đại trước. Cụ Tú Lan cũng là người đã truyền cho người con trai cả của mình dòng máu “ngông” của một nhà nho bất đắc chí…Ta có thể hiểu được tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Tuân là nhờ đã đặt nó trong quan hệ với môi trường rất riêng của nhà văn.
Như vậy tư tưởng nghệ thuật cơ bản của Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám có thể khẳng định là một tinh thần yêu nước thiết tha bộc lộ ở thái độ bất hòa, bất mãn với xã hội thực dân, ở chỗ ngợi ca vẻ đẹp tinh vi độc đáo và đầy tự hào của những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Cuộc cách mạng tháng Tám đã làm thức dậy trong lòng Nguyễn Tuân niềm tin yêu đối với cuộc sống, đối với con người, “một tiếng chó sủa khách, một câu ru con láng giềng, những tiếng coong coong xe ngựa đài tải trong sương chiều. đời sống thật là muôn vẻ…Nguyễn thấy cái gì cũng thú vị cả, miễn là nó ở chung quanh mình, nó ở trong cuộc đời mà ta nhìn được, nghe được, sờ mó được”. Điều này được thể hiện cụ thể ở một số tác phẩm sau cách mạng như tùy bút Đường vui, Tình chiến dịch, Sông Đà hay tập bút kí Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi…
Tùy bút “Đường vui” là bài ca của một con người mang tâm trạng háo hức, tươi vui, tin tưởng đi vào cuộc kháng chiến. chất nghệ sĩ, chất lãng mạn, “chất công dân” trong con người ông đã tạo nên những trang viết thật hồn nhiên, thật xúc động. “Bạn ơi ta leo dốc cho chắc bước cho đều  bước , ta xuống dốc cho ròn cho dẻo. Rừng mai, rừng trúc, chậm lại mà thấm lấy phong quang của cảnh sắc quê hương. Chỗ nào là núi đất rừng nứa, ta nhanh bước lên muỗi vắt nhiều lắm đấy. Suối trong mời ta và giặt phơi luôn quần áo trên những tảng đá của tranh thủy mặc Tàu. Rồi vừa đi vừa phơi luôn quần áo trên lưng mình trên đầu mình, ta hãy dành một phút mà mặc niệm người thợ giặt cũ”.
“Tình chiến dịch” là sự tiếp nối âm hưởng sôi động của cuộc kháng chiến được bắt đầu từ tùy bút “Đường vui”. Tuy ông không trực tiếp tham gia vào cá trận đánh, nhưng ông theo sát bộ đội trong các cuộc hành quân, cũng sống ở chiến khu, cũng vào đồn địch, cũng làm công tác dân vận..Nguyễn Tuân thật sự tâm huyết và có sự đồng cảm với nhân dân và bộ đội trong cuộc kháng chiếng chống thực dân Pháp đầy gian khổ. Ngòi bút của Nguyễn Tuân đầy trách nhiệm và tình người.
Nguyễn Tuân là người say đi, say khám phá và sáng tạo. Gần như không có nơi nào trên đất nước là ông chưa từng đặt chân đến. Nhiệt tình cách mạng, tình cảm tha thiết đối với quê hương, đất nước cùng với sự hiểu biết phong phú về cảnh sắc và con người đã giúp Nguyễn Tuân viết nên những thiên tùy bút thật đặc sắc, có sức lay động lòng người. “Sông Đà” là kết quả của cuộc đấu tranh tư tưởng và chuyến đi Tây Bắc của Nguyễn Tuân. Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân đã hiện lên rực rỡ với muôn sắc màu. Viết về cái đẹp vốn là sở trường và niềm say mê của ông. Vì thế mà con sông Đà hiện lên thật nên thơ và gợi cảm dưới ngòi bút của ông: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc, ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Con sông Đà được Nguyễn Tuân thể hiện bằng những đoạn văn giàu nhạc điệu và rất trữ tình: “ Cảnh ven sông ở đây lặng như tờ. Hình như từ đời Lí , đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ tranh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ tranh đẫm sương đêm… bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Và có rất nhiều những trang văn giàu âm điệu, giàu màu sắc khi tác giả nói về vẻ đẹp của con người sông Đà. Nhưng cái tạo nên một phong cách mới, một sự thay đổi về chất trong con người Nguyễn Tuân chính là cái vẻ đẹp thiên nhiên đó đã được gắn kết với vẻ đẹp trong tâm hồn con người. Nguyễn Tuân “đi tìm cái thứ vàng của màu sắc sông núi Tây Bắc”, nhưng quan trọng hơn là ông muốn đi tìm “cái túi vàng mười mang sẵn trong tâm trí tất cả những con người này đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc xây dựng cho Tây Bắc thêm sáng sủa tươi vui và vững bền”.
“Sông Đà” mang đậm cảm hứng lãng mạn cách mạng, nó đánh dấu sự kế thừa và phát triển của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân, nó khẳng định độ chín muồi của ngòi bút Nguyễn Tuân sau cách mạng.
Trong những ngày Hà Nội đánh Mĩ, ông cũng có ngay tập ký “Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi” nói về ý chí và lòng dũng cảm của bộ đội, nhân dân thủ đô, đồng thời vạch trần âm mưu và những thủ đoạn đê tiện, bỉ ổi của bọn giặc Mĩ. Phải là người hiểu thấu và yêu Hà Nội tha thiết, Nguyễn Tuân có được những trang viết về người Hà Nội đánh Mĩ. Người Hà Nội mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu song vẫn  giữ được nét tài hoa, tài tử của mình. Trong bom rơi, đạn nổ, phong thái của người Hà Nội vẫn ung dung tự tại, đầy lạc quan, tin tưởng vào sự tất thắng của chính nghĩa. Bài ký này không chỉ đóng góp đáng kể của Nguyễn Tuân về nội dung tư tưởng mà còn ở giá trị nghệ thuật. Nó là sự phản ánh nhiệt tình yêu nước, lòng căm thù giặc của tác giả và sức mạnh của thể ký trong việc diễn tả dung lượng lớn lao của dân tộc.
Qua việc tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Tuân ta có thể thấy rằng những sáng tác trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân luôn thể hiện là một nghệ sĩ tài tử, ngông nghênh, kiêu bạc với cuộc đời. Bất mãn với xã hội, một mặt ông đi tìm những vẻ đẹp thuần túy trong thiên nhiên, xã hội, mặt khác quay lưng với thực tại, trở về với quá khứ, với những vẻ đẹp “ vang bóng một thời”, hay tiêu phí cuộc đời trong bê tha trụy lạc…Tất cả những phản ứng đó đều  mang ý nghĩa tiêu cực nhưng trong đó cũng chứa đựng hạt nhân tích cực, đó là sự bất hợp tác của Nguyễn Tuân đối với chế độ thực dân nửa phong kiến. Cách mạng tháng Tám đã mở ra một chân trời mới cho sáng tạo nghệ thuật. Nguyễn Tuân nhanh chóng hòa mình cùng với nhân dân, với dân tộc, lúc bấy giờ cái tôi cá nhân của Nguyễn Tuân đã hòa vào cùng một nhịp với cái của dân tộc.







TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb giáo dục.
2.     Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn Việt Nam hiện đại - Chân dung và phong cách, Nxb văn học, 2006.
3.     Tôn Thảo Miên tuyển chọn và giới thiệu Nguyễn Tuân về tác giả và tác phẩm, Nxb giáo dục, 2001.






























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét